Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Khi về hỏi Liễu Chương đài

Khi về hỏi Liễu Chương đài
Ðoạn diễn tả nỗi lòng của Kiều thương nhớ quê hương và tình nhân lúc ở lầu xanh, về tình nhân (Kim Trọng), có câu:
Nhớ lời hẹn ước ba sinh
Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Khi về hỏi Liễu Chương đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay
(câu 1259 đến 1262)
"Chương đài" là tên một con đường ở thành Trường An đời nhà Ðường bên Trung Hoa. "Hỏi Liễu Chương đài" là hỏi thăm cây liễu ở đường Chương đài. Ðây có nghĩa là hỏi thăm người tình cũ.
Ðời nhà Ðường, cuối năm Thiên Bảo 9742- 759) có người tên Hàn Hoành tuổi trẻ nhưng nổi tiếng tài danh. Nhà nghèo, lấy một kỹ nữ họ Liễu ở Chương đài.
Mấy năm sau, quan Tiết độ sứ ở Châu thanh là Hầu Hy Dật mến tài, tâu với vua xin Hàn Hoành làm người giúp việc. Bấy giờ đương lúc nhiễu loạn, Hàn không dám đem Liễu cùng đi, để nàng ở lại kinh đô, định chờ dịp tiện sẽ về đón. Nhưng trải ba năm trời, Hàn không về đón được. Nhân lấy vàng đựng vào một túi nhờ người gởi về cho Liễu, kèm theo một bài thơ:
Chương đài Liễu, Chương đài Liễu
Tích nhựt thanh thanh kim tại phủ?
Túng sử trường điều tự cựu thuỳ
Dã ưng phan chiết tha nhân thủ
Tạm dịch:
Liễu ơi, hỡi Liễu Chương đài
Xưa xanh xanh biếc hỏi nay có còn
Ví ta buông vẫn xanh rờn
Hay vào tay khác khó còn nguyên xưa

(Bản dịch của Vân Hạc- Văn Hòe)
Liễu nhận được thơ, buồn bã đáp lại:
Dương liễu chi phương phi tiết 
Khả hận niên niên tặng ly biệt
Nhứt diệp tuỳ phong hốt báo thu
Túng sử quân lai khởi kham chiết
Tạm dịch:
Xanh xanh cành liễu đương tươi
Năm năm luống để tặng người biệt ly
Thu sang quyến lá vàng đi
Chàng về biết có còn gì bẻ vin
(Bản dịch của Trúc Khê)
Một thời gian, Hàn được trở về triều, tìm Liễu không thấy đâu nữa. Dò hỏi tin tức thì ra Liễu đã bị tướng Phiên là Sa Tra Lợi có công trạng với triều đình vì phản An Lộc Sơn trở về đầu hàng, thấy Liễu có sắc đẹp nên cướp đi. Hàn buồn bã vô cùng, nỗi nhớ thương không sao khuây được.
Có một tráng sĩ tên Hứa Tuấn lấy làm thương cảm, lại hận vì hành động bất chính của kẻ ỷ thế cậy quyền, nên bảo Hàn:
- Tuấn này xưa nay vẫn hẹn mình phải làm những việc nghĩa liệt, nay có sự này, xin quan viên ngoại viết cho tôi mấy chữ để trao cho Liễu, tôi sẽ xin đem lập tức được nàng trở về.
Hàn bằng lòng. Hứa Tuấn nai nịt gọn gàng, nhảy lên ngựa lại dắt kèm một con đến dinh Sa Tra Lợi. Gặp lúc Sa Tra Lợi đi vắng, Tuấn vào nói với quân hầu:
- Tướng quân bị té ngựa nguy lắm, ngài sai đòi Liễu phu nhân đến tận ngay.
Liễu liền chạy ra. Tuấn liền đưa cho xem mảnh giấy của Hàn, đoạn ôm xốc Liễu đưa lên ngựa, cho phi nước đại trở về. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi, sa nước mắt.
Sa Tra Lợi vốn được vua Ðại Tông trọng đãi. Nhiều bạn của Hàn sợ cho Hàn và Hứa Tuấn sẽ bị tai vạ, nên cùng đến báo với Hầu Hy Dật, xin tìm cách cứu. Hy Dật nghe chuyện, vuốt râu cười nói:
- Ðó là cái việc ngày xưa ta vẫn hay làm, nay Hứa Tuấn cũng làm được một việc hay như thế ư?
Lập tức thảo một tờ biểu dâng lên vua, đàn hặc Sa Tra Lợi.
Vua Ðại Tông xem biểu, suy nghĩ một lúc đoạn phê vào tờ biểu "Ban cho Sa Tra Lợi hai ngàn tấm lụa; còn Liễu thị thì trả về cho Hàn Hoành"
Bấy giờ vợ chồng Hàn Hoành mới hết lo sợ, sống đầm ấm hạnh phúc như xưa
Khi về hỏi Liễu Chương đài 
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay
tức Kiều tưởng tượng khi Kim Trọng trở lại, hỏi thăm người tình cũ thì người tình ấy (tức là Kiều) đã sang tay kẻ khác mất rồi. Thực là não nùng, ai oán!.
(Theo Ðiển tích Văn học, NXB Ðồng Tháp)
Theo http://vuhuu.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...