Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

Bên dòng sông quê

Bên dòng sông quê 
Được tin chú Thế mời uống cà phê ở quán Thanh Mai vào chủ nhật, tôi cảm thấy rất vui. Vậy là chủ nhật này nhóm tôi có thể về lại vùng quê của chú, một vùng quê nghèo mà yên ả, thanh bình nằm dọc theo bờ  của con sông Trường Thủy quanh năm nước chảy êm đềm; bồi đắp - nuôi dưỡng, hình thành nên cư dân hiền hòa, hiếu khách từ bao đời.
Đường lên nhà chú Thế ghồ ghề, khúc khuỷu. Đường bê tông nhưng qua thời gian lũ lụt và các loại xe lớn chở đất cát cày xới - đã dần tạo nên những ổ gà, ổ voi; còn những con đường hẻm vào làng nhỏ hẹp, lầy lội. Chú Thế định cư ở làng này cho đến nay đã hơn ba đời rồi. Đôi khi tôi tò mò hỏi chú sao không chuyển nhà xuống ở thành phố hay ít nhất là thị trấn cho cuộc sống vui và đỡ vất vả hơn. Nhưng lần nào chú cũng thuyết phục tôi bằng những lí lẽ không cãi vào đâu được:
- Ở thành phố, ở thị trấn thì vui rồi, nhưng để tìm thấy sự bình an, và tình làng nghĩa xóm thì cũng hiếm - chỉ ở nơi đây mới có cháu à.
Tôi đuối lý nhưng vẫn ngoan cố chống chế:
- Nhưng chỉ cần tâm mình an thì ở đâu mà không an vui hả chú?
Chú Thế cười hiền, có vẻ suy nghĩ - chậm rãi đáp lời tôi
- Cháu nghĩ vậy không đúng rồi. Làm sao mà giữ tâm an giữa cuộc sống hối hả, xô bồ dễ dàng được chứ?  Mình là phàm phu, đâu phải bậc thánh mà an nhiên “thõng tay vào chợ”? Cháu có thấy ai đi qua chợ cá mà không bị tanh mùi của cá hắt vào mũi không?
Tôi không biết phải trả lời sao, thì chú Thế đã tiếp lời – giọng say sưa, nồng nhiệt:
- Tâm hồn của chúng ta cũng như vải vóc, vật dụng vậy - nó cũng rất dễ bị vấy bẩn, mà một khi đã bẩn rồi thì rất khó để làm nó sạch lại như cũ cháu à.
- Dạ! Cám ơn lời khuyên chí tình của chú - Cháu biết rồi….
Tôi im lặng một lúc rồi lẩm bẩm với mình không để chú nghe thấy
- Chú lý tưởng hóa cuộc sống quá, nên khổ cả đời…
Tôi quen chú Thế cũng rất tình cờ, vậy mà mới đó đã gần năm năm rồi. Thời gian trôi qua nhanh quá, chỉ xuất hiện như một thoáng rồi mất hút vĩnh viễn. nhưng  miền ký ức sâu khuất như đang hiện ra trước mắt tôi….
Cũng vào một ngày chủ nhật, bạn bè tôi rủ nhau đi uống cà phê, và nhậu lai rai, nói chuyện con cà, con kê  cho vui để giảm bớt căng thẳng trong suốt một tuần quần quật vì cuộc sống. Chúng tôi thường nhậu theo trường phái “Tiên tửu” của Lý Bạch - khi đã uống sần sần là trở thành những nhà thơ, những nghệ sĩ ngâm thơ “tài hoa” ngay. Hôm ấy tôi rất háo hức vì mới sáng tác được một bài thơ mà tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và nghĩ nó hay không chê vào đâu được (có người làm thơ nào mà không tự cho thơ mình là hay, là nhất nhỉ?) - vì vậy tôi cạn luôn cả mấy ly để lấy dũng khí mà ngâm nga. Tôi đã hứng khởi, miên man đọc:
“Một ngày... một ngày... lại một ngày...
Tháng năm trăn trở đong đầy thời gian
Vầng trăng lẻ bóng mơ màng
Giọt sương se lạnh, lá vàng - người ơi!
Cõi tiên, cõi tục chơi vơi
Ngẫm mà xa xót dòng đời thực – mơ…
Xanh kia lồng lộng xa mờ!
Trăng tương tư đổ bến bờ nhớ thương.”
Tụi bạn tôi vỗ tay tán thưởng -  để có dịp cùng nâng ly chúc mừng nhau. Tôi cười đắc chí, mãn nguyện – tuy hơi thở vẫn còn dồn dập vì xúc cảm hạnh phúc đã được chia sẻ...
Người đàn ông đang ngồi yên lặng ở bàn bên cạnh nhìn chúng tôi chăm chú. Nhìn dáng vẻ bề ngoài, ông ta không có gì đặc biệt. Đó là một người trung niên dáng cao gầy, râu tóc không được cắt tỉa, hơi luộm thuộm nhưng nét mặt khắc khổ, phong trần. trong bộ áo quần màu nâu xám cũ kỹ. Tuy vậy, đôi mắt của ông cứ như  có ma lực quấn hút tôi vào đó. Đôi mắt rực sáng - một đôi mắt biết nói, và tôi dường như đã đọc được trong đôi mắt ấy một sự thương hại,  bao dung, pha lẫn một niềm vui thích nào đó khi tôi đọc bài thơ. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn, ông giơ tay như chào tôi và ôn tồn – đĩnh đạc, nói:
- Thế hệ ngày nay mà có người còn mê thơ như mấy cháu quả là hiếm thấy
Tôi bối rối, không biết trả lời sao - chỉ khẽ cười đáp lại. Cậu Trung – bạn tôi, nói chen vào - như lời tâm sự:
- Khởi đầu, tụi cháu chỉ làm cho vui thôi, vậy mà lâu dần đâm ra “nghiện” cái món giải trí chữ nghĩa này chú à?
  Thắng - ngồi cạnh tôi, vừa nốc hết phần bia còn lại - vừa nhiệt tình:
- Nghiện cũng hay chứ sao? Có đúng vậy không, chú? - cậu ta kể, cứ tới chủ nhật là tụi cháu lại họp mặt ở quán này để thư giãn, để xả hết những buồn bực của một tuần xa nhau vì mỗi đứa phải “chúi đầu” vào mỗi việc…
- Chú cũng mê thơ à? Tôi dạn dĩ quay nhìn chú - hỏi:
- Rất mê!- chú cười hiền - chú “mê” thơ kể từ khi tôi còn rất nhỏ kia. Các cô cậu có phiền khi tôi đọc cho nghe một bài thơ uống rượu với bạn tâm giao không?
Chúng tôi không ai hẹn ai, cùng bưng ly sang bàn chú ngồi cùng. Bằng một giọng trầm ấm, ngọt ngào, mời gọi - mỗi chữ trong câu thơ được chú ngân nga, trầm bổng nhịp nhàng điệu nghệ như một nghệ sĩ dày dạn kinh nghiêm. Bài thơ vì thế thật quyến rủ - chứa chan cảm xúc êm đềm. Chúng tôi im lặng lắng nghe. Uống từng câu thơ da diết tình bạn xưa. Sững người như bị một năng lực vô hình cuốn hút. Tôi không ngờ, trong cái thị trấn bé nhỏ này, lại đang có mặt một nhà thơ tài hoa đến vậy?
Tôi reo lên: “Bây giờ thì cháu mới hiểu tại sao thơ lại có thể đi vào lòng người, có thể chia sẻ tâm sự buồn vui của người với người rồi. Bài thơ của chú sâu sắc - đằm thắm, chí tình quá! Cháu chợt nghĩ, cảm xúc đã được dồn nén khít khao trong từng ấy con chữ - và, chú có giọng ngâm quá hay.
Chú cười thoải mái:
- Được mấy cháu chia sẻ, lại được khen - chú cảm thấy ấm áp và rất vui. Cảm ơn các cháu nhé…
Những ngày chủ nhật sau đó, nhóm chúng tôi ít họp mặt ở quán nhậu, hay quán cà phê cũ mà rủ nhau lên thăm quê chú Thế. Khi thì ngồi uống cà phê ở quán nhỏ ven sông, bên đập nước, để nhìn trời mây yên ả quang đãng và xóm làng xanh ngát thanh bình. Khi thì kéo đến quán nhậu bình dân dọc theo triền sông để lai rai vài lon Tiger. Lần đầu tiên lên thăm, chúng tôi đều rất ngạc nhiên, trước quang cảnh một miền quê yên ả, hiền hòa với những cánh đồng xanh tươi, những soi bắp bạt ngàn, những khóm tre bên triền sống cong mình trước gió, và còn có lác đác  những mái nhà tranh đơn sơ, nhà lá mái cổ kính như thử thách với gian truân. Và trong cảnh thơ mộng đó - những bài thơ của chú Thế như những ca khúc tâm tình dần dần ăn sâu vào tâm hồn của chúng tôi từ lúc nào không hề hay biết. Chúng tôi chập chững học theo chú Thế làm thơ, với những cảm xúc bất chợt trong đầu - chú cò lẻ thơ thẩn kiếm ăn, cô bán hàng xinh tươi hiếu khách, soi bắp, rặng tre già, đường quê (...) - tất cả đều thành thơ.
Một sáng chủ nhật, chú Thế đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ tình. Bài thơ thật lãng mạn về một đôi mắt đẹp như hồ thu, một tình yêu, ước vọng đầu đời của người con trai dành cho cô gái, một màu hoa tím thầm kín len lỏi vào tâm hồn rồi ngự trị trên một mảnh tim đa tình của chàng trai mới lớn, và để rồi cuối bài thơ là một sự hối tiếc không nguôi. Lời thơ như đoài đoạn ray rứt tâm can, chúng tôi đều nhìn chú chờ đợi một lời tâm sự. Chú Thế nhìn xa ra đập nước - mơ màng như đang sống lại một thời xưa cũ….
Chú kể:
“… Năm đó chú đã 18 tuổi, nhà ở ngoài xóm chợ - cái xóm mà có cây Đa nằm trên đường lên đây chắc các cháu đã thấy?. Hồi đó không có nhiều trường học như bây giờ, học hết tiểu học chú phải xuống thị trấn ở trọ lại nhà bà con để học tiếp cấp hai, rồi cấp ba. Vì vậy chú quen với cảnh nhộn nhịp, hối hả của phố thị, khi hè phải về quê chú không thể nào chịu được cái tĩnh lặng của miền quê này. Chú không biết phải làm gì để giết hết thời gian trong ngày nên theo mấy đứa em con cậu, con dì ngày hai buổi đi ra con sông này để câu cá, để tắm sông. Nước sông trong vắt, và mát lạnh, cho đến bây giờ chú còn mê cái cảm giác được đắm vào dòng nước mát mỗi buổi sáng, mỗi buổi chiều …"
- Chú mê tắm sông? Mê luôn cô lái đò phải không? - Thằng Khương hớt lẻo (chúng tôi đặt cho nick là “ Khương-lẻo”).
Tôi trừng mắt nhìn nó ra hiệu im lặng. Nó vẫn có tính “chen ngang” vô duyên và bất lịch sự ấy mỗi lần cùng nhau trò chuyện với bất kỳ ai. Tôi nhìn sang chú Thế, vẻ mặt của chú đang suy tư, mơ màng như đang sống lại một thời quá khứ xa xưa.
- Cô ấy không phải là lái đò, nhà cô ấy ở bến sông thôi, ở gần nơi mà có con cò lẻ đang thơ thẩn kiếm ăn kia kìa….
- Nhưng ở đó là lòng sông mà chú? - Tôi ngạc nhiên hỏi
- Vì bị áp lực dòng chảy siết vào mùa lũ khi cải tạo lại dòng sông sau năm 2000 không lường trước được - mà mỗi năm con sông lở ở bờ bên này và bồi ở bờ bên kia. Trước kia ở bờ bên này có hơn vài chục nóc nhà, dân cư đông vui - bây giờ không còn gì nữa - chú đưa tay chỉ ra dòng sông - Các cháu thấy có một thành giếng đứng im giữa dòng kia không?
Chú Sơn – người bạn thân thường “cặp kè” với chú Thế vẫn có mặt thường xuyên chung vui cùng chúng tôi trong những sáng chủ nhật - gật gù, chia sẻ:
- Nhà chú là một trong số những ngôi nhà bị sạt lở, nếu bây giờ còn ngôi nhà đó gần như ở giữa dòng sông này đó - chú cười, chiếc thành giếng cao kia là của nhà chú đó mà!
Chúng tôi đều bàng hoàng – rất ngạc nhiên về sự biến đổi của dòng sông, và nhất là của những mảnh đời nơi cái xóm cũ bị xóa mất đi ấy.
Không để chúng tôi phải chờ đợi thêm nữa - chú Thế tiếp tục câu chuyện:
“… Cô ấy đẹp lắm, nước da trắng hồng, gương mặt thanh tú, và chiếc răng khểnh rất có duyên. Cô ấy có một thân hình khá hoàn hảo, bộ ngực căng tròn, những đường nét trên thân thể của cô ấy đều là những đường cong tuyệt mỹ. Chú yêu cô ấy không những vì cô ấy đẹp mà còn vì cô ấy đã từng cứu mạng chú nữa…”
Mỗi lúc, chú Thế càng làm cho chúng tôi tò mò hơn - chúng tôi không dám hỏi gì thêm (kể cả Khương-lẻo cũng im lặng) - chỉ nhìn chú chờ đợi.
“… Hôm đó là một buổi chiều trung tuần tháng tư, mấy đứa em bận công việc gì đó, chú ra sông tắm một mình, đang trầm mình dưới dòng nước mát, đột nhiên chú bị chuột rút đau nhói không thể cử động được, và cũng không thể bơi nổi vào bờ. May mà cô ấy tình cờ có mặt kịp thời khi xuống bến sông sau nhà giặt giũ. Cô ấy nhỏ nhắn vậy, mà dìu được một người to lớn như chú vào bờ một cách nhẹ nhàng. Khi qua cơn nguy hiểm, chú thắc mắc hỏi, cô ấy cười nói: “Có gì đâu anh? Nếu bị cuốn vào dòng chảy mạnh, hãy bơi song song với bờ chứ đừng cố bơi vào bờ bởi làm vậy sẽ mất sức và  khá nguy hiểm nữa. Sau đó mới tìm cách bơi trở vào khi thuận lợi thôi....”. Những “lý thuyết” đơn giản từ đời sống thực tế như vậy có trường lớp nào dạy cho đâu? Chú chỉ thộn mặt ra nghe mà thôi. Hôm ấy trăng mọc sớm, rất đẹp, lần đầu tiên chú mới cảm nhận được vẻ đẹp cùa trăng - ánh trăng bàng bạc, vằng vặc chiếu rực rỡ trên bãi cát trắng, gió mát lạnh thổi từ sông lên mang theo mùi cát, mùi phù sa, bên cạnh lại có một người đẹp như Hắng Nga ở trên trời lạc xuống - làm cho lòng chú tràn ngập bao cảm xúc lạ đầu đời…
Sau này, chú còn gặp thêm cô ấy vài lần nữa. Và lần nào cũng vậy, chú và cô ấy cùng đi dạo trên triền sông vào buổi chiều, ngắm nhìn mặt trời ráng đỏ hồng lặng từ từ, rồi khuất sau dãy núi mờ xa. Và khi mặt trời nắng tắt hẳn, bóng tối dịu dàng mênh mông một dãi sông nước bến bờ yên vắng - chú bất chợt ôm ghì lấy cô ấy - đó là những nụ hôn đầu đời của chú....”
Chú Thế ngừng kể - đưa mắt nhìn ra phía bãi cát ở bên kia bờ đập. Tôi thầm nghĩ,  có lẽ những cảm xúc khó quên đang ùa về, ngập tràn trong trái tim của chú. Khương nóng nảy:
- Chú yêu cô ấy đến vậy, sao không cưới cô ấy hả chú?
- Chú nghĩ vợ chồng là cái duyên, cái số cháu à.
- Có lẽ vậy! - Chú Sơn tỏ vẻ đồng tình, và nhìn sang chú Thế - khẽ nói:
- Ông kể tiếp đi…
Chú Thế cầm li trà lên nhấp một ngụm nhỏ và tiếp tục câu chuyện:
“... Vì cô ấy quá đẹp nên rất nhiều chàng trai đến lượn lờ tìm cách làm quen, trước nhà cô ấy có hàng chục các “cây si”, nhưng họ đến rối lại ra đi vì cô ấy không những đẹp mà còn đoan trang, nề nếp - trái tim một khi đã trọn tình trao gởi thì không còn để ý đến ai nữa. Hơn nữa, những chàng trai ở gần nhà của cô ấy luôn hăm dọa, chận đánh những “cây si” nhiều lần khiến họ nản lòng. Chú cũng bị mấy cục đá vào lưng, vào đầu của chú Sơn tặng cho đó.”.
Chúng tôi bật cười. Chú Sơn đỏ mặt – vui vẻ phân bua:
- Chú nhỏ hơn cô ấy bốn tuổi, năm đó chú mới có mười lăm tuổi chứ mấy. Chú gọi cô ấy bằng chị, nhưng mà chú cũng rất yêu mến cô ấy nên mới cùng các bạn lớn tuổi trong xóm làm vậy. Chú đến giờ vẫn còn nhớ dáng của cô ấy dưới ánh trăng, cô ấy có một vẻ đẹp liêu trai huyền bí. Có nhiều lúc chú nghĩ cô ấy là tiên của loài hoa, hay cây cỏ nào đó hóa thành…
- Cô ấy có biết chú yêu cô ấy không?
- Không!- Chú Sơn lắc đầu. Cô ấy chỉ xem chú như một đứa em trai mà thôi.
Chú Sơn im lặng nhìn sang chú Thế như muốn được nghe lại câu chuyện của thuở thanh xuân mơ mộng hoang đàng ấy, dù chú đã biết trước cái kết thúc.
“... Chú về viết bài thơ tình mà chú vừa đọc cho các cháu nghe đó, nhưng cũng không dám đưa cho cô ấy, chú không thể nào vượt qua hàng rào “vệ sĩ” quanh nhà cô ấy được. Và rồi chú  đậu vào Đại học sư phạm Sài Gòn - vậy là chú mất cô ấy từ đó… Sau đó hai năm, cô lấy chồng, một giáo sư trung học đệ nhất cấp ở cùng xóm. Nhưng rồi dòng sông sạt lở  lấn sâu vào đất liền, nhà của họ và của cả chú Sơn đây cũng bị cuốn trôi. Và rồi như một thiên duyên, vợ chồng cô ấy lại mua nhà ở sau lưng nhà chú, và chú Sơn - “kẻ thù năm xưa” của chú - cũng theo vợ về ở cạnh nhà cô ấy nữa….
Bây giờ chú đã có vợ, có con - vợ chú như các cháu thấy đấy, rất chìu chồng, thương con. Chú lấy vợ như số phận đã chọn lựa và sắp đặt sẵn. Chú không thể nói là không yêu vợ, nhưng sâu trong tìềm thức, tình yêu đầu đời với cô ấy đôi khi vẫn hiện về trong những giấc mơ. Tình yêu đó mãi sống trong góc khuất của trái tim chú…”.
- Chú có hay gặp và nói chuyện với cô ấy không? Đã là hàng xóm rồi mà? Khương phân vân.
- Chú không muốn gặp, hãy để những kỷ niệm mãi mãi đẹp - cháu à
- Còn bài thơ thì sao? Tôi tò mò
- Bài thơ chú giữ lại cho mình như một kỉ niệm - đã gần bốn mươi năm qua…
Lâu lắm rồi tôi không được sống hết lòng với cảm giác chân thật của mình như vậy - những kỷ niệm vui buồn một thời đã dần mất hút vào một mớ hỗn độn, mờ mịt của cuộc sống bề bộn đua tranh của đời thường. Nó đã khiến tôi rơi vào sự cô lập buồn nản đến mất ngủ. Vậy mà từ ngày được nghe câu chuyện của chú Thế - dạo gần đây, tôi lại hay nghĩ đến  dĩ vãng xa xưa, những kỷ niệm của một thời thơ trẻ và ngây ngô như một niềm vui lớn và là nguồn an ủi vô tận, vỗ về ấm áp cho đời mình…

Dòng Sông Xanh - Le Beau Danube Bleu - Nghệ sỹ Thái Thanh

Trần Minh Nguyệt
 Theo http://www.huongquenha.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...