Ngõ nhà non lại màu rêu…
(Đọc tập thơ "Quê" của Đỗ Trọng Khơi,
Nxb Quân
Đội Nhân Dân, 2013)
… Vườn nhà chim ngỏ đủ điều ngây ngơ (Tựa). Khiêm cung
và cẩn trọng, minh tuệ nhưng bay bổng, tiếng chim lạ ấy cất lên, không lẫn với
chiu chít những giọng hót khác trong muôn thuở vườn nhà.
Thơ 6 & 8 viết hay quả thực khó, chú tâm, khôn
hoạt quá dễ rơi vào sạch sẽ, thậm chí láu cá, khôn vặt…, nhưng buông thả, hờ hững
lại hay lẫn vào nhạt suông, sáo rỗng… Vậy mà nhà thơ Đỗ Trọng Khơi vẫn “cầm lấy
cây sào”, “cái quạt”… đi trên “sợi dây mảnh” căng giữa hai đầu “Sáu” và “Tám” từ
xửa xưa.
Đỗ Trọng Khơi đã hành trình dưới trời rộng, cố sao tránh được
cái bóng của những đại thụ 6 & 8 như Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Bùi
Giáng…, những thành công gần đây của Đồng Đức Bốn, Nguyễn Duy…, lại không được
trượt chân ngã xuống vực sâu của nhảm nhí, tầm thường... Nhìn Đỗ Trọng Khơi đi
trên “sợi dây” lục bát mỏng manh kia, chắc ai cũng có lúc thót tim, rồi đến
nay phải tán thưởng chặng đường diệu nghệ của ông; những bước đi nhuộm mờ
mặt đất tiếng con chim chiều (Thời gian); trong ánh sáng mơ hồ mà trinh bạch
của nắng đựng trong chiếc áo lờ mờ sương (Chiều); hay theo gót chân mẹ
phủ ngập lối ngõ với gậy tre mẹ chống bềnh bồng ngõ quê (Ngõ quê)…
Thơ ông có lúc bảng lảng, mơ hồ mà tinh tế như một bức tranh
lụa. Hình ảnh vầng trăng trong câu thơ sau hiện ra mờ ảo dưới nét bút thanh
thoát, tài hoa của ông: mảnh trăng mỏng mảnh xanh gầy/ phần treo đầu ngõ,
phần bay cuối làng (Nét trăng thu); Giọng chim vẽ một nẻo sương/ dải
trăng thắp một nét buồn tinh mơ (Góc ngày thu). Thường khi ông giữ cho
mình một tâm thế hướng nội lặng lẽ, tuy cô đơn, nhưng luôn tự tin đến được
đích: Bây giờ dắt gió lông nhông/ gió ơi, đáy của mênh mông chỗ nào? (Ở
thế gian). Hay như muốn săn đuổi đến tận cùng sự mông lung, mơ hồ: Đêm qua
bóng ngả đầy người/ người thì xoá bóng về nơi tuyệt cùng (Bóng); Bầu
trời còn gọi khoảng không/ trong không có khoảng rỗng không tuyệt vời (Thì
tin).
Ông cũng là người giàu có “chữ”, thể hiện trong những câu thơ
trau chuốt với trò chơi chữ bất ngờ kiểu dân gian: trong bao la một ta ngồi/
một ta chơi với một người là ta (Ta về cõi ta); cũng tự nhiên ngắt dòng, tạo
hiệu ứng đột ngột như cách “thay đổi hơi thở” trong thủ pháp “hiệu ứng cánh bướm”
của thơ Tân-hình-thức: Một ngôi đất lạ, nữa và/ hai ngôi đất lạ, nữa và…
ba ngôi (Tôi là).
Có câu thơ nhuốm màu sắc Siêu thực: gặp ngày ở đỉnh đọn
cây rực vàng (Mai đông). Chữ “ngây thơ” trong bài “Nhớ thương“ đã làm bạn
đọc bất ngờ, thú vị: nhớ người của chốn lòng sâu/ trời thì thẳm đến phai
màu ngây thơ.
Cách nói của cao dao, dân ca cũng thường thấy trong thơ Đỗ Trọng
Khơi: học cây dù rách hay lành/ đùm ôm lấy cội lấy cành mà tươi (Làng); Buồn
thì ra ngó mái đình/ mưa rây bao hạt trắng tinh cả trời (Buồn không mưa).
Từ bài thơ “Ánh trăng”, viết năm 1988, từng “vỡ ra” trên đường
làng, đến nay, bằng nghị lực và tài năng của mình, ông đã đi những chặng đường
dài, dành cho bạn đọc một tiếng thơ riêng biệt. Ông đã vượt lên hoàn cảnh bệnh
tật đặc biệt của mình để tự tích lũy kiến thức và luôn đau đáu chiêm nghiệm,
như con trai ngậm ngọc lặng lẽ, lớn dần thành báu vật trong cái ao quê lặng lẽ,
quen thuộc: Ta về ở ẩn trong ta (Ta về cõi ta); cầm thu chói rực
bàn tay cội cành (Cầm thu)…
Từ lâu tôi đã coi nhà thơ Đỗ Trọng Khơi là tấm gương về nghị
lực, tinh thần ham học và tình yêu cháy bỏng dành cho thơ ca. Những lúc bị phân
tâm, mất lòng tin, hay bi quan chán nản… tôi thường nghĩ đến ông, tưởng tượng
hoàn cảnh ông, và đặc biệt, nhớ những câu thơ riêng biệt của ông nữa: ngày
rơi mê mệt mê tơi/ ùn ùn khí đất thổi trời xanh xao (Chơi đêm); Hữu
tình thoắt lại vô tình/ ta thành chim đất nín thinh giữa trời (Cảm xúc thời
gian). Hay, Tôi nào đã biết gỉ gi/ người đi, chân cũng theo đi phố phường (Đêm).
“Đôi chân” trong câu thơ ấy trước hết là tưởng tượng của ông về những chuyến du
hành trên mặt đất, là khát vọng lớn lao nhất mà Đỗ Trọng Khơi chỉ có thể thực
hiện được trong thơ ca. Nhiều bài thơ, câu thơ ông viết ra để tự biết cái “gỉ
gi” làm ta ứa nước mắt và càng cảm phục nghị lực và tài năng của ông hơn: từ
lâu tôi thả tôi trôi mịt mùng (Là về trăm năm); Đêm qua bóng ngả đầy
người/ người thì xoá bóng về nơi tuyệt cùng (Bóng); heo may ngậm mảnh
trăng vàng rong chơi…/ nắng nồng theo lối hồn ve lìa ngàn (Thu sang); Tôi
tự chèo lái tôi đi/ đi cho hết cõi không gì mới thôi (Cõi không gì).
Điều tôi cảm phục nhất khi đọc thơ Đỗ Trọng Khơi là ít thấy
cái bi phẫn nảy sinh từ hoàn cảnh thực tại, mà ngược lại, luôn thấy rõ cái ung
dung, tự tại của kẻ sĩ phương Đông thường được hiển lộ với vẻ trầm tĩnh, tự
tin. Điều đó đã làm nên phong vị và cốt cách thơ Đỗ Trọng Khơi: Tôi hư ảnh,
tôi xương da/ tôi khăn áo mỏng như là trần gian/ cầm câu yêu xuống Địa đàng/ hỏi
thăm, đây lối về làng tôi chăng? (Địa đàng vườn ấy…); Tôi đi về phía
xa xăm/ Vâng, xa xa lắm, mù tăm tuyệt mù (Giờ đây).
Những bài thơ tình thường hiếm thấy trong thơ Đỗ Trọng Khơi,
nhưng tôi chợt gặp được cảm xúc mạnh mẽ, tinh khiết, trinh nguyên trong khổ thơ
này: Lòng tôi đã lắm phong rêu/ sao thu còn cũng nói điều non xanh/ sao
chiều chẳng đổ ánh nhanh/ sao người mắt cứ long lanh thế người (Phố chiều
thu). Ánh mắt cứ long lanh ấy như sương buổi sớm tinh khôi đón được
ánh mặt trời. Câu thơ giàu nội lực và khát vọng đưa ông đến với tóc dài ai
thả để sương theo về... Tôi mừng cho ông đã gặp được “tóc dài ai thả”, được hạnh
phúc! Trời cũng chẳng bắt ai khổ quá!
Sống, chịu đựng và vươn dậy viết như Đỗ Trọng Khơi càng minh
chứng cho thấy, hoàn cảnh, cao hơn là số phận bản thân cũng chỉ là cái cớ cho
thi sĩ sáng tạo chứ không phải là phương tiện hay mục đích để giải thoát. Đỗ Trọng
Khơi vốn am tường kiến thức văn hóa Đông-Tây, tích lũy có hệ thống và phong phú
các tác phẩm văn chương kim cổ, đặc biệt hiểu sâu về triết học cổ đại Trung
Hoa… Nhưng khi sáng tạo, ông thường đẩy tất cả những kiến thức và sự từng trải ấy
về phía sau, dùng cách diễn đạt trang trọng của người xưa cho những nội dung
non tươi đầy kinh ngạc: Lòng trời như li như lau/ lòng người thoắt đã bợn
màu ái ân (Trong gió may lộng).
Cách ông quan sát và diễn giải những chuyển động xung quanh rất
tinh tế và mẫn tiệp: Không gian y một cảnh chùa/ ngày lên thật mỏng,
chuông khua lại rền (Góc ngày thu) ; Những bức tường đứng thẳng
hàng/ và ăn nhẹ nhẹ nhàng nhàng bóng nhau (Những bức tường) là những câu
thơ rất lạ và hồn nhiên của ông. “Những bức tường” - vật vô tri vô giác, nhưng
biết đứng “thẳng hàng”, và chúng ăn “nhẹ nhẹ nhàng nhàng” (mượn cách nói của
dân gian) những cái “bóng nhau”, đã làm cho lý trí của người đọc như lui về
phía sau, nhường chỗ cho một khoảng không vô thức, trong suốt, đẫm màu tâm linh
chế ngự. “Những bức tường” ở đây bỗng trở thành xương cốt gắn bó những thân phận
người, che chắn những phận đời trong cái làng quê bé nhỏ mà giàu lòng nhân ái của
ông. Những câu thơ, như không em Hà Nội riêng tôi…/ liễu trăm tuổi chợt tập
yêu/ lấy xanh tơ bẫy tiếng kêu sâm cầm (Một chiều Hà Nội), hay Vóc
thành phố nhỏ và hiền/ và duyên dáng và dịu êm như là (Một thu) là cách
nói thời @, cũng hiếm thấy trong tập thơ Đỗ Trọng Khơi.
“Quê”, chính là nơi Đỗ Trọng Khơi đã Vai mang đầy ánh
trăng mà không thấy nặng/ Mắt chứa đầy ánh trăng mà không thấy chói trong
“Ánh trăng” cùng với “Hy vọng”, là hai bài thơ của ông từng đoạt giải Nhì cuộc
thi thơ tuần báo Văn nghệ (1989 - 1990). “Ánh trăng” đã gây ngỡ ngàng cho bạn đọc
lúc ấy và tới tận bây giờ, bởi cảm xúc tươi ròng rờn rợn cùng vẻ đẹp tinh khôi
của nó. Sau đó tôi cũng như nhiều bạn đọc chờ đợi nhà thơ Đỗ Trọng Khơi tiếp tục
thi triển cách viết này, và đã có lúc, chúng tôi sốt ruột vì cách đi ngập ngừng,
như cố tình tập cổ của ông…
Đỗ Trọng Khơi đã thử sức trong nhiều thể loại thơ, nhưng có lẽ lục
bát là thành công hơn cả, hợp với tạng của ông hơn cả. Thơ lục bát của Đỗ
Trọng Khơi ít cái ngơ ngẩn, chân quê của Nguyễn Bính, cái siêu hình, ma quái của
Bùi Giáng, cái giọng du ca, biến ảo ngôn ngữ đời thường của Đồng Đức Bốn… Thơ Đỗ
Trọng Khơi nhói sáng nét đẹp của nỗi đau thân phận với cách thể hiện ung dung,
tự tại, nhiều câu thơ ma mị đến u huyền ngỡ như mang nhịp sinh học, hơi thở của
ông.
Trong không gian ngõ nhà non lại màu rêu/ vườn nhà chim
ngỏ đủ điều ngây ngơ (Tựa), ta thấy “Quê”, là đích đến của nhà thơ Đỗ Trọng
Khơi. Ông ra đi từ “Quê”, đi xa…, thật xa… rồi lại trở về “Quê” làm phục sinh
nét đẹp cổ xưa của thôn làng Việt vùng Châu thổ sông Hồng, để chúng trở nên huyền
hoặc hơn xưa, mới lạ hơn xưa. Đó chính là nơi ông xuất phát, vượt lên khó khăn,
số phận để trở thành nhà thơ tài hoa có bản sắc riêng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét