Tây Bắc - Những mùa hoa bỏ lại
Tây Bắc trong ký ức của tôi là một nơi nào đó thật xa, có rất
nhiều hoa, là những người phụ nữ địu con trên lưng, là kỷ niệm của lần đầu tiên
trong đời dám chạy xe máy băng qua những con dốc, những mỏm núi đá cheo leo và
những ruộng bậc thang ngút ngàn.
Đợt đi Tây Bắc vừa rồi, định viết một cái gì đó hay ho, đại
khái là kể về chuyến đi, về những người bạn đã gặp, về những nơi đã qua, nhưng
cứ bận rộn hết việc này đến việc khác, rồi cũng chưa viết được. Và quan trọng
là thiếu Trang - cô gái nhỏ bé nhưng nghị lực, cô gái lúc nào cũng làm cho tôi
cười và lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Nếu có em nữa, chuyến đi vừa qua của tôi
gần như trọn vẹn.
Tây Bắc trong ký ức của tôi là một nơi nào đó thật xa, có rất
nhiều hoa, là những người phụ nữ địu con trên lưng, là những đứa trẻ khuôn mặt
đen nhẻm, nhưng rất nhanh nhẹn, mỏng manh và xơ xác trong chiếc áo không che đủ
tấm thân. Tây Bắc là kỷ niệm của lần đầu tiên trong đời dám chạy xe máy băng
qua những con dốc, những mỏm núi đá cheo leo và những ruộng bậc thang ngút
ngàn. Tây Bắc có cả những giọt nước mắt của tôi khi bị té xước tay và ăm ắp kỷ
niệm của những người bạn lần đầu là phượt thủ.
Tây Bắc đón chúng tôi bằng cơn mưa bất chợt, bác tài cỡ tuổi
hơn 50, lúc hỏi đường để chở chúng tôi đi, bác không trả lời, nhưng khi đã nói
chuyện thì gần như không có khoảng cách, cảm giác như người phương xa trở về
trong vòng tay gia đình. Xe lao vun vút trên đường, nhìn qua lớp kính, tất cả đều
mờ ảo, chỉ thấy những ngọn núi nhấp nhô, cảm giác như những ngọn núi đang xuyên
thủng các đám mây, vạn vật mờ mờ ảo ảo như chốn bồng lai tiên cảnh.
Rừng thông bản Áng cảnh sắc rất thơ mộng
và hữu tình, như muốn
níu chân người khách phương xa.
Đón chúng tôi là chị chủ nhà nghỉ homestay Thảo Nguyên nhiệt
tình quá mức cho phép. Chỉ từng góc nhà, từng nơi để vật dụng và nói: “Các e cứ
tự nhiên đi, cứ xem ở đây như người nhà. Phòng tắm ở đây, phòng bếp ở đây…, có
cần gì thì cứ bảo chị. Ban công ở phía ngoài có thể mở ra ngồi chơi, nhưng khi
nào vào thì nhớ đóng cửa lại, chứ không lạnh lắm đấy”.
Trong biết có phải do may mắn hay sự trùng hợp mà những nơi
chúng tôi qua không hề có bão hay mưa gió sấm sét, cũng chẳng đông đúc như những
đợt cao điểm của du lịch. Lúc gặp chị chủ quán bán hàng lưu niệm trên đường lên
thác Dải Yếm có cô con gái 11 tuổi xinh thiệt là xinh, các anh trong đoàn tôi
ai cũng đòi góp gạo chờ cô bé lớn, làm cô bé mắc cỡ không nói nên lời.
Tôi nghe xong cũng thấy vui trong lòng, vì cái cách trả lời
chân chất của chị và cả ánh nhìn trong veo và nụ cười bẽn lẽn của cô bé khi được
mọi người đề nghị cho chụp ảnh. Nhớ lời anh chủ quán cơm bình dân dặn: Lần sau
có dịp lên thì ghé quán anh, của nhà ăn sao anh bán vậy, người dân ở đây thật
thà lắm - mà tự nhiên thấy ấm lòng.
Ít ra, trong hằng hà sa số những thứ đang làm con người mất
lòng tin về nhau thì sự mộc mạc chân thành của những người dân ở đây còn giữ
chân chúng tôi đến thêm ít ngày nữa, để thấy rằng có những thứ không thể mua bằng
tiền - đó là sự chân thành.
Cô bé xinh xắn, vui vẻ chụp ảnh cùng khách
du lịch ở hàng
lưu niệm trên đường lên thác Dải Yếm.
Chúng tôi nhẹ nhàng, rón rén đón cái lạnh của Mộc Châu, hít
hà mùi rượu sâm cay cay mà chị chủ quán mời không tính tiền, chạy qua những triền
đê và những vạt bắp trải dài khắp triền núi mà cảm giác như mọi thứ sắp cô đọng
lại vì lạnh. Mấy chục năm sống ở miền Nam, sợ nhất là lạnh vì bị viêm xoang, vậy
mà lên đây áo mỏng tanh, chạy phà phà trong mưa trong gió mà vẫn không biết lạnh
là gì. Bởi mới nói, một khi con người ta vượt qua được chính bản thân mình, thì
tất cả sẽ trở thành “muỗi”.
Tôi nghĩ mình đã kịp ghi hết trong đầu những địa danh đã đi
qua ở Mộc Châu, đó là thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, đồi chè hình trái tim, rừng
thông Bản Áng, hang Dơi… để thêm kinh nghiệm cho những chuyến đi cùng con gái sắp
tới, để có thể tự hào nói với con rằng: “Con ạ, nơi này mẹ đã từng qua”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét