Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Cầm đường ngày tháng thanh nhàn

Cầm đường ngày tháng thanh nhàn
Thể theo lời căn dặn của Kiều, Kim Trọng lấy Thuý Vân làm vợ. Nhân hội chế khoa, Kim Trọng và Vương Quan đều thi đỗ "cùng chiếm bảng xuân một ngày". Kim Trọng được bổ làm tri huyện:
Vâng ra ngoại nhậm Lâm tri
Quan sơn nghìn dặm thê nhi một đoàn
Cầm đường ngày tháng thanh nhàn
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao
(câu 2873 đến 2876)
"Cầm đường" nghĩa đen là đánh đàn; nghĩa bóng là nha quan huyện. Nguyên sách "Lữ thị xuân thu" có câu: "Bật Tử Tiện trị đơn phủ đàn minh cầm, thân bất hạ đường nhi Ðơn phủ trị". Nghĩa là Bật Tử Tiện cai trị huyện Ðơn phủ, gảy đàn cầm, THÂN KHÔNG XUỐNG KHỎI THỀM CÔNG ĐƯỜNG VÀ HUYỆN ĐƠN PHỦ ĐƯỢC YÊN TRỊ. Ý KHEN CHÍNH lịnh của Bật Tử Tiện.
Bật Tử Tiện là học trò của đức Khổng Tử, làm quan nước Tấn đời Xuân Thu, giữ chức Tri huyện. Khổng Miệt là cháu đức Khổng Tử cùng làm quan một thời với Bật Tử Tiện. Một hôm Khổng Tử đến viếng Khổng Miệt, hỏi:
- Từ khi ngươi ra làm quan được những điều gì, mất những điều gì?
Khổng Miệt thưa:
- Từ khi tôi ra làm quan chưa được điều gì mà mất ba điều: việc quan bận, không còn thì giờ học tập, vì thế mà học vấn không tiến; bổng lộc ít không đủ chu cấp cho họ hàng, vì thế mà họ hàng không thân thiết; công việc nhiều không thể đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà ăn ở với bầu bạn không trọn vẹn.
Nghe nói, Khổng Tử không bằng lòng.
Khi đến viếng Bật Tử Tiện, Khổng Tử cũng hỏi như thế. Bật Tử Tiện thưa:
- Từ khi tôi ra làm quan chưa có điều gì mất mà có ba điều được. Những điều trước học nay đem ra thực hành, vì thế mà sự học càng rõ; bổng lộc dầu bạc cũng có thể chu cấp ít nhiều cho họ hàng, vì thế mà họ hàng càng gần; việc quan tuy bận nhưng cũng bớt được ít nhiều thì giờ đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà bầu bạn càng thân.
Khổng Tử nghe, khen cho là bực quân tử.
Bật Tử Tiện giữ chức tri huyện, hằng ngày thường gẩy đàn rất thanh nhã mà công việc cai trị vẫn chạy đều, dân trong huyện được yên ổn làm ăn, đời sống vẫn no ấm. Về sau, ông được thăng bổ đi nơi khác, có Vu Mã Tử Kỳ đến thay. Tử Kỳ lại tất bật công việc ngày đêm, không lúc nào được thanh thản nghỉ ngơi, trong huyện mới được yên ổn. Tử Kỳ lấy làm lạ, thân đến hỏi Tử Tiện:
- Tôi làm việc không nghỉ, đầu tắt mặt tối, công việc được thanh thản đã đành. Còn ông chỉ ngồi gảy đàn, uống trà, chẳng phải bận rộn gì mà công việc vẫn được chu tất là nghĩa làm sao?
Bật Tử Tiện đáp:
- Tôi chia việc và điều khiển những kẻ khác làm, còn ông tự làm lấy nên việc khó nhọc. Vả, việc cai trị là việc lớn cần phải có nhiều người làm. Ta cần biết dùng người tuỳ tài sức, tuỳ công việc mà giao trách nhiệm. Ðối với việc công có ích lợi cho nước, ích lợi cho mình, ai lại chẳng muốn gánh vác, riêng mình bao biện là tranh lấy việc người, tạo lòng căm ghét cho người thì mình cá nhân làm sao nên được việc. Ðó là tự mình gây mối loạn và gây khổ lấy mình.

Tử Kỳ chắp tay bái phục:
- Như thế quả tôi không bằng được ông
"Cầm đường ngày tháng thanh nhàn" là thế.
Triệu Biện, người đời nhà Tống khi được bổ làm quan Huyện chỉ đem theo một con hạc, một cây đàn mà không đem vợ con theo. Hằng ngày thường ngồi gảy đàn cho hạc múa xem rất thong dong, nhưng công việc trong huyện vẫn điều hoà, đời sống của dân được yên ổn, sung túc. Vì Triệu Biện biết dùng người để phân bố công việc.
"Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao" là thế.
Cả hai câu chứng tỏ Kim Trọng có tài cai trị như Bật Tử Tiện và Triệu Biện danh tiếng ngày xưa. Gảy đàn uống trà, gảy đàn cho hạc múa mà trị an đất nước, tạo được ấm no hạnh phúc cho dân.
Gảy đàn ở đây có tính cách quan trọng. Nho gia vốn chú trọng về Nhạc và Lễ. Và đây cũng là cách lập giáo của Khổng Tử ở phần Hình nhi hạ học. Vì theo đạo Nho, nhạc cũng như lễ rất có ảnh hưởng về phương diện chính trị. Khổng Tử cho rằng: "Ðạo thanh âm thông với chính trị vậy" (Thanh âm chi đạo, dữ chính thông hĩ- Nhạc Ký, XIX); và "Xét cho kỹ âm nhạc để biết chính trị hay dở" (Thẩm nhạc dĩ tri chính- Nhạc Ký, XIX). Nhạc để khiến người ta đồng vui, đồng thương. Nhưng vui hay thương vẫn phải lấy sự điều hoà làm chủ. Do đó, Khổng Tử nói: "Vui mà không dâm, thương mà không hại" (Lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương- Luận ngữ: Bát dật, III)
Như vậy, gảy đàn tức âm nhạc vốn có tính cách chính trị an nước an dân.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...