Bài “Người về” được viết năm 1992, xuất bản lần đầu trong tập
“Người đi tìm mặt” của Hoàng Hưng (NXB VHTT, 2004), sau được tuyển
vào nhiều tuyển tập thơ của Việt Nam, đặc biệt là “100 bài thơ hay nhất thế kỷ
XX” (NXB Giáo dục, 2007) và bản tiếng Anh (Nguyễn Đỗ và Paul Hoover) vào Tổng tập
Văn học Thế giới LitFinder (tạm dịch: Tìm Văn), do nhà thơ Emma Hull biên tập,
xuất bản tại chi nhánh ở Anh quốc năm 2009, một loại sách tham khảo văn học bằng
tiếng Anh của tập đoàn những NXB nổi tiếng như Macmillan Reference USA™,
Charles Scribner’s Sons®, Primary Source Media
-http://thethaovanhoa.vn/
Lời tâm sự của tác giả
Năm 1982, do dính líu vào vụ “Về Kinh Bắc”, tôi bị bắt, bị
giam không xét xử và đưa đi trại cải tạo trong 39 tháng cả thảy. Nguồn gốc của
vụ này là tập bản thảo nhà thơ Hoàng Cầm cho tôi, dẫn đến việc tôi bị nghi ngờ
là tìm cách chuyển nó ra nước ngoài. Điều không may là, từ bản thảo của Hoàng Cầm
công an lại tìm thấy những bản thảo khác của chính tôi mà họ cho là còn “phản động
gấp trăm lần của Hoàng Cầm”.
Trong thời kỳ này và thời gian dài sau đó, những bài thơ tôi
làm đều phản ánh nỗi ám ảnh của những thân phận sống trong một thời đầy bất an
ghê gớm. Cái linh cảm trong thơ tôi nói lên từ 15 năm trước trong bài
thơ Tỉnh giấc ở Hòn Gai đã trở thành kinh nghiệm sinh tồn của chính
mình. Về hình thức, các bài thơ đầu tiên thời kỳ này (thơ viết trong óc ở trong
tù) là sự tiếp nối dòng thơ vụt hiện, rồi sau đó được tiếp tục với thơ tự do có
vần và không vần, diễn đạt cô đúc những biến động của tâm hồn tôi đau đớn dằn vặt.
Đây là một bài trong số đó: (Người về)…
Tôi viết bài này năm 1992, tức là 7 năm sau khi ra tù. Lúc đó
tôi cũng đã quen với vị thế nhà báo của mình đã được phục hồi. Nhưng trong một buổi tiệc ở Hội Mỹ thuật TPHCM, có một người lạ mặt đến
gần tôi, nhìn tôi trừng trừng và hỏi: “Anh từ nơi ấy trở về chứ gì?”, Rồi bỏ
đi. Tôi đứng sững như trời trồng, và lặng lẽ ra về. Sự việc ám ảnh tôi suốt đêm
hôm ấy. Nó làm tôi nhận thức được một thân phận khác của mình trong xã hội. Vài
ngày sau thì bài thơ ra đời.
Trích bản dịch từ bài nói chuyện tiếng Anh tại University of
Washington và đăng tại tạp chí New American Writing 2003
http://4phuong.net/…/lich-su-hien-dai-hoa-tho-viet-trong-ma…
BÌNH LUẬN THƠ
Allen Ginsberg
(Nhà thơ Mỹ, 1926-1997, được coi như thủ lĩnh Beat
Generation)
(Thư viết tay gửi HH18/2/1997)
Robert Creeley
(Nhà thơ Mỹ, 1926-2005, Thi khôi - Poet Laureate bang New
York 1989-1991, đồng Chủ tịch Academy of American Poets)
Đọc bản dịch các bài thơ của ông, tôi rất xúc động vì những
xúc cảm về sự lạc lõng và mất mát trong đó. Chắc là cả thế giới chúng ta đã đi
đến cùng một chỗ đắng cay như thế.
(email 12/7/2001)
Marie Étienne
(Nhà thơ Pháp, BTV báo Aujourd’hui Poésie)
Điều mà tôi yêu trong các bài thơ của Hoàng Hưng, đó là ông
đã phục dựng cái thực tại khách quan, bên ngoài, thông qua lăng kính của tinh
thần, của cái thực tại bên trong, chủ quan, mộng mị và nhạy cảm. Cho nên trong
thơ ông có những ghi nhận chính xác về các sự vật, nơi chốn hay biến cố, nhưng
những cái đó truyền đạt tới chúng ta đã được phóng đại, biến dạng, sửa đổi bởi
những gì mà tác giả nhìn thấy và bởi những gì rung lên trong ông.
