Không gian nghệ thuật trong thơ Huy Cận
Không gian nghệ thuật thơ Huy Cận là cả một thế giới bên
trong sâu lắng, bàng bạc mông mênh cảm xúc. Lấy cảm hứng từ vũ trụ và thiên
nhiên, thơ Huy Cận là cõi bao la trong nỗi buồn mênh mang, là sự cảm nhận thân
phận bé nhỏ cô độc của con người trước vũ trụ, là cái hữu hạn đời người trước
vô tận của đất trời…
Đi tìm những nét đặc trưng trong thi pháp nghệ thuật của Huy
Cận, thế giới nội tâm sâu lắng qua hình ảnh của không gian như: Dòng sông, bầu
trời, con đường, biển cả… Song tất cả cũng để toát lên nỗi buồn thiên cổ, nỗi
buồn như từ thuở con người cảm nhận được kiếp người, cảm nhận cái tôi bé nhỏ của
một linh hồn lạc loài chấp chới. Phải đến sau Cách mạng tháng Tám, cuộc sống mới
đã thổi vào hồn thơ Huy Cận một nguồn gió mới làm thay đổi điểm nhìn, cách nhìn
của nhà thơ. Vẫn bút pháp tài hoa lãng mạn, vẫn cảm hứng về vũ trụ nhưng hồn
thơ thi nhân căng tràn nhựa sống, đầy ắp niềm tin “Trời mỗi ngày lại sáng”. Điểm
nhìn đã thay đổi tất yếu tứ thơ cũng thay đổi, hình tượng thiên nhiên, vũ trụ
cũng thay đổi và tạo nên thông điệp mới về con người, cuộc sống.
1. Bắt đầu từ những vần thơ trong tập Lửa thiêng,
không gian nghệ thuật của Huy Cận thường gắn liền với những dòng sông mênh mông
nước: “Nắng đã xế về bên xứ bạn/ Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy” (Vạn lý
tình). Sông nước cứ duềnh lên, mênh mông không tìm thấy đâu là bến bờ. Đó chính
là dòng cảm xúc. Không gian nghệ thuật của nhà thơ như kéo dài vô tận: “Sóng gợn
tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước
lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng” (Tràng giang). Giữa cái mênh
mông của sông dài trời rộng, một con thuyền trôi xuôi, một cành củi khô lạc giữa
dòng, đó là biểu tượng thân phận con người bơ vơ giữa dòng đời, giữa thiên
nhiên. Cái cảm giác cô đơn của con người trong thơ Huy Cận không chỉ đặt trong
không gian ba chiều mênh mông bát ngát mà còn có cả chiều thứ tư: Chiều thời
gian vô tận (sóng gợn tràng giang), đó là nỗi buồn nhân thế từ ngàn xưa vọng về
theo cơn sóng gợn để lay động tâm thức nhà thơ. Không gian vô định, thời gian
vô tận chỉ con người nhỏ bé hữu hạn. Giáo sư Phan Cự Đệ đã gọi đó là “Cái buồn
trong cuộc đời thực thành những dòng lệ trong văn chương”.
2. Theo quan niệm mỹ học của các nhà thơ mới, cái đẹp
luôn gắn với cái buồn, cái buồn trong Tràng giang cứ chất chồng tầng
tầng lớp lớp, cứ luôn hiện hữu như từng cơn sóng gợn mặt nước sông dài, và
thiên nhiên được cá thể hóa thành “Củi một cành khô” lạc giữa dòng trôi vô định,
thành những cánh bèo dật dờ nước cuốn: “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng/ Mênh mông
không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp
bãi vàng” (Tràng giang).
Thân phận bọt bèo, trôi về đâu? Không gian với tính ước lệ tượng
trưng qua hình ảnh những cánh bèo trôi. Nhà thơ mang cả nỗi buồn thời thế, mang
cả tâm trạng cô độc trong thế giới nội tâm sâu thẳm trong không gian hiu quạnh.
Không một con đò, không một chiếc cầu, không chợ, không khói chiều, chỉ có thi
nhân cô độc dưới bóng chiều lặng ngắm những cánh bèo cứ lặng lẽ nối tiếp nhau
phiêu dạt qua bờ xanh bãi vàng hiu hắt để nỗi buồn cứ dợn lên cứ lan tỏa thấm
sâu nỗi nhớ quê nhà của thân phận lạc loài.
