Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Xót người tựa cửa hôm mai

Xót người tựa cửa hôm mai
Kiều toan tự tử, Tú Bà vừa sợ mất tiền mua vừa mất người đẹp đối với khách hàng, lại sợ tội gây nên án mạng, nên chăm sóc Kiều, cho ở riêng lầu NGƯNG BÍCH, DỐI GẠT CHỜ GẶP NGƯỜI XỨNG ĐÁNG SẼ GẢ LẤY CHỒNG. Ở đây, Kiều cô độc, buồn bã, ngậm ngùi nhớ tình nhân, nhớ cha mẹ, cố hương:
"Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm"
(câu 1043 đến 1046)
"Tựa cửa hôm mai"
Nhạc Nghị là tướng nước Yên đời Chiến quốc, đem quân đánh nước Tề, hạ được 70 thành. Tề chỉ còn 2 thành là Cử châu và Tức mặc. Tề Mẫn vương thua chạy, bỏ kinh đô ra Cử Châu, có quan đại phu Vương Tôn Giả hộ giá. Ðến nước Vệ thì cả hai lạc nhau. Vương không biết Mẫn Vương ở đâu, lẻn trở về nhà. Nhà chỉ còn một mẹ già, hỏi vua Tề ở đâu?. Vương thưa:
- Con theo vua đến nước Vệ, giặc đuổi theo, nửa đêm vua tôi cùng bỏ trốn, rồi không biết vua đi ngã nào.
Bà mẹ giận, nói:
- Mày sớm đi chiều về, ta đứng tựa cửa mà mong; mày chiều đi mà không về, ta đứng tựa cổng mà mong. Vua mong bề tôi có khác gì mẹ mong con. Mày làm tôi vua Tề, vua ban đêm chạy trốn, mày không biết đi đâu sao lại bỏ về.
Vương Tôn Giả thẹn quá, từ biệt mẹ già đi tìm vua Tề. Nghe vua ở Cử Châu, Vương tìm đến. Nhưng khi đến nơi mới biết Tề Mẫn Vương bị Tướng quốc Tề là Trác Xỉ mưu phản, tư thông với Nhạc Nghị giết chết, vương bèn trần tay áo bên tả, kêu gọi dân ngoài chợ:

- Trác Xỉ làm tướng nước Tề mà mưu phản giết vua, thế là làm tôi bất trung. Nếu ai bằng lòng cùng tôi giết kẻ có tội ấy thì theo tôi cùng trần tay áo bên tả.
Người trong chợ cùng bảo nhau:
- Người ấy còn trẻ tuổi mà còn có lòng trung nghĩa, chúng ta ai là người hiếu nghĩa tưởng đều nên theo.
Thế là chỉ trong một lúc có đến hơn 400 người cùng trần tay áo bên tả.
Ở THÀNH CỬ CHÂU, SAU KHI GIẾT VUA, TRÁC XỈ VÀO CUNG VUA TỀ UỐNG rượu say sưa, truyền mỹ nữ tấu nhạc mua vui, chỉ có vài trăm quân dàn hầu ở cửa. Vương Tôn Giả đem 400 người xông vào đoạt khí giới của quân lính, tiến vào quân bắt được Trác Xỉ. Xỉ bị xả thây, bầm nát thành nước thịt.
Lời nói của bà mẹ Vương Tôn Giả: "Mày sớm đi chiều về, ta đứng tựa cửa mà mong; mày chiều đi mà không về, ta đứng tựa cổng mà mong...", nguyên Hán văn là "Nhữ triêu xuất nhi vãn lai, tắc ngô ỷ môn nhi vọng; mộ xuất nhi bất hoàn, tắc ngô ỷ lư nhi vọng". Do đó, nên sau trong văn chương, người ta thường dùng chữ "ỷ môn, ỷ lư" (tựa cửa, tựa cổng) để chỉ sự cha mẹ mong con. Ðiển tích thì nói riêng về người mẹ, nhưng dùng rộng ra người "ỷ môn, ỷ lư" (tức người tựa cửa, tựa cổng mong buổi sớm buổi chiều) chỉ gồm cả cha mẹ. Sở dĩ có chữ "hôm mai" đi theo chữ "tựa cửa" là vì mẹ Vương Tôn Giả có nói đến việc con đi buổi mai và buổi chiều (triêu xuất, mộ xuất).
Trong "Chinh phụ ngâm", bản dịch Nôm của bà Ðoàn thị Ðiểm có câu:
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm
Nguyên Hán văn của Ðặng Trần Côn:
Lão thân hề ỷ môn
Anh nhi hề đãi bộ

"Xót người tựa cửa hôm mai" tức là Kiều tỏ lòng thương nhớ cha mẹ.
"Quạt nồng ấp lạnh", nguyên dịch ý câu trong kinh Lễ nói về bổn phận người con: "Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ thanh", có nghĩa là: "Kẻ làm con theo lễ mùa đông phải làm cho cha mẹ ấm, mùa hạ phải làm cho cha mẹ mát". Truyện Nhị thập tứ hiếu có chép: Hoàng Hương mới lên 7 tuổi mà biết phụng dưỡng cha mẹ. Cậu còn bé, không làm công việc nặng nề để giúp cha mẹ được thì vào mùa hạ nóng nực, cậu quạt cho cha mẹ mát; đến mùa đông lạnh lẽo thì ấp chỗ ngủ cho cha mẹ được ấm.
"Sân Lai" tức sân nhà ông Lão Lai, người đời nhà Châu, có tiếng là con chí hiếu. Ông tuổi gần 70 mà cha mẹ vẫn còn. Nhà nghèo, ông vất vả cày cấy để nuôi cha mẹ. Ðể cha mẹ giải buồn, vào những buổi chiều, ông mặc áo năm sắc múa hát ở trước sân; có lúc giả vờ té để cha mẹ cười vui. "Sân Lai" nghĩa bóng chỉ sân nhà cha mẹ tức là nhà mình như nhà cha mẹ của Kiều nay đã xa cách lâu ngày, trải qua bao thời gian năm tháng (cách mấy nắng mưa)
"Gốc tử" là gốc cây tử (cây thị). Nông thôn Trung Hoa xưa thường trồng cây dâu (tang hay phần) và cây thị (tử) nên có từ "tử phần" hay "phần tử" hoặc "tang tử" hoặc "tử hương", "tử lý"... cũng như nước ta thường dùng chữ "luỹ tre" hay "luỹ tre xanh" làm tiêu biểu cho quê hương:
Ðoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa
(câu 2235 và 2236)
Kiều nhớ tình nhân tức Kim Trọng:
Nhớ người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày mong mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
(câu 1039 đến 1042)
Kế nhớ đến cha mẹ, quê hương nhưng sao không thấy nói nhớ tới hai em Vương Quan và Thuý Vân?
Văn chương không thể nói hết, và có nhiều điều bỏ lửng, không nói. Nhưng xét kỹ có ngụ ý về chí tình. Vì cái sân, gốc sân mà còn nhớ thì tại sao lại không nhớ đến em. Ðây mới chính là cái tuyệt diệu của văn chương. Ðào Tiềm đời nhà Tấn có bài hỏi thăm nhà:
Nhĩ tòng sơn trung lai
Tảo vãng phát Thiên mục
Ngã ốc Nam sơn hạ
Kim sinh kỷ trùng cúc?
Lược dịch:
Bác ở trong núi đến
Sớm chiều đi Thiên mục
Nhà tôi dưới Nam Sơn
Nay mọc mấy khóm cúc?
Vương Duy, thi hào đời nhà Ðường cũng hỏi:
Khách tòng có hương lai
Ưng tri cố hương sự
Lai hựt ỷ song tiền
Hàn mai trứ hoa vị?
Lược dịch:
Khách ở quê nhà đến
Hẳn biết chuyện quê nhà
Ngày đi trước cửa sổ
Hàn mai nở hoa chưa?
Lê Cảnh Tuân làm quan triều Hồ nước Việt Nam, bị giặc Minh bắt giải về Trung Hoa, nhân Tết Nguyên đán, làm thơ nhớ nhà:
Lữ quán khách nhung tại
Khứ niên xuân phục lai
Quy kỳ hà nhựt thị
Lão tận cố hương mai
Lược dịch:
Lưu liên nơi quán khách
Xuân trước lại tới nơi
Ngày nào về quê cũ
Mai già cỗi hết rồi...
Tuy chỉ nói đến khóm cúc gốc mai... nhưng hàm súc tình quyến luyến gia HƯƠNG ĐẬM ĐÀ THA THIẾT. Ý TUY KHÔNG NÓI RA, NHƯNG NGƯỜI ĐỌC VĂN ĐÃ TỰ cảm thấy. Ðó là "ý tại ngôn ngoại".
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...