(email từ Paris 15/6/2002)
Thư của Nguyễn Hữu Đang gửi Hoàng Hưng
(Nguyễn Hữu Đang, 1913-2007, được coi là thủ lĩnh chính trị
báo Nhân Văn)
… Càng thấm thía hơn đối với tôi là bài “Người về” mà tôi thấy
đề tài và chủ đề trùng hợp – song mở rộng hơn, khơi sâu hơn - với một bức danh
hoạ của Repine (Nga). Có thể nói câu:
“Bước vào cửa người quen tái mặt”
của anh đã được Repine minh hoạ chính xác, đầy đủ. (Anh có thể
tìm xem bức tranh này trong tuyển tập tranh Repine do Liên Xô xuất bản, chú
thích bằng Pháp văn, đã bán ở Hà Nội, hiện tôi đang có). Tên bức tranh là: “Những
người không ai chờ đợi” nói tình huống bi thảm của những người tù đày chính trị
từ Siberie trở về gia đình, bị xa lánh. (Thư viết tay gửi HH, Hà Nội 6/6/1994)
talawas.org
Người về & Mùi mưa
Paul Hoover
(Nhà thơ Mỹ, Tác giả cuốn sách nổi tiếng “Post-modern
American Poetry”, đồng chủ biên tạp chí “New American Writing”;
Poet-in-residence, trường Columbia College Chicago, hiện là GS Khoa Viết văn
San Francisco State University)
Hai bài thơ của Hung thể hiện một phong cách và đề tài nhất
quán của một con người ở đầu chót của sợi thừng hay ở tột đỉnh của một kinh
nghiệm đau khổ hay giải thoát khỏi đau khổ. Cả hai bài thơ đều liên quan đến việc
sử dụng thời gian như một phần của tấn kịch ấy. Trong bài “Mùi mưa hay bài thơ
của M.” hai người yêu đã chia lìa trong 15 năm rồi lại gặp lại nhau. Tình yêu của
họ bền bỉ như mưa đang rơi, nhưng xa cách một nghìn đêm đã là nỗi đau khổ cực độ,
và bây giờ họ ước mong được chết cùng nhau dưới mái nhà mưa rơi (để mà giữ cho
tình yêu của họ được vĩnh cửu).Trong bài “Người về”, một người trở về sau một
thời gian vắng mặt không rõ lý do từ một “cõi ấy”, để khám phá ra rằng vợ, con,
và bạn bè không còn biết, không còn hiểu được mình nữa. Người ấy đã là một hồn
ma đối với họ. Và sự vắng mặt đối với ông đã một vết thương nặng nề đến mức ông
nghẹn giữa bữa tiệc vui, tới hai năm sau ông còn sực tỉnh vì cơn ác mộng và tới
tận mười năm sau khi trở vể, ông còn ngồi một mình trong bóng tối. Ông là một
người xa lạ trong cuộc sống của chính mình. Nhưng rồi ông cũng có sự giải thoát
khỏi đau khổ. Có một ngày ông mệt mỏi chán chường vì ánh mắt nhìn chằm chằm, và
có một đêm một tiếng nói, có thể là của một nguời đàn bà, cất lên hỏi ông. CáI
vỗ vai làm ông giật mình dường như đưa ông trở lại thế giới. Ông sực tỉnh lại,
hoặc là trở về cuộc sống đã từng tiện nghi với ông, hoặc là trở về sự hiện diện
mới được chào đón trong lòng cái thế giới cũ kia. Tính cách bị che mờ của câu
chuyện (ai vỗ vai? ai là người bây giờ đánh thức ông?) là phần có chủ đích của
câu chuyện. Thơ của Hung làm tôi nhớ đến những tiểu thuyết hư cấu
mang tính hiện sinh. Chúng xảy ra trong một thời gian rất rõ nhưng cũng có một
tính cách vô thời gian. Nhiều năm tháng được nén lạI trong một bài thơ trữ tình
ngắn nói về mất mát và đau khổ. Con người đau khổ có thân xác và kinh nghiệm cụ
thể, nhưng theo một nghĩa khác, cũng là một gương mặt tiêu biểu. Tôi nghĩ đến
cuốn tiểu thuyết “Người đàn bà trong cồn cát” của tác giả Nhật Bản Kobo Abe. Một
ngày nọ có một người đàn ông trượt chân thụt xuống một vực cát trong khi đang
bước đi giữa sương mù ở một nơi xa xôi. Thế rồi ông ta trở thành chồng của một
trong số nhiều người đàn bà của cồn cát mà nghề nghiệp là xúc cát suốt đời. Thực
vậy, ông ta đã tìm ra số phận của chính mình, không lay chuyển được, không thể
nào thoát khỏi (và cuối cùng thì có lẽ ông không muốn thoát khỏi). Chúng ta được
ban cho phải sống trong những thế giới đầy đau khổ. Nhưng con tim vẫn có khả
năng trỗi dậy, mặc dù đã bị chôn vùi nhiều năm tháng (“Mùi mưa”); một cái vỗ
vai có thể thình lình thức tỉnh chúng ta trở về với đời sống từng đã quay mặt với
chúng ta.
Tôi không biết có bài thơ nào khác để so sánh với thơ Hung.
Bên dưới cái bề mặt bình thản, kể chuyện, thơ (Hung) rất phức tạp và xúc động.
Có lẽ trong đời thực, Hung đã cảm thấy bị lưu đày giữa ngay xứ sở của mình và bị
dời khỏi những hoàn cảnh sống và làm việc của chính mình.
San Francisco, tháng 1/2003
(Tạp chí Gravity, Columbia College Chicago)
Người về
Nguyễn Quốc Trụ (Nhà văn Mỹ gốc Việt)
Gấu nhớ, trong Gulag, có một đoạn Solz tả, về cái cảm giác giữa
những người đã từng ở Gulag, và sau đó, được trả về đời. Họ nhận ra nhau ngay,
giữa phố đông người. Chỉ ánh mắt gặp nhau, là biết liền đằng ấy và tớ đã từng ở
trong đó.
Gấu mê nhất, câu “Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui”.
Nhưng cũng lạ nhất, tò mò nhất, là cái thời gian “một năm
sau”.
Bài thơ của Hoàng Hưng, như được biết, là một trong 100 bài
thơ hay. Không hiểu thi sĩ có tiên tri ra được cái sự bí nhiệm của con số hay
không, nhưng có vẻ như ông rất quan tâm đến nó, chỉ để “đếm” thời gian: vợ khóc
‘một’ đêm. con lạ ‘một’ ngày. Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui, hai năm sau
còn toát mồ hôi. Năm năm, muời năm… một hôm, một đêm…
Liệu tất cả những cân đo đong đếm đó, là để qui chiếu về câu:
Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại?
Câu này, lại trở thành một ẩn dụ, nếu so cảnh tại ngoại của
ông, như được miêu tả trong bài thơ:
Có vẻ như cái cảnh trở về đời kia, vẫn chỉ là, tù trong tù.
Tuy nhiên, khi đọc như thế, có vẻ như hạ thấp bài thơ.
Bài thơ Hoàng Hưng bảnh hơn cách đọc đó nhiều. Có cái vẻ
thanh thoát, vượt lên trên tất cả của nhà thơ. Đây cũng là điều nhân loại tìm đọc
Gulag của Solz: Cái thái độ đạo đức, nhân bản của tác phẩm và của tác giả, mới
bảnh làm sao.
Câu thơ “Muời năm còn quen ngồi một mình trong tối” làm nhớ một
chi tiết về một nhà thơ trong nhóm Nhân Văn, [không nhớ là ai, NMG có nhắc tới trong một số Văn Học], ông quen ngồi một mình đến nỗi bóng in
lên tường, thành một cái vệt, thời gian không làm sao xóa mờ.
Nếu như thế, một người quen ngồi một mình trong bóng tối, cái
bóng của người đó in lên tường mới khủng khiếp làm sao. Không ai có thể nhìn thấy nó, để mà hỏi thử, thời gian, khi nào xóa mờ!
Người về
Vũ Quần Phương
(Nhà thơ, Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội NVVN)
Câu đầu của bài thơ: Người về từ cõi ấy. Cõi ấy là đâu mà nhắc
lại tới ba lần. Tự nhiên, trong tâm trí, người đọc cứ phải lần mò mà đoán lấy.
Mới đầu đã ngờ ngợ, rồi mơ hồ nhận ra. Mỗi chi tiết một rõ. Đến ý thơ cuối thì
khẳng định. Không những khẳng định được cõi ấy là đâu, mà còn cho thấy cái tính
chất ghê gớm kinh hoàng của cõi ấy. Nói mà như không nói, tả mà như không tả. Tất
cả hiện ra từ tâm trạng người về. Ngừoi ấy không giãi bày mà tâm trạng tự hiện
lên dần qua từng chi tiết. Chi tiết đắc địa. Diễn đạt gọn sắc. Ngôn ngữ cô đúc,
đối chọi. Rất hàm súc
Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm, con lạ một ngày
Vợ thì khóc, con thì lạ. Sao thế? Thì thử đoán xem cõi ấy phải
là cõi nào.Vợ khóc một đêm, con lạ một ngày. Chi tiết đêm, ngày và đều chỉ là một.
Thêm một nữa thôi để tiễn biệt vĩnh viễn cái chặng vừa đi qua. Ngày mai sang chặng
khác.. Câu thơ tám chữ, tách đôi thành bốn chữ cặp díp, chứa ba cặp ý sóng đôi
nhau: vợ-con, khóc-lạ, một đêm-một ngày đủ cho thấy tâm trạng mọi
thành viên một gia đình. Ngôn ngữ không thể gọn hơn mà diễn tả đúng nỗi lòng vợ
con đến thế quả là một quan sát già dặn. Nhưng kinh ngạc hơn là từ nỗi thông hiều
lòng vợ con ấy cho ta thấy sự sâu sắc trong cõi lòng người về. Anh hiếu nỗi chịu
đựng của vợ và sự ngây thơ đến cay đắng của con không chỉ ở khoảnh khắc găpk mặt
ấy mà còn ở cả những thàng ngày đằng đẵng khi anh vắng mặt. Thơ hiện đại mà hàm
súc như cổ thi.
Ba lần nhắc Người về từ cõi ấy là ba lần quan sát phản ứng
người mình gặp. Vợ con rồi, bây giờ đến người quen:
Bước vào cửa người quen tái mặt.
Sao mà phải tái mặt. Chắc bạn đọc thêm căn cứ để đoán ra cái
cõi ấy của một thời hoặc một sách vở nào.
Sau người quen, đến người không quen:
Giữa phố đông người nhồn nhột sau gáy
Hình như có cặp mắt nào đang kín đáo dõi theo mình từ phía
sau. Không dám quay lại nhưng linh cảm thấy rõ lắm nên mới nhồn nhột Cảm giác
nhồn nhột sau gáy là một phản xạ có điều kiện. Kiểu như người đã một lần ăn khế
chua, sau chỉ nghe nói tiếng khế đã thấy tựa nước miếng. Kỳ thức đâu có khế,
cũng như chẳng có ai dõi nhìn anh cả. Nhân vật nhầm nhưng tác giả không nhầm,
ông đã tả thành công nỗi ám ảnh sợ hãi của người về
Ba điệp khúc, sáu câu ấy là một mảng ý. Mảng ý thứ hai là bốn
nỗi ám ảnh trải theo thời gian, một năm, hai năm, ba năm, mười năm với bốn chi
tiết, tinh vi đến lạnh người:
Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối
Một, hai, ba rồi nhảy vụt lên mười mà cái chữ còn vẫn nhũng
nhẵng theo sau. Cái ám ảnh của cõi ấy khéo phủ lên cả đời người. Những chi tiết: nghẹn giữa cuộc vui, mộng toát mồ hôi, nhớ một con thạch thùng, quen ngồi một
mình trong tối là những chi tiết nội tâm, cho thấy một thân phận, một nỗi khủng
khiếp, một sự cô đơn.
Bốn câu thơ cuối thuộc mảng ý thư ba: nỗi sợ. Bất cứ lúc nào
cũng nơm nớp. Một hôm nào đấy thấy có ai nhìn, một đêm nào đấy thấy có ai hỏi.
