Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

So vào với thiếp Lan đình nào thua

So vào với thiếp Lan đình nào thua
Kiều bị Hoạn Thư đoạ đày, nàng chán nản kiếp trần nên xin cho mình đi tu. Hoạn Thư bằng lòng cho nàng ra ở Quan âm các sau vườn nhà, lấy pháp danh là Trạc Tuyền "áo xanh đổi lấy cà sa" để giữ chùa tụng kinh. Nhìn chữ chép kinh của Kiều, Hoạn Thư:
Khen rằng: "Bút pháp đã tinh
So vào với thiếp Lan đình nào thua
Tiếc thay lưu lạc giang hồ
Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài
(Câu 1987 đến 1990)
"Thiếp Lan đình" tức là bản "Lan đình tập tụ" của Vương Hy Chi.
Nguyên đời nhà Tấn (265- 419) có quan Thái úy tên Khước Giám, muốn chọn một người rể hiền, mới cho người đến trường của Vương Ðạo, xem trong đám học sinh có người xứng đáng không.
Lúc người nhà trở về, Khước Giám hỏi thì người ấy đáp:
- Học sinh giỏi thì đông, người nào nghe việc kén rể cũng sửa soạn y phục bảnh bao, ganh đua ra dáng nề nếp. Chỉ có một người không để ý đến, trật áo, tréo chân nằm ở giường phía Ðông.
Khước Giám bảo:
- Người ấy mới thực đáng rể ta.
Thế là ông chọn chàng nầy làm rể. Ðó là Vương Hy Chi, sau làm quan đến chức Hữu quân, nổi danh tiếng về viết chữ đẹp nhất.
"Nằm ở giữa phía Ðông" tức "Ðông sàng" chỉ người rể quý (rể Ðông sàng). Trong tác phẩm "Nhị độ mai" có câu: "Có Tây tử đó thiếu Ðông sàng nào?"
Vương Hy Chi tự Dật Thiếu, vì làm quan đến chức Hữu quân nên thường gọi là Vương Hữu quân. Tương truyền, Vương tập viết chữ bên bờ ao, đến nỗi nước ao đen ngòm những mực.
Lối chữ "Khải" của Vương được người đời cho là tốt đẹp nhứt từ xưa đến nay; và hết mực tán tụng bút thiếp của Vương là "lướt như mây bay, mạnh như rồng lộn". Trong các bản bút thiếp của Vương để lại có bản "Lan đình tập tự"viết ngày 3 tháng 3 năm Vĩnh Hoà thứ chín (337) đời nhà Tấn được hậu thế quý trọng cho làm mẫu mực để tập theo. Những bản "Lan đình tập tự" có lưu hành, nhưng có lẽ là những bản phỏng theo. Bản chính đã thất lạc từ đời nhà Ðường (618- 907).
Ngày nay, trong các lối chữ Hán có lối chữ "Lan đình" tức là lối chữ phỏng theo chữ viết của Vương Hy Chi trong "Lan đình tập tự".
"So vào với thiếp Lan đình nào thua", mặc dầu giận chồng và ghen tuông hết mực đoạ đày Kiều nhưng thấy chữ viết của Kiều, Hoạn Thư phải khen là tốt đẹp ngang chữ của Vương Hy Chi ngày xưa. Hoạn Thư quả là hạng đàn bà thuộc vào hàng trí thức, đã từng khen Kiều khi xem tờ thâm cung của Kiều trực tiếp đưa:
... Rằng: "Tài nên trọng mà tình nên thương!
Ví chăng có số giàu sang
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên
(câu 1900 đến 1902)
Và, khi thấy chữ chép kinh của Kiều:
Tiếc thay lưu lạc giang hồ
Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài
(câu 1989 và 1990)
khiến người đọc nhớ đến câu khi quan Phủ xử Kiều, thấy bài thơ "Mộc già" (cái gông cây) của Kiều bị quan buộc làm và được đánh giá:
Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân
Biết thưởng thức tài của người tức là người có tài. Trọng tài thương tình nên đúc nhà vàng cho ở, và đem nghìn vàng ra mua lấy tài này.... Hoạn Thư đâu phải là hạng đàn bà thô bỉ, cục súc. Chỉ tại Thúc Sinh quá ngây ngô, không nghe lời khuyên đoan chính, khéo léo của Kiều nên mới gây nên tai vạ cho Kiều, và cũng gây cho Hoạn Thư có hành động ác độc để mang phải tiếng đời là người đàn bà ghen tuông sâu hiểm.
(THEO ĐIỂN TÍCH TRUYỆN KIỀU, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...