Lãng mạn như tác giả
'Thơ tình viết trên bao thuốc lá'
Nhà thơ Trần Dạ Lzữ
qua mắt họa sĩ Đỗ Duy Ngọc
qua mắt họa sĩ Đỗ Duy Ngọc
Trần Dzạ Lữ làm thơ đã lâu. Thơ anh xuất hiện các tạp chí ở
miền Nam từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Thơ anh hiền lành như con người anh.
Trần Dzạ Lữ là nhà thơ lầm lũi và lận đận. Anh đã có ba tập thơ ra đời trong
nhiều khốn khó... Lãng mạn đến tận cùng hơi thở hay sao?...
Đó là các tập: Hát dạo bên trời (NXB Trẻ.
1995), Gọi tình bên sông (NXB Trẻ. 1997) và mới đây nhất Thơ
tình viết trên bao thuốc lá (NXB Hội Nhà Văn 2014).
Trần Dzạ Lữ gốc Huế. Và là người mang đậm nét Huế từ giọng
nói cho đến dáng đi. Khoan thai, chậm rãi và hiền từ. Và dĩ nhiên Huế đậm đặc
trong cách nói năng.
Thơ của Lữ dù không viết về Huế cũng âm vang chất Huế. Người
Huế thường bảo là “Huế rặc”. Huống chi là Lữ viết nhiều bài thơ về Huế và những
cô gái Huế luôn có mặt trong thơ.
Tính đến nay, Trần Dzạ Lữ đã sáu mươi lăm tuổi, một tuổi đã
được gọi là già. Nhưng thơ Lữ thì rất trẻ. Không phải trẻ ở câu chữ, hiện đại ở
ý tứ, hình ảnh, mà trẻ ở chất lãng mạn như một chàng thanh niên mới lớn, đang
yêu. Lữ chỉ làm thơ tình. Mà thơ tình thì phải có buồn, có nhớ, có khổ đau, có
thất tình. Đọc thơ Trần Dzạ Lữ ta hình dung có chàng trai phất phơ đi lang bạt
với những mối tình, một mình trên lộ vắng:
‘’Tôi giờ trong “cõi người ta”
Chiều không, quán vắng, đường xa độc hành”
(Cũng đành)
Đọc thơ Lữ giống như ta ngồi nghe người Huế nói chuyện. Câu
chữ không trau chuốt, nhưng tình ý thì sâu xa, đôi khi chữ dùng như mấy mệ già:
“Xưa anh cũng yêu một người An Cựu
Người ấy giống em như tạc bây giờ
Mắt Huế buồn cháy hết cả cơn mơ
Anh lúynh quýnh đứng bên bờ khổ nạn”
(Gửi người em An Cựu)
Bài thơ “Kiếp sau lấy vợ Huế” đúng là vợ chồng xứ Huế thủ thỉ
với nhau:
“Kiếp sau lấy vợ Huế
Để tôi được cưng chìu
Đêm nằm nghe thỏ thẻ:
“Anh nì! Chừ mình yêu…”
Sáng ra lời trong veo
Tiếng người như chim hót
“Anh ơi! Em ốt dột
Huế trong thơ của Lữ ít thấy cảnh mà chỉ thấy người. Có nhiều
khi không có người chỉ nghe giọng nói. Thông thường khi viết về xứ Huế, người
ta thường tả cảnh sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền… Vỹ Gịa, Đập Đá. Trần Dzạ
Lữ không tả cảnh Huế, đôi khi có nhắc đến tên của một địa danh xứ Huế là cũng để
nói tới các O, mượn cảnh để nhắc tới người theo một cách rất riêng của Lữ:
“O thông minh, đĩnh ngộ quá trời
Người như rứa làm răng tui dám chát?
O là vàng mà tui là đồng nát
Mình đồng hương mà khác khói O ơi!
…. Có đôi khi tui cũng thèm về
Để ngó chộ lại mùa trăng của Huế
Ở Bao Vinh O thả mái tóc thề
Tận Nam Phổ cũng nghe mùi hương ngai ngái!”
(Thư gửi người đồng hương)
Những người con xứ Huế đi xa Huế, đọc những bài thơ của Lữ, sẽ
có cảm giác như đang ở Huế, chiều chiều bắt ghế ngồi nghe người ta kể chuyện với
nhau, bằng những câu giản dị mà rất tình:
“Em mô rồi? Bây giờ anh nỏ chộ
Rứa mà thương tà áo tím bên sông
Thuở mười lăm mắt quế với môi trầm
Em ốt dột dấu đi niềm thương nhớ…
(Nỏ chộ)
Ngay khi anh chàng thi sĩ lãng mạn này yêu một cô không phải
là người Huế, chàng cũng kéo cô gái về với Huế để làm một phép so sánh:
“Không phải Huế mà em rất Huế
Ngọt bên ni bên nớ đến nao lòng”
(Ngoài Huế)
Rồi khi gặp người đẹp Củ Chi, anh cũng đem Huế ra song hành với
miền đất thép:
“Cứ nghĩ chỉ có Huế mới có tóc dài
Thơm mùi lụa vắt ngang đời kiêu bạc…
Củ Chi hồng môi má với … sông Hương…”
(Mái tóc Củ Chi)
“Ừ này Huế của tôi ngoan
Mắt môi thỏ thẻ… như ràng buộc nhau”
(Huế của tôi)
Trần Dzạ Lữ làm thơ theo nhiều thể loại, nhưng hay nhất vẫn
là thơ lục bát. Bởi cái tạng của Lữ, câu chữ của Lữ, hình ảnh của Lữ không dữ dội,
không rên siết mà nhẹ nhàng, khoan thai, có trách móc cũng trách rất ý nhị, có
đau đớn cũng chẳng quằn quại, thê lương. Đó cũng là tính cách của người xứ Huế.
Và lục bát là thể thơ bộc lộ tính chất ấy phù hợp nhất. Do vậy có nhiều câu thơ
của Lữ đọc nghe như ca dao.
Không nhớ ngoài Huế có bao nhiêu địa danh nổi tiếng, mà anh
chàng thi sĩ lang thang Trần Dzạ Lữ có tới mười O người tình, mà theo Lữ O nào
cũng đẹp cũng xinh: O Tòa Khâm, O Thành Nội, O An Cựu, O Kim Long, O Bến Ngự, O
Đập Đá, O Bao Vinh, O Vỹ Gịa, O Văn Thê, O Phò Trạch. Người ta có một O người
Huế đã ngắc ngứ, anh chàng Lữ có tới mười O, lận đận là phải rồi. Cũng may mười
O bỏ đi hết chín, chỉ chừa một O cho Lữ, cho nên Lữ mới còn thoi thóp để làm
thơ:
“Chín O đã bỏ tui rồi
Bên ni bên nớ nón cời… ra đi
Chừ còn lại một O ni
Với tui từ trái tim… chì đó hi!
(Mười O)
Đọc thơ Lữ, bỗng dưng lại muốn về thăm Huế, để nghe tiếng ai
nói như hát giữa dòng sông và nhìn lại những con đường phượng bay sáng trên mắt
người tình một thuở.
Già rồi đó nghe Lữ, lãng mạn đến tận cùng hơi thở hay sao?.
Sài Gòn. 31.7.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét