Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Từng giọt hư không

Từng giọt hư không
Tiếng chuông chiều chầm chậm thả từng giọt buồn vào không gian im vắng nơi cảnh chùa tịch mịch. Đó là một buổi chiều cuối thu, trời chưa tắt nắng, những vệt nắng còn kéo dài trên rặng liễu úa vàng, rủ xuống thảm cỏ ẻo lả như một cái bóng thướt tha. Hàng cọ vẫn lao xao trong gió chiều rì rào xen lẫn với hồi chuông thầm thì buông, hai con chim đậu trên cây thông chừng sắp về tổ, cũng lặng mình nghe tiếng chuông ngân nga gọi chiều buồn ngơ ngẩn...
Sao cảnh bỗng dưng buồn mà lòng người chừng như tịnh lại. Nơi bậc tam cấp của tháp chuông, một người con gái mặc áo đen, tóc xõa xuống đôi bờ vai, mắt u uẩn nhìn ánh nắng cuối ngày thoi thóp trên bụi trúc đã đổi màu vàng ẩm. Âm vang của hồi chuông thong thả, không rộn rã như tiếng chuông nhà thờ, y hệt từng bước chân đi ngược vào lòng người để tìm ra những ngóc ngách sâu kín của tâm hồn.
Ngọc đã định ra về khi thấy bóng chiều ngả xuống trước sân chùa, gió chiều càng lúc càng lạnh, tiếng gió rền rĩ cuộn trôi những dải mây tím, bay về một hướng trời xa. Đúng lúc ấy hồi chuông công phu chiều vang ngân nga, khiến nàng đảo mắt nhìn về phía gác chuông. Một cụ già khoảng ngoài bảy mươi, đầu đội chiếc mũ len màu nâu, bộ quần áo màu lam nhạt may lối nhà chùa, một tay cầm chuỗi Bồ Đề đang thì thầm nguyện kinh. Đứng cách đó khoảng mười mét, Ngọc không nghe rõ được tiếng tụng kinh của cụ, nhưng đôi môi ấy mấp máy liên tục. Rồi cứ một khoảng ngắn của thời gian, cụ lại dùng cả hai tay đẩy chiếc chày gỗ mun vào quả chuông đồng vàng xẫm, tiếng chuông lại ngân lên gieo vào không gian im vắng một tiếng thở dài.
Tiếng chuông buổi hoàng hôn như có một hấp lực thiêng liêng khiến Ngọc bước lần trên thảm cỏ, gần hơn với cái tháp chuông để quan sát ông cụ đang thỉnh từng hồi chuông một. Khuôn mặt ấy toát lên vẻ thành khẩn, như đang dồn hết tâm tư vào lời cầu nguyện, và mỗi một động tác nhịp nhàng của ông có vẻ như đã chìm vào một thế giới khác. Nàng đứng lặng trên bãi cỏ úa, im lặng nghe từng tiếng chuông ngân, không để ý đến một người đàn ông lưng hơi gù, râu tóc bạc trắng cũng đã bước tới đứng im lặng lắng nghe. Lúc nãy Ngọc nhìn thấy ông ta khập khiễng đi đi, lại lại trên sân chùa, nàng tưởng là một người già tàn tật. Khi nàng giựt mình quay lại nhìn, ông ta mỉm cười chào, mới biết đó là người đàn ông chưa già lắm, chỉ trạc độ ngoài năm mươi tuổi, da mặt phẳng phiu tương phản lại với râu tóc bạc trắng của ông ta:
"Chào chị!"
Ông ta mỉm cười, nụ cười hiền khiến Ngọc có cảm tình ngay với người đối diện:
"Chào ông. Tiếng chuông nghe buồn quá phải không ạ?"
Ông ta gật gù, như xác nhận tại sao ông lại lò mò đến đây đứng cạnh nàng trong lúc này:
"Vâng, đúng vậy. Tôi biết có đến 108 tiếng chuông mỗi buổi công phu chiều, vì đã nhiều lần đến đây, đã đếm và đã nghe nhưng thật sự chưa hiểu hết được ý nghĩa của từng hồi chuông. Nghe hoài thì cứ tưởng nó vang đi xa, mà sao lại có vẻ đi vào lòng mình, khắc khoải làm sao đó phải không chị?
Ngọc gật đầu đồng ý với người đàn ông:
"Tôi cũng có cảm tưởng như thế, dù đây là lần đầu tiên tôi nghe được tiếng chuông công phu vào buổi hoàng hôn. Tôi cũng có cảm giác như những bước chân đi vào từng ngõ ngách của lòng người, bao nhiêu sân si của đời dường như lắng lại. Ông nhìn cô con gái ngồi ở dưới bậc cấp của tháp chuông sẽ thấy, cô ta còn trẻ lắm nhưng tiếng chuông hình như cũng dội vào lòng cô nỗi u uẩn nào đó, khiến khuôn mặt ấy tự nhiên trông dịu dàng, dễ thương chi lạ."
Người đàn ông đưa mắt nhìn cô gái đang dõi mắt nhìn hai con chim sẻ đậu trên cây thông già, chắc hẳn cô đang hình dung đến tình yêu, và cái bóng lẻ loi của cô gần như toát ra một nỗi buồn đơn lẻ. Im lặng một lát, hình như không thể nào giữ được những khắc khoải trong tâm hồn, người đàn ông tự nhiên thổ lộ:
"Hình như mỗi hồi chuông lại gieo vào lòng người một cảm nhận khác nhau, chị có nghĩ vậy không. Tôi lại đang hồi tưởng đến cha mẹ mình, mẹ tôi đạo Thiên Chúa, còn cha tôi lại đạo Phật. Hồi trẻ người ta cứ tưởng khi người ta yêu, tình yêu sẽ xóa bỏ những lằn ranh của niềm tin vẫn nằm sâu trong tâm tưởng của mỗi con người, nên cố tin rằng chẳng có gì có thể lớn hơn hai chữ tình yêu. Đến chừng sống chung với nhau một thời gian dài, khi tình yêu lắng xuống, lúc đó người ta mới thấy được sự nghiệt ngã của những niềm tin. Tôi là sản phẩm kết hợp của hai niềm tin ấy, và cũng bất hạnh thay khi thấy cha mẹ tôi không tìm được hạnh phúc, vì họ không nhìn về một hướng như nhau. Càng về già, mỗi người lại càng đi ngược với nhau để tìm gốc rễ của mình, và họ cứ bị dằn vặt mãi không thôi. Tôi. . . "
Ngọc ngắt lời người đàn ông:
"Ông cho rằng tôn giáo đã làm khổ con người?"
Ông ta gật gù cái đầu bạc phơ:
"Gần như là như vậy, vì chính tôi khi lớn lên, đã từng bị lôi kéo giữa sự giằng co của cha mẹ, của ông bà cô chú hai bên, đến nỗi có lúc tôi đã muốn bỏ nhà ra đi. Và tôi đi thật, tôi bỏ học đi lính để đừng nghe, đừng nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ tôi, để không nghe những câu nói làm tổn thương Phật, Chúa của cả hai bên nội ngoại. Người ta tranh chấp nhau, dành giựt những đứa trẻ từ khi chào đời, bắt đi theo những gì có sẵn mà không cho quyền chọn lựa. Hóa ra con người làm khổ con người, chứ tôi có thấy Phật, Chúa nào hiện lên để phân rẽ con người đâu."
À thì ra, tiếng chuông chùa buổi chiều nay cũng là dịp để cho người đàn ông xa lạ nói ra được những u uẩn trong lòng ông, lại cũng là dịp may để Ngọc có thể chia xẻ với ông ta những khắc khoải của một người đồng cảnh. Nhưng Ngọc chưa vội nói ra những điều đó, cứ để cho ông ta nói hết cho nhẹ lòng:
"Chị có nhìn thấy cái chân bị thương tật của tôi rồi chứ gì? Đấy, cũng từ nỗi khổ của chiến tranh mà ra, tôi cũng đâu có quyền chọn lựa, cũng phải đi theo những tranh chấp chính trị cũng do con người đẻ ra nó, nếu con người biết thương nhau, hiểu nhau thì làm gì nên nỗi. Tôi đi lính rồi bị đẩy ra đơn vị tác chiến, được hai năm thì bị thương, may là không phải chống nạng.Tôi đã nhìn ra nỗi khổ của nhân loại đều do con người tạo nên, mình chỉ là nạn nhân. . ."
Ông ta lại cúi xuống xoa tay vào hai đầu gối, rồi mỉm cười buồn bã:
"Xin lỗi chị, mấy chục năm rồi mà mỗi khi trở trời tôi lại khốn khổ với vết thương, nó nhức nhối đến không chịu được. Đó là nỗi đau của thể xác mà hậu quả của chiến tranh còn để lại, khiến một người lính như tôi dễ gì quên được cái thời chiến tranh mà mình có dự phần trong đó. Nỗi nhức nhối của tinh thần còn ghê gớm hơn, bàng bạc đâu đó mỗi lần gặp, cứ nghe tiếng chuông nhà thờ hay chuông chùa, là tôi lại nhớ đến cha mẹ tôi. Giờ này đã chết cả rồi, không biết họ có gặp nhau ở một khoảng trời nào đó, thiên đàng hay niết bàn, địa ngục hay hỏa ngục? Thật buồn khi còn sống họ đã làm khổ nhau, ảnh hưởng lây đến con cái. Tất cả những gì ta có trên cuộc đời đều đã ra đi, lắm khi tôi hay nhìn lên trời mà tìm kiếm, nhưng có phải:
"Ngước hỏi cao xanh, ta thấy được gì
Cũng chỉ vẫn một "ngàn trùng vĩnh cửu"
Nghe ông ta đọc hai câu thơ, Ngọc buột miệng khen:
"Hai câu thơ của ông thật hay, như vậy có phải ông đã nhìn ra cái hữu hạn của vật chất, và cái vô hạn của tinh thần, những điều mình không nắm được bao giờ. Tôn giáo chắc cũng vậy, hay niềm tin của mỗi con người thì cũng bởi ở mỗi con người mà thôi, đau khổ làm gì cho bận tâm."
Người đàn ông yên lặng nghe tiếng chuông rơi từng giọt trên mái chùa cong, la đà trên những thân cọ vẫn lào xào trong gió. Bỗng nhiên tiếng chuông chiều đã cho Ngọc cảm tưởng thật gần gũi với người đàn ông này, rồi tự hỏi sao không kể cho ông nghe câu chuyện của mình, cũng khắc khoải nhiều năm tháng, cho đến khi hiểu ra được chân lý của niềm tin, tự giải thoát cho mình những niềm đau của tinh thần. Ngọc lên tiếng:
"Bây giờ tôi kể cho ông nghe chuyện của tôi, để xem chúng ta có một cái nhìn giống nhau về niềm tin Tôn giáo của mình không? Nếu ông bảo rằng ông là nạn nhân sự tranh chấp giữa hai niềm tin khác nhau, nhưng theo như ông kể, sự đau khổ của ông đã tự chấm dứt khi ông nhìn ra vấn đề. Chỉ có cha mẹ ông mới là hai kẻ đau khổ vì họ không tìm ra lối thoát cho nhau. Riêng tôi, cái đau khổ dữ dội hơn, chắc cũng giống nỗi đau khổ của mẹ ông ngày xưa, tôi đã phải chống chỏi một lúc nhiều phía khác nhau, cả gia đình chồng tôi cũng như gia đình tôi, cuối cùng nơi nào tôi cũng chỉ nhìn thấy hỏa ngục."
Người đàn ông há hốc mồm nhìn người thiếu phụ xinh xắn đứng trước mặt mình, bỗng nhiên mà gặp gỡ tâm sự như một đôi bạn tri âm, tri kỷ.
"Tình cảnh của tôi còn tồi tệ hơn ông nhiều, vì dù khác biệt niềm tin để gia đình không hạnh phúc, nhưng ông vẫn là đứa con luôn luôn nhận được sự thương yêu của người sinh ra mình. Tôi là một tín đồ công giáo, khi sinh ra cha mẹ tôi đã mang tôi đến nhà thờ để làm phép Rửa Tội. Tôi lớn lên bằng sự giáo huấn màu sắc tôn giáo của gia đình, nhưng đến khi trưởng thành thì thú thật với ông, tôi chịu thua tiếng nói của tình yêu. Tuy phải chấp nhận giải pháp đạo ai nấy giữ, nhưng thật ra tự trong tim tôi, tôi vẫn nghĩ mình bị tước đoạt niềm tin một cách quá đáng. Muốn vừa lòng gia đình chồng, tôi lại gặp sự chống đối của gia đình mình, tồi tệ hơn là vì lý do đó, tôi còn hứng chịu nhiều cay đắng hơn mình tưởng. Đó là một trong những nguyên nhân họ không thương yêu tôi, tìm đủ cách để làm khổ tôi. Đến nỗi những khi tuyệt vọng vì đau khổ, thay vì tôi phải thương yêu họ như lời Chúa dạy, tôi chỉ thêm oán hận, rồi vì cái yếu đuối của con người, lắm lúc tôi chỉ cầu sao cho họ gặp điều không may xứng đáng với nỗi khổ mà người ta trút lên đầu tôi. . . "
Ngọc nở một nụ cười buồn bã, trong khi người đàn ông có vẻ ngỡ ngàng lắm trước nỗi đau khổ của thiếu phụ, ông ta lúng túng chưa tìm được lời ủi an cho người bạn mới:
"Thật đáng tiếc, hóa ra tôi đã vô tình khơi dậy nỗi đau của chị. . ."
Ngọc xua tay, nàng tiếp tục câu chuyện:
"Không có gì ghê gớm đâu, vì tôi chưa nói hết câu chuyện nên ông chưa biết tại sao đến một lúc tôi không còn cảm thấy đau khổ nữa. Quay ra quay vào, chỗ nào tôi cũng không tìm ra lối thoát, điều ấy lại còn ảnh hưởng đến hạnh phúc trong gia đình, có lúc tôi cảm thấy tình yêu vợ chồng bị rạn nứt. Với những trở lực trong đời sống thường ngày, sự giáo dục con cái cũng là một vấn đề khi người lớn lý luận niềm tin ngược chiều nhau, gia đình bỗng rời rạc và đến lúc chẳng biết mình là ai, như thế nào nữa. Tôi đã sống trong cảnh đời u buồn đó nhiều năm dài mà không thoát ra được, tôi đã phí hết một đời thanh xuân của mình chỉ vì những ray rứt mơ hồ đó.
Ngọc thở dài, những cành lá cọ vẫn xào xạc theo tiếng chuông rền rĩ:
"Nhưng thưa ông, tôi đã lục lọi trong lòng mình những lý do để hiểu tại sao người ta không thương yêu nhau, đặt niềm tin nơi nhau hay cùng nhau nhìn về một hướng, thì quả thật đơn giản là chính con người làm khổ nhau, chứ không có Phật, có Chúa nào nhúng tay vào để phân rẽ. Chưa ai nhìn thấy Chúa, chưa ai nhìn thấy Phật, chẳng qua sự tin tưởng dẫn đưa con người đi vào ảo giác của niềm tin, và vì thế khiến họ nhìn thấy tất cả, niềm tin càng mãnh liệt hơn. Rồi từ đó cho rằng chỉ có mình đúng, mình thật, còn ai khác họ là sai, đến nỗi Phật Chúa là những vị vô can trong cách suy nghĩ, dàn dựng của con người, cũng bị họ chê bai, khích bác."
Nét mặt Ngọc lúc ấy hẳn cương quyết lắm đến độ người đàn ông dường như cũng nín thở để lắng nghe. Vẫn chỉ mình Ngọc tiếp tục câu chuyện của mình:
"Thưa ông, khi khoa học đã tiến bộ, người ta tìm được nguyên nhân của nhiều vấn đề, nâng cao dân trí cho con người thì chuyện tôi tự giải quyết cái đau khổ của mình cũng không có gì lạ lắm đâu. Nhiều đêm không ngủ được, có khi khóc thầm một mình, tôi đã có lúc tự hỏi không biết Thượng Đế sinh ra con người hay con người tạo nên Thượng Đế. Người Mỹ họ bảo có bao nhiêu "Gods" trong cuộc sống, cái chính là mình đi tìm được ông "God" của mình mà thôi. Sau nhiều lần oán trách Trời rồi oán trách người, càng suy nghĩ tôi mới thấy dần dần lòi ra cái ích kỷ của chính mình và cả của người khác nữa, đến nỗi tôi lại bật cười một mình khi nhìn ra sự mâu thuẫn đó. Người ta có khuynh hướng chống những gì đi ngược với mình, và chẳng qua cái khổ của tất cả mọi thứ trên cuộc đời này chỉ có vậy."
