Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

Thân phận và khát khao của người phụ nữ trong Đỉnh khói của Nguyễn Thị Kim Hòa

Thân phận và khát khao của người phụ nữ 
trong Đỉnh khói của Nguyễn Thị Kim Hòa
Bắt đầu sáng tác từ năm 2009, đến nay, 2017, nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa thế hệ 8x đã có lưng vốn tác phẩm nhất định gồm nhiều thể loại: Nho đắng, Đỉnh khói, Ngoài cửa sổ nắng tan (truyện ngắn); Cơn lũ vẫn chưa qua (truyện dài); Sa mạc & Những vệt nhớ (tản văn); Tay chị tay em, Thần Cupid có nhầm không, Cút cà cút kít, Leng keng Noel, Công chúa nhỏ chăn cừu, Chiếc áo của Gián đất (sáng tác cho thiếu nhi). Mặc dù số lượng tác phẩm còn hơi khiêm tốn, nhà văn Kim Hòa cũng đã được bạn đọc cả nước ghi nhận, khẳng định khi lần lượt “rinh” về  đến ba giải thưởng vào loại danh giá, trong đó hai giải truyện ngắn và một giải  sáng tác cho thiếu nhi: một giải Tác giả Trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam vào năm 2012 dành cho tập truyện Nho đắng,  giải nhất cuộc thi truyện ngắn 2013-2014 của tạp chí Văn nghệ quân đội với chùm truyện Hương thôn dã, Đỉnh khói và Thôi mùa cỏ cháy…và giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học thiếu nhi Việt Nam-Đan Mạch 2013-2015.
Vốn đã/đang là một cô giáo dạy học tại gia thường xuyên giao tiếp, đồng cảm cùng những trẻ em lứa tuổi cấp I, cấp II nên trong những tháng năm đầu đến với văn chương nhà văn thích viết về đối tượng thiếu nhi với “một rung cảm rất đặc biệt”, như lời Kim Hòa tự nhận. Tác phẩm đầu tay năm 2011, Tay chị tay em, và một tác phẩm in năm 2014 của chị, Thần Cupid có nhầm không đều là sản phẩm ra đời từ NXB Kim Đồng. Có điều một khi bút pháp văn xuôi của nhà văn đã định hình rõ nét, cả chị và những bạn đọc lâu nay vẫn yêu mến chị sẽ không khó khăn để nhận ra một sợi chỉ đỏ vẫn hằng xuyên suốt những sáng tác dành cho người lớn đã được vinh danh của chị, dù đó có là tập truyện ngắn (Nho đắng, Đỉnh khói) hay là truyện dài (Cơn lũ vẫn chưa qua) và cả tập truyện ngắn mới nhất, Con chim phụng cuối cùng. Đó chính là những câu chuyện đa dạng mà nhất quán về những thân phận và khát khao của những người phụ nữ Việt xưa cũng như nay. Chưa đủ điều kiện để khảo sát chủ đề trên một cách toàn diện, người viết chủ yếu tìm hiểu, lí giải số phận và khát khao của người phụ nữ thông qua tập truyện ngắn Đỉnh khói của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa…
Nguyễn Thị Kim Hòa là một trong những nhà văn nữ có ý thức khá sâu sắc và cụ thể về cái tạng riêng của ngòi bút mình. Dù trả lời phỏng vấn về tập truyện Nho đắng hay về 3 truyện giành giải nhất của tạp chí VNQĐ, chị vẫn luôn bộc bạch mối quan tâm thường xuyên, sâu đậm của mình về người phụ nữ: “Tôi hay nghĩ về những người phụ nữ quanh tôi: Những người thân yêu ruột thịt, bạn bè, hàng xóm, những người quen sơ hay cả những người chưa gặp một lần. Tất cả họ, dù khác nhau về hoàn cảnh sống, gia đình hay vị trí xã hội, vẫn có chung nhau một khát khao cháy bỏng khôn cùng về hạnh phúc. Câu chuyện về thứ khát khao ấy đeo đẳng tôi. Những bi kịch hay hạnh phúc từ thứ khát khao ấy ám lấy tôi.
Dồn đuổi. Thôi thúc. Nên tôi viết” (đoạn trả lời in ở bìa 4 tập Nho đắng); “Khi bắt đầu viết cho đến giờ, đề tài tôi luôn quan tâm và lựa chọn luôn là thân phận con người, nhất là phụ nữ. Lựa chọn đó cũng không thay đổi khi tôi đi vào mảng lịch sử, dã sử.”(phụ lục tập truyện Đỉnh khói tr. 187). Viết về những thân phận phụ nữ đầy những khát khao hạnh phúc mái ấm đối với một nhà văn nữ có số phận đặc biệt khác thường như Kim Hòa phải chăng cũng chính là một cách thức để gửi gắm và biểu hiện những khát khao đau đáu của bản thân tác giả? 
Nếu như ở Nho đắng, khi viết về phụ nữ cùng những bi kịch phát xuất từ khao khát hạnh phúc của họ, nhà văn “sử dụng cách viết lồng ghép vào câu chuyện và bi kịch nhân vật yếu tố đặc điểm vùng miền. Cảnh trong truyện gắn liền với nhân vật, thay nhân vật phản ánh nội tâm và biến đổi theo dòng nội tâm đó” (lời của Kim Hòa trả lời phỏng vấn của Hội NVTPHCM) thì sang Đỉnh khói, nhà văn đã thay đổi và thử nghiệm thành công một lối viết mới. Đây là “lối viết hiện đại, kiệm lời, giàu hình ảnh, cắt dán tinh tế, thích chơi tín hiệu ẩn chìm để người đọc cảm nhận…”( lời của nhà văn Chu Lai, Ủy viên Ban chung khảo cuộc thi truyện ngắn 2013-2014 vừa nêu), là lối kể chuyện linh hoạt, tinh tế kết hợp giữa điểm nhìn nội tâm và điểm nhìn khách quan, giữa điểm nhìn không gian và điểm nhìn thời gian, điểm nhìn cố định và điểm nhìn di động…tạo ra điều mà lí luận văn học hiện đại gọi là “sự luân phiên điểm nhìn” khiến cho những truyện ngắn của Đỉnh khói, dù là truyện ngắn lịch sử hay truyện ngắn đời tư, vẫn mang màu sắc hiện đại, mới mẻ.
Tập truyện ngắn mới nhất của Kim Hòa gồm 8 truyện chia vào ba phần gắn liền với ba hình ảnh: Cỏ, Bụi và Khói. Tên gọi từng phần có thể xem như những tín hiệu/biểu tượng không gian cho những truyện ngắn neo đậu vừa giàu ý nghĩa hiện thực vừa mang giá trị tượng trưng. Các nhân vật nữ của tập truyện, xuất phát từ điểm nhìn thời gian, gắn bó với 3 thời điểm lịch sử cụ thể: Nhóm nhân vật trung đại, gồm cả nhân vật lịch sử và nhân vật dã sử, như Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Thu Nhi, Trịnh Tiệp Dư…(Hương thôn dã), nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bích Xuân…(Nắng quái Tây Nam thành); nhóm nhân vật hiện đại thời điểm chế độ cũ sắp cáo chung trước 1975 ở miền Nam như Năm Thúy (Đỉnh khói), Hai Kim (Giấc mơ đá vỡ) và nhóm nhân vật đương đại như mợ Ba (Thôi mùa cỏ cháy), bà nội (Tiếng đất), Phiên (Chung dòng)…
Miêu tả những người đàn bà trong hậu cung của chúa Trịnh Sâm (1739-1782), Kim Hòa không hướng ngòi bút ngợi ca vẻ đẹp ngoại hình và những mưu mô tranh giành, thâu tóm quyền lực của họ mà chủ yếu đi sâu lột tả, biểu hiện khát khao làm vợ, làm mẹ của những thân phận đàn bà giữa thời tao loạn ở Bắc kỳ, khi Trịnh Sâm mê đắm thứ phi Đặng Thị Huệ, dẫn đến việc phế con trưởng (Trịnh Tông), để lập con thứ (Trịnh Cán – con trai Huệ). Hình tượng hương chè quê nhà tinh khiết mà chát đắng, thơm ngát mà mong manh dằn vặt, ám ảnh trong dòng ý thức của nhân vật Đặng Thị Huệ đã góp phần tô đậm, khắc sâu vẻ đẹp tinh thần giàu nữ tính của nhân vật này. Cũng trở thành tội nhân của một triều đại như Đặng Thị Huệ song nhân vật Bùi Thị Xuân (1771-1802) trong Nắng quái Tây Nam thành vừa được xây dựng như một  nữ tướng Tây Sơn tài năng và bản lĩnh, vừa được khắc họa với tư cách một người phụ nữ khao khát tình yêu và có lúc cũng tỏ ra yếu mềm…Vậy mà nhân vật nữ ấy, với tư cách người mẹ, đã phải chịu đựng nỗi đau xé ruột khi phải chứng kiến đứa con gái trẻ Bích Xuân của mình biến thành một đống thịt bầy nhầy dưới chân voi Độc Ngà. Hình ảnh voi Độc Ngà và hình ảnh Thiết Tượng đan xen trong cảm nhận của nhân vật nữ tướng gợi cho chúng ta nhiều suy tưởng đa chiều về giá trị con người…
Khác với hai nhân vật Tuyên phi và nữ tướng, nhân vật Năm Thúy (Đỉnh khói) và nhân vật Hai Kim (Giấc mơ đá vỡ) chỉ là hai người đàn bà bình thường, xuất hiện vào thời điểm chế độ miền Nam cũ chuẩn bị cáo chung trước năm 1975. Là một bé gái bị mẹ cố tình bỏ rơi giữa thời chiến tranh khốn khó, cuộc sống đẩy đưa bé Năm từ một đứa bé nhặt rác lần lượt trở thành vũ nữ phi trường rồi gái bán hoa rẻ mạt. Vậy mà người mẹ đơn thân ấy, ngày ngày ngập ngụa dưới đáy bùn nhơ, vẫn đau đáu nhớ về một lần nắm tay đột ngột của người bạn trai thiếu thời, vẫn thầm mong ước một ngày gặp lại mẹ và em trai. Mong ước ấy đã tiếp sức cho Năm Thúy đi qua chiến tranh cho đến ngày đất nước được giải phóng dù cơ hội đoàn viên mỏng manh tựa như làn khói. Nhân vật Hai Kim tuy chưa được làm mẹ như Năm Thúy song lại phải thay cha mẹ nuôi dạy hai  đứa em trai. Một đứa là sĩ quan chế độ cũ, Ba Sang; một đứa bỏ ngũ lên núi theo chân cách mạng, Út Kiên. Thế là ngần ấy năm trong cuộc đời mình, Hai Kim cứ sống trong thấp thỏm lo lắng đứa này đứa kia chết trận hoặc xả súng vào nhau, đồng thời khao khát một ngày được ôm trọn vòng tay của cả hai đứa em trai…Giấc mơ của Hai Kim về đàn bướm, về tiếng vỡ của ngọn đá Dao…là những chi tiết trộn lẫn giữa hư và thực được tác giả vận dụng như những “điềm báo dân gian”có tác dụng xoáy sâu thêm những giằng xé, lo lắng của nhân vật này.
Không phải thuộc các nhóm nhân vật nữ hoặc là tội nhân của các thế lực phong kiến, hoặc là nạn nhân của chiến cuộc, nhóm các nhân vật nữ đương đại như mợ Ba, bà nội, Phiên…là những nhân vật đời thường, xuất hiện từ những cảnh sống vất vả, khắc nghiệt. Nhà văn không chỉ để các nhân vật chính tự kể về mình mà còn mượn lời kể, cách nhìn từ bên ngoài của một nhân vật phụ, gần gũi với nhân vật chính. Người kể chuyện trong Thôi mùa cỏ cháy là một đứa bé tên Chất, cháu trai của các nhân vật cậu Tư, cậu Ba, mợ Ba. Nhân vật cô gái bán hoa khổ nhục, mợ Ba, qua lời kể của Chất, xuất hiện cùng với cơn mưa, rồi dần dần tựa như cơn mưa tưới mát cánh đồng cuộc đời khô khốc của hai người đàn ông khốn khổ tật nguyền, tựa như ngọn đèn soi sáng cảnh sống tối tăm, nghiệt ngã của họ…Cũng qua lời kể của Chất, khát khao làm mẹ, khát khao chăm sóc, lo toan cuộc sống gia đình của cô thực sự xúc động chúng ta!
Truyện ngắn Tiếng đất có sự luân phiên thay đổi của nhiều điểm nhìn trần thuật. Có điểm nhìn của bé Lụm, của bà nội và cả điểm nhìn từ bên ngoài…Thông qua nhiều điểm nhìn ấy, hình tượng nhân vật bà nội hiện lên với vai trò của người mở đất, khai phá đất, mang khát vọng giữ gìn đất đai máu thịt. Thế nhưng, bi kịch của bà lại nảy sinh từ “những đứa con sinh ra trong đất, ngủ trong đất, lớn lên từ những giọt mồ hôi của đất” lại đang hàng ngày hàng giờ tìm mọi cách thức, thủ đoạn bán đất để lao vào cờ bạc, ăn chơi. Duy có đứa con trai út, niềm hi vọng cuối cùng của bà, tuy không bán đất nhưng rồi cũng sẽ quay lưng lại với đất! 
Miêu tả thân phận và những khát khao của những người phụ nữ xưa cũng như nay cũng là một cách nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa góp phần vào tiếng nói đời sống. Đóng góp ấy của Kim Hòa có thể chưa thật mới mẻ, có thể còn phải gia công chăm chút, đào sâu song thật đáng trân trọng, đồng cảm bởi lẽ với hướng khai thác này nhà văn trẻ của chúng ta đã xác lập cho mình một chỗ đứng phù hợp, gần gũi với văn mạch dân tộc. Cùng với nhà văn Nguyễn Bình Phương, TBT tạp chí VNQĐ, chúng ta “có căn cứ để hi vọng đây là một tác giả có nội lực đi bền bĩ để tiến tới một sự nghiệp chứ không chỉ là một cây bút trẻ của thời, của đoạn”. Sự ra đời của tập truyện ngắn lịch sử xoay quanh những số phận, những khao khát của người phụ nữ Việt Nam, Con chim phụng cuối cùng, vào giữa quý II, năm 2017 vừa qua quả thật đã chiếm được phần lớn những phản hồi tích cực từ phía bạn đọc cả nước cũng như giới cầm bút từ Bắc chí Nam… 
Phan Đình Dũng
Theo http://vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...