Tôi hân hạnh được đón tiếp nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh vào một
tối mùng một tết năm 2003 tại nhà mình, trên “chòi rớ” bên dòng sông Tắc, thành
phố Nha Trang, cùng những người bạn văn của anh. Nhà thơ có nụ cười hiền lành,
giọng nói từ tốn; thật chân tình, đã làm tôi ngay lần sơ giao rất kính mến anh.
Bài ca “Năm Mới”, (nhạc Phan Ni Tấn phổ từ thơ Chu Trầm Nguyên Minh) đã đi cùng
chúng tôi qua nhiều năm tháng; mà những lúc vui cùng bạn bè chúng tôi hay quây
quần bên nhau cất cao tiếng hát.
Hôm ấy, tôi rất vui vì được
gặp người đã sáng tác bài thơ Năm Mới mà mình yêu thích. Chúng tôi đã hát cho
anh nghe bài ca này, dù không hay; nhưng anh rất vui và xúc động đến chảy nước
mắt; vì đây là lần đầu anh được nghe, được biết bài thơ của mình đã được phổ nhạc,
càng làm tôi quý anh hơn. Cuộc gặp gỡ bất ngờ, thú vị và ngắn ngủi; nhưng nhà
thơ đã để lại trong chúng tôi sự kính trọng, thân thiết.
Cuối năm 2012, nhà thơ Chu Trầm Nguyên
Minh gởi tặng tôi tập thơ “Lời Tình Buồn” của anh. Sách dày 127 trang, tranh
bìa của họa sĩ Thanh Hồ; trình bày trang nhã, gồm 6 phụ bản màu của các họa sĩ
Đinh Cường, Thân Trọng Minh, Thanh Hồ, Lê Thành Thư và Nguyễn Sông Ba, Vũ Thanh
Hằng - nhà xuất bản Thanh Niên.
Chu Trầm Nguyên Minh mồ côi cha mẹ sớm, sống
nhờ vào người chú; việc học hành trong điều kiện rất khó khăn, nhưng nhờ bền
chí, nhà thơ đã vượt qua số phận và đã trở thành một thầy giáo dạy toán tại một
trường trung học ở Phan Rang. Trải qua nhiều dâu bể đớn đau, bất hạnh, nên
trong thơ Chu Trầm Nguyên Minh luôn thắm đượm nỗi cô đơn, nỗi buồn xa vắng.
“Lời Tình Buồn” như lời thầm thì, ấm áp;
như tiếng thở dài của những người yêu nhau mà không được gần nhau; là nỗi cô
đơn, trống trải; là nỗi khắc khoải của một kiếp nhân sinh nhiều hệ lụy; luôn
khát khao vươn tới một ngày mai tươi sáng. Chu Trầm Nguyên Minh đã nhỏ những giọt
“tình buồn” thánh thót vào thơ, như tiếng kinh cầu của “Đêm Thánh Vọng”; để rồi
tác giả “dấu lần quá khứ”, tìm lại nụ hôn đầu; rồi tiếc nhớ những khoảnh khắc
yêu thương đã chìm vào dĩ vãng, đã “rụng xuống hư vô”:
“Anh đi rồi còn ai tình tự
Đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ
Phúc yêu em dấu lần quá khứ
Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô”
(Lời Tình Buồn - trang 11)
Trong nỗi cô đơn, nhà thơ đã lắng nghe
lòng xôn xao, trở giấc; nghe lời tự tình từ cõi nào xa xăm réo gọi về.
“Đêm tôi trở giấc đền bù
Nghe sương khẽ động vi vu cõi nào.
Em choàng giọt lệ trôi mau
Đêm trong tay bỗng xôn xao tự tình”
(Tình Khúc 2 - trang 23)
Tác giả tự an ủi, tự ru mình ngủ yên, an
phận “Ngủ đi trên bến máu về/ Tôi nhìn quanh đã tứ bề vắng xa”.
Và, ngay lúc ấy - thấy mình lạc loài giữa bốn bề
hiu quạnh, không có ai để sẻ chia, để tìm chút hơi ấm tình người.
Hãy nghe nhà thơ tâm sự:
“Dấu kia lệ thắm nhạt nhòa
Niềm hy vọng đó bây giờ tuyệt vong
Đời trôi dạt, nẻo cùng không,
Tôi ôm phận khóc giữa dòng lênh đênh”
Một buổi chiều, Nhà thơ lang thang một
mình giữa đường phố đông vui; bỗng nghe nỗi sầu tràn ngập trong hồn, thấy mình
lẻ loi, cô quạnh quá. Tác giả vẫn cứ bước âm thầm, một bóng giữa chiều rơi,
lòng vọng nhớ “nửa hiên đời” đã qua; đó là những kỷ niệm, những nỗi đau, nỗi mất
mác đã in đậm trong tâm thức; dù trải qua bao dâu bể vẫn không bao giờ xóa nhòa
được:
“Riêng ta một bóng tiêu điều
Nhìn lên, ngó xuống, bến chiều mưa rơi
Áo che quạt nửa hiên đời
Nghe âm âm vọng cuối trời viễn lưu”
(Chiều Một Mình - trang 41)
Với những bước chân rã rời trên
đường đời sóng gió, chông gai - Nhà thơ vẫn miệt mài lầm lũi bước. Những lúc mệt
nhoài, nhà thơ muốn thét lên, gào to lên, thấu đến trời xanh; để vơi bớt nỗi buồn,
để khỏa lấp nỗi cô đơn đang gặm nhắm trong tâm hồn; nhưng buồn thay, đáp lại chỉ
là tiếng thời gian vô tình trôi, một cách lặng lẽ.
“Một mình ta về đó
Gào thét mãi không cùng
Đá cũng buồn chảy máu
Ta cũng buồn tả tơi”
(7 Giờ Chiều Đứng Ở Đầu Phố Nha Trang - trang
65)
Bị cuốn theo dòng sống khắc nghiệt,
Tác giả vẫn “một mình” đi về trong nỗi buồn thương, để lắng nghe niềm khắc khoải
rưng rức, nhớ về người em có đôi mắt xanh thẳm, cho niềm hy vọng, ước mơ nẩy mầm
trên mãnh đất đã khô cằn mưa nắng thời gian:
“Mây bay theo dấu chân ngày
Buồn lên đỉnh núi buồn vây kín hồn
Anh về bước mỏi hoàng hôn
Mắt em xanh thẳm biển hờn theo sau”
(Chiều Ở Đồng Đế - trang 67)
Đôi khi, như người xưa - nhà thơ mượn rượu
để mong quên đi nỗi buồn, khỏa lấp nỗi cô đơn, trống trải; nhưng càng
say, nhà thơ càng da diết nhớ, càng u sầu nhiều hơn. Nhà thơ đã tâm sự:
“Ngả nghiêng bước đổ chân cầu
Gọi tên em những về đâu bóng trời
Anh về ôm giấc chơi vơi
Gối trên tay nhớ đêm rời rã xa”
Rất nhiều lúc trong nỗi đơn côi,
Nhà thơ đã ngắm nhìn lại mình, tự soi vào mình và nhận ra rằng: Đời mình như là
viên đá âm thầm lăn theo triền dốc; là nhánh khô trong mùa đông rã mục đợi hồi
sinh; đôi khi như là dòng sông, ngàn năm chảy miết; là cỏ dại vắt ngang kè đá
khô, héo rũ, vàng úa. “Ngẫm lại quá khứ mình, chưa một lần hạnh phúc”. Nhà thơ
“mỉm nụ cười cay đắng”, lăn theo con dốc cuộc đời với “nỗi âm thầm khủng khiếp”.
Để rồi:
“Làm kẻ lạ muôn năm
Đi trong cuộc tình người”
(Ngẫm Mình - trang 74)
Trong nỗi cô đơn tận cùng, tác giả tự bạch
rằng “ta chơi trò bỉ ổi”, “chơi trò cút bắt”, “chơi trò hung hãn”; nhưng dù có
chơi trò gì, tác giả vẫn chỉ thấy hoài nỗi cô đơn, trống vắng; rồi khóc một
mình, khóc trong âm thầm, cô độc và ước mong có một ai đó, lên tiếng; để xé tan
nỗi buồn, nỗi trống vắng, đang vây bủa quanh đời mình.
“Ta chơi trò cô đơn
Gọi thử tên rồi khóc
Còn ai đứng quanh đây
Xin một lần lên tiếng”
(Tự Thuật - trang 83)
Đôi lúc nhà thơ như chới với
trong niềm đau giữa đường đời oan nghiệt, tác giả muốn buông xuôi; mặc cho
dòng thăng trầm đưa đẩy. Tác giả như con ngựa buông cương, như viên sỏi lăn
lông lốc trên con dốc cuộc đời, rời bỏ cõi trần, trở về với hư vô, cát bụi.
“Huyệt tôi dọn sẵn cuối đường
Lúc nghiêng thân nặng cõi trần gian đau
Là khi vĩnh viễn tôi về
Tay đưa vốc cháo lú mê kiếp người”
(Kiếp Người - trang 14)
Nhà thơ đã nuốt lệ, dâng cả trái tim Yêu
Thương để đón chào “Năm Mới” như một người hạnh phúc nhất; đã hát lên “lời ca
xưa cũ” giữa “ánh nắng mai hồng”; và xin người hãy nói lời “yêu anh, yêu anh,
yêu anh”, mở vòng tay nhân ái ôm hết những úa tàn sót lại.
“Hãy nói giùm anh một lời trìu mến
Yêu anh, yêu anh, yêu anh…
Dù đôi mắt này giờ đây đã dại
Dù mái tóc này giờ đây hết xanh
Hỡi em, hãy mở vòng tay ngoan
Ôm hết những úa tàn sót lại”
(Năm Mới - trang 109)
“Lời Tình Buồn” của nhà thơ
Chu Trầm Nguyên Minh tuy đã để lại trong lòng người đọc một nỗi buồn vương man
mác, nhưng là một sự chia sẻ chí tình, một tâm tình tha thiết ước mong cảm
thông yêu thương giữa cuộc vô thường ngắn ngủi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét