Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Ðem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ

Ðem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ
Cũng trong bữa tiệc đoàn viên, tiếp theo lời của Vân, Kim Trọng xin Kiều được kết duyên vợ chồng để bù lại mối tình xưa đã thề nguyền vì gia biến bị dang dở. Kiều từ chối, có câu:
Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng
Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương
Chữ trinh đáng giá nghìn vàng
Ðiếu hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa
Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong hoa bướm lại đã thừa xấu xa
Bầy chầy gió táp mưa sa
Mấy trăng cũng khuyến mấy hoa cũng tàn
Còn chi là cái hồng nhan
Ðã xong thân thế còn toan nỗi nào?
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!
Ðã hay chàng nặng vì tình
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!
Từ rày khép cửa phòng thu
Chẳng tu thì cũng như tu mới là
Chàng dù nghĩ đến tình xa
Ðem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ
Nói chi kết tóc xe tơ
Ðã buồn cả ruột lại dơ cả đời

(câu 3093 đến 3112)
Từ chối lời yêu cầu của Kim Trọng, Kiều cho rằng trong đạo vợ chồng, người phụ nữ lấy chồng phải như là "đóa hoa thơm còn phong kín nhị" hay phải như "vầng trăng tròn rực rỡ"  tức có ý chỉ phải còn trinh, đây là một vật quý báu. "Giá đáng nghìn vàng" không phải là một lượng số chỉ định (một nghìn, hai nghìn, ba nghìn...). Nếu hiểu rằng bằng lượng số chỉ định thì tên Mã Giám Sinh mua Kiều bốn trăm lượng ngoài vàng (giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm), như vậy chỉ còn thiếu năm trăm lượng ngoài vàng nữa là mua được cái trinh của Kiều hay sao? Ðối với bọn mua bán dâm hẳn hiểu như vậy. Phong tục tập quán ngày xưa đối với phụ nữ thì không có nghĩa như thế. "Nghìn" (ngàn) ở đây là phiếm chỉ chỉ định từ, chỉ quá số không thể ước định được. Cũng như chữ trinh quý như vàng quá số không đếm được.
Và, như thế trong đêm tân hôn, dưới ánh đuốc hoa (hoa chúc), Kiều chẳng thấy thẹn với Kim Trọng, vì ngày xưa (mai xưa), Kiều còn trinh, còn "tuyết sạch giá trong". Vàng là vật quý nhất của kim loại, trinh là vật quý nhất của người con gái được quý trọng coi như vàng.... Người con gái cần "gìn vàng giữ ngọc", "chọn mặt gửi vàng, chọn người giữ ngọc", vậy người con gái gởi vàng trao ngọc cho ai? Phải chăng để trao gởi cho chàng!
Trái lại, ngày nay đã khác xa rồi.
Vì ngộ biến, 15 năm đọa đày trong kiếp phong trần luân lạc, trải qua bao nhiêu ong bướm dập vùi như cảnh hoa tàn trăng khuyết... đâu dám đem thân làm một người vợ không xứng đáng với chồng. Và, nếu Kim Trọng có nặng tình với Kiều, muốn lấy Kiều làm vợ thì đêm tân hôn đổi bóng dưới ánh sáng của đuối hoa (hoa đèn), Kiều há chẳng hổ thẹn lắm ru!
"Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm...""Hoa đèn" có người chú giải: là cái khối khói kết lại trong ngọn đèn dầu, có sắc đỏ và đen, hình giống cái hoa. Nhưng "hoa đèn" ở câu này (câu 3106) không phải là hoa đèn ấy mà là chỉ cái ngọn đèn toả ánh sáng giống như hoa. Lại có người giải thích: "Hoa đèn" là thứ hoa không bị nhơ bẩn, mà Kiều thì như đoá hoa bị vấy bẩn nên càng hổ thẹn với hoa đèn". Hay là "hoa đèn không có ong bướm nào lui tới, còn Kiều thì như đoá hoa "ong qua bướm lại" đã thừa xấu xa, nên nàng thẹn với hoa đèn".
Chắc không phải vậy. Tuy có hay.
"Hoa đèn" hay "đuốc hoa "... ở đây cũng chỉ là một. Tức là đèn nến thắp trong phòng của chàng rể và nàng dâu đêm tân hôn, theo từ Hán là "hoa chúc". Và, hai câu:
Ðuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!
Tuy cùng một đuốc hoa hay đèn, nhưng có hai ý nghĩa khác nhau do hai ý của đoạn văn.
Trong đạo vợ chồng, đêm động phòng hoa chúc, nếu nàng còn trinh tiết tất nhìn ngọn đèn mà chẳng hổ thẹn với chàng, vì ngày xưa nàng gìn giữ tặng chàng trong đêm hôm nay. Cũng trong đạo vợ chồng, đêm động phòng, nếu nàng- trước kia đã mất trinh rồi- nhìn hoa đèn hẳn hổ thẹn lấy lòng mình.
Cả hai câu trên đều có dùng chữ "chẳng thẹn". Câu trên "chẳng thẹn" là thực sự chẳng thẹn; câu dưới "chẳng thẹn" mà ngược lại là thẹn. Tác giả dùng lối tương phản trong lập luận của hai chủ đề trái ngược nhau: còn trinh (chẳng thẹn), mất trinh (thẹn) tuy cùng dùng "chẳng thẹn".
Nhưng sao không nói thẹn với chàng như lập luận trên?
Tuy không nói mà đã nói.
Vì rằng: còn trinh tiết thì không hổ thẹn với chàng. Trái lại, mất trinh tiết thì hổ thẹn với chàng là lẽ tất nhiên. Cho nên lập luận dưới, Kiều cho rằng nàng hổ thẹn ở lòng mình mà còn có cả lẫn hổ thẹn với chàng (đó là lẽ đương nhiên). Vả lại, trông hoa đèn (vật vô tri) mà nàng còn thấy thẹn mình, huống chi trông chàng, người yêu với mối tình đầu nay chung chăn gối thì sao chẳng thẹn? Cần gì nói nữa.
Có ý kiến cho rằng: "Thủy chung Kiều chỉ sợ thẹn nên từ chối. Nếu làm cho nàng hết thẹn thì việc xong ngay".
LÀM SAO CHO NÀNG HẾT THẸN? Ý KIẾN TRÊN CHỈ ĐẶT VẤN ĐỀ MÀ KHÔNG CÓ NÊU LÊN biện pháp giải quyết.
Trong việc yêu cầu kết thành chồng vợ này, Kim Trọng rất tha thiết nhưng khá ngụy biện, lắm lý luận để Kiều đừng thẹn, để chàng đạt được nguyện vọng. Nhưng Kiều vẫn thẹn, còn thẹn. Vì Kiều sống trong tập tục. Lễ giáo phong kiến đã tạo cho nàng có một tính tự trọng về sự trinh tiết của người con gái- điều này cũng tốt đẹp. Nhưng ngược lại, cũng tính tự trọng này lại bị sức mạnh ràng buộc của lễ giáo, tập tục thành khuôn mẫu nhất định nên làm cho nàng có mặc cảm tự ti, coi mình như vi phạm một cách nghiêm trọng.
Hơn nữa, về mặt tâm lý ái tình hay tình dục, qua 15 năm lưu lạc làm khách bán phấn buôn son, Kiều thông minh đã thừa hiểu qua tâm lý người đàn ông trong cuộc thì nay đến với Kim Trọng, một ý trung nhân, một người chồng... tất khó tránh được trong cuộc ái ân phát sinh nhiều ám ảnh hay mặc cảm. Kim Trọng dầu sao cũng là... một đàn ông, nhất là một người chồng!
Nhưng điều này làm cho mặc cảm càng nặng. Do đó, Kiều yêu cầu bằng một câu khẳng định:
Ðem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ
Hẳn cũng có lý.
Vậy cần có thời gian dài. Và chỉ có thời gian với sự đối xử của chàng Kim "trường kỳ bồi dưỡng ái tình" làm lại từ cái bắt đầu của cái bắt đầu. Ðể chuyển từ tình cầm cờ (tình bạn) và tình cầm sắt (vợ chồng), có thể như câu thơ của Vương Nhung đời Nam Tề:
Thoả hiệp kim lan hảo
Phương du cầm sắt tình
Tức là: vừa hợp nhau tình bạn tốt mới vui tình vợ chồng.
"Cầm sắt" là đàn cầm và đàn sắt. Hai thứ đàn thường đánh hòa âm với nhau, chỉ cảnh vợ chồng đầm ấm. Duyên cầm sắt là duyên vợ chồng. Kinh Thi có câu:
Sâm si hạnh thái
Tả hữu thỉ chi
Yểu điệu thục nữ
Cầm sắt vĩ chi
Có nghĩa là: "Ngọn rau hạnh dài ngắn không đều nhau, hái cả bên mặt bên trái; người con gái tươi đẹp dịu dàng tìm được, ta gảy đàn cầm đàn sắt cho nghe để tỏ tình thân yêu". Thơ cổ cũng có câu: "Thê tử hảo hợp như cổ sắt cầm" (vợ con hòa hợp như đàn cầm đàn sắt). Truyện "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Ðình Chiểu cũng có câu:
Mừng duyên cầm sắt mối tơ đăng liền
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...