LỜI GIỚI THIỆU
Năm 2013, khi trao giải Nobel về văn học cho Alice Munro,
người phụ nữ thứ mười ba trên thế giới nhận giải thưởng này, đại diện của Hàn
lâm viện Thụy Điển đã gọi bà là "bậc thầy của truyện ngắn đương đại".
Một đánh giá cao về thành tựu nghệ thuật và tất nhiên khó khăn mới đạt được.
Lúc ấy, nhiều người đã ngạc nhiên hỏi nhau: bà này ở đâu ra?
Thật ra Alice Munro đã viết văn từ năm mươi năm nay, với
tác phẩm đầu tay Vũ điệu của bóng mờ hạnh phúc, xuất bản 1968. Trong các
tuyển tập truyện ngắn hay nhất của Hoa Kỳ, tôi nhận thấy tên bà xuất hiện rất
đều đặn, gần như hàng năm, được chọn lựa bởi các nhà văn hay nhà phê bình có
quan điểm khác nhau. Nhà văn cũng nhận nhiều giải thưởng, trong đó ba lần giải
Governor General danh giá của Canada, và Man Booker International, năm 2009.
Giữa nhiều nhà văn viết tiếng Anh, bà được kính trọng và yêu mến một cách đặc
biệt. Tuy vậy, tính tình kín đáo, khiêm cung, Alice Munro ít khi xuất hiện
trên báo chí, ngoại trừ bằng tác phẩm của mình. Cách đây vài năm, khi tôi đến
dự một buổi hội thảo ở Vancouver sau giải Man Booker International vừa nói, với
sự tham gia của nhiều nhà văn nổi tiếng như Margaret Atwood, họ đọc những
tham luận xúc động về sự nghiệp của bà và diễn đọc những trích đoạn tác phẩm,
Alice Munro cũng đã không có mặt.
Sinh ngày 10 tháng Bảy năm 1931 ở Wingham, Ontario, Canada,
Alice Munro có tên khai sinh là Alice Ann Laidlaw. Cha của bà là chủ nông trại,
mẹ là cô giáo. Bà trải qua tuổi thơ ở Huron County, rồi theo học đại học
Western Ontario, nhưng rời trường sớm khi lập gia đình năm hai mươi tuổi. Bà
và gia đình từng sống ở Vancouver và trên một hòn đảo ngoài khơi Vancouver
nhiều năm. Sau khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, bà trở về quê cũ ở Huron
County, và tình cờ gặp lại người bạn thời thơ ấu, một giáo sư đại học, và họ
mau chóng trở thành đôi bạn thân, sau đó lập gia đình với nhau. Ontario là
bang lớn nhất Canada, bên bờ Ngũ Đại Hồ. Vùng phía Nam của bang có khí hậu ôn
hòa, cảnh sắc xinh đẹp, đất nông nghiệp bằng phẳng, nhiều sông hồ. Nhờ vào những
truyện ngắn nổi tiếng của bà, quang cảnh vùng đất Huron County xuất hiện nhiều
lần trong truyện, trở thành một xứ sở được nhiều người biết, gần như huyền
thoại.
Có nguồn gốc tổ tiên từ Scotland, truyền thống Thiên chúa
giáo, bà lớn lên trong thời Đệ nhị thế chiến và những giai đoạn kinh tế khó
khăn. Sự phân tích tinh tế, sự quan sát sắc bén đối với các hành vi cá nhân
và khác biệt giai cấp, cảnh giàu nghèo, sự hy sinh, tính chung thủy, sự dối
trá, những tình cảm gia đình, được ghi lại một phần nhờ những kinh nghiệm bà
đã có được khi lớn lên ở vùng thị trấn nhỏ. Có người nhận xét rằng Munro ít
viết về tình yêu, nhưng thật ra nhiều truyện của bà đều phảng phất một thứ
tình tuy được diễn tả chấm phá nhưng với nét bút mạnh mẽ, dường như đầy ẩn ý.
Ngòi bút của bà khi đề cập đến các đề tài khác như phụ nữ, tình dục, đều táo
bạo bất ngờ.
Tác phẩm: Vũ điệu của bóng mờ hạnh phúc (Dance of The
Happy Shades) (giải Governor General), Cuộc đời những cô gái và đàn
bà (Lives of Girls and Women), Bạn nghĩ bạn là ai kia? (Who Do You Think You
Are), Những mặt trăng của Mộc tinh (The Moons of The Jupiter), Tiến triển của
tình yêu (The Progress of Love) (giải Governor General), Chạy trốn
(Runaway). Năm 80 tuổi, xuất bản tập Quá sức hạnh phúc (Too Much
Happiness). Tiếp sau đó, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, năm 81 tuổi,
tác phẩm mới Cuộc đời yêu dấu (Dear Life). Một chuyện tình cảm động,
đã được Sarah Polley chuyển thành phim với các tài tử Julie Christie và
Gordon Pinsent.
Alice Munro viết về đời sống những người bình thường với
ngôn ngữ giản dị, trong trẻo, đẹp. Nhưng đó là bề ngoài dễ gây ngộ nhận. Thật
ra văn của Munro không dễ hiểu. Người đọc cần chú tâm đến từng dấu hiệu mà bà
để lại dọc đường. Bên trong là sức mạnh của sự phân tích các xung đột, sự
nghiêm khắc với thói dung tục, tính hài hước, lòng trắc ẩn. Truyện của bà biểu
hiện một nghệ thuật quan sát mà mô tả xác thực, có khi tường tận, một cách cố
ý. Nhưng đằng sau bản mô tả khách quan ấy, đằng sau bức tranh về một cảnh vật
cụ thể và sinh động, bản tường trình về cuộc đời, người đọc cảm nhận có một
điều gì khác nữa như một hiện thực thứ hai, Alice Munro đã nói về lối đọc
truyện và viết truyện của mình.
"Tôi sẽ bắt đầu bằng cách giải thích cách tôi đọc truyện
của nhà văn khác như thế nào. Có thể nói, tôi bắt đầu đọc chúng bất kỳ ở đâu,
từ đầu truyện đến cuối truyện, từ cuối truyện ngược lên, từ bất cứ điểm nào ở
giữa chúng, theo hướng xuôi hay ngược. Như vậy rõ ràng tôi không nắm lấy một
câu chuyện và cứ đi theo như thể đó là con đường, sẽ mang tôi tới nơi nào đó,
với những quang cảnh và lối rẽ rất gọn gàng dọc theo con đường ấy. Tôi bước
vào truyện ngắn, đi lui đi tới, ngồi xuống nơi này nơi kia, hoặc ở lại đó đây
một lát. Truyện ngắn giống như ngôi nhà. Mọi người đều biết ngôi nhà là gì,
nó chứa các phòng, những cửa ngách liên lạc giữa các phòng và trình bày một
khuôn mặt ngoài mới mẻ như thế nào. Đây là cách gần nhất với sự giải thích mà
tôi có thể có về việc một truyện ngắn ảnh hưởng ra sao đối với tôi, như người
đọc, và tôi muốn những truyện ngắn của mình làm gì với người đọc của tôi."(1)
Thật ra các nhà phê bình có những cách nhìn nhận rất khác
nhau đối với nghệ thuật của Munro. Tác phẩm của bà là hiện thực hay là tưởng
tượng? Đầy xúc cảm hay hoàn toàn lạnh lùng? Những cuộc đời trong ấy là của những
người bình thường mà ta hay gặp hay là những số phận đặc biệt, lạ kỳ, ngoại hạng?
Bà là nhà văn của người đọc bình dân hay là nhà văn của giới tinh hoa, bác học?
Là một kiểu mẫu Chekhov thứ hai hay là người chống lại Chekhov?
Tập truyện Cuộc đời yêu dấu (Dear Life) gồm mười
bốn truyện: 1. Trôi về Nhật Bản (To Reach Japan), 2. Thị trấn bạch dương
(Amundsen), 3. Ly hương (Leaving Maverley),4. Sỏi đá (Gravel), 5. Tổ ấm
(Haven), 6. Lòng tự hào (Pride), 7. Người tình (Corrie), 8. Xe lửa (Train),
9. Thấp thoáng mặt hồ (In Sight of The Lake), 10. Búp bê (Dolly), và bốn
truyện sau cùng được tác giả xem là tự truyện, vì có yếu tố tiểu sử: 11.
Con mắt (The Eye), 12. Đêm (Night), 13. Giọng nói (Voices) và 14. Cuộc đời
yêu dấu (Dear Life) (2). Đây có thể xem là một trong những tác phẩm cuối
cùng của Alice Munro, vì lúc nó ra đời năm 2012, bà đã ngoài 80 tuổi và tuyên
bố không viết nữa.
Những mô tả tỉ mỉ trong truyện của Munro có thể rất dài
nhưng bao giờ cũng nằm trong một cấu trúc cần thiết, đôi khi là sự chuẩn
bị bắt buộc phải có, như trong trường hợp chúng dẫn đường cho người già
đi vào một cõi trần gian khác (truyện Thấp thoáng mặt hồ). Một người
thanh niên quen với một thiếu nữ, nhập ngũ, trở về, rồi quen với một người phụ
nữ khác, trải qua bao biến đổi, tựa như một cuốn tiểu thuyết thay vì truyện
ngắn, những nhân vật lạ lùng xa lánh tình dục và sợ hãi sự thân mật của con
người (truyện Xe lửa). Câu chuyện phiêu lưu tình cảm của một nhà thơ, một
người mẹ trẻ (truyện Trôi về Nhật Bản). Cô đến dự một buổi tiệc của một
tờ báo, uống say bằng một thứ nước mà cô ngỡ là nước trái cây nhưng thật ra
có rượu. Một ký giả từ Toronto lái xe đưa cô về nhà, nhưng bất chấp sự chờ đợi,
đã không hôn cô. Thế là cô đem lòng thương nhớ. Rồi một dịp hai mẹ con cô và
đứa con gái lên một chuyến xe lửa, bỏ người chồng ở lại, và mối quan hệ vợ chồng
của họ cũng có chút nghi vấn. Đó là một chuyện tình yêu, nhưng lại không phải
là chuyện tình chúng ta hay gặp. Có một thứ tình cảm khác, sâu xa, ẩn mình
phía sau, có một lời nói thầm, nửa cảnh giác, một sự chú ý lặng lẽ đối với
thói vô tâm của con người. Lặng lẽ nhưng đau đớn. Cũng tương tự như thế,
trong truyện Sỏi đá, việc ngoại tình của một người đàn bà, thói phiêu
lưu, sự thờ ơ trưởng giả của một người đàn ông, lối sống phóng túng và vô
trách nhiệm của chàng nghệ sĩ, đưa đến những hậu quả không ngờ. Trong khi
trong truyện Đêm, người đọc có ấn tượng tất cả mọi cảnh vật bên ngoài đều
chỉ là biểu hiện hiện thực của những tư tưởng thầm kín của một thiếu nữ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Geoff Hancock (3), Munro cho rằng
cả yếu tố cốt truyện và khung cảnh câu chuyện đều không quan trọng lắm trong
truyện ngắn. "Điều gì xảy ra như một sự kiện thật chẳng quan trọng gì.
Khi một sự kiện trở thành vấn đề quan trọng, truyện ngắn đó không có khả năng
phát triển". Sự cảm xúc, theo bà, đóng vai trò lớn hơn. "Tôi cũng
không nghĩ khung cảnh truyện là hệ trọng. Nhiều người nghĩ rằng tôi là một
nhà văn viết truyện địa phương. Và tôi sử dụng các địa phương nơi tôi lớn lên
làm vật liệu sáng tạo. Nhưng tôi không biết cách nào để diễn tả một điều gì
đó, ở một nơi nào đó, với mục đích định trước. Những việc ấy xảy ra và nơi chốn
là một phần của nó. Chẳng qua đó chỉ là sự tình cờ."
Có thể cho rằng cái mà Alice Munro gọi là cảm xúc (feeling)
chính là khí hậu của truyện. Khí hậu ấy thường xoay quanh một hình ảnh trung
tâm, hình ảnh ấy được chiếu rọi bởi một bên là khả năng quan sát khách quan,
gần như lãnh đạm, và một bên là khả năng thương yêu nồng nàn sâu kín. Hay
phương pháp hiện thực và khuynh hướng chống lại, gần như căm phẫn, đối với
cái tệ hại. Truyện của Munro phát triển qua một thời gian dài, tuy vậy khác với
nghệ thuật tiểu thuyết, sức mạnh của bà nằm ở các mối tương quan trong cùng một
thời gian, như trong một bức tranh. Bà nhìn thấy các nhân vật trong những chớp
sáng của đời họ, tức là trên những khúc quanh của số phận. Vì vậy truyện ngắn
của bà, tuy dài, gần như một loại tiểu thuyết ngắn, được viết với ngôn ngữ
chân phương nhưng tinh tế, tinh tế nhưng không hiền lành chút nào, thực ra phần
nào gần với ngôn ngữ thơ ca.
Sự mô tả đối với các tình huống, các tâm trạng, các diễn biến
đi vào chi tiết và chính xác, vì chi tiết nên chính xác, và vì chính xác nên
chi tiết. Chính vì vậy bà để mất một số độc giả không quen với việc đọc truyện
kiểu ấy, lối đọc tinh tế, tuy đồng cảm nhưng lại không thương cảm bi ai, và
ngược lại, trở thành nỗi quyến rũ không ngớt đối với nhiều người đọc khác, những
người cũng đặt cược vào sự chính xác như bà. Từ sự chính xác ấy mà các quyết
định riêng tư của cá nhân, những hy sinh và sai lầm của họ, các ngã rẽ của số
phận bỗng lộ diện bất ngờ, làm kinh ngạc bất cứ một người đọc điềm tĩnh nào.
Thật ra, sự chính xác cũng là bổn phận của tình yêu.
(Lời Giới Thiệu)
(1) The Art of Short Fiction by Gary Geddes, 1993,
Harper Collins, p.824.
(2) Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các truyện này, theo
thứ tự được đánh số như trên. Các chú thích dưới mỗi truyện là của người dịch.
(3) Sách đã dẫn, p.513
TRÔI VỀ NHẬT BẢN
Tác giả: Alice Munro
Nguyên tác: To Reach Japan
Người dịch: Nguyễn Đức Tùng
Khi Peter đã mang xong hành lý của cô lên xe lửa, dường như
anh muốn bước ra xa. Nhưng không phải bỏ đi. Anh giải thích với cô rằng anh
hơi khó chịu vì đoàn tàu sắp rục rịch chuyển bánh. Đứng trên sân ga nhìn lên
cửa sổ toa tàu của họ, anh vẫy tay. Mỉm cười, vẫy tay. Nụ cười dành cho bé
Katy rộng mở, tỏa nắng, như thể anh tin, không chút nghi ngờ, rằng con gái của
anh luôn kỳ diệu đối với mình, cũng như anh với nó, như thế mãi. Nụ cười dành
cho vợ đầy hy vọng và tin tưởng, với vẻ xác định mạnh mẽ. Đôi khi có những việc
không thể nói thành lời, chẳng bao giờ nói được. Nếu Greta có lần nào nhắc đến
điều ấy, anh sẽ nói, Đừng có điên. Và cô sẽ đồng ý với anh ngay, nghĩ thật
không tự nhiên đối với những người gặp nhau hằng ngày, mọi lúc, mà còn đi giải
thích dài dòng về mấy chuyện lặt vặt.
Khi Peter còn bé, mẹ anh đã mang anh qua nhiều rặng núi mà
Greta không nhớ tên, trên đường chạy trốn khỏi nước Tiệp Khắc xô viết cũ, đến
Tây Âu. Tất nhiên có nhiều người khác nữa. Cha của Peter, mới đầu dự định sẽ
đi cùng họ nhưng hôm trước chuyến đi bí mật, ông bị chuyển đến viện điều dưỡng.
Ông muốn đi theo họ một khi khoẻ lại, nhưng ông đã chết.
“Em đã đọc những chuyện tương tự như thế”, Greta nói, khi lần
đầu Peter kể cho cô nghe chuyện của anh. Cô giải thích rằng trong những
chuyện ấy đứa bé bắt đầu khóc thét lên và nó sẽ bị người ta bóp miệng hoặc
bóp cổ để cho không có tiếng động nào làm nguy hiểm cả đoàn người chạy trốn.
Peter nói anh chưa bao giờ nghe mấy chuyện như thế và anh
chẳng phẩm bình gì việc mẹ anh sẽ làm sao trong tình huống như vậy.
Điều bà đã làm là tới được British Columbia, nơi bà học
thêm tiếng Anh và xin được một chân dạy cho học sinh trung học, một môn gọi
là thực hành doanh nghiệp. Bà một mình nuôi dạy Peter, cho anh học đại học,
và bây giờ anh trở thành kỹ sư. Khi bà đến căn hộ của hai người, rồi sau đó
là nhà, bà lúc nào cũng ngồi ở phòng khách, không bao giờ xuống bếp, trừ khi
Greta mời bà. Đó là phong cách của mẹ Peter. Bà tránh nhận xét. Tránh lưu
tâm, không đường đột đi vào, không gợi ý, mặc dù trong mọi việc nội trợ hay
nghệ thuật bà đều giỏi giang hơn đứa con dâu của mình.
Bà đã bán căn hộ nơi Peter lớn lên và dời vào một căn nhỏ
hơn, không có phòng ngủ, chỉ có một phòng với chiếc ghế dựa có thể kéo ra làm
giường. Vậy là anh không thể về nhà thăm mẹ được rồi? Greta trêu chọc bà,
nhưng bà giật mình. Sự hài hước làm bà đau đớn. Hoặc có thể là vấn đề ngôn ngữ.
Nhưng tiếng Anh là thứ tiếng bà dùng hàng ngày và đó cũng là ngôn ngữ duy nhất
mà Peter biết. Anh đã học môn thực hành doanh nghiệp – dù không phải từ mẹ
mình – vào lúc Greta học Thiên Đường Đã Mất (1). Cô tránh tất cả những thứ gì
có ích như tránh bệnh dịch hạch. Còn anh ngược lại.
Có một tấm gương ở giữa họ ngăn cách họ, và Katy không ngừng
vẫy tay với anh, họ nhìn nhau trìu mến. Cô nghĩ anh chàng quá sức đẹp trai,
làm sao anh không bao giờ biết về điều ấy cả. Anh mặc một cái áo cắt ngắn,
đúng thời trang – đặc biệt nếu như đó là một chàng kỹ sư – với màu da sáng
nhưng không bao giờ ửng hồng lên như da của cô, không bao giờ sạm đi vì ánh mặt
trời, nhưng có một màu ăn nắng đều đặn của các mùa.
Ý kiến của anh đối với chuyện này chuyện khác cũng hệt như
màu da của anh vậy. Khi họ đi coi phim, anh chẳng bao giờ nói gì sau đó cả.
Anh có thể nói đó là phim hay, hoặc rất hay, hoặc coi được. Anh dường như
không thấy có chuyện gì nói thêm nữa. Anh coi ti-vi, đọc một cuốn sách hay một
cái gì đó cũng tương tự thế. Anh là người kiên nhẫn với những thứ ấy. Người
ta thường cố gắng làm điều đó một cách tốt đẹp. Greta thì tranh cãi và hỏi thử
rằng liệu anh ta có nói giống mình không về một chiếc cầu. Người ta đã làm hết
sức mình rồi, em ạ, nhưng điều tốt đẹp nhất của con người vẫn chưa đủ tốt, vì
vậy chiếc cầu kia đã gãy và rơi. Thay vì tranh cãi, anh cười phá lên.
Mấy thứ đó không giống nhau, anh bảo.
Không?
Không.
Greta nhận ra rằng thái độ như thế - bao dung, tự tách mình
ra khỏi chuyện rắc rối – thật ra là một may mắn với cô, bởi vì cô là nhà thơ,
và những thứ trong thơ cô lại chẳng có cách nào có thể gọi là vui thú hay giải
thích được.
(Mẹ Peter và những người làm việc với anh – những người biết
rõ anh – vẫn gọi cô là nữ thi sĩ (2) . Cô đã dặn anh đừng gọi cô thế. Ngoài
ra chẳng có chuyện gì cần phải chỉ bảo anh cả. Những người bà con mà cô không
bao giờ gặp lại trong đời mình, và những người cô biết thì bây giờ đều trở
thành vợ hoặc mẹ, những người nội trợ, họ chẳng cần ai chỉ bảo dạy dỗ vì họ
chẳng biết gì mấy thứ ấy.)
Sau này, khi cô nhớ lại, thật khó giải thích tại sao lúc ấy
cái này lại đúng, cái khác thì không. Bạn có thể nói, ồ, nhưng chủ nghĩa nữ
quyền thì không. Nhưng bạn liền giải thích nữ quyền không phải là một chữ hồi
đó được dùng. Rồi bạn phải nói ngắn gọn rằng chỉ cần một ý tưởng nghiêm túc
thôi, chưa nói tham vọng này khác, hay ngay cả đọc một cuốn sách thực sự,
cũng trở thành kẻ đáng nghi, biết đâu chẳng vì thế mà con của bạn mắc chứng
viêm phổi do bị bỏ bê, và một nhận xét chính trị trong bữa tiệc văn phòng có
thể làm chồng bạn mất cơ hội thăng tiến. Bất kể bạn đứng về phe nào. Nếu là
phụ nữ, hễ bạn mở miệng ra có chuyện. Người ta sẽ cười bảo, Ồ, bạn nói giỡn
chứ, và bạn phải trả lời, À, cũng không đến nỗi tệ hại thế. Rồi bạn thêm, dù
vậy, nếu làm thơ thì phụ nữ an toàn hơn đàn ông. Có một thời danh hiệu nữ thi
sĩ được dùng thoải mái, dễ như ăn món tráng miệng xay đường vậy. Peter không
cảm thấy thế, cô nói vậy, nhưng bạn cần nhớ anh sinh ở châu Âu. Mặc dù anh hiểu
tại sao cánh đàn ông đồng sự có lối suy nghĩ thành kiến như thế.
Mùa hè năm đó, trong vòng một tháng hoặc lâu hơn, Peter phải
đi coi sóc công việc ở Lund, rất xa, trên đất liền, xa lắm về phía Bắc. Tại
đó, không có phòng ở cho Katy và Greta.
Nhưng Greta vẫn giữ liên lạc đều với bạn gái, một người có
thời làm việc chung trong thư viện Vancouver, nay đã lập gia đình và đang sống
ở Toronto. Cô ấy và chồng sẽ đi du lịch châu Âu một tháng hè – anh ấy là thầy
giáo - và cô đã viết thư cho Greta hỏi là liệu Greta và gia đình có vui lòng
– lời lẽ lịch sự - tới sống trong nhà của họ ở Toronto vào khoảng thời gian ấy
không, để cho nó khỏi trống vắng. Greta viết thư trả lời, kể cho bạn nghe về
công việc của Peter, vẫn ngỏ ý muốn đến ở nhà bạn, chỉ hai người, mình và
Katy.
Thời ấy có một tạp chí, tên Những câu trả lời vang vọng,
xuất bản không đều ở Toronto. Greta tìm thấy nó trong thư viện và gởi đến tòa soạn vài bài thơ của mình. Hai bài thơ của cô được in, kết quả là khi người
biên tập của tạp chí đến Vancouver, mùa thu vừa rồi, Greta đã được mời đến dự
tiệc với nhiều cây bút khác, để gặp ông ta. Bữa tiệc được tổ chức tại nhà của
một nhà văn mà tên tuổi rất quen thuộc với cô. Tiệc tổ chức khi chiều muộn,
Peter đi làm chưa về, vì vậy Greta thuê một người coi em và lên xe buýt từ Bắc
Vancouver, qua cầu Sư Tử (3) xuyên công viên Stanley. Rồi cô phải đợi ở vịnh
Hudson để đáp một chuyến xe dài nữa tới khuôn viên đại học, nơi nhà văn kia
cư ngụ. Xuống xe buýt ở trạm cuối, cô tìm thấy đường vào và vừa đi vừa nhìn số
nhà. Cô mang giày cao gót nên bước chậm. Cô mang áo đầm đen cầu kỳ, dây kéo
sau lưng, may thắt ở eo, lúc nào cũng siết chặt ngang hông. Cái áo làm mình
thật kỳ quặc, cô nghĩ thầm, trong khi khập khiễng bước dọc theo đường vòng
không có lề đường, người bộ hành độc nhất trong chiều tà. Những căn nhà hiện
đại, những cửa sổ có tranh, như thường thấy ở ngoại ô sang trọng, không phải
là xóm nhà cô tưởng. Cô bắt đầu tự hỏi liệu mình có đi lạc không đây, và
không khổ sở lắm khi nghĩ là chuyện ấy đang xảy ra. Cô có thể vòng lại trạm
xe buýt và nghỉ trên băng ghế dài, có thể kéo tuột đôi giày ra và ngồi thong
thả trên xe buýt suốt chặng đường trở lại nhà mình.
Nhưng rồi cô thấy những chiếc xe hơi đỗ bên đường, thấy số
nhà, đã quá trễ để quay lại. Trong nhà đầy tiếng cười nói vọng ra sau lần cửa
đóng, cô phải rung chuông hai bận.
Một người phụ nữ ra đón nhưng trông bà ta dường như đang chờ
một người nào khác, cũng không tỏ vẻ chào mời- người đàn bà chỉ mở cửa và
Greta bảo rằng có lẽ đây là nơi có tiệc.
“Nhưng bữa tiệc đó ra sao?” Người đàn bà hỏi, và hơi
nghiêng mình bên khung cửa, vẫn đứng chắn lối đi, cho đến khi Greta nói, “Tôi
có thể vào nhà được không?” và bỗng có một cử động bất thần làm cô đau đớn.
Bà ta không bảo Greta đi theo mình nhưng Greta vẫn cứ đi, mặc kệ.
Không ai trò chuyện với cô, không ai để ý tới người mới đến,
nhưng chỉ một lát sau có một cô bé đi tới với cái khay trên đó có những ly đựng
thứ nước kiểu chanh đường màu hồng hồng. Greta cầm ly lên, uống ực một phát,
và lấy thêm ly nữa. Cô cám ơn con bé, cố gắng trò chuyện với nó về cuộc đi bộ
dài nóng nực, nhưng nó chẳng quan tâm, quay người đi làm bổn phận của mình.
Greta tiếp tục. Cô kiên nhẫn mỉm cười. Không ai nhận ra hay
tỏ ra vui vẻ với cô, mà cũng đúng, tại sao họ phải làm thế. Cái nhìn của mọi
người lướt qua người cô và rồi lại tập trung vào câu chuyện rôm rả của mình.
Họ cười nói. Mọi người trừ Greta đều có bạn, có chuyện đùa, có những bí ẩn
riêng tư, ai cũng có vẻ đang có người khác chào đón họ. Trừ những cô bé lượn
đi lượn lại mang những ly hồng hồng.
Cô không nản. Những ly nước làm cô quyết chí và cô quyết định
uống thêm ly nữa khi cái khay trờ tới bên cạnh. Cô quan sát một nhóm người
đang trò chuyện, nhận ra có một kẽ hở, nơi cô trượt ngay vào. Cô gần như tìm
thấy được một cái kẽ hở như thế khi cô nghe một người nào đó nhắc tên cuốn
phim. Những cuốn phim châu Âu bắt đầu được chiếu ở Vacouver thời ấy. Cô nghe
một cái tên mà cả cô và Peter từng coi. Bốn Trăm Ngọn Gió. “Ồ, tôi
đã coi phim đó rồi.” Cô cất tiếng khá lớn và nồng nhiệt khiến ai cũng quay lại
nhìn, một người, có vẻ nhân vật chính, nói, “Thế à?”
Greta rõ ràng say. Một loại rượu vang và nước bưởi hồng hồng
trộn nhau uống vội. Cô không uống bình thường. Cô biết mình say, nhưng cảm thấy
trong không khí thế này mọi thứ đều được phép, cũng không quan trọng gì nữa
chuyện có ai chịu làm quen hay không. Cô đi lòng vòng, thỉnh thoảng đưa ra nhận
xét này nọ.
Có một nhóm người ở bên vòm cửa có vẻ quan trọng. Trong số
đó cô nhận ra người chủ nhà, nhà văn mà tên tuổi và khuôn mặt cô biết khá
lâu. Ông ta nói lớn tiếng, câu chuyện lộn xộn, có tính chất nguy kịch bao
quanh và những người đàn ông khác nữa, như thể họ sẵn sàng ném vào mặt bạn sự
tức tối. Vợ của họ, cô tin thế, đứng bao quanh thành vòng tròn mà cô muốn
xông qua.
Người đàn bà ra mở cửa cho cô không tham gia nhóm nào nhưng
là một nhà văn. Greta thấy bà quay đầu lại khi có ai đó gọi tên. Đó là tên một
người có bài trên tạp chí mà cô có thơ đăng. Trong một hoàn cảnh thế này liệu
người ta có nên đứng lên tự giới thiệu không? Một cú trả đũa cho thái độ lạnh
lùng ở cửa?
Nhưng bây giờ nhà văn nữ ấy đang bận cúi xuống vai người
đàn ông gọi mình và rõ ràng họ không thích gì chuyện bị cắt ngang.
Nghĩ thế Greta liền ngồi xuống, nhưng vì không có ghế, cô
đành ngồi bệt xuống sàn. Cô nghĩ ngợi. Cô nghĩ rằng khi đi với Peter tới những
bữa tiệc của kỹ sư, không khí ở đó vui nhộn nhưng các cuộc trò chuyện chán ngắt.
Là bởi mọi người đều biết sự quan trọng của mình và đều an tâm với sự thu xếp
ấy. Ở đây, không ai được an toàn như thế cả. Sự phán xét xảy ra sau lưng bạn,
ngay với những nhà văn danh tiếng, đã có sách xuất bản. Một khí hậu trí tuệ
và lo âu, bất kể bạn là ai.
Và ở chốn đây, cô ngồi đợi ai đó ném cho mình mẩu xương của
đề tài đặng mà bắt lấy.
Rồi cô xây dựng một lý thuyết về sự tức giận, và khi có nó
trong tay, lòng liền dịu lại, chẳng quan tâm gì nữa chuyện có ai them bắt
chuyện hay không. Cởi giầy ra, cô hoàn toàn thư thái. Cô ngồi trên sàn nhà dựa
hẳn vào tường, chân duỗi thẳng chắn lối đi hẹp của bữa tiệc. Cô không muốn rượu
đổ lên thảm, nên nốc cạn hết một hơi.
Một người đàn ông tới đứng ngay trước mặt cô, anh bảo, “Cô
bạn tới đây bằng cách nào?”
Cô cảm thấy tội nghiệp cho những bàn chân chụm lại của anh
ta. Cô cảm thấy tội nghiệp cho ai đó phải đứng lên. Cô trả lời cô được mời.
“Đúng rồi. Nhưng bạn tới đây bằng xe hơi của mình à?”
“Tôi đi bộ.” Nói thế chưa đủ, ngần ngừ một lát cô thêm.
“Tôi tới bằng xe buýt rồi đi bộ vào đây.”
Một người đàn ông ở trong nhóm những người bao quanh nhân vật
chính nay tới đứng sau lưng anh chàng mang giày kia. Anh ta bảo, "Ý tưởng
tuyệt vời". Và tỏ vẻ sẵn lòng trò chuyện với cô.
Người đến trước không chú ý đến cô gái lạ mặt này. Anh ta
đem đôi giày của Greta lại, nhưng cô từ chối, giải thích chân cô đau lắm.
“Hãy mang giày vào. Nếu không tôi sẽ tự mình mang cho cô đấy.
Cô đứng lên được chứ?”
Cô nhìn quanh tìm kiếm người đàn ông quan trọng kia, nhưng
ông ta không còn ở đó. Bây giờ thì cô bắt đầu nhớ lại những trang viết của
ông ấy. Một vở kịch về Doukhobor, đã gây nhiều dư luận, bởi vì những nhân vật
phải khoả thân. Tất nhiên đó không phải là những người Doukhobor thật, họ là
các diễn viên. Và tất nhiên họ không được phép tuột áo quần ra.
Cô cố gắng giải thích điều này cho anh chàng đến sau đang
giúp cô đứng dậy, nhưng anh ta chẳng chú ý tới vụ vở kịch. Cô hỏi là anh viết
cái gì, anh trả lời rằng anh không phải là nhà văn, chỉ là một ký giả. Anh tới
đây với đứa con trai và đứa con gái, cũng là những cháu ngoại của chủ nhà. Những
đứa trẻ ấy đang mang thức uống đến cho mọi người.
“Thứ đồ uống chết người”, anh ta nói, ám chỉ những ly rượu.
“Dở thậm tệ.”
Bây giờ thì họ đã ở bên ngoài. Cô bước đi chân mang vớ
nhưng không giày trên cỏ, suýt nữa dẫm phải một vũng nước.
“Chắc thế,” anh nói, đưa cô vào trong xe. Không khí bên
ngoài làm thay đổi tâm trạng cô, từ hứng khởi đến ngượng ngùng, gần như xấu hổ.
“Bắc Vancouver,” anh nói. Chắc là cô đã từng nói với anh thế.
“Phải vậy không? Chúng ta sẽ đi. Cầu Sư Tử.”
Cô hy vọng anh không hỏi cô đã làm gì ở buổi tiệc. Nếu cô
phải nói rằng mình là một nhà thơ thì tình trạng hiện nay của cô, sự nhõng nhẽo
quá đáng, sẽ được coi là thói tệ hại tiêu biểu. Trời chưa tối, nhưng chiều muộn.
Họ dường như đang chạy đúng hướng, dọc theo bờ nước qua cầu Burrad. Rồi nhiều
lối rẽ nữa. Cô mở lớn mắt nhìn những hàng cây chạy dọc đường, nhắm mắt lại,
không phải cố ý. Khi xe dừng lại sớm, cô biết rõ họ chưa về tới nhà. Tức là
nhà cô. Có những tàn cây lớn ở trên đầu họ. Không thể thấy một ngôi sao nào cả.
Nhưng chúng chiếu xuống mặt nước, làm nước sáng lên ở khoảng giữa nơi họ ngồi
và quầng sáng đô thị.
“Hãy ngồi xuống và suy nghĩ”, anh bảo thế.
Cô thấy lòng tràn ngập niềm vui vì một chữ của anh.
“Suy nghĩ.”
“Làm sao cô có thể đi bộ về nhà, ví dụ thế. Làm sao xử sự
đúng mức?
Đừng liều mạng. Thản nhiên? Tôi đoán chừng cô có một ông chồng.
“Tôi sẽ cám ơn ông vì chở tôi về nhà,” cô nói. “Vì vậy ông
nên cho tôi biết tên ông là gì thì hay hơn.”
Anh bảo đã nói tên mình cho cô rồi. Có thể hai lần. Nhưng một
lần nữa cũng không sao. Tên Harris Bennett. Bennett. Anh là con rể của cặp vợ
chồng tổ chức buổi tiệc. Những đứa trẻ kia là con của anh, những đứa đi mời
thức uống. Anh và chúng đến thăm gia đình từ Toronto. Vậy đủ chưa?
“Thế mẹ chúng đâu?” cô hỏi.
“Bọn trẻ có mẹ chứ, nhưng cô ấy ở trong bệnh viện.”
“Ồ tôi xin lỗi.”
“Không cần đâu. Đó là một bệnh viện khá tốt. Chuyên chăm
sóc các bệnh tâm thần. Hay cô có thể nói các bệnh xúc cảm.”
Greta vội vàng nói cho anh nghe rằng chồng mình tên Peter
và anh ấy là kỹ sư, và họ đã có với nhau một đứa con gái tên Katy.
“Ồ, thật tốt,” anh nói thế, và thôi không trò chuyện với cô
nữa.
Ở trên cầu Sư Tử anh bảo, “Tôi xin lỗi đã nói năng như vậy.
Có lúc tôi nghĩ không biết có nên hôn cô hay không, nhưng rồi tôi quyết định
là không nên.”
Cô nghĩ, tức là anh muốn nói ở người cô có một điều gì đó
ngăn anh lại. Thật mất mặt, bỗng dưng trở thành nữ tu khổ hạnh.
“Bây giờ chúng ta qua cầu rồi, liệu có nên chạy về đường
Marine không? anh tiếp tục. “Cô hướng dẫn tôi nhé.”
Suốt mùa thu và mùa đông và cả mùa xuân sau đó nữa không một
ngày nào cô không nghĩ về anh. Giống như giấc mơ tới chỉ vài phút trước khi bạn
ngủ thiếp đi. Cô ngả đầu lên gối trên ghế sofa, tưởng tượng đang tựa đầu
vào tay anh. Bạn không tưởng tượng được là cô có thể nhớ như in khuôn mặt người
đàn ông ấy. Nhưng cô nhớ từng chi tiết, nhớ khuôn mặt với những đường gân có
vẻ mệt mỏi, hài hước kiểu người ở trong nhà. Không phải vì cơ thể bạc nhược,
mà giống như một thứ bị hao mòn đi nhưng vẫn mạnh mẽ và đáng them khát khôn
lường.
Cô gần như chảy nước mắt vì thương nhớ. Thế nhưng tất cả
hoang tưởng kia liền rơi vào giấc đông miên một khi người chồng trở về. Tình
cảm mỗi ngày giữa họ được thổi bùng lên, đáng tin cậy như bao giờ cũng thế.
Giấc mơ giống như thời tiết của Vancouver – một niềm thương
xót bùi ngùi, một nỗi buồn mưa gió li ti, một sức mạnh luân chuyển vòng quanh
trái tim ta.
Còn việc từ chối cái hôn, hình như một cú chơi không đẹp,
cô biết phải làm sao đây?
Chỉ giản dị là triệt tiêu nó. Thôi đành quên, mãi mãi.
Nhưng còn thơ của cô? Không một dòng, không một chữ. Không
dấu vết nào chứng tỏ cô còn nhớ đến chúng.
Tất nhiên cô dành cho những cơn nhớ nhung kia góc kín đáo
trong tâm hồn, mỗi khi Katy đã ngủ. Đôi khi cô gọi lớn tên anh, liều ôm lấy nỗi
xuẩn ngốc của mình. Sau đó cô lại phát ngượng, tự nguyền rủa mình. Đồ ngu. Xuẩn
ngốc.
Nhưng chuyện tình cờ kia đến, công việc ở xứ Lund, lời đề
nghị về căn nhà Toronto. Thời tiết âm u bỗng sáng ra, mở một lối cho nỗi đời
táo bạo.
Cô bỗng nhận ra mình đang ngồi viết một bức thư, không phải
bắt đầu một cách thông thường. Không có câu Harris thân mến. Cũng không bắt đầu
như anh còn nhớ tôi không.
Em viết thư này như bỏ vào chai
Một tờ giấy, thế thôi, mơ ước Sóng xô về nước Nhật một ngày mai
Bức thư này hơi giống một bài thơ.
Cô chẳng bao giờ biết địa chỉ người nhận. Cô đủ can đảm và
thừa điên khùng để nhấc máy gọi điện thoại cho người tổ chức bữa tiệc. Nhưng
khi đầu dây kia một người đàn bà trả lời thì miệng cô khô lại, há ra như vùng
giá rét Bắc cực, và cô liền gác máy. Rồi cô lại đẩy xe chở bé Katy tới các
thư viện công cộng và tìm được cuốn danh bạ điện thoại Toronto. Có nhiều cái
họ Bennett nhưng không có người nào có tên Harris hay H. Bennett.
Cô nghĩ ra một ý tưởng điên rồ hơn, tìm kiếm trong các mục
cáo phó, tin buồn. Cô không thể dừng lại được. Cô chờ đến khi một người đang
đọc phiên bản thư viện đã xong. Cô không đọc các báo phát hành từ Toronto bởi
cô phải đi qua cầu mới kiếm được chúng và Peter bao giờ cũng mang về nhà tờ Mặt
trời Vancouver. Lật dở nhiều trang, cuối cùng cô cũng tìm thấy tên anh trên một
cột báo. Nhưng anh không chết. Một nhà báo phụ trách chuyên mục. Tất nhiên
anh không muốn người khác làm phiền bằng cách gọi về nhà riêng.
Nhà bình luận chính trị. Bài viết của anh tỏ ra sắc sảo,
nhưng cô chẳng hề quan tâm tới chuyện ấy.
Cô gởi bức thư về toà soạn. Cô không biết chắc anh có tự
mình mở các thư không, còn nếu cô ghi chữ “Thư riêng” lên phong bì thì có thể
phiền hà, cuối cùng cô chỉ viết ngày đến Toronto, thời giờ chuyến xe lửa, sau
mấy dòng nói về cái chai đựng giấy kia. Không có tên. Cô nghĩ nếu có ai mở
ra, sẽ cho là có một người bà con già nua đâu đó viết lẩm cẩm. Chẳng có lời
nào cụ thể về anh, ngay cả bức thư kỳ lạ kia có tới nhà anh và vợ anh có đọc
được, sau khi cô ta từ bệnh viện về, thì cũng chẳng biết mô tê gì.
Rõ ràng Katy không hiểu việc Peter còn đứng trên sân ga có
nghĩa là cha nó sẽ không đi cùng họ. Khi hai mẹ con bắt đầu di chuyển còn người
cha thì không, và rồi khi tàu chạy nhanh lên bỏ lại người đàn ông một mình,
con bé không còn chịu được nữa. Nhưng rồi nó dịu xuống, sau một lúc. Nó bảo
Greta rằng cha sẽ tới cùng lúc với họ vào sáng hôm sau. Khi buổi sáng tới,
Greta cảm thấy sợ hãi nhưng Katy không nói gì nữa về sự vắng mặt kia. Greta hỏi
con có đói không, nó bảo có, giải thích cho mẹ – vì Greta đã từng bảo nó trước
khi lên xe lửa, - rằng bây giờ họ phải thay đồ mặc ngủ ra, và chuẩn bị ăn
sáng ở một phòng khác.
“Con muốn ăn gì đây?”
“Đậu chiên.” Đó là thứ gạo rang của trẻ con.
“Chúng ta sẽ xem trên tàu họ có thứ ấy không”
Họ có.
Có một phòng chơi của trẻ con nhưng khá nhỏ. Một đứa con
trai và một đứa con gái – chắc là anh và em, bởi bộ dạng chúng giống nhau –
chiếm mất rồi. Chúng chơi một trò đuổi chạy những chiếc xe hơi nhỏ va vào
nhau. Ầm ầm.
“Đây là bé Katy,” Greta nói với chúng. “Cô là mẹ của nó.
Tên của các cháu là gì đây?”
Trò chơi ngày càng ác liệt nhưng bọn trẻ không ngước mặt
lên.
“Cha không có ở đây,” Katy bảo mẹ.
Greta quyết định hai mẹ con quay trở lại và tìm cho Katy cuốn
Christopher Robin để mang lên toa có vòm kính (4) và đọc. Họ không muốn làm
phiền ai vì bữa điểm tâm vẫn còn và cuộc ngắm cảnh núi non chưa bắt đầu. Rắc
rối xảy ra khi cô đọc xong cuốn Christopher Robin và Katy muốn mẹ đọc lại
ngay lập tức. Trong lần đọc đầu tiên con bé giữ im lặng, nhưng bây giờ nó bắt
đầu ngắt lời vào cuối mỗi câu. Lần này nó bắt chước véo von chữ này chữ khác
dù vẫn không tự mình đọc lấy. Greta hình dung điều này làm phiền người khác
khi mọi người đến đông hơn. Vào tuổi Katy, trẻ con không biết sự đơn điệu là
gì. Thực ra chúng rất khoái trò lặp đi lặp lại, nhào lộn trong ấy, liếm các
chữ thân quen quanh lưỡi như thể đó là kẹo ăn được mãi.
Một chàng trai và một cô gái leo lên mấy bậc thang và ngồi
đối diện Greta và Katy. Họ chào hai mẹ con với vẻ vui tươi và Greta đáp lời.
Katy tỏ vẻ không hài lòng, tiếp tục đọc nho nhỏ trong khi dán mắt vào trang
sách.
Từ bên kia lối đi, giọng của chàng trai, cũng nhỏ như giọng
đọc của Katy:
Họ đổi phiên gác ở cung điện Buckingham –
Christopher Robin đi xuống cùng Alice.
Sau khi đọc xong mấy câu ấy cậu ta liền tiếp theo. “Tôi
không thích chúng, Sam- là- tôi.”
Greta cười phá lên nhưng Katy thì không. Greta có thể thấy
được là con gái hơi chướng mắt. Nó thông cảm với những chữ lăng nhăng vô
nghĩa được đọc từ một cuốn sách nhưng không thích những chữ ấy được nói ra trống
không như vậy.
“Xin lỗi,” chàng trai nói với Greta. “Chúng tôi là trẻ mầm
non. Đó là văn học của chúng tôi.” Cậu ta nghiêng người về phía trước, trò
chuyện một cách trang nghiêm và dịu dàng với Katy.
“Đó là một cuốn sách hay, phải vậy không?”
“Anh ta muốn nói là chúng tôi làm việc với những đứa trẻ mầm
non,” cô gái đi theo chàng trai bảo Greta. “Đôi khi chúng tôi lẫn lộn lung
tung.”
Chàng trai tiếp tục câu chuyện với Katy.
“Tôi có thể đoán được tên em không. Tên gì nhỉ? Có phải là
Rufus không? Hay là Rover?”
Katy cắn môi nhưng không cầm được một câu trả lời bực tức.
“Tôi không phải là con chó,” nó nói thế.
“Không. Lẽ ra tôi không nên ngốc thế. Tôi là một chàng
trai. Tên tôi là Greg. Cô này là Laurie.”
“Anh ta chọc ghẹo em đó mà,” Laurie nói. “Hay là chị nên đập
cho hắn một cái?”
Katy ngẫm nghĩ một lúc, rồi bảo, “Không nên.”
“Alice sẽ cưới một chàng lính canh,” Greg tiếp tục, “Cuộc đời
quân nhân thật gian khổ, Alice than thở.”
Katy nói chen vào ở chữ Alice sau của Greg.
Laurie bảo Greta họ đang tập huấn lớp mẫu giáo, tập các lối
văn trào phúng. Việc đó gọi là tập đọc sách. Thật ra họ là những nghệ sĩ. Cô
sẽ xuống ga ở Jasper nơi cô có một việc làm mùa hè chạy bàn trong tiệm ăn và
đóng những hài kịch nhỏ. Không hẳn là công việc thực tập đọc sách. Môn giải
trí người lớn, thật thế.
“Lạy Chúa” cô ta nói. Rồi cười phá lên. “Kiếm được việc gì
thì làm”
Greg thoải mái hơn, và sẽ xuống ở Saskatoon. Gia đình anh ở
đó.
Bọn họ thật xinh đẹp, Greta nghĩ thầm. Cao, rắn rỏi, mảnh
mai một cách kỳ lạ, chàng trai có mái tóc xoăn màu sẫm, cô gái tóc đen, da thịt
mỡ màng như Madonna. Khi Greta nói tới sự tương tự này một lát sau đó, bọn họ
bảo là đôi khi họ cũng lợi dụng điều này, khi cần phải thu xếp chuyện ăn ở.
Điều đó làm cho mọi việc không kết thúc dễ dàng hơn, nhưng họ phải nhớ để đặt
hai giường ngủ và làm cho cả hai cái bừa bộn lên sau một đêm.
Và bây giờ, họ nói với Greta, bây giờ thì họ không cần phải
lo lắng nữa. Không có gì làm họ bực mình. Họ đang chia tay, sau ba năm ở bên
nhau. Họ vẫn còn giữ trinh tiết qua nhiều tháng, ít nhất là trong quan hệ giữa
hai người với nhau.
“Bây giờ thì hết chuyện cung điện Buckingham,” Greg bảo
Katy. “Bây giờ tôi phải làm bài tập của mình.”
Greta nghĩ thầm có lẽ anh ta sắp đi xuống phía dưới hoặc ít
nhất là tới chỗ lối đi để làm một vài động tác thể dục mềm dẻo, nhưng thật ra
chàng ta và Laurie chỉ ngẩng đầu ra sau, ưỡn cổ ra, và bắt đầu hót líu lo,
kêu lảnh lói và hát những bài nhạc kỳ quái. Katy rất thích thú, coi đó là món
quà tặng, như thể là một màn biểu diễn dành riêng cho mình. Nó bắt đầu tỏ vẻ
là một khán giả đứng đắn – ngồi rất im cho đến khi bài tập kết thúc, rồi phá
ra cười ngặt nghẽo.
Một số người tính đi lên bậc thang lại phải dừng lại ở chân
thang, không vui vẻ được như Katy và không biết phải làm gì.
“Xin lỗi,” Greg nói, không giải thích gì cả nhưng với một
dáng điệu thân mật. Chàng ta đưa tay ra cho Katy.
“Hãy tìm xem có một phòng chơi nào không.”
Laurie và Greta đi theo họ. Greta hy vọng rằng chàng trai
này không phải là loại người tìm cách kết bạn với trẻ con để tự đánh giá khả
năng giao tế của mình, rồi cảm thấy chán và bực mình khi nhận ra sự nhiệt
thành của một đứa bé là vô tận.
Đến giờ ăn trưa hay trước đó, cô biết mình không cần phải
lo lắng thế. Điều xảy ra không phải là sự thú vị đối với Katy làm Greg mệt mỏi,
nhưng là những đứa trẻ khác tham gia trò chơi và anh chẳng tỏ ra mệt tí nào.
Thật ra Greg không cố tình bày trò thi đua. Anh sắp xếp mọi
việc sao cho sự chú ý của mọi đứa bé tập trung vào anh chuyển thành sự chú ý
của bọn trẻ đối với nhau, và vào trò chơi, sống động, thậm chí ồn quá mức,
nhưng cũng không ngỗ nghịch quá đáng. Không có đứa trẻ nào tỏ ra tức tối. Những
trò nhõng nhẽo biến mất. Chỉ tiếc không đủ thì giờ - quá nhiều trò vui tiếp tục.
Thật là phép lạ, thói nghịch ngợm trẻ con đã được dàn xếp gọn gàng trong
không gian nhỏ hẹp. Bọn trẻ chơi đùa nhiều như thế sẽ ngủ giấc say vào buổi
chiều.
“Anh ấy thật tuyệt,” Greta bảo Laurie.
“Gần được như vậy,” Laurie nói. “Anh ấy không sợ phí sức lực.
Chị biết không? Rất nhiều nghệ sĩ tiết kiệm sức lực của họ. Đặc biệt các diễn
viên. Ra khỏi sân khấu là y như chết vậy.”
Greta thầm nghĩ, đó cũng là điều mình đang làm. Mình đang
tiết kiệm sức lực đây. Thận trọng với Katy, cẩn thận với Peter.
Trong mười năm họ đi vào tình trạng ấy, mặc dù cô không chú
ý, gần như mọi thứ đều tập trung vào việc ấy. Đã tới tình trạng trước đây
chưa từng có. Trôi đi tự nhiên. Cho đi. Một số người cho đi, một số người
không. Rào cản giữa cái bên trong và bên ngoài của tâm trí bạn bị đạp đổ. Sự
chân thực đòi hỏi điều ấy. Những điều như thơ của Greta, không trôi ra một
cách tự nhiên, trở nên sự nghi ngờ và bị nhạo báng. Tất nhiên cô đã làm hết sức
mình, bực bội tìm kiếm, cứng cỏi một cách bí mật như những cái đinh đóng ngược.
Nhưng lúc đó, bé Katy đã chịu Greg, say mê những điều anh làm; việc ấy thì
Greta biết ơn.
Về chiều, như Greta đoán trước, bọn trẻ ngủ vùi. Những người
mẹ một số cũng đi ngủ. Một số khác chơi bài. Greg và Greta vẫy tay cho Laurie
khi cô nàng xuống tàu ở Jasper. Laurie gởi một nụ hôn gió từ sân ga. Một người
đàn ông lớn tuổi hơn xuất hiện, cầm lấy vali của cô, hôn cô âu yếm, nhìn về
đoàn tàu và vẫy tay với Greg. Greg vẫy tay lại.
Nhiều cái vẫy tay nữa khi đoàn tàu rời đi, rồi anh ta và
Greta đưa Katy trở lại toa tàu, con bé ngủ thiếp giữa hai người, vẫn ngủ ngay
cả khi tàu giật sốc. Họ mở tấm màn cửa ra để có nhiều không khí, bây giờ
không sợ trẻ con rơi ra ngoài nữa.
“Có con thích lắm” Greg bảo thế. Mỗi lần lại có một chữ mới
mẻ, hay ít nhất cũng mới với Greta. “Đúng vậy” Greta nói.
“Chị rất bình thản. Sắp tới thế nào chị cũng nói, đời là thế
đó.”
“Tôi sẽ không nói thế đâu.” Greta bảo, nhìn anh ta trân trối
một lúc cho đến khi Greg lắc đầu và cười phá lên.
Anh nói với cô rằng anh trở thành một diễn viên cũng vì anh
đi nhà thờ. Gia đình anh theo đạo Thiên chúa, thuộc một giáo phái mà Greta
chưa hề nghe đến bao giờ. Giáo phái này không có đông giáo dân nhưng giàu có,
ít nhất vài người trong số họ. Họ xây một nhà thờ có rạp hát bên trong ở một
thị trấn thảo nguyên. Đó là nơi mà anh tập đóng kịch khi chưa tới mười tuổi.
Họ diễn những vở kịch có xuất xứ trong thánh kinh nhưng cả những chuyện mới,
về những điều tệ hại mà dân chúng mắc phải khi họ không có lòng tin vào Thiên
chúa. Gia đình anh tự hào về anh và chính anh cũng cảm thấy thế. Anh không
bao giờ dám nghĩ đến chuyện kể cho họ nghe về những chuyện xảy ra khi những
người theo đạo tân tòng giàu có đứng cầu nguyện và được ban phép lành. Dù sao
cậu trai nhỏ cũng thích được mọi người tán thưởng và quả thực anh thích đóng
kịch.
Cho đến một ngày đứa bé nhận ra rằng nó có thể đóng kịch mà
không nhất thiết phải làm tất cả những thứ theo phép tắc nhà thờ. Anh dùng những
lời lẽ rất lịch thiệp để giải thích nhưng người ta bảo anh bị Quỷ ám. Anh cười
ha ha và nói tôi biết cái gì đang ám tôi.
Tạm biệt.
“Tôi không muốn chị nghĩ rằng những chuyện ấy là xấu. Tôi vẫn
tin vào cầu nguyện và mọi thứ khác. Nhưng tôi không bao giờ có thể kể cho gia
đình tôi nghe điều gì xảy ra. Bất cứ điều gì chỉ đúng một nửa cũng làm họ
không chịu nổi. Chị có biết những người như thế không?”
