Franz Schubert, nhà thơ của ca khúc
Trong văn hóa Tây Âu nửa đầu TK XIX, chủ nghĩa lãng mạn chiếm
vị trí quan trọng, đó là sự chuyển động của tư tưởng nghệ thuật bao trùm nhiều
lĩnh vực khác nhau như triết học, thẩm mỹ, nghệ thuật. Điều kiện tiên quyết cho
sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa lãng mạn đó là sự kiện của cách mạng
Pháp (1789-1794) đã ảnh hưởng lớn đến các nước châu Âu. Trên bước ngoặt của lịch
sử, sự thay đổi xã hội phong kiến bằng một xã hội tư sản đã đưa chủ nghĩa lãng
mạn lên một vị trí thống trị trong nghệ thuật. Riêng với lịch sử âm nhạc châu
Âu, người ta chẳng thể nào bỏ quên F.Schubert - một nhạc sĩ tài ba mở đầu cho
thời kỳ lãng mạn, đưa ca khúc đã sánh vai với các thể loại âm nhạc khác (1).
Đầu TK XIX trong văn hóa Đức - Áo đã hình thành những tiền đề
cải cách trên lĩnh vực ca khúc để tạo ra những biến thể mới. Ngay từ cuối TK
XVIII, sự trang nhã từng thống trị trong nghệ thuật thơ ca của Đức đã dần nhường
chỗ cho phong cách mới mang đặc điểm hướng tới sự đơn giản, rõ ràng, trung
thành với đời sống hiện thực như nền tảng, cơ sở thực tế của nghệ thuật dân tộc.
Những khuynh hướng mới này gắn liền với sức mạnh của sự tự nhận thức dân tộc,
đã đưa thơ ca Đức đến thời kỳ hưng thịnh chưa từng thấy. Chúng thúc đẩy sự phát
triển của các tài năng thơ ca, trong đó có Goethe - một nhà thơ lớn nhất của nước
Đức - người đã kết hợp được sự giản dị, tự nhiên, tình cảm sống động với tư duy
triết học sâu sắc trong tác phẩm của mình. Chính sự phát triển chung của nghệ
thuật âm nhạc đã dẫn đến việc tư duy lại thể loại ca khúc, vốn trước đây được
coi là thứ yếu.
Những khuynh hướng này đặc biệt được tăng cường vào đầu TK
XIX - kỷ nguyên ra đời và phát triển trường phái âm nhạc lãng mạn. Điều quan trọng
là trường phái âm nhạc lãng mạn tuyên bố làm giàu nghệ thuật âm nhạc, thông qua
việc thống nhất âm nhạc với thơ ca, ca khúc là một trong những loại hình như thế.
Hình thức nhỏ của ca khúc đối với thế giới quan lãng mạn đã đáp ứng được cách
tiếp cận thực tế, đặc thù như là sự thay đổi đa dạng những trạng thái của một bức
tranh riêng lẻ.
F.Schubert là người mở đầu thời kỳ lãng mạn ở các lĩnh vực
khác nhau của âm nhạc. Trong số những tác phẩm của ông có hai kiệt tác Bản
giao hưởng dang dở và Giao hương số 9 giọng cdur (đô trưởng)
đã đánh dấu các thể loại giao hưởng trữ tình - kịch tính và anh hùng ca - sử
thi, mở ra con đường phát triển giao hưởng Tây Âu. Trong số tác phẩm nhạc thính
phòng của F.Schubert có những kiệt tác như Ngũ tấu đàn dây giọng cdur(đô
trưởng), Tứ tấu đàn dây giọng amoll (la thứ) và dmoll (rê thứ) Deathe
and the maiden (Thần chết và trinh nữ) và Ngũ tấu piano giọng adur (la
trưởng) (tên gọi khác là Ngũ tấu cá hồi), một bản nhạc giản dị nhưng chứa
đầy vẻ đẹp làm say đắm lòng người bởi sự tươi vui của tuổi trẻ. Chỉ có trong
lĩnh vực opera, F.Schubert không mấy thành công, không phải do âm nhạc mà do vấn
đề chọn kịch bản. Tuy nhiên, trong di sản âm nhạc của F.Schubert ca khúc chiếm
vị trí cơ bản không chỉ bởi số lượng hơn 600 tác phẩm, mà chủ yếu trong ca khúc
của ông đã bộc lộ một cách rõ ràng, hợp lý và thuyết phục những tư chất đặc biệt
của nhạc sĩ trên con đường sáng tạo, sự trưởng thành nghệ thuật của ông. Ca
khúc đã mở ra khoảng rộng bao la của thế giới nội tâm con người và cũng từ đây,
ca khúc tiếp nhận được ý nghĩa dân chủ. Cuối cùng trong sự gắn bó chặt chẽ giữa
lời ca và âm nhạc, ca khúc đã có được sự tinh tế của thơ ca giành cho hình tượng
âm nhạc. Tất cả điều đó, là sự thể hiện đặc biệt của sự đổi mới sâu sắc nội
dung và hình tượng đa diện trong tác phẩm của Shubert.
Nhờ có F.Schubert mà lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc ca
khúc đã sánh vai với các thể loại âm nhạc khác. Nền tảng thơ ca trong các tác
phẩm của F.Schubert phản ánh khá cơ bản toàn bộ lịch sử thơ ca Đức - Áo, hơn nữa
còn bao gồm cả một số tác phẩm của các tác giả nước ngoài khác. Dĩ nhiên, trong
từng thời kỳ khác nhau của cuộc đời, ông đã quan tâm tới nhiều nhà thơ khác
nhau, nhưng gắn bó hơn cả là Goethe, mặc dù số lượng ca khúc sáng tác trên lời
thơ của nhà thơ vĩ đại này không nhiều hơn các tác giả khác.
Người ta thường gọi F.Schubert là người đặt nền móng cho thể
loại thanh nhạc thính phòng trữ tình. Thực ra F.Schubert không phải là người
sáng tạo ra thể loại bài hát, với tư cách là một tác phẩm nhỏ dành cho giọng ca
với phần đệm đàn. Tuy nhiên, trước thời F.Schubert, ca khúc chỉ được coi là thể
loại xếp hạng hai và hạng ba. Các bậc tiền bối của F.Schubert, những người đại
diện của trường phái cổ điển Viên như Haydn, Mozart và L.Beethoven cũng đánh
giá một cách xứng đáng thể loại ca khúc, nhưng những nhạc sĩ này không đóng vai
trò người cách tân nó. Nói chung đối với họ, ca khúc vẫn là loại hình thứ yếu
mà người nhạc sĩ chỉ nhân tiện sáng tác mà thôi. L.Beethoven là người lưu ý đến
thể loại ca khúc nhiều hơn cả, trong những ca khúc của ông chúng ta bắt gặp cả
phương tiện thanh nhạc truyền thống được kết hợp với những đặc điểm tư duy âm
nhạc thuần túy. Chỉ có trong một số ca khúc riêng rẽ của Haydn, Mozart,
L.Beethoven xuất hiện những yếu tố kiến giải mới thể loại mang lại cho tác phẩm
sức nặng to lớn, thí dụ như Viola của Mozart và Bài ca con bọ
chét của L.Beethoven.
Ca khúc của F.Schubert đối với người đương thời thực sự là một
từ mới. Mặc dù đã kiên trì, miệt mài lao động trong thể loại này trên nhiều tác
phẩm của các nhà soạn nhạc cuối TK XVIII đầu TK XIX, song F.Schubert không có
những bậc tiền bối đích thực về thể loại ca khúc. Ông không có những kiểu mẫu
điển hình để có thể dựa vào đó mà sáng tác. Trong một chừng mực nào đó, chính
những khó khăn này giúp ông không phải vượt qua chính những truyền thống mà ông
vô cùng tôn trọng. Tất nhiên ông phải làm việc rất nhiều, phải mở ra con đường
mới cho bản thân. Dù sao đi nữa trong lĩnh vực ca khúc ông đạt độ chín nhanh
hơn trong lĩnh vực khí nhạc.
Trong lĩnh vực sáng tạo ca khúc, F.Schubert đã sử dụng toàn bộ
kinh nghiệm của âm nhạc chuyên nghiệp Tây Âu được tích lũy qua nhiều năm. Ảnh
hưởng trực tiếp đến sự hình thành phong cách ca khúc của F.Schubert là opera và
singspiel của Đức (opera hài), đặc biệt là những vở opera của Gluck, Mozart.
Không còn nghi ngờ gì nữa, phong cách belcanto của Italia trong chừng mực nào
đó góp phần tạo nên sự uyển chuyển, mềm mại của cách biểu diễn cantilena (hát
âm thanh đẹp liền giọng). Trong những ca khúc của ông chúng ta bắt gặp sự thể
hiện những thành tựu của khí nhạc Tây Âu, trước hết là âm nhạc của các nhạc sĩ
cổ điển Viên.
Tuy vậy, ngọn nguồn chính ca khúc của F.Schubert lại là ca
khúc dân gian Áo vốn có ngữ điệu rất đặc trưng, được tạo ra bởi những di dân
trước đây và cả người Hungari, Croatia, Séc, Slovakia, thậm chí cả người
Italia. Nền tảng nghệ thuật truyền thống của F.Schubert cũng được người đương
thời cảm nhận rõ. E.Bauenfeld người bạn của ông nhấn mạnh: "Những giai điệu
của Schubert đôi khi vang lên theo kiểu tổ quốc, quê hương, theo kiểu Áo, gợi
chúng ta nhớ đến những bài hát dân gian”. F.Schubert đã tiếp nhận những lời
trách móc tương tự như là một lời khen như vốn có và cần phải như thế, ông đã
trả lời bạn bè như vậy. Ở Viên, ông dành phần lớn cuộc đời mình nghe những bài
hát của các dân tộc đã di cư đến Áo. F.Schubert đã tìm hiểu âm nhạc dân gian
trong những chuyến đi, ông chăm chú lắng nghe giai điệu dân gian Hungari, và
dành hai mùa hè để dạy nhạc tại gia đình bá tước Estergazi ở Zalsbourg.
Mỗi lần được nghe nhạc dân gian, F.Schubert rất vui sướng.
Trong sáng tác, F.Schubert hiếm khi sử dụng những giai điệu dân gian chính gốc,
song ông lại thâm nhập sâu vào tận cùng tinh thần của chúng. Ngôn ngữ ca khúc
dân gian Áo phần lớn đã trở thành ngôn ngữ của riêng ông. Và, một số đặc tính
chung, riêng quan trọng trong ca khúc của F.Schubert có liên quan đến điều này.
Ngay từ thời niên thiếu, ca khúc đã có ý nghĩa rất lớn đối với
F.Schubert. Theo lời kể từ một số người bạn, khi còn đang học tại một tu viện ở
Viên (1808-1813), ông đã được mệnh danh là cậu bé thánh thót. F.Schubert ngồi
hàng giờ trước thềm nhà mày mò các nhạc cụ, sau khi đã học những ca khúc của
L.Beethoven và Zumsteeg. Nhiều ca khúc của Zumsteeg, trong đó có những tác phẩm
thơ ballad gồm các đoạn khác biệt nhau rất hấp dẫn Schubert, và ngay những kinh
nghiệm đầu tiên trong thể loại ca khúc ông đã coi chúng như những hình mẫu.
F.Schubert còn sáng tác những ca khúc trên lời thơ đã được Zumsteeg sử dụng.
Tuy nhiên, đã xảy ra một bước ngoặt, F.Schubert mang ơn
Goethe rất nhiều. Ngày 19-10-1814, phần đầu ấn phẩm Faust của Goethe
đến tay nhà soạn nhạc trẻ F.Schubert, ông đã đọc kỹ một trong những ca khúc của
Gretchen. Bài thơ đã để lại ấn tượng rất mạnh mẽ trong ông. Tình cảm của nữ
nhân vật, nỗi buồn sự lo lắng của cô ta, F.Schubert đã chịu đựng như thể của
chính mình. Và kết quả bước đột phá ấy, F.Schubert cho ra đời Gretchen ngồi
quay sợi - đây là một trong những tác phẩm hay nhất của ông trong thể loại
ca khúc. Có thể coi ngày khai sinh ca khúc mới của Đức và Áo là những ca khúc với
hình thức ngắn gọn nhưng đôi khi lại mang nội dung sâu sắc và lớn lao, và quả
thực nó chiếm vị trí danh giá nhất trong các thể loại âm nhạc. Đó có thể coi là
ngày sinh của F.Schubert với tư cách là một tác giả của thể loại ca khúc.
Trước hết, chúng ta thấy ở F.Schubert sự thống nhất phần lời
và phần nhạc, sự thể hiện sâu sắc những hình tượng thơ ca. Trong Gretchen
ngồi quay sợi, F.Schubert lần đầu tiên áp dụng phần nhạc đệm đặc trưng, giàu
hình ảnh và biểu cảm. Xuyên suốt ca khúc là âm hình du dương trong bè piano
không chỉ truyền đi tiếng vo ve đơn điệu của khung xa, mà còn miêu tả được trạng
thái tinh thần của nhân vật này. Như vậy, sau khi sáng tác xong Gretchen
ngồi quay sợi, ông không chỉ cách tân thể loại ca khúc, mà còn tạo ra cho nó
tính đa dạng hoàn toàn mới.
Việc tìm cảm hứng sáng tạo không phải lúc nào cũng dễ dàng đối
với F.Schubert, song chính thành tựu đã đạt được lại tiếp tục thôi thúc ông. Và
cũng không phải ngẫu nhiên, từ đó ông thường xuyên đọc thơ của Goethe. Với tâm
trạng rất phấn chấn, F.Schubert bắt đầu thể hiện cường độ lao động phi thường.
248 tác phẩm, gần một nửa di sản của ông để lại cho hậu thế được sáng tác vào
năm 1815 - 1816 đã minh chứng điều đó. Trong năm 1815, có ngày ông sáng tác tới
8 ca khúc. Tất nhiên nhiều tác phẩm viết lúc đó, bây giờ chỉ được xem như những
kinh nghiệm, những bài tập còn non nớt.
Cùng với năm tháng, F.Schubert ngày càng khắt khe hơn với bản
thân. Có một thời gian dài nhiều người ta cho rằng, dường như ông sáng tác tác
phẩm giống như chim hót, không suy nghĩ, hoàn toàn theo bản năng, không đặt ra
cho bản thân những nhiệm vụ cụ thể. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm, tất nhiên
nó xuất phát do một số đặc điểm thực tế trong quá trình sáng tác của
F.Schubert, trước hết do tốc độ sáng tác qua nhanh. Có nhiều bằng chứng minh chứng
điều này. Thí dụ, chúng ta nhớ lại câu chuyện của J.Shpaun, người bạn thân của
nhạc sĩ nói về việc F.Schubert sáng tác kiệt tác thơ ballad mang tên Chúa
rừng dựa trên lời thơ của Goethe: “Một bận sau giờ ăn trưa tôi cùng
Mayrhofer ghé thăm Schubert, chúng tôi bắt gặp ông rất hưng phấn đang đọc rất
to cuốn sách Chúa rừng. Ông cầm cuốn sách đi tới đi lui, bất thình lình ngồi
xuống, và chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn có thể chỉ đủ chép lại, một kiệt
tác thơ ballad đã được ghi ra giấy”.
Tính chân thực của câu chuyện này, hiện các nhà nghiên cứu đang tranh cãi, song còn rất nhiều bằng chứng hiển nhiên như ngày tháng chính tay tác giả đề trên các bản thảo viết tay các tác phẩm của mình. Sự nhanh chóng này không nói lên ngay cả quá trình sáng tạo của F.Schubert là hoàn toàn mang tính chất tiềm thức, bản năng, mà nó liên quan chặt chẽ với năng khiếu vốn có của ông. Nhờ có sự say mê lớn, trong quá trình sáng tạo âm nhạc và sự tập trung sức sáng tạo một cách phi thường, hình tượng âm nhạc được vẽ lên trong nhận thức của ông một cách nguyên vẹn. Đặc biệt khi ông sáng tác những tác phẩm thanh nhạc, có thể ngay trong chốc lát tạo ra một giai điệu hoàn thiện trên những đặc điểm cơ bản và bố cục hài hòa về loại hình, bút pháp phần đệm đặc sắc trong con người nhạc sĩ đầy tài năng này.
Tính chân thực của câu chuyện này, hiện các nhà nghiên cứu đang tranh cãi, song còn rất nhiều bằng chứng hiển nhiên như ngày tháng chính tay tác giả đề trên các bản thảo viết tay các tác phẩm của mình. Sự nhanh chóng này không nói lên ngay cả quá trình sáng tạo của F.Schubert là hoàn toàn mang tính chất tiềm thức, bản năng, mà nó liên quan chặt chẽ với năng khiếu vốn có của ông. Nhờ có sự say mê lớn, trong quá trình sáng tạo âm nhạc và sự tập trung sức sáng tạo một cách phi thường, hình tượng âm nhạc được vẽ lên trong nhận thức của ông một cách nguyên vẹn. Đặc biệt khi ông sáng tác những tác phẩm thanh nhạc, có thể ngay trong chốc lát tạo ra một giai điệu hoàn thiện trên những đặc điểm cơ bản và bố cục hài hòa về loại hình, bút pháp phần đệm đặc sắc trong con người nhạc sĩ đầy tài năng này.
Sự nghiệp sáng tác của F.Schubert tiến triển rất nhanh và mạnh
mẽ, mối quan hệ với thế giới được làm sâu sắc hơn, hình thành nên những phương
pháp soạn nhạc mới. Có bài thơ trước đây đã từng được ông phổ nhạc, sau ít năm
có thể nhạc sĩ cảm thấy bài này cần phổ nhạc lại. Bởi vì trong di sản ca khúc của
F.Schubert có nhiều tác phẩm được viết dựa trên cùng một văn bản thơ. Có một số
bài thơ ông đọc lại sáu lần và mỗi lần như vậy ông lại sáng tác bản nhạc mới.
Bên cạnh đó, rất nhiều ca khúc của ông cũng được hiệu đính chi tiết nhiều lần,
chẳng hạn viết lại cho người bạn biểu diễn hay ca sĩ khác thể hiện, hoặc hiệu
đính cho nhà xuất bản... Đôi khi những sự thay đổi này là vô tình, nhưng đa số
đều có chủ định rõ ràng, trước hết là mong muốn mang lại cho hình tượng âm nhạc
thêm hoàn thiện hơn.
Mặc dù F.Schubert sáng tác hơn 600 ca khúc, nhưng chúng rất
đa dạng ở cả về nội dung và phương tiện biểu cảm. Những hình tượng, ngôn ngữ âm
nhạc không lặp lại, nó hiện ra trước chúng ta một thế giới cảm xúc và tâm trạng
con người rất sâu sắc và chân thực. Sự thẳng thắn, cởi mở trong cách thể hiện ở
những ca khúc của F.Schubert thật kinh ngạc. Ông không bao giờ mã hóa nỗi lo lắng
của nhân vật, không bao giờ hài lòng dù chỉ là những ám chỉ. Ca khúc của ông
tuôn ra từ một trái tim tràn đầy cảm xúc khát khao chia sẻ, nó giống như sự
xưng tội với chính mình.
Sự nghiệp sáng tạo của F.Schubert gắn liền với kỷ nguyên ông
sống, với những điều kiện xã hội của thời đại và của đất nước ông. Đó là thời kỳ
xuất hiện nghệ thuật lãng mạn ở các nước Tây Âu, trước hết là văn học, thơ ca
và cả âm nhạc, mà chính ông là nhà soạn nhạc lãng mạn vĩ đại đầu tiên. Trong những
tác phẩm của ông chúng ta bắt gặp nhiều sự thể hiện độc đáo, nói một cách công
bằng đó là những nét đặc tính của trường phái lãng mạn. Ông đặc biệt quan tâm đến
từng cá nhân, đến nỗi lo lắng của từng con người cụ thể. Không phải ngẫu niên
mà Asaphiev nhà lý luận âm nhạc kiệt xuất của Nga đã nói: F.Schubert là người đầu
tiên hô hào chủ nghĩa cá nhân và chỉ ra đặc tính chủ nghĩa cá nhân thể hiện
trong tác phẩm của mình. Đó là “năng lực hiếm có, trở thành người theo chủ
nghĩa trữ tình, nhưng không ẩn dật mà cảm nhận và truyền tải những niềm vui, nỗi
đau thương của cuộc sống,... Cũng giống như MozarinhF.Schubert thuộc về số đông
nhiều hơn, vì thế âm nhạc của ông là tiếng hát về tất cả, chứ không phải cho cá
nhân mình”.
Trong âm nhạc của Schubert, trước hết là các ca khúc, thiên
nhiên luôn tràn trề nhựa sống và vô cùng tinh tế. Đặc biệt là tiếng nước chảy
vô cùng hấp dẫn ông. Ông nói rằng để những ca khúc có sự khắc họa đầy ấn tượng ấy
thì những hình ảnh dòng suối chảy róc rách, dòng sông cuồn cuộn, khoảng không
bao la của biển, lúc bình thản bất động, lúc hung dữ phải được khắc đậm trong
phần nhạc. Điển hình cho bước tranh thiên nhiên ấy phải kể đến ca khúc: Con
cá forelle, Bài ca chèo thuyền, Trước biển...
Một trong những khía cạnh phong phú nhất trong các ca khúc của
F.Schubert là tính giai điệu. Mỗi một bài ca có một giai điệu đặc sắc, phù hợp
với nội dung của tác phẩm. Mayrhofer bạn của F.Schubert thường nói: hôm nay
Schubert và một số bạn đến tôi chơi, những giai điệu của ông xua tan đám mây nặng
trĩu của thời đại. Quả đúng như vậy, bởi khi nghe ca khúc của ông thì thấy giai
điệu rất trang nhã, chan chứa, lung linh. Nhiều người thường nói rằng,
F.Schubert có năng khiếu thiên bẩm xuất chúng về phát minh giai điệu, phương diện
này chỉ có Mozart mới có thể so sánh được.
Những giai điệu trong ca khúc của F.Schubert vô cùng đa dạng,
đôi khi trong những tác phẩm ấy lại xuất hiện một số đặc điểm ngâm vịnh, hát
nói. Trong những ca khúc thể loại ballad, chúng ta bắt gặp lối hát nói đích thực,
mà tính biểu cảm của nó đôi khi chỉ mang tính ước lệ. Zonlyaiter đã nhận xét: vẻ
đẹp giai điệu của F.Schubert là độc lập, thuần túy âm nhạc - có nghĩa là chúng
hoàn toàn phụ thuộc vào ngôn từ, chúng luôn chuyển tải sâu sắc cảm xúc của nhà
thơ, thậm chí còn nâng cao phẩm giá của nhà thơ hơn nữa. Không những tinh tế
giàu cảm xúc, mà đôi khi giai điệu trong các khúc của ông còn mộc mạc đến kinh
ngạc. Tuy nhiên sự mộc mạc đó không phải được tuôn ra vì thiếu ngôn ngữ âm nhạc
hay hời hợt về nội dung, mà cái chính là do sự tiếp nhận chúng một cách đầy đủ.
Bằng những phương tiện đa dạng, trong đó có nhịp điệu, nhạc sĩ thổi vào tác phẩm
một số đặc điểm cá nhân, làm cho chúng không thể giống nhau. Thí dụ, bắt đầu bè
hát của ca khúc Lipa trong chuỗi bài thơ Con đường mùa đông, nét
cơ bản là sự giảm dần theo thang bậc trọng âm điệu trưởng thay thế bằng giai điệu
lên xuống uyển chuyển nhịp nhàng, làm cho đoạn nhạc này trở nên đặc sắc và tinh
tế.
Sự kết hợp tuyệt vời giữa lời và nhạc trong các bài hát của
F.Schubert có được không chỉ bởi tài năng âm nhạc trời phú, mà còn bởi sự dày
công tìm tòi những sắc thái mới trong thi ca. Không quá quan tâm đến lời thơ,
ông thường không từ chối khi bạn bè đưa thơ để ông phổ nhạc. Tuy nhiên, theo thời
gian mọi thứ cũng thay đổi. F.Schubert hiểu rằng phản hồi của công chúng đối với
tác phẩm thơ phụ thuộc vào chất lượng sáng tạo âm nhạc của ông.
Trong hồi ký, Huttenbrenner viết: nếu tôi đặc biệt khen một bài thơ nào đó thì F.Schubert chỉ nói rằng đó là một bài thơ hay. F.Schubert không thể sáng tạo được một ca khúc với bài thơ dở và ông đã phải từ chối nhiều bài thơ bạn bè gửi đến. Tuy vậy, điều này không có nghĩa F.Schubert chỉ sử dụng những bài thơ trác tuyệt để phổ nhạc. Đôi khi ông cũng phổ nhạc cả những bài thơ của bạn bè là những nhà thơ không chuyên.
Trong hồi ký, Huttenbrenner viết: nếu tôi đặc biệt khen một bài thơ nào đó thì F.Schubert chỉ nói rằng đó là một bài thơ hay. F.Schubert không thể sáng tạo được một ca khúc với bài thơ dở và ông đã phải từ chối nhiều bài thơ bạn bè gửi đến. Tuy vậy, điều này không có nghĩa F.Schubert chỉ sử dụng những bài thơ trác tuyệt để phổ nhạc. Đôi khi ông cũng phổ nhạc cả những bài thơ của bạn bè là những nhà thơ không chuyên.
R.Schumann cũng có lần nhận xét rằng, nếu F.Schubert sống lâu
hơn thì có thể ông sẽ phổ nhạc cả kho tàng thơ ca Đức. Tất nhiên đây chỉ chỉ là
câu nói cường điệu, nhưng nhận xét của R.Schumann cũng phản ánh một phần sự thật
trong di sản đồ sộ các bài hát của F.Schubert - gần như toàn bộ kho tàng thi ca
đương đại
Trong sự nghiệp sáng tác của F.Schubert, những bài thơ của
Goethe có vị trí đặc biệt. Trong số các nhà thơ khác, người có ảnh hưởng mạnh đối
với F.Schubert là F.Schiller. Trong hàng trăm ca khúc có giá trị để đời, có lẽ
nghệ thuật ca khúc của ông được thể hiện đầy đủ nhất ở hai tập liên ca khúc được
chuyển thể từ thơ của W.Muller - nhà thơ cùng thời với nhạc sĩ. Thơ của
W.Muller mang chủ đề thời đại chủ đề tình yêu mà F.Schubert là người sáng tạo
ra một thể loại mới cho âm nhạc đó là liên ca khúc, trong đó chứa đựng những
nguyên tắc mới trong lối cấu trúc, trên cơ sở sự thống nhất kịch tính âm nhạc của
sự phát triển tình cảm và hình tượng. Liên ca khúc thứ nhất Cô chủ cối xay
xinh đẹp (1823) gồm 20 bài. Liên ca khúc thứ hai Con đường mùa đông (1827)
gồm 24 bài, bao trùm nỗi bi thương, thế giới mùa xuân tươi mát nhường chỗ cho nỗi
buồn. Liên ca khúc này còn mang tính triết lý, nói cách khác là những dằn vặt,
nỗi lo âu, hay những tình cảm mà ông đã trải qua vào những năm tháng cuối đời.
Riêng tập Khúc hát thiên nga - lời tựa do nhà xuất bản đặt - trong đó
có những kiệt tác như Serenade, Atlas, là sự phàn nàn về cuộc sống mà nhạc sĩ mắc
phải nỗi đau về thể xác và tinh thần. Tuyển tập này F.Schubert phổ thơ của
Haine chủ đề là nỗi bi thảm, đau khổ của cuộc đời. Chính Haine đã thốt lên:
Atlas, tôi phải gánh trên vai cả thế giới thống khổ này.
Những ca khúc của F.Schubert quả thực đã đưa người nghe vào
thế giới mong muốn của họ, đồng thời tạo được niềm tin rằng: cùng với thời
gian, thế giới này sẽ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
1. Bài viết sử dụng tư liệu trong các sách: T.E. Txưtobisch
(chủ biên), Âm nhạc Áo và Đức TK XIX,Mockba,1975; P. Vulfius, Frans
Schubert (Khảo luận về thân thế và sáng tác), Nxb Muzưka, 1983; IU.
Khokhlov, Những ca khúc của Schubert, Nxb Muzưka, 1975.
Trọng Tấn
Nguồn: Tạp chí VHNT
số 335, tháng 5-2012
số 335, tháng 5-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét