Cùng với hình ảnh của các loài hoa khác hiện diện giữa trời
xuân, hình ảnh hoa xoan từ lâu cũng đã đi vào thơ ca như một hình ảnh đẹp, tiêu
biểu của mùa xuân vùng đồng bằng Bắc Bộ - nơi thi nhân gửi gắm những suy tư,
xúc cảm và cả những ước vọng về mùa xuân thanh bình, ấm áp.
Hình ảnh hoa xoan trong thơ
1. Về vùng quê bắc Bộ vào những dịp giữa hay cuối xuân, sẽ bắt gặp
ở khắp nơi những cây xoan, hàng xoan cao vút với những chùm hoa tím nhỏ li ti
đong đưa trong gió xuân. Nổi bật lên giữa màu xanh non của cành lá, trong những
tia nắng ngọt đầu mùa, những chùm hoa xoan như gợi lên trong tâm trí bao người
về hình ảnh mộc mạc, giản dị, dân dã của quê hương.
Cách đây hơn sáu thế kỷ, hình ảnh hoa xoan đã hiện diện trong
thơ Nguyễn Trãi (1380-1442). Mộ xuân tức sự là bài thơ chữ Hán hay,
giàu xúc cảm, gợi nhiều tâm trạng, được viết khi Nguyễn Trãi đã cáo quan về Côn
Sơn ở ẩn.
Sống gần gũi thiên nhiên với tấm lòng rộng mở, xa lánh những
bon chen, đố kỵ chốn quan trường, Nguyễn Trãi đã hòa mình vào với đồng ruộng,
thiên nhiên, làm bạn với cỏ cây hoa lá. Và những hình ảnh thân quen, mộc mạc,
dân dã của đồng quê như cọng rau muống, cỏ núc nác, hoa lục bình… đã đi vào thơ
ông một cách tự nhiên, dung dị.
Hình ảnh hoa xoan là một hình ảnh đẹp xuất hiện ở những dòng
cuối của Mộ xuân tức sự, gợi nhiều suy cảm về một loài hoa cuối xuân với
những xúc cảm nhớ xuân, tiếc xuân đong đầy trong suy nghĩ của một người nặng
tình với dân với nước.
Được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, niêm luật
chặt chẽ nhưng từng câu, từng từ của Mộ xuân tức sự lại rất giản dị
như ngôn ngữ đời thường.
Hai dòng đầu, là lời tâm sự của thi nhân về cuộc sống nơi
thôn dã, bỏ lại sau lưng những buồn vui chốn quan trường. Đó sự nhàn tản, lặng
lẽ của một nhà Nho phong lưu ngày ngày đắm mình trong thư phòng, chạy trốn cuộc
đời trong những trang sách:
Nhàn trung tận nhật bế thư trai,
Môn ngoại toàn vô tục khách lai.
(Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn
Khách tục không ai bén mảng gần)
Nhưng ẩn sâu sau vẻ nhàn tản, “nhàn thân” lại là những tâm sự,
suy tư đầy dằn vặt, day dứt của bậc sĩ phu, quân tử trước vận nước. Bao trùm
lên hai dòng thơ là nỗi cô đơn, trống trải.
Sau vẻ “nhàn nhã”, không vướng bụi trần là những tâm sự thức
thời, những mong ngóng, khát vọng được “hành đạo” giúp đời. Vì thế về với chốn
an bình, “an bần lạc đạo” nhưng những tiếng vọng của “chim Đỗ Quyên”, tiếng vọng
của non sông, đất nước vẫn canh cánh, thổn thức bên lòng:
Đỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão,
Nhất đình sơn vũ luyện hoa khai.
(Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan)
Như vậy với Nguyễn Trãi, dù đã lui về ở ẩn nhưng với tấm lòng
ưu thời, mẫn thế, nhạy cảm với những biến chuyển của thời cuộc, cho nên những
chuyển động của thiên nhiên dù tinh tế, nhẹ nhàng đến đâu cũng để lại trong ông
những xao động, những tâm tình, xúc cảm.
Trong cái lặng lẽ, tĩnh mịch của không gian, trong cái ngưng
đọng của thời gian “nhàn”, tiếng chim Đỗ Quyên vang lên báo hiệu sự sắp ra đi của
nàng xuân như đưa ông trở về với hiện tại với nỗi nhớ thương đất nước khôn
nguôi.
Hình ảnh chim Đỗ Quyên gợi nhắc đến điển tích vua nhà Thục mất
nước biến thành chim Đỗ Quyên, cứ đến cuối xuân đầu hè, tiếng chim kêu thảm thiết
như đang nhớ Tổ quốc, quê hương. Hai dòng thơ cuối của Mộ xuân tức sự thiên
về tả cảnh, vẽ nên bức tranh xuân đong đầy cảm xúc.
Đó là sự tiếc xuân, là lòng nhớ thương quê hương đất nước, da
diết. Mộ xuân tức sự ẩn chứa bi kịch, nỗi niềm của một nhân cách lớn.
khi thi nhân ý thức rõ về sự tuần hoàn, chảy trôi bất tận của thời gian trong
khi bản thân chưa làm được gì cho dân cho nước!
Hình ảnh hoa xoan nở đầy sân trên nền cảnh mưa bụi là một
hình ảnh đẹp, thi vị, lãng mạn nhưng đượm buồn. Nỗi buồn và sự cô đơn tỏa ra từ
trong sâu thẳm tâm trạng của thi nhân nhuốm lên cảnh sắc, sự vật. Như vậy, sau
cái hình thức bên ngoài có vẻ nhàn nhã, phong lưu là mối cảm hoài của một tấm
lòng luôn hướng về dân về nước, “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”.
Nếu ba câu thơ đầu diễn tả nỗi lòng, tâm trạng của thi nhân
thì câu thơ cuối vẽ ra bức tranh thiên nhiên cuối xuân giàu màu sắc, hình ảnh
mà đọng lại trong ấn tượng người đọc là hình ảnh của loài hoa thôn quê, mộc mạc,
giản dị: Hoa xoan - một loài hoa tượng trưng cho mùa xuân nơi đồng quê.
Đó là loài hoa nhỏ sắc trắng tím với hương nồng thoang thoảng,
đặc trưng, từng in sâu trong ký ức của biết bao người. Hoa xoan là một điểm nhấn,
là “thi nhãn” của toàn bài. Với Mộ xuân tức sự, con người Nguyễn Trãi có
thể “suốt ngày lặng lẽ khép phòng văn” nhưng tâm hồn và tấm lòng yêu nước của
ông thì luôn hướng ngoại, vẫn nghe rõ tiếng Cuốc kêu, vẫn cảm nhận được sắc
xuân, tuổi trẻ dù xuân sắp qua, xuân đã muộn.
Sự xuất hiện của hoa xoan cho thấy tình yêu thiên nhiên da diết
và tinh thần lạc quan, tin yêu cuộc sống không bao giờ vơi cạn.
Bài thơ kép lại bằng những hình ảnh: mưa bụi, hoa xoan như khẳng
định sức sống bất diệt của thiên nhiên, niềm tin của Nguyễn Trãi vào tương lai
tươi sáng của dân tộc.
2. Tiếp nối mạch nguồn thơ ca truyền thống viết về thiên nhiên,
làng quê với những hình ảnh thân quen, Nguyễn Bính (1918-1966) - một thi sĩ nổi
tiếng trong phong trào Thơ Mới (1932-1942) cũng đã đưa vào trong thơ những hình
ảnh rất đỗi mộc mạc, giản dị như rặng cau, vườn trầu, hoa chanh, trái bưởi, lá
sen, ao bèo…, đặc biệt là hình ảnh hoa xoan.
Trong thơ Nguyễn Bính, những hình ảnh đẹp của thiên nhiên thường
được đan cài, quyện hòa và gắn liền với những câu chuyện tình của đôi lứa yêu
nhau vì thế thiên nhiên thường nhuốm màu tâm trạng, như những biểu tượng đẹp của
lòng người. Mưa xuân là một thi phẩm đặc sắc của ông viết về những
rung động đầu đời của cô gái thôn quê mới chớm tuổi yêu.
Bên cạnh những hình ảnh thân thuộc như khung cửi, con đê,
làng Đặng, thôn Đoài, hội chèo… thì hình ảnh hoa xoan cũng đã góp phần chuyển tải
những tâm trạng, những điều thầm kín khó nói của người con gái “lần đầu rung động
những thương yêu”.
Sau khổ thơ đầu mang tính chất giới thiệu về “gia cảnh, nghề
nghiệp” và tâm trạng của người thiếu nữ, Nguyễn Bính đã vẽ lên lên bức tranh
xuân đầy thi vị:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
Bằng lối nói dân gian, giàu hình ảnh, Nguyễn Bính rất tài
tình trong việc tạo dấu ấn thời gian, vừa mang tính phiếm chỉ, vừa gợi cái cụ
thể, xác định: Bữa ấy, tối nay. Và đặc biệt, nhà thơ đã tạo ra khung cảnh
của bức tranh cuối xuân với những hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng: mưa xuân, hoa
xoan và những đêm hát chèo. Những hình ảnh này tạo nên một không khí đượm sắc
xuân với những hy vọng, mong chờ.
Hoa xoan trong thơ
Dù không trực tiếp đề cập đến tâm trạng, mong ước của cô gái
nhưng những tín hiệu thiên nhiên, đất trời như gieo vào tâm trí cô những xúc cảm
bồi hồi, mong ngóng mà đêm hát chèo của làng Đặng chính là tín hiệu vui, nơi hội
ngộ của những đôi lứa hẹn hò, tình tự, giao duyên, kết bạn.
Miêu tả thiên nhiên để khắc họa tâm trạng là bút pháp quen
thuộc của các thi nhân, trong khổ thơ này những hình ảnh của thiên nhiên gợi
nhiều cảm xúc, diễn tả tinh tế tâm trạng người thiếu nữ.
Những hạt mưa bay, những cánh hoa xoan rụng vơi đầy, tác động
mạnh vào xúc cảm yêu của người con gái đang mong ngóng, chời đợi mối tình đầu.
Một chút lành lạnh của mưa bay, cái nhịp chảy trôi của thời
gian qua những cánh hoa xoan, âm thanh rộn rã của tiếng trống chèo, tạo nên những
rạo rực, bồn chồn, xôn xao trong lòng người thiếu nữ.
Mưa xuân được kết cấu như một bản ký sự về mối tâm tình
của cô gái thôn quê, một câu chuyện tình đong đầy những cung bậc cảm xúc, từ
mong ngóng, chờ đợi, hy vọng, bồi hồi, xốn xang đến những tiếc nuối, buồn thương,
cô đơn và rồi là những đợi chờ, hy vọng mong manh.
Trong đêm hát chèo, người con gái không tìm gặp được chàng
trai đã hẹn ước, cô “lầm lụi” ra về trong nỗi buồn và sự cô đơn. Những hạt mưa
xuân khiến lòng cô thêm lạnh buốt, con đường đê trở về nhà cứ dài dằng dặc, và
những cánh hoa xoan rơi rụng, giập nát dưới chân giày, gợi bao cảm giác buồn
thương, tiếc nuối:
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”.
Qua miêu tả những biến chuyển của thiên nhiên, Nguyễn Bính
khéo léo diễn tả một cách tinh tế những cung bậc cảm xúc trong lòng người thiếu
nữ. Nếu những khổ đầu là hy vọng, hồi hộp mong chờ, khát khao gặp gỡ thì những
khổ cuối là sự cô đơn, bẽ bàng, tủi hổ.
Mùa xuân qua đi thật nhanh, mưa xuân đã ngại bay, hoa xoan đã
nát và những lời nhắc của mẹ như càng khắc sâu thêm nỗi buồn và sự thất vọng của
người con gái đang yêu. Sự lặp lại của hoa xoan với những tính từ chỉ sự đối lập,
nói lên những chuyển biến tâm trạng, những cảm xúc thầm kín, khó nói của nhân vật
trữ tình.
Hình ảnh hoa xoan đẹp nhưng mong manh, trước đêm hội chèo thì
phơi phới hương xuân, tình xuân, sau đêm hội thì hoa đã nát, đã tàn. Hình ảnh
“Hoa xoan đã nát dưới chân giày” cho thấy sự ra đi của mùa xuân, sự lỡ làng của
mối tình đầu với những buồn thương, hờn giận, trách móc của người con gái thôn
quê.
Nhưng dù xuân đã cạn, mưa ngại bay, hoa xoan đã nát, hội chèo
đã tan, người thương chưa gặp thì cô gái vẫn không thôi ước mong chờ đợi gặp gỡ
vào mùa xuân sau, vào những đêm hội chèo kế tiếp:
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ chèo Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng hát tối nay?
Những lời nhắn gửi của cô gái thật thân thương, nói lên tâm hồn
trong sáng, thơ ngây, rộng lượng và bao dung với niềm tin son sắt.
Bằng những vần thơ mộc mạc, những hình ảnh quen thuộc, gần
gũi, Nguyễn Bính đã khắc họa và “kể lại” thành công câu chuyện tình với nhiều
cung bậc cảm xúc của người con gái đang yêu, qua đó ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của
người thiếu nữ thôn quê thuần hậu.
3. Nếu Nguyễn Bính được mệnh danh là thi sĩ của đồng quê, nhà
thơ chân quê, tình quê với những bài thơ mang đậm phong vị ca dao, dân ca từ
hình ảnh, nội dung, chất liệu đến phương thức biểu hiện thì với nữ sĩ Anh Thơ
(1921-2005), những sáng tác của bà trong tập Bức tranh quê (1941)
cũng đã đem đến cho người đọc những cảm xúc mới lạ, độc đáo về những hình ảnh rất
đỗi quen thuộc của quê hương, đồng nội.
Cùng với Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ là một
trong những gương mặt xuất sắc của phong trào Thơ Mới với dòng thơ viết về
phong cảnh và con người làng quê Việt Nam. Chiều xuân là một thi phẩm
đặc sắc của nữ thi sĩ, vẽ ra bức tranh chiều xuân với nhiều hình ảnh, màu sắc đặc
trưng về thiên nhiên và con người vùng quê Bắc Bộ trong một không khí tràn ngập
sức xuân:
Mưa bụi đổ êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Được viết bằng thể thơ tám chữ, nhịp đều đều, chậm rãi, nhà
thơ đã vẽ lên bức tranh chiều xuân thật đẹp đẽ, thi vị, lãng mạn với những hình
ảnh quen thuộc, đặc trưng: mưa bụi, hoa xoan, con đò, bến nước, dòng sông…
Trong cái lành lạnh của mưa xuân “đổ” từng làn nhẹ nhàng xuống bến vắng, cảnh vật
dường như im lìm, tĩnh lặng, trong trẻo, đượm buồn: bến vắng, đò lười, quán im
lìm, mưa êm êm…
Nét đặc sắc trong khổ thơ là tác giả đã có sự kết hợp một
cách nhịp nhàng, hài hòa những động từ và tính từ chỉ trạng thái cùng thủ pháp
nhân hóa, giàu sức gợi hình, lấy cái chuyển động để miêu tả cái tĩnh tại, yên ắng,
tạo ra bức tranh xuân như một bức tranh thủy mặc, gần gũi, sinh động, nên thơ.
Lựa chọn thời điểm buổi chiều trong ngày mưa bụi, trong không
gian bến vắng, cảnh sắc thiên nhiên trong khổ đầu của Chiều xuân như
“ ngưng” lại bởi sự thưa vắng của hình bóng con người. Trong không khí xuân ấy,
con người thường hội họp, sum vầy bên gia đình, người thân, họ tạm nghỉ ngơi
sau những ngày lao động, và vì thế thiên nhiên, cảnh vật cũng như đang ngơi nghỉ
để tận hưởng sắc xuân, tình xuân.
Trong bức tranh chiều xuân, một trong những hình ảnh gợi nhiều
cảm xúc, ấn tượng cho người đọc là hình ảnh những chòm hoa xoan tím. Câu thơ “Bên
chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” góp phần xua tan cảm giác tĩnh tại, thanh
vắng của thiên nhiên, đất trời và lòng người.
Cái rụng tơi bời của hoa xoan cho thấy tín hiệu xuân sắp qua,
và thi nhân đã kịp ghi lại những khoảng khắc đẹp nên thơ nơi bến vắng gợi nhiều
suy tư, xúc cảm. Động từ “rụng tơi bời” rất mạnh nhưng những cánh hoa xoan bé
nhỏ, li ti không đủ sức làm khuấy động không gian trước cảnh “đò biếng lười nằm”,
“quán tranh đứng im lìm”.
Hình hảnh hoa xoan rụng hô ứng với mưa bụi đổ là những nét điểm
xuyết cho bức tranh xuân thêm thi vị, lãng mạn, trữ tình.
Chiều xuân gồm có ba khổ, mỗi khổ là một nét vẽ, một bức
tranh nhỏ trong bức tranh chung của mùa xuân: đẹp nhưng phảng phất nỗi buồn và
cả sự cô đơn, trống vắng!
Là nữ thi sĩ với những rung cảm tinh tế, gắn bó sâu nặng với
làng quê, những vần thơ của Anh Thơ đã giúp người đọc trở lại gần hơn với thiên
nhiên, với những hình ảnh gắn bó với mỗi người từ thuở ấu thơ. Chiều xuân là
bài thơ mang âm điệu trầm, da diết, gieo vào lòng người đọc những cảm xúc mới về
vùng quê lặng lẽ, yên bình.
NGUYỄN HUY PHÒNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét