Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Quả mai ba bảy đường vừa

Quả mai ba bảy đường vừa
Cũng lời khuyên của Vân xin Kim Trọng và Thúy Kiều tái hợp kết duyên xưa, có câu:
Còn duyên này lại còn người
Còn vầng trăng bạn còn lời nguyền xưa
Quả mai ba bảy đường vừa
Ðào non sớm liệu xe tơ kịp thì

(câu 3073 đến 3076)
"Quả mai ba bảy đường vừa" nguyên lấy chữ thơ "Phiếu mai" "Mai rụng" trong Kinh Thi, gồm có 3 chương:
1. Phiếu hữu mai
Kỳ thực nhất hề
Cầu ngã thứ sĩ
Ðãi kỳ cát hề
2. Phiếu hữu mai
Kỳ thực tam hề
Cầu ngã thứ sĩ
Ðãi kỳ kim hề
3. Phiếu hữu mai
Khuynh khuông kỳ chi
Cầu ngã thứ sĩ
Ðại kỳ vị chi
Lược dịch:
1. Quả mơ rụng
Mười phần còn bảy
Ai cầu ta
Hãy kíp chọn ngày
2. Quả mơ rụng
Mười phần còn ba
Ai cầu ta
Kíp rước ngay về
3. Quả mơ rụng
Nghiêng sọt lượm mơ
Ai cầu ta
Kíp ngỏ lời ra
(Bản dịch của Lê Văn Hòe)
"Quả mơ rụng, mười phần còn bảy, mười phần còn ba..." chẳng những để nói tiết cuối xuân còn chỉ cái quá thì dần dần của người con gái: mai (MƠ) RỤNG, XUÂN TÀN, HƯƠNG SẮC NHẠT DẦN. Ý NGHĨA TOÀN BÀI ĐƯỢC tác giả "Truyện Kiều" gói lại chỉ trong một câu "Quả mai ba bảy đường vừa", để nói về Kiều xuân quá lứa như mai về tiết cuối xuân... nhưng vẫn còn bảy, còn ba như vậy lấy chồng chưa muộn lắm đâu. Và, theo ý của Vân, Kiều nên "sớm liệu xe tơ kịp thì..." nếu không sẽ lỡ thì luôn (mai rụng).
"Ðào non sớm liệu xe tơ kịp thì", nhưng tại sao Vân- hay tác giả- dùng chữ "đào non" vốn chỉ người con gái đương tuổi dậy thì như sen ngó đào tơ mơn mởn đối với một người như Kiều đã một thời "biết bao bướm lả ong lơi... sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh"?
Hai câu trên có người bàn. Cho rằng:
"Ý CỦA CÂU DƯỚI VÀ Ý CỦA CÂU TRÊN MÂU THUẪN NHAU. TRÊN NÓI "Quả mai ba bảy đường vừa" là nói tuổi xuân quá lứa như mơ về tiết cuối xuân. Dưới nói "đào non" là nói tuổi trẻ đẹp của người con gái dậy thì như cây đào non đương xanh tươi mơn mởn. Như vậy là trên nói quá lứa, dưới nói tuổi dậy thì, trên dưới đều dùng chữ sách để nói bóng gió hai ý trái ngược hẳn nhau. Câu trên ví Kiều như cây mơ (mai), câu dưới lại ví Kiều như cây đào. Văn tứ như vậy là thiếu nhất trí.
"Ðối với Kiều thì chỉ câu "quả mai ba bảy" là đắt thôi, dùng câu "đào non... không đắt" (Lê văn Hoè- Truyện Kiều chú giải).
Và:
"Câu này ngẫm thật buồn cười, như cô Kiều lúc đó còn có thể nói "đào non", thời tác giả thật cũng tài tình vậy! " (Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu- Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện")
Tác giả "Truyện Kiều" có phải sơ suất trong việc dùng điển sách (quả mai, đào non) hay thiên vị Kiều (cho Kiều còn vào tuổi dậy thì như đào non) theo những phê phán trên?
Ở đây, trước nhất, chúng ta có nhận biết đây không phải là lời của tác giả nói mà là lời của Vân- nhân vật trong truyện nói. Nàng nói theo trình độ tri thức hay tình cảm của nàng. Truyện có nhiều nhân vật thuộc nhiều hạng người khác nhau, văn ký thuật tất ghi lại cái khác nhau đó.
Hơn nữa, thiết tưởng chúng ta cần chú ý đoạn đối thoại giữa ba nhân vật trong truyện: Vân, Kiều, Kim Trọng- nhất là hai người sau. Vân mở lời trước khuyên chị nên tái hợp với Kim Trọng. Kiều từ chối. Kim Trọng van vỉ Kiều xin thực hiện như ý Vân đã định.
Vân cho Kiều vừa là quả mai vừa là đào non.
Kiều từ chối vì "xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều", gạt hẳn lời yêu cầu của Vân.
Kim Trọng thì tha thiết với Kiều "dẫu rằng vật đổi sao dời; tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh".
Bấy giờ chỉ còn có Kiều và Kim Trọng đối đáp nhau. Kiều cho rằng: "Dám đem trầu cấu dự vào bố kinh", định "đem cầm sắt đổi ra cầm cờ". Kim Trọng bác hẳn luận điệu này, bảo:
Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy vay?
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
(câu 3119 đến 3124)
Ðoạn đối thoại giữa nhau là lời nói và ý kiến của mỗi người được thuật qua bút pháp bóng bẩy, trau chuốt của tác giả. Vân không xen vào câu nào.
Tuy nhiên, chính Vân là người "chủ trì" cuộc họp mặt này để giải quyết vấn đề gia đình nói chung, nói riêng là vấn đề tình duyên giữa Thuý Kiều và Kim Trọng... Chủ đề của Vân đã sẵn phần kết luận, để cho hai đối tượng được tự do bàn thảo, cuối cùng mọi người đều tán thành quyết định theo phần kết luận của chủ đề "hai thân cũng quyết theo một bài". Thế là tuyệt quá!
Nhưng sao Vân lại ví Kiều như "đào non", để nhà thơ Tản Ðà "ngẫm thật buồn cười" lại còn ngụ ý chê trách Nguyễn Du bằng cách chơi chữ "thời tác giả cũng tài tình vậy!"?
Cần hỏi rằng: Kiều là một đào non với ai đây hay của ai đây?
Vô tình hay cố ý, tiếng "đào non" đã làm điểm khởi dẫn cho lập luận của Kim Trọng để bác hẳn lập luận của Kiều đã cho là "mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn" bằng hai câu:
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
Ta biết rằng Kim Trọng say mê Kiều tột độ. Ngay khi lấy Vân làm vợ rồi, tuy "càng âu duyên mới càng dào tình xưa", riêng đối với Kiều:
Nỗi nàng nhớ đến bao giờ
Tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng
(câu 2847 và 2848)
Và:
Dường như trên nóc bên thềm
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng
Bởi lòng tạc đá ghi vàng
Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây
(câu 2853 đến 2856)
Như vậy, quả là "đồng sàng dị mộng"!
Có những người đàn bà nào, người vợ nào gặp phải người chồng như thế mới cảm thông được nỗi uẩn khúc trớ trêu, bẽ bàng của Vân trong phòng the gối chung chăn lạnh!
Ðối với Kim Trọng, Vân cho Kiều là một "đào non" của Kim Trọng không phải là không hợp lý. Chế độ phong kiến đã chấp nhận người đàn ông có quyền lấy nhiều vợ lẽ, lấy cả hai chị em. Vân tuy là một người phụ nữ đẹp, chơn chất nhưng dù sao cũng có tình cảm về tình ân ái, yêu đương đối xử giữa vợ chồng.
Vân là một "đào non" nhưng không phải là một đào non của Kim Trọng... mà chính là Kiều. Ta có thể diễn đạt lời nói của Vân một cách nôm na: "Chị tuy đã quá thì còn lấy chồng được, chưa muộn lắm đâu (quả mai ba bảy đường vừa); vả, đối với anh (Kim Trọng) thì chị là một gái đương thì mơn mởn (đào non), vậy nên sớm kết duyên (xe tơ kịp thì) đấy!".
"Quả mai ba bảy đường vừa", xác định chung cho người con gái theo định luật. "Ðào non sớm liệu xe tơ kịp thời"được xem như xác định riêng cho Kiều theo tình cảm của Kim Trọng. Như vậy, ta thấy hai câu thơ với hai ý trên "quả non" và "đào non" không mâu thuẫn nhau, ngược lại hàm súc ý nghĩa tế nhị, liên hệ và xúc đối nhau. Tác giả Truyện Kiều trao lời cho Vân để diễn tả nỗi say mê say mệt của Kim Trọng, và cũng nhân đó để chàng Kim "tròn miệng" ca tụng Kiều "hoa tàn mà lại thêm tươi...", tuy giàu tưởng tượng, quá đáng, nhưng đối với chàng Kim là một thực tế. Dùng hư tả thực, dùng thực tả hư.
Nhất quán và phong phú hoá điển sách là ở chỗ này.
(THEO ĐIỂN TÍCH TRUYỆN KIỀU, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...