1. Những năm qua, đời sống văn hóa và tinh thần nói chung,
đời sống văn chương nói riêng đã diễn ra tình trạng loạn chuẩn tới mức báo động,
và nổi lên những hiện tượng kỳ dị- nổi bật nhất là tình trạng "lạm phát
thơ" (như tên một bài viết), mà đỉnh cao (hay thực chất là biến tướng quái
đản nhất của nó) là hiện tượng người làm thơ dám tự nhận "mượn bút tiền
nhân"...
Là một người yêu thơ, và đang làm một công
việc có thể nói là lấy thơ ca làm gốc, tôi xin mạnh dạn góp mấy lời lạm bàn.
Đúng là có sự thật: "Nhan nhản những
tập thơ vô thưởng vô phạt xuất hiện trong các giải thưởng, trên quầy sách, trên
bàn thờ tổ tiên hay trên những trang mạng cá nhân. Đó là thứ thơ sáo mòn, nhạt
thếch và cũ rích, tưởng như vừa khai quật trong bãi thải của quên lãng... Nhưng
cũng không ít người say mê với nó và tưởng mình không thua gì Nguyễn Bính, Xuân
Hương khi được một số độc giả khen vuốt ve trên mạng ảo…" ("Hiện tượng
vè hóa, văn xuôi hóa và cũ hóa Thơ cần báo động" - Nguyễn Trọng Tạo - trieuxuan.info).
Quả thực có chuyện: "Thơ thập - diện - mai - phục… thơ làm tắc nghẽn
mọi ngóc ngách, ngõ hẻm, đường sá, giao lộ tinh thần khiến cho thơ sạch không
có lối đi." ("Vấn nạn thơ đầy đường"- trannhuong.com). Bản
thân người viết những dòng này cũng đã bày tỏ thái độ trước sự lạm phát thơ đó
trong vài bộ phim truyện truyền hình từng phát trên Văn nghệ chủ nhật, như phim
"Trời cho - trò chơi": một ông được đền bù đất đai đã vung tiền cho
mình và vợ con làm sang: vợ mở phủ, con gái mua sắm, còn bản thân thì cho in
thơ "con cóc" của mình để khoe và để biếu.
Nhưng, đó chỉ là một nửa của sự thật,
đúng hơn, là cái mặt nổi của sự thật.
Lòng yêu thơ, có thể nói là cái phần
tốt đẹp nhất trong những tình cảm tốt đẹp còn sót lại sau những cuộc tàn phá
kinh hoàng của nền kinh tế thị trường méo mó đối với nhân tính và các mối quan
hệ xã hội. Một tác giả có ý kiến khá lạ và hóm hỉnh, và không phải không có lý:
"Nếu có một ngày toàn nhà thơ tham gia giao thông thì chắc chắn nạn tắc đường
giảm đi rất nhiều, bởi dù đấy là nhà thơ ở cấp độ nào thì đều là những người có
tâm hồn phong phú, có nhân tính, biết nhường nhịn nhau… Còn nếu các nhà công
quyền lại đồng thời là các nhà thơ thì lại tốt quá, người dân chắc không phải
điêu đứng vì thói hống hách, quan liêu, cửa quyền, tham lam vô độ…
("Đất
nước càng nhiều nhà thơ càng tốt"
Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà thơ
Hoàng Cầm có nói đại ý rằng: tính cách của người Việt rất gần gũi với thơ - đó
là lối sống tình cảm đối với bạn bè, bà con làng xóm, nhường cơm sẻ áo trong hoạn
nạn... Trải qua mấy nghề nghiệp, đi tới nhiều vùng đất, tôi đã tự mình kiểm
nghiệm được cái đúc kết giản dị và lý thú trên của cố thi sĩ Hoàng Cầm...
Xin kể một chuyện nhỏ. Dạo ấy, sau
khi chuyển vùng từ Tây Bắc, tôi nhận công tác ở một trường cấp ba huyện ngoại
thành Hà Nội. Cô tài vụ của trường có vẻ ác cảm với một kẻ tự ti lầm lỳ như
tôi, hoặc coi thường anh “giáo khổ” miền núi trở về, nên cứ vào kỳ lĩnh lương,
cô thường để tôi phải đi tới đi lui dăm bẩy bận, đến phát khùng lên mới được
lĩnh hết lương. Một buổi, tôi vào phòng tài vụ chờ rất lâu. Có cuốn sổ tay để mở,
tôi tò mò cầm đọc. Hóa ra là sổ chép thơ tình, có cả mấy bài thơ dịch Puskin.
Có nhiều câu chép sai, sai cả chính tả. Tôi liều mạng lấy bút ra sửa giúp. Khi
cô tài vụ về, chưa kịp thoái thác với tôi là hôm nay chưa có tiền lương, cô chợt
nhìn thấy tôi cầm cuốn sổ, bèn giật lấy nhìn. Tôi tái mặt lo lắng. Nhưng số tôi
thực may mắn. Cô đọc một lúc, vẻ lạnh lùng khinh khỉnh dần biến mất, rồi nhẹ
nhàng hỏi: "Anh sửa đấy à?" Tôi ấp úng gật đầu: "Tôi...Tôi là
giáo viên văn mà...". Cô dường như quên phắt cái sứ mạng là phải hành hạ một
"ma mới" như tôi, hào hứng: "Anh thuộc nhiều thơ không? Chép hộ
em với nhé?" Thế là hôm đó, lần đầu tiên sau hơn nửa năm chuyển vùng về,
tôi được lĩnh lương đúng hạn... Mà công đầu là do Thơ; đúng hơn là do tâm hồn
yêu thơ của một cô gái tuy có nhiều nét tính cách không dễ chịu gì cho lắm
nhưng chỉ một cái đức yêu thơ đó cũng đủ thể tất nhân tình cho tất cả...
Có lần, nhà thơ Nguyễn Đăng Luận (NĐL)
hùng dũng phóng xe tới nhà tôi để tặng tận tay một tập "Tân Văn" sang
trọng mới in, do ông làm chủ biên, kèm theo cuốn foto "Lời thề lá sen và
64 bài họa". Bài thơ "Lời thề lá sen" nổi tiếng của ông có vẻ
ngoài đặc dân gian, song cảm thức bên trong thì hiện đại không kém một thi sĩ
hiện đại hay hậu hiện đại nào:
Lá sen chưa kịp đi tu
Mà hoa cúc đã nhộm thu óng vàng
Yêu em mua cốm làng Vòng
Nâng niu anh gói trong lòng lá sen
Mà hoa cúc đã nhộm thu óng vàng
Yêu em mua cốm làng Vòng
Nâng niu anh gói trong lòng lá sen
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa
Không ngờ, anh thật không ngờ
Lá sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa
Không ngờ, anh thật không ngờ
Lá sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?
Tôi kính nể nhà thơ này bởi tình yêu dường
không giới hạn và đặc biệt không vụ lợi đối với thơ văn (Ông ghi rõ trong sách
Tân Văn như một tiêu chí: "Không nhận tài trợ, không đăng quảng cáo").
Khi tự coi mình là "nhà thơ tình", NĐL chắc cũng chẳng quan tâm đến sự
đánh giá của các vị mũ cao áo dài trong các hội đoàn cơ quan nghề nghiệp, mà
ông chỉ sung sướng đến ngây ngất với những người đọc ông một cách trân trọng,
và còn họa thơ của ông nữa! Sự hồn nhiên của nhà thơ dân gian này thực đáng
yêu, và điều đó càng tương phản với một vài kẻ lợi dụng lòng yêu thơ của mọi
người để kiếm lợi (và họ đã thành công khủng khiếp!)
Khi về làm phim tại thôn Duệ Đông - một
trong 49 làng quan họ gốc Bắc Ninh, tôi được tặng một tập thơ kỷ niệm 15 năm
ngày thành lập CLB thơ Duệ Đông mà tác giả là những liền anh liền chị cao tuổi.
Trong số những tác giả mà tôi được tiếp xúc, tôi đặc biệt chú ý tới bà Nguyễn
Thị Ngọc Viên. Say mê tiếng hát quan họ cổ của bà, tôi còn rung động sâu sắc
trước cuộc đời bà: chồng và cả ba người con đều lần lượt ra đi do tai nạn &
bệnh tật bất ngờ, trong nhiều năm bà đã cắn răng để sống, để hát quan họ, truyền
dạy hát quan họ cho lớp trẻ, và làm thơ. Thơ của bà dung dị, chân thật, đượm
xót xa ngọt ngào và thấm như câu ca quan họ:
Cánh sen gọi nắng trưa hè
Mưa rào bất chợt, ướt nhòe thơ tôi...
Tôi được đọc một cuốn sổ thơ gia đình của vợ chồng
dược sĩ cao cấp Trần Thị Minh Phú và tiến sĩ khoa học Nguyễn Đắc Hy; mở đầu cuốn
sổ là dòng đề từ trích trong cuốn sách lớn “Môi trường và con đường phát triển”
của chính Ts Nguyễn Đắc Hy: “Văn minh Sinh thái là Cội nguồn của sự phát triển
Hạnh phúc nhân loại”- giống như một tuyên ngôn Sống và làm thơ của họ. Thơ tình
hai người viết tặng nhau thời run rẩy đợi chờ lúc gặp mặt có những câu mượn thơ
Lý Phương Liên: “Đợi anh dưới cột đồng hồ” và cả những công thức hóa học để nói
hộ lòng mình. Rồi từ đó, trong cuộc sống gia đình nảy sinh bao chuyện vui, buồn,
giận dỗi, chia ly, v.v, hai ông bà đều ghi lại thành thơ như một thứ nhật ký đặc
biệt, để lưu giữ kỷ niệm, tự răn mình, nhắc nhở nhau, dạy dỗ hay động viên con
cháu… Tôi đọc chúng trong sự đồng cảm, và đặc biệt thích thú với những bài, những
đoạn thơ ông bà trêu chọc nhau với nét hài hước châm biếm nhẹ nhàng của những
trí thức. Bà Phú có mấy bài thơ viết cho chồng lại mang cả chất trào lộng dân
gian:
Số Tel thì không nhớ
Chìa khóa chẳng nhận ra
Mái tóc trắng mượt mà
Như kẹo bông ngọt lịm
Vòng đeo tim vành vạnh
Đầu bẩy đuôi ngo ngoe
Vẫn chưa hết xập xòe
Khi bóng hồng thấp thoáng…
Những câu thơ & những bài thơ như thế
của cá nhân, và của rất nhiều CLB thơ trên toàn quốc đang lấp lánh trong biết
bao tập thơ đã/ hay chưa được in ra. Có thể nói, chúng là nguồn thơ ca dân gian
vô tận để từ đó hình thành nên những đỉnh cao văn chương bác học - thời xưa là
thế mà thời nay cũng chẳng khác mấy. Nếu có những tập thơ nào đó được sản xuất
ra với mục đích ngoài thơ ca và có nguy cơ làm "tắc nghẽn mạch giao thông
tinh thần"- thậm chí làm mọi người bị ngộ độc, thì đó chỉ là số ít!
Nhà thơ Trần Dần sinh thời đã có lần bênh
vực loại thơ ca dân gian đó như sau:
"Con đường số 7 của tao/ Nó đi theo giặc tao đào nó đi.
Hai câu thơ đó là đúng hay sai chính trị?... Cụ Hoài Thanh, anh Xuân Diệu bảo
là sai chính trị... Tôi rất khen hai câu thơ đó. Tôi cho rằng nó đúng chính trị,
đúng lập trường. Tình cảm nó gợi lên: mạnh mẽ, phong phú, chua xót mà chủ động.
Người đào đường lớn hơn con đường, con người mạnh bạo, chủ động, chua xót, làm
một việc bất đắc dĩ mà cần thiết. Đó là chính trị, là lập trường của hai câu
thơ... Người thi sĩ có quyền nói tha hồ, nói sống nói chết, nói bừa nói bãi,
nói sao thì nói rốt cục tình cảm đọng lại mạnh mẽ, phong phú, xốc người ta lên
yêu ghét hành động. Cho nên thường khi người ta thấy người thi sĩ nói những điều
rất phi lý: trèo trời đục đất. Có lúc người thi sĩ biến thành ánh trăng, một vì
sao. Lúc biến thành con mãnh thú. Lúc biến thành chiến sĩ, thành Tiên, thành quả
núi, con sông, v.v... Tất cả mọi chuyện thực là vô lý, có khi như sai chính trị,
sai sự thực, như là duy tâm nữa. Nhưng nếu tình cảm đọng lại mạnh mẽ, thôi
thúc, xô đẩy người ta lên thì không sai chút nào cả- như hai câu thơ trên
kia..." ("Thơ chính trị - thơ chính sách" - Tư liệu riêng của gia
đình nhà thơ Trần Dần).
Đạo diễn điện ảnh Tự Huy - cháu bốn đời của
nhà giáo, nhà văn hóa, nhà thơ lớn Nguyễn Văn Siêu có kể cho tôi nghe một câu
chuyện thú vị về nhà thơ Trần Dần. Nhà thơ vốn nổi tiếng là người chịu khó tìm
tòi cách tân Thơ này có lần bảo ông Tự Huy: "Có một bài ca dao cổ tuy hay
nhưng tôi không đồng tình lắm với nội dung lẫn hình thức của nó:
Tình cờ bắt gặp nàng đây
Đòi cắt cái áo đòi may cái quần
May rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng, anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò
Ba con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi chằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan tư tiền cưới lại đèo buồng cau...
Nhà thơ Trần Dần đã làm lại bài ca dao. Và
nhà thơ đã đọc cho đạo diễn Tự Huy nghe bài thơ đó, nguyên văn như sau:
Bao giờ em đi lấy chồng
Để anh sắm sanh quà cưới
Anh mừng em đôi chiếu mới
Em về trải kín giường đôi
Anh đi sang tận làng Ngòi
Tìm mua gạo cẩm
Xu xuê bánh cốm tự anh buộc lạt điều...
Em có cần anh đầu cỗ
Bảo người nhắn gọi anh sang
Giò lụa chạo nem, thịt quay xôi gấc
Vật bò mổ lợn
Con dao anh cắt, nuột lạt anh thắt
Giò thủ anh nén, nước xuýt anh nếm, nạc mỡ anh pha
Cỗ lòng anh thuốn, gỏi cuốn anh cuộn
Mâm son anh dọn, đĩa trúc anh so...
Hay em nhờ anh giúp về văn nghệ
Máy hát anh mượn, trò vui anh chọn
Bạn bè anh đón
Tuyên bố lý do anh nói
Kèn tàu anh thổi.
Anh lưu tới cuối tiệc tan
Khách muộn anh tiếp, đèn rạp anh tắt
Thuốc lá thừa anh nhặt
Xong xuôi anh về!
Tôi chợt nảy ý nghĩ: bài thơ làm lại đầy ý
vị hóm hỉnh này của thi sĩ "thủ lĩnh trong bóng tối" (Phạm Thị Hoài)
không ngờ đã giống như một nhát búa tạ phang vào cái thói "làm duyên làm
dáng" (Lưu Trọng Lư) của nhiều nhà "hoạn quan trữ tình"
(Maiakovski), giáng không thương tiếc vào cái thực chất trống rỗng về tư tưởng,
nghèo nàn về vốn sống và kém cỏi về tiếng Việt nên đành phải mượn cái vỏ
"hiện đại", "hậu hiện đại" rất khụng khiệng để che lấp đi của
không ít nhà thơ chúng ta hôm nay.
2. Viện sĩ Hàn lâm Petrov đã cho chúng ta thấy sự trăn trở về
Thơ ở nước ta thực ra cũng là mối quan tâm của nhiều dân tộc trên thế giới, và
chúng càng có giá trị thời sự với hôm nay: "Thơ ca xuất phát từ những suy
nghĩ của những nhà tiên tri ngày xưa, suy nghĩ về cuộc đời, suy nghĩ về ý nghĩa
của con người trên Trái Đất... ("Thơ ca, hay là câu chuyện "số đông -
số ít"- NNB.com). Không ít những lời tâm huyết nói về Thơ trong thời
buổi lạm phát Thơ và chắc chắn tìm được đồng cảm của nhiều người thậm chí không
hề làm một câu thơ, xin mạn phép được trích dẫn đôi dòng:
"Niềm sáng tạo thi ca mệt mỏi trước nỗi ma lực chữ
nghĩa đớn đau, chỉ khát khao góp cho khách tri âm chút đồng cảm nhỏ nhoi về số
phận và phẩm giá từng con người trong xã hội. " ("Phê bình thơ, nên
khen hay nên chê?"- Lê thiếu Nhơn).
"Sao trước những sự kiện bức xúc của đời sống, thơ không
lên tiếng, thơ lặng câm? Những bài thơ cất lên ở các dạ hội, đêm thơ, ngay cả của
các nhà thơ Việt, hình như vẫn ở bên ngoài thời sự của cuộc sống hôm nay của
người dân? ("Nghĩ từ liên hoan thơ quốc tế Việt Nam lần thứ nhất"
- Phạm Xuân Nguyên - lethieunhon.com).
Đáng mừng là, giữa cái loạn chuẩn về giá
trị Thơ, có một nhóm nhà thơ nước ta đã tình nguyện đứng ra làm một loạt
"tập thơ hay", với tinh thần vô tư, không vụ lợi, nhằm góp phần chuẩn
hóa, định giá chính xác về Thơ Việt hiện đại; đó là công trình đồ sộ "Thơ
Bạn Thơ" (gồm 8 tập - Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên chủ biên) lần
lượt ra đời, đến nay đã là tập thứ 7. Giá trị nội dung nghệ thuật chứa đựng
trong những tập thơ đó ra sao, người đọc đông đảo sẽ có thời gian thẩm định; có
điều, đó thực sự là những "tuyên ngôn" bằng thơ chân chính có tác dụng
thanh tẩy những gì không phải là Thơ, hạ thấp Thơ, thậm chí giả Thơ... Công việc
này có thể coi là một hồi chuông thức tỉnh, một sự mở đầu cần thiết nhằm phục
hưng những giá trị thơ ca đích thực đã từng bị lem luốc một cách oan uổng trong
những năm tháng vừa qua.
Nguyễn Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét