Trò chuyện với cây bút nữ Tiểu Nguyệt
Buổi sáng một ngày cuối hè, tại quán Coffee King thị trấn Phú
Hiệp (huyện Đông Hòa - Phú Yên), cuộc chuyện trò với cây bút nữ Tiểu Nguyệt về
vài vấn đề Văn Chương, đã được thực hiện
MVL: Chào em. cảm ơn em đã đến đúng giờ hẹn…
TN: Em cũng xin cảm ơn anh!
MVL:
Về chuyện gì?
TN : Về nhã ý thực hiện cuộc trò chuyện của anh
MVL: Chúng ta “cảm ơn nhau” thôi…
Ly
café và tách trà lippton được người phục vụ đặt ở bàn.
MVL: Mời em uống trà, và chúng ta bắt đầu nhé!
TN: Dạ, mời anh!
MVL: Có thể gọi là “câu hỏi đầu tiên”: Em hãy tâm sự đôi điều về sự đam mê văn
học, cũng như âm nhạc của em đã có từ bao giờ không? Em có thể kể lại vài mẫu
chuyện nhỏ về sự ham thích thơ văn?
TN (Cúi hớp một ngụm trà, mỉm cười): Em không nhớ mình đã yêu thích thơ văn và
âm nhạc từ bao giờ, chỉ biết rằng khi còn nhỏ em rất mê đọc sách, thấy tờ báo
hoặc quyển sách gì em cũng đọc một cách say sưa.
Em nhớ hồi cuối năm học lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp,
trong lòng em cứ muốn viết một cái gì đó để tặng cho nhỏ bạn cùng lớp ngồi
chung bàn. Thế là em viết một bài với cái tựa là “Những gì còn sót lại”, nói
về chúng em sẽ còn lại những gì sau năm 75. Bài viết của em ngày ấy có lẽ ngây
ngô lắm, nhưng nhỏ bạn (Phan Thị Sơ) sau khi nhận cứ khen “Mày hay thiệt, học
toán mà sao viết văn thật tuyệt, giỏi thật!”- lời “khen đầu tiên” ấy của
nhỏ bạn, không biết đúng hay sai, nhưng đã làm em rất vui. Và tự tin.
Năm 1996, các bạn thông báo trường Bồ Đề Hiếu Xương của chúng
em sẽ làm một tập san để kỷ niệm, các bạn kêu gọi viết bài. Em cũng có dịp tập
làm một bài thơ để góp vui cùng nhà trường, đó là bài “Ngôi Trường Nắng” nói
về ngôi trường em đã học (BĐHX). Thế nhưng bài thơ này mãi đến năm 2015 mới được
đăng trong tập “Nhớ về một ngôi trường” (*) cùng với mấy bài thơ và tạp bút
mới khác mà em đã viết (với vài bút danh khác). Sau đó, lúc được thư thả, và buồn
- em tìm vui và an ủi qua những trang viết. Em tập viết dần từ một đoản văn, rồi
tùy bút nói về tuổi thơ, kỷ niệm của mình; và em tự tin hơn một chút với lời động
viên, khuyến khích của quý Thầy Cô, các bạn...
Sau đó, em “gom” những bài viết cũ (đã viết từ nhiều năm trước
ở dạng bản nháp) và viết thêm những bài mới; được nhà văn Mang Viên
Long nhận lời biên tập và xin Giấp phép Xuất bản giúp tập “Khúc Hát
Yêu Thương”, rồi “Thương Lắm Quê Nhà”.
Về âm nhạc, em cảm thấy dường như bị “quyến rủ” mà không cưỡng
lại được, từ những năm còn ở bậc Tiểu học. Em rất thích dòng nhạc Tiền
chiến. và những tình khúc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Văn Cao, Vũ Thành
An, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng (…). Lúc nào em cũng nghêu ngao
hát dù đang làm bất cứ việc gì, có những buổi chiều tự nhiên kéo ghế ngồi ở một
góc phòng học, cứ thế mãi mê hát, hết bài nầy đến bài khác - không biết đến thời
gian, trời tối lúc nào chẳng hay.
Em tham gia vào đội văn nghệ của trường, thường có mặt trong
đội hợp ca, tốp ca có khi đơn ca mỗi khi trường em tham gia thi văn nghệ với
các trường bạn trong khu vực. Sau khi nghỉ học về quê, em tham gia đội văn nghệ
Hợp Tác xã NN Hòa Hiệp Trung và đội văn nghệ của chúng em đi lưu diễn khắp nơi
như em đã kể trong bài tùy bút “Nhớ về Đội văn nghệ HTX NNII Hòa Hiệp Trung”.
MVL: Vậy là em cũng đã có “tiềm năng” về Văn học Nghệ thuật nói chung rồi!
Người xưa thường gọi cái “tiềm năng” ấy là “năng khiếu” hay “thiên phú”. Cái
người ta gọi là “trời cho” ấy, theo anh vẫn chưa đủ; mà cần phải kiên nhãn, nổ
lực với đam mê của mình, mới được. Một nhà lý luận phê bình Pháp có nói “Thiên
tài là kết quả của những kiên nhẫn nổ lực lâu dài” kia mà! Xin hỏi: Em
chọn viết truyện ngắn và tùy bút - về tùy bút, theo anh tùy bút khó viết hơn tạp
bút (hay đoản văn, tản văn), bởi đòi hỏi nhiều ở sự nhạy cảm và cảm xúc - và
hơn nữa cần có một “mạch văn” phong phú, dồi dào, trôi chảy... Em có thể
chia sẻ vài suy nghĩ với bạn đọc về sự “chọn lựa” này không?
TN (Hướng mắt nhìn vào tách trà): Thưa anh! Em chọn viết tùy bút, bởi “cảm thấy”
thể văn nầy giống như lời thì thầm da diết, và có sức quyển rủ, trong lúc em rất
mong muốn được chia sẻ, tâm sự cùng mọi người về những gì em đã trải qua,
như những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, cùng những trôi nổi, gian truân mà em đã
gặp phải trong cuộc sống này!. Với Tùy bút em mới có thể “thong dong” trải
hết nỗi lòng mình, mới có thể “tự do” giải bày nỗi rung cảm đang dạt dào
trên trang viết một cách trọn vẹn. Đó như lời tâm sự tận cùng trong tâm hồn em,
những giòng nước mắt khổ đau, cũng như những nụ cười hạnh phúc; những nét hồn
nhiên, thơ ngây của tuổi học trò, cùng với những vết cứa đớn đau trong tâm hồn
mà mỗi lần nhớ đến như rướm máu. Em cũng hiểu rằng, mọi thứ rồi sẽ phôi pha
theo thời gian, và bản thân em cũng thế - nên phải ngày càng mạnh mẽ hơn,
vững vàng hơn, để bước tiếp theo dòng đời còn lại.
Em cũng rất thích thể loại truyện ngắn, vì bên cạnh tùy
bút - truyện ngắn giúp em giải tỏa được bao nỗi niềm ẩn chứa, bao cảnh ngộ đau
buồn của bản thân và những người chung quanh mình. Chỉ với một câu chuyện
ngắn thôi - như một lát cắt của đời sống, mà nó có thể chứa đựng được nhiều điều
quan trọng sâu sắc của đời sống bộn bề lo toan… Những nhân vật trong tác
phẩm của em là một phần của em, của bạn bè; và sau đó là của những cảnh đời
chung quanh em. Em muốn chia sẻ cùng bạn đọc những niềm hạnh phúc vô biên cũng
như bao cảnh đời éo le, ngang trái, cùng những tệ nạn xảy ra hằng ngày ở đâu đó
mà em đã bắt gặp trong cuộc sống này…Em nghĩ, từ đó, qua những câu chuyện -
chúng ta có thể rút ra được những kinh nghiệm sống, để có những đóng góp
dựng xây cho cuộc đời tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
MVL (Đốt một điếu thuốc): Vậy là em cũng đã có “sự chọn lựa” phù hợp với
“năng khiếu” và “yêu cầu” của mình rồi! Trên thực tế, ít có người cầm bút nào lại…
“kỹ” đến vậy! Còn vớitruyện ngắn - em thường viết về những người lao động, bình
dân, nghèo khổ, bất hạnh (...). Sự quan tâm này bắt nguồn từ đâu?
TN: (Đôi mắt nhìn thẳng vào khoảng không trước mặt): Thưa anh! Em là một người
bình dân, nghèo khổ, cho nên em hiểu những bất hạnh họ gặp phải, những thiếu thốn,
khó khăn của họ đã trải qua như của chính mình. Bưng bát cơm hôm nay, trong
lòng họ luôn nghĩ đến bát cơm của ngày hôm sau; họ luôn cam chịu vì cái nghèo,
cái khó, và cố vươn lên. Em như người nhắn gởi những ước vọng, khát khao của
người lao động, bình dân, nghèo khổ qua ngòi bút. Em “nói giùm” họ, nhưng
cũng chính là để nói cho bản thân mình, cho những người thân yêu nữa. Em mong muốn tất cả - nhất là những người được may mắn hơn, hiểu rõ nỗi mong ước
của người nghèo, cảm thông cùng những cảnh đời bất hạnh - để chia sẻ với
nỗi khổ của họ, có được tình yêu thương chan hòa trong cuộc sống. Cuộc sống vốn
muôn màu, muôn vẻ mà, phải không anh?
MVL: (Hút một hơi thuốc dài, nhìn khói): Anh cũng nghĩ như vậy! Chúng ta đứng
về phía những người nghèo, bất hạnh; bởi chúng ta cũng đã bất hạnh. Hy vọng rằng,
sự “chọn lựa” nầy sẽ là con đường đi vào Văn chương của em mai sau. Câu hỏi tiếp
nhé: Trong một năm, em đã có hai tác phẩm xuất bản - Em đã sáng tác vào thời
gian nào? Trong ngày, em “thích” viết vào lúc nào? Vì sao?
TN: Thưa anh! Như em đã chia sẻ ở phần trên, em đã viết từ nhiều năm trước với
dạng “bản nháp”, rồi năm 2015, 2016, 2017 em viết nhiều hơn sau khi trải qua
cơn bạo bệnh (thập tử, nhất sinh) phải nằm viện gần hai tháng (và hiện còn tiếp
tục tái khám để điều trị). Em như sợ sau một đêm mình không thức dậy được nữa
vì cuộc sống vô thường này, nên lao vào trải lòng qua trang viết để tìm kiếm niềm
vui, niềm an ủi còn lại trong tầm tay của mình. Viết với lòng ước muốn cuộc sống
của chính em và tất cả mọi người mỗi ngày một tốt đẹp hơn, mỗi ngày một an vui,
hạnh phúc hơn…
Trong một ngày, em luôn viết vào buổi tối, từ khoảng hơn 7 giờ
đến 10 giờ rồi đi ngủ, bởi ban ngày em rất bận (em phải chăm cháu, lo việc nội
trợ giúp cho các con an tâm đi làm việc). Tuy trong ngày em bận rộn không thể
ngồi yên để viết, nhưng trong đầu em có thể “hình thành”, sắp xếp các ý tưởng,
mọi việc, để tối lên máy viết.
MVL: (Cười thoải mái) Anh không ngờ em đã có một ngày làm việc “khoa
học” như vậy! Với hai tác phẩm đã được xuất bản 2017 - Em có dự định gì cho năm
2018?
TN (Cười khẽ): Thưa anh! Sau hai tác phẩm đã được xuất bản (Tùy bút & Truyện
ngắn), em muốn có một tập truyện ngắn riêng, nên sẽ cố gắng dành thời gian viết
truyện ngắn. Nếu mọi việc “thuận duyên”, em dự định sẽ xuất bản tập truyện ngắn
vào năm 2018. Em lại nghĩ, tất cả cũng chỉ là những “ước mơ” thôi - mà ước mơ
có thể trở thành hiện thực hay không, phải không anh?
MVL: (Cười) Đúng là vậy! Ước mơ, thì cứ ước mơ – nhưng nếu chưa thành,
cũng chẳng sao. miễn bản thân đã nổ lực! Xin hỏi em câu cuối nhé: Em có thể vui
lòng cho độc giả biết thêm đôi điều về cuộc sống hôm nay? Về ước mơ sắp tới?
TN (Cười vui): Thưa anh! Như em đã chia sẻ trong những bài tùy bút, em đã vất vả
thế nào mới có thể lo được cho các con của em học hành đến nơi, đến chốn. Bây
giờ sức khỏe không còn để bon chen, tranh đua với cuộc sống nữa, chỉ có thể phụ
giúp các con việc nhà, chăm cháu để chúng yên tâm mà làm việc và an vui bên
trang viết - vậy thôi. Còn ước mơ! Ai mà chẳng có ước mơ, cứ ước mơ rồi phấn đấu
thực hiện, được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu - lệ thuộc khá nhiều vào sức khỏe
(và nhân duyên) thôi anh ạ!. Em mong muốn tập truyện ngắn tâm huyết tiếp theo sớm
được ra mắt Quý bạn đọc - và mong làm sao mỗi năm ít nhất phải xuất bản được một
tác phẩm, để “góp vui” với đời (nhưng không biết sức khỏe có cho phép hay
không) - thôi thì cứ mong ước và cố gắng hết sức mình phải không anh.
Em xin cảm ơn anh - cảm ơn buổi sáng
an vui và hạnh phúc.
MVL: (Cười lớn) Anh cũng cảm ơn em….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét