Tôi vẫn mơ
Nửa đêm, tôi lại thức giấc! Chẳng rõ có phải cái tựa đề:
“Thuở mơ làm văn sĩ” đã cùng tôi đi vào giấc ngủ hay sao mà khi vừa mới tĩnh giấc,
tâm trí tôi đã bị choáng ngợp bởi những dòng tùy bút đầy xúc cảm của nhà văn
Nguyễn Thụy Long.
Ôi! Chỉ mới đọc phần đầu và chương thứ nhất thôi, lòng
tôi đã dâng tràn một nỗi nhớ, nhớ da diết thuở xa xưa, khi ngập ngừng bước vào
đời với biết bao hoài bão, mộng mơ. Ấy là những giấc mơ thật đẹp nhưng
cũng nhẹ tựa như bông khiến hồn tôi cứ lượn lờ nương theo làn gió thoảng, mong
sao được đến gần, đến gần thêm chút nữa để rồi cuối cùng… những giấc mơ ấy nay
về đâu?
Thế tôi đã mơ những gì nhỉ? Gợi nhớ lại chỉ làm tôi cảm
thấy xấu hổ thêm thôi, bởi tôi quá tham lam, đã lợi dụng trí tưởng tượng của
mình để mơ màng nhiều quá đỗi! Nhưng nào có hề chi đâu vì Trời đã sinh
cho ta một khối óc tuyệt vời để đưa con người từ thời sơ khai đến cuộc sống văn
minh như ngày hôm nay, đã giúp thế giới loài người làm chủ từ mặt đất lên tận
cung trăng. Thế thì… Hằng Nga ơi! Chú Cuội ơi! Hãy rước hồn
ta lên trên ấy để ta được một lần hoài tưởng những giấc mơ xưa, những giấc mơ
thú vị nhất trong cuộc đời.
Khi bước chân vào tuổi 12, từ một con bé ốm yếu, gặp cơn gió
mạnh cũng có thể bay, tôi vụt cao lớn hẳn lên, cao đến gần 1m 60 khiến cô
giáo trố mắt hỏi chứ tôi có ăn gian tuổi không? Tôi ngơ ngác trả lời: “Dạ
không!”, lòng tự hỏi tại sao cô giáo lại hỏi chi mà lạ thế? Tôi đâu phải
con trai mà phải ăn gian tuổi với ý đồ gì đâu? Và có lẽ chính sự đột phát
về dáng vóc đã làm căng trí não của tôi. Lúc đó, tôi mê mẫn đọc đủ mọi loại
sách rơi vào tay tôi: từ truyện ngắn đến truyện dài, từ truyện vui đến truyện
buồn, rồi truyện trinh thám, truyện ma quái thật kinh dị, kể cả sách dạy làm
người của tác giả Hoàng Xuân Việt và tác giả ngoại quốc Dale Canergie. Do
tính đa sầu đa cảm, tôi thường cảm thấy lòng quặn đau, buồn thương cho thân phận
cùng khổ của bao nhân vật để rồi lệ rơi lả chả, thấm ướt chiếc gối mềm của thời
con gái chớm lớn.
Thế là đêm hôm ấy, dưới ánh đèn mờ nhạt, tôi len lén ngồi thu
mình vào một góc, tập tành trang trãi ý tưởng của mình lên trang giấy. Tôi nào dám mơ trở thành văn sĩ gì đâu, chỉ mong sao bài viết đầu đời sẽ
được đăng trên báo. Mà tôi đã viết cái chi chi, thật tình tôi không nhớ
rõ, hay tại tôi không muốn nhớ vì… nó chưa hề được lên khuôn và buồn hơn nữa là
tôi không hề nhận được một lời khuyến khích nào của tờ báo. Sau này lớn
lên, tôi mới hiểu rằng họ bận trăm công ngàn việc, có thì giờ đâu mà tâm tình với
“nữ văn sĩ” gà mờ như tôi.
Mới 13 tuổi đầu, làm gì có kinh nghiệm trong tình trường mà
hòng tán hươu tán vượn như thế nhỉ? Phải chi hồi ấy tôi biết nhà văn Nguyễn
Thụy Long khởi đầu múa bút bằng bài viết về ông ngoại thì tôi đã mượn hình ảnh
thân thương của bà ngoại tôi làm nguồn cảm hứng rồi! Tôi đang nhớ tới khuôn mặt,
dáng vẽ thật thà, phúc hậu của Ngoại và vẫn còn cảm thấy thương Ngoại nhiều lắm! Nhớ lần ấy, tôi đã nhè nhẹ nạy ống heo, lén Mẹ mua chỉ hai miếng khóm thôi, rồi
hí hửng leo lên tuốt lầu ba của khu chung cư, rộng miệng cười hớn hở, chìa tay
chia cho Ngoại miếng khóm ngọt lịm ấy. Bây giờ, ở dưới suối vàng, Ngoại
có nhớ không? Riêng con, con vẫn còn nhớ như in. Con đang
khóc ròng vì nhớ Ngoại đây. Con không thể nào quên cảnh con ngồi bên cạnh
Ngoại và mợ Năm, thích thú thưởng thức những bửa cơm chay tuy đạm bạc nhưng rất
ư là ngon miệng và đầy ý nghĩa. Nghĩ cũng lạ, tuy cùng sinh trưởng trong
một gia đình nhưng chỉ có mình tôi thích ăn chay niệm Phật từ khi còn rất
bé. Thế là cứ mỗi tháng hai lần, tôi được Mẹ cho phép leo lên nhà
Ngoại tận hưởng hương vị ngọt ngào của những món đậu hủ, rau cải, tương chao,
ngon quá là ngon!
Trở lại giấc mộng viết văn…
Cũng vì số kém may mắn hơn nhà văn Nguyễn Thụy Long nên tôi
không gặp một thi đoàn nào cả. Chung quanh tôi, nào có thấy ai mê đọc
sách, viết lách như tôi đâu? À, mà dạo đó, tôi nhát như thỏ đế, có bao giờ
hé môi khoe cái mộng văn chương của mình với ai thì làm sao có thể gặp người
tri kỷ được chứ?
Trước lần thất bại não nề ấy, tôi tạm gác sang bên giấc mơ
làm văn sĩ để quay sang chiêm ngưỡng cánh áo trắng, không phải tà áo dài của
nàng nữ sinh ngây thơ ấy mà là chiếc áo trắng tinh của cô y tá.
Có lẽ vì không thể sử dụng ngòi bút để chia xẻ nỗi đau thương của những mảnh đời khốn khổ, đa truân nên tôi mong được đem tình thương và đôi tay bé nhỏ của mình để xoa dịu vết thương của các bệnh nhân đang rên xiết, oằn oại dưới những cơn đau. Với bản tính thích làm chút gì đó cho người khác, tôi hy vọng mình sẽ góp chút lòng thành vào công cuộc cứu độ nhân sinh.
Có lẽ vì không thể sử dụng ngòi bút để chia xẻ nỗi đau thương của những mảnh đời khốn khổ, đa truân nên tôi mong được đem tình thương và đôi tay bé nhỏ của mình để xoa dịu vết thương của các bệnh nhân đang rên xiết, oằn oại dưới những cơn đau. Với bản tính thích làm chút gì đó cho người khác, tôi hy vọng mình sẽ góp chút lòng thành vào công cuộc cứu độ nhân sinh.
Thời gian cứ thế trôi cho đến khi khôn lớn hơn, tôi lại bị
quyến rũ bởi nét duyên dáng của các cô xướng ngôn viên trên màn ảnh tivi. Sao cô nào cũng xinh như mộng, ăn mặc, trang điểm trông thật bắt mắt, đôi môi
nhẹ nhàng khép mở, giọng nói mượt như nhung, lôi cuốn người xem theo dõi hết bản
tin này đến tiết mục khác. Không rõ tôi mê các cô hay mê nghề xướng ngôn
viên nhỉ?
Có lẽ mê nghề hơn vì mãi đến nay, tôi vẫn còn tha thiết mong
được một lần đọc tin trên đài phát thanh sắc tộc. Chỉ trên đài phát thanh
thôi vì tôi đã có một số kinh nghiệm trong thời gian độ vài tháng đọc tin
“chùa” cho Phòng Thông Tin huyện, được khen là có chất giọng khá “ăn” micro. Sở dĩ tôi không hề dám mơ ước được ngồi trước ống kính thu hình vì tôi biết tự
đánh giá cái nhan sắc khiêm nhường của mình. Tuy có thể xem tôi gần
như là phó bản của mẹ tôi nhưng tiếc thay “genes” Phước Kiến của ba
tôi mạnh quá nên tôi để vuột mất đôi mắt to đen của Mẹ. Thay vào đó là cặp
mắt hơi xếch với chỉ có mí lót thôi, trông chẳng “ăn ảnh” tí nào! Vài đứa
bạn đã trêu tôi: “Mắt mí lót, chẳng sót anh nào”. Nghe đa tình ghê! Nhưng tôi đâu thích như vậy mà chỉ mơ ước có đôi mắt rộng mở để thu hồn các
khán thính giả (tưởng tượng) của tôi thôi. Đã có người quen xui tôi
tới thẩm mỹ viện sửa mắt để may ra được trở thành hoa khôi nhưng tôi chỉ mím
môi cười, trả lời tĩnh khô: “Dạ, cám ơn cô! Nhưng cháu nghĩ: Nếu như mắt
cháu có đẹp hơn, cháu cũng chỉ lấy được có một chồng mà thôi.”
Giấc mộng kia chưa thành, tôi lại nuôi mộng khác. (Xin
đừng chế nhạo tôi:
Nhớ thuở ấy, tôi thích hát, thích múa ghê lắm! Cứ mỗi lần
ngắm nhìn cô ca sĩ vừa hát vừa múa dưới ánh đèn muôn màu muôn sắc ấy, tôi
mê mẩn cả tâm hồn! Rồi tôi cũng tập hát, tập khiêu vũ như ai (chỉ mỗi một
điệu Valse vì tôi đặc biệt yêu thích những bước nhảy trông thật lã lướt ấy). Nhưng khổ nỗi tính mẹ tôi hay lo lắng quá, bà cứ sợ tôi yếu lòng ngã vào vòng
tay ai thì khổ đời con gái cũng như sau này vì chồng tôi không ưa thích bộ môn
giải trí đầy tính chất nghệ thuật này nên có lẽ suốt cả đời, tôi cũng chẳng có
một lần được diễm phúc hưởng thú vui quay cuồng trong tiếng nhạc như tôi đã hằng
ao ước.
Lại nhớ vào thuở mơ màng đó, cả ngày tôi cứ ngâm nga mỗi bài
“Diễm xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hát hoài hát hủy đến nỗi ba tôi phải
bật cười, hỏi: “Sao con không chọn bài hát vui hơn, hát chi điệu nhạc nghe buồn
quá vậy con?” Nhưng dù tôi có cố gắng làm vui lòng ba tôi cũng chẳng được
đâu. Cho mãi đến giờ, khi mà còn gì nữa để mộng với mơ nhưng tôi vẫn mê
say gởi hồn mình vào những khúc nhạc buồn tê tái vì chúng thể hiện chính tâm tư
tình cảm của tôi. Dĩ nhiên, trong kiếp này, không bao giờ tôi có cơ
hội bước lên sân khấu để trở thành một ca sĩ được nữa nhưng ngẩm có hề chi… Thỉnh
thoảng, hãy dành đôi phút thật thư giãn, gởi hồn mình vào một bản tình ca êm ái
để gợi nhớ lại bóng hình xa xưa đang trở lại bên ta, tuy không cùng ta sóng bước
trên quãng đường đời nhưng vẫn luôn là chút hơi ấm trong tim. Nghe lãng mạn
quá nhỉ? Thì cứ lãng mạn một tí đi để ta cảm thấy đời vẫn thắm tươi…
Thế đấy, tôi vương mang quá nhiều giấc mộng, có phải không? Để
rồi, tôi đã trở thành một cô giáo khi còn ở tại quê nhà, trở thành một cô thợ
may chăm chỉ khi đặt chân vào mảnh quê hương thứ hai và sau cùng “xông pha” vào
ngành tiếp thị để có nhiều cơ hội cười nói cởi mở với mọi khách hàng thuộc nhiều
sắc tộc hội tụ trên vùng đất có lắm Kangaroo này. Thôi thì nghề nào cũng
tốt cả, miễn sao mình thật sự cảm thấy yêu nghề và quan trọng hơn nữa là thật
tâm yêu người, bất kể họ đến từ đâu. Được như vậy, kể cũng quí hoá lắm
thay!
Ước vọng lớn nhất của tôi hiện giờ là sáng tác được một truyện
ngắn. Dẫu biết rằng ước vọng khó thành nhưng sao tôi cứ mãi hoài mơ… May
mắn thay, tôi vẫn thường mơ màng thả hồn theo những dòng tư tưởng chợt đến, để
rồi miệt mài trãi rộng tâm tình mình lên trang giấy, bù lại bao năm tháng những
tưởng giấc mộng bầu bạn với văn chương đã đắm chìm vào quên lãng.
Mỗi lần tôi viết, lại một lần làm khổ thân ba người bạn phải
căng mắt ra đọc, rồi lại hồi hộp đợi chờ tin hồi đáp. Bởi lẽ lần
nào cũng như lần nấy, cứ kể lể dài dòng một hơi xong, chừng đọc lại thấy mọi ý
tưởng sao đơn giản quá, liệu có ai thèm đoái hoài tới chăng? Thời
may, lần nào tôi cũng được các anh chị hết lòng ủng hộ và tận tình khuyến
khích: “Cứ thế mà viết tiếp đi!”
Vậy thì… ước mong sao tôi sẽ viết hoài, viết mãi, cứ thích
thú viết cho đến khi nào nguồn cảm hứng nỡ lìa xa tôi. Và hỡi những giấc
mơ thân yêu của ta ơi! Hãy tiếp tục cùng ta sánh bước trên quãng đời còn
lại nhé, để ta vẫn cảm thấy đời êm đẹp như những vần thơ.
Thân tặng anh Trương, anh chị Đặng,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét