Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Trở lại câu chuyện gieo vần trong Truyện Kiều

Trở lại câu chuyện gieo vần trong Truyện Kiều
Bài viết gồm 2 phần, đề cập tới (tác giả viết thừa chữ tới -TX) hai vấn đề:
1. Cơ chế hiệp vần trong Truyện Kiều
2. Hiện tượng “vần ép” trong Truyện Kiều
 Dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt đi vào từng vấn đề.
1. Hiệp vần theo “thế bộ ba”
Dựa vào vị trí của tiếng gieo vần ở dòng thơ, truyền thống nghiên cứu ở ta thường chia vần trong thơ nói chung và trong thơ lục bát nói riêng làm hai loại: vần chân và vần lưng. Cụ thể là:
- Vần chân (cước vận) là khi âm tiết hiệp vần đứng cuối dòng thơ;
- Vần lưng (yêu vận) là khi âm tiết hiệp vần nằm ở trong dòng thơ.
Lục bát thường thể (như trong Truyện Kiều) vừa có vần chân được gieo vào cuối dòng thơ, vừa có vần lưng được gieo ở giữa dòng thơ cụ thể là vào tiếng thứ sáu dòng bát. Thí dụ, trong Truyện Kiều:
Thuyền quyên ví biết anh hùng,
Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi!
ở đây, hùng là vần chân, lồng là vần lưng.
Tuy nhiên, có một điểm tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng ở đây là: Truyện Kiều là một truyện thơ lục bát dài hơi gồm 1627 cặp lục bát - cái đơn vị tối thiểu của thể thơ dân tộc cổ truyền này.
Điều này rất khác với ở ca dao, có thể chỉ là một cặp lục bát riêng lẻ gồm 2 dòng thơ, hay gồm một số cặp như vậy.
Hệ quả là nếu câu ca dao chỉ gồm 2 dòng lục bát, thì chỉ có 2 âm tiết được hiệp vần: 1 vần chân dòng lục và 1 vần lưng ở dòng bát. Thí dụ:
Hỡi cô tát nước  bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Đáng chú ý là ở đây vần chân đàng của dòng lục không có khả năng bắt vần với âm tiết thứ 8 của một dòng bát nào đó đi trước nó (đơn giản là dòng bát này không tồn tại trong hiện thực); âm tiết đi ở dòng bát còn “kém cỏi” hơn: nó mới chỉ ở dạng một “khả năng” có thể là “vần”, chứ chưa được gọi là “vần” thật bởi vì cũng không có dòng lục nào đó đi sau nó, để có âm tiết hiệp vần với nó.
Truyện Kiều, ngược lại, là một truyện thơ lục bát dài hơi với 3254 dòng lục bát liên tiếp nhau; vì thế, trong Truyện Kiều chỉ trừ ra có 1 dòng lục đầu tiên là giống với câu ca dao mà ta vừa phân tích ở trên:
Trăm năm trong cõi người ta
vần chân “ta” ở đây không có từ nào đi trước để hiệp vần. Cũng tương tự, chỉ ở dòng bát cuối cùng của Truyện Kiều, từ “canh” cũng không có từ nào đi sau, nối tiếp để hiệp vần với nó:
Mua vui cũng được một vài trống canh
Trừ ra dòng lục thứ nhất và dòng bát cuối cùng, tất cả 3252 dòng lục bát còn lại của Truyện Kiều đều là hiệp vần theo cái thế “bộ ba” của các tiếng/âm tiết thứ “8/6/6” trong hai dòng thơ:  khởi đầu là âm tiết thứ 8 của dòng bát mở ra một vần chân, gieo vần mới; sau đó âm tiết thứ 6 của dòng lục tiếp theo có tác dụng bắt vần, nối vần đó cũng theo lối vần chân; và rồi cuối cùng, âm tiết thứ 6 của dòng bát tiếp theo (vốn đi thành cặp với dòng lục trước nó) có tác dụng đóng vần đó lại bằng một vần lưng, đồng thời mở ra một vần chân mới ở âm tiết thứ 8.
Cho nên khác với cặp lục bát lẻ trong ca dao chỉ có 2 vần, trong Kiều cứ hai dòng lục bát là có 3 vần. Thí dụ với 6 dòng lục bát mở đầu:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những đìều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
ta có tới 8 vị trí có vần (chỗ in đậm, gạch dưới), và 1 vị trí “chuẩn bị” được hiệp vần, một thứ vần “tiềm năng” (âm tiết thứ 8 dòng bát “ghen” được in nghiêng, đậm) đang “chờ đợi” hiệp vần với dòng lục thứ bảy tiếp theo. Nghĩa là ta có một tỷ lệ như sau:  3 cặp lục bát = 6 dòng : 9 vần, mỗi cặp lục bát: 3 vần; theo kiểu:  Chân- Lưng/Chân- Chân- Lưng/Chân- Chân- Lưng/Chân…  
Trong qui trình này, vai trò vần lưng ở dòng bát khá ‘đặc biệt’: nó chỉ là kẻ “ăn theo” vần chân ở dòng lục - điều này cũng có nghĩa là nhà thơ không tự do ở đây, không sáng tạo hay cách tân được gì nhiều ở đây. Khi Nguyễn Du hạ bút viết dòng lục mở đầu Truyện Kiều, rằng:
Trăm năm trong cõi người ta
thì tiếp theo ông không thể ra khỏi cái vòng khuôn thước của vần “a” ở đây (tuy rằng ông có thể biến hóa đôi chút ở âm đầu hay ở thanh điệu như ông đã chọn):
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Không có con đường nào khác, nhà thơ chỉ có thể dụng công chọn kiểu vần hay chọn từ ngữ ở cái vị trí thứ 8 vần chân của dòng bát (nhau), để từ đó nối sang một dòng lục mới, và cứ thể tiếp tục mãi. Nghĩa là, hóa ra, trong một bài thơ hay truyện thơ gồm nhiều cặp lục bát như Truyện Kiều, kẻ “cầm cân nảy mực” chính là vần chân dòng bát.
Giá sử là một nhà thơ nào đó (không phải thiên tài Nguyễn Du) rất có thể người đó đã nghĩ đến việc chọn một vần khác, một từ khác ở cái vị trí vần chân thứ 8 này, lệ như:
Chữ tài chữ mệnh khéo là ganh đua
hay:
Chữ tài chữ mệnh khéo là thắng thua
Cái cách hiệp vần theo “thế bộ ba” trong Truyện Kiều có một hệ quả rất thú vị (mà ta thường ít chú ý đến khi phẩm bình Truyện Kiều) - đó là vai trò của nó trong sự phân loại các kiểu loại vần “chính” và vần “thông”. Ta hãy xem ba dòng lục bát sau:
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
ở đây ta có tới ba cặp vần và hai kiểu loại vần “chính” và vần “thông” khác nhau:
+ cặp sau - bào: hai âm tiết này được gieo vần liền; nguyên âm ‘ă’ (a ngắn) trong sau được gieo với nguyên âm ‘a’ (a dài) trong bào (tuy chúng viết giống nhau là a); hai âm tiết này có chung âm giống nhau: bán âm ‘w’ - tuy viết khác nhau là u/o. Như vậy đây là kiểu vần thông. (Chú ý: Xin chớ lầm lẫn “âm” và “chữ” viết vốn là một chuyện đáng buồn hay gặp ở các nhà phê bình thơ ít quan tâm đến ngôn ngữ học!).
+ cặp bào - màu: hai âm tiết này được gieo vần liền; nguyên âm ‘a’ (a dài) trong bào được gieo với nguyên âm ‘ă’ (a ngắn) trong màu (tuy chúng viết giống nhau là a); hai âm tiết này có chung âm giống nhau: bán âm ‘w’ - tuy viết khác nhau là u/o. Như vậy đây là kiểu vần thông.
+ cặp sau - màu: hai âm tiết này được gieo vần cách, có âm chính giống nhau: nguyên âm ‘ă’ a ngắn) tuy viết là a, và có chung âm giống nhau: bán âm ‘w’ - viết là u. Như vậy đây là kiểu vần chính.      
Có một điều cũng nên nhắc lại ở đây: đó là thanh điệu của âm tiết vần chân ở vị trí thứ 8 của dòng bát phải đối lập về cao- thấp (bổng- trầm) với thanh điệu của âm tiết ở vị trí thứ 6 cùng dòng, nghĩa là chữ thứ sáu nếu không có dấu thì chữ thứ tám phải là dấu huyền, hoặc ngược lại. Điều này cũng góp phần làm cho âm hưởng của dòng bát cũng như cả cặp lục bát trở nên phong phú, đa dạng hơn, góp phần khắc phục một hạn chế về âm hưởng của thơ lục bát là tính chất đều đều, phẳng lặng của nó (do sự xuất hiện của khá nhiều thanh bằng). Thí dụ:
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Từ tất cả những sự trình bày trên, chúng ta cần thấy một điều rất quan trọng là: nếu các cặp lục bát trong ca dao cơ chế hiệp vần chủ yếu là một cơ chế “nhị nguyên”: “vần chân + vần lưng”, thì trong lục bát Truyện Kiều cùng với cơ chế đó còn có một cơ chế nữa, quan yếu hơn – đó là cơ chế “tam nguyên”: “vần chân + vần chân + vần lưng” ở các vị trí 8 – 6- 8 của hai dòng bát gián cách và một dòng lục chen vào giữa (hay nói một cách khác: một dòng bát lẻ đi trước cộng với một cặp lục bát tiếp sau).
2. Hiện tượng “vần ép” trong Truyện Kiều
Khi nói đến hiện tượng “vần sai” (lạc vận) thì giới nghiên cứu phê bình dễ thống nhất rằng đó là những trường hợp gieo vần sai hẳn, hai âm tiết không hề “hiệp” gì với nhau, tuyệt nhiên không có sự đồng nhất nào về các đặc trưng ngữ âm giữa hai bộ phận quan trọng nhất của vần là âm chính và âm cuối, lệ như giữa hai âm tiết “áo” và “bông” chẳng hạn.
Khác với  “vần sai”, hiện tượng “vần ép” (cưỡng vận, áp vận) là một câu chuyện khác hẳn, trước hết là vì nó vẫn có tư cách của “vần” - duy có điều “nghe” loại vần này ít nhiều thấy “gượng gạo” mà thôi. Tuy nhiên, thế nào là “vần ép” - quả là một khái niệm có phần mơ hồ, không thật xác định; ở đây chúng tôi đi theo cách xử lý của Mai Ngọc Chừ (1), để khảo sát khả năng có hay không “vần ép” trong thơ lục bát của Truyện Kiều.
Trong Kiều ta có thể bắt gặp một trường hợp duy nhất có khả năng rơi vào loại “vần ép”. Theo bản Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang thì đó là trường hợp của ba dòng số 2962, 2963, 2964, với sơ đồ bắt vần như sau:
Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù.
Nàng đà gieo ngọc trầm châu,
Sông Tiền đường đó ấy mồ hồng nhan!
Phân tích về mặt ngữ âm của vần thơ ở ba dòng lục bát này, ta thấy như sau:
+ Giữa hai âm tiết “tù” và “mồ” có ba đặc trưng âm thanh chung là: thanh điệu giống nhau, âm chính cùng loại âm sắc “cực trầm” (dòng sau, tròn môi), và đều vắng mặt âm cuối; nghĩa là ở đây ta bắt gặp một loại “vần thông” rất bình thường.
+ Giữa ba âm tiết: “châu”, “tù”, “mồ”, có sự khác nhau rõ rệt giữa một bên là “châu” và bên kia là “tù” và “mồ”. Âm tiết “châu” có các đặc trưng ngữ âm sau: có âm cuối ‘-w’, âm chính là nguyên âm ‘-â-’ có âm luợng trầm vừa hay ‘trung hòa’, thanh điệu là thanh Bằng cao (trên chữ viết không có ‘dấu’) – tức là những điều mà hai âm tiết “tù” và “mồ” không có.
Vì thế, nếu ta có cảm nhận được chút gì đó là có sự “liên hệ”, có sự “hòa âm” nhất định giữa ba âm tiết “châu”, “tù” và “mồ” ở các vị trí hiệp vần trong ba dòng lục bát trên của Truyện Kiều, thì có lẽ là do có sự tương quan ngữ âm (tuy mờ nhạt) giữa bán nguyên âm cuối ‘-u’ của “châu” với nguyên âm chính ‘-u-’ của “tù” và nguyên âm chính ‘-ô-’ của “mồ”: cả ba nguyên âm này đều có cùng lọai âm sắc “cực trầm” (dòng sau, tròn môi).
Đây là lý do chủ yếu và duy nhất khiến ta vẫn coi trường hợp đang xét là “vần” (tuy là “vần ép”) chứ không phải là vần sai/ “lạc vận”.
Tuy nhiên ở đây có một vấn đề tế nhị và thú vị - là tư liệu mà chúng ta sử dụng để khảo sát là thuộc “bản Kiều” nào, tác giả hiệu khảo, chú giải là ai?
Như có thể thấy, tư liệu mà chúng tôi đang sử dụng là dựa theo Bản Kiều của Nguyễn Thạch Giang. Để khách quan, chúng tôi đã tham khảo thêm một số Bản Kiều khác; cụ thể là:
a) Nếu dựa theo “Bản Truyện Thúy Kiều” của Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim (2) ta sẽ có một kết quả bất ngờ: Ở những dòng lục bát Kiều mà ta đang xem xét, thay vì “trầm châu”, hai ông phiên là “trầm chu”; nghĩa là ta sẽ có những dòng lục bát hiệp vần rất chuẩn mực, và như vậy cũng có nghĩa là trong toàn bộ Truyện Kiều không hề có bất kỳ một sự “cưỡng vận/ áp vận” nào:
(Nàng Kiều công cả, chẳng đền,)
Lệnh quân lại bắt ép duyên thổ tù.
2963  Nàng đà gieo ngọc, trầm chu,
Sông Tiền đường đó, ấy mồ hồng nhan!
Tuy nhiên, cũng nên thấy rằng: ở chỗ khác, cũng trong Bản Kiều trên, hai ông Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim có lúc vẫn phiên là “trầm châu”, như ở dòng 2987 dưới đây, có lẽ là do áp lực của sự hiệp vần (với từ “nhau” trong dòng bát tiếp theo) bởi vì về ý tứ mà xét thì dòng lục 2987 này cũng giống như dòng lục 2963 vừa dẫn trên (được phiên là “trầm chu”):
(Sư rằng: “Nhân quả với nàng,)
Lâm Truy buổi trước, Tiền Đường buổi sau.
2987  Khi nàng gieo ngọc, trầm châu,
Đón nhau, tôi đã gặp nhau rước về.
Vì chưa thật yên tâm, chúng tôi tìm xem thêm một Bản Kiều khác, cũng của Trần Trọng Kim - Bùi Kỷ (do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2010) thì thấy Bản Kiều này y như Bản Kiều của Nguyễn Thạch Giang, vẫn dùng chữ “trầm châu” (chứ không phiên là “trầm chu”) ở tất cả các vị trí hữu quan – tức là có hiện tượng “vần ép” ở đây! 
b) Trước tình hình đó, chúng tôi thấy cần phải mở rộng sự tham khảo sang một số Bản Kiều có uy tín khác, kết quả cho thấy như sau:
+ Bản Truyện Kiều của Đào Duy Anh (3): phiên là “trầm châu”. Một Bản Kiều khác cũng của ông (4), cũng thấy phiên là “trầm châu”; nghĩa là ở đây có chuyện “vần ép”.
+ Bản Kiều của Nguyễn Tài Cẩn (5): ở bản này, thay vì “trầm châu”, tác giả đề nghị phiên là “dìm châu” ở dòng 2963:
Lệnh quân lại bắt ép duyên thổ tù
Nàng đà gieo ngọc dìm châu,
Sông Tiền đường đó ấy mồ hồng nhan!
nghĩa là cũng có chuyện ‘vần ép’ ở đây: - u/- âu/ - ô. Còn ở dòng 2987, ông không phiên là “trầm châu”, mà đề nghị một phương án phiên khác hẳn (so với những học giả khác):
Khi nàng gieo ngọc đáy sâu
Đón theo tôi đã gặp nhau rước về
+ Bản Kiều của Đào Thái Tôn (6): thay vì “trầm châu”, tác giả đề nghị phiên là “chìm châu” ở dòng 2963:
Lệnh quân lại bắt ép duyên thổ tù
Nàng đà gieo ngọc chìm châu,
Sông Tiền đường đó ấy mồ hồng nhan!
nghĩa là cũng có chuyện “vần ép” ở đây. Còn ở dòng 2987, ông cũng đề nghị phiên là “chìm châu”:
Khi nàng gieo ngọc chìm châu
Đón theo tôi đã gặp nhau rước về
Bình luận Bản Kiều nào hiệu khảo, chú giải đúng hơn, hay hơn, tuy nhiên không thuộc chuyên môn của chúng tôi, vì thế chỉ xin đưa ra những tư liệu và nhận xét so sánh, đối chiếu như trên để sự nghiên cứu về vần điệu trong thơ lục bát Truyện Kiều được khách quan, khoa học hơn.
Có điều, chúng tôi nghĩ, nếu như ở ba dòng Kiều đã dẫn trên có hiện tượng “vần ép” thì cũng là chuyện bình thường. Một thiên tài thơ Nga như A. Puskin cũng có những câu thơ bị phê bình là hiệp vần không hay.
Vả chăng, so với tổng số 3254 dòng thơ của cả Truyện Kiều mà chỉ có một trường hợp gieo vần bị ép – thì quả đã là một ngòi bút hiếm có của thiên tài!.
(1) Mai Ngọc Chừ: Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ học. Nxb. Văn hóa Thông tin, 2005.
(2) Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim: Bản Truyện Thúy Kiều. Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2007.
(3) Đào Duy Anh: Bản Truyện Kiều. Nxb. Văn học, 2012.
(4) Đào Duy Anh: Từ điển Truyện Kiều. Nxb. VHTT, 2000.
(5), (6) Tư liệu Truyện Kiều: Thử tìm hiểu Bản sơ thảo Đoạn trường Tân thanh. Nxb. Giáo dục, 2008.
Lý Toàn Thắng
Nguồn: Viện Văn học
Theo http://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...