Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Số còn nặng nghiệp má đào

Số còn nặng nghiệp má đào
Mã Giám Sinh đưa Kiều về lầu xanh ở Lâm tri. Tú Bà biết Kiều đã bị gã họ Mã làm mất trinh nên nổi tam bành, đánh đập tàn nhẫn Kiều. Ðã sẵn giấu con dao trong tay áo, Kiều toan tự tử. Tú Bà hốt hoảng sợ bị án mạng nên cùng người trong lầu xanh cố giữ lấy Kiều, đưa Kiều vào hiên sau. Kiều bất tỉnh. Trong cơn mê, Kiều nghe có tiếng người (tức Ðạm Tiên):
Rỉ rằng: Nhân quả dở dang
Ðã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Số còn nặng nghiệp má đào
Người nào muốn quyết trời nào đã cho
Hãy xin hết kiếp liễu bồ
Sông Tiền Ðường sẽ hẹn hò về sau
(câu 995 đến 1000)
"Má đào" tức gò má đỏ như quả đào chính, cũng như "má hồng" chỉ người gái đẹp.
Nguyên đời Xuân Thu, chúa chư hầu nước Sái và chúa chư hầu nước Tức đều lấy gái nước Trần làm phu nhân.
Phu nhân của Tức hầu là Tức Vĩ, nhan sắc tuyệt vời. Nhân khi về thăm cố quốc, ngang qua nước Sái, Sái hầu mời vào cung thết đãi. Trong tiệc rượu, Sái hầu dở trò sàm sỡ. Tức Vĩ giận lắm, bỏ đi. Và khi ở nước Trần trở về nước Tức nàng không đi ngang nước Sái nữa. Nàng về thuật lại cho chồng nghe về thái độ của Vua nước Sái.
Tức hầu đâm ra tức giận, định rửa giận. Phải chi tự mình rửa giận cho mình thì cũng được, ngược lại đi nhờ người rửa giận giùm, thế mới nguy. Tức hầu liền sai sứ đem lễ vật sang cống nước Sở là một nước mạnh, và mật cáo với Sở Văn Vương: "Nước Sái cậy thế có nước Tề, không chịu phục Sở. Bây giờ quý quốc giả cách đem quân sang đánh nước tôi, nước tôi sang cầu cứu nước Sái. Chúa nước Sái là kẻ nông nổi tất vội vàng sang cứu. Bấy giờ nước tôi cùng quý quốc hợp binh đánh, hẳn bắt được chúa nước Sái"
Tất nhiên vua Sở mừng lắm.
Quả thực, nước Sái thất bại. Sái hầu bị bắt. Vua Sở muốn giết nhưng có quần thần can gián nên Sái hầu được tha và được cho đầu hàng. Biết mắc mẹo Tức hầu, Sái hầu căm tức lắm.

Một hôm, Vua Sở mở tiệc đãi Sái hầu cho về nước. Có đoàn nữ nhạc ra múa hát. Trong đoàn có một con hát ngồi gảy đàn, dung nhan rất đẹp. Vua Sở Văn Vương liền bảo con hát ấy đến mời Sái hầu một chén rượu. Sái hầu uống xong, đoạn tự rót lấy rượu, hai tay dâng lên để chúc thọ vua Sở. Sở Văn Vương tiếp lấy, cười hỏi:
- Hiền hầu xưa nay có được trông thấy một nàng nào đẹp lắm không?
Chúa nước Sái chợt nhớ đến mối thù đối với chúa nước Tức nên nói:
- Gái đẹp trong thiên hạ, tôi tưởng chưa ai bằng Tức Vĩ. Thật là một tiên nữ trên đời.
Sở Văn Vương hỏi:
- Người đẹp thế nào?
Sái hầu nói một mạch:
- Mắt như sóng thu, má tựa hoa đào, người thướt tha yểu điệu. Thực tôi chưa được thấy người thứ hai.
Vua Sở nghe nói thích quá, dồn dập bảo:
- Nếu vậy ta sẽ được trông thấy Tức Vĩ mới thoả lòng.
Chúa nước Sái khích vào:
- Với uy linh của đại vương thì một người đàn bà trong vòng thế lực của mình có gì là khó.

Thế là vua Sở mượn tiếng tuần du, đem quân sang nước Tức. Tức hầu ra đón tiếp, mở tiệc thết đãi long trọng, bưng ly rượu chúc mừng vua Sở. Sở Văn Vương đỡ lấy, tủm tỉm cười nói:
- Ngày trước ta cũng có một chút công đối với quý phu nhân. Nay ta đến đây, quý phu nhân lại không đáng mời ta một chén rượu hay sao?

Tức hầu sợ oai nước Sở, không dám trái ý, vâng vâng dạ dạ, truyền vào cung gọi Tức Vĩ ra. Một lúc, Tức Vĩ trang điểm xong bước ra, sụp lạy Sở Văn Vương.
Sở Văn Vương đứng lên
Tức Vĩ lấy chén bằng ngọc, rót đầy rượu, đoạn dưng lên vua Sở. Bàn tay trắng nõn nà hoà vào sắc ngọc như một, Sở Văn Vương nhìn đờ đẫn cả người, toan đưa tay đỡ lấy chén rượu... Nhưng Tức Vĩ lại khoan thai trao chén rượu cho cung nhân để dưng lên; đoạn nàng cáo từ lui vào cung. Vua Sở nhìn theo, thần hồn mê mẩn như muốn đeo lấy gót son của con người ngọc.

Trở về quán xá, vua Sở ngồi đứng chẳng yên, nằm không an giấc, trước mắt cứ thấp thoáng hình dáng tha thướt, kiều mỵ của giai nhân. Hôm sau, Sở Văn Vương truyền bày tiệc ở quán xá, cho giáp sĩ phục cả chung quanh, rồi mời Tức hầu đến dự. Tiệc đến nửa chừng, vua Sở giở giọng say, bảo:
- Ta có công với quý phu nhân nhiều lắm, nay quân ta đến đây, quý phu nhân lại không đáng vì ta mà khao thưởng hay sao?
Tức hầu thưa:
- Nước tôi nhỏ, khó mà khao thưởng cho đủ. Ðại vương dạy như vậy, xin để cho chúng tôi bàn nhau.
Vua Sở vỗ bàn, quát:
- Tên thất phu này dám bội ơn, lại giở giọng nói khéo để lừa ta. Quân sĩ đâu hãy bắt lấy nó!
Tức hầu chưa kịp nói gì thì quân sĩ đổ ra bắt trói. Sở Văn Vương liền đem quân đi thẳng vào cung chúa nước Tức, tìm bắt Tức Vĩ. Nghe tin chồng bị bắt, Tức Vĩ nghẹn ngào, bảo:
- Dắt hổ sói về nhà thì còn nói gì nữa!

Ðoạn chạy ra sau vườn, toan đâm đầu xuống giếng.
Tướng của Sở Văn Vương là Ðấu Ban vội chạy đến, níu lấy vạt áo, nói:
- Phu nhân không muốn cho Tức hầu được toàn tính mạng sao? Tội gì mà hai vợ chồng cùng chịu chết.

Tức Vĩ không tự tử được, bị Ðấu Ban bắt nộp cho Sở Văn Vương
Thành công một cách dễ dàng, vua Sở nhìn giai nhân hân hoan vô cùng, lập tức phong làm phu nhân. Còn Tức hầu thì cho an trí ở đất Nhữ Thuỷ. Thực là "rước hổ sói về nhà" như Tức Vĩ nói. Chúa nước Tức tức quá mà chết!
Tức Vĩ má tựa hoa đào nên người thường gọi là "Ðào hoa phu nhân"
Tuy ở suốt ba năm trong cung nước Sở, sinh được hai con nhưng tuyệt nhiên nàng không nói với vua Sở một lời nào cả. Vua Sở cố hỏi tại sao không nói chuyện, Tức Vĩ sa nước mắt, gầm mặt xuống, không trả lời. Sở Văn Vương càng gạn hỏi, nàng đáp:
- Một thân này phải thờ hai chồng. Ðã không biết giữ tiết mà chết, lại còn mặt mũi nào nói chuyện với ai nữa!


Ðời vua Thuận Ðế nhà Nguyên (1280- 1368) có nàng cung phi tên Qua Tiểu Nga được phong chức Thục Cơ nhất phẩm phu nhân. Nàng có thể chất rất lạ: má trắng ửng hồng, mỗi khi rửa mặt hoặc ra mồ hôi thì mặt lại càng tươi như hoa đào ngậm hạt lộ, sắc đẹp lộng lẫy thêm. Vua Thuận Ðế gọi là "Yêu đào nữ" (gái đào tơ). Nhân đó, trong cung xưng tụng nàng là "Ðào kiểm phu nhân". Trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều có câu:
ÁNG ĐÀO KIỂM ĐÂM BÔNG NÃO CHÚNG
Khóc thu ba gợn sóng khuynh thành

"Má đào", "má hồng" đều chỉ người phụ nữ tuyệt đẹp
Nhưng tại sao "số còn nặng nghiệp má đào" hay số má đào (người gái đẹp) còn nặng nghiệp?
Vậy, "nghiệp" là gì? Ðiển tích Truyện Kiều số tiếp theo sẽ lý giải điều này.
Theo quan niệm thông thường khá phổ biến - cũng như mở đầu "Truyện Kiều", tác giả cho rằng: người đẹp thường gặp cảnh gian truân "má hồng phận bạc" hay đấng tạo hoá thường đày đoạ người đẹp "tạo vật đố hồng nhan":
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của Ðặng Trần Côn cũng có câu:
Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Du du bỉ thương hề thuỳ tạo nhân
Nữ sĩ Ðoàn thị Ðiểm diễn nôm:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì đâu gây dựng cho nên nỗi này
Tại sao người gái đẹp lại thường lâm cảnh khổ đau?
Vì ngoài định luật của tạo hóa: "Ðược dồi dào về cái này thì phải kém cỏi về cái kia" (phong vu bỉ sắc vu thử) và con người- theo Phật giáo - vì mang phải cái nghiệp.
Kiều tự tử để chấm dứt cái nghiệp oan khốc ác nghiệt này nhưng không được. Vì nàng còn "nặng nghiệp", vì nàng là gái đẹp "má đào".
"Nghiệp" dịch nghĩa chữ Phạn "Karma". Theo đạo Phật và đạo Bà la môn nghĩa là việc mình làm khiến cho mình luân hồi mãi. Những sự may rủi, sướng khổ, hạnh phúc hay bạc phúc được hưởng hay phải chịu ở kiếp này là do Nghiệp tạo nên từ kiếp trước. Và những việc mình làm ở kiếp này sẽ tạo nên Nghiệp cho kiếp sau (luân hồi). Thuyết Nghiệp đi đôi với thuyết Nhân quả. "Truyền đăng lục", kinh điển của Phật giáo có nói: "Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị; dục tri là sinh quả, kim sinh tác giả thị" (muốn biết nguyên nhân đời trước ra thế nào, ta cứ xem hưởng thụ của ta ngày nay; muốn biết kết quả đời sau thế nào, ta cứ xem sự việc ta làm ở đời này vậy).
Theo thuyết "Nghiệp cảm duyên khởi" của Phật giáo tức sự sinh khởi của vạn hữu trong vũ trụ do Nghiệp của con người mà cảm ứng. Do đó, có những từ như: nghiệp báo (sự báo ứng của việc làm lành hay dữ); nghiệp căn (cội rễ sinh ra nghiệp); nghiệp chủng (hột giống sinh ra nghiệp); nghiệp hệ khổ tướng (hình tướng do nghiệp từ tâm vọng động sinh ra); nghiệp thức (cái biết do nghiệp từ tâm vọng động sinh ra); nghiệp duyên (nghiệp và duyên theo nhau để gây thành quả báo)...
Số còn nặng nghiệp má đào
Người đà muốn quyết trời nào đã cho
Như vậy, cái số kiếp của Kiều- một phụ nữ đẹp- còn phải chịu đựng nhiều gian nan, thì dầu có muốn trốn tránh cái số kiếp đời này bị đày đoạ, trời vẫn không cho trốn, "người đà muốn quyết (cương quyết chết) trời nào đã cho". Cho nên phải sống cho trọn kiếp người yếu đuối (liễu bồ), chừng nào đến sông Tiền Ðường, mới chấm dứt cái "nghiệp má đào".
Nhưng chấm dứt bằng cách nào?
Tự tử. Chết là hết. Về sau, Kiều trầm mình tại sông Tiền Ðường. Nhưng Kiều không chết. Nhờ đạo cô Tam Hợp báo trước, nên vãi Giác Duyên tìm cách cứu:
Ðánh tranh chụm nóc thảo đường
Một gian nước biếc mây vàng chia đôi
Thuê năm ngư phủ hai người
Ðóng thuyền chực bến kết chài giăng sông
(câu 2697 đến 2700)
Chưa chết, như vậy Kiều còn "nặng nghiệp" nữa chăng.
Không phải thế.
Chưa chết cũng giũ sạch được nợ đời để chấm dứt nghiệp chướng, nếu con người vẫn giữ được khí tiết, làm những điều ngay lành dầu gặp nhiều gian nan; và cuối cùng sẽ được hưởng thụ điều hạnh phúc như triết thuyết của Nho gia "bĩ cực thái lai". Cũng như đạo cô Tam Hợp khi gặp vãi Giác Duyên than thở cho hoàn cảnh đau khổ của Kiều:
Làm cho sống đoạ thác đày
Ðoạn trường cho hết kiếp này mới thôi
(Câu 2675 và 2676)
Nhưng rồi:
Sư rằng: "Song chẳng hề chi
Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều
Xét trong tội nghiệp Thuý Kiều
Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm
Lấy tình thâm trả nghĩa thâm
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời
Hại một người cứu muôn người
Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng
Thửa công đức ấy ai bằng
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi
Khi nên trời cũng chiều người
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau
(câu 2679 đến 2690)
Và, khi Kiều trầm mình được ngư phủ vớt lên, trong cơn mê, Kiều lại nghe lời của Ðạm Tiên thoang thoảng bên tai:
Tâm thành đã thấu đến trời
Bán mình là hiếu cứu người là nhân
Một niềm vì nước vì dân
Âm công cất một đồng cân đã già
Ðoạn trường sổ rút tên ra
Ðoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau
Còn nhiều hưởng thụ về sau
Duyên xưa tròn trặn phúc sau dồi dào
(câu 2717 đến 2724)
Như vậy, Kiều đã tự mình chấm dứt "nghiệp má đào". Cho nên đoạn kết "Truyện Kiều" tác giả có câu kết luận:
Ðã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
(câu 3249 đến 3252)
Chỉ có "Tâm" mới giải quyết được "Nghiệp". Cuối thời kỳ "Tam giáo đồng thịnh", tác giả muốn tổng hợp phê phán chăng?
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...