Không gian nghệ thuật là mô hình không gian của thế giới nghệ thuật được
xây dựng bằng hình tượng ngôn ngữ nghệ thuật để biểu hiện thế giới quan niệm
của tác phẩm, là thông điệp của người nghệ sĩ.
|
Không gian bên ngoài đi vào thơ Huy Cận thành thế giới nội
tâm, nhà thơ thường chọn những khoảng cách vô tận mang tính đối lập: “Nắng xuống
trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu” (Tràng giang); “Lên bề
cao hay đi xuống bề sâu?/ Không biết nữa - Có chút gì làm ngợp” (Đi giữa đường
thơm); “Nắng đã xế về bên xứ bạn/ Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy” (Vạn lý
tình).
Không có sự giao thoa, chỉ có khoảng cách mưa - nắng, dài
- rộng, lên - xuống, cao - sâu… Ngay cả trong lời tự tình tuyệt
đẹp của Ngậm ngùi, không gian cũng bị chia cắt trên cũng một bãi sông: “Nắng
chia nửa bãi chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu” (Huy Cận).
Đó chính là nỗi cô đơn giằng xé đến tột cùng. Nếu như Xuân Diệu:
“Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”, thì Huy Cận lại
mang đến một trường liên tưởng rất lạ tạo cho người đọc một cảm giác không gian
như đè nén lên tâm can để con người có thể cân đo không gian trong thoáng mơ hồ:
“Tai nương giọt nước mái nhà/ ghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn” (Buồn đêm
mưa). Cái buồn vô cớ mà vẫn cứ buồn, chừng như cái buồn ấy cứ chực chờ một ngoại
cảnh nào đó có tác động hay không thì vẫn tuôn tràn. Những giọt mưa là những giọt
buồn tích tụ, lắng đọng trong cảm giác lả tả mơ hồ của cõi vô thức.
3. Không gian nghệ thuật luôn có ranh giới với không
gian vật chất bên ngoài, nó là thế giới tinh thần là điểm nhìn của nhà thơ. Huy
Cận chọn không gian của buổi chiều trong Ngậm ngùi: “Tay anh em hãy tựa
đầu/ Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi”…
Trong tập thơ Lửa thiêng, Huy Cận không vẽ nên những bức
tranh hoành tráng của thiên nhiên, không tô vẽ sắc màu rực rỡ mà chủ yếu là sắc
màu tâm tưởng, bàng bạc, đìu hiu heo hút của ngôi làng vùng sơn cước, là tiếng
thở dài, tủi nhục của người dân mất nước, là tâm trạng cô đơn đến tột cùng của
con người trước vũ trụ…
Và có lẽ phải đến cuối những thập niên 50 của thế kỷ 20, tâm
hồn thơ Huy Cận mới dạt dào nhựa sống thời đại: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/
Sóng đã cài then đêm sập cửa/ Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/ Câu hát căng buồm
cùng gió khơi” (Đoàn thuyền đánh cá).
Không là “Nắng chia nửa bãi”, không là “Hơi may hiu hắt bốn bề
tâm tư” mà là một bầu trời lồng lộng cao rộng in ráng đỏ xuống mặt biển bao la,
là nhịp điệu cuộc sống mạnh mẽ, tấp nập, mặc cho bóng đêm đổ ập vào. Sóng cồn
lên nhốt ánh sáng bằng động tác sập cửa nhanh mạnh, dứt khoát. Bóng đêm phủ
trùm nhưng con người không bơ vơ, rợn ngợp mà đầy ắp niềm lạc quan yêu đời: “Thuyền
ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng” (Đoàn thuyền đánh cá).
Đó là cách đặt con người ngang tầm vũ trụ, con thuyền là gạch
nối để liên kết trời và biển. Nhà thơ khắc tạc không gian đầy sắc màu: Lấp lánh
của cá song giữa ánh trăng vàng chóe rồi vẩy bạc đuôi
vàng, rạng đông… Đó là những màu tươi sáng của cuộc sống ấm no, của hạnh phúc.
Tầm thước con người trở nên rộng lớn, bài thơ là khúc tráng ca về lao động, về
tình yêu thiên nhiên, cuộc sống.
* Tư liệu tham khảo: GS. Trần Đình Sử: Dẫn luận thi pháp
học và Hoài Thanh - Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam.
Nguyễn Văn Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét