Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kiều bán mình chuộc tội cho cha, sắp phải theo Mã Giám Sinh, lìa gia đình xa quê hương, nghĩ đến mối tình thề nguyền cùng Kim Trọng phải dang dở, nàng tha thiết nhắn nhủ em là Thuý Vân, xin thay mình mà kết duyên với Kim Trọng. Có câu:
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
(câu 723 đến 726)
"Keo loan" do chữ "loan giao" là một thứ keo chế bằng máu chim loan (phượng máu)
Sách "Hán Võ ngoại truyện" có chép: đời nhà Hán, triều Hán Võ Ðế (140- 86 trước DL), dây cung đem ra căng bắn thường bị đứt. Bấy giờ miền Tây Hải có đem sang cống một thứ keo chế bằng máu chim loan gọi là loan giao, có tác dụng nối chắc dây lại. Nhờ đó mà bắn được suốt ngày. Võ Ðế mừng lắm, đặt tên thứ keo đó là "Tục huyền giao" tức là keo nối dây cung.
"Hán thư" cũng có chép chuyện.
Vua Võ Ðế truyền phu nhân Câu Pha đánh đàn. Nàng vặn trục so dây, tiếng đàn trỗi lên lảnh lót... Nhưng giữa chừng dây bỗng đứt. Nàng khóc, nói:
- Giữa lúc đàn đương ngon tiếng mà dây đứt ắt điềm gở
Nhà vua an ủi:
- Dây đứt nhưng có thể nối lại được, có gì mà gở
Ðoạn sai người lấy keo loan chắp lại.
Ðời nhà Tống (950- 1275), Ðào Cốc vâng lệnh vua đi sứ Giang Nam, gặp một thiếu nữ tên Tần Nhước Lan. Trai tài gái sắc thanh khí lẽ thường. Hai người cảm mến yêu nhau. Nhưng chỉ trong một đêm, rồi vì sứ mạng khẩn cấp, Ðào phải gấp rút trở về triều phục lệnh.
Giữa đường hạnh ngộ, mới gặp gỡ lại chia phôi, một đêm ân ái, tình thắm duyên nồng, mối ân tình càng chứa chan trong lòng biết bao niềm cảm xúc, Ðào về có làm một bài từ gởi cho người yêu. Trong có câu: "Tỳ bà bất tận tương tư điệu, tri âm thiếu: đãi đắc loan giao tục đoạn huyền, thị hà niên?" (Ðàn tỳ bà đã gảy hết khúc tương tư mà tri âm ít có; đợi được keo loan chắp nối dây đàn đứt, biết đến năm nào?)
Tác giả "Truyện Kiều" mượn dây đàn (tơ đàn) đứt vì mối tình đứt (đứt gánh tương tư); và mượn sự chắp dây đàn để nói chắp mối tơ tình (Keo loan chắp mối). Nhưng Kiều nhờ cậy em thay mình kết duyên với Kim Trọng, sao lại bảo: "Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa" có vẻ trịnh trọng như thế và hết sức khéo léo. "Lạy rồi sẽ thưa", có thể để người được- hay bị yêu cầu không thể từ chối được điều yêu cầu của mình. Hành động này khiến ta liên tưởng đến hành động của quan Tư đồ Vương Doãn, buộc con gái nuôi là nàng Ðiêu Thuyền "ngồi lên ghế cho ông lạy", để ông nhờ nàng thực hiện "kế liên hoàn", mưu giết Ðổng Trác trong truyện "Tam quốc chí diễn nghĩa" của nhà văn Trung Hoa, La Quán Trung.
Hành động của Vương Doãn là vì nước nhà.
Hành động của Kiều là vì tình riêng tư.
Tuy hai sự việc khác nhau, nhưng mỗi việc đều có tính cách quan trọng riêng của mỗi việc.
Trao việc cho Vân thay mình để làm vợ Kim Trọng, quả thực một việc khó khăn, Vân có lòng tự trọng hay mặc cảm vì Kim Trọng đã yêu Kiều rồi chăng? Và Kim Trọng có bằng lòng lấy Vân làm vợ- để gọi là thay Kiều chăng? Vì phỏng nếu chàng Kim từ chối vì lý do nào đó, thì nỗi tủi thẹn đau đớn của Vân đến mức nào? Ngược lại, chàng Kim bằng lòng vì lời căn dặn- coi như một lời trối nhắn của người yêu xưa, vì tình yêu giữa Kim Trọng với Vân, nhất là Kim Trọng đối với Vân sẽ ra sao? Hay là Vân chỉ là một người "vợ hờ", vì giữa vợ chồng cần có một tình yêu chân thực tức là có nghĩa có tình.
"Lạy rồi sẽ thưa" là đúng, là khéo.
Giá trị của cái lạy cũng như giá trị của sự việc giao phó.
Mặc dầu qua bút pháp diễn tả của tác giả "Truyện Kiều"- ở bước đầu này - nàng Vân là một gái đẹp "trang trọng khác vời; khuôn trăng đầy đặn; hoa cười ngọc thốt; mây thua nước tóc; tuyết nhường màu da"... nhưng tính tình mộc mạc, chơn chất, tình cảm khô khan...
Tuy nhiên về mặt tâm lý, Kiều là một người thông minh nhất là ở địa vị một người chị tất Kiều không thể lợi dụng tính tình mộc mạc của em, để thực hiện một việc làm có tính cách quan trọng thuộc về tình cảm, có ý nghĩa cho suốt cả cuộc đời của một người con gái.
Tác giả cho Kiều "lạy" là tuyệt.
Nhưng rồi tại sao lại "chắp mối tơ thừa mặc em"?
"Chắp mối tơ" tức là tơ tình bị đứt chắp lại. Tơ tình của mình đứt lẽ ra tự mình chắp, nay mình không chắp được nên gọi là tơ thừa thế mà bảo người khác chắp giúp. Thực sự "thừa" có phải là "thừa thãi" là dư, khiến người đọc khó hiểu hay cho là không được nhã... Ngược lại với ý nghĩa "lạy" rồi sẽ thưa? Hợp lý, hợp tình hay không, tưởng một vấn đề còn bàn.
(THEO ĐIỂN TÍCH TRUYỆN KIỀU - NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...