Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau

Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau
KIỀU BỊ TÚ BÀ DỐI GẠT GIỮ TẠI LẦU NGƯNG BÍCH. Ở đây, Kiều gặp Sở Khanh. Tin lời khoác lác của Sở, Kiều tưởng hắn sẽ bỏ tiền ra mua chuộc nàng, cứu nàng thoát khỏi cảnh lầu xanh của mụ Tú Bà nên có lời tha thiết nói với hắn:
Rằng: "Tôi bèo bọt chút thân"
Lạc đàn mang lấy nợ nần yến oanh
Dám nhờ cốt nhục tử sinh
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau"
"Kết cỏ, ngậm vành" đều chỉ sự báo đáp ơn nghĩa.
Ðời Xuân Thu (772- 480 trước DL) tướng nước Tần là Ðỗ Hồi đem quân đánh nước Tấn.
Hồi là một lực sĩ, hình dung cổ quái, răng nhọn bén như lưỡi cưa, mắt tròn xoe như ốc nhồi, tay cứng như đồng, mặt đen như sắt, thân người cao lớn chuyên sử dụng cây khai sơn đại phủ (búa lớn) nặng 120 cân, người thuộc giống Bạch Ðịch, đánh trận chuyên đi bộ. Ðã có lần tại núi Thanh Mi, Ðỗ Hồi đâm chết 5 con hổ một lần, lột da đem về, và cũng có lần, Hồi chỉ huy 300 quân mà phá vỡ hơn 10.000 quân giặc ở núi Sa Nga. Thật là một quái nhơn mạnh tợn, khét tiếng lừng danh.
Tướng của nước Tấn là Ngụy Khỏa đem quân ra nghênh chiến. Ðỗ Hồi dẫn 300 quân xông vào mặt trận, múa cây khai sơn đại phủ tung hoàng chém giết. Búa đến đâu là người bay văng lông lốc. Quân Tấn chết nằm ngổn ngang như rạ.
Ngụy Khỏa vội rút quân, đóng chặt cửa thành giữ lấy thế thủ. Mặc dầu Ðỗ Hồi đến khiêu chiến, chửi rủi thậm tệ suốt cả mấy ngày, Khoả vẫn bất động như câm như điếc. Vừa lúc ấy có em của Khỏa là Ngụy Kỳ vâng lệnh vua Tấn, đem quân tiếp ứng. Khỏa thuật cả sự việc lại. Kỳ không tin, hôm sau đem quân nghênh chiến.
Ðỗ Hồi lại múa búa tả xông hữu đột, chém giết quân Tấn tơi bời, máu chảy tợ suối, Ngụy Kỳ thua to. May nhờ có Nguỵ Khỏa liều thân đổ quân tiếp cứu mới được về thành.
Ðêm hôm ấy, Ngụy Khỏa ngồi buồn rầu, nghĩ quanh quẩn, không biết mưu kế gì phá được giặc. Ðương mơ màng, bỗng nghe văng vẳng tiếng người ở bên tai "Thanh thảo pha! Thanh thảo pha!". Ðến lúc tỉnh dậy, không hiểu nghĩa là gì mà chợp mắt ngủ lại thì cũng nghe như trước. Ngụy Khỏa thuật cho Kỳ biết. Kỳ nói:
- Cách đây độ 10 dặm có một bãi cỏ tên Thanh thảo pha, có lẽ thần linh mách bảo quân Tần sẽ bị đại bại tại đó. Vậy tôi xin đem một toán quân mai phục sẵn, rồi anh lập kế dụ quân địch đến. Bây giờ hai bên đổ ra cùng đánh, chắc chắn sẽ thắng.
Ngụy Khỏa bằng lòng.
Sáng ra, Ngụy Khỏa giả cách truyền lệnh rút quân. Quả nhiên, Ðỗ Hồi xua quân đuổi theo. Ngụy Khỏa giao chiến qua loa một lúc rồi bỏ chạy, dụ Hồi đến Thanh thảo pha. Bấy giờ, quân mai phục của Ngụy Kỳ ở hai bên bất thần đổ ra hợp quân với quân của Ngụy Khỏa vây chặt lấy Ðỗ Hồi. Hồi chẳng nao núng, múa búa tung hoành chống đánh như vào chỗ không người. Nhưng bỗng nhiên, Ðỗ Hồi đi một bước lại ngã chúi một cái như trượt hay bị dây quấn chân, giống như người say rượu nặng. Quân Tấn ngạc nhiên, reo ầm cả lên.
Ngụy Khỏa cũng lấy làm ngạc nhiên, nhìn kỹ thấy bóng lờ mờ một cụ già mặc áo vải, chân đi giày cỏ đương kết cỏ lại làm vướng chân Ðỗ Hồi. Bấy giờ, Khoả và Kỳ xông lại bắt sống Hồi. Quân Tần mất tướng chỉ huy nên bỏ chạy tán loạn, bị quân Tấn đuổi bắt giết gần hết.
Ðem Ðỗ Hồi về dinh, Ngụy Khỏa hỏi:
- Mày cậy có sức mạnh, sao nay để bị bắt?
Hồi uất hận trả lời:

- Ta đương đánh, không biết có vật gì trói lấy chân ta làm cho ta ngã. Ðó là trời hại ta, chớ không phải ta thua.
Ngụy Khỏa nghe nói càng lấy làm lạ. Thấy Hồi có sức mạnh phi thường, sợ đánh thoát được nên Ngụy Khỏa truyền đem giết ngay, cắt lấy đầu dâng lên vua Tấn. Ðêm đến, Ngụy Khỏa nằm mộng thấy cụ già kết cỏ ở Thanh thảo pha hiện đến chào, nói:
- Tướng quân có biết tại sao Ðỗ Hồi bị bắt không? Tôi kết cỏ lại làm vướng chân hắn đấy.
Ngụy Khỏa kính sợ, chắp tay đáp lễ, nói:
- Tôi chưa biết cụ già bao giờ, sao cụ có lòng tốt giúp tôi như vậy? Tôi biết lấy gì đáp ơn cụ cho xứng đáng!
Cụ già nói:
- Tôi là cha của Tố Cơ. Tướng quân theo lời trị mạng của tiền nhân không chôn sống con tôi mà còn tìm chỗ xứng đáng gả con tôi lấy chồng. Vì cảm ơn ấy nên tôi giúp tướng quân để gọi là đáp nghĩa.
Nói xong biến mất.
Nguyên trước kia, cha của Ngụy Khỏa là Nguỵ Thù có một người thiếp tên là Tố Cơ. Mỗi khi Nguỵ Thù đi đánh giặc, thường dặn Nguỵ Khoả: "Nếu cha chẳng may chết ở chiến trường, con nên tìm chỗ tử tế mà gả Tố Cơ cho nàng khỏi phải khổ sở tấm thân. Cha dẫu chết cũng được yên lòng". Nhưng đến lúc Nguỵ Thù đau nặng, trước giờ phút chết lại bảo Nguỵ Khoả: "Tố Cơ là người thiếp yêu của cha. Khi cha chết rồi, con phải đem nàng mà chôn theo cha để cha ở suối vàng có người làm bạn"
Nguỵ Thù chết. Ngụy Khỏa an táng cha nhưng không bắt Tố Cơ chôn theo. Nguỵ Kỳ hỏi tại sao không vâng lời cha trối lúc lâm chung thì Nguỵ Khoả đáp:

- Thân phụ lúc nào cũng dặn ta sau này nên gả Tố Cơ lấy chồng. Nhưng đến lúc gần mất lại dặn phải đem chôn theo. Người con hiếu nên theo trị mạng (lời dặn trong lúc tỉnh) chớ không nên theo loạn mạng (lời dặn trong lúc mê).
Sau, Ngụy Khỏa gả Tố Cơ cho một danh sĩ.
Do đó, cụ già kết cỏ để đền ơn trả nghĩa.