Cô bảo Greg rằng khi cô và Peter lần đầu chuyển về
Vancouver, bà nội của cô, lúc ấy vẫn ở Ontario, có biết một vị linh mục nhà
thờ ở đó. Ông gọi điện thoại và cô, Greta tỏ ra khinh khỉnh lạnh lùng với
ông. Vị linh mục nói rằng ông sẽ cầu nguyện cho cô nhưng cô nói thẳng rằng cô
chẳng quan tâm. Bà nội cô mất vào lúc đó. Greta cảm thấy xấu hổ và phát khùng
lên về sự xấu hổ của mình mỗi khi cô nghĩ tới chuyện ấy.
Peter chẳng hiểu gì cả. Mẹ anh chẳng bao giờ tới nhà thờ, mặc
dù một trong những lý do khiến ngày trước bà đã mang anh qua những ngọn núi
là để họ có tự do trở thành người Công giáo. Anh nói Công giáo là chọn lựa tốt,
bao giờ cũng giúp người ta có nhiều ưu thế trên đời.
Đó là lần đầu cô nghĩ tới Peter một lúc khá lâu.
Thực tế là cô và Greg đã uống một ít rượu trong khi cuộc
trò chuyện tuy buồn rầu nhưng dễ chịu của họ tiếp tục. Anh mang tới một chai
rượu ouzo (5). Cô thận trọng với nó như lúc nào cũng thế đối với rượu,
kể từ buổi tiệc với các nhà văn kia, nhưng rồi tác dụng của nó cũng xuất hiện.
Đủ để họ ve vuốt tay nhau, hôn hít và đụng chạm. Tất cả chuyện ấy xảy ra bên
một đứa trẻ đang ngủ.
“Chúng mình phải dừng lại thôi,” Greta bảo. “Nếu không sẽ rất
tệ hại.”
“Có phải chúng mình đâu,” Greg bảo. “Những người nào khác.”
“Vậy bảo họ dừng lại. Anh có biết tên của họ không?”
“Chờ coi nào. Reg. Reg và Dorothy.”
Greta bảo “Vậy thì dừng lại, Reg. Con bé ngây thơ của em
thì sao?”
“Chúng ta có thể tới giường ngủ của anh. Không xa lắm.”
“Anh có.”
“Anh không mang trên mình chứ”
“Tất nhiên không. Em nghĩ anh là thứ quỷ gì?”
Thế rồi họ sửa soạn chăn gối xô lệch, rời khỏi khoang tàu,
cẩn thận gài nút tất cả khoá trên giường Katy đang ngủ, và với vẻ mơ màng, cả
hai di chuyển lẹ làng từ chỗ của Greta tới nơi của Greg.
Việc ấy không cần – vì họ chẳng gặp ai cả. Hành khách nào
không ở trong toa vòm chụp hình những dãy núi bất tận thì cũng ở trong toa bán
rượu bia, hay say ngất ngư đâu đó.
Trong khoang của Greg lộn xộn đồ đạc, họ cởi những đồ mặc
trên người còn lại. Cái giường chật khó nằm, nhưng họ xoay xở được, nằm lăn
lên người nhau. Mới đầu họ cười phá lên, sau đó một niềm vui bất tận, và chỉ
nhìn vào mắt nhau để thỏa mãn. Cắn vào nhau để khỏi bật ra những tiếng kêu la
inh ỏi.
“Thích quá,” Greg bảo. “Mọi thứ đều tuyệt.”
“Em phải trở về thôi.”
“Sao lẹ vậy?”
“Katy có thể thức dậy bất cứ lúc nào, không thấy em.”
“Được rồi, được rồi. Anh cũng phải xuống Saskatoon. Cái gì
xảy ra nếu đoàn tàu tới đó mà chúng ta đang làm chuyện kia? Chào mẹ ạ. Chào
ba ạ. Xin lỗi con đang bận làm cái này một chút. Ô hô!”
Greta trở nên kín đáo và buông Greg ra. Thật ra cô cũng
không quan tâm lắm ai là người cô đã gặp. Cô yếu đuối, hoảng loạn, nhưng bay
bổng nhẹ nhàng, giống như một đấu sĩ La Mã – cô thực ra cũng nghĩ tới điều
này và mỉm cười – sau một cuộc đấu trên khán đài.
Dù vậy cô biết cô chưa gặp tri kỷ.
Cái vòng khoá của màn cửa đã bị mở. Cô biết chắc cô đã kéo
nó lại rồi và đóng chặt. Mặc dù cái khoá đã mở nhưng Katy cũng khó mà bò ra
ngoài và con bé chắc không làm thế. Có lần Greta đã đi nhà vệ sinh và cô giải
thích một cách rõ ràng cho Katy là không nên chạy theo cô, và Katy đã nói con
sẽ không làm vậy đâu, như thể mẹ quá coi thường nó.
Greta cầm cái màn cửa mở toang ra, nhưng không thấy Katy
đâu hết.
Cô phát điên. Cô chụp cái gối như thể một đứa trẻ cỡ Katy
có thể núp đằng sau. Cô đấm vào chăn như thể con bé nằm im trong ấy. Cô
bình tĩnh lại và nghĩ xem chuyến tàu có lúc nào dừng không, và nếu có thì ở
đâu, trong khoảng thời gian cô đang ở bên Greg. Khi tàu dừng lại, nếu quả có
một lúc nó dừng, một tên bắt cóc trẻ em có lên được tàu hoả và bồng con bé đi
mất không?
Greta đứng giữa lối đi, cố nghĩ xem làm cách nào để dừng đoàn
tàu.
Rồi cô nghĩ, cố làm cho mình nghĩ, rằng thật ra chẳng có gì
xảy ra cả. Đừng nghĩ ngợi lung tung. Katy thức dậy, không thấy mẹ và đi tìm.
Và nó đi tìm mẹ một mình, thế thôi.
Greta đứng sững. Thân xác cô, tâm trí cô, trống rỗng. Điều ấy
không thể xảy ra được. Trở lại, trở lại nữa, trở lại cái lúc mà cô cùng bỏ đi
với Greg. Dừng. Dừng lại.
Bên kia lối đi là một cái ghế không có ai ngồi. Một cái áo
len phụ nữ và một vài tạp chí để trên ghế như đánh dấu chỗ ngồi. Bên kia nữa
một chỗ ngồi với dây an toàn kéo lên như thể cô đang- họ đang- ngồi đó. Greta
kéo bật chúng ra. Một ông già nằm ngủ trở người nhưng không thức dậy. Ông ta
chẳng thể nào che giấu một người khác sau lưng mình.
Thật quái lạ.
Một nỗi sợ hãi khác đến. Giả sử Katy đi một mình tới đầu
này hay đầu kia của toa tàu và mở được cánh cửa toa tàu ra. Hoặc đi theo một
người vừa mở cửa. Ở giữa hai toa tàu có một lối đi nhỏ bạn có thể bước qua chỗ
chúng nối lại với nhau. Ở đó bạn có thể cảm nhận được sự xô đẩy của toa tàu
náo động ầm ĩ và ghê sợ. Một cánh cửa nặng nề phía sau lưng bạn, một cánh cửa
nặng nề phía trước, và hai bên là những tấm sắt thép loảng xoảng va vào nhau.
Những thứ này che khuất bậc tam cấp khi đoàn tàu dừng lại.
Bao giờ bạn cũng vội vàng đi qua những chỗ nối hai toa tàu,
khi sự va chạm xoay chuyển kim loại nhắc bạn nhớ đến những điều sắp xếp không
phải bao giờ cũng hiển nhiên. Sự va chạm xoay vần của các tấm thép ngẫu nhiên
mà hối hả.
Và ở chỗ ấy, giữa hai toa tàu, trên một trong những tấm sắt
thép va đập ồn ào liên tục – Katy ngồi đó. Mắt nó mở to, môi hé mở, một mình,
sửng sốt. Nó không khóc, nhưng khi nhìn thấy mẹ, con bé òa lên nức nở.
Greta ôm lấy nó, kéo nó vào lòng và loạng choạng lùi lại
bên cửa, cánh cửa cô vừa mở ra.
Tất cả các toa xe đều có tên, nhắc nhở các trận đánh, những
cuộc phiêu lưu mạo hiểm hay những người Canada có công trạng lịch sử. Tên của
toa xe của họ là Connaught. Cô sẽ không bao giờ quên.
Katy không bị tổn thương. Quần áo của nó không bị mắc dính
vào các tấm sắt ở khoang giữa hai toa xe lửa.
“Con đi tìm mẹ.” Nó nói.
Khi nào? Mới lúc nãy, hay là ngay khi Greta bỏ con mà đi?
Chắc không phải thế. Nếu thế thì có người đã nhìn thấy, kéo
nó lên và kéo còi báo động rồi.
Mặt trời mọc nhưng thời tiết không ấm lắm. Mặt và hai tay
cô lạnh giá.
“Con nghĩ mẹ ngồi ở bậc lên xuống” con bé nói.
Cô choàng một cái mền lên người con, và ngay lúc đó cô bắt
đầu run lập cập như bị lên cơn sốt. Cô thấy ngấm bệnh, và có chút buồn nôn lợm
lên trong họng. Katy nói, mẹ đừng có đẩy con, và bước lùi lại.
“Mẹ có mùi kỳ quá hà”, nó nói.
Greta rụt tay lại, ngồi tựa hẳn lưng vào ghế.
Thật kinh khủng, cô nghĩ miên man về những điều xảy ra, thật
kinh khủng. Con bé vẫn cứng người lại vì phản ứng, tự ngồi xa ra.
Một người nào đó dễ dàng tìm thấy Katy, lúc nó ngồi một
mình. Một người tử tế nào đó, không phải kẻ xấu, nhìn thấy con bé ở đó và
mang nó tới nơi an toàn. Greta sẽ nghe được những thông báo lo ngại, tin tức
loan ra là có một đứa bé bị bỏ rơi trên xe lửa. Một đứa bé khai rằng nó tên
là Katy. Cô sẽ luống cuống bò dậy và chạy đi từ chỗ nằm của mình, sửa soạn
cho tử tế một chút, chạy thật mau đến chỗ con bé và sẽ nói dối, bảo rằng cô mới
đi vào phòng vệ sinh. Tất nhiên cô sẽ sợ hãi, nhưng vẫn còn hơn là bây giờ bị
ám ảnh bởi hình ảnh của Katy ngồi một mình ở đó nơi khoảng trống chật hẹp ồn
ào kia, cô độc giữa hai toa xe lửa.
Không khóc, không than phiền, như thể nó ngồi đó mãi mãi,
và không nhận được một lời giải thích nào của người lớn, không hy vọng. Mắt
nó mở to trống rỗng, miệng nó hé mở, trễ xuống, vào giây phút được mang đi và
nó bắt đầu khóc. Chỉ vào lúc đó con bé mới trở lại với thế giới của nó, quyền
của một đứa bé được đau khổ và được than vãn.
Bây giờ nó nói không buồn ngủ và muốn thức. Nó hỏi Greg ở
đâu. Greta bảo anh chàng đi ngủ vì mệt.
Katy và mẹ đến chỗ toa có vòm kính và ngồi suốt buổi chiều.
Chỉ có hai mẹ con ở đó. Những người chụp hình dãy núi Rocky Mountain chắc đã
mệt và đi nghỉ. Và như Greg đã từng nhận xét, những cánh đồng cỏ làm họ trở
nên phẳng lặng.
Chuyến tàu dừng lại một lát ở Saskatoon và vài người xuống
ga. Greg đi xuống giữa những người ấy. Greta nhìn thấy hai người đến đón anh
ta, có lẽ cha mẹ. Và có cả một người đàn bà lớn tuổi ngồi trên xe lăn, có lẽ
bà nội hay bà ngoai, và rồi một vài người trẻ tuổi hơn đứng vòng quanh vui vẻ,
bối rối. Không có ai ra vẻ thuộc nhóm đạo cuồng tín, hay những người khó tính
hay dễ ghét cả.
Nhưng làm sao bạn biết được một người như thế trong đám
đông?
Greg quay lại và nhìn các cửa sổ tìm kiếm. Greta vẫy tay từ
toa xe lửa, anh ta nhìn thấy và vẫy tay lại.
“Kia là Greg,” cô bảo Katy. “Nhìn xuống dưới kia. Anh ta
đang vẫy tay. Con vẫy lại đi chứ?”
Nhưng Katy cảm thấy tìm anh ta thật khó khăn. Hay vì nó chẳng
cố gắng làm điều ấy. Nó quay đi với vẻ thản nhiên nhưng hơi bực bội và Greg
sau một hồi vẫy tay liên tiếp cũng quay đi. Greta tự hỏi có phải vì con bé trừng
phạt anh vì bỏ rơi nó, không muốn nhớ đến anh nữa hay không muốn biết.
Thôi được, chuyện đã như vậy thì quên đi.
“Greg có vẫy tay cho con mà.” Greta bảo khi xe lửa bắt đầu
rời ga.
“Con biết chứ.”
Đêm ấy khi Katy đã ngủ bên cạnh mẹ, Greta ngồi viết thư cho
chồng. Một bức thư thật dài, cô cố viết cho vui vẻ, về tất cả những người mà
họ đã gặp trên xe lửa. Họ thích nhìn qua những chiếc máy ảnh hơn là nhìn vào
cảnh thực, và tương tự thế. Con bé Katy cư xử phải phép. Không nhắc gì về vụ
cô để lạc nó, tất nhiên, hay nỗi sợ hãi kia. Cô bỏ thư vào thùng khi những
cánh đồng cỏ đã bị bỏ lại phía sau và những rặng cây vân sam trôi đi mãi mãi,
và chuyến xe dừng lại vì một lý do nào đó ở một thị trấn nhỏ hoang phế có tên
Hornepayne.
Những giờ thức giấc còn lại qua hàng trăm dặm cô dành cho
Katy. Cô thầm biết sự săn sóc này chưa từng có trước đây. Tất nhiên cô là người
săn sóc con, mặc áo cho nó, cho nó ăn, trò chuyện, trong những giờ họ bên
nhau, Peter đi làm việc. Nhưng Greta cũng có những công việc khác trong nhà
và không phải bao giờ cũng chú tâm săn sóc con, sự âu yếm chỉ là đối phó.
Nhưng không phải chỉ vì cô bận việc nhà. Những ý tưởng khác
dồn dập đến làm cho đứa bé không còn trong tâm trí cô nữa. Ngay cả trước khi
sự ám ảnh vô ích, mệt mỏi, ngốc nghếch về người đàn ông ở Toronto, có những
công việc khác, và việc làm thơ cũng choán hết tâm trí cô. Điều ấy làm cô ngạc
nhiên như thể đó là một hình thức phản bội – đối với con gái, với chồng, với
cuộc đời. Và bây giờ, bởi vì hình ảnh trong đầu cô về Katy ngồi một mình ở giữa
những tấm sắt thép đụng nhau loảng xoảng kia – vì thế mà cô, mẹ của đứa bé,
nghĩ đến chuyện vứt bỏ tất cả.
Một tội lỗi. Cô để tâm trí vào chuyện khác. Cô tập trung
vào việc gì đó chứ không phải vào con mình. Thật tội lỗi.
Họ đến Toronto vào giữa buổi sáng. Trời âm u. Sấm chớp mùa
hè. Katy chưa bao giờ thấy chuyện ấy ở vùng bờ biển miền Tây Canada, nhưng
Greta bảo con gái không có gì phải sợ và Katy cũng không tỏ vẻ sợ hãi. Hay sợ
bóng tối được thắp sáng bằng điện trong một đường hầm hun hút khi tàu dừng.
Nó bảo, "Đêm".
Greta nói, Không, không, hai mẹ con chỉ việc đi tới đầu kia
của đường hầm, bây giờ họ đã xuống xe lửa.
Rồi vài bậc tam cấp, có thể một cầu thang, rồi họ đi lên một
toà nhà lớn và bước hẳn ra ngoài, nơi họ đón taxi. Taxi là chiếc xe hơi nhỏ,
sẽ chở họ về nhà. Nhà mới của họ, nơi họ sẽ sống một thời gian. Hai mẹ con sẽ
sống ở đó một thời gian, rồi họ sẽ lại quay về với người cha yêu dấu của con.
Họ đi lên đường uốn lượn, rồi một thang máy. Katy dừng lại
và Greta cũng đứng chần chừ, cho đến khi nhiều người đi qua vượt lên họ. Rồi
Greta nhấc Katy lên, bồng con một bên nách, kéo vali bằng một tay, khom người
lôi xềnh xệch lên các bậc tam cấp. Khi lên xong cô đặt con bé xuống và họ lại
cầm lấy tay nhau trong ánh sáng rực rỡ của Ga Lớn.
Những hành khách đi qua trước mặt họ bắt đầu tản mác theo
những người đến đón, những người kêu lớn tên người thân, hay chỉ đơn giản bước
về phía họ và nắm lấy quai xách vali, nhấc lên. Có một người nào đó cũng nắm
lấy vali của hai mẹ con. Nắm lấy vali của họ, ôm chầm lấy Greta, và hôn cô lần
đầu tiên, hôn một cách mạnh mẽ và hân hoan.
Harris.
Đầu tiên cô choáng váng, rồi run lên trong lòng, và sau
cùng cảm giác an tâm.
Cô muốn đứng sát vào Katy nhưng trong giây lát ấy con bé bỗng
tách ra khỏi mẹ, buông hẳn tay ra, để cho cô được tự do.
Cô không chạy trốn. Cô đứng đó mặc cho mọi chuyện tới đâu
thì tới.
Chú thích:
(1) Paradise Lost. Trường thi của John Milton (1608- 1674),
nhà thơ lớn của Anh. Xuất bản lần đầu năm 1667, gồm mười cuốn, trên mười ngàn
câu thơ, được giảng dạy trong các chương trình văn học.
(2) poetess.
(3) Lions Gate Bridge, lấy tên hai ngọc núi phía bắc
Vancouver, The Lions, là một cây cầu nổi tiếng, xây xong năm 1938, băng ngang
eo biển phía bắc công viên Stanley Park.
(4) dome car, một toa hành khách trên xe lửa, có một vòm bằng
kính trên nóc để ngắm cảnh, có thể có phòng ăn, phòng ngủ, phòng sinh hoạt,
phổ biến ở Mỹ và Canada.
(5) ouzo: một loại rượu của Hy lạp.
|
Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018
Cuộc đời yêu dấu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch
Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét