Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

Bóng ma của đời sống

Bóng ma của đời sống
Ông Hào chạy xe trên con đường làng ngày nào gập ghềnh, nay đã bê tông hóa phẳng phiu. Hai bên đường là những hàng tre tỏa bóng mát, ông hít thở bầu không khí trong lành giữa quê nhà. Ông nhớ như in, trên con đường này, ngày xưa ông hay chạy theo mẹ mỗi khi bà đi chợ. Dù mẹ đánh mặc kệ, ông vẫn đi theo, mẹ quay lại đuổi là ông chạy lui, mẹ bước đi, ông cũng theo bước. Những kỷ niệm ngày nào trở về bên ông. Khi ngang qua đường xe lửa, ông dừng xe. Ông lại ngồi bên vệ đường, có bóng tre che mát. Ông châm lửa hút điếu thuốc, khói thuốc cuộn tròn bay lên - những vòng tròn của hoài niệm. Nơi này, ngày xưa mỗi dịp Tết đến, ông cùng Nhã - người bạn thân cùng lớp, diện quần áo mới lên đây chơi Bầu Cua, Lô Tô, hay Bài Chòi. Nơi đây, cũng là chỗ dừng của những lần ông đi hoang, khi bị Ba Má đánh đòn. Còn khoảng hai cây số nữa là sẽ về tới ngôi nhà xưa ông đã được sinh ra và lớn lên. Ông đã rời xa cách nay hơn bốn mươi năm, từ ngày gia đình ông về tá túc với ông bà ngoại của ông, ở Long Khánh. Ông hút hết điếu thuốc rồi vội vã lên xe đi tiếp.
Bước vào cổng làng, ông bồi hồi với bao kỷ niệm. Ngang qua ngôi trường xưa kia ông từng học, hình ảnh ông bắn bi, đánh trổng ngày nào cùng các bạn như đang hiện ra trước mắt. Những lần hái trộm xoài, bị thầy đánh; những lần hái ổi trộm nhà bà Hai bán quán bên trường, chia không đều cãi nhau chí chóe, bị bà xách roi rượt chạy. Ông mỉm cười với bao nhớ tưởng dần dần sống lại trong ông. Bao nhiêu ký ức thân thương đã làm ông vừa bùi ngùi, vừa  cay xót. Ông lặng nhìn ngôi trường thân yêu, giờ đã hoang phế. Ngôi trường sơ cấp chỉ vỏn vẹn hai phòng học, sau năm 75 đã bị trưng dụng làm chỗ để họp hành. Dân trong làng dần dần, chuyển ra ngoài đường lớn, phía sau đồi cát, gần hết. Ông bỗng nhớ đến Nhã - người bạn học giỏi nhất lớp, nhưng rất thân thiết với ông.  Nhã gầy gò, ốm nhom, dù gia đình rất sung túc. Họ rất thân nhau, đi chơi đâu cũng có cặp; nghịch phá nơi nào cũng có đôi. Lần này về quê, ông Hào nói với lòng mình, là phải tìm gặp lại người bạn này. Ông đi vòng vòng, thăm lại chốn xưa, gặp một cậu bé - ông hỏi thăm:
- Cháu ơi! Cho ông hỏi thăm. Nhà ông Nhã ở đâu vậy?
- Ông Nhã nào thưa ông? Có phải ông Nhã là ông nội của thằng Thi không?
Nghe cậu bé nói thế, ông chẳng biết Thi là ai, nhưng cũng gật đầu:
- Đúng rồi, Ông Nhã là ông nội thằng Thi đó.
Cậu bé chỉ tay về phía trước, cười nói:
- Nhà ổng kìa! Ông đi lại đầu con dốc là tới, cái nhà ngói đỏ đó. Ổng say cả ngày, không biết hôm nay có tỉnh không?
- Cảm ơn cháu!
Ông Hào nghe cậu bé nói thế, không biết có phải bạn mình không. Dù vậy, ông Hào vẫn đi theo lời chỉ dẫn của cậu bé. Đứng trước ngôi nhà cậu bé đã chỉ, ông nói lớn vọng vô nhà:
- Ông Nhã có nhà không? Có người hỏi thăm đây!
Một người đàn ông tóc bạc trắng bước ra, nhìn ông Hào - cười thân thiện:
- Ai mà hỏi thăm lão?
Ông Hào nghẹn ngào khi nhìn người bạn đứng trước mặt, nước mắt ông rưng rưng:
- Hào đây! Hào mặt đỏ đây! Nhã phải không?
Khi xưa, mỗi lần thầy gọi lên bảng, hay bạn bè chọc điều gì, là mặt ông Hào đỏ ửng, nên mọi người đặt cho ông Hào biệt danh là “Hào mặt đỏ”.
Lão già mừng rỡ la lớn:
- Hào mặt đỏ đó ư? Ngọn gió nào khiến ông tìm về đây thế? Đã mấy mươi năm rồi nhỉ? Hơn bốn mươi năm còn gì, thời gian nhanh thật, ông khác quá.
- Tớ đây! Mấy mươi năm rồi, khó mà nhận ra, tóc bạc hết trơn rồi còn gì.
Hai người bạn thuở thiếu thời ôm chầm lấy nhau, cười thật lớn. Họ hạnh phúc ôm chặt, lắc lư một lát mới buông ra. Ông Nhã mời bạn vào nhà, ông pha bình trà rót mời bạn. Nhà không có ai, hai người nói cười thoải mái. Ông Nhã nói không ngớt, như chưa từng được nói bao giờ. Bấy lâu nay, ông lầm lũi, sống cô đơn giữa những thành viên trong nhà. Ông kể cho bạn nghe về cuộc đời mình, về những khổ đau ông đã nếm trải. Ông đã học sư phạm và về dạy ở trường gần nhà, sống êm đềm bên lũy tre làng, ngày ngày đến lớp. Sau biến cố lịch sử, ông vất vả trên ruộng đồng, sau khi không được tiếp tục dạy nữa. Vợ ông, ra chợ buôn bán rau củ lây lất qua ngày. Hết vụ mùa, ông làm thêm nhiều việc để đỡ đần với vợ. Bà Huyền - vợ ông, luôn gắt gỏng và coi thường ông, dù ông cố hết sức để chăm lo cho gia đình. Càng ngày bà càng cau có, khó chịu, so sánh ông với những người giàu có trong xóm. Các con ông lớn lên, chúng chán không học hành gì. Hai thằng lớn học hết tiểu học rồi nghỉ, ba đứa con gái lên được hết cấp hai. Nhiều lúc ông Nhã la “Tụi con không học hành, mai mốt khổ thì tiếc”. Chúng trả lời liền miệng “Học như ông không khổ chắc, học với hành”. Ông Nhã chịu thua, không dạy dỗ chúng nổi, buồn bực trong lòng, đâm ra rượu chè, bê tha. Các con ông Nhã bắt chướt mẹ nó xem thường ông, nên ông càng đắm chìm vào hũ rượu, mặc cho ai nói gì. Các con lêu lỏng, làm ít chơi nhiều, đứa nào cũng cờ bạc. Chỉ mình Hương - con gái lớn của ông, làm công nhân cho xưởng may, biết chăm lo gia đình, nên cũng được đỡ đần đôi chút.
Tùng - con trai lớn của ông Nhã mê cờ bạc, lại thêm nghiện ngập ma túy. Bao nhiêu đất trong vườn ông bà để lại cho ông Nhã, Tùng đều bán hết. Ông Nhã sống thắt thẻo, âm thầm, lặng lờ trên cõi đời chờ ngày chết, cả cuộc đời ông chưa thấy bóng dáng hạnh phúc bao giờ. Khổ con chưa xong, ông Nhã khổ đến cháu. Thằng Thi - cháu nội ông Nhã, mới học lớp chín mà đua đòi ăn chơi, đầu tóc nhuộm đỏ hoe, mang hoa tai như con gái. Ông Nhã lắc đầu không nói nổi ai, nhiều bữa nó đánh nhau mang mã tấu rượt đuổi ào ào.
Bà Huyền, từ ngoài ngõ bước vào, thấy ông Nhã ngồi cùng ai lạ hoắc, đi xuống dưới nhà nói vọng lên, không thèm bước vào chào hỏi:
- Giờ mà chưa thấy cơm nước gì hết, ông làm gì mà giờ này chưa bắt nồi cơm?
Ông Nhã cùng bạn hàn huyên tâm sự suốt buổi, không biết đến thời gian. Ông Nhã cười với bạn:
- Mới mà trưa trật rồi ông ơi! Để mình xuống bắt nồi cơm.
- Ừ! Ông xuống bắt nồi cơm cho bà đi, trưa rồi bà la là phải lắm.
Tiếng bà Huyền chua như giấm vọng lên:
- Cả ngày cứ trà... trà...rượu...rượu. Bạn với bè!
Ông Nhã chạy xuống bắt nồi cơm, nói nhỏ đủ bà Huyền nghe:
- Đây là ông Nhã, bạn học hồi nhỏ của tui. Hơn bốn mươi năm mới về đây, gặp ông ấy tui nói chuyện vui quá quên mất thời gian. Xin lỗi bà vậy.
- Ông lúc nào mà chả thế, bạn với bè.
Bắt nồi cơm, cắm điện xong, ông Nhã lên ngồi với bạn. Nhìn cảnh vợ chồng bạn như thế, ông Hào bước xuống dưới nhà - cười thân thiện, chào bà Huyền:
- Chào bà chị! Tui là bạn học của ông Nhã từ hồi xửa hồi xưa. Đã bốn mươi năm mới có dịp gặp lại, tui xin phép bà mượn ông Nhã một lát. Hai đứa tui đi vòng vòng một chút, tìm thăm bạn bè, bà nhé!
Bà Huyền cười gượng gạo:
- Mấy ông muốn đi đâu thì đi chớ, ai bắt phải làm gì đâu.
- Cảm ơn bà chị! Lát nữa tôi đưa ông Nhã về, không sao.
Ông Hào bước lên nhà trên, khều nhẹ bạn:
- Hai đứa mình đi ra kia một lát, chút rồi về. Ở đây có quán nào mình lai rai, kiếm cái gì bỏ vào bụng.
- Có quán bình dân ngoài đường nhựa, tui với ông ra đó tìm gì nhấm một chút rồi về ngủ. Ngủ dậy, mình đi thăm những nhà quen cũng được, trưa rồi.
Hai người bạn đèo nhau ra quán ngoài đường nhựa xóm sau. Khu vực này xưa kia toàn là cát trắng với những cụm xương rồng. Những cồn cát, trưa trưa hai ông thường rủ nhau đi hái Chiêm Chiêm, Dú Dẻ. Những chùm Dú Dẻ vàng mọng, thơm lừng, ăn rất ngọt. Những trái Chiêm Chiêm chín đỏ rất ngon... Giờ đây vùng đất cằn khô cát nóng đã trở thành khu dân cư đông đúc, nhà cửa san sát nhau, bán buôn nhộn nhịp. Ông Nhã kêu hai đĩa cơm và mấy lon bia.
Ông Hào vừa ăn vừa kể cho bạn nghe về mình. Ông tốt nghiệp phổ thông không xin việc gì trong nhà nước. Ông làm vườn. Ba má ông cho khu vườn gồm một mẫu đất trồng cây ăn trái, nào chôm chôm, nhãn, sầu riêng. Hằng ngày ông Hào lo tỉa cành, tưới nước, phun thuốc. Tới vụ người ta đến tận vườn mua sản phẩm mình hái được, không cần chuyên chở. Con cái ông hào học hành tốt, ai cũng thành đạt. Ngày xưa ông Hào học dở nhất lớp, lúc nào cũng đội sổ điểm. Cuộc đời ông Hào may mắn, vui nhiều, buồn chẳng là bao; ngược lại với bạn. Ông Hào sợ bạn buồn, nói an ủi:
- Học dở hay giỏi rất quan trọng, nhưng không phải ai học giỏi cũng thành đạt. Tất cả là do may mắn và số phận. Tui nói như vậy ông đừng buồn, cái số ông ạ! Khi nào ông muốn cứ vào chỗ tui, hai đứa mình cùng làm vườn. Nếu ông không thích, tui tìm việc khác giúp.
- Tui không thể bỏ vợ ở nhà được, tội nghiệp bà ấy, dù vợ tui kình la, nhăn nhó vậy, nhưng chỉ vì khổ quá thôi.
- Thì tui nói vậy, khi nào ông thích cứ vô. Không làm gì cũng được, ông chơi với tui.
Ông Hào thăm hỏi những người bạn thuở thiếu thời cùng lớp. Có người còn ở đây, có người đã rời quê hương lập nghiệp ở nơi khác. Ăn cơm xong họ về nhà, ông Nhã ôm gối ra tấm phảng gỗ nhà trước. Họ nằm nghỉ trưa. Ông Nhã cười “Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời mình”.
Buổi trưa, cả xóm yên ắng. Văng vẳng tiếng hát ru em, nghe buồn ngủ ríu cả mắt, ông Nhã lẩm nhẩm hát theo giọng ai đang ca. Những câu ngày xưa được mẹ hát ru ngủ, ông thuộc lòng. Tiếng gà gáy trưa càng làm đôi mắt như ríu cứng lại. Ông thiu thiu ngủ.
Tiếng xe phanh dừng gấp, tiếng ào ào la hét, tiếng chân chạy thùm thụp. Cả xóm tỉnh ngủ! Bóng áo xanh công an thấp thoáng cùng mấy người đàn ông từ con hẻm bên hông nhà ông Nhã đi ra. Một anh cố cãi:
- Tui mới vừa tới, ngồi xem chứ có đánh bài đâu, mấy anh thả tui ra đi!
- Anh cứ lên trên xã rồi giải thích.
Tiếng xe nổ máy, vệt khói nhả phía sau. Mọi người tỉnh ngủ, ra đường giữa trưa nắng chang chang. Ông Nhã thở dài lo lắng cho thằng Tùng - con trai ông. Một thanh niên từ trong hẻm chạy ra mặt dáo dát hỏi:
- Bắt mấy người, những ai vậy?
Một người đàn ông trung niên, tóc dài cột thành đuôi gà nói:
- Hai đứa! Thằng Hạnh con bà hai Thu, thằng Khanh xóm dưới. Mày chạy giỏi à! Còn thằng Tùng con ông Nhã thoát rồi hả?
- Ông Tùng còn giỏi hơn cả tui, thoắt một cái ổng biến mất.
- Mày giỏi thiệt đó, chưa khi nào tụi nó bắt được mày.
Anh thanh niên cười hí hí, mái tóc nhuộm vàng khè, cắt ụn phía trên như chóp núi cười:
- Tui mà không giỏi thì ai nữa cha! Tui hổ không đẹp không ăn tiền. Đố tụi nó bắt được tui.
Ông Nhã lắc đầu bước vào trong, lầm thầm “Cứ cái kiểu này chắc phải bán nhà đi nơi khác”.
Ông Hào nhìn bạn buồn bã:
- Ông cứ lo kiểu này, sống sao nổi. Hay ông vào chỗ tui thử ra sao. Con gái tui có tiệm làm cửa nhôm, ông vào tui biểu nó nhận ông coi ngó buổi tối. Nằm ngủ chớ chẳng làm gì, ông vào ở với tui.
Ông Nhã thở dài:
- Còn ruộng đất ai mà chăm, tui ngó vậy đó mà còn làm được. Một mình bà ở nhà cũng lo, mấy đứa nhỏ lêu lỏng lắm. Tui thương bà ấy.
Hai người bạn cùng nhau đi thăm lại những bạn học cũ. Ông Hào chơi đến chiều, rồi về lại thị xã, nhà của em gái ông. Lần trở về đã làm ông như trẻ lại, trông ông vui hơn, khỏe hơn. Ông đã tìm thăm lại tuổi thơ, thăm lại nơi ông cất tiếng khóc chào đời.
Trước khi đi, ông Hào nhét vào túi bạn một ít tiền và địa chỉ nơi ông Hào sống.
Ông Nhã chống gậy, bước xiêu quẹo trong hẻm nhà anh Tùng ra, đôi mắt nheo nheo cố nhìn, miệng lẩm nhẩm gì không ai nghe rõ. Đôi chân ông buồn bã kéo lê, tiếng dép nghe sềnh sệch kéo dài giữa trưa nắng gắt. Chiếc áo đen cũ kỹ đã phai màu như thiêu đốt tấm thân gầy gò, nhỏ bé ấy. Ông Nhã như bị nóng chảy giữa cái nắng gay gắt trên con đường bê tông trắng loáng. Ông bước từng bước như đếm thời gian trôi, không biết đến bao giờ kết thúc. Anh Tùng - con trai ông Nhã đang lên cơn nghiện.
Trời vừa sập tối, mấy chiếc xe máy ầm ầm chạy vào con hẻm bên hông nhà ông Nhã, nơi có nhà vợ chồng anh Tùng. Tiếng chửi rủa, cãi nhau lẫn tiếng la thất thanh của phụ nữ. Tiếng đập đổ vỡ tung tóe xuống nền nhà, cùng tiếng khóc nỉ non của Thanh - con dâu ông Nhã, vợ Tùng. Mấy thanh niên tóc vàng, tóc nâu, mình mẩy xâm đủ thứ. Một thanh niên đầu không có một sợi tóc, đeo chiếc bông tai lủng lẳng, hét:
- Đ.m! Giờ tao nói mày có trả không? Tao cho mày lần cuối, hẹn cho chính xác. Tao lại lần nữa mà không có là mày chỉ có theo ông bà thôi. Nhớ đấy!
Tùng quỳ dưới đất run lẩy bẩy:
- Mấy anh tha cho tui, thư thả cho tui chạy, tui sẽ trả đừng đánh tui tội nghiệp.
Tùng ngước nhìn khuôn mặt non choẹt của cậu thanh niên, đáng tuổi con anh. Môi anh run run khi thấy nét hung hăng hiện trên khuôn mặt của cậu ta, khuôn mặt đằng đằng sát khí:
- Mày lo mà chạy tiền đi! Tao nói rồi đó! Tao cho mày một tuần nữa, không có là đừng trách tao sao vô tình. - Quay sang tụi đàn em, nó hét - Thôi rút tụi bay! Tuần sau đến!
Nó vung tay ra hiệu, tụi đàn em tóc đủ màu, có đứa đầu không có một chút tóc, thu mã tấu, roi dắt vào bên hông. Cả bọn leo lên xe nổ máy, chạy vù.
Buổi tối chập choạng cùng tiếng ầm ầm rú của động cơ mấy chiếc xe máy phân khối lớn. Màn đêm buông nhanh, cả xóm đã lên đèn. Ánh sáng yếu ớt như bóng ma đang hiện về, bóng ma của đời sống đã chết.
Tháng 2/2017
  Tiểu Nguyệt
Theo http://vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...