Thuyền trăng một mái bồng bềnh
Biển đời phơ phất một nhành thơ yêu
Những cơn gió cuối cùng của mùa xuân năm Nhâm Thìn vừa đi qua, Chớm hạ rồi, Hà Nội đêm cứ nũng nịu giữa hai vùng nóng lạnh. Tôi ngồi bần thần trước tập bản thảo của một người thơ gửi ra từ rừng núi Tây Nguyên. Bên ly trà tỏa khói, có gì đó xa xưa lắm đang nhè nhẹ bay lên từ những trang bản thảo…
Nguyễn Thanh Tâm khi phảng phất, lúc nồng nàn trong chín bậc thương yêu. Hình như những buồn vui về thế thái nhân tình, về áo cơm tiền bạc của cuộc người đã bị tuyệt diệt, chỉ còn xúc cảm yêu thương hờn giận của cõi tình ngan ngát dâng hương… Câu chữ trong thơ quen thuộc, dung dị mà hàm ngôn lắm, như một một thứ đồ cổ khó tìm trong cái ồn ào của hiện đại hôm nay.
Này đây, ánh mắt, làn môi, này đây cái xốn xang thổn thức của tình yêu được xếp ngay ngắn và trang trọng trong từng ô kỷ niệm: “Đường Duy Tân lặng lẽ nằm im/ Nghe tiếng tình nhân gọi nhau từng gốc cây – ghế đá/ Hai hàng me lặng thầm nhớ lạ/ Nỗi nhớ râm ran đến bật khóc vội vàng…”.
Ngắm bức ảnh mà người thơ gửi kèm những trang bản thảo, tôi khe khẽ gật đầu: ừ vậy là thêm một lần thời gian đã phải chùn tay (ít nhất là với miền thơ của cõi người). Kìa, mái tóc phất phơ trắng, ánh mắt làn da mang đầy những nét đặc trưng của thể xác con người trong tuổi hoàng hôn, ấy vậy nhưng những câu thơ vẫn cuồn cuộn cảm xúc, nhịp thơ vẫn phập phồng theo lời yêu. Cảm xúc ấy, hồn thơ ấy, lời yêu ấy không bao giờ chạm phía tuổi già. Phải chăng sau khi tuổi tác dày lên, thời gian chỉ làm cho tình yêu ngọt hơn, đằm hơn, quyến rũ hơn trong không gian huyền ảo của mình: “Sài Gòn ơi! Còn đó nỗi đợi chờ/ Bao kỷ niệm của một thời trai trẻ/ Ta mồ côi trong cuộc đời bóng lẻ/ Đã xa rồi… ngọt lịm của ngày xưa?” (Về lại Sài Gòn).
Đọc thơ ông, tôi hình dung một bóng dáng mong manh như sương khói, đứng cuối chiều cùng ánh hoàng hôn mắt hướng về phía tháng năm xa qua từng trang thổn thức, người tình của thơ đã đi xa, nhưng vị ngọt của tình yêu thì năm tháng vẫn rót tràn: “Ta tiễn em, chiều tháng năm hoa cúc/ Dọc đường xa rộn rã quỳ vàng/ Đưa người đi mà lòng đau như cắt/ Chiều trong ta chỉ ánh nét muộn màng”. (Đời thiếu vắng).
Ừ, khi đã yêu thì nỗi buồn và niềm đau cũng thành tài sản. Người thơ Nguyễn Thanh Tâm nâng niu và trân trọng những buồn vui ấy lắm, để tâm hồn vượt ra ngoài cái quy luật khe khắt của thời gian và bay giữa cuộc đời này bằng đôi cánh mỏng mảnh của tình yêu: “Một vai biển, một vai rừng bịn rịn/ Động lòng riêng, ta thương nhớ một người/ Ta lặng lẽ, với bao điều câm nín/ Gửi cuộc đời trôi nổi tới muôn nơi”. (Chiều tàn trên biển).
Kìa nghe tiếng thơ người gọi tình yêu mà nỗi cô đơn rụt rè về ngang cửa, khiến mạch thơ cũng ngập ngừng, ngắt quãng rơi vào khoảng lặng mênh mông: “Gọi em/ Ta gọi em/ Suốt giấc mơ mùa hạ/ Bỗng cô đơn/ …Len lén khắp hiên nhà.”
Trong khoảng mênh mông của cõi tình, hồn thơ của người thơ ấy dâng thành mùa yêu bằng những câu thơ là lạ: “Ta đi ngang thế gian/ Thuở hồng hoang sóng tình chưa dậy gọi/ Bỗng giật mình/ Vì một chút bâng quơ.” (Đi).
Lúc tự do, khi vần điệu, ông với nàng thơ cứ ngơ ngác yêu giữa cuộc đời, rồi vặn mình trút những vần thơ tha thiết, có cảm giác như, ông viết mà không bao giờ đọc lại, thơ ông là lời của cõi mơ chăng??? Này đây, vầng trăng xưa nhè nhẹ buông mình để tình yêu trút áo: “Lập lòe ánh lửa trong mơ/ Nửa yêu, nửa chẳng, nửa cho, nửa hờn/ Qua đây nửa ánh trăng buông/ Đã từng cởi áo bỏ quên nồng nàn…”. (Cõi mơ say)
Còn đây, có phải chăng là những dòng thơ được sinh ra khi cơn mơ tạm dứt. Ấy vậy mà rồi phút lên ngôi của lý trí cũng bị tình yêu ru ngủ. Rồi chỉ một thoáng thôi, người thơ lại chìm vào giấc mộng yêu thương. Giấc mộng ấy trời đất đã trao cho ông từ ngày chưa chuyển kiếp, thuở “Sóng tình chưa dậy gọi”?: “Xuân xanh cũng chỉ một thời/ Mộng xưa in dấu tơ trời viển vông/ Giá em là đóa hoa hồng/ Tựa vào cay đắng gội lòng nhớ em.” (Đóa hồng tươi).
Bìa trước tập “Thơ hát giữa đời”
của tác giả Nguyễn Thanh Tâm.
Đọc thơ ông lại ngỡ lạc về thời hoàng kim của thơ ở đầu thế kỷ trước, có cảm giác mỗi ngọn núi, mỗi vì sao ngày ấy đều được gắn lên mình một lá bùa thơ, thơ ông cũng phảng phất hương buồn của cái thời Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam, tôi cứ nghĩ, giá như tuổi 20 của ông ở trong thời ấy, giá như những bài thơ của ông có mặt từ thuở ấy, thì có lẽ giờ đây mở tập Thi nhân ra là gặp bóng hình ông: “Chiều thu về vàng tím cả không gian/ Thơm ngan ngát những khóm hoa đồng nội/ Làng quê ta, chiều bao giờ cũng vội/ Nghiêng trao nhau vằng vặc ánh trăng ngàn”. (Người còn nhớ).
Thi ca ơi, Những thanh chữ của người thơ ánh lên màu tình yêu cổ tích, hiện ra trước mắt ta những đền đài, khuê các đã phủ màu sương khói… kìa, bóng người thơ khi xa, khi gần, đang miên man ru những cung bậc của cõi tình: “Vẫn bồng bềnh ru giấc ngủ liêu trai/ Vẫn lặng lẽ đi tìm người tri kỷ/ Ta tìm mãi nhưng nào đâu ánh lửa/ Được một lần loé sáng thuở rong chơi…?”. (Giữa lênh đênh).
Thơ Nguyễn Thanh Tâm mong manh bay trong một cuộc trốn tìm. Những hoài niệm trồi sụt cùng hụt hẫng, mơ màng của người thơ đã tạo những câu thơ có vẻ như xưa cũ nhưng rất ấn tượng, nó không lẫn vào những trước tác của tiền nhân: “Ta mong đợi một điều trong ký ức/ Của ngày xưa vụt mất tự hôm nào/ Trong ao ước vẫn mơ màng tỉnh thức/ Đêm mơ hồ cũng chỉ thấy ngàn sao…”. (Đêm mơ hồ).
Ấy là ông trong nhịp đập thơ xưa, còn đây, những câu thơ bốc lửa phả vào thời gian của hôm nay bằng cái phồn thực, nồng nàn: “Tiếng cồng Tây Nguyên/ Thác trắng xoá ngàn lau/ Bốc lửa – Tây Nguyên…/ Ngực trần rám nắng/ Đôi bầu vú Tây Nguyên căng đầy sữa/ Đôi tay Tây Nguyên/ Vạm vỡ cầm chà gạt xẻ nửa ánh mặt trời”.
Đọc thơ ông mà như đang được tiếp cận một bức phù điêu rất hiện sinh, được đẽo gọt bằng lưỡi rìu điêu luyện và mạnh mẽ của người nghệ sĩ Tây Nguyên. Hồn câu vía chữ cháy sáng, thăng hoa tạo ra những liên tưởng dồn dập cho người đọc: “Đêm ngắm trăng/ Đêm sáng hồng rực lửa/ Nàng trắng xinh/ Toả ngát ánh hương nồng/ Đôi bầu vú/ Căng tròn đầy sữa/ Cho mặt trời những giọt huyết tinh khôi”. (Đêm ngắm trăng).
Những hình ảnh người thơ Nguyễn Thanh Tâm dùng trong thơ luôn gợi mở nhiều chiều liên tưởng thú vị cho người đọc. Ta thích thú trước câu kết của khổ thơ này: “Đêm màu vàng sáng rực ánh trăng lên”. Phải chăng đó là ánh lửa vàng bập bùng nâng gương mặt trăng rằm của em gái trong đêm hội mùa rộn rã, gương trăng ấy, làn môi ấy làm phía phập phồng dâng những nụ thơ yêu: “Khuôn ngực nở, trong đêm mừng mùa lúa/ Môi em hồng mời gọi nụ hôn say/ Bên ánh lửa lập lòe em nhảy múa/ Liếc mắt nhìn đỏ ửng má hây hây/ Hương lúa mới ngạt ngào vương theo gió/ Đêm màu vàng sáng rực ánh trăng lên”. (Đêm mùa lúa chín).
Mỗi mùa hạ về là trời đất lại rộn tiếng ve, loài côn trùng kỳ lạ ngủ hàng chục năm trong lòng đất, chỉ chờ đợi một mùa hè, hát đến khô mình rồi lặng lẽ hóa thân. Còn người thơ Nguyễn Thanh Tâm đã tu qua bao kiếp cỏ cây mới được thành người, rồi dành cả đời mình để hát những lời yêu. Những khúc ca ấy luôn nghiêng về phía nỗi buồn, cũng phải thôi, tình yêu chỉ ngự đúng ngôi của mình khi cuộc yêu dang dở: “Vẫn còn tôi/ Chỉ là thơ hát giữa đời/ Ngày xưa vàng rực một thời đắng cay/ Thôi thì mặc gió heo may/ Cho mưa nhức buốt vai gầy nặng mang.”
Kìa, giữa miền gió đất Tây Nguyên, người thơ đang một mình đối ẩm, men rượu nồng nàn chung thủy với nỗi cô đơn vẫn nghèn nghẹn thăng hoa: “Ta về với chốn hoang vu/ Ở đây có lẽ mùa thu rất buồn/ Mưa rừng gió núi tràn tuôn/ Cuộc đời chỉ có rượu suông bạn cùng”.
Men say của rượu lâng lâng cùng nỗi niềm xưa dâng trắng lên màu tóc, nụ cười thuở xưa vẫn dòn tan trong câu thơ cũ cứ thấp thoáng đi, về trong cơn nhập đồng của thi ca: “Ghé môi vào miệng thời gian/ Câu thơ cũ vẫn dòn tan thuở nào/ Xót đau trắng nỗi chờ nhau/ Tình xưa đắng nghẹn chuyển màu thời gian.” (Tình xưa)
Sau những phút nhập đồng ấy, người thơ có thể đã nhận ra mình và cả tình yêu của mình giờ đã của ngày xưa. Câu thơ thảng thốt dâng đầy nuối tiếc: “Chờ nhau, chờ ở nơi đâu?/ Thương ơi lạc lõng lời chào ngày xưa/ Ngõ buồn vốn đã đong đưa/ Thôi em, ta đã người xưa mất rồi.” (Tự sự 1). Người thơ viết thế làm lòng ta mơ hồ dâng lên một nỗi lo, lo trái tim yêu ấy đã mệt mỏi, cỗi cằn sau những giông bão của miền yêu. Nhưng, có vẻ như ta lo hão mất rồi, khi mười bốn con chữ trong một cặp lục bát khác tủm tỉm cười nhìn ta, ta nhận ra rằng sau làn áo dịu dàng của vần điệu kia là một khẳng định: “Tạ từ em nhé đừng sang/ Để tôi tiếp tục lang thang kiếm tìm…”. (Cánh chim tử qui).
Khép tập thơ lại mà hồn ta như còn giăng mắc ở cõi tình của Nguyễn Thanh Tâm. Hình như trời đất Hà Nội đã chạm một bình minh mới. Lọt qua khe cửa hẹp, một tiếng chim líu lo hót, cái điệu hót vẫn của ngày xưa mà sao tươi mới và trong ngần đến vậy. Nghe tiếng chim hát gọi bình minh làm ta chợt nghĩ: Trong cuộc đời này có nhiều cái không bao giờ cũ! Giữa bộn bề lo toan, giữa hối hả lụi tàn của dòng đời xuôi ngược, có một hồn thơ vẫn hết mình hát những lời yêu. Nào, xin cùng người thơ gõ vào chai rượu đang sóng sánh dưới trăng khuya mà hát: “Hề/ Nông sâu/ Hề/ nông sâu cũng chỉ mái chèo/ Hề/ Bốn mùa thoảng ngát mang theo nụ cười”. (Giọt buồn).
Hà Nội, chớm hạ Nhâm Thìn, 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét