Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Phong cách ngôn ngữ của Đỗ Doãn Hoàng qua tác phẩm phóng sự

Phong cách ngôn ngữ của Đỗ Doãn Hoàng 
qua tác phẩm phóng sự  
Nghề báo cũng như nghề văn - đó là nghề của câu chữ. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân: “Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự để sự sinh”. Dù nhà báo có những ý tưởng độc đáo hay những sáng tạo trong việc phát hiện và tiếp cận vấn đề, nhưng nếu không sử dụng thành thạo câu chữ thì cũng không thể có bài báo hay được
Một câu hỏi được đặt ra với các nhà báo, đặc biệt với những nhà báo trẻ là, làm sao có được một vốn ngôn ngữ phong phú để có thể tái tạo hiện thực một cách thân thực, sống động, hấp dẫn? Dù là một bài báo nhỏ, cũng phải có năng lực sử dụng ngôn từ. Trên thực tế, việc phóng viên dụng công cho câu chữ là rất ít. Họ thường bị cuốn vào vòng quay của công việc, của những áp lực về thời gian. Đối với các tờ nhật báo cũng như các chương trình thời sự của đài phát thanh, truyền hình, phóng viên đi lấy tư liệu thực tế về, chỉ mong có đủ thời gian để viết cho kịp giờ lên khuôn, phát sóng. Viết thật nhanh, thật hối hả, nhiều khi không kịp đọc lại bản thảo đã nộp bài. Viết như vậy làm sao có thể huy động hết mọi ngôn từ hay, làm sao chăm chút cho từng câu từng chữ? Và cứ thế, nếu không có sự đòi hỏi nghiêm khắc nào của những người duyệt bài vở thì ngòi bút của phóng viên sẽ dần dần đi vào lối mòn, sẽ cùn đi, sẽ cạn đi lúc nào không biết.
Đỗ Doãn Hoàng là cây bút nặng duyên với thể loại phóng sự. Là một nhà báo trẻ khá và thành công trong lĩnh vực phóng sự, Đỗ Doãn Hoàng một thời được biết đến như một “hiện tượng” của làng báo Việt Nam. 15 năm đồng hành cùng nghề báo cũng là 15 năm Đỗ Doãn Hoàng nhọc nhằn với phóng sự, đem lại cho đời biết bao “trái ngọt” từ phóng sự. Phóng sự làm nên tên tuổi, thương hiệu và phong cách ngôn ngữ của Đỗ Doãn Hoàng.
2. NỘI DUNG
2.1. Một số khái niệm liên quan đến phong cách ngôn ngữ
Phong cách
Phong cách là một cấu trúc hữu cơ của tất các kiểu lựa chọn tiêu biểu, hình thành một cách lịch sử và chứa đựng một giá trị lịch sử có thể cho phép ta nhận diện một thời đại, một thể loại hay một tác giả.
Phong cách được tạo nên từ khả năng sáng tạo của tác giả trên cơ sở những biểu hiện của cuộc sống hiện thực.
Phong cách ngôn ngữ
Phong cách ngôn ngữ là toàn bộ những đặc điểm về cách thức diễn đạt trong mỗi loại văn bản.
Phong cách ngôn ngữ của tác giả bao gồm đề tài, hình tượng nội dung - nghệ thuật, cấu trúc bố cục, phương tiện ngôn ngữ,…được thể hiện trong tác phẩm.
Phong cách tác giả
Phong cách tác giả là kết tinh những “chuyên gia nghệ thuật” trong những khuynh hướng, trào lưu gắn liền với tên tuổi của từng cá nhân. Họ làm nên tên tuổi thời đại chứ không phải thời đại tạo ra phong cách tác giả.
Phong cách tác giả bao giờ cũng được hình thành từ sự sáng tạo, tức là tác giả bao giờ cũng phải đứng trên những tinh hoa nghệ thuật của thời đại để sáng tác ra một tác phẩm nghệ thuật ở trình độ cao hơn.
2.2. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Đỗ Doãn Hoàng sinh ngày 1/1/1976 tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (nay sát nhập vào Hà Nội). Anh tốt nghiệp ngành Cử nhân Báo chí hệ chính quy (chuyên ngành Báo in) phân viện Báo chí và Tuyên truyền - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh năm 1998, từng công tác tại tạp chí Thanh Niên, báo Thanh Niên, báo An ninh thế giới, báo Công an nhân dân. Hiện, anh là biên tập viên mảng phóng sự của báo Lao Động.
Hơn 15 năm làm báo, với “cuộc đời là dấu cộng của những chuyến lang thang”, Đỗ Doãn Hoàng đã trình làng gần 20 tuyển tập phóng sự, ghi chép, bút ký: Trần gian còn một thứ nghề, Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha, 27 phóng sự xã hội, Ký sự đồng rừng, Người đàn bà tử tế, Nến cong và lửa thẳng, Săn ca ve, Những thây người mang hình dấu hỏi, Nhìn ngược từ nóc nhà Đông Dương, Thế giới người điên, Tôi thật thà với chính tôi, Cánh chim rừng không mỏi,…
Phóng sự Đỗ Doãn Hoàng nồng ấm hơi thở của đời sống, tính thời sự nóng bỏng, luôn hấp dẫn độc giả bằng nỗ lực làm mới không ngừng cùng hình thức thể hiện sinh động, giàu chất nghệ thuật.
=> Tìm hiểu về phong cách ngôn ngữ của Đỗ Doãn Hoàng chính là tìm đến với những bài phóng sự gắn liền với tên tuổi của anh.
2.3. Khái niệm và đặc trưng của thể loại phóng sự
Phóng sự là gì? 
Phóng sự là thể loại ký báo chí có nhiệm vụ thông tin thời sự về người thật, việc thật trong quá trình phát sinh, phát triển; phóng sự phản ánh và thẩm định hiện thực thông qua cái tôi lý lẽ giàu cảm xúc và một bút pháp giàu chất văn học.
Đặc trưng của thể loại phóng sự
Tính xác thực và thời sự
Vì giá trị chân thật cao nên đối tượng phản ánh của phóng sự là người thật, việc thật. Tính chân thực trong phóng sự được hiểu là sự đảm bảo chính xác đến từng chi tiết của sự kiện. Những địa danh, tên người trong phóng sự phải là những chất liệu sống, trùng khít với thực tế.
Người viết cần cập nhập những thông tin mới mẻ, hấp dẫn, có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội và thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Kết hợp các bút pháp thuật, tả, bình
Tường thuật, miêu tả, bình luận là những bút pháp chính được sử dụng trong phóng sự. Sự đan xen, kết hợp các bút pháp tả, thuật, bình đem đến cho phóng sự khả năng tuyệt vời trong phản ánh hiện thực, thoả mãn tối đa nhu cầu tiếp nhận thông tin của người đọc.
Phương thức biểu đạt đậm chất văn học
Là thể loại báo chí, khi mới xuất hiện phóng sự chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thông tin sự kiện. Phóng sự tập trung phục dựng sự kiện, chi tiết bằng một lối viết trần trụi, thô mộc. Theo thời gian, song hành cùng nhu cầu tiếp nhận của người đọc, phẩm chất của phóng sự linh hoạt thay đổi, không chỉ thông tin sự kiện mà còn thông tin thẩm mỹ. Nghĩa là phóng sự phải có chất văn.
Trong phóng sự, chất văn thể hiện rõ nhất ở nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Khác với ngôn ngữ của các thể loại thuần báo chí, ngôn ngữ phóng sự có sự cộng hợp “vừa tồn tại những đặc trưng của ngôn ngữ báo chí, vừa hiển thị những phẩm chất của ngôn ngữ văn chương”. Sự cộng hợp này giúp người viết biểu đạt sự kiện sinh động, uyển chuyển hơn.
Cùng với việc sử dụng ngôn ngữ gợi hình ảnh, đậm màu sắc văn chương, phóng sự còn hướng vào thế giới bên trong của nhân vật.
3. Phong cách ngôn ngữ của Đỗ Doãn Hoàng
Phong cách của Đỗ Doãn Hoàng được thể hiện ở nhiều khía cạnh như cách chọn đề tài, cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm, trong việc khắc họa hình tượng nhân vật, thể loại ngôn ngữ , phương thức diễn đạt,…
3.1. Đề tài phóng sự Đỗ Doãn Hoàng - Bức tranh hiện thực đa diện.
Nặng lòng với núi rừng, với những miền đất bị lãng quên
Từ tận nơi “cùng trời cuối đất” địa đầu tổ quốc mũi Cà Mau đến nơi rừng rú nhất Việt Nam - ngã ba biên giới Apa Chải, rồi thoắt một cái cột cờ Lũng Cú, đỉnh Phan Xi Phăng cao nhất Việt Nam, Côn Đảo, Phú Quốc, Bạch Long Vĩ, Quần đảo Hải Tặc đâu đâu cũng có bước chân của Hoàng. Anh đi mang theo một khát vọng tự nhiên và nguyên thủy nhất của loài người, khát vọng “xê dịch và yêu thương”. Anh đã tới và yêu đến cháy lòng Tây Bắc, xứ Mường Thanh, mường Tắc, mường Lò, mường Than; đã viết như “thổ huyết” ra trang giấy hàng trăm phóng sự về những đại ngàn hoang sơ nhất, những mảnh đất “sơn cùng thủy tận nhất”, những vùng đất khó nghèo, xa xôi, hẻo lánh nhất.
Nặng lòng với Tây Bắc, yêu Tây Bắc, Đỗ Doãn Hoàng tìm đến Tây Bắc như một điều tất yếu. Hoàng tìm hiểu về những phong tục, thói quen, khó khăn của người miền núi. Dù cho Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha - “một cuộc lạc rừng hãi hùng đích thực” nhưng vẫn vượt thoát khỏi “vực cao, núi đá sâu và những cơn mưa rừng” tìm tới được “thượng nguồn dòng sông có cái tên thơ mộng nhất Việt Nam: sông Giăng” để thốt lên xuýt xoa thán phục tài nghệ Cuộc vượt thác của người lái đò sông Giăng, để tìm hiểu cho thấu lịch sử hình thành, văn hóa, ngôn ngữ, “mấu chốt của tâm thức người Đan Lai” như tại sao có tên làng như thế; thói quen du canh du cư: suốt đời họ sống lang thang trong rừng sâu. Họ chỉ sống ở chỗ nào mà: “Nằm ngửa thấy ong, nằm nghiêng thấy cá”; tục “nong mốt, nong đôi” hay tục “ngủ ngồi, dùng cọc gỗ chống vào cằm; nhúng trẻ sơ sinh xuống dưới nước để làm những dũng sĩ a-sin”…
Phóng sự Đi tìm một dân tộc chỉ có hơn 500 người ở miền Tây xứ Nghệlại khắc hoạ cuộc sống trong không gian chông chênh mất còn của hơn 300 hộ dân người Ơ-đu. Trong khi ngôn ngữ gần như biến mất, trang phục không còn một bộ nào, một trong những tộc người có số dân ít nhất Việt Nam lại phải đứng trước nguy cơ của một cuộc di dân đi xứ khác để trả đất làm thuỷ điện. Vấn đề được đặt ra là không biết bản sắc và các giá trị văn hóa - lịch sử - tộc người của dân tộc này sẽ đi về đâu?
Đi, ghi chép, tìm hiểu rồi trăn trở, băn khoăn, đau với nỗi đau của thiên nhiên. Đây là Bù Chồng Cha, cái rốn của mại dâm và ma túy. Kia là vương quốc pơ-mu bị xẻo thịt lột da. Bên này ngọn núi người ta sống với bóng đêm và tục ngủ thăm, bên kia ngọn núi người ta “ăn mì tôm, đi xe máy”. Kia là “người Khơ mú nhìn đời từ một góc nghiêng chẳng giống ai, từ một độ cao chỏm chòe lưng núi, từ một góc rừng dốc dác chốc chốc lại một lần linh động theo vô số những biến ảo của mây mù”. Đau nhất là trong lòng Tây Bắc ấy có một Góc tối tăm ở thiên đường du lịch Sa pa. Liệu có ai ngờ được rằng giữa chốn “thiên đường” Mường Tiên (tên gọi khác của Sa pa) ấy lại tồn tại những cảnh đời “sống dưới mức chịu đựng của con người” như thế. Một em gái bé mới 7 tuổi “dễ thương và hồn nhiên như núi rừng” nhưng “đã nghiện lâu rồi”, “răng sún, đen xì hết cả”, “lúc thèm thuốc, nó chửi cả bố mẹ để đòi”, quằn quại, nóng sốt, vật vã mỗi khi cơn nghiện thuốc phiện kéo đến… Bố mẹ em nghiện đã kéo theo cả em, sai khiến em như một cái cần câu cơm. Gần 15 năm ròng nghiện ngập, họ phải bán nhà, bán nương rẫy để sống cảnh “ăn lông ở lỗ” trong các hang đá lạnh lẽo, tối tăm: “Nhà của họ là một cái hang đá theo đúng nghĩa đen, trần hang cao độ 90cm, lòng hang chỗ phình nhất, tôi đo được 1,3m. Tức là, vợ chồng cu cùng hai đứa con chỉ có cách nằm bẹp trong hang, bên cạnh bếp lửa, thì mới vừa. Anh đã lột tả cái thế giới cùng cực ấy một cách chân thực, thẳng thắn đến phũ phàng: “Kiếm được cái gì ăn cái nấy, nước thì đi bưng ở dưới suối, chứ cái can nhựa múc nước rách mất phần quai, chả xách được. Cũng may, người nghiện ở trong hang núi này, họ không có nhu cầu tắm giặt hay đánh răng rửa chân gì sất. Trong túi không có một xu. Trong bếp không có gì ngoài cái kiềng, cùng một lô xích xông những ống bơ dùng để đun thuốc phiện, tất cả các ống hút đã được luộc đi luộc lại nhiều lần để “mót sái”. Ngoài cửa hang, kim dùng để tiêm chính vứt ngổn ngang. Núi đá tai mèo đen xì làm mặt họ càng xám ngoét đi”. Và anh lại đau, đau với nỗi đau cùng cực của những mảnh đời bất hạnh khi miêu tả cả cảnh người vợ sinh con trong hang đá giữa cơn vật thuốc phiện. Khi Đỗ Doãn Hoàng đến, anh đã đóng vai một người khách hiếm muộn tìm… trẻ em về làm con nuôi, và câu chuyện về những người nghiện ở hang đá bán con với giá hơn 2 triệu đồng một đứa trẻ còn đỏ hỏn bắt đầu được anh khám phá, bóc trần. Tất cả, tất cả, trần trụi nhưng là sự thật.
Đúng thế, nhờ có anh mà chúng ta không thể lãng quên Những ô cửa nằm chờ rong rêu trên thị xã Lai Châu tự khi nào, nhờ có anh mà những thân Nến cong và lửa thẳng ở vùng Di Linh lam sơn chướng khí không bao giờ ngã, tắt. Nhờ có anh, cái ngã ba biên giới Sín Thầu - A Pa Chải mới hiện hình ra Phía sau mây mù và núi cao biết bao điều cần nói, nơi có cả những người anh hùng “cắm bản” dạy chữ, giữ rừng và đám người đục khoét, vong ân…
Với Đỗ Doãn Hoàng, viết về đề tài dân tộc luôn là niềm đam mê cháy bỏng, khát khao nhất trong suốt những năm tháng đã và đang làm báo của mình. Động lực lớn nhất thôi thúc anh mải miết đi, đi như một “con dê núi” (chữ dùng của Phạm Ngọc Dương) không biết bao giờ dừng chân là nguyện ước nhân sinh: “là làm sao tác phẩm của mình đem đến những hiệu ứng tốt đẹp hơn cho hiện thực. Một chiến dịch giúp đỡ vùng cao xây nhà, xây trường học, tặng chăn màn quần áo, hay tặng con trâu con bò cho bà con; hay chí ít ra cũng để người phố thị hiểu rằng đất nước mình đẹp lắm, nhưng vẫn còn biết bao mảnh đời bất hạnh, khốn khó. Chúng ta hãy làm một cái gì đó vì đồng bào chịu nhiều thiệt thòi của mình…”. Đỗ Doãn Hoàng đã từng tâm sự như thế trong một cuộc trò chuyện riêng.
Ghi dấu chân mình ở những nơi sơn cùng thuỷ tận, Đỗ Doãn Hoàng không chỉ chú tâm chiêm bái thiên nhiên. Trên hết, đó là hành trình đến với Con người - đến với cộng đồng các dân tộc anh em. Những con người bên dưới những tán rừng hiện lên vô cùng đa dạng. Ở đó, chúng ta có thể bắt gặp những con người xù xì, gân guốc với những kỳ tích hoang biệt trong không gian riêng của mình ít ai biết tới.
3.2.  Nhân vật đặc biệt, đa dạng trên nhiều lĩnh vực
Họ là những nhân tố tích cực của cuộc hành trình đổi mới đất nước; là những số phận kém may mắn nhưng giàu ý chí và nghị lực; là những người lính đang bám trụ nơi biển đảo xa xôi; là những thầy, cô giáo không quản ngại nhọc nhằn “cắm bản” nơi rừng sâu, nước độc,…
Đó là những anh bộ đội biên phòng dẫn đường thấp thoáng trong các phóng sự miền núi của anh. Chân dung thuyền trưởng Ngô Xuân Phương trong phóng sự Tường trình từ quần đảo Hải Tặc đã can trường, mạo hiểm quyết chiến đến cùng với bọn cướp biển để bảo vệ sự bình yên cho những người dân nghèo sống bằng nghề kiếm ăn trên biển.
Trên mặt trận văn hoá, những người cầm bút đồng thời cũng là người lính, họ chiến đấu cho sự thay da đổi thịt của những miền đất lạ xa xôi. Trong phóng sự Cảm nhận Bạch Long Vĩ nổi bật lên hình ảnh hiệu trưởng Nguyễn Thị Cảnh. Chị là người đầu tiên khai sinh cái chữ ở huyện đảo này. 22 năm tuổi nghề, cô giáo Cảnh đã tình nguyện chuyển công tác từ thành phố Hải Phòng ra đảo Bạch Long Vĩ. Rời xa thành phố hoa đèn, hy sinh cả hạnh phúc riêng, hàng ngày chị miệt mài dạy học cho đám trẻ nhếch nhác trong căn nhà làm dịch vụ của Trung đoàn 952 rộng chưa đầy 10m2.
Công cuộc cõng chữ lên non không chỉ là niềm vui của những người đơn thân, mà còn là nhiệt tâm của cả những đôi vợ chồng đồng lòng, chung chí. Phóng sự Ầu ơ cắm bản khắc hoạ hạnh phúc của đôi vợ chồng thầy giáo Việt và cô giáo Thuý, tuy đơn sơ mà ấm áp giữa hoang lạnh rừng già. Cái hơi ấm từ gia đình ấy lại phả ngược nỗi cô đơn trong một câu hỏi buồn: còn bao nhiêu cô giáo nữa đang thiếu thốn những hạnh phúc đơn sơ như thế, khi xung phong cắm bản vùng cao? Cái họ cần là những điểm tựa tinh thần để toàn tâm toàn ý với công việc mà họ đã chọn. Sự hy sinh của họ được ví như những ngọn nến cháy ấm trong rừng hoang vắng lạnh.
Bước chân qua những miền đất lạ, ống kính phóng sự Đỗ Doãn Hoàng luôn hướng đến khám phá những bí ẩn về con người. Nhiều con người bình thường đang đối mặt với những hoàn cảnh không bình thường và nhiều cuộc đời cứ ngỡ là huyền thoại, nhưng huyền thoại ấy là có thật. Đó là  Người đàn bà khóc trong rừng săng lẻ, Người đàn bà khóc qua ba thế kỉ,“Bà Nhàn lòa” nuôi bốn con học đại học, Lão nông muốn vá lại tầng ô zôn, Nỗi niềm đời sông nước, Đứa con người bệnh phong, Tình nguyện “bắc thang đá lên… trời”!, Người tình nguyện mù, Anh thanh niên cao 83 xăng-ti-mét học hai trường đại học ở Hà Nội,… Với những phóng sự này, Đỗ Doãn Hoàng không dừng lại phác hoạ chân dung con người mà hướng đến “tạc tượng” họ. “Những mảnh đời tưởng như nhỏ bé, lam lũ, bị che khuất bởi bao nhiêu éo le của số phận, nhưng lạ thay chính họ lại đang còng lưng gánh cả những bài học sống, bài học cống hiến, bài học nghị lực và nhân tình thế thái”.
Những tấm lòng nghĩa hiệp còn được thể hiện ở những người hết sức bình thường trong xã hội nhưng lại gắn với những cái nghiệp hết sức “lạ thường”: Ông đồ 85 tuổi và 800 học trò nghèo, Nỗi niềm của những đời sông nước, Coi nhà xác - trần gian còn một thứ nghề, Người đàn bà mỗi ngày nấu 150 bát cháo gửi nhân gian, Một người mù và những con đường sáng,… Hầu hết những con người ấy được tác giả tìm thấy và phác hoạ khá sinh động, chân thực, có sức lay động tâm hồn người đọc.
Qua phóng sự Đỗ Doãn Hoàng, người đọc có thể bắt gặp chân dung những con người hảo hán giữa rừng xanh như nhân vật Pờ Xì Tài một thời tung hoành ngang dọc, lập chiến công giết phỉ, đem về cho xã Sín Thầu danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong Pờ Xì Tài ở Tả Kho Khừ. Một Lì Hừ Xá bắt hổ giữa rừng Ma Kí ở Mường Tè, Lai Châu trong phóng sự Ông Hổ - đánh hổ, nuôi hổ như nuôi chó trong gậm bàn… Thêm những cái tên: Chang Mai Lình, Lỳ Lòng Xứ, Mạ Pố Lòng ở ngã ba biên giới đánh nhau với gấu trong cuộc chiến vô cùng cam go với sự khắc bạc của rừng rậm để sinh tồn trong phóng sự Chuyện hổ vồ, gấu tát. Chân dung dũng sĩ săn voi – già Y Thu với chiến tích bắt và thuần dưỡng 348 con voi dữ ở Tây Nguyên trong Voi ơi ta bảo voi này. Hay ông già A Ma Kông với biệt danh Dũng sĩ săn voi số 1 Tây Nguyên với những hồi tưởng xa xăm về một thời bắt voi, thuần voi yêng hùng trong Chú voi già bên dòng Sêrêpok. Rồi chuyện bà Đỗ Thị Tấc băng núi vượt đèo hàng tháng trời để đi khắp cả vùng Tây Bắc trong phóng sự Người đàn bà là con của mẹ núi.
Hình ảnh những đứa trẻ vùng cao cắt rừng đi lấy chữ cứ trở đi trở lại trong nhiều phóng sự: Một tuần làm người cắm bản, Phía sau núi cao và mây mù, Những mái trường chỉ biết có cơm rau… Điều kiện trường lớp thiếu thốn, sơ sài, những mái nhà tranh được dựng tạm bợ, những bữa cơm nghèo nhếch nhác… như một nỗi ám ảnh nhức buốt nhân tâm tác giả sau mỗi chuyến đi rừng.
Cuộc đời kỳ lạ của hoa hậu Hà Thị Tẻo trong Lãng mạn với hoa hậu xứ Mường. Với một tính cách không giống ai, cộng với những thăng trầm đến khó tin trong cuộc đời, hoa hậu sắc nước hương trời một thời làm say mê cả vua Bảo Đại, lúc thất bát phải về Hà Nội xin quần áo cũ và mì sợi để sống qua ngày. Cuối đời nghiện thuốc phiện và chết trong sự nghèo đói cùng cơn thèm thuốc vật vã.
Nhân vật trong phóng sự Đỗ Doãn Hoàng có thể là những con người bình dị đời thường cũng có thể là những người phi thường hay đôi lúc hơi “khác thường”. Họ là đại diện cho nhiều tầng lớp trong xã hội, với ý chí, nghị lực và tài năng họ chính là những nhân tố tích cực góp phần vào công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.
3.3. Canh cánh những nỗi đau
 Dễ dàng nhận thấy Đỗ Doãn Hoàng viết rất nhiều về những nỗi đau. Trong hàng nghìn phóng sự của anh, dễ đến hơn một nửa là anh viết về các nỗi đau. Nỗi đau phận người, nỗi đau sông ngòi, rừng núi bị tàn phá, nỗi đau trước một di tích quốc gia đang bị xâm hại, nỗi đau về sự mông muội, kém hiểu biết của người vùng cao.
Hầu hết phóng sự viết về miền núi của Hoàng đều phản ánh thực trạng đau thương, điêu tàn ngay trong sự kỳ bí, hùng vĩ của miền đồng rừng. Khi viết về thiên nhiên đất nước, đồng thời với việc tự hào và ca ngợi đến say mê vẻ đẹp của quê hương, Đỗ Doãn Hoàng thảng thốt nhận ra, vẻ đẹp ấy đang đứng trước  nguy cơ bị tàn phá, bị cưỡng đoạt, đi ngược lại với quy luật sinh thái muôn đời.
Phóng sự Choáng váng với rừng ở Mường Nhé cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh về nạn phá rừng lập bản, kéo theo là những hệ luỵ về môi trường sống, là điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, là kiếp sống của những “người rừng” bất đắc dĩ. “Cuối năm 2009, trở lại Mường Nhé, tôi liên tục choáng váng vì thảm cảnh miền “rừng vàng” sắp biến mất, vì những con số hãi hùng về nạn phá rừng, di dân tự do”. Đó là hiện trạng rừng Mường Nhé mà Đỗ Doãn Hoàng ghi nhận được.
Tiếng kêu cứu của rừng cũng chính là tiếng kêu cứu của muông thú trước nạn săn bắn bừa bãi. Phóng sự Nhật ký “giết rừng” ghi lại hành trình hơn 10 ngày leo núi vào ngã ba biên giới A Pa Chải. Đó là hành trình thương đau, đau với nỗi đau muông thú bị tàn sát, nỗi đau dân trí thấp, nỗi đau của lòng tham vô đáy của con người, đến nỗi anh phải thốt lên: “Không thể tin được, một người đàn ông cầm cái bình huơ huơ lên trước mặt ẩm khách quảng cáo: “bình rượu ngâm 5 cái bào thai khỉ”. Có lẽ thật khó có cảnh nào dã man hơn thế. Rồi lại đến bào thai nai, bào thai gấu ngâm rượu”.
Tiếng kêu cứu của rừng là những tiếng kêu tuyệt vọng về nạn phá rừng, di dân tự do, săn bắt vô tội vạ khai thác tận diệt nguồn tài nguyên rừng vàng quốc gia. Phóng sự Đỗ Doãn Hoàng là tiếng nói của sự thật. Anh đi, dấn thân và viết nên những trang sự thật đau đáu cõi lòng.
Miền núi là nơi Hoàng tìm đến nhiều nhất. Nơi đây, hàng loạt đề tài nhức nhối được Hoàng khai thác triệt để. Loạt phóng sự Ma ngón liệt truyện xuất phát từ nỗi đau thống thiết của sự mông muội: tự tử và giết người bằng lá ngón. Rất nhiều câu chuyện, rất nhiều vụ án đáng sợ đến rùng mình mà hung thủ – nạn nhân lại là những người nông dân chân đất tội nghiệp, “Năm 2005, tỉnh có 31 vụ tử tử, làm 32 người chết, thì trong đó có 26 vụ họ dùng là ngón để tìm thần chết. Tương tự, năm 2006 có 30 vụ tự tử thì 29 vụ dùng lá ngón làm phương tiện chết”. Những câu chuyện của Lầu Thị Cho, Hà Thị Dung, Sùng Thị Pá, Thào Thị Bia, Lầu Thủ Phó… là nỗi ám ảnh buốt lòng về sự thiếu hiểu biết của người vùng cao.
Phóng sự Sơn Lộ bịt bùng như một hồi chuông cảnh tỉnh một thói quen cố hữu của người vùng cao, đó là ngâm rượu lá, củ, quả thảo dược để uống. “Bà Nông Thị Lợi, 65 tuổi, đi chăn bò, cũng nhân thể nhặt hạt trẩu và bới rễ cây rừng về ngâm rượu uống để trị bệnh đau lưng. Và cút rượu của bà đã khiến 6 người đàn ông ra đi, để lại 6 người vợ trẻ, gần 20 đứa con côi cút và nỗi kinh hoàng vĩnh viễn”. Từ câu chuyện của bà Lợi, câu hỏi mà phóng sự đặt ra: Liệu những thức rượu ngâm, rượu thuốc mang xuống phố có an toàn không, có những sự nhầm lẫn chết người như bà Lợi? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc này?
Cũng viết về những nỗi đau đang âm ỉ tra tấn con người xứ đại ngàn nhưng phóng sự Vết chàm trên mình sơn nữ được tiếp cận từ một hướng khác. Câu chuyện giữa tác giả và hoa khôi Chiềng Xại tên Khà Thị Ngọc cứ miên man giữa màn đêm đại ngàn bất tận, và cuộc đời của cô sơn nữ dần dần hé mở. Phóng sự khiến độc giả giật mình vì cuộc “tha ết lên rừng” chóng vánh đang gom góp thành một hiểm hoạ đối với miền núi. Từ câu chuyện cuộc đời một con người, tác giả khái quát thành một vấn đề xã hội: “Những ngày này, tôi gặp một Mai Châu khác, với thống kê chưa đầy đủ là hơn 240 con nghiện và chừng 50 người bị nhiễm HIV – ít nhất 7 người đã chết vì căn bệnh thế kỷ AIDS! Khi xã hội vẫn còn những sự đời nhức nhối, khi cái ác vẫn nhởn nhơ tồn tại,… thì phóng sự Đỗ Doãn Hoàng vẫn còn canh cánh những nỗi đau.
Với loạt bài Bí ẩn đằng sau công nghệ làm mới di tích Đỗ Doãn Hoàng đã hé lộ một thực tế đau lòng về tình trạng trùng tu tôn tạo di tích lịch sử. “Nhiều nhà khoa học, nhiều nhà quản lý, nhiều đơn vị giám sát, thi công các công trình “trùng tu tôn tạo” “vừa đá bóng, vừa thổi còi”… Thành ra, dư luận cứ bất bình, còn di tích cứ ùn ùn được dỡ ra xây mới, hoặc sửa sang tuỳ tiện làm mất đi giá trị thẩm mỹ, văn hoá, lịch sử đã ngưng đọng hàng trăm, hàng nghìn năm”.
Trong phóng sự Chuông nguyện hồn… sông! Nỗi đau sông ngòi bị tàn sát được thể hiện qua câu hỏi tu từ: Sông Đà sẽ không còn được gọi là sông nữa khi dự án làm thuỷ điện rầm rộ khởi động? Niềm vui ngắn chẳng tày gang, nỗi đau thì hiển hiện mãi: “Một mai nước sông Đà dâng lên đem về “vàng trắng” (thuỷ điện) cho cả nước, hàng trăm bản làng ở khắp 3 tỉnh Tây Bắc sẽ vĩnh viễn mất đi nhiều giá trị văn hoá quý (…) Chỉ xin, các nhà khoa học, kể cả các văn nghệ sĩ, hãy sớm hiểu sông Đà hơn, hãy lưu giữ những giá trị muôn mặt của sông Đà lại trước khi tất cả trở thành quá muộn. Nếu không, chúng ta sẽ có tội với các liệt tổ liệt tông, với mai hậu, với chính chúng ta” .
Những nỗi đau cứ canh cánh bên lòng nhà phóng sự có tài và có tâm, có lẽ suốt cuộc đời Đỗ Doãn Hoàng không dứt ra được bởi nếu một khi đã dứt, một khi tơ lòng không ngân lên những rung cảm cuộc đời, một khi không còn niềm cảm thông, thấu hiểu con người thì có lẽ khi đó, những thiên phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng sẽ không còn cuốn hút chúng ta nữa.
3.4. Cháy bỏng một niềm tin vào sự hướng thiện của con người trước những mặt trái của xã hội cuộc đời.
Đỗ Doãn Hoàng xông xáo trong việc đi tìm kiếm và khai thác những vấn đề nhức nhối.  Tác giả “đã lặn lội, đôi khi quá mạo hiểm điều tra và khá táo bạo đưa ra chính kiến để có thể đưa vào tác phẩm của mình những thực tế ngồn ngộn, đầy tính thuyết phục, và không thể chối cãi được”.
Nói tới những mặt trái của xã hội, ngòi bút của Đỗ Doãn Hoàng tập trung chủ yếu vào những “mảng miếng” như: tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy, trộm cướp, HIV/ADIS, tham nhũng, suy đồi đạo đức, những giá trị văn hóa), tội phạm kinh tế – môi trường (khai thác gỗ, phá rừng, săn bắt động vật quý hiếm). Những phóng sự nóng của đề tài này là Săn cave, Sự tổn thương lớn và phiên tòa đặc biệt, Lời buồn bã từ đồng quê gửi người đang ở phố, Đàn chó sói ăn thịt đàn bò, Ba ngày ở vương quốc pơ-mu, Làm thịt pơ-mu, Công nghệ làm mới di tích, Khi lòng tin bị “xơi tái”, Vì giàu nên phải khóc, Cả xóm bị mổ bụng…
Và dù bằng cách này hay cách khác, nghiêm nhặt, gay gắt hay nhỏ nhẹ, ưu tư, Đỗ Doãn Hoàng đều hướng con người đến chữ thiện. Đỗ Doãn Hoàng tìm cho mình một lối ngợi ca riêng, một cái nhìn nhân ái vượt ra ngoài những khuôn mẫu, những chỉ định quen nhàm. Hoàng dấn thân vào cuộc sống, Hoàng gắn bó cảm thông đến tận cùng của số phận để tin, yêu và viết về những phẩm chất tốt đẹp của con người. Trong mòn mỏi “Viết tiếp về những thân gái quê”, tác giả mừng đến thót ruột khi biết đã có người bỏ nghề, hoàn lương. Trong “Làm thịt pơ-mu”, anh nhận ra rằng: “Những gã sơn tràng khốn khổ như Tư cũng biết rằng, cái sự phá đi những di sản thiên nhiên đang bảo vệ loài người trước thiên tai như thế còn có thể ngụy biện là một sự bất đắc dĩ được ư? Tư tứ cố vô thân, Tư mồ côi và chưa có sự lựa chọn nào khác. Nhưng với những gã buôn lậu gỗ, những cai chủ gỗ, những gã bảo kê cho phá rừng mà tôi đã gặp, thì không có cách nào khác, đành gọi họ là những kẻ bất lương, những kẻ uống thuốc độc để giải khát, những kẻ đập chiếc bình quý để hòng giết vài con gián”.
Gió bụi, liều lĩnh qua các bài viết xông vào “tận mục sở thị” những hang ổ của xã hội, phơi bày những mặt trái của nhiều lĩnh vực bằng cái nhìn sắc sảo, góc cạnh nhưng dứt khoát không phải là lối viết “bới bèo ra bọ”. Bằng những phát hiện xác thực, tác giả buộc người đọc phải thừa nhận những nghịch lý trong cuộc sống thông qua sự công phu của “nhà báo – điều tra”, qua đó, kêu gọi người đọc, xã hội phải quan tâm đến những vấn đề cụ thể, đến cuộc sống của những con người cụ thể, phần lớn là người ở những tầng lớp thấp nhất, nhiều khi thấp đến thê thảm, để chúng ta cùng có trách nhiệm đóng góp vào việc nâng cao dân trí, cải thiện đời sống, đảm bảo công bằng xã hội…
4. Phóng sự Đỗ Doãn Hoàng - Một số phương thức thể hiện đặc sắc
4.1. Nghệ thuật giật tít và rút tỉa lời dẫn
Nghệ thuật giật tít
“Tít báo chính là yếu tố quyết định độc giả có đọc bài báo đó hay không, thậm chí có mua tờ báo đó hay không. Nhiều người Việt chọn mua báo theo cách liếc qua các tít bài, thấy hay, hấp dẫn thì mua, không thì thôi”. Vì vậy, giật tít sao cho lôi cuốn người đọc vô cùng quan trọng.
Khảo sát phóng sự Đỗ Doãn Hoàng, có thể thấy tác giả rất dụng công trong giật tít. Sử dụng nhiều biện pháp để thiết kế tít, song nổi bật nhất trong phóng sự Đỗ Doãn Hoàng vẫn là 3 kiểu giật tít phổ biến sau:
– Tít vay mượn chất liệu từ văn học. Ở dạng tít này, chất liệu văn học như tên các tác phẩm văn học nổi tiếng, các câu ca dao, tục ngữ, các nhân vật văn học vốn quen thuộc, gần gũi với quần chúng được tác giả cải biên để giật tít. Chẳng hạn: Chuông nguyện hồn…sông! “ăn theo” tên tiểu thuyết nổi tiếng Chuông nguyện hồn ai của nhà văn Mỹ Ernest Miller Hemingway. Các tít Mõ làng liệt truyện, “Ma ngón” liệt truyện đã mượn từ “liệt truyện” - một danh từ thường dùng trong các tiểu thuyết dài kỳ. “Ma ngón” liệt truyện gói gọn chủ đề tư tưởng của tác phẩm, đó là những câu chuyện buồn về lá ngón còn dài, không thể một sớm một chiều mà biến mất được. Sử dụng chất liệu văn học, những tít dạng này có khả năng khơi gợi liên tưởng, mở ra cho người đọc những cảm nhận mới lạ về đối tượng phản ánh.
Tít phóng sự Voi ơi ta bảo voi này cải biên theo câu ca dao rất quen thuộc đối với người dân Việt “Trâu ơi ta bảo trâu này…”, hay như tít phóng sự Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt cải biên từ câu hát “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, hoặc giữ nguyên văn với tít Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt … Ở những tít dạng này, âm hưởng nhẹ nhàng của ca dao, dân ca, sẽ làm cho thông tin được truyền đạt mềm mại, truyền cảm.
– Các biện pháp tu từ như tương phản, ẩn dụ cũng được Đỗ Doãn Hoàng sử dụng khi thiết kế tít. Tít có cấu trúc tương phản là loại tít có cấu trúc gồm 2 vế đối xứng. Sử dụng loại tít này làm cho thiên phóng sự “mềm hoá” hẳn, văn chương hơn, làm người đọc ấn tượng và dễ nhớ hơn. Xét tít Nến cong và lửa thẳng, có thể thấy nhan đề tác phẩm được tư duy dựa trên logic tương phản, gây tâm lý tò mò muốn khám phá của người đọc. Ý đồ đó cũng đã được tác giả triển khai nhất quán và chặt chẽ trong bài viết. Anh chia phóng sự ra thành 4 phần: 2 phần đầu khắc hoạ hình ảnh và cuộc đời đau thương của những người hủi bị cộng đồng xa lánh, hắt hủi, tựa như những “cây nến cong” sắp đổ; 2 phần sau tái hiện chân dung một nữ tu sĩ đã quyết “không xây dựng gia đình, nguyện sống một đời khổ hạnh để chăm lo cho các thế hệ người bị bệnh phong” tựa như những ánh lửa thẳng trên những ngọn nến cong.
– Sử dụng dấu chấm lửng giữa tiêu đề nhằm thay đổi ngữ điệu và tạo ấn tượng cũng là dạng tít phổ biến trong phóng sự Đỗ Doãn Hoàng: Nổi nênh… nghiệp rối, Giáo sư, Tiến sĩ cũng… điên như thường, Ông tiến sĩ xua dê đuổi… đói nghèo, Nước mắt… khỉ mặt đỏ, Giữa giang hồ ngồi… khóc, Binh pháp… xe lai,…
– Ngoài ra, phóng sự Đỗ Doãn Hoàng còn nổi bật với dạng tít đánh vào trí tò mò của độc giả. Đây là dạng tít chứa những bí ẩn mà người đọc có nhu cầu giải mã. Dạng tít này có tác dụng câu thúc, dẫn dụ người đọc tiếp tục đọc tác phẩm.
Những thây người mang hình dấu hỏi là thiên phóng sự hấp dẫn người đọc ngay từ tựa đề. Phóng sự gồm 4 phần tương ứng với 4 tít phụ: I. Ký ức kinh hoàng, II. Nỗi trăn trở suốt đời của những người sống sót, III. Hơn 50 mạng người, 40 năm, 60 nhân chứng và một tờ giấy, IV. Thêm một bằng chứng thuyết phục! Hệ thống tít phụ lần lượt hé mở những bí ẩn bên trong “Những thây người mang hình dấu hỏi”, đó là đám giỗ tập thể của hơn 50 cán bộ nhân viên y tế tỉnh Yên Bái trong chiến tranh.
“Đánh đố” ở cấp độ cao hơn, tít phóng sự “Sờ-lâu-ly en nót-quých-ly” Mật ngữ của Ta bà khiến người đọc không khỏi băn khoăn xen lẫn tò mò, ngạc nhiên. Chỉ đến khi đọc đoạn trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Đình Lộc - một bệnh nhân tâm thần phân liệt: “Quan điểm sống của tớ rất đạo. Tớ thích Sờ lâu ly (slowly), sống chậm chứ nót quých ly (not quickly), không sống nhanh, sống gấp. Đời được mấy nả mà tong tả quá thế. Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ…” thì người đọc mới vỡ lẽ những trúc trắc của tiêu đề.
Nghệ thuật rút tỉa lời dẫn
Lời dẫn là phần nằm ngay dưới tít chính, thường được dùng để giới thiệu, dẫn dắt vấn đề sẽ đặt ra trong tác phẩm, hoặc khái quát những thông tin trọng tâm mà tác phẩm sẽ cụ thể hoá trong phần nội dung. “Lời dẫn thường có tác dụng gây ấn tượng mạnh đối với công chúng. Nếu người đọc biết được tác phẩm sẽ nói về điều gì thì nhất định họ sẽ muốn đọc hết tác phẩm để biết chi tiết về điều đó”.
Phóng sự Đỗ Doãn Hoàng thường sử dụng 2 dạng lời dẫn sau:
– Lời dẫn khái quát các thông tin trọng tâm của tác phẩm. Đó là những số liệu, những sự việc, chi tiết chính sẽ được cụ thể hoá trong nội dung tác phẩm. Vì vậy, chỉ cần đọc lời dẫn người đọc có thể nắm được tinh thần tác phẩm. Kiểu lời dẫn này phù hợp với người đọc hiện đại bởi tâm lý muốn đọc ngắn và một phần cũng bởi thời gian đọc ngày càng hạn hẹp.
Phóng sự “Người mắc bệnh trầm cảm ngày càng nhiều!” mở đầu bằng lời dẫn sau: “Theo các chuyên gia hàng đầu của nước ta: Ước tính, có khoảng 15% dân số “có vấn đề về sức khoẻ tâm thần”. Có nhiều “mã bệnh” điển hình mà người “điên” xé quần xé áo, lang thang, gào thét, giết chóc mình và người khác; nhưng cũng có nhiều người “trầm cảm ẩn”, “(bị bệnh) tâm thần không tâm thần”, tức là họ vẫn sống như chúng ta, bởi quá trình phát bệnh của họ rất khó xác định, do thế rất nguy hiểm, và khó chữa trị”. Qua phần lời dẫn này, không cần đọc tác phẩm người đọc vẫn có thể nắm bắt được những thông tin trọng tâm.
Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề sẽ bàn luận cũng là lời dẫn được Đỗ Doãn Hoàng sử dụng nhiều trong phóng sự. Kiểu lời dẫn này thường xuất hiện dưới hai hình thức là lời dẫn trực tiếp và lời dẫn gián tiếp. Lời dẫn trực tiếp là lời dẫn đi thẳng vào vấn đề, sự kiện sẽ phản ánh. Mở đầu phóng sự Cảm nhận Bạch Long Vĩ là lời dẫn ngắn gọn, trực tiếp nhưng không kém phần hấp dẫn: “Có những con người, những vùng đất mà chỉ nghe tên thôi, chưa hề gặp mặt, chưa một lần đặt chân đến, người ta đã mê, đã say. Bạch Long Vĩ đối với, có lẽ không chỉ riêng tôi, là một trường hợp như thế…”. Tương tự, phóng sự Những “tín đồ rùa” được mở đầu với lời dẫn trực tiếp giới thiệu nhân vật: “Họ là hai người đàn ông da trắng, mắt xanh, mũi lõ đến từ trời Tây, tình nguyện gắn sự nghiệp của mình với núi rừng Việt Nam, cũng cổ suý cho việc gấp rút nghiên cứu bảo tồn các loài rùa trước nguy cơ tuyệt chủng”. Phóng sự Cây chay bao giờ đơm “trái”? cũng trực tiếp đi vào chủ đề chính: “Xin được giới thiệu luôn: Cây Chay chỉ là một thôn nhỏ của một xã thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Điều này thì ai cũng phải thừa nhận. Tuy nhiên, những chuyện rất thật được kể sau một lần đến thăm thôn Cây Chay dưới đây thì lại nghe cứ như là… huyền thoại” . Đặc điểm của những lời dẫn này là ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào chủ đề chính, tiết kiệm được thời gian cho người đọc.
Ngược lại với lời dẫn trực tiếp, lời dẫn gián tiếp thường tạo không gian, bối cảnh để dẫn đến đối tượng phản ánh. Lời dẫn gián tiếp thường khai thác chất liệu và nghệ thuật của văn chương nên có sức thu hút người đọc.
Chẳng hạn, một kiểu dẫn nhập rất văn của Đỗ Doãn Hoàng trong phóng sự Men buồn làng rượu cổ: “Xưa dân gian có câu thú vị và nhiều hình tượng:
Mão Điền đi bắt cá con
Thổ Hà gánh đất nung non nặn rồi
Đông Triều bán đá nung vôi
Vạn Vân nấu rượu cho người ta mua…”
Về Bắc Giang theo cái say nồng của rượu làng Vân nức tiếng ấy, qua con sông Cầu nước đục, nâng chén “Vân hương mỹ tửu” lòng chúng tôi không khỏi chạnh buồn nghĩ tới những cái lẽ oái oăm mà hợp quy luật của những làng nghề đang bươn theo cơ chế mở…”.
Cùng với chất liệu văn học, lời dẫn này tác giả còn sử dụng thủ pháp đòn bẩy khi quay về quá khứ với những hồi ức đẹp, để tạo ra sự tương phản với hiện tại không đẹp. Nương theo phần dẫn nhập này, người đọc phần nào hình dung được kết cấu nội dung tác phẩm.
Cũng vay mượn chất liệu văn học, phóng sự Tơ vương làng lụa thì mở đầu bằng những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyên Sa: “Thế mà, bấy lâu nay tôi chỉ mơ hồ cảm biết một thứ gọi là “Lụa Hà Đông” của một ông Nguyên Sa nào đó. Rằng là:
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…”.
Với lời bài thơ nổi tiếng đã được phổ nhạc Áo lụa Hà Đông, lời dẫn này đã tạo được sự tin cậy, gần gũi, đã mở toang cánh cửa chính dẫn người đọc nhanh chóng bước vào “ngôi nhà” phóng sự.
4.2. Chi tiết đặc sắc, ấn tượng
Chi tiết là điểm tựa, là chất liệu của tác phẩm. Mỗi phóng sự gồm nhiều chi tiết làm nhiệm vụ cấu trúc và minh chứng cho tư tưởng chủ đề tác phẩm. Đọc phóng sự Đỗ Doãn Hoàng, dễ dàng nhận thấy hầu hết các tác phẩm của anh đều ngồn ngộn chi tiết, đặc biệt là các chi tiết độc đáo, ấn tượng. Nghệ thuật phát hiện chi tiết độc đáo là điểm nổi trội, góp
Trong Một chuyến tuần rừng những gian truân, khó nhọc của Đỗ Doãn Hoàng và lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa khi chinh phục dãy Hoàng Liên Sơn được gói gọn trong các chi tiết sau: “Hành lý của “thằng” nào “thằng” ấy vác. Toàn đàn ông với nhau: thông báo trước: uống nước suối, ăn quả xanh, dọc đường hầu như không có bản làng để xin ăn uống. “Thằng” nào không đủ ăn, không đủ sức thì cứ việc quay về kẻo ảnh hưởng tới công việc chung”.
Cùng với hệ thống chi tiết giữ vai trò xây dựng tác phẩm, phóng sự Đỗ Doãn Hoàng còn tạo ấn tượng bởi những chi tiết đắt giá. Đó là những chi tiết “mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng”. Phóng sự Nhân chuyện Cà Nàng chết đuối phản ánh hiện trạng những cung đường rừng trắc trở, đã từ lâu người dân địa phương kêu cứu nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết, Đỗ Doãn Hoàng đã cài đặt một chi tiết gây sốc có tác dụng lột tả bản chất sự việc. Đó là: “Có ông lãnh đạo Bộ nọ quyết tâm vào thăm cái huyện cụt đường, cách thị xã tỉnh lị Sơn La gần một trăm cây số ấy. Đi được nửa đường, chưa đến phà Pá Uân thì ông thở dài, trở ra. Gian khổ quá. Ngày mưa, đường khảm trên những vách núi cheo leo, trơn như đổ mỡ”. Người viết không hề bình luận, song tự thân chi tiết như chiếc chìa khoá mở ra mạch ngầm tư tưởng tác phẩm. Đó là sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của các cấp lãnh đạo đối với người dân vùng sâu, vùng xa.
Còn đây là chi tiết nhỏ trong Cao nguyên và sự khắc nghiệt của đá: “Một buổi sáng, từ ngút ngàn mây của Lũng Làn, tôi trở dậy thấy mình lên cấp… tá. Hoá ra anh Khoản đã trùm thêm bộ quân phục của mình lên áo bông của tôi”. Không miêu tả dài dòng, không kể lể nhiều lời, chỉ qua chi tiết nhỏ này, cũng đủ khắc hoạ tấm lòng, tình cảm của nhân vật Khoản. Đối chiếu với thiên nhiên khắc nghiệt ở Lũng Làn (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) mới thấy hết cái tình đồng bào nơi đây, mới thấm hết tấm lòng nhân vật Khoản.
Không chỉ phản ánh rừng cao, suối sâu và những chi tiết về con người, Đỗ Doãn Hoàng còn phản ánh đời sống của các loài động – thực vật với nhiều chi tiết đặc sắc. Trong phóng sự Những chú rùa may mắn giữa rừng già Cúc Phương, loài rùa đáng yêu được phác hoạ qua các chi tiết khá độc đáo: “buồn cười thay, mấy cụ ông rùa cõng mấy tá vòng tròn trên mai (mỗi vòng là một năm tuổi), tưởng đã như bậc lão trượng “sắc sắc không không” rồi thế mà ai ngờ các bác vẫn đánh nhau tranh giành cụ bà như thường. Lúc ẩu chiến xảy ra, chuồng trại vang lên những tiếp khộp khộp, cộp cộp như ai đó cầm những cái ghế gỗ nện vào nhau”. Tinh ý nhận ra những điều tưởng chừng nhỏ nhặt trong đời sống của loài rùa, cho thấy Đỗ Doãn Hoàng là một nhà báo có cái nhìn sâu sắc, tinh tế.
Để có được những chi tiết sinh động, biểu cảm, thuyết phục, nhà báo phải dấn thân. Không dấn thân, không thể có chi tiết hay, ấn tượng như vậy. Trong phóng sự “Làm thịt” Pơmu, nếu Đỗ Doãn Hoàng không dấn thân thật sự, không tiệm cận cảnh rừng Pơmu bị tàn phá, thì anh sẽ không thể diễn tả được mùi hương của gỗ Pơmu bị xẻ, nó thơm lựng như thế nào. Nếu không sống với rừng, sẽ không thể biết được lâm tặc là những người đàn bà Thái xinh đẹp, khăn piêu điệu đàng đi vác gỗ. Kiểm lâm bắt được thì xin nhà bác tha cho, em nghèo quá. Kiểm lâm bảo, ai chả nghèo. “Nhà bác bảo nhà bác cũng nghèo, nhà em cũng nghèo. Nhưng nhìn thì thấy nhà bác béo hơn em, chắc em nghèo hơn, thôi tha cho em”. Những chi tiết rơi nước mắt, thật thà, rất miệt rừng đó chính là cái hay, cái đáng nhớ của tác phẩm, là thành công của tác giả. Là phóng viên phóng sự được đánh giá cao về tay nghề, đặc biệt với cách biến hoá tài tình các chi tiết ngồn ngộn chất liệu hiện thực, Đỗ Doãn Hoàng luôn thu hút độc giả trong từng trang viết của mình.
4.3. Ngôn ngữ sinh động, nhiều sắc thái
Ngôn ngữ trần thuật
Là kênh ngôn ngữ chính phục vụ cho việc miêu tả, trần thuật nhằm dựng lại bức tranh sự kiện, chân dung nhân vật. Đặc biệt quan tâm đến chất văn nên cũng như tít, lời dẫn; ngôn ngữ trần thuật trong phóng sự Đỗ Doãn Hoàng rất sinh động và giàu sắc thái biểu cảm. Trong phóng sự Hàng trăm cỗ quan tài “thiên táng” giữa động ma, để người đọc đồng hành cùng quá trình khám phá động ma, Đỗ Doãn Hoàng sử dụng đoạn tả thuật ngắn sau: “… chúng tôi ngộp vào một cánh rừng rậm rạp. Cây và dây leo trùm trên đá tai mèo phún sắc, lá mục dày hàng gang tay, muỗi rĩn phi như vãi chấu vào mặt người leo núi (…) Ngay cửa hang là la liệt quan tài. Quan tài làm bằng thân gỗ lớn, khoét hình thây người với hai đầu nhỏ thon dần, khúc giữa phình to; hai đầu khúc gỗ khoét có hai cái núm như chuôi vồ…”. Ngôn ngữ trần thuật cụ thể, nhưng không kém phần biểu cảm đem lại cho người đọc cái cảm giác như được nhìn thấy động ma bằng con mắt của người chứng kiến.
Dưới đây là một đoạn lời kể của Đỗ Doãn Hoàng về tên tướng cướp hoàn lương trong Cổ tích viết từ bóng tối: “Tướng cướp Bình “bò” tên thật là Phạm Văn Bình, sinh năm 1965, tại số nhà 95, ngõ Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội. Sự buông lỏng của gia đình cộng với môi trường ngõ Thổ Quan từng một thời khét tiếng ăn chơi và quậy phá đã sản sinh ra tên tội phạm nguy hiểm Bình “bò” (…) Nhà Bình ở cạnh rạp Dân chủ, rạp xinê này độ ấy đang vào thời kỳ hoàng kim, khách xem phim Xã hội Chủ nghĩa đông nườm nượp. Cậu bé Bình được các đại ca dạy cho cách làm thế nào để trốn vào rạp rồi lẩn trong bóng tối mà móc túi…”.
Đặc biệt trong nhiều trường hợp, Đỗ Doãn Hoàng khéo léo biến lời thoại của nhân vật thành lời người kể chuyện. Đây là một dạng phát ngôn đặc biệt, thể hiện tính chất nhiều giọng của ngôn ngữ trần thuật trong phóng sự của anh. Ẩn trong một vai giao tiếp, người trần thuật không chỉ trực tiếp trao đổi với nhân vật mà còn dễ dàng kể chuyện. Chẳng hạn như cách kể chuyện trong phóng sự “Bà Nhàn loà nuôi 4 con học đại học” “(1) Cách đây mấy tháng, mắt bà còn “mù”, tức là chẳng nhìn thấy gì hết, đột nhiên người ta cho xe máy ì ì vào đón đi, bảo ra để “phát biểu”. (2)Bà thở dài, gớm tôi cấy cày nửa thế kỉ nay chửa nói thế bao giờ, nói xấu hổ chết” kiểu lời người trần thuật xen đan với lời thoại nhân vật cũng được Đỗ Doãn Hoàng sử dụng để làm tăng hiệu quả biểu đạt. Chỉ một câu kể mà chứa cả một đoạn trao đổi giữa các nhân vật tham gia giao tiếp. Người trần thuật đã lược bỏ hoạt động đối thoại bằng lời chỉ dẫn (bảo ra để phát biểu, bà thở dài) nhằm tạo những điểm nhấn thông tin, biến lời đối thoại thành lời kể. Nếu câu (1) là câu kể của nhân vật hướng vào đối tượng giao tiếp là tác giả kết hợp với lời trần thuật của tác giả thì câu (2) vừa là đối thoại (gớm) vừa trực tiếp bộc lộ tâm trạng nhân vật (nói xấu hổ chết).
Sự chuyển đổi từ lời đối thoại sang lời kể đã làm mới kiểu trần thuật thông thường, đây là kiểu trần thuật đa giọng điệu tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho phóng sự rất nhiều, cuốn hút người đọc cũng không kém.
Ngôn ngữ nhân vật
Trong phóng sự Đỗ Doãn Hoàng, ngôn ngữ nhân vật chỉ xuất hiện khi cần khẳng định tính khách quan và xác thực của một sự việc, chi tiết, nhưng đó là những chứng lý quan trọng bởi nhân vật là nhân chứng trực tiếp liên quan đến sự kiện. Qua khảo sát cho thấy, ngôn ngữ nhân vật trong phóng sự Đỗ Doãn Hoàng thường được sử dụng ở dạng trực tiếp khi đối thoại với tác giả hoặc với các nhân vật khác, qua đó phản chiếu rất rõ đặc điểm, tính cách nhân vật.
Trong phóng sự Săn cave, Đỗ Doãn Hoàng sử dụng rất nhiều ngôn ngữ đối thoại để lột tả tính cách, nội tâm nhân vật: “Ông cho con đi với ông cho tiện. Tối qua con vừa ngủ với bạn ở ngoài khách sạn SV trên thị trấn đấy chứ”. Đây là lời nhân vật Năm cave trò chuyện với Tú Ông, rất sòng phẳng và bộc trực. Ngay đến cả cha cô Năm thừa biết cô đi làm cave nhưng không hề thấy ông mặc cảm, ông bị nghễnh ngãng nên không nhớ được gì ngoài mình sinh được 10 đứa con: “Tên thằng chồng nó là gì, mấy năm rồi, già cũng quên mất rồi. Thằng cu con cái Năm tên là gì ấy nhỉ, nó đẻ cũng lâu lâu rồi mà…”.
Phóng sự Người đàn bà khóc qua ba thế kỷ viết về Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ít 109 tuổi (thời điểm năm 2002) là người mẹ có cuộc đời kỳ lạ “8 lần nuôi con mẹ vẫn ở một mình”, và là người phải đi hỏi vợ lẽ cho chồng… Tuy nhiên, “đến nay chỉ có tai mẹ hơi nằng nặng, thế thôi, tất cả vẫn khoẻ. Hỏi: “Mẹ ăn uống thế nào mà sống thọ thế ạ?”. Mẹ lại làm một câu ngoài mấu đòn gánh: “Nhà bác bảo tôi sống lâu thì sướng à? Sống già thành tinh đấy, sống lâu như tôi là giời đày đấy, tám lần chửa, tám lần sinh mà không phải sa sẩy gì. Cứ sa sẩy từ ngày đỏ hon hỏn, không tường mặt con đi cho đành một nhẽ. Đằng này, cứ nuôi lơn lớn rồi chúng nó chết hết. Tôi cầu cho tôi chết mà không được, ông giời ông ấy đày. Tôi khổ với nhà nó hơn 100 năm nay rồi. Sáu bảy đêm nay tôi không ngủ tí nào rồi, cứ nằm nghĩ chuyện lan man, chả đến đầu đến mấu gì cả”. Lời thoại của nhân vật được cài đặt khá hợp lý, vừa tạo tính sinh động, phức điệu hoá của mạch trần thuật, vừa lột tả được tâm lý, tính cách nhân vật. Qua đoạn đối thoại, hiện lên một người mẹ minh mẫn, dí dỏm nhưng không kém phần sắc sảo dù đã sống ngót qua ba thế kỷ khổ đau.
Còn đây là một đoạn thoại trong phóng sự Người đàn bà là con của mẹ núi “Tôi giật mình thấy Đỗ Thị Tấc cầm dây chun, thồ hai bao xi-măng trên chiếc xe máy cà tàng. Chở gì như buôn lợn thế? “Hai bao xi-măng về chát lại cái tường nhà”. “Không nhờ thằng nào được à?”. “Thằng chó! Tao một thân một mình, có thằng nào đâu, thế còn hỏi”. Qua đoạn thoại, chân dung người đàn bà “ầm ào thì rất ầm ào, câm lặng thì rất câm lặng” hiện lên thật chân thực và sinh động.
Thường xuyên sử dụng ngôn ngữ nhân vật trong quá trình chuyển tải thông tin là bước tiến đáng ghi nhận của Đỗ Doãn Hoàng, vừa khắc phục lối trần thuật chủ quan một điểm nhìn, vừa tạo điều kiện để nhân vật thể hiện quan điểm, chính kiến góp phần minh hoạ cho tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
Là nhà báo có trách nhiệm đối với thời cuộc, Đỗ Doãn Hoàng không ngần ngại nhập cuộc, dấn thân. Mạo hiểm trinh sát nơi rừng sâu nước độc, miền biên viễn xa xôi, những bản làng thưa thớt dấu chân người, Đỗ Doãn Hoàng có cơ hội thu nhận nhiều thông tin mới lạ, độc đáo. Phóng sự của anh hấp dẫn người đọc bởi lẽ đó. Cùng với tính chất độc và lạ của đề tài, phóng sự Đỗ Doãn Hoàng còn chinh phục người đọc bởi cách thể hiện mới mẻ, hiện đại. Tít và lời dẫn ấn tượng, đậm màu sắc văn chương; chi tiết đặc sắc, ám ảnh; ngôn ngữ sinh động, nhiều sắc thái. Phóng sự Đỗ Doãn Hoàng thật sự là món ăn tinh thần giá trị, hấp dẫn người đọc.
4.4. Hiệu ứng xã hội trong phóng sự tạo nên phong cách Đỗ Doãn Hoàng
4.4.1. Làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng xã hội
“Báo chí đưa các sự kiện và vấn đề từ một góc phố, làng quê, thậm chí trong góc nhà của mỗi người thành sự kiện và vấn đề quốc gia, khu vực hay toàn cầu; từ đó khơi luồng suy nghĩ, thu hút sự quan tâm và hình thành các luồng ý kiến phán xét, đánh giá… của công chúng và nhân dân nói chung. Điều đó đã tác động tích cực đến việc làm thay đổi nhận thức và hành vi của người đọc, nâng tầm vấn đề và xúc tiến việc giải quyết tận gốc vấn đề.
Trong loạt phóng sự (7 bài) Chuyện ít biết về dòng dõi quan lang xứ Mường, tác giả đã vén bức màn bí ẩn về tầng lớp thống trị xứ Mường, qua đó cho độc giả thấy và hiểu rõ hơn về các quan lang. Không như thành kiến một thời, không vơ đũa cả nắm, bởi có một sự thật chắc chắn là không phải quan lang nào cũng tàn ác như quan niệm xưa nay. Sau khi loạt phóng sự đăng báo, “ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận các tài liệu mà người viết đã dày công sưu tầm, đặc biệt nhấn mạnh đến các tư liệu, thư từ, giấy khen, quà tặng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao cho những “người nhà lang” theo cách mạng” đồng thời những thành kiến trên phần nào được gỡ bỏ, quan lang xứ Mường đã được nhìn nhận khác trước, con cháu nhà lang phần nào trút bỏ được mặc cảm, điều tiếng trong xã hội.
Phóng sự Lương giáo viên 500 nghìn đồng thì phản ánh một vấn đề đang gây bức xúc dư luận, đó là thực trạng hàng trăm giáo viên ở tỉnh Nghệ An chỉ được lĩnh vỏn vẹn khoảng 500 nghìn đồng mỗi tháng trong mười năm qua (thời điểm năm 2008 – 2009). Sau khi công bố sự thật này trên mặt báo, Đỗ Doãn Hoàng tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Trần Thế Sơn – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Nghệ An về vụ việc này. Cuối cùng, những bất cập trong tiền lương của giáo viên trên địa bàn tỉnh đã được tháo gỡ.
Sau chuyến đi 19 ngày vào ngã ba biên giới, Đỗ Doãn Hoàng cho ra đời phóng sự Lá thư đau gửi về ngã ba biên giới. Phóng sự phản ánh  những mâu thuẫn về chế độ chính sách đối với các xã vùng biên. Sín Thầu, một xã giáp biên với Lào và Trung Quốc nhưng lại không được hưởng trợ cấp 100% trong khi đó các xã gần hơn, có điều kiện hơn Sín Thầu thì được hưởng đầy đủ nguồn trợ cấp này. Nghịch lý mà phóng sự phơi bày buộc các nhà chức trách phải nhìn nhận lại. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu trách phải nhanh chóng giải quyết và sự công bằng đã được thực hiện. Hơn thế nữa, một mái trường khang trang sạch đẹp cũng đã được xây dựng bằng kinh phí đóng góp của độc giả. Điều này một lần nữa khẳng định hiệu ứng xã hội mà phóng sự đem lại.
Rõ ràng công chúng không thể tường tận hết mọi vấn đề trong xã hội nếu không có sự phản ánh kịp thời của báo chí. Và, báo chí với những vấn đề đặt đã tác động tích cực đến xã hội, làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng xã hội.
4.4.2. Hỗ trợ chữa trị những vết thương nhức nhối của xã hội
“Nhiệm vụ của sản phẩm văn hoá bao giờ cũng coi trọng nêu gương, khơi gợi những mặt tốt đẹp trong từng con người, từng đơn vị, và đấu tranh với các biểu hiện xấu xa, với lòng mong muốn xã hội và con người ngày càng tốt đẹp hơn”. Đỗ Doãn Hoàng dấn thân vào rất nhiều sự kiện nóng bỏng, cuối cùng cũng chỉ mong mỏi cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Quá trình thực hiện phóng sự “Thú độc” nơi biên cương là một ví dụ điển hình. Có thể nói, đây là một vấn đề rất nhạy cảm vì nó liên quan tới yếu tố nước ngoài: hành động bắt cóc, giết người trên lãnh thổ Việt Nam có người Trung Quốc tham gia. Hơn nữa, diễn biến vụ việc lại gia tăng vào thời điểm quan hệ hai nước đang nảy sinh những bất đồng trong phân định ranh giới. Nếu vào một thời điểm khác, thì đây là đề tài hay dễ được chấp nhận nhưng vào thời điểm đó, toà soạn buộc phải cân nhắc. Thế nhưng, xuất phát từ tính chất nghiêm trọng của vụ việc, từ tình cảm dành cho những đứa trẻ vô tội, Đỗ Doãn Hoàng đã thuyết phục được Ban biên tập. Cuối cùng, Thú độc nơi biên cương đã được phơi bày trên mặt báo, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Giám đốc Công An tỉnh Hà Giang đích thân xuống Hà Nội gặp Đỗ Doãn Hoàng để tìm hiểu vụ việc. Sau đó, những manh mối của vụ án dần dần được hé mở.
Xã hội ngày càng hiện đại càng dễ kéo theo những hệ luỵ đó là sự gia tăng của tệ nạn xã hội. Phóng sự Góc tăm tối ở thiên đường du lịch Sa Pa là những góc khuất của đói nghèo và ma tuý, là nạn bán con và số phận hẩm hiu của các con nghiện ở Sa Pa. Sau khi phóng sự bóc mở những góc khuất tối tăm này, ông Nguyễn Ngọc Hinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân sớm ủng hộ dự án thành lập Trung tâm cai nghiện Sa Pa, và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương xác minh làm rõ sự việc, đề xuất các biện pháp xử lý, báo cáo tình hình kịp thời trước ngày 10/03/2009.
Đầu năm 2006, một vấn đề đã làm chấn động dư luận xã hội đó là tình trạng “ngồi nhầm lớp”. Nhà báo Trần Đăng viết phóng sự Sáng lớp 6, chiều lớp 1; ngay sau đó, hàng loạt tờ báo khác cũng vào cuộc phản ánh tình trạng này tại nhiều địa bàn trên cả nước. Đỗ Doãn Hoàng cũng đã góp phóng sự Ngồi nhầm lớp, bệnh nặng diễn ra trên vùng đất Tổ Phú Thọ. Sau khi bài báo được đăng, Bộ Giáo Dục và Đào tạo đã tiếp thu, tìm phương án tổng thể để khắc phục.
Phóng sự Choáng váng với rừng ở Mường Nhé là một dấu chấm hỏi nhức nhối, không lẽ chính quyền địa phương bó tay trước nạn phá rừng, di dân tự do đang diễn ra ở đây? Những câu hỏi mà phóng sự đặt ra đã làm nóng nghị trường Quốc hội. Ngày 13/11/2009, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đã đề cập đến loạt phóng sự này và chỉ trích sự bất lực của lực lượng chức năng trước các hành vi phá rừng của lâm tặc. Ban chỉ đạo Tây Bắc sau đó đã tức thời cử đoàn lãnh đạo lên kiểm tra thảm trạng ở Mường Nhé và các cuộc ra quân quyết liệt đã góp phần đắc lực dẹp yên điểm nóng phá rừng di dân tự do này.
Phóng sự Cánh chim rừng không mỏi đề cập đến vấn đề còn nóng bỏng hơn cả tục lệ “phạ phung” – thói quen di cư theo chu kỳ của đồng bào vùng cao phía Bắc. Sau khi báo đăng, vấn đề di dân tự do, tàn sát thiên nhiên, gây mất trật tự an ninh ở Tây Nguyên đã được các cơ quan chức năng lưu tâm, tìm hướng giải quyết. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh các hệ luỵ từ nạn di dân tự do, đồng thời các tỉnh có dân ra đi (như Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu…) cũng cần có biện pháp giúp dân ổn định cuộc sống. Người đọc qua đó thấy được mặt trái vô cùng nguy hiểm của nạn di dân, của tục “phạ phung” mà xưa nay đồng bào dân tộc coi đó là điều hiển nhiên.
4.4.3. Hoá giải nỗi đau, thắp sáng niềm tin trong mỗi phận người
Những trang phóng sự thấm đẫm tình người của Đỗ Doãn Hoàng đã khơi dậy trong lòng độc giả niềm cảm thông, chia sẻ. Những phận người ở trại phong Di Linh, những a-nhí nơi núi rừng heo hút, những người đàn bà bất hạnh, cô đơn,… đang đi tìm kiếm sự đồng cảm, yêu thương của phần nhân loại còn lại. Còn người đọc, bằng những hành động thiết thực họ đã thổi vào cuộc sống một niềm lạc quan, mang đến cho những mảnh đời bên bờ vực thẳm một chỗ dựa, niềm tin về về cái thiện, về tình người vẫn còn hiện hữu và toả sáng. Những thiên phóng sự dấn thân đi tìm công lý, lẽ công bằng cho những con người thua thiệt của Đỗ Doãn Hoàng là vô cùng thiết thực. Đỗ Doãn Hoàng từng thổ lộ: “không ai thương nhân vật của mình bằng mình cả”. Anh luôn đau đáu về trách nhiệm xã hội của một nhà báo chân chính và hành động vì nghĩa vụ đó.
Phóng sự Năm người và một đôi mắt yếu viết về hoàn cảnh gia đình ông Đoàn Văn Vít, 78 tuổi ở vùng gò đồi kham khổ Cẩm Khê, Phú Thọ. Sau khi báo đăng, ước vọng nhỏ nhoi có lại một con trâu xỏ mũi như ngày xưa để gia đình có chút gia tài mà bấu víu đã được thực hiện. Số tiền hơn 50 triệu đồng mà độc giả ủng hộ đã giúp gia đình ông thoát khỏi cơn khốn khó.
Phóng sự Hai mươi năm kéo dài một cái… “chân voi”, sau khi đăng tải, nhân vật đã được một bác sĩ giàu lòng nhân ái ở Đà Nẵng đài thọ toàn bộ chi phí để anh vào miền Trung chữa bệnh. Sau thời gian điều trị, cái “chân voi” đã biến mất. Hãy nghe tác giả hồi âm: “Cái chân voi biến mất, tuy nhiên cả bản thân tôi và khu dân cư anh Hải sinh sống, mọi người vẫn vui vẻ gọi Hải là “gã chân voi”, như một cái biệt danh… thương mến. Anh thợ mộc chân to, giờ làm ăn phát đạt lắm”.
Phóng sự Phận đèn dầu viết về chị Hồ Thị Đen trong lúc châm dầu vào đèn, do bất cẩn đã tự biến mình thành “ngọn đuốc sống”. Qua thời gian dài cố sức chạy chữa nhưng không thành, khi báo đăng bác sĩ Bùi Trường Phong (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đắc Lắc) đã cất công đem chị về điều trị miễn phí. Cùng thời gian đó, nhiều lá thư, nhiều gói thuốc gia truyền chữa bỏng và các phần tiền, quà trị giá khác đã được người dân mọi miền gửi về giúp chị Đen hồi sinh.
Năm 2008, phóng sự Thơ ơi, em đừng… chết! của Đỗ Doãn Hoàng đăng trên báo Lao Động. Tác phẩm kể về một cô bé 14 tuổi, (ở Ứng Hoà, Hà Tây cũ), bị bệnh tim bẩm sinh, phải xin các suất ăn thừa ở Bệnh viện Tim Bạch Mai suốt nhiều tháng để chờ được mổ tim trong tuyệt vọng. Qua bài viết, tác giả truyền vào phóng sự nỗi đau của người làm cha làm mẹ thấy con sắp chết mà không cứu được. Bé Thơ ngay sau đó đã được ban lãnh đạo cùng tập thể cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Vinacam TP. HCM hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị. Hơn thế, độc giả cả nước đã chung tay hỗ trợ 350 triệu đồng (gấp 5 lần số tiền mơ ước) để mổ tim cho em.
Hiệu ứng xã hội là dư âm, là mục tiêu mà phóng sự hướng đến, đó chính là tác động của tác phẩm đối với đời sống xã hội. Hiệu ứng xã hội của phóng sự Đỗ Doãn Hoàng thể hiện ở sự tác động mạnh mẽ của phóng sự, làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng xã hội, từ đó làm cho người gần người hơn, xã hội ngày càng một tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Và chính hiệu ứng xã hội trong tác phẩm phóng sự của Đỗ Doãng Hoàng đã làm nên phong cách của anh.
KẾT LUẬN
Giá trị và quy mô của mỗi nền văn học bao giờ cũng kết tinh và đọng lại ở sự nở rộ của phong cách tác giả. Mỗi người một vẻ góp sắc góp hương làm nên một diện mạo mới, một linh hồn mới cho nền phóng sự báo chí.
Đỗ Doãn Hoàng là người đặc biệt yêu thích đề tài về đồng rừng, về miền Tây Bắc. Anh thường bị giục giã lên đường bởi sự nặng nhọc của những số phận, nên anh còn là cây bút của những mảnh đời bất hạnh khốn cùng. Bị ám ảnh bởi mặc cảm thân phận của con người, anh đã thân phận hóa dòng trần thuật của mình từ tình huống, đến không gian thời gian và cả trong hoàn cảnh, tâm lý, tính cách nhân vật một cách nghệ thuật và biểu cảm. Với một bút lực dồi dào đáng ngạc nhiên, Đỗ Doãn Hoàng làm ta thích thú tới say mê vì những con chữ chải chuốt, cầu kỳ, những cách nói mới lạ tai. Nhưng ám ảnh ta nhất trên phóng sự của anh, là thứ giọng điệu day dứt, suy tư. Để tạo nên một Doãn Hoàng tài hoa, sắc sảo nhưng cũng nhiều trải nghiệm, hoang mang và cô độc, chất văn, chất nghệ thuật trong những phóng sự đã giúp anh vượt qua trở ngại của ngôn từ, trình bày hiện thực ỏ chiều sâu nhân bản và lay động, thức tỉnh lòng người mãnh liệt nhất.
Được xem là tiêu biểu trong số các “danh thần tướng giỏi” của nền phóng sự đương đại Đỗ Doãn Hoàng bằng cảm hứng sáng tạo nồng nhiệt, một cảm quan phản tỉnh thực tại sâu sắc, một cái nhìn có bề sâu nhân bản và một cái “duyên chữ nghĩa” luôn muốn thay đổi “thực đơn” cho người đọc đã mang lại cho chúng ta những rung cảm mãnh liệt về tình đời, tình người nhức nhối, khẩn thiết, nóng bỏng và ưu tư. Là tín đồ của chủ nghĩa dấn thân, tôn sùng xê dịch, Hoàng tiếp bước “lớp cha trước, lớp con sau” đã lên đường, qua những “miền tối sáng” mang về những “miền đau” ấm sực lẽ nhân tình thế thái. Trên những chuyến “nhắm bước hải hồ”, cần mẫn, lui cui, lụi hụi “nhặt chữ của giời”, “nhặt chi tiết”, tư liệu rồi bằng nội lực tự thân, sự câu thúc của trách nhiệm, lương tâm người cầm bút, họ đã viết, như “thổ huyết” trên trang giấy một cách trung thực nhất, và đẹp nhất những gì họ thấy, họ yêu. Chân thành là tuyên ngôn sống của đời họ - Chân thành với “cuộc đời, và không gì cả ngoài cuộc đời”.
Theo https://hoanghalamphuong.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...