Tiếng chuông vẫn rền rĩ tan vào hư không, có lúc như bay tuốt lên trời xanh để nhập vào thế giới của Tiên Phật, có lúc như chìm xuống đáy vực đến với những linh hồn tự cõi u minh. Chuông vẫn là chuông nhưng cảm xúc của lòng người thì vô hạn, bởi vậy tùy theo tâm mà nghe được hồi chuông để tỉnh thức. Người đàn ông ngước mắt nhìn theo dải nắng chiều se sắt, kéo trên rặng liễu rớt xuống tới mặt cỏ, đọng lại đó một chút buồn mênh mang. Ông ta cắt nghĩa thêm về những tiếng chuông:
"Có tới 108 tiếng chuông cho buổi công phu chiều, nhưng thực ra nó chỉ gom lại có hai điều, đó là sự bình an và giải thoát. Nó không thuộc về thế giới của thần linh, mà vẫn là sự vỗ về những hương linh đau khổ. Nó chẳng là của người sống mà còn là của người chết nữa. Nếu mình nghĩ xa hơn thì tiếng chuông chiều như một làn khói tỏa, một bếp lửa hồng, xoa dịu được sự cô quạnh cho tâm hồn đỡ đơn độc. Có lẽ cũng trùng hợp với câu chuyện của chị, khi người ta cảm thấy bình an thì tức khắc sẽ có được sự giải thoát, chị có nghĩ vậy không?"
Ngọc gật đầu:
"À thì ra nó cũng có điểm trùng hợp với câu "Love God and love others", nhưng ít ra tôi cũng phải kể hết cho ông nghe để mình có thể kết luận rằng hạnh phúc hay đau khổ là do con người tạo nên. Nhiều năm dài trôi qua, khi hiểu ra điều đó là tôi biết tự tôi đã làm khổ tôi, và vì một lẽ nào đó khi tôi ước ao sự đau khổ đến cho người khác, tôi đã tự tạo cho mình hỏa ngục mà không hay. Mãi đến khi nghe được câu "Thiên Đàng tại tâm, Hỏa ngục cũng tại Tâm" của một vị lãnh đạo tinh thần, tôi đã hiểu cuối cùng thì những dòng sông đều chảy ra biển. Tại sao loài người lại phải dằn vặt nhau về vấn đề tôn giáo, trong khi đã từng được học hỏi về đủ thứ tốt đẹp của nó. Đôi khi ngồi ngắm nhìn chân dung Chúa, tôi tưởng đôi mắt nhân từ kia cũng chỉ nhìn tôi bằng sự hiền từ nhân ái, làm sao có thể nhận lời tôi để giáng tai họa xuống cho người khác.
Tôi nhìn lên tượng Phật, Ngài cũng mỉm cười suốt ngày và suốt đêm, khuôn mặt "an nhiên tự tại" ấy đâu phải được sinh ra để đem đau khổ cho nhân loại. Chỉ con người, với cái tâm ích kỷ, lòng đố kỵ và tham vọng thích thống trị người khác mà gây nên tội ác. Đó chỉ là phạm vi nhỏ hẹp của gia đình, lớn rộng hơn như tầm cỡ quốc gia thì tai họa ấy vô cùng khủng khiếp, bằng chứng những cuộc chiến tranh vì tôn giáo vẫn còn hằn vết trong lịch sử nhân loại, vẫn còn tiếp diễn và tiếp diễn..."
Khi cả hai cùng nói ra được những khắc khoải đó, dường như họ đều cảm thấy tâm hồn thật nhẹ nhõm, như vừa cởi được chiếc áo chật hẹp mà tâm hồn họ đã phải mặc từ hồi còn rất trẻ. Những tiếng chuông ngân cuối cùng như rời rạc hơn, nhẹ hơn, bay xa hơn, vút lên cao rồi rơi xuống lòng người để rồi tan loãng vào với hư không. Ngọc mỉm cười như nói với chính mình thôi:
"Cuối cùng, điều lớn nhất là mình làm sao sống ngay thẳng với lương tâm mình, cái Đạo Tâm hình như vượt lên trên tất cả."
Nghĩ ngợi mãi nên cả hai đều không biết là hồi chuông chiều đã tắt lịm tự bao giờ. Người đàn ông lại cúi xuống xoa hai đầu gối, vết đau cũ vẫn còn đó, không cho ông ta đứng lâu hơn. Chẳng còn gì để nói nữa, ông ta chào Ngọc rồi khập khiễng bước đi. Những bước chân xiêu vẹo đẩy cái lưng oằn xuống với tuổi đời chồng chất, như một cái bóng thấp thoáng sau những lùm cây thấp.
Nguyên Nhung
Theo http://www.thienlybuutoa.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...