Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai

Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai
Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh, trước khi theo về Lâm Tri, Kiều ngồi đối bóng với ngọn đèn khuya, nhớ đến mối tình đầu giữa nàng và Kim Trọng vì gia biến mà phải dang dở, bẽ bàng nên đau lòng than thở:
Biết bao duyên nợ thề bồi
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai
(câu 705 đến 708)
Và, khi dặn Thuý Vân thay mình để kết duyên với Kim Trọng có câu:
Mai sau, dù có bao giờ
Ðốt lò hương ấy, so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai
(câu 741 đến 764)
Ðoạn diễn tả Thúc Sinh vào lầu xanh ở Lâm Tri gặp Kiều, mưu đem giấu Kiều rồi đem vàng chuộc Kiều, để Kiều thoát cảnh lầu xanh:
Công tư hai lẽ đều xong
Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai
Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể càng dày tình sông
(câu 1379 đến 1382)
"Trúc mai" là cây trúc và cây bương
Trúc thuộc loại tre nhỏ. Bương là một giống tre to ở rừng. Lá bương to có thể dùng gói bánh, thân to có thể dùng làm cột nhà. Cây bương già có hoa, gần giống bông lau nhưng dài hơn, thường gọi là bông mai dùng bó làm chổi gọi là chổi bông mai. Mai này không phải là loại mai vàng, mai trắng hay cây mơ nở hoa trắng vào mùa Xuân.
Măng bương to mập, người gọi là măng mai. Cũng như tre, trúc có măng. Ca dao ta có bài "Lính thú đời xưa", có câu:
.... Ðốn tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng"....
"Trúc mai" ở đây chỉ người bạn tình chung thuỷ. Vì trúc và mai (bương) là giống cây có đốt thẳng lóng ngay, và suốt đời không thay đổi đốt và lóng ấy. Người ta mượn "trúc mai" để chỉ người bạn suốt đời giữ được trọn tiết (tiết nghĩa đen là đốt như đốt tre, đốt trúc) không thay lòng đổi dạ, không nghĩ quanh co (tre trúc bao giờ cũng thẳng) tức là người giữ trọn lời thề.
Hai người thề bồi cùng nhau, người này không giữ được lời thề tức là mang nợ (lời thề) với người kia. Và, theo thuyết luân hồi của đạo Phật, người mắc nợ ở kiếp này thì kiếp sau phải làm thân trâu ngựa để trả nợ cho người chủ nợ.
Hình dung bằng cây trúc và cây mai là những người trọn đời giữ vững lòng ngay dạ thẳng, vẹn thuỷ toàn chung. Trúc mai lại có ý chỉ vợ chồng. Vì đạo vợ chồng cốt ở tình nghĩa có tính chất như cây trúc, cây mai
Nhưng "trúc mai" còn có một ý nghĩa khác là khi đảo ngược lại ra "mai trúc"
Ðây không phải là cây tre và cây mơ, và cũng không phải cây trúc và cây bương mà là trúc làm mai mối (mai trúc). Ðiển tích này được chép trong "Lưỡng ban thu vũ am tùy bút"
Nguyên ở cửa sông Liêu Khê, huyện Long Môn, tỉnh Quảng Ðông có một cái đầm tên là Ðỗ Phụ (Ðỗ phụ đàm), nghĩa là đầm đánh đố được vợ. Tương truyền xưa có một cậu và một cô bé trạc tuổi nhau thường ngồi bên mé đầm. Hai trẻ rất thân thiết, một hôm bảo nhau:
- Chúng ta bây giờ chơi thân, gần gũi nhau, nhưng biết có được như vầy mãi không? Lớn lên chắc phải xa nhau, người một nơi kẻ một ngã
Cả hai đều lấy làm buồn. Nhưng rồi chúng nghĩ ra một cách đánh đố (bói), chẻ một lóng trúc làm đôi, mỗi đứa cầm một mảnh liệng xuống dòng nước, nguyện với nhau rằng: nếu hai thanh trúc ghép lại tất là hai đứa được gần nhau. Hai mảnh trúc trôi xuôi nhưng rồi từ từ ghép lại làm một như lóng trúc chưa chẻ.
Về sau, lớn lên cả hai kết thành vợ chồng. Do đó, đầm ấy có tên là "Ðỗ phụ đàm". Giống trúc mọc trên bờ đầm gọi là "mai trúc"
Ðời Thanh (1644- 1909) thi hào Khuất Ông Sơn có thơ vịnh Mai Trúc:
Lưỡng biên sinh trúc hợp vô ngần
Sinh trúc năng thành phu phụ ân
Ðàm thượng chí kim lại trúc mỹ
Chi chi từ hiếu cánh đa tôn
Nghĩa là:
Một đôi thanh trúc khép như in
Thanh trúc xe nên duyên bá niên
Mai trúc trên đầm nay vẫn tốt
Rườm rà cành nhánh cháu con hiền
(Bản dịch của Văn Hạc)
"Ðền nghì trúc mai" tức là đền đáp tình nghĩa vợ chồng
Vì gia biến, Kiều đành lỗi hẹn quên thề với Kim Trọng ở kiếp này, vậy thôi thì dầu tấm thân này có tan nát đi nữa (nát thân bồ liễu), xin kiếp khác nguyện (làm thân trâu ngựa) để đền đáp lại vì cái tội không làm tròn tình nghĩa vợ chồng đã thề nguyền.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...