"Ngậm vành" do chữ "Hoàng tước hàm hoàn", nghĩa là do chim Hoàng tước ngậm vòng (vành)
Ðời nhà Thương (1783- 1154 trước DL), triều vua Thái Mậu (1637- 1562 trước DL) có một chư hầu đem dâng cho nhà vua một chim Hoàng tước trống.
Ðược chim quý, nhà vua truyền làm một chiếc lồng bằng vàng, chén ăn bằng ngọc và bắt quan thái giám chăm sóc cẩn thận. Nhưng chim ngày ngày vẫn ủ rũ, không nhảy nhót, kêu hót. Hằng ngày, ngoài vườn lại có con Hoàng tước mái từ đâu đến đậu, cất tiếng kêu ảo não. Hoàng tước trống trong lồng cũng cất tiếng ảo não họa theo. Và, từ đó ngày lại ngày, chim trống bỏ ăn bỏ uống.
Thấy chim trống buồn, chim mái bi thương, nhà vua động lòng thương xót, truyền thả Hoàng tước trống ra. Ðược thoát khỏi lồng, trống mái sum họp. Ðôi chim bay lượn ba vòng chung quanh đền, cất tiếng hót véo von, giọng lảnh lót, hân hoan.
Một thời gian, nhà vua đương ngự trên đền, bỗng thấy Hoàng tước trống bay đến, miệng ngậm một chiếc vòng. Chim lại sà trước mặt nhà vua, nhả chiếc vòng ngọc quý rồi vỗ cánh múa, tỏ vẻ tạ ơn đoạn bay đi.
Lại có thêm một điển tích khác.
Ðời Hậu Hán (25- 219) có cậu bé tên Dương Bảo, một hôm đi chơi bên cạnh một khu rừng. Thấy một chim sẻ vàng bị chim cắt đánh rơi xuống. Chim sẽ bị què chân, gãy cánh, quằn quại kêu la thảm thiết. Bảo đem về chăm sóc, đến khi chim lành mạnh liền cho bay đi. Một hôm có một chàng trai tuấn tú, mặc áo vàng đến nói với Bảo:
- Tôi là sứ giả của bà Tây Vương Mẫu, chẳng may gặp nạn, may nhờ ông cứu, ơn ấy chẳng quên. Vậy xin dâng ông 4 vòng ngọc quý, chúng sẽ làm cho bốn đời nhà ông được hưởng phú quý, sang làm đến chức Tam công.
Dương Bảo nhận lấy vòng, chưa kịp tạ ơn thì chàng trai áo vàng biến mất. Quả nhiên về sau, họ Dương bốn đời đều sang cả, vì những chiếc vòng ấy như nhắc nhở họ Dương đời đời làm điều thiện.
Người làm ơn nghĩa không mong người đáp ơn trả nghĩa. Nhưng hành động đáp ơn trả nghĩa âu cũng có tác dụng khuyến khích người luôn luôn giữ nghĩa thi ơn làm tròn đạo lý.
"Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau", Kiều mong được Sở Khanh cứu giúp Kiều thoát khỏi cảnh lầu xanh, sau này nàng sẽ đền đáp ơn sâu nghĩa nặng nhiều lần, mãi mãi chớ không phải một lần. Kiều nói một câu khẳng định và thuỷ chung. Vì thường tình có kẻ vong ơn bội nghĩa "tắm khi nào vuốt mặt khi nấy"; hoặc có vẻ đẹp một chút là trả ơn một lần coi là xong việc.
Tác giả Truyện Kiều dùng tiếng "còn nhiều" làm tăng thêm phần giá trị nội dung cho điển tích; và cũng để người đời càng thẳng tay kết tội Sở Khanh, một người được Kiều coi là một vị cứu tinh, không ngờ là một tên bịp bợm tai ác.
"Sở Khanh" trở thành một nhân vật điển hình bỉ tiện- một thành ngữ chỉ những tên lừa bịp tình cảm gạt gẫm lấy gái rồi bỏ.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều - NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...