Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Về truyện “Bắt đầu và kết thúc”

Về truyện “Bắt đầu và kết thúc”
Mấy năm nay, nhiều nguồn tin không thể kiểm chứng tải về từ nhiều nước, trong đó chủ yếu từ Trung Quốc do người có học đi du lịch đem về. Trong đó họ nói,Trần Ích Tắc trá hàng để làm tình báo, Trần Quốc Toản không phải hy sinh khi truy đuổi giặc bên bờ sông Như Nguyệt, mà ông chỉ bị thương, giặc bắt đưa ông về Tàu. Ông qui thuận, nên được trọng đãi. Hiện con cháu ông rất thành đạt. Họ đã được xem cả gia phả, tộc phả của cả gia quyến Trần Ích Tắc và Trần Quốc Toản. Nhưng khi hỏi bằng chứng thì chẳng ai có bằng chứng gì. Có kẻ còn khẳng định: Chỉ riêng tôi có tài liệu gốc, tôi sử dụng cho riêng tôi, tại sao tôi phải chứng minh cho mọi người. Lý sự thế, thì đúng là giả mạo rồi, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, không ai làm như vậy. Thế mà nhiều người vẫn nhắm mắt tin theo, rồi phao tin đồn nhảm.
Liệu ta có thể tin, giặc đủ bình tĩnh bắt sống Trần Quốc Toản đưa về Tàu, trong khi chúng hết sức hoảng loạn tháo chạy bởi quân ta truy kích. Đến nỗi tổng chỉ huy Thoát Hoan còn phải chui vào rọ, chịu cho lính kéo đi như kéo một con chó.
Luận điệu này là đòn tâm lý chiến, nó khuyến khích những kẻ khờ khạo tin theo, rằng theo giặc sẽ đời đời phú quí, dòng dõi dài lâu.Thật là hiểm độc.
Nhân nói đến truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc của nhà văn Trần Quỳnh Nga, tôi không phải người đầu tiên phát hiện ra truyện này. Bởi hạ tuần tháng chạp năm ngoái (2017), tôi vào Sài Gòn, khi chúng tôi đang thắp hương ban thờ cố nhà văn Hồng Duệ tại Thủ Đức, thì có chuông điện thoại. Nhà nhiếp ảnh Đỗ Kha từ Quảng Ninh hỏi tôi với giọng gay gắt: Anh đã đọc truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc” trên Văn Nghệ số 50 chưa? Rồi anh xổ ra một tràng đầy bức xúc và giận dữ, không cho tôi nói xen vào. Kết thúc anh hỏi: “Ý kiến anh thế nào?”. Tôi nói chưa đọc số báo đó và tôi đang ở Sài Gòn. Về Hà Nội, tôi tìm đọc. Đọc xong tôi thấy băn khoăn quá, liền gọi điện cho thư ký tòa soạn Lương Ngọc An, vài hôm sau lại gọi cho Tổng biên tập Khuất Quang Thụy. Cả hai nhà văn đều hỏi tôi có chuyện gì. Tôi nói, tôi không yên tâm về nội dung truyện “Bắt đầu và kết thúc”, và rằng tôi sẽ viết ý kiến của mình gửi đến Tòa soạn. Các bạn rất vui vẻ khuyến khích - Vậy anh viết đi. Tôi chưa kịp viết thì trên các mạng xã hội đã có phản ứng. Các ý kiến khen chê trao đi đổi lại thật là sôi động, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh.
Như đã hứa với hai vị chịu trách nhiệm tờ báo, nên tôi viết bài này.
Trước hết, tôi xin cung cấp một vài chi tiết đã được lịch sử của ta và cả lịch sử của Trung Hoa khẳng định một cách ổn định từ hơn 700 năm qua. Đó là:
Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên, Trần Văn Lộng, Trần Kiện… đã được lịch sử Việt Nam coi chúng là lũ bán nước, đầu hàng giặc. Đương thời nhà Trần đã đưa chúng ra khỏi hoàng tộc, tịch thu điền sản và gọi chúng là Ả Trần.
Trong khi đó triều đình nhà Nguyên lại coi chúng là những hàng thần có công.
Ví dụ Trần Ích Tắc được chép trong An Nam chí lược của Lê Tắc như sau:
“Năm Ất dậu (1285), Ích Tắc đem gia quyến đầu hàng Trung Quốc. Tháng 5 theo Vương sư (tức là theo quân của Thoát Hoan) về Tàu. Mùa thu vào bệ kiến. Mùa xuân tháng hai năm Bính tuất (1286) hiệu Chí Nguyên, vua Thế tổ thương Tắc có lòng trung hiếu, đặc ân phong cho tước An Nam vương, Quang lộc đại phu, ban cấp phù ấn, cho tiền 5.000 quan. Con trưởng tên Bá Y, được phong chức Gia nghị đại phu lĩnh An vũ sứ lộ Đà Giang (hư chức) ban cho áo mũ cung tên, yên cương và ngựa” (An Nam chí lược của Lê Tắc, tr.253, NXB. Lao Động, 2009).
Như vậy cha con người này được vua nước giặc ban tước lộc ưu trọng đã rõ ràng.
Nên nhớ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên năm 1285, sinh mệnh nước ta vô cùng nguy hiểm như chuông treo chỉ mảnh. Thế mà trong lúc Toa Đô phá vỡ cửa quan Nghệ An, vây quân ta từ hai mặt bắc, nam, khiến tình thế cực kỳ gian nan, điêu đứng. Giữa lúc ấy đầu têu theo giặc là Trần Ích Tắc, Trần Kiện rồi kéo theo cả một lũ thân vương, quốc thích ra hàng giặc. Riêng phủ binh của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc và Chương Hiến hầu Trần Kiện mỗi nơi có tới 20.000 quân theo chủ ra hàng giặc. Trần Kiện còn dẫn Toa Đô đi vây bắt chú mình là Chiêu Minh vương Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, đẩy mệnh nước vào chỗ nguy hiểm tột cùng.
Một người tiếp tay cho giặc, làm nguy thế nước như vậy, sao lại gọi là có công được.
Trên thực tế vấn đề nhân vật lịch sử Trần Ích Tắc đã được lịch sử liệt hạng phản quốc một cách ổn định, không còn gì ẩn khuất mà phải giải mã. Cũng không có ai tôn vinh nhân vật này hoặc đưa y vào điện thần mà phải giải thiêng, giải ảo. Vậy tại sao truyện lại viết Trần Ích Tắc như một người có công với nước vậy?
Đã gọi là tiểu thuyết, kể cả tiểu thuyết lịch sử thì yếu tố hư cấu là phương pháp giúp tác giả hoàn thiện nhân vật, hoàn thiện kết cấu của tiểu thuyết. Nhưng hư cấu như thế nào cho nhân vật và cả tiểu thuyết đạt tới chân thực lịch sử, chứ không phải hư cấu đến phản lịch sử.
Về công chúa An Tư thì từ tháng 2 năm 1285, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Sai đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh tôn) đến cho Thoát Hoan, là có ý muốn làm thư bớt tai nạn của nước vậy”. Đây là lần cuối cùng An Tư xuất hiện trong chính sử rồi bặt tăm tích.
Về nhân vật An Tư, vì có sự nhầm lẫn về việc nàng có hai con với Thoát Hoan, nên đã có người viết tiểu thuyết, coi như An Tư an phận sống với tên tướng giặc trong một cuộc đời buồn tẻ với hai người con mà lòng luôn hướng về cố quốc.
Sự thật không phải Thoát Hoan lấy em Trần Ích Tắc, mà y kết hôn với em gái Trần Tú Viên. Việc này đã được Lê Tắc là lại viên thuộc phủ Trần Kiện, chủ tớ cùng ra hàng giặc. Sau Lê Tắc viết An Nam chí lược, giúp ta có nhiều tư liệu khả tín về nhà Trần mà y là chứng nhân.
Việc này trong An Nam chí lược, quyển 13, phần “Nội phụ hầu vương”, tức các vương hầu nội phụ. Lê Tắc đã cẩn thận chép riêng phần của mỗi người.
Phần về Trần Tú Viên, có đoạn chép liên quan đến Thoát Hoan như sau: “… Minh niên hoàn cư Bộc Dương. Trấn Nam vương sơ nạp kỷ muội Trần Thị vi thứ phi sinh tông tử nhị. Chí Nguyên Ất sửu hạ ngũ nguyệt tốt ư Túy Sơn…”/ (Năm Bính tý 1336), trở về Hán Dương. Trấn Nam vuơng cưới người em gái làm thứ phi, sinh được hai con. Tháng năm Ất sửu (1337) hiệu Chí Nguyên, Tú Viên mất ở Túy Sơn…)
Vậy “kỷ muội” ở đây là em gái của Trần Tú Viên chứ không phải em gái của Trần Ích Tắc. Vả lại nếu An Tư còn sống tới lúc này, tuổi cũng đã tới sáu, bảy mươi, sao còn lọt mắt Thoát Hoan để y cưới làm thứ phi.
Cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, có người đưa từ Nhật Bản về. Nhưng giới học giả thời ấy khinh ghét nhân cách Lê Tắc, chê y là kẻ bán nước nên không thèm chuyển ngữ. Học giả Trần Thanh Mại năm 1939 đã viết bài đăng trên tạp chí Tao Đàn số 3.Trong đó ông phê phán: “Một nhà viết sử bán nước, một quyển sử nhục nhã, Lê Tắc và quyển An Nam chí lược của y”.
Mãi tới năm 1960, Viện Đại học Huế mới khởi dịch với sự tài trợ của quỹ Văn hóa Á Châu. Bản hiện đang lưu hành, in lại từ bản dịch này.
Về An Tư, đoạn kết tác giả viết: “…Quân triều đình đã vây kín mọi lối thoát. Cánh cửa phòng nàng bật mở. Trong tíc tắc, An Tư như bừng tỉnh. Nàng vùng dậy kéo tấm chăn bằng lụa điều rồi đẩy Thoát Hoan vào đó… Trong đêm tối tịch mịch có hai người vội vã rời khỏi kinh thành. Ngựa phi nhanh như gió. Sau lưng họ, hoa đào rụng trắng như tuyết dưới ánh trăng suông ướt át…”. Đây là một lớp cải lương đầy kịch tính, cực tả một tình yêu mù quáng. Nhưng lại đẩy An Tư trở thành tên đồng lõa với kẻ thù dân tộc, che chở và cùng y chạy trốn. Hành vi ấy là phản bội Tổ quốc, chống lại cuộc chống xâm lược của toàn dân.
Thực tế lịch sử không phải vậy. Thực tế, trên khắp các mặt trận giặc bị dồn vào thế có nguy cơ bị tiêu diệt, buộc Thoát Hoan phải cho đại quân tháo chạy. Trên đường chúng rút lui, bị quân ta truy kích rất ác liệt. Trần Kiện đã bị dân binh của Nguyễn Địa Lô bắn chết khi y núp bóng quân thù chạy trốn. Gia đình Trần Tú Viên từ cha mẹ đến con cháu y chết tới tám người. Y phải đau đớn thốt lên:
Tam thế, bát tang thiên cổ thống
Nhất thân vạn lý bách thiên cơ
(Ba đời chịu tám tang đau thương nghìn thuở
Một mình ngoài muôn dặm cô quạnh trăm năm)
Cuộc truy đuổi giặc hết sức hào hùng, giặc sợ hãi tới mức phải đưa Thoát Hoan chui trong rọ tre, ngoài bọc đồng lá để tránh tên đạn, cho quân khiêng hoặc kéo lê trên mặt đất như kéo một chiếc rọ chó. Các tướng hùm sói như Lý Hằng, Lý Quán trực tiếp cầm quân che chở cho Thoát Hoan đều bị trúng tên mà chết.
Sự thật chiến trận là vậy. Sự thật lịch sử là vậy. Cả sử ta và sử giặc đều chép như vậy. Sao tác giả truyện lại mô tả An Tư như một thứ tội đồ. Điều này không chỉ trái với sự thật lịch sử, mà nó còn xúc phạm cả phẩm giá của An Tư, và phủ định chiến công có một không hai của quân dân Đại Việt thế kỷ 13.
Đành rằng nhà văn viết truyện lịch sử chứ không phải nhà chép sử. Nhưng tất cả đều không thể vượt qua cái ngưỡng là sự thật. Giới hạn của hư cấu chính là đạt tới chân thực chứ không phải xuyên tạc sự thật hiển nhiên.
Thật ra truyện này viết với bút pháp nghệ thuật rất bình thường, kết cấu lủng củng, kiến thức non kém. Nhưng nếu không có việc nó gây ra tác hại khôn lường thì cũng chẳng ai quan tâm làm gì. Tác hại này có thể nằm ngoài ý muốn của tác giả.
Gần đây người Trung Hoa, đang dấy lên khuynh hướng lật đổ chính sử. Bởi sử Trung Hoa xưa có những chương đen tối. Dân tộc Trung Hoa bị ách đô hộ ngoại bang bởi người Mông Cổ và người Mãn Thanh. Vì vậy sử họ viết người Mông Cổ và người Mãn Thanh đều là giặc của Trung Hoa.
Nhà Minh diệt nhà Nguyên, là người Trung Hoa đánh đuổi quân xâm lược và ách đô hộ của Mông Cổ.
Cách mạng Tân hợi (1911), là người Trung Hoa nổi dậy, đánh đuổi ách đô hộ của Mãn Thanh. Nay nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, công nhận hai kẻ thù dân tộc ấy là tổ tiên của họ, và coi hai triều đại đó là chính thống. Vì vậy mới có chuyện đạp đổ chính sử để viết lại lịch sử. Đó là chuyện của nước người ta.
Liệu có phải đang có chuyện chấp chới bắt chước người ta, biến kẻ thù dân tộc thành ân nhân lịch sử, biến kẻ phản quốc thành anh hùng dân tộc, còn anh hùng dân tộc trở thành tội đồ lịch sử? Rất mong được giải thích.
Năm 1279, đế quốc Nguyên đánh trận cuối cùng, tiêu diệt nhà Nam Tống, chúng dìm chết hơn mười vạn quân Tống trên biển Nhai Sơn (Quảng Đông Trung Quốc). Để tránh nỗi đau quốc nhục, Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu, cõng vua Tống là Tống Cung đế mới sáu tuổi nhảy xuống biển tự tử, không cho giặc bắt làm tù binh. Lúc này đế quốc Mông Cổ đã làm chủ một dải đất liền từ bờ Hắc Hải tới Thái Bình Dương, bao gồm nhiều quốc gia với diện tích tới 24 triệu km2, chiếm 16% diện tích Địa cầu. Lúc này hai đại quốc như Trung Hoa và Nga đều nằm dưới ách thống trị của người Mông Cổ.
Hốt tất liệt nắm một đội cường binh với các tướng lĩnh hùm sói, khắp bốn phương không hề gặp đối thủ xứng tầm. Tổng lực ấy quay sang xâm chiếm Đại Việt. Chúng uy hiếp và đòi ta phải thực hiện 6 điều, nếu chấp nhận chỉ một trong 6 điều đó, là nước mất chủ quyền, là thuộc quốc của nhà Nguyên. Một trong 6 điều đó là nước ta phải cung cấp lương thảo, quân lính và cho mượn đường sang đánh Chiêm Thành.
So sánh lực lượng giữa ta và địch vào thời điểm đó, chẳng khác gì so trứng với đá.
Không khuất phục kẻ thù, và muốn thắng được chún
g, Nhà Trần đã dùng kế của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, là vườn không nhà trống, khiến giặc vào không kiếm được thứ gì nuôi sống quân nó, đến ngọn cỏ cho ngựa nó ăn cũng không có. Và chiến thuật thì lấy đoản chế trường, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh. Nên phải chọn chỗ địch không ngờ mà đánh: đánh phục kích, đánh tập kích, đánh nhanh rút nhanh, thoắt ẩn thoắt hiện. Ngay cả khí hậu thời tiết, Trần Hưng Đạo cũng biến thành vũ khí giết giặc. Sự thông minh tài trí ấy, xuất phát từ lòng yêu nước và trí tuệ của muôn dân.
Vậy mà mô tả về cuộc chiến tranh nhân dân này, khi quân Trần đã thực hiện cuộc rút lui chiến lược. Trần Nhân tông nói trước ba quân: “Ta tạm cho giặc ngủ trọ ít đêm”. Thế mà nhà văn này lại viết: “Kinh thành thất thủ nhanh như một hơi rượu”. Thực tế ta có giao tranh với giặc ở Thăng Long đâu mà thất thủ.
Hoặc nhà văn mỉa mai: “Thăng Long kiêu sa lẫy lừng phút chốc bỗng buồn như một phế nhân”. Văn khác sử, đương nhiên là thế, nhưng về cuộc kháng chiến thần thánh này đến kẻ thù cũng không dám nhìn nhận Thăng Long như vậy. Chúng đã làm mọi cách từ tàn sát sinh linh đến đào mồ cuốc mả, nhưng cuối cùng vẫn thua nhục nhã. Các danh tướng giặc như Ô mã nhi, Toa đô, Lưu Thế Anh, A lí hải nha, Lý Hằng, Lý Quán… kẻ thì mất đầu, kẻ thì vùi xác dưới biển khơi, kẻ bị bắt, kẻ đầu hàng. Khí phách Thăng Long là thế đó!
Ở một đoạn khác nhà văn nhét vào miệng Trần Nhân tông những câu nói thối chí, đầy bi quan và có phần sợ giặc: “Bẩm phụ hoàng, Thoát Hoan là một người trẻ tuổi và rất dũng võ. Dưới trướng lại có những tướng tài nên trong cuộc chiến lần này ta đã vì chủ quan mà thua thế quân địch”.
Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên- Mông năm 1285 và thắng chúng, nhà Trần chuẩn bị hết sức chu đáo chứ không hề “chủ quan mà thua quân giặc” như nhà văn này phê phán. Rõ là tác giả vừa không hiểu hoàn cảnh lịch sử, vừa hỗn láo xấc xược đối với một vị cứu tinh dân tộc như Trần Nhân tông.
Xét lịch trình nhà Trần chuẩn bị giữ nước như thế nào.
Năm 1279, Mông Cổ diệt xong nhà Tống. Năm 1280, ta cử đoàn cống sứ, sang Yên Kinh triều cống và thăm dò. Cầm đầu là quốc thúc Trần Di Ái. Giặc giữ phái bộ ngoại giao đó, lập luôn triều đình bù nhìn, phong Di Ái làm An Nam quốc vương. Năm sau Hốt tất liệt sai Sài Thung dẫn Di Ái về nước cùng một ngàn quân hộ tống. Ta bắt Trần Di Ái về trị tội, đón sứ Sài Thung về tiếp tại Thăng Long, ngăn không cho quân giặc xâm phạm bờ cõi.
Đường lối ngoại giao hết sức tài tình và khôn khéo. Vẫn giữ được tính độc lập tự chủ, và không rơi vào bẫy giặc khiêu khích. Năm 1282, triều đình họp tại bến Bình Than bàn kế phá giặc. Và từ ấy cho tới khi chiến tranh nổ ra, tinh thần chuẩn bị kháng chiến của toàn dân sôi sùng sục.
Các sự kiện lịch sử này, các em học sinh phổ thông đều thuộc lầu lầu, sao nhà văn này lại không biết.
Biết nói thế nào về một nhà văn trẻ dám xúc phạm tới một vị vua tài năng, nhiệt huyết và gan góc mưu trí đến phi thường, đã cứu cho cả dân tộc không rơi vào họa diệt vong. Trong ba năm đánh bại liên tiếp hai cuộc xâm lăng của một đế quốc khổng lồ, khiến cả thế giới tới nay chưa hết kinh ngạc.
Tác giả lấy lời giặc để khuyên nhủ cha ông ta: “Giá Đại Việt cứ khuất phục đi, khuất phục làm chư hầu như bao đời nay vẫn thế thì có phải chốn thiên thai này sẽ còn lại mãi mãi”. Nếu quả thực đây là lời của Thoát Hoan, thì viên tướng giặc này là một thằng đại ngu, chẳng hiểu biết gì về lịch sử Đại Việt. Y chẳng thấy từ thời Hùng Vương, trong các đền thờ từng treo đại tự có dòng chữ: UY TRẤN HOA DI. Và từ Hán-Đường-Tống-Nguyên có thời nào quân xâm lược phương Bắc không bị thua nhục nhã mỗi khi chạm tới mảnh đất này.
Và kẻ thù đem tới 50 vạn quân vào xâm lược nước ta là điều rất rõ ràng, nhưng tác giả viết lập lờ như ta mới là nguyên nhân gây ra cuộc chiến: “...Lại thêm việc khước từ cung cấp binh lương cho nhà Nguyên đánh Chiêm Thành, như đổ thêm dầu vào lửa làm nên cuộc chiến tranh Đại Việt lần hai. Những tưởng Đại Việt là đấng anh hào, ấy thế mà mới chỉ vài ba trận đánh nhỏ thôi đã như ong vỡ tổ…”
Từ muôn thuở, cứ mỗi khi giặc Bắc xâm lược nước ta, rồi chúng lại đổ lỗi cho ta gây chiến. Ngay cả cuộc xâm lược năm 1979 cũng không có ngoại lệ. Sau đổ lỗi là mỉa mai. Đây đích thị là luận điệu của kẻ thù, nhưng sao nó lại được viết ra từ nhà văn của chúng ta?
Không thể hiểu nổi, một nhà văn Việt Nam viết về cuộc kháng chiến thần thánh của tổ tiên mình, lại viết như vậy. Cứ xem cách nhà văn này dẫn giải chi tiết, không thể nói là chị không đọc và không hiểu lịch sử.
Đọc đến đây, tôi thấy buồn hơn là trách tác giả. Tôi loại bỏ tác giả có ý đồ xấu. Nhưng khách quan của hình tượng văn học và ngôn ngữ nghệ thuật lại nói lên điều cô không mong muốn. Sự vấp ngã này là bởi cô chưa chuẩn bị cho mình hành trang chu đáo đã vội cất bước lên đường.
Thảm họa này ở lớp trẻ không phải ngày một ngày hai mà có. Nó tích lũy từ việc coi nhẹ đến coi thường giáo dục môn lịch sử trong nhà trường. Cách đây đúng 25 năm, trường Đại học xã hội và nhân văn quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã làm một cuộc thử nghiệm, về kiến thức lịch sử với sinh viên. Kết quả trong số hơn 600 sinh viên được khảo sát, chỉ vài chục phần trăm biết vua Hùng là tổ nước ta. Trần Quốc Toản thì sinh viên trả lời hình như là nhân vật thời chống Mỹ. Còn anh hùng dân tộc nổi tiếng nhất lại là Quan Vân Trường. Thi tốt nghiệp, cả một trường trung học chỉ có một em đăng kí thi môn lịch sử. Những cảnh báo trên, dường như chẳng có ai để ý.
Vậy mà Bộ giáo dục còn định tích hợp môn lịch sử vào với các môn khác. Có kẻ còn đòi bỏ cả môn lịch sử để học sinh tự đọc sách, tự tìm hiểu lịch sử. Đương nhiên còn nhiều nguyên nhân xã hội khác, chứ không riêng việc giáo dục lịch sử.
Thật đau xót, trong lúc đất nước đang gặp vô vàn khó khăn. Ngoài kia, biển đảo của ta một phần bị cưỡng chiếm, phần còn lại luôn luôn trong tình trạng bị uy hiếp. Ngư dân đánh cá trên ngư trường của ta cũng bị chúng khủng bố, cướp giết. Các giàn khoan làm việc trên thềm lục địa thuộc chủ quyền của ta, cũng bị chúng uy hiếp. Bên trong thì tham nhũng lúc nhúc như một bầy sâu, như giặc nội xâm. Tuy lẻ tẻ có phát hiện ra và trị tội. Nhưng xử cả ngàn năm cũng không hết án. Nợ công chồng chất lên đầu lên cổ toàn dân, biết đến bao giờ trả cho hết. Hàng chục công trình ngàn ngàn tỉ nằm đắp chiếu. Nhiều nhà máy cứ khởi động là lỗ, sản phẩm không có đầu ra. Bão lụt chồng lên bão lụt, nông dân điêu đứng. Nạn ô nhiễm môi trường tràn ngập từ đầu nước đến cuối nước, đe dọa cuộc sống không chỉ hiện tại mà cả tương lai.
Bỗng nhiên xuất hiện nhiều hiện tượng lạ hoắc khiến người dân lo lắng hoang mang. Nào tích hợp môn lịch sử trong trường phổ thông. Nào cải tiến chữ quốc ngữ. Nào Quang Trung thật giả…
Nay lại đến Trần Ích Tắc là người yêu nước, phải hy sinh cả tiền tài và danh vọng… Rồi An Tư hợp tác với kẻ thù, che chở cho Thoát Hoan khỏi bị quân ta bắt sống, và cùng y trong cuộc chạy trốn đẹp như mơ.
Xin nói thẳng, thời đại nhà Trần, là thời đại hiển hách nhất trong lịch sử mấy ngàn năm của nước ta. Đó không chỉ là niềm kiêu hãnh mà còn là điểm tựa vững chắc cho cả quốc gia này mỗi khi đất nước gặp khó khăn. Nó không chỉ là tinh thần mà còn là tài sản vĩnh hằng trong hành trang của dân tộc. Lịch sử, chính là hồn cốt của cả dân tộc. Nó phải được tôn kính và bảo vệ như một ngôi đền thiêng của toàn dân tộc, chứ không được phép đem nó ra mà đùa giỡn hay chọc ngoáy. Viết đến đây, sực nhớ Nhật ký của cố nhà văn đáng kính Nguyễn Huy Tưởng ghi từ năm 1941: “Người không biết lịch sử nước mình tựa như một con trâu đi cày, nó cày trên thửa ruộng nào với bất cứ ông chủ nào cũng vậy thôi”.
Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 2018
Hoàng Quốc Hải
Nguồn: Báo Văn nghệ, số 4, 
ngày 25-1-2018
Theo http://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...