Nhìn thì trân trối. Hỏi thì bâng quơ nên mới làm anh chột dạ. Bạn đọc ngờ rằng
cái nhìn, cái hỏi này vốn tự nhiên bình thường, nhưng với người về, có lẽ thần
hồn nát thần tính, nên mới thấy nó trân trối và có vẻ bâng quơ như cạm bẫy. Ý
thơ cuối cùng khẳng định nỗi ngờ ngợ của người đọc là có lý. Chỉ một cái vỗ vai
vu vơ mà anh chàng giật thót người.
Tội nghiệp quá. Kinh sợ quá. Bút pháp tả tâm trạng ở bài thơ
này thật tài. Nói bóng mà ra hình, tả tình mà ra việc. Không chất chứa trong
lòng không hiện ra ngòi bút được như thế.
6/2007
(bản thảo chưa xuất bản, email gửi HH)
Về bài “A Man Returning Home”
Camille Dungy
(Nhà thơ Mỹ, GS Khoa Viết Văn, San-Francisco State
University)
Tôi xếp bài thơ này vào Hồ sơ “Những bài thơ hâm mộ” vì
tôi mê cái cách sử dụng trạng thái nghiêng của nó. Tôi yêu lối bất an
của cuộc sống người đàn ông này dường như đồng thời tăng tiến và giảm
đi với cường độ lớn. Cái “tiếng bâng quơ hỏi” có thể sẽ dường như bớt
đe dọa hơn nếu như nó đến sớm hơn trong bài thơ, như sau câu thơ nói về
các con ông ta chẳng hạn. Nhưng ở đây, đến cuối bài thơ, khi chúng ta thấy
được những sự bất an về thể xác như “một cái vỗ vai” khiến ông hoảng hốt
đến thế, thì tiếng nói kia trở nên đáng lo ngại không thể tin nổi. Tiếng
nói ấy đòi ông làm gì vậy? Dòng thơ ngắt sau cái giật mình đặc biệt
có hiệu quả ở chỗ sự “giật mình” đến liền sau sự đe dọa của những câu
hỏi. Bây giờ cái ý người đàn ông giật mình dường như báo động một
cách khủng khiếp, và mặc dù chúng ta lẽ ra được trấn an vì thật ra ông
ta giật mình chỉ vì một sự nhỏ nhặt như thế, thì cuối cùng sự đe dọa
của “một cái vỗ vai” lại tăng lên chứ không mất đi. Tôi cũng yêu cái từ
không xác định “cõi ấy” và việc từ này được viết hoa và in nghiêng
trong bản dịch (That).
Hoàng Hưng đã cho người đọc quyết định người đàn ông này trở về từ chỗ nào. Tôi có những phỏng đoán của mình, nhưng câu trả lời chính xác cho “cõi ấy” có thể ít ý nghĩa hơn nhiều so với câu trả lời mà chúng ta có được về những gì “cõi ṍy” đã gây ra cho người đàn ông. Và với những chi tiết dồn dập trong bài thơ, nỗi khiếp hãi cái “cõi ấy” có thể ngày càng dồn sức nặng theo sự tiến triển của bài thơ.
Hoàng Hưng đã cho người đọc quyết định người đàn ông này trở về từ chỗ nào. Tôi có những phỏng đoán của mình, nhưng câu trả lời chính xác cho “cõi ấy” có thể ít ý nghĩa hơn nhiều so với câu trả lời mà chúng ta có được về những gì “cõi ṍy” đã gây ra cho người đàn ông. Và với những chi tiết dồn dập trong bài thơ, nỗi khiếp hãi cái “cõi ấy” có thể ngày càng dồn sức nặng theo sự tiến triển của bài thơ.
Hãy xem xét cái cách những sự lựa chọn phản ánh
những âu lo. Hay là hãy xem cái cách những âu lo phản ánh những lựa
chọn. Có gì khác nhau giữa hai cái?
(“A Man Returning Home là bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Đỗ
& Paul Hoover, từ “Black Dog, Black Night- Contemporary Vietnamese
Poetry”, Milkweed Editions 2008)
Trích bài viết “Hoàng Hưng đi tìm mặt” của Hoàng Cầm
(Nhà thơ Hoàng Cầm, 1922-2010, nguyên BTV Nhân Văn - Giai Phẩm)
Tôi đã ứa nước mắt, do một câu thơ Hoàng Hưng hay đến sững sờ,
đến ngơ ngác:
Anh đánh mất mùi anh trên những sàn đá lạ
Chỉ còn mưa mùi nước mắt đêm
Chẳng biết cái gì đã thúc đẩy anh vào một cái rãnh chật, cạn
nước chỉ còn bùn. Anh quẫy cựa. Anh sã cánh, tơi tả hết lông cánh như bị nhốt
trong cái lồng bê tông vài mét khối. Anh thấm thía nông nỗi ấy đến
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối
Một tập thơ căng mọng sự thật. Mỗi chữ mỗi dòng đều từ sự thật
mà ứa ra, bật ra, bung ra. Những con chữ vỡ, nổ…
Đó là nỗi trằn trọc, băn khoăn, day dứt vào nửa cuối thế kỷ XX
mà sau hai cuộc tổng chiến khủng khiếp, tưởng là sau những Postdam, những
Nuremberg, Paris, những Genève… sẽ yên ổn cả hoá ra… Chao ôi!
… Nỗi quằn quại của đời anh, ngòi bút anh đang nói với chúng
ta đôi điều mới lạ về số phận con người.
(Báo Văn Nghệ, năm 1994)
Trích từ bài “Thơ đến với người và thơ đi tìm mình” của Phong
Lê
(GS Phong Lê, Viện trưởng Viện Văn học)
Bài thơ như sự chưng cất toàn bộ kinh nghiệm, ấn tượng, cảm
xúc của cả một phần đời trong thời gian và không gian của chính tác giả, và hẳn
không chỉ riêng tác giả. Cuộc đời dẫu bất cứ lúc nào, quả chẳng bao giờ hết được
những chuyện bất an, và bất an đâu phải chỉ là ngã cầu thang, đâm xe máy, đắm
đò, bị xin đểu, hoặc trấn lột… mà còn biết bao ám ảnh khác trong đời sống tinh
thần. Tôi hiểu vì sao Chủ nghĩa hiện đại, cái “modernisme” mà ta kinh sợ và phê
phán gay gắt non nửa thế kỷ, vẫn cứ là một hiện tượng thế giới; và những người
không tên trong Mê cung của Alain Robbe Grillet, Người xa lạ của Albert Camus,
hoặc nhân vật chỉ có tên K. trong Vụ án của Franz Kafka sống trong những âu lo,
thảng thốt, không biết thân phận của mình sẽ ra sao trong bao hiểm hoạ vô hình,
lại nói được bao vấn đề lớn lao và nghiêm chỉnh của thế kỷ.
(Văn học trong hành trình tinh thần của con người, NXB Lao Động,
1994)
Trích từ bài “Hành trình tinh thần của một nhà thơ” của Lê
Tâm
(TS Lê Thị Thanh Tâm, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
TPHCM)
Trong thế giới thơ Hoàng Hưng, một đôi bài chỉ đơn giản là sự
chắt lọc ám ảnh đời mình thành sợi tơ vàng sáng tạo. Con kén quằn quại trong
tinh thần ông là những câu hỏi không có điểm dừng với đời sống, với thân phận.
Một trong những bài thơ được yêu mến nhất của Hoàng Hưng trong tập Người đi tìm
mặt cũng nằm trong dòng chảy ám ảnh kỳ lạ đó:
Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm, con lạ một ngày
(Người về)
Bài thơ đã lấy đi nhiều giấy mực của văn giới. Nhà thơ cũng
tâm sự: bạn đọc trong và ngoài nước chia sẻ với ông rằng, bài thơ có thân phận
của nhiều con người ở nhiều xứ sở khác nhau, bài thơ là nỗi bất an của thời đại.
Dày đặc hơn nỗi cô đơn, cao rộng hơn nỗi tủi buồn, bài thơ không dừng lại ở tâm
tình số phận. Nó là cái gì sâu hơn cảm xúc; cái tứ thơ này, nói như Hoài Thanh
bàn về thơ Hàn Mặc Tử, khen hay chê cũng đều nhẫn tâm. Bởi đó chính là những nỗi
niềm sống trải của nhà thơ đột ngột lên tiếng từ một chuyến đi kỳ lạ đau đớn của
cuộc đời. Tù đày, hay hơn thế nữa, cũng neo đậu lại nơi tâm hồn con người vết
thương của tồn tại, vết thương ở xứ loài người.
(talawas.org 2010)
Trích từ bài viết “Hoàng Hưng - Một vuông tường, một thế giới”
của Lê Hồ Quang
(TS Lê Hồ Quang, Đại học Sư phạm Vinh)
… Bài thơ sử dụng thủ pháp giản lược tối đa. Văn bản không
cho ta biết gì về “người về” cũng như “cõi ấy” trước cái thời điểm được kể. Đó
là một khoảng trắng. Nhưng nó chi phối tuyệt đối đến đời sống và cảm giác sống
của con người sau đó: có một cuộc đời bị cắt đôi vĩnh viễn sau thời điểm ấy. Bản
thân người về là một nỗi ám ảnh tàn khốc, với người khác (vợ khóc, con lạ, người
quen tái mặt), với chính anh ta (giữa phố đông nhồn nhột sau gáy, nghẹn giữa cuộc
vui, nhớ một con thạch thùng, quen ngồi một mình trong tối..). Nỗi ám ảnh thường
trực về sự bất trắc và phi lí của đời sống biến con người thành địa ngục của
chính mình. Điệp khúc người về từ cõi ấy lặp lại đến ba lần, đóng đinh vĩnh viễn
anh ta trong cảm thức thân phận “kẻ xa lạ”. Nhịp điệu chậm rãi mà dồn nén của
những con số thời gian: một năm/ hai năm/ ba năm/ mười năm chỉ làm nhọn sắc
thêm tính chất bi kịch của chi tiết kết thúc:
Giật mình/ Một cái vỗ vai. Tính chất phiếm chỉ của hình tượng người về và cõi ấy, sự giản lược và sắc gọn của những chi tiết, sự đối lập giữa giọng điệu trần thuật trầm tĩnh, rành rọt và trạng thái đời sống bi đát được diễn tả… tất cả đã đưa Người về giã từ việc tả thực để trở thành một biểu tượng.
Giật mình/ Một cái vỗ vai. Tính chất phiếm chỉ của hình tượng người về và cõi ấy, sự giản lược và sắc gọn của những chi tiết, sự đối lập giữa giọng điệu trần thuật trầm tĩnh, rành rọt và trạng thái đời sống bi đát được diễn tả… tất cả đã đưa Người về giã từ việc tả thực để trở thành một biểu tượng.
(Tạp chí Thơ 2010)
Trích từ bài “Hoàng Hưng, người về” của Nguyễn Đức Tùng
(Nguyễn Đức Tùng là nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình thơ,
Canada)
Giọng điệu trong một bài thơ là mối quan hệ giữa người nói và
người nghe, người viết và người đọc, và là ngôn ngữ thân xác. Thơ Hoàng Hưng có
những mẩu như đối thoại, như tâm tình giữa hai người, hay như tranh luận. Như
thế gọi là phong cách (gesture), một nghệ thuật biểu hiện. Bối cảnh là căn
phòng, căn nhà riêng tư của hai người, một đêm mưa như trút. Bối cảnh là chia
tay và đoàn tụ. Động lực của nó là sợ hãi, lo âu, vui mừng đoàn tụ, tình yêu,
và cả tình dục, niềm vui tinh thần và niềm vui thể xác. Đụng chạm. Người nam,
người nữ.
Đã một nghìn đêm mưa trắng đêm
Đến đây thì rõ là mưa không chỉ ngoài trời. Mưa rơi ngoài phố.
Mưa rơi trong lòng ta. Như trong một bài thơ tiếng Pháp. Nhưng tác giả lại đưa
ta đến với khung cảnh này:
Mưa mưa ngập tầng trệt
Đưa nhau lên gác xép nằm nghe mưa sập mái tôn
Thì là mưa thật. Có hai cơn mưa, của thời tiết và của tâm hồn,
của bây giờ và của nghìn đêm. Một nghìn đêm, ba năm. Câu cuối là đặc trưng của
Hoàng Hưng, lối kết thúc đặc biệt, ít người kịp chú ý.
Ước nằm nghe mưa rồi chết
Con đường dài, sự mỏi mệt. Sự vừa đủ. Hạnh phúc. Nỗi bi quan.
Sự đề kháng bay bổng. Thơ không làm con người trở nên tốt đẹp hơn; thơ chỉ dạy
họ mơ ước trở nên tốt đẹp hơn.
Hoàng Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét