Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên quân

Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên quân
Cùng ở đoạn tả cảnh Từ Hải đến gặp Kiều ở lầu xanh, cả hai cùng đối đáp nhau. Qua lời Từ Hải ngỏ ý khen Kiều thì nàng đáp lại:
Nàng rằng: "Người dạy quá lời
Thân này còn dám xem ai làm thường
Chút riêng chọn đá thử vàng
Biết đâu mà gởi can trường vào đâu?
Còn như vào trước ra sau
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình"
Từ rằng: "Lời nói hữu tình,
Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên quân
Lại đây xem lại cho gần
Phỏng tin được một vài phần hay không?"
(câu 2185 đến 2194)
Bình Nguyên quân tên Triệu Thắng, người nước Triệu đời Chiến quốc (479- 220 trước DL), được vua Huệ Vương phong làm Tướng quốc, phong cho đất Bình Nguyên nên gọi là Bình Nguyên quân.
Cũng như Mạnh Thường quân (tướng nước Tề), Tín Lăng quân (tướng nước Nguỵ), Bình Nguyên quân người rất hiếu khách. Trong nhà lúc nào cũng có thực khách đến ngàn người. Khi quân nước Tần vây kinh đô nước Triệu là Hàm Ðan, vua nước Triệu phải sai Bình Nguyên quân sang nước Sở cầu cứu bằng cách liên minh. Bình Nguyên quân định chọn trong số thực khách 20 người có đủ sức khỏe và mưu mẹo cùng đi. Nhưng chỉ chọn được 19 người. Một thực khách tên Mao Toại bước ra, tình nguyện đi cho đủ số. Bình Nguyên quân hỏi:
- Thầy ở nhà nầy được bao lâu?
- Ðã được ba năm
Bình Nguyên quân nói:

- Phàm bực hiền sĩ ở đời chẳng khác gì cái dùi trong một cái túi, bao giờ mũi nhọn cũng thò ra ngoài. Thầy ở đây đã đến ba năm mà tôi chưa từng được nghe người chung quanh khen ngợi điều gì, thế là thầy không có đặc tài, vậy xin mời thầy ở lại nhà.
Mao Toại thản nhiên, cười nói:
- Chính ngày nay tôi mới xin làm cái dùi trong túi đó. Nếu tôi sớm được như cái dùi trong túi thì chẳng những chỉ thò mũi nhọn ra, mà lại còn nhảy tuột cả ra ngoài nữa.
Nghe lời đáp có ý nhị lạ lùng, Bình Nguyên quân bằng lòng cho đi. Mười chín thực khách kia nhìn nhau cười thầm, có vẻ khinh thường.
Ðến nước Sở, Bình Nguyên quân cùng vua Sở bàn việc liên minh, giải bày lợi hại từ sáng sớm đến trưa mà vẫn chưa ngã ngũ ra sao. Mười chín thực khách kia bèn bảo Mao Toại:
- Xin mời tiên sinh lên đi.
Mao Tạo cầm kiếm bước lên thềm, nói với Bình Nguyên quân:
- Việc liên minh lợi hại thế nào chỉ nói vài lời cũng quyết định được. Thế mà bàn bạc từ sáng đến trưa vẫn chưa ra bề nào là cớ làm sao?
Vua Sở hỏi ai. Bình Nguyên quân cho biết đó là người nhà. Vua Sở quát:
- Sao không lui xuống? Ta đương nói chuyện với chủ nhà ngươi, lên đây làm gì?
Mao Toại vẫn cầm kiếm tiến lên, đĩnh đạc nói:

- Nhà vua sở dĩ quát tháo mắng tôi vì cậy nước Sở đất rộng người nhiều. Nhưng từ chỗ nhà vua đến chỗ tôi đứng chỉ trong mười bước, thế là tính mạng nhà vua ở trong tay tôi, vậy cậy thế nào được đất rộng người nhiều? Hiện có chủ tôi ngồi mà nhà vua quát tháo tôi thì còn lễ độ gì? Vả, tôi có nghe rằng: vua Thang chỉ nhờ khoảnh đất 70 dặm mà làm vua thiên hạ; vua Văn chỉ nhờ một vùng 100 dặm mà khuất phục được chư hầu, có phải đâu do nhiều sĩ tốt? Nay nước Sở muốn giữ được thế, chấn được uy thì sẵn đất vuông 5 ngàn dặm, dưới cờ kể có trăm vạn quân đủ sức để làm bá vương đó. Nhưng sức mạnh như thế, đáng lẽ thiên hạ không sao địch nổi, thế mà thằng nhãi Bạch Khởi, tướng của nước Tần, chỉ đem có vài vạn quân đánh nhau với Sở, trận đầu đã chiếm mất của Sở đất Yên Sinh, trận thứ hai đoạt lấy Di Lăng, trận thứ ba xâm phạm đến lăng tẩm của tiên vương nước Sở. Ðó là mối thù đến muôn đời. Ngay nước Triệu chúng tôi còn hỗ thẹn thay, thế mà nhà vua không biết căm giận. Vậy ngày nay, liên minh chính là vì nước Sở chớ không phải vì nước Triệu. Chủ tôi ngồi đó, nhà vua quát tháo tôi nghĩa là làm sao?  Vua Sở nghe thấm thía, gật đầu bảo:
- Phải, phải! Công việc nước tôi, đúng như lời nhà thầy nói. Vậy tôi xin đem cả nước để liên minh.
Ðoạn, tất cả tôi chúa đôi bên đều uống máu ăn thề
Mao Toại cười nói với bọn 19 người:
- Ðối với sự thành công này, các ông chỉ là theo đuôi, uống máu ăn phần đó thôi!
Thực hiện được cuộc liên minh với Sở để chống Tần, Bình Nguyên quân trở về nước Triệu, nói:
- Thôi, ta không dám xét đoán người nữa. Xưa nay ta đã từng xét đoán thiên hạ, kể số nhiều thì đến hàng ngàn người, mà ít thì cũng hàng trăm, vẫn tự hào chưa hề sai lầm ai cả. Thế mà đến nay, tự biết mình trước kia đã không nhận rõ đặc tài của Mao tiên sinh. Khi sang nước Sở, Mao tiên sinh đã làm cho nước Triệu được tôn kính. Mới biết tiên sinh đã khéo dùng ba tấc lưỡi mạnh hơn trăm vạn quân. Thôi, từ đây ta không dám xét đoán người nữa.

Bình Nguyên quân liền cất Mao Toại lên hàng thượng khách.
Tuy dùng người mà ông vẫn tự nhận để thiếu sót trong việc biết người. Lời nói đó thật tri kỷ tri bỉ.
- Biết đâu mà gởi can trường vào đâu
- Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên quân
Lời lẽ và ý tứ hai câu vốn mượn ý và lời ở hai câu liền nhau trong bài "Hàm an thiếu niên hành" của Cao Tử đời nhà Ðường: "Bất tri can đảm hướng thuỳ thị; lính nhân khước ức Bình Nguyên quân". (Biết ai gan ruột như mình; khiến người lại nhớ đến Bình Nguyên quân).
Kiều lấy ý câu trên tha thiết nói với Từ Hải:
"Biết đâu mà gởi can trường vào đâu?"
(tức "Bất tri can đảm hướng thuỳ thị?")
Nhưng Kiều lại bỏ lửng ý câu sau... Phải kể là một cái hay. Từ Hải lại tiếp nối:
"Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên quân"
(tức "Linh nhân khước ức Bình Nguyên quân")
Lại thêm một cái hay.
Bình Nguyên quân là người có danh tiếng biết xét đoán người (chỉ lầm Mao Toại) ở đây được dùng chỉ cả hai: Kiều là người biết xét đoán con người Từ Hải, thì Từ Hải cũng là người biết xét đoán con người Kiều. Cũng ở ý này còn có một chi tiết đáng chú ý là tài năng của Từ Hải, chẳng những có tài thao lược mà còn am hiểu văn chương, rất nhớ chữ sách... qua bút pháp tài tình của tác giả "Truyện Kiều" trong cách sử dụng điển cố.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...