Mang Viên Long - Bền bỉ một đời văn
Ông ngồi bên chiếc tủ nghề đặt nơi vỉa hè của con đường dẫn
vào chợ nơi phố huyện quê ông, đang cặm cụi với công việc. Vẫn chiếc tủ hành
nghề, vẫn công việc hệt như bao người thợ sửa khóa khác, có điều ông đã quá tuổi
so với cái nghề vốn thường dành cho lớp trẻ, lớp trung niên. Vừa giũa mài cắt gọt
từng chiếc chìa khóa dường như ông cũng vừa đeo đuổi những dự phóng, những suy
tư cho trang viết của mình với nếp trán đăm chiêu. “Mang Viên Long, “ông giáo
già sửa khóa” đó à? Ổng hay lắm đó, vừa sửa khóa, vừa viết lách, hễ không có
khách thì ổng trật quyển tập ra kê trên chiếc ghế nhỏ mà viết, viết hoài viết hủy
vậy đó….”, nhiều người ở thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) đã nói khi tôi hỏi tìm
đến ông...
Phố huyện An Nhơn vừa mới được “lên” thị xã từ tên cũ là thị trấn
Bình Định - nơi có thành Bình Định, cái tên được lấy đặt tên tỉnh. Thị xã vẫn
không mấy lớn, không nhiều cách tân, nét xưa dáng cũ vẫn còn. Đến nhà ông Mang
Viên Long phải vượt qua một cổng chào đường bệ trên con đường lớn của thị xã, rồi
tẻ vào con đường nhỏ mang tên mới Thanh Niên nhưng tên phường được giữ nguyên
tên cổ: Bình Định, cách chỗ ông hành nghề sửa khóa chỉ hơn một cây số.
NHỌC NHẰN TRANG VIẾT
Ngôi nhà ông đang “ tá túc ” – nói theo lời ông, là của người
con trai út, mới lập gia đình nhưng lại sống theo quê vợ và đang làm việc ở huyện
kề bên, thành ra ông đang sống một mình. Từ mớ sách trên bàn, ông lấy ra hai
quyển còn thơm ngái mùi giấy mới, hồ hởi: “Mình mới ở Sài Gòn về. Vừa để “xem
trước” quyển sách sắp ra, vừa nhờ một vài bác sĩ là bạn bè ở trong ấy coi lại sức
khỏe cho mình. Nhân tiện lấy luôn một ít tác phẩm mới in hồi tháng trước của
mình về cho bạn bè, cho người đặt mua...”
Mở bìa của hai tác phẩm vừa in ra đã thấy “Như những giọt
sương” là quyển thứ 17 của ông. Ở phố huyện quê nhà ông, cả ở thành phố Quy
Nhơn cách chỗ ông chừng 20 cây số không ai gọi ông với cái danh vị nhà văn kèm
theo tên như thường gọi những nhà văn khác mà chỉ gọi thẳng tên ông thôi. Cũng
dễ hiểu, ông chỉ là một người lao động chân tay tranh thủ chút thì giờ dôi ra từ
công việc, cả nhín ngủ ban đêm để viết lách. Hơn ba mươi năm nay, kể từ ngày
ông rời bục giảng, người ở đây vẫn thấy ông là một người làm đủ mọi việc – một
“thợ đụng”, từ cuốc đất, dọn vườn đến phụ hồ, sửa xe đạp, xe máy..., và sửa
khóa là nghề ông trụ lại khi cơ bắp bắt đầu xuống sức.
Ít ai biết trong những tháng năm cực nhọc, dãi dầu tay bút
ông vẫn đêm đêm miệt mài trên trang giấy. Hàng trăm truyện ngắn, hàng trăm bài
tạp văn, tiểu luận của ông đã được viết từ bàn tay chai sần của nghề lao động
chân tay trải từ quê nhà cho đến nơi viễn xứ. Một sức viết, một sự thắng vượt
gian nan cho văn nghiệp đáng trân trọng. Nhưng ông vẫn khiêm nhường : “Có gì
đâu, hễ ai yêu cuộc đời, yêu văn chương thì làm được thôi mà!” Và cũng từ tính
khiêm cung, lặng lẽ của một người lao động giữa chợ đời đó của ông, ít ai biết
ông đã đến với văn chương từ rất sớm. Ở miền Nam thời trước, với những ai hay đọc
sách-báo, cái tên Mang Viên Long đã khá quen thuộc, gần gũi với họ. Là một cây
bút truyện ngắn được định danh ngay từ những tuyển tập tryện ngắn xuất bản từ
những năm đầu của thập niên 1970, cây bút Mang Viên Long – tên thật cũng là bút
danh của ông – đã chiếm được tình cảm của người đọc nhờ ở bút pháp dung dị,
trong sáng, cốt truyện luôn bám sát những phận người, tình đời, thời cuộc.
Ngoài những tập truyện được in sách, truyện ngắn, tạp văn, tiểu luận, phê bình
văn học của cây bút - nhà giáo trẻ Mang Viên Long cũng góp mặt thường xuyên
trên những tạp chí có tiếng lúc bấy giờ: Văn, Bách Khoa, Phổ Thông, Khởi Hành,
Ý Thức, Tuổi Ngọc...
Được cầm bút viết là hạnh phúc, trong câu chuyện, ông luôn nhắc
đi nhắc lại. Ông kể, năm 1978, khi nghỉ dạy (môn Việt văn và Anh ngữ), vì cuộc
sống gia đình có quá nhiều khó khăn, bức bách, ông cứ e mình khó mà cầm bút lại.
Nhưng canh cánh với nghiệp văn chương, chỉ dăm năm sau, giữa khó khổ vây
bủa tư bề ông đã cố nối lại duyên xưa với trang viết, cả những khi dạt vào Nam
kiếm sống. Như hoa vẫn nở trên nền sỏi đá, và lục bình vẫn vừa trôi vừa trổ
bông! (*)
LIỀN MẠCH YÊU THƯƠNG
Với gần 200 truyện ngắn được in, “nhà văn không thẻ” Mang
Viên Long quả là cây bút có lượng truyện ngắn đồ sộ. Sao với văn tài như vậy,
ông không viết tiểu thuyết? Vẫn điềm đạm, ông cho hay cuối năm 1974 ông đã hoàn
thành tiểu thuyết “Thân như ngọn cỏ”, chưa kịp in, rồi bản thảo cũng bị mất vì
loạn lạc. Viết truyện ngắn với ông như là nhu cầu tối ưu vì ông muốn “ghi” lại
được nhiều hơn, thật hơn những gì bày ra ngồn ngộn trong cuộc sống, nhất
là từ những buồn vui, được mất từ những phận đời bình dân, hèn mọn, những số phận
hẩm hiu, chìm khuất vắt qua thời cuộc. Ngay từ buổi đầu cầm bút, ông nhận ra thể
loại truyện ngắn có thể giúp ông dễ đạt sở nguyện trở thành người thư ký của cuộc
đời hơn là viết tiểu thuyết. “Bạn đọc ngay từ đầu đã “chọn” mình viết truyện ngắn
rồi mà, làm sao mà mình bỏ truyện ngắn được”, ông nói và cười hiền. Những tập
truyện của ông được in trước năm 1975 mà ông đang có được là nhờ bạn bè cùng những
bạn đọc không quen ở xa gởi đến tặng lại ông nhờ họ biết được địa chỉ của ông
sau ngày ông “trở lại” văn đàn, năm 2003.
Vẫn giọng văn của ngày nào, trong trẻo, nhẹ nhàng, không chỉ
người đọc cũ, ngay cả người đọc mới vẫn thích văn ông, truyện ông hôm nay. Giũ
liền mạch viết từ tấm lòng thiết tha với cuộc đời, hàng trăm truyện của ông là
những lát cắt tươi rói từ cuộc sống với những nhân vật, những cảnh ngộ ai cũng
thấy đâu đấy chung quanh mình, trong đời mình. Truyện ngắn, như nhiều người
nói, tưởng dễ viết nhưng lại không phải vậy. Thế mà cây bút Mang Viên Long nay
vẫn viết khỏe, vẫn không bị cái bóng hôm qua của mình phủ đè, che chắn làm mình
bị ngộp, bị tắt tỵ trên hành trình sáng tạo. Với hàng trăm truyện đã viết, truyện
nào cũng là một “phát hiện” dù ông chỉ “lấy ra” từ cuộc sống đã nói lên điều
đó. “Viết là để yêu thương thêm cuộc đời”, ông nói, xòe đôi tay chai sần, trầy
sướt, nhiều chiếc móng bị giũa lẹm sâu vào khi ông giũa chìa cho khách. Đồng
hành với cuộc sống, không cường điệu những tiêu cực, không bi thảm hóa nỗi đau,
lấy yêu thương, nhân bản làm đầu, đặt niềm tin trọn vẹn vào lẽ yêu thương, có lẽ
nhờ vậy mà người thợ khóa - nhà giáo Mang Viên Long ở tuổi 70 vẫn còn viết khỏe.
Trong ngôi nhà trống vắng, vượt qua nỗi buồn của gia cảnh vốn cũng có nhiều trắc trở, đêm đêm ông vẫn viết, tiếp nối những trang dòng được ông viết trên chiếc ghế con bên chiếc tủ sửa khóa. Ngoài tập truyện thứ 18 sắp xuất bản, ông đang viết tiếp cho hai tập còn dang dở.
Bao năm nhọc nhằn mưu sinh, lại dồn sức cho viết lách, sức khỏe ông nay đã suy sút. Nhưng vẫn như thuở nào, ông vẫn hăm hở trước trang viết. Không còn quá nặng chuyện mưu sinh, ông cho mình càng nợ cuộc đời này nhiều hơn nữa nếu lơi lỏng tay viết. Những sẻ chia của bạn bè, bạn đọc gần xa ông nhận được như là những phần thưởng thôi thúc ông phải cần mẫn hơn với công việc. Văn chương giúp ông nhìn sâu hơn vào góc khuất của phận người trong chuỗi biến thiên, dâu bể của cuộc đời, viết lên mỗi câu chuyện là góp chút nhỏ nhoi vào cho sự thắng vượt của tình yêu thương, của lẽ thật và niềm tin trước những khổ đau, bất hạnh của đời người. Cũng nhờ vậy những tác phẩm của ông luôn được một số nhà sư ở các nơi đặt mua mỗi tác phẩm vài ba chục quyển “Đó cũng là niềm động viên, khích lệ mình phải cố mà viết...”, ông nói và cười, trông ông thật an lạc.
Trong ngôi nhà trống vắng, vượt qua nỗi buồn của gia cảnh vốn cũng có nhiều trắc trở, đêm đêm ông vẫn viết, tiếp nối những trang dòng được ông viết trên chiếc ghế con bên chiếc tủ sửa khóa. Ngoài tập truyện thứ 18 sắp xuất bản, ông đang viết tiếp cho hai tập còn dang dở.
Bao năm nhọc nhằn mưu sinh, lại dồn sức cho viết lách, sức khỏe ông nay đã suy sút. Nhưng vẫn như thuở nào, ông vẫn hăm hở trước trang viết. Không còn quá nặng chuyện mưu sinh, ông cho mình càng nợ cuộc đời này nhiều hơn nữa nếu lơi lỏng tay viết. Những sẻ chia của bạn bè, bạn đọc gần xa ông nhận được như là những phần thưởng thôi thúc ông phải cần mẫn hơn với công việc. Văn chương giúp ông nhìn sâu hơn vào góc khuất của phận người trong chuỗi biến thiên, dâu bể của cuộc đời, viết lên mỗi câu chuyện là góp chút nhỏ nhoi vào cho sự thắng vượt của tình yêu thương, của lẽ thật và niềm tin trước những khổ đau, bất hạnh của đời người. Cũng nhờ vậy những tác phẩm của ông luôn được một số nhà sư ở các nơi đặt mua mỗi tác phẩm vài ba chục quyển “Đó cũng là niềm động viên, khích lệ mình phải cố mà viết...”, ông nói và cười, trông ông thật an lạc.
Huỳnh Văn Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét