Không biết Hiền có nghĩ gì không, nhưng kể từ khi khởi động
máy để đưa mọi người vào tràm chim bằng thuyền kéo, anh chàng cũng chẳng mấy
khi mở lời. Cũng có thể vì máy nổ to át cả tiếng người. Là tôi cứ nghĩ thế cho
mềm.
Đường vào Tràm chim
Chuyến đi gần như là không định trước, dù thâm tâm tôi cũng
nao nức lắm. Cứ hình dung mình đang ở Huế, sau một chuyến bay đêm, thêm một cuộc
“transit” bằng ô tô sau đó chừng vài tiếng đã có mặt ở một nơi xa thật là xa với
những “mời mọc” khá quyến rũ đọc được ở trên mạng về một vùng ngập nước mênh
mông, với cả một bộ sưu tập từ các loài chim quý hiếm, các loài cá đến hệ thực
vật đa dạng của Tràm chim ở Tam Nông (Đồng Tháp) đã thấy muốn khoác balo lên và
đi rồi.
Con đường nước sẫm màu, không biết người ta gọi là sông, hay
là kênh không mấy rộng nhưng hẳn nhiên là dài. Trước đó, mọi người đã quyết định
chọn xuồng kéo thay vì tắc ráng vì muốn có nhiều thời gian để quan sát được nhiều
hơn. Không biết có phải vì thương người đến từ xa mà hôm ấy, trời không mấy nắng.
Gió đủ để làm tóc bay nhưng chẳng biết có phải vì thế không mà khi xuyên vào
vùng tràm chừng non tiếng, lúc mà mọi người trên thuyền đã tỏ ra sốt ruột mới bắt
đầu xuất hiện những cánh cò trên triền nước. Nhưng bọn chim cò ít ỏi này trông
mập mạp và chả có vẻ gì là ngại khách. Bằng chứng là chúng vẫn ngụp lặn ngay
trước mũi thuyền để tìm thức ăn, hoặc thản nhiên đứng rỉa cánh trên mấy đụn đất
cao ráo. Có khi trong số đó, có loài cò ốc đã được tượng hình trong mùa sinh nở
kỷ lục sau hàng chục năm với số lượng lên đến cả ngàn tổ vào năm ngoái…
Chú chim có vẻ bơ vơ
Biết không phải mùa, và lũ chim trứ danh với những đại bàng
đen, bồ nông chân xám, te vàng, già đãy, choi choi, cốc đế, ô tác, công đất…
trong hệ chim nước giàu có gồm 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ của vùng tràm đã
tìm chốn cư ngụ nào đó, ngay cả sếu đầu đỏ cũng chẳng thấy đâu dù đây là nơi
chúng còn định cư đến đầu tháng 5 âm lịch, tôi vẫn có một cảm giác xốn xang khó
tả khi thi thoảng lại nghe tiếng chim vụt bay ra từ những ngọn tràm lúp xúp hai
bên bờ. Cái âm thanh thân thiện này, từ lâu đã mờ dần trong ký ức của những người
ở phố, nơi mà những cánh đồng đã nhường chỗ cho các khu dân cư hay các tòa nhà.
Mà cũng có thể vì tôi đã rời những năm tháng tuổi thơ quá lâu rồi.
Không thấy lục bình, nhưng thi thoảng ngang qua những vạt
sen, những chiếc lá lại cọ vào mạn thuyền. Trong chộn rộn những lúc thuyền
chòng chành để chiều một vị khách nào đó đang nghiêng người về phía hoa, tôi ngỡ
lũ sen trắng, sen hồng đang khúc khích cười khi cọ mình vào lá. Chịu khó hơn là
lũ hoa súng dập dềnh suốt con đường vào trạm nghỉ. Những cụm súng nhỏ nhoi,
nhưng có vẻ bền bỉ và quyết liệt nở hoa giữa dòng nước và giữa bạt ngàn cỏ năn,
cỏ lác.
Một góc Tràm chim nhìn từ đài quan sát
Mùa tràm nở hoa, nên miên man màu trắng đục trên thân cây suốt
dọc đường. Tràm ở đây không nhiều, không dầy như ở Tràm Trà Sư (An Giang),
nhưng cái dáng đứng nghiêng nghiêng xuống mặt nước của loài tràm nước không lẫn
vào đâu được. Không dám nào thò chân xuống, nhưng tôi cứ nghĩ về độ sâu và độ
bám để chắn gió, giữ đất và tạo nên một vành đai cho sự sống của vườn quốc gia
rộng 7.313ha. Không biết đó có phải vì thế mà người ta gọi nơi này là tràm, y
như vùng trằm – một cách gọi khác của tràm – ở Phong Điền của Huế, dù quy mô của
Trằm Thiềm, Trằm Bàu Bàng, Trằm Niêm, trằm Hóa Chăm, trằm Sen… nơi quê nhà
khiêm tốn quá chừng nếu so với Tràm Chim.
Ngó nghiêng dọc con đường vào, tôi đã gặp những đám lúa trời
(hay còn gọi là lúa ma) mọc lan man. Nhớ năm nào trước, khi vào vùng Đồng Tháp
Mười phía Long An, người quản lý lúc đó là ông Tám Lời đã kể tôi nghe việc lúa
trời đã nuôi sống người kháng chiến những lúc khó khăn, những lúc mà lương thực
đã không thể tiếp ứng kịp thời khi địch liên tục càn quyét. Giờ thì lúa trời vẫn
hiện diện ở đây và góp phần vào sự đa dạng của thảm thực vật hơn 130 loài khác
nhau theo kiểu quần xã đặc trưng. Không biết lúa có ký ức không, nhưng tôi cứ
mường tượng cách mình đã di chuyển trên con đường bê tông đắp nổi giữa vùng Đồng
Tháp Mười ấy và cố hái cho bằng được một nắm hạt hãy còn xanh. Nhớ cái vị mặn
trong những hạt bé xíu mà cứng cỏi.
Một lúc, tôi đã nhắm mắt lại để nghe cho rõ hơn tiếng chim
lích chích thật mỏng khi thuyền vẫn điềm đạm nổ máy để tiến sâu vào phía trước.
Có mùi cỏ, mùi bùn ngai ngái. Hình như có chuyện gì đó đang được kể bởi lũ cồng
cộc và lũ cò trắng, cò xám dạn dĩ. Nếu có chút ít khả năng của Trương Cảm – người
nghe và gọi về được lũ chim trời trên đại ngàn Bạch Mã, biết đâu tôi sẽ nghe được
điều mà chúng đang thầm thì, đang ríu ran kể cho nhau nghe…
Gần 3 tiếng đồng hồ cho chặng đường 21 km trên chiếc thuyền
kéo để đến trạm dừng số 3 kể ra cũng dài, nhất là khi tràm chim vắng khá nhiều
các chủ nhân thật sự. Nhưng khi nhìn ra tít tắp vùng tràm, với những cánh gió lặng
lẽ, với những cánh chim rất mỏng chấp chới khi dõi mắt về phía xa, tôi biết ít
nhất điều mình có là đã đến đây, đã có mặt tại nơi này và nghe được hơi thở của
một vùng bưng biền mà trước đó, mình chỉ có thể mường tượng. Trên con thuyền
hôm đó, anh lái xe rời ô tô theo đoàn làm khách trong cuộc du ngoạn nhỏ đã ca mấy
câu tài tử bằng cái giọng âm thầm khê khê “Đường dù xa ong bướm/xin đó đừng phụ
nghĩa tào khang…”. Cái quãng nhấn của “xin đó đừng phụ nghĩa” nghe như tiếng buồn
loang trên mặt nước.
Hỏi anh đã khi nào đến đây chưa chỉ nhận được nụ cười nhẹ,
hơi có phần ngượng ngập. Tôi, chẳng hiểu sao lại nghĩ đến gương mặt khắc khổ và
đen đúa của người đồng hành ấy khi nhìn ra xa ngái từ đài quan sát. Ờ mà dễ chi
có một chuyến đi, nếu không gặp được những người bất chừng ngẫu hứng. Như là
Phương và Ích đến từ Hà Nam. Như là cô gái giọng Trà Vinh líu ríu và hay cười.
Bữa cơm trưa ở trạm nghỉ được dọn trên một nhà lều cạnh dòng
nước lé đé. Dẫu phải liên tục loay xoay để đối phó với lũ muỗi nhưng cá lóc nướng
trui thật tươi, món tép xào điên điển ngọt và dễ ăn hơn hôm ăn kèm với bún cá ở
Châu Đốc. Cơm gạo huyết rồng hạt sen nghe nhẩn nha mùi nước dừa. Một ít bia Sài
Gòn đủ để làm vơi cơn khát, dù chúng tôi cũng mới chỉ đi được non 1/3 tổng chiều
dài vùng Tràm.
Bữa trưa chắc cũng nhanh, vì cái túi treo tòn ten ở mui thuyền
cũng không nhiều nhặn gì nên khi chúng tôi ra về, đã thấy Hiền ở đó đợi khách.
Cuộc trò chuyện nhỏ khi thuyền cập bến cho tôi biết, anh chàng trở thành tài
công đưa khách đi tham quan của Vườn quốc gia Tràm chim được chừng 4 tháng,
nhưng lượng khách đủ nhiều để thuộc luồng lạch con nước; đủ để biết cách làm
khách hài lòng ngay cả khi từ chối lời mời ăn trưa. Giọng người Cao Lãnh té ra
hiền cũng thôi rồi.
Có một giấc ngủ ngắn trên khoang khi nắng chiều chập choạng.
Tôi đã tỉnh giấc vì nắng đổi hướng chiếu lên mặt mình, mà cũng có thể vì mùi
khói ngây ngấy phía bên kia bờ, nơi một nhà thuyền neo đậu. Họ đã chào nhau bằng
những cái ngoắc tay. Lũ chim vẫn trốn đâu mất tiêu, ngoài mấy cái đầu thi thoảng
lại chúi xuống nước một cách lì lợm như ở chốn không người. Chẳng biết chúng có
tìm thấy nhiều cá phía dưới làn nước phèn đục kia không…
Trong một khoảng thời gian không mấy nhiều, tôi nghĩ có khi
mình cũng như là một cánh chim, với những xúc cảm riêng có trong chuyến xuôi
vùng tràm. Biết có khi mình sẽ còn trở lại trong mùa hoa hoàng đầu ấn nở vàng sẫm
đồng và hoa nhĩ cán liu tiu mà mông lung nhuộm tím cả Tràm chim một ngày nào
đó.
Nguồn:http://dulich.baothuathienhue.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét