Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Xuân đình thoắt đã đổi ra Cao đình

Xuân đình thoắt đã đổi ra Cao đình
Thúc Sinh nghe lời khuyên của Kiều cần về quê thăm vợ là Hoạn Thư, nhân đó tỏ thực với Hoạn Thư để cho Kiều làm phận lẽ mọn. Buổi tiễn đưa, có câu:
Tiễn đưa một chén quan hà
Xuân đình thoắt đã đổi ra Cao đình
Sông Tần một dải xanh xanh
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương quan
Cầm tay dài thở ngắn than
Chia phôi ngừng chén hợp tan nghẹn lời
(câu 1499 đến 1504)
"Xuân Ðình" chỉ nơi vui vẻ. Thư của Giản Văn Ðế nhà Lương đáp Trương Tán có câu: "Xuân đình lạc cảnh(cảnh vui ở Xuân đình). "Cao đình" là một hòn núi ở tỉnh Chiết Giang, phía đông bắc huyện Hàng, nơi đường đi qua lại như một giáp giới giữa hai địa phương được xem là chỗ nghỉ chân và làm nơi tiễn biệt nhau. Thơ cổ có câu: "Cao đình tương biệt xứ" tức nơi biệt nhau ở Cao Ðình.
"Xuân đình thoắt đã đổi ra Cao đình", tác giả dùng lối đối ngẫu bằng hai nơi, hai cảnh trái ngược nhau: nơi sum họp vui vẻ (Xuân đình), nơi chia tay buồn bã (Cao đình). Ðặc biệt dùng từ "thoắt" (bỗng chốc, chợt đâu, vụt đâu) để chỉ thời gian ngắn ngủi trong cảnh đầm ấm vui tươi của Thúc Sinh bên cạnh Kiều tuy đã chung sống "suốt một năm ròng" nhưng "ngày vui ngắn chẳng tầy gan", để chuyển xuống ăn khớp với cảnh:
Cầm tay dài ngắn thở than
Chia phôi mừng chén hợp tan nghẹn lời
Thực là một cảnh chia tay rất bi ai nhưng rất đẹp.
Thúc Sinh say mê đắm đuối Kiều là một lẽ tất nhiên. Còn Kiều đối với Kim Trọng , mối tình đầu tuy có vương vấn ở cõi lòng nhưng nay đã hoàn toàn tuyệt vọng, không nên duyên cầm sắt được rồi. Hiện thời, Kiều như một người chết đuối giữa dòng (mặc dù với phải gỗ mục), coi Thúc Sinh là một cứu tinh đem lại cuộc sống trong sạch của quãng đời còn lại của mình. Lòng tin tưởng đó càng làm tăng trưởng mối tình tha thiết đậm đà của Kiều đối với cuộc chia tay, mặc dù cả hai chỉ cho là tạm biệt.
Mối tình đầu cũng như hình ảnh của một con người "phong lưu tài mạo tót vời; vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa" của Kim Trọng; đối với Kiều hẳn khó xóa nhòa trong tâm não của Kiều "cùng nhau trót đã nặng lời; dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ", nhưng hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi, một hoàn cảnh éo le phũ phàng... Một cô gái "sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai" với cảnh sống "êm đềm trướng rủ màn che" lại bỗng trở thành một cô gái bán dâm, sống kiếp đoạ đày trong cảnh lầu xanh. Rồi may mắn- như nguyện vọng tha thiết của Kiều- có người đưa nàng ra khỏi cảnh lầu xanh, thà cam làm phận lẽ mọn để thoát kiếp đoạ đày ô trược tất Kiều đã chấp nhận Thúc Sinh là chồng. Vậy nàng phải thành thực với chồng, nhất là trong tình cảm, không thể "vẫn giấu trong tim một bóng người".
Rồi không làm vợ lẽ Thúc Sinh được lại bị người gạt bán vào lầu xanh lần thứ hai may được Từ Hải cứu thoát, Kiều làm vợ chính thức của Từ, nàng có thái độ dứt khoát hơn về mặt tình cảm này.
Chỉ có khi vắng Thúc Sinh cũng như khi vắng Từ Hải sau này, tấm thân cô độc ở xứ lạ quê người, bấy giờ Kiều mới nhớ quê nhà, nhớ gia đình, nhớ đến Kim Trọng. Hay nói một cách rõ hơn, hình ảnh Kim Trọng và mối tình đầu của Kiều năm thì mười hoạ mới hiện ra trong óc nàng như một bóng mờ trong chốc lát rồi lại biến đi ngay.
Biết không giữ được chung tình với người xưa thì đâu thể làm kẻ phản bội với người yêu mới mà mình tin tưởng là người có công cứu vớt cuộc đời của mình thoát khỏi cảnh ô trược.
ÁI tình phải nhường lại cho ân tình.
Ta thấy Kiều có lý trí để đặt tình cảm đúng vào vị trí của lý trí này.
Và, cũng do đó, cảnh chia tay giữa Thúc Sinh và Kiều ở đây được tác giả diễn tả rất đẹp và cũng rất lâm ly não ruột khá đậm nét. Phải chăng "tạm biệt" này là một tín hiệu cho một cuộc "vĩnh biệt" của một mối tình tan vỡ của đôi bên sau này.
Sông Tần một dải xanh xanh
"Sông Tần" tức Tần Thuỷ, một nhánh ở sông Vị Thuỷ, thuộc tỉnh Thiểm Tây, ý nói nơi chia tay nhau, người ở bên này sông, người ở bên kia sông. Lấy ý câu thơ cổ: "Ðạo vọng Tần xuyên, can trường đoạn tuyệt". (Dõi trông nước sông Tần mà gan ruột đứt từng khúc). Có bản giảng sông Tần là sông Tần Hoài, một con sông chảy ở miền Giang Tô, quê ở của Thúc Sinh. Tác giả "Truyện Kiều" dựa theo bài "Hoài thượng biệt hữu nhân" (trên sông Hoài, từ biệt người bạn) của Trịnh Cốc, thi hào đời nhà Ðường:
Dương Tử giang đầu dương liễu xuân
Dương hoa sầu sát độ giang nhân
Sổ thanh phong địch ly đình vãn
Quân hướng Tiêu tương ngã hướng Tần
Nghĩa:
Sông Dương ngàn liễu đua tươi
Hoa dương buồn chết dạ người sang sông
Ðình hôm tiếng sáo não nùng
Ai đi bến Sở, tôi trông đường Tần
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
"Dương quan" là một cửa ải xưa thuộc tỉnh Tứ Xuyên giáp với tỉnh Cam Túc. Vương Duy, thi hào đời nhà Ðường có bài "Tống Nguyên Nhị sứ An Tây" (đưa Nguyên Nhị đi sứ đất An Tây):
Vị thành triêu vũ ấy khinh trần
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân
Khuyến quân khánh tận nhất bôi tửu
Tây xuất Dương quan vô cố nhân
 Nghĩa:
Trời mai mưa ướt Vị thành
Xanh xanh trước quán mấy cành liễu non
Khuyên người hãy cạn chén son
Dương quan tới đó không còn ai quen
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Ngày xưa ở Trung Hoa, người ta tiễn biệt nhau thường bẻ cành dương liễu để tặng người đi, gợi ý nhớ chốn cũ.
"Sông Tần", "Dương quan" đều chỉ nơi tiễn biệt. Tác giả "Truyện Kiều" mượn ý thơ để tả cảnh tiễn biệt. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" huống chi ở đây cảnh đã buồn "loi thoi bờ liễu", "sông Tần một dải xanh xanh..." càng khiến người ngậm ngùi cho một mối tình ly biệt!
Cảnh phối hợp tình, tình phối hợp cảnh, bút pháp dùng từ của tác giả chuyển hoá được điển tích.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều - NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...