Tiếc cho miền yêu xanh biếc
Giận mình sao ngốc nghếch
Để miền yêu xanh biếc
Vừa vụt qua mất rồi.
(Tiếc - Sợi buồn khẽ rụng - Thủy Hướng Dương)
Đã lâu lắm, tôi có đọc một bài thơ không nhớ rõ của ai, trong
đó có hai câu: "Khi anh hiểu tiếng hàng mi em khép/ Thời thanh xuân tươi đẹp
đã qua rồi". Đọc bài thơ "Tiếc" của THD, hai câu thơ trên chợt vụt
hiện về tâm trí tôi... Thơ THD qua hai tập chị tặng tôi: "Hãy yêu đi khi
ta còn có thể" và "Sợ buồn khẽ rụng" hầu hết là các "dòng
nhớ trong veo" nhưng dễ lẫn với rất nhiều tập thơ tình xuất bản đến chóng
mặt thời gian qua. Vì vậy tôi sửng sốt trước một bài thơ 4 câu ngũ ngôn truyền
thống của chị "neo" tôi lại, buộc phải ngẫm nghĩ.
Khi viết bài thơ này, với tất cả xúc cảm
tiếc nuối hồn hậu mà chị mong truyền tới người đọc, chắc hẳn THD không thể ngờ
rằng chị đã vô tình động đến một vấn đề Mỹ học có liên quan đến Ngôn ngữ học,Tâm
lý học, Phân tâm học... làm tốn giấy mực trong nhiều thập kỷ - đó là quá trình
đi từ Khái niệm đến Biểu tượng... Dĩ nhiên, điều này không phải là nguyên cớ để
bài thơ hay hơn, sâu sắc hơn, nhưng nó đã đi vào hình tượng thơ- dù là vô thức,
và có cảm xúc chân thực làm "vật đảm bảo".
Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, mỹ học đều đã
thống nhất rằng trong lịch sử nhân loại, có hai ký hiệu văn hóa độc lập và
ngang nhau để tạo nên khái niệm: lời nói và hình vẽ, và "sự tiến triển của
văn hóa đòi hỏi sự có mặt của hai hệ thống ký hiệu này." (Ký hiệu học và mỹ
học Điện ảnh- I. Lotman- Viện NT<ĐAVN,1997, trg.482). Với lý thuyết trên,
tôi bắt đầu giả định (theo tình huống của bài thơ): một buổi sáng, khi thức dậy,
người thơ lục tìm thấy Tên anh- người thương mến qua thư từ (thậm chí chỉ là một
dòng chữ viết vội), có thể cả một bức ảnh (cũ hoặc mới) - thuộc "hai hệ thống
ký hiệu". Đó là những vật chứng tạo nên Khái niệm khá trọn vẹn của Tình
yêu - và Tên Anh là trung tâm, là nội dung chính của Khái niệm Tình yêu ấy
(Không phải là Khái niệm mơ hồ, xơ cứng, mà là Khái niệm run rẩy hơi thở sự sống!)
Sau đó khi người thơ nói: "Giận mình sao ngốc nghếch", thì thật ra với
thái độ tự trách rất nữ tính ấy cũng đã gói đủ cái điều cần bộc bạch; bài thơ nếu
chấm dứt tại đó cũng là trọn vẹn, cũng đủ tạo dư ba trong người đọc.
Nhưng bài thơ lại tiếp, không phải vì cần tuân theo quy luật
thể tứ tuyệt:
Để miền yêu xanh biếc/ Vừa vụt qua mất rồi.
Tới đây, Khái niệm (hiểu theo cách giải
nghĩa trên về văn bản thơ) đã mở rộng theo hướng vô cùng và trở thành Biểu tượng
của Tình yêu và sự Tiếc nuối: "Miền yêu xanh biếc." Biểu tượng chứa đựng
vẻ đẹp của sự sống và tuổi trẻ, sự đắm say, lòng ngưỡng vọng cao cả, và tôi tin
rằng tất cả chúng ta, ai cũng đã từng có hoặc đang mong có một "Miền yêu
xanh biếc" như thế! Nhưng Miền Yêu xanh biếc tác giả nói đến theo tôi
không chỉ dành riêng cho Tình yêu nam nữ, mà còn tượng trưng cho tất cả những
gì con người khao khát nhưng thực xa vời! Ta hãy thử đọc trong "Từ điển biểu
tượng văn hóa thế giới":
"Xanh là màu lạnh nhất trong các màu, và trong giá trị tuyệt đối của nó là màu tinh khiết nhất... màu xanh không thuộc thế giới này, nó gợi lên một ý tưởng về sự vĩnh cửu bình lặng và kiêu kỳ, siêu phàm..." (Nxb Đà Nẵng & Trường viết văn Nguyễn Du, 2002- trg.1015). Ở đây, đồng cảm với tâm trạng của tác giả, ta càng hiểu vì sao nhà phân tâm học Thụy Sĩ nổi tiếng C. Jung đã nói: "kiến thức khoa học tiến bộ thì thế giới cũng mất dần tính chất của con người... Sự liên lạc của con người với thiên nhiên đã bị gián đoạn, vì thế mà biến mất những những sinh lực tinh thần sâu xa được tạo ra bởi những liên lạc với biểu tượng của con người." (Thăm dò tiềm thức, Nxb Tri thức, 2007, trg.139)
"Xanh là màu lạnh nhất trong các màu, và trong giá trị tuyệt đối của nó là màu tinh khiết nhất... màu xanh không thuộc thế giới này, nó gợi lên một ý tưởng về sự vĩnh cửu bình lặng và kiêu kỳ, siêu phàm..." (Nxb Đà Nẵng & Trường viết văn Nguyễn Du, 2002- trg.1015). Ở đây, đồng cảm với tâm trạng của tác giả, ta càng hiểu vì sao nhà phân tâm học Thụy Sĩ nổi tiếng C. Jung đã nói: "kiến thức khoa học tiến bộ thì thế giới cũng mất dần tính chất của con người... Sự liên lạc của con người với thiên nhiên đã bị gián đoạn, vì thế mà biến mất những những sinh lực tinh thần sâu xa được tạo ra bởi những liên lạc với biểu tượng của con người." (Thăm dò tiềm thức, Nxb Tri thức, 2007, trg.139)
Trên con đường đi tìm lại "Miền yêu
xanh biếc" "vừa vụt qua" đó, dù có đớn đau, tuyệt vọng thì người
thơ vẫn không thể nản chí, bỏ cuộc, "Ta vẫn đi... đi hết con đường/
Nhưng bây giờ sẽ đi bằng đôi chân rớm máu." (Trò chuyện với con đường
- Sợ buồn khẽ rụng.)
Vâng, cũng chỉ với "đôi chân rớm
máu" đó để nối lại liên lạc giữa thiên nhiên và con người bị gián đoạn- chứ
không phải những "đôi hài vạn dặm" tưởng tượng- mới có thể đưa chúng
ta tới những "Miền yêu xanh biếc" hằng mong mỏi...
Nguyễn Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét