Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Cũng thần Mày Trắng cũng phường lầu xanh

Cũng thần Mày Trắng cũng phường lầu xanh
Ðoạn diễn tả cảnh thanh lâu của Tú Bà, "Truyện Kiều" có câu:
Giữa thì hương án hẳn hoi
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày
Lầu xanh quen thói xưa nay
Nghề này thì lấy ông này tiên sư
Hương hoa hôm sớm phụng thờ
Cô nào xấu vía có thưa mối hàng
Cởi xiêm trút áo chán chường
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương rầm rầm
Ðổi hoa lót xuống chiếu nằm
Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi
(Câu 929 đến 938)
Và, khi Kiều bị Bạc bà cưỡng bức lấy cháu của mụ là Bạc Hạnh làm chồng, để tên này đưa về Châu Thai, bán vào lầu xanh:
"Mượn người thuê kiệu rước nàng
Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa
Kiệu hoa đặt trước thềm hoa
Bên trong thấy một mụ ra vội vàng
Ðưa nàng vào lạy gia đường
Cũng thần Mày Trắng cũng phường lầu xanh"
(câu 2143 đến 2148)
"Lầu xanh" tên chữ là "thanh lâu"
"Truyện Kiều" có dùng nhiều từ này ở nhiều câu:
Lầu xanh có mụ Tú Bà
Làng chơi đã trở già hết duyên
(câu 809 và 810)
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh
Một tay chôn biết mấy cành phù dung
(câu 1159 và 1160)
Lầu xanh mới rũ trướng đào
Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người

(câu 1227 và 1228)

Sá chi liễu ngỏ hoa tường
Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh
(câu 1355 và 1356)
Quyết ngay biện bạch một bề
Dạy cho má phấn lại về lầu xanh
(câu 1391 và 1392)
Một là cứ phép gia hình
Hai là lại cứ lầu xanh phó về
(câu 1419 và 1420)
Hết nạn ấy đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần
(câu 2667 và 2668)
Tào Thực, con của vua Ngụy Tào Tháo, một nhà thơ nổi tiếng đời Tam quốc (220- 280), có câu:
Thanh lâu lâm đại lộ
Cao môn kết trùng quan
Nghĩa là:
Lầu xanh bên đường lớn
Cửa cao mấy lần then
Ngày xưa, lầu xanh là nơi các nhà quyền quý, những thiếu nữ khuê các ở. "Ðại lộ khởi thanh lâu" tức đường lớn dựng lầu xanh
Nhà Tề, vua Võ Ðế bắt dân phu và Bộ công kiến trúc những lầu cao thực đẹp. Cửa đều sơn màu xanh. Nơi này vốn để nhà vua ở cùng với mỹ nữ cung tần. Dần dần lâu đài của hàng công khanh cũng sơn cửa màu xanh. Do đó, dân chúng bấy giờ gọi chỗ vua chúa, công khanh ở là "lầu xanh"
Về sau, những nhà quyền quý có con gái đẹp, ước mong con nhà mình được vào hầu vua trong cung nên cũng sơn nhà màu xanh cho con gái ở. Nhà nào cửa sổ hoặc lầu đài sơn xanh là nhà có gái đẹp, coi như một cách ... quảng cáo để hàng vương tôn, công tử chú ý. Thế rồi, bọn buôn son bán phấn đem gái đẹp mở nhà rước khách thưởng hoa, muốn quyến rũ khách chơi hoa hay các bậc vương tôn, công tử tìm thú tiêu khiển nên cũng sơn nhà màu xanh đón khách lấy tiền.
Ý NGHĨA "LẦU XANH" BIẾN ĐỔI, DẦN DẦN TRỞ THÀNH một nhà chứa gái, nuôi gái mãi dâm. Vì thế, đời nhà Lương, nhà thơ Lưu Diễn có câu:
Xướng nữ bất thăng sầu
Kết phát hạ thanh lâu
Nghĩa là:
Gái hát chẳng xiết buồn
Vén tóc xuống lầu xanh
Ðỗ Mục, thi hào đời nhà Ðường có bài:
Sở yêu tiên tế chưởng trung khinh
Thập niên nhất giác Dương châu mộng
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh
Nghĩa là:
Quảy rượu lang thang khắp đó đây
Lưng thon gái Sở nhẹ trên tay
Mười năm tỉnh giấc Dương châu mộng
Ðể lại lầu xanh tiếng mặt dầy
(Bản dịch của Bùi Khánh Ðản)
Có lẽ vì bị bọn "lầu xanh" này lấn chiếm màu xanh, nên các nhà cao sang quyền quý có gái đẹp đổi sang màu hồng, nên có tiếng gọi là "lầu hồng" (hồng lâu), chỉ chỗ ở của gái đẹp.
Ở các lầu xanh ngày xưa, các mụ Tú Bà thường dựng một bàn hương án giữa nhà, có treo một tượng đồ. Tượng này vẽ một vị tướng có đôi mày trắng, gọi là thần Bạch Mi (thần Mày Trắng).
Sách "Dã hoạch biên" có chép: các thanh lâu thường thờ thần Bạch Mi. Thần này mặt đỏ, râu dài, cỡi ngựa, cầm đao, xem na ná như hình Quan Công đời Tam Quốc mặt đỏ nhưng lông mày trắng. Sách không ghi lai lịch thần Mày Trắng ra sao?
Nguyên đời Xuân Thu, Quản Di Ngô tức Quản Trọng được Tề Hoàn công vời đến, bàn về quốc sách trước khi được phong làm Tể tướng, có hỏi: làm sao có của đủ dùng trong nước? Quản Trọng hiến kế thưa: khai mỏ để đúc tiền, nấu nước biển làm muối cho lợi chung cả thiên hạ, buôn để một chỗ, đợi dịp cao mà bán ra lấy lãi; lập 300 nhà nữ lư cho khách buôn bán đi lại tụ họp mua vui để lấy thuế...
Lập "nữ lư" tức là lập nhà chứa gái để khách mua vui. Ðể họ làm lén hay khi khách mua hoa- nhất là hạng thương buôn thì không biết có chỗ. Thế là bọn gái nầy vừa có tiền, lợi cho cá nhân vừa nộp thuế làm lợi cho nhà nước. Thì ra Quản Trọng quả có sáng kiến... kinh doanh cho nhà nước!
"Nữ lư" có thể được coi như một tổ chức lầu xanh đầu tiên. Cho nên, nghề làm ăn này "thì lấy ông nầy tiên sư", suy tôn là một vị tổ để cầu cho được phát đạt, cửa hàng đông khách cũng như nhiều nghề khác... đều có tổ!
Quản Trọng có đôi mày trắng như trong tranh vẽ, được Hoàn công nước Tề phong làm Tể tướng, lại còn được các lầu xanh tôn là thần Bạch Mi làm tổ của nghề.
Ðời nhà Minh (1368- 1648), các lầu xanh có tục lạ là đuổi vía, khi cô nào vắng khách, bị ế hàng thì đến trước thần Mày Trắng, trút bỏ cả quần áo, đốt hương van vái, cầu nguyện. Ðoạn lấy hoa mới cúng trên bàn thờ đem lót ở chiếu mình nằm, tất sẽ đắt khách hàng. Họ mê tín như thế.
"Truyện Kiều", hai tiếng "đoạn trường" được tác giả nói rất nhiều, thì tiếng "lầu xanh" cũng được nhắc đến khá lắm. Phải chăng, tác giả cảm thông nỗi đau lòng của một người có tài sắc vì hoàn cảnh xã hội mà sa chân vào lầu xanh. Mà vào lầu xanh tức là vào cảnh đoạn trường, thuộc hàng đệ tử của thần Bạch Mi.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...