Lão Hạc thổi cái mồi
rơm, châm đóm. Tôi đã thông điếu và bỏ thuốc rồi.
Tôi mời lão hút trước.
Nhưng lão không nghe...
- Ông giáo hút trước
đi.
Lão đưa đóm cho tôi...
- Tôi xin cụ...
Và tôi cầm lấy đóm, vo
viên một điếu. Tôi rít một hơi xong, thông điếu rồi mới đặt vào lòng lão. Lão bỏ
thuốc, nhưng chưa hút vội. Lão cầm lấy đóm, gạt tàn, và bảo:
- Có lẽ tôi bán con
chó đấy, ông giáo ạ!
Lão đặt xe điếu, hút.
Tôi vừa thở khói, vừa gà gà đôi mắt của người say, nhìn lão, nhìn để làm ra vẻ
chú ý đến câu nói của lão đó thôi. Thật ra thì trong lòng tôi rất dửng dưng.
Tôi nghe câu ấy đã nhàm rồi. Tôi lại biết rằng: lão nói là nói để có đấy thôi; chẳng bao giờ
lão bán đâu. Vả lại, có bán thật nữa thì đã sao? Làm quái gì một con chó mà lão
có vẻ băn khoăn quá thế..
Lão hút xong, đặt xe điếu xuống, quay ra ngoài, thở khói. Sau
một điếu thuốc lào, óc người ta tê dại đi trong một nỗi đê mê nhẹ nhõm. Lão Hạc
ngồi lặng lẽ, hưởng chút khoái lạc con con ấy. Tôi cũng ngồi lặng lẽ. Tôi nghĩ
đến mấy quyển sách quý của tôi. Hồi bị ốm nặng ở Sài Gòn tôi bán gần hết cả áo
quần, nhưng vẫn không chịu bán cho ai một quyển. ốm dậy, tôi về quê, hành lý chỉ
vẻn vẹn có một cái va ly đựng toàn những sách. Ôi những quyển sách rất nâng
niu! Tôi đã nguyện giữ chúng suốt đời, để lưu lại cái kỷ niệm một thời chăm chỉ,
hăng hái và tin tưởng đầy những say mê đẹp và cao vọng: mỗi lần mở một quyển
ra, chưa kịp đọc dòng nào, tôi đã thấy bừng lên trong lòng tôi như một rạng
đông, cái hình ảnh tuổi hai mươi trong trẻo, biết yêu và biết ghét... Nhưng đời
người ta không chỉ khổ một lần.
Mỗi lần cùng đường đất sinh nhai, và bán hết mọi thứ rồi, tôi
lại phải bán đi một ít sách của tôi. Sau cùng chỉ còn có năm quyển, tôi nhất định,
dù có phải chết cũng không chịu bán. ấy thế mà tôi cũng bán! Mới cách đây có
hơn một tháng thôi, đứa con nhỏ của tôi bị chứng lỵ gần kiệt sức... Không! Lão
Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tý gì đâu? Lão quý con chó vàng của lão đã
thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi... Tôi nghĩ thầm trong bụng thế.
Còn Lão Hạc, lão nghĩ gì? Ðột nhiên lão bảo tôi :
- Này! Thằng cháu nhà tôi, đến một năm nay, chẳng có giấy má
gì đấy, ông giáo ạ!
À! Thì ra lão đang nghĩ đến thằng con lão. Nó đi cao su năm
sáu năm rồi. Hồi tôi mới về, nó đã hết một hạn công-tác. Lão Hạc, đem thư của
nó sang, mượn tôi xem. Nhưng nó xin đăng thêm hạn nữa... Lão vội cắt nghĩa cho
tôi hiểu tại sao lão đang nói chuyện con chó, lại nhảy vọt sang chuyện thằng
con như vậy :
- Con chó là của cháu nó mua đấy chứ!... Nó mua về nuôi, định
để đến lúc cưới vợ thì giết thịt...
Ấy! Sự đời lại cứ thường như vậy đấy. Người ta đã định rồi chẳng
bao giờ người ta làm được. Hai đứa mê nhau lắm. Bố mẹ đứa con gái biết vậy, nên
cũng bằng lòng gả. Nhưng họ thách nặng quá : nguyên tiền mặt phải một trăm đồng
bạc, lại còn cau, còn rượu... cả cưới nữa thì mất đến cứng hai trăm bạc. Lão Hạc
không lo được. ý thằng con lão, thì nó muốn bán vườn, cố lo cho bằng được.
Nhưng lão không cho bán. Ai lại bán vườn đi mà lấy vợ? Vả lại bán vườn đi, thì
cưới vợ về, ở đâu? Với lại, nói cho cùng nữa, nếu đằng nhà gái họ cứ khăng
khăng đòi như vậy, thì dẫu có bán vườn đi cũng không đủ cưới. Lão Hạc biết vậy
đấy, nhưng cũng không dám xẵng. Lão tìm lời lẽ giảng giải cho con trai hiểu.
Lão khuyên nó hãy dằn lòng bỏ đám này, để rồi gắng lại ít lâu, xem có đám nào
khá mà nhẹ tiền hơn sẽ liệu; chẳng lấy đứa này thì lấy đứa khác ; làng này đã
chết hết con gái đâu mà sợ?... Lạy trời lạy đất! Nó cũng là thằng khá, nó thấy
bố nói thế thì nó thôi ngay, nó không đả động đến việc cưới xin gì nữa. Nhưng nó
có vẻ buồn. Và lão biết nó vẫn theo đuổi con kia mãi. Lão thương con lắm. Nhưng
biết làm sao được?... Tháng mười năm ấy, con kia đi lấy chồng; nó lấy con trai
một ông phó lý, nhà có của. Thằng con lão sinh phẫn chí. Ngay mấy hôm sau, nó
ra tỉnh đến sở mộ phu, đưa thẻ, ký giấy xin đi làm đồn điền cao su...
Lão rân rấn nước mắt, bảo tôi :
- Trước khi đi, nó còn cho tôi ba đồng bạc, ông giáo ạ! Chả
biết nó gửi thẻ xong, vay trước được mấy đồng, mà đưa về cho tôi ba đồng. Nó
đưa cho tôi ba đồng mà bảo : “Con biếu thầy ba đồng để thỉnh thoảng thầy ăn quà; xưa nay con ở nhà mãi cũng chẳng nuôi được bữa nào, thì con đi cũng chẳng phải
lo; thầy bòn vườn đất với làm thuê làm mướn thêm cho người ta thế nào cũng đủ
ăn; con đi chuyến này cố chí làm ăn, bao giờ có bạc trăm con mới về, không có
tiền, sống khổ sống sở ở cái làng này, nhục lắm!...”. Tôi chỉ còn biết khóc, chứ
còn biết làm sao được nữa? Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã
chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta.
Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi?...
Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao lão không muốn bán
con chó vàng của lão. Lão chỉ còn một mình nó để làm khuây. Vợ lão chết rồi.
Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà ngày cung như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai
mà chả phải buồn? Những lúc buồn, có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút.
Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng
không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó cùng ăn. Những buổi tối, khi lão uống
rượu, thì nó ngồi ở dưới chân. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng
như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như
nói với một đứa cháu bé về bố nó. Lão bảo nó thế này:
- Cậu có nhớ bố cậu không? Hả cậu Vàng? Bố cậu lâu lắm không
có thư về.
Bố cậu đi có lẽ được đến ba năm rồi đấy... Hơn ba năm... Có đến
ngót bốn năm... Không biết cuối năm nay bố cậu có về không? Nó mà về, nó cưới vợ,
thì nó giết cậu. Liệu hồn cậu đấy!
Con chó vẫn hếch mồm lên nhìn chẳng lộ một vẻ gì; lão lừ mắt
nhìn trừng trừng vào mắt nó, to tiếng dọa:
- Nó giết mày đấy! Mày có biết không? Ông cho thì bỏ bố!
Con chó tưởng chủ mắng, vẫy đuôi mừng, để lấy lại lòng chủ.
Lão Hạc nạt to hơn nữa
- Mừng à? Vẫy đuôi à? Vẫy đuôi thì cũng giết! Cho cậu chết!
Thấy lão sừng sộ quá, con chó vừa vẫy đuôi, vừa chực lảng.
Nhưng lão vội nắm lấy nó, ôm đầu nó, đập nhè nhẹ vào lưng nó và dấu dí:
- À không! à không! Không giết cậu Vàng đâu nhỉ!... Cậu Vàng
của ông ngoan lắm! Ông không cho giết... Ông để cậu Vàng ông nuôi...
Lão buông nó ra để nhấc chén, ghé lên môi uống. Lão ngẩn mặt
ra một chút, rồi bỗng nhiên thở dài. Rồi lão lẩm bẩm tính. Ðấy là lão tính tiền
bòn vườn của con...
Sau khi thằng con đi, lão tự bảo rằng: “Cái vườn là của con
ta. Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được
năm mươi đồng bạc tậu. Hồi ấy, mọi thức còn rẻ cả... Của mẹ nó tậu, thì nó hưởng.
Lớp trước nó đòi bán, ta không cho bán là ta có ý giữ cho nó, chứ có phải giữ để
ta ăn đâu? Nó không có tiền cưới vợ, mới chịu về. Ta bòn vườn của nó, cũng nên
để ra cho nó; đến lúc nó về, nếu nó không đủ tiền cưới vợ thì ta thêm vào với
nó, nếu nó có đủ tiền cưới vợ, thì ta cho vợ chồng nó để có chút vốn mà làm
ăn...”. Lão tự bảo lão như thế, và lão làm đúng như thế. Lão làm thuê để kiếm
ăn. Hoa lợi của khu vườn được bao nhiêu, lão để riêng ra. Lão chắc mẩm thế nào
đến lúc con lão về, lão cũng có được một trăm đồng bạc...
Lão lắc đầu chán nản, bảo tôi:
- Ấy thế mà bây giờ hết nhẵn, ông giáo ạ! Tôi chỉ ốm có một
trận đấy thôi.
Một trận đúng hai tháng, mười tám ngày, ông giáo ạ! Hai tháng
mười tám ngày đã không làm ra được một xu, lại còn thuốc, lại còn ăn... ông thử
tính ra xem bao nhiêu tiền vào đấy?... Sau trận ốm, lão yếu người đi ghê lắm.
Những công việc nặng không làm được nữa. Làng mất vè sợi, nghề vải đành phải bỏ.
Ðàn bà rỗi rãi nhiều. Còn tí việc nhẹ nào, họ tranh nhau làm mất cả. Lão Hạc
không có việc. Rồi lại bão. Hoa mầu bị phá sạch sành sanh. Từ ngày bão đến nay,
vườn lão chưa có một tí gì bán. Gạo thì cứ kém mãi đi. Một lão với một con chó,
mỗi ngày ba hào gạo, mà gia sự vẫn còn đói deo đói dắt...
- Thì ra cậu Vàng cậu ấy ăn khoẻ hơn cả tôi ông giáo ạ. Mỗi
ngày cậu ấy ăn thế, bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì
tôi lấy tiền đâu mà nuôi được? Mà cho cậu ấy ăn ít thì cậu ấy già đi, bán hụt
tiền, có phải hoài không? Bây giờ cậu ấy béo trùng trục, mua đắt, người ta cũng
thích...
Lão ngắt lại một phút, rồi tắc lưỡi:
- Thôi thì bán phắt đi! Ðỡ được đồng nào, hay đồng ấy. Bây giờ
tiêu xu cũng là tiêu vào tiền của cháu. Tiêu lắm chỉ chết nó. Tôi bây giờ có
làm gì được đâu?
Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay:
- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!
- Cụ bán rồi?
- Bán rồi! Họ vừa bắt xong.
Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi
mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc. Bây giờ thì
tôi không xót năm quyển sách của tôi quá như trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão
Hạc.
Tôi hỏi cho có chuyện:
- Thế nó cho bắt à?
Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau,
ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của
lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...
- Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi
thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp
trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế
là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói
chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ!
Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi
như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử
với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một
con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!
Tôi an ủi lão:
- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó
mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy, hóa kiếp để
cho nó làm kiếp khác.
Lão chua chát bảo:
- Ông giáo nói phải! Kiếp cho chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp
cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người
như kiếp tôi chẳng hạn...
Tôi bùi ngùi nhìn lão, bảo :
- Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn
chăng?
- Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên
làm kiếp gì cho thật sướng.
Lão cười và ho sòng sọc. Tôi nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn
tồn bảo:
- Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm
nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc
lào... Thế là sướng.
- Vâng! Ông giáo dạy phải! Ðối với chúng mình thì thế là sung
sướng.
Lão nói xong lại cười đưa đà. Tiếng cười gượng nhưng nghe đã
hiền hậu lại.
Tôi vui vẻ bảo:
- Thế là được, chứ gì? Vậy cụ ngồi xuống đây, tôi đi luộc
khoai, nấu nước.
- Nói đùa thế, chứ ông giáo cho để khi khác?...
- Việc gì còn phải chờ khi khác?... Không bao giờ nên hoãn sự
sung sướng lại. Cụ cứ ngồi xuống đây! Tôi làm nhanh lắm...
- Ðã biết, nhưng tôi còn muốn nhờ ông một việc...
Mặt lão nghiêm trang lại...
- Việc gì thế, cụ?
- Ông giáo để tôi nói... Nó hơi dài dòng một tí.
- Vâng, cụ nói.
- Nó thế này, ông giáo ạ!
Và lão kể. Lão kể nhỏ nhẹ và dài dòng thật. Nhưng đại khái có
thể rút vào hai việc. Việc thứ nhất: Lão thì già, con đi vắng, vả lại nó cũng
còn dại lắm, nếu không có người trông nom cho thì khó mà giữ được vườn đất để
làm ăn ở làng này. Tôi là người nhiều chữ nghĩa, nhiều lý luận người ta kiêng nể,
vậy lão muốn nhờ tôi cho lão gửi ba sào vườn của thằng con lão, lão viết văn tự
nhượng cho tôi để không ai còn tơ tưởng dòm nhó đến; khi nào con lão về thì nó
sẽ nhận vườn làm, nhưng văn tự cứ để tên tôi cũng được, để thế để tôi trông coi
cho nó... Việc thứ hai: Lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào:
con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng
xóm thì chết không nhắm mắt : lão còn được hăm nhăm đồng bạc với năm đồng vừa
bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi tôi để lỡ có chết thì tôi đem ra, nói với
hàng xóm giúp, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả...
Tôi bật cười bảo lão:
- Sao cụ lo xa quá thế? Cụ còn khoẻ lắm, chưa chết đâu mà sợ!
Cụ cứ để tiền ấy mà ăn, lúc chết hãy hay! Tội gì bây giờ nhịn đói mà tiền để lại?
- Không, ông giáo ạ! Ăn mãi hết đi thì đến lúc chết lấy gì mà
lo liệu?
- Ðã đành rằng là thế, nhưng tôi bòn vườn của nó bao nhiêu,
tiêu hết cả. Nó vợ con chưa có. Ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì
sao?...
Tôi cắn rơm, cắn cỏ tôi lạy ông giáo! Ông giáo có nghĩ cái
tình tôi già nua tuổi tác mà thương thì ông giáo cứ cho tôi gửi.
Thấy lão nằn nì mãi, tôi đành nhận vậy. Lúc lão ra về, tôi
còn hỏi:
- Có đồng nào, cụ nhặt nhạnh đưa cho tôi cả thì cụ lấy gì mà
ăn?
Lão cười nhạt bảo:
- Ðược ạ! Tôi đã liệu đâu vào đấy... Thế nào rồi cũng xong.
Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai
cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ
chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ
ráy, hay bữa trai, bữa ốc. Tôi nói chuyện lão với vợ tôi. Thị gạt phắt đi:
- Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão
khổ chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng
đói.
Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm
mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ối...
toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng
thương; không bao giờ ta thương... Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một
người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái
gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa.
Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất.
Tôi biết vây, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận.
Tôi giấu giếm vợ tôi, thỉnh thoảng giúp ngấm ngầm lão Hạc.
Nhưng hình như lão cũng biết vợ tôi không ưng giúp lão. Lão cứ chối tất cả những
cái gì tôi cho lão. Lão từ chối một cách gần như là hách dịch. Và lão cứ xa tôi
dần dần...
Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm. Những
người nghèo nhiều tự ái vẫn thường như thế. Họ dư tủi thân nên rất hay chạnh
lòng. Ta khó mà ở cho vừa ý họ... Một hôm, tôi phàn nàn về việc ấy với binh Tư.
Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi : Hắn làm nghề
ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. Hắn bĩu môi và bảo:
- Lão làm bộ đấy! Thật ra thì lão chỉ tâm ngẩm thế, nhưng
cũng ra phết chứ chả vừa đâu. Lão vừa xin tôi một ít bả chó...
Tôi trố to đôi mắt, ngạc nhiên. Hắn thì thầm:
- Lão bảo có con chó nhà nào cứ đến vườn nhà lão... Lão định
cho nó xơi một bữa. Nếu trúng, lão với tôi uống rượu.
Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều
như ai hết... Một người như thế ấy!... Một người đã khóc vì trót lừa một con
chó!... Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên luỵ đến hàng
xóm, láng giềng.. Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót binh Tư để có ăn
ư? Cuộc đời quả thật cứ một ngày một thêm đáng buồn...
Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn
nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác. Tôi ở nhà binh Tư về được một lúc lâu
thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà lão Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy
người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao ở trong nhà. Tôi xồng xộc chạy vào.
Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc
xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc
lại bị giật mạnh một cái, giật nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi
đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là
dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy.
Chỉ có tôi với Binh Tư hiểu. Nhưng nói ra làm gì nữa! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên
lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho
lão. Ðến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: “Ðây là cái
vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn: cụ thà chết chứ
không chịu bán đi một sào...”
Chú bếp Tư rất thận trọng về vấn đề giữ vệ sinh. Ông thường
nói rằng: khí hậu ở đây chẳng được lành; những người chưa quen với thủy thổ miền
nhiệt đới, đến đây mà chẳng biết giữ thân, khó khỏi chết vì nguy hiểm ấy truyền
nhiễm phần nhiều do nước bẩn. Bởi vậy nước ăn của ông phải coi giữ thế nào cho
thật sạch. Cái bể nước của ông, ông coi quý gần bằng vợ ông. Mà có lẽ còn quý
hơn vợ ông nữa. Bởi vì vợ ông có thể để người khác bắt tay, chứ bể nước mà đứa
nào dám nhúng tay bẩn hay cái “sô” vào thì cứ liệu cái thần hồn với ông.
Ở nhà chủ, bếp Tư thích nhất cái bể nước ăn này. Nó to bằng cả
một gian nhà rộng, nước mưa ở trên các mái nhà theo hai ống máng mà trút xuống.
Mặt bể bưng kín mít, trừ một máng vuông, mỗi bề chừng một thước, có nắp khít
như nắp cống. Những ngày nghỉ vợ chồng ông chủ về Hà Nội, thằng Tề con bác bếp
vẫn đậy nắp bể cho thật kín rồi trèo lên mặt bể, co một chân lên bắt chước Lã Bố
đi bài tẩu mã hoặc nhảy huỳnh huỵch để bắt chước Võ Tòng sát tẩu. Cái mặt bể
toàn xi măng cốt sắt, bốn mươi thằng Tề nhảy cũng không việc gì.
Tề là con một bác Tư. Mẹ nó chết mới xong tang. Bố nó tính hiền
lành nên rất yêu con. Chẳng như những bồi bếp khác, nay vợ này, mai vợ khác, hoặc
nhân tình nhân ngãi với bọn cô đầu, nhà thổ. Vợ chết quá ba năm rồi mà nghĩ đến
lúc nào bác ta vẫn còn thương. Có khi đang ngồi bác tự nhiên khóc hu hu. Hỏi
bác thì bác bảo: cũng ngày này năm nọ, bác xin được phép chủ về quê đón vợ ra ở
luôn đây với bác, thế mà bây giờ vợ bác đã nỡ bỏ bác mà đi cho đành! Chẳng ngày
rằm mùng một nào bác không thắp hương cúng vợ. Cúng xong bác rơm rớm nước mắt,
thở dài thở ngắn. Tề thấy thế thương cha vô cùng.
Chỉ thương suông không thể gọi là thương. Cái lối thương để bụng
vô ích lắm. Phải tìm cách tỏ lòng thương ra ngoài mới được. Nghĩa là phải kính
mến, nghe lời, giúp đỡ. Thầy giáo Tề bảo thế. Cũng vừa mới bảo lúc nãy thôi,
khi giảng nghĩa bài luân lý. Bởi vậy, cắp sách về đến nhà trông thấy bố, Tề nhớ
lại. Và Tề có ý nhìn xem bố làm gì. Làm gì? Bác Tư đang vắt cái bụng lên thành
bể, hai chân đeo lủng lẳng ở bên ngoài, phần trên người buông thõng xuống ở bên
trong. Không có lý bác gội đầu bằng cách ấy. Tề im im đứng đợi… Bỗng hai cái
chân tuột xuống, bác bếp Tư rút đầu ra. Và bác giật mình đánh thót. Ấy là bác
thoáng trông thấy có người đứng cạnh mà không biết người ấy là Tề. Tề mỉm cười,
khẽ hỏi.
Bác Tư ấp úng một lát rồi mới nói ra lời được.
- À! Mày… mày đấy à!
Bác nhe những cái răng đen lờ lờ ra cười khì khì. Bởi thật
thà thì trống ngực bác ta còn đập. Bác mới hơi định thần.
Tề hối hận vì đã làm cha hoảng sợ. Nó nhìn cha, ái ngại. Cha
nó bảo:
- Mẹ nó! Tao đánh rơi chai “sâm banh” vào trong này rồi!
- Thì thầy thử thò tay vào mà quờ xem.
- Có được chó người ta đấy! Đầu ngón tay mới chỉ hơi nhúng nước.
- Thế làm sao được?
- Vậy mới rầy ra chứ! Lát nữa không có rượu uống thì bỏ cha!
Tề nghĩ ngợi rồi nói nhỏ:
- Hay để con lội vào?
Bác Tư lại nhe răng, khì khì:
- Có được chó!
- Được.
- Nhưng ghét mày nó ra, bẩn nước thì có mà vất đi.
- Không! Thế này chứ lỵ! Con lấy xà phòng tắm rồi rửa chân thật
sạch, rồi mới vào trong bể.
Thằng oắt này ranh thật. Nó có tài biến báo. Bác Tư nhìn con,
ra dáng phục. Nhưng bác vẫn chưa nhất định. Răng bác vẫn nhe ra để cười một cái
cười do dự. Đây là một kẻ nhút nhát đang bị người ta xui làm liều nhưng Tề thì
đã quyết. Nó chạy tọt vào nhà để cất sách vở và cởi quần, cởi áo. Một lát sau,
nó trần truồng chạy ra.
- Con tắm nhé!
- Nhưng mà thôi, con ạ. Nhỡ bà ấy biết.
Bà ấy là bà chủ. Tề nhìn lên gác, hỏi:
- Bà ấy thức hay ngủ?
- Ngủ, nhưng ngộ nhỡ bà ấy dậy?...
- Không sợ! Thầy lên đóng cái cửa ở đầu cầu thang lại. Đóng lần
ngoài, như vậy bà ấy có dậy cũng không xuống được. Hễ bà ấy gọi thì con ra, chạy
vào nhà, ta đóng cửa lại rồi thầy hãy lên mở cửa cho bà ấy.
Sau mấy phút do dự nữa, Bác Tư đành nghe con vậy. Cái mẹo của
nó được đem ra thi hành.
Tề tắm rửa xong rồi, bác Tư cẩn thận giội cho con thật sạch.
Rồi bác nhấc nó lên, từ từ thả vào trong bể. Thằng bé thấy cái trò ngộ nghĩnh,
cười hi hí. Nó nghĩ trước đến cuộc bơi lặn trong cái hồ kín như hang này.
- Khéo nhé! Sâu lắm đấy!
- Được, con bơi giỏi lắm. Thầy cứ buông.
Tề rơi đánh thóm. Thì bỗng cửa nhà ngoài lịch kịch rồi có tiếng
giầy tây cồm cộp đi vào.
- Chết rồi ông ấy về!
Bác Tư kêu lên, hoảng hồn. Bởi vì bác sơ ý, mới nghĩ đến việc
ngăn bà chủ mà quên ông chủ. Giờ này tan sở. Bác chưa kịp cái then cửa ngoài,
bác giục Tề:
- Ra đi! Ra đi!
Nhưng sao kịp? Ông ấy đã tiến vào đến sân. Bác Tư đứng thẳng
người lên. Bác hóa ra tượng đá. Ông chủ nhận thấy, sinh ngờ vực. Ông nhìn vào mắt
bác. Bác thấy chân tay bủn rủn, hơi thở gần bị tắc. Giấp luôn đến tiếng bà chủ ở
trên gác gọi:
- Tư! Tư!
- Bà đầm!
- La porte! La porte! (cái cửa! cái cửa!)
Và tay bà đập vào cái cửa kêu thình thịch. Bà vừa đập vừa nói
một tràng những tiếng gì choe chóe. Bác Tư không nghe kịp nhưng cũng hiểu thế
là bà gắt. Bác cuống quít. Nhất là mắt ông chủ vẫn trừng trừng nhìn bác, nghiêm
khắc và chế nhạo. Ông hất hàm.
Bác Tư cúi đầu bối rối. Ông đoán ngay là bác đang làm một việc
gì vụng trộm. Ăn cắp đồ chẳng hạn. Ông nhìn chung quanh bác. Không có đồ gì cả.
Ông nhìn cửa buồng của bác. Cánh cửa buồng hé mở. Ông mỉm cười. Bởi vì ông tưởng
đã đoán được cái việc giấu giếm của người bếp hiền lành ấy. Muốn cuộc gì ông
cũng cuộc. Thế chết nào cũng có, một con gái trong cái buồng nhỏ kia. Một con gái
đang luống cuống với những áo quần vắt trên thành giường. Cái này không phải là
một tội. Khi vợ người ta chết đã ba năm và mấy tháng!... Nhưng thấy bác bếp tỏ
ra sợ hãi, ông muốn đùa một chút. Ông nói to lên, bảo vợ:
- Đợi một tý! Tôi mở cho.
Bà vợ rú lên:
- Ồ! Vậy ra là mình đấy ư?
- Ừ, tôi đây! Tôi lên giờ.
Và ông cố chắp nối mấy tiếng thật rõ rệt, cho người bếp hiểu:
- Moi oublier Innettes bureau. Lunette (ông vừa nhắc lại tiếng
ấy vừa lấy ngón tay trỏ khoanh chung quanh mắt để vẽ hình cái kính) biếc?
- Uẩy xừ!
- Uẩy xừ…
Tuy mồm “uẩy” mà bác Tư vẫn không nhúc nhích. Ông chủ tưởng
người bếp của ông không hiểu. Ông lại nói, lại ra hiệu lại. Rồi hỏi:
- Biếc?
Thì có gì mà chả biết? Tiếng Tây, bác Tư đã thạo. Ông nói thế
là muốn bảo: ông để quên cái kính ở sở và sai bác đi lấy về. Hiểu lắm, nhưng
còn thằng Tề trong cái bể?... Ông chủ giục:
- A lê! Maoo!
Mồm nói, tay ông nắm vai bác mà đẩy đi ra phía cửa.
- Uẩy xừ!
Bác đậy vội cái nắp bể lại để ông khỏi thấy, rồi chạy đi. Ông
nhìn theo, mỉm cười. Ông định cho bác chạy một tua bở hơi tai để ông có thì giờ
chạy vào buồng bác. Ông sẽ nắm cổ người con gái kéo ra. Ông sẽ đeo cái kính của
ông vào mắt y, rồi bắt y lên giường ngồi chồm chỗm như một pho tượng khỏa thân
bằng đá trắng. Để người bếp của ông lúc giở về trông thấy y mà cười. Mà chịu rằng
ông chủ của bác là ma lanh.
Nhưng ông cụt hứng ngay. Bởi vì buồng bác Tư trống rỗng.
Không con gái. Không dấu vết một cuộc ái ân vụng trộm. Ông văng tục một tiếng rồi
chạy lên với vợ.
Một lúc lâu sau, bác bếp về, nét mặt băn khoăn: bởi vì bác
không tìm thấy kính. Đó không phải là lỗi bác. Nhưng rất có thể rằng ông chủ gắt.
Tính ông nóng lắm. Chắc hẳn rằng ông sẽ quát ầm nhà lên… Bác rón rén lần cầu
thang lên gác. Ông chủ đang ngồi thụt hẳn người vào trong một cái ghế bành to,
đọc báo. Mắt ông có kính. Bác bếp ngạc nhiên rồi lại thêm lo sợ. Bây giờ thì
bác sợ bác đã hiểu nhầm lời ông sai đi tìm cái khác. Có lẽ ông sai bác đi tìm
cái khác. Thế mới bỏ đời bác chứ! Ai bảo bác hấp ta hấp tấp? Không chịu hỏi cho
biết rõ rồi hãy đi!
Bác rụt rè một lúc rồi mới đành liều lên tiếng:
- Me-xừ.
Ông ngẩng đầu lên, hất hàm. Bác đọc như cái máy:
- Loong-toong diếc da-na-ba-luy-nét.
Loong-toong bảo không có luy nét. Ấy là một khóe ranh của
bác. Bác cũng nhanh trí khôn lắm đấy. Loong-tooong bảo không có luy nét! Vậy
thì luy nét là cái gì cũng được. Ông muốn gắt thì gắt với thằng loong-toong!
Nhưng luy nét chính là cái kính. Bởi vì ông chủ trỏ tay lên mắt hỏi:
- Xa? (ça).
Và ông nhún vai, mỉm cười. Thoát nạn! Bác bếp Tư nhẹ lâng cả
người. Một tảng đá lớn tưởng đẻ trên người bác vừa trút đi. Bác chạy xuống cầu
thang, bước hai bậc một. Y như một hòn đá lăn trên sườn núi. Bác chạy thẳng lại
cái bể. Nhìn trước nhìn sau một thoáng rồi bác mở nắp ra, cúi đầu xuống. Tối om
om. Một mảng nước loang loáng như nước mực. Bác gọi con:
- Tề! Tề ơi!
Im lặng. Một nỗi nghi vụt đến. Tim bác nhảy lên một cái. Tiếng
khàn khàn, bác gọi:
- Tề ơi! Ra đây thầy kéo lên.
Chẳng có gì đáp lại. Những đốm sáng lăn tăn nhảy nhót trong
bóng tối. Ấy là bác bếp Tư hoa mắt. Bởi vì đầu bác đã nặng trĩu, quay quay,
choáng váng. Người thì bủn rủn. Bác nhoai lưng vào trong bể, vừa mếu máo vừa
rên rỉ:
- Con ơi! Tề con ơi…
Đầu ngón tay bác động phải một vật gì trơn nuồn nuột mà không
còn cử động. Bác toan gào thật to. Nhưng có tiếng giầy tây cồm cộp trên thang
gác. Ông chủ xuống! Bác Tư sực tỉnh. Bác vội rút đầu ra khỏi bể. Bác đậy luôn nắp
lại. Vừa kịp ông chủ không trông thấy. Bác cố thản nhiên đi vào bếp, lau bát
đĩa để sắp sửa lên bày bàn. Nhưng nghĩ đế bàn ăn, bác lại sinh lo lắng…
- Còn chai sâm banh!... Đào đâu ra một chai sâm banh bây giờ?
Đêm hôm ấy, đợi vợ chồng ông chủ tắt đèn đi ngủ một lúc lâu,
bác Tư mới rón rén ra sân. Bác mở cái nắp bể thật êm. Bác quờ tay vào bể, loay
hoay tìm cách vớt con ra.
Sáng hôm sau, bác vừa báo cho chủ biết con bác phải cảm chết
đêm rồi.
Ông chủ giật mình:
- Vì dịch tả phải không?
- Bẩm ông không.
- Thế vì bệnh gì?
- Bẩm… bẩm…
Bác Tư ấp úng. Ông chủ lại càng sợ hãi:
- Đem chôn ngay đi! Bỏ vôi vào! Rồi lấy ca-rê-lin rưới khắp
nhà, hiểu không?
- Bẩm hiểu.
- Được rồi. Đi đi!
Ông xua bác Tư ra như xua đuổi một thằng hủi. Mũi ông chun lại.
Ra khỏi cửa, bác Tư nhẹ hẳn người. Bác lấy làm may. Nếu ông chủ xuống xem! Nếu
ông chủ biết rằng thằng bé đã ngâm mấy giờ trong bể nước!...
Bà lão ấy hờ con suốt một đêm. Bao giờ cũng vậy cứ hết đường
đất làm ăn là bà lại hờ con. Làm như chính tự con bà nên bây giờ bà phải đói.
Mà cũng đúng thế thật. Chồng bà chết từ khi nó mới lọt lòng ra. Bà thắt lưng buộc
bụng, nuôi nó từ tấm tấm, tí tí giở đi. Cũng mong để khi mình già, tuổi yếu mà
nhờ. Thế mà chưa cho mẹ nhờ được một li, nó đã lăn cổ ra nó chết. Công bà thành
công toi.
Con vợ nó không phải giống người. Nó có biết thương mẹ già
đâu! Chồng chết vừa mới xong tang, nó đã phải vội vàng đi lấy chồng ngay. Nó
đem đứa con gái lên năm giả lại bà. Thành thử bà đã già ngót bảy mươi, lại còn
phải còm cọm, làm mà nuôi đứa con gái ấy cho chúng nó. Hết xương, hết thịt vì
con, vì cháu, mà nào được trông mong gì?
Nuôi cháu bảy năm trời, mãi cho đến khi nó đã mười hai, bà
cho nó đi làm con nuôi người ta lấy mười đồng. Thì cải mả cho bố nó đã mất tám
đồng rồi. Còn hai đồng bà dùng làm vốn đi buôn, kiếm mỗi ngày dăm, ba xu lãi
nuôi thân. Có chạy xạc cả gấu váy, hết chợ gần đến chợ xa, thì mới kiếm nổi mỗi
ngày mấy đồng xu. Sung sướng gì đâu! Ấy thế mà ông trời ông ấy cũng chưa chịu để
yên. Năm ngoái đấy, ông ấy còn bắt bà ốm một trận thập tử nhất sinh. Có đồng
nào hết sạch. Rồi chết thì không chết nhưng bà lại bị mòn thêm rất nhiều sức lực.
Chân tay bà đã bắt đầu run rẩy. Người bà thỉnh thoảng tự nhiên bủn rủn. Đang ngồi
mà đứng lên, hai mắt cũng hoa ra. Đêm nằm, xương cốt đau như giần. Đi đã thấy mỏi
chân. Như vậy thì còn buôn bán làm sao được? Nghĩ đến nắng gió bà đã sợ.
Tuy vậy mà bà vẫn phải ăn. Chao ôi! Nếu người ta không phải
ăn thì đời sẽ giản dị biết bao? Thức ăn không bao giờ tự nhiên chạy vào mồm. Có
làm thì mới có. Nhưng bây giờ yếu đuối rồi, bà không còn kham được những việc nặng
nề, cũng không còn chịu đựng được nắng sương. Bà phải kiếm việc nhà, việc ở
trong nhà. Ở làng này, chỉ có việc bế em, như một con bé mười một, mười hai tuổi.
Mới đầu còn có nhiều người muốn thuê. Ai cũng nghĩ rằng: những bà già tính cẩn
thận và chẳng bao nhiêu, bữa lưng bữa vực thế nào cũng đủ no; mà đã không no
các cụ cũng chỉ lặng im, không ấm ức như những đồ trẻ nhãi, hơi một tí cũng đem
chuyện nhà chủ đi kể với đủ mọi người hàng xóm… Nhưng thuê bà được ít lâu, tự
nhiên người ta chán. Người ta nhận ra rằng: thuê một đứa trẻ con lại có phần
thích hơn. Trẻ con cạo trọc đầu. Những lúc tức lên, có muốn cốc nó dăm ba cái
thì cứ cốc. Chẳng ai kêu: ác! Nhưng bà lão đầu đã bạc. Người ta tức bà đến gần
sặc tiết ra đằng mũi cũng không thể giúi đầu bà xuống mà cốc. Cũng không thể chửi.
Mắng một câu, đã đủ mang tiếng là con người tệ. Mà bà thì lẩm cẩm, chậm chạp,
lì rì. Bà rờ như thể xẩm rờ. Tay bà, đưa bát cơm lên miệng cũng run run. Cơm
vương vãi. Tương mắm rớt ra mâm, rớt xuống yếm bà, rớt cả vào đầu tóc, mặt mũi,
quần áo đứa bé nằm ở lòng bà. Rồi hơi trái gió, trở trời, bà lại đau mình. Suốt
đêm bà thở dài với rên rẩm kêu trời. Có khi bà lại khóc lóc, hờ con. Nghe rợn cả
người. Như vậy thì chịu làm sao được? Ấy thế là người ta lại phải tìm cớ tống
bà đi. Bà lại phải gạ gẫm ở cho nhà khác… Không đầy một năm trời bà thay đổi đến
năm, sáu chủ. Mỗi lần đổi chủ là một lần hạ giá. Thoạt tiên cơm nuôi tháng một
đồng. Rồi cơm nuôi tháng năm hào. Rồi cơm nuôi, một năm bốn đồng. Rồi hai đồng.
Rồi chẳng có đồng nào. Đến nước ấy mà cũng chẳng ma nào chịu được. Một hôm, người chủ cuối cùng sai bà xách hai cái lọ đi kín nước. Bà bào: bà chỉ có thể mang một lọ. Y đã lấy sự ấy làm khó chịu, nhưng cố nhịn. Nhưng một lọ cũng không xong. Bà xách một lọ nước đầy, ở dưới cầu ao bước lên bờ, chẳng biết bẩy rẩy thế nào mà ngã khuỵu xuống, vỡ tan cái lọ và què một bên tay. Nghe tiếng bà kêu, chủ nhà phải chạy ra đỡ bà về. Không ai có thừa cơm nuôi báo cô bà. Y bèn đãi bà năm hào cho bà về hưu trí. Từ ngày ấy đến nay tính ra đã hơn ba tháng rồi.
Rồi chẳng có đồng nào. Đến nước ấy mà cũng chẳng ma nào chịu được. Một hôm, người chủ cuối cùng sai bà xách hai cái lọ đi kín nước. Bà bào: bà chỉ có thể mang một lọ. Y đã lấy sự ấy làm khó chịu, nhưng cố nhịn. Nhưng một lọ cũng không xong. Bà xách một lọ nước đầy, ở dưới cầu ao bước lên bờ, chẳng biết bẩy rẩy thế nào mà ngã khuỵu xuống, vỡ tan cái lọ và què một bên tay. Nghe tiếng bà kêu, chủ nhà phải chạy ra đỡ bà về. Không ai có thừa cơm nuôi báo cô bà. Y bèn đãi bà năm hào cho bà về hưu trí. Từ ngày ấy đến nay tính ra đã hơn ba tháng rồi.
Hơn ba tháng, bà lão chỉ ăn toàn bánh đúc. Mới đầu, còn đuợc
ngày ba tấm. Sau cùng thì một tấm cũng không có nữa. Tiền hết cả. Mỗi sáng, bà
ra chợ xin người này một miếng, người kia một miếng. Ai lấy đâu mà ngày nào
cũng cho như vậy? Lòng thương cũng có hạn. Mấy hôm nay bà nhịn đói. Bởi thế bà
lại đem con ra hờ. Bà hờ thê thảm lắm. Bà hờ suốt đêm. Bà khóc đến gần mòn hết
ra thành nước mắt. Đến gần sáng, bà không còn sức mà khóc nữa. Bà nằm ẹp bụng
xuống chiếu, nghĩ ngợi. Có người nói: những lúc đói, trí người ta sáng suốt. Có
lẽ đúng như thế thật. Bởi vì bà lão bỗng tìm ra một kế. Bà ra đi.
Cứ đi được một quãng ngắn, bà lại phải ngồi xuống nghỉ. Nghỉ
một lúc lâu, trống ngực bà mới hết đánh, tai bà bớt lùng bùng, mắt bà bớt tối
tăm, người tàm tạm thôi quay quắt. Bà nghỉ tất cả năm sáu quãng. Thành thử đến
tận non trưa, bà mới tới nhà mình định tới: ấy là nhà bà phó Thụ, nuôi cái đĩ.
Bà quen gọi như vậy, ngay từ khi nó còn nhỏ; cái đĩ tức là đứa con của anh con
trai đã cướp công bà để về với đất, yên thân mà mặc tất cả những gì còn lại.
Anh con trai chẳng còn phải khổ sở như bà ngày nay.
Bà nghĩ đến con, để mà ghen với nó thêm lần nữa, trong khi ngồi
nghỉ ngoài đầu ngõ nhà bà phó Thụ. Ngoài đầu ngõ nhà bà phó Thụ, có một cây
sung lớn. Bà tựa lưng vào gốc. Từ đầu ngõ vào đến nhà, còn những hai lần cổng.
Có gọi thật to, ở trong nhà mới nghe tiếng. Mà bà thì còn hơi sức đâu mà gọi?
Tiếng bà bải hải. Hơi nói to một chút, nó đã ra đằng lỗ tai. Vả lại, chó nhà
giàu dữ lắm. Nhà bà phó Thụ có những hai con chó đẫy đà, lực lưỡng. Lúc thiến,
người ta rắc mảnh chai tán nhỏ vào. Vết thiến lành dúm mảnh chai ở bên trong
gây cho con vật một nỗi đau ngứa ngáy, suốt đời không khỏi. Nỗi đau làm tội nó.
Nó bứt rứt, khổ sở, cáu kỉnh, nên bạ thấy người nào lại nào cũng lăn xả vào
chân, hoặp một miếng, ray thịt người ta cho hả giận. Trời ơi! Những con chó nhà
bà phó Thụ, chúng dữ ghê gớm lắm. Bà lão nghĩ đến chúng còn chết khiếp. Cái lần
bà đưa cái đĩ vào, một người nhà phải cầm một cái gậy to tướng ra đe. Ấy thế mà
cả ba con cũng hồng hộc chạy ra. Chúng vây lấy bà già rách rưới. Con nào cũng uốn
cong cái lưng xuống, hếch cái mõm đen thui lên, nhe ra những chiếc răng trắng
hơn hớn và nhọn sắc. Bị cái gậy của người nhà cản lại, chúng càng tức tối.
Chúng lồng lộn chung quanh. Chúng nhảy chồm lên. Chúng ngoạm những cái cột giậu,
kêu sồn sột. Chúng lay thật mạnh, hục hặc như muốn bẻ gãy cái cột, để lao vào đầu
nguời ta… Bà lão với đứa cháu cứ rúm cả tay chân lại. Cháu nép vào bà, bà nép
vào người bà phó Thụ. Chị người nhà thì luôn tay vụt cái gậy bên này, bên nọ, đằng
sau, đằng trước, và quát mắng. Ấy thế mà một con chó còn xông vào được, và chỉ
một tí nữa nó xơi chân bà một miếng. Nhưng chị người nhà đánh kịp. Nó mới đấm
được mõm vào cái bắp chân gầy đét của bà lão thôi. Hú hồn!… Bây giờ dám gọi
sao? Chó thính tai mà lại rất mau chân. Chúng xộc cả ra thì khốn. Ấy thế là bà
lão đành ngồi đợi dịp. Cái đĩ bế em ra ngõ chơi chẳng hạn… Hay là có người nào
trong nhà đi đâu… Hay là có người đàn ông khoẻ mạnh nào đến nhà bà phó Thụ, để
cho bà đi ghẹ… Bà ngồi rỗi, tưởng tượng ra đủ mọi cái may mắn tương tự thế. Chỉ
còn mỗi một cái bà chưa nghĩ đến: ấy là lúc chính bà phó Thụ ra, hoặc đi đâu về.
Thì chính bà phó Thụ đi chợ về. Mới thoạt trông thấy bà lão, bà tưởng là một
con mẹ ăn mày. Bà hơi cau mặt:
- Ai kia? Ai ngồi làm gì kia? Chó nó ra, nó lôi mỡ ra cho đấy.
Sao mà bạo thế?
Bà lão quay lại mỉm cười móm mém:
- Bẩm bà đi chợ về!…
Bà phó Thụ mở to đôi mắt đỏ ngầu, nhìn kĩ hơn một chút. Bà nhận
ra bà cái đĩ ở. Tức thì mặt bà nguỷu xuống. Bà lão này còn muốn quấy quả gì nữa
đây? Để vòi tiền thêm chăng? Bà lão rên một tiếng và chống tay lên đầu gối, bẩy
rẩy đứng lên. Bà phó hỏi:
- Bà đi đâu thế?
Bà lão lại rên tiếng nữa để mở đầu câu nói (bà rên cũng như một
vài người khác bạ lúc nào cũng thở dài. Cái ấy thành thói quen).
- Bẩm bà, con lên chơi với cháu. Lâu lắm, cháu không được về,
con nhớ cháu quá!
- Úi dào ôi! Vẽ cái con chuột chết! Nó phải làm chứ có rỗi
đâu mà bà chơi với nó? Nhà tôi không có cơm cho nó ăn để nó cứ nồng nỗng nó
chơi. Bà muốn chơi với nó thì đem ngay nó về nhà, tìm cơm cho nó ăn, bà cháu
chơi với nhau vài ba tháng cho thật chán đi, rồi hãy bảo nó lên. Tôi không giữ.
Bà tưởng nó đã làm giàu làm có cho tôi rồi đấy, hẳn?
Bà cần phải nói ráo riết ngay để chặn họng, không cho bà lão
mở mồm vòi vĩnh. Bà lão bị những lời tàn nhẫn ấy hắt vào mặt quả nhiên không
còn nói sao được nữa. Bà cúi đầu, như một con mẹ ăn cắp lúa, bị tuần sương tóm
được. Bà phó chiếp chiếp mồm luôn mấy cái, rồi vác mặt lên trời mà bảo:
- Chơi với bời! Cái lúc nó mới đến, trông như con giun chết,
cạy gỉ mũi còn chưa sạch thì không thấy chơi với bời. Người ta nuôi mãi, bây giờ
mới trơn lông đỏ da một tí, đã phải đến mà giở quẻ. Tưởng báu ngọc lắm đấy! Tưởng
người ta đã phải giữ khư khư lấy đấy!… Úi chào! Có phải mả tổ nhà người ta đâu
mà người ta giữ? Muốn bắt nó về, cho nhà nào nó nuôi làm bà cô tổ nhà nó thì cứ
bắt. Ai người ta thiết? Cứ trả lại tiền người ta!…
Bà lão rưng rưng nước mắt. Khốn nạn, bà có ý quắt quéo thế
đâu? Bà lão mếu máo:
- Bẩm bà, bà dạy thế thật oan cho con quá. Trời để con sống bằng
này tuổi đầu, con còn dám lừa lọc hay sao? Thật có trời trên kia làm chứng, nếu
con quả định đến đây để dỗ dành cháu về để đem cho người khác thì trời cứ vật
chết con đi! Con chỉ xin bà cho được trông thấy cháu, bà cháu chơi với nhau một
lúc. Cũng chẳng còn mấy chốc nữa mà con chết, con cũng tưởng đi chơi dối già một
bận…
- Nó không được rỗi mà chơi với bà. Chẳng chơi bời gì cả! Bà
đã trót lên thì vào đây, tôi cho một bữa cơm. Bận sau thì đừng vẽ con khỉ nữa.
Nhà tôi không có thói phép cho chúng nó như thế được. Con tôi đi học tận Hà Nội,
dễ tôi cũng phải nay ra chơi, mai ra chơi với nó đấy! Đã đi ở mà còn không biết
phận… Chơi với bời!…
Môi bà lại chiệp chiệp và xìa ra…
Cái đĩ vừa trông thấy bà, mừng rối rít. Nó cười rồi nó khóc
chẳng biết vì sao cả. Nhưng đôi mắt khoằm khoặm của bà phó Thụ dội nước vào
lòng nó. Nó tự nhiên ngượng nghịu. Nó không dám xoắn xuýt bà nó nữa. Nó cúi đầu,
khẽ hỏi:
- Bà đi đâu đấy?
- Bà đến xin bà phó một bữa cơm ăn đây! Bà đói lắm.
Câu nói rất thật thà ấy, bà lão dùng giọng đùa mà nói. Như thế
người ta gọi là nửa đùa nửa thật. Một cách lấp liếm cái ý định của mình bằng
cách nói toạc nó ra. Cái đĩ bế em, dắt bà ra đầu chái, để không bị ai nhìn nữa…
- Da bà xấu quá! Sao bà gầy thế?
- Chỉ đói đấy thôi, cháu ạ. Chẳng sao hết.
- Lớp này bà ở cho nhà ai?
- Chẳng ở với nhà ai.
- Thế lại đi buôn à?
- Vốn đâu mà đi buôn? Với lại có vốn cũng không đi được. Người
nhọc lắm.
- Thế thì lấy gì làm ăn?
- Chỉ nhịn thôi chứ lấy gì mà ăn!
Bà cháu mới kịp trao đổi với nhau từng ấy câu thì bà phó đã
the thé hỏi:
- Nó bế em đi đâu rồi?
Ấy là dấu hiệu bà sắp gọi. Cái đĩ vội đặt em xuống đất, bảo:
- Bà giữ nó hộ con một tí.
Nó cởi dải yếm lấy ra một cái túi rút con con. Trong túi xóc
xách mấy đồng trinh. Nó rút ra, đếm lấy hai xu, giúi cho bà…
- Con biếu bà để bà ăn bánh đúc. Bà về đi!
Tiếng bà phó giục:
- Cái đĩ đi đâu rồi? Đem em về đây, rồi quét nhà, dọn cơm.
- Vâng!
Nó tất tưởi bế em chạy về. Bà lão hãi chó, lẽo đẽo đi theo
cháu. Bà phó trông thấy mà lộn ruột. Bà xa xả:
- Bà đừng theo đít nó thế. Bà cứ ngồi một chỗ rồi mà ăn cơm,
Khiếp thật thôi!
- Vơơơng!…
Bà lão “vâng” thành một tiếng rên. Bà vào nhà, ngồi xón vén
vào một xó ngay xuống đất. Bà phó cất lấy con. Cái đĩ lụt cụt chạy xuống nhà dưới.
Một lát sau, tiếng đũa bát bắt đầu lạch cạch… Bà phó bảo:
- Bà xuống dưới này mà ăn cơm.
Bà bế con ra. Bà lão theo sau. Tiếng khung cửi đã ngừng. Mấy
cô dệt cửi đều là con gái hoặc con nuôi bà phó Thụ, đang tới tấp, cô xới cơm,
cô bỏ rau, cô sẻ mắm, chung quanh cái mâm gỗ đặt ngay trên mặt đất. Cả nhà quây
quần vào, chỉ ngồi có một mâm. Bà lão chẳng đợi ai phải bảo, ngồi ngay xuống cạnh
cháu, tay run run so đũa. Trông bà so đũa mà ngứa mắt! Bà phó muốn giật xoét lấy
làm thật nhanh cho đỡ bực. Nhưng bà nhịn đuợc. Bà chỉ chép miệng và lừ lừ đôi mắt,
tỏ ý khó chịu. Cái đĩ hiểu nên chỉ nhìn xuống đất. Nó giận bà nó lắm. Nó đã bảo
bà nó về đi mà bà nó không chịu về…
Bà phó chẳng nói nửa lời, bê lấy bát cơm ăn. Mặt bà vẫn hầm hầm.
Lũ con gái, con nuôi, con ở, biết hiệu, vội vàng cũng làm theo. Chậm một tí, bà
chửi cho phải biết! Có khi bà hắt cả bát cơm vào mặt. Bà lão nhìn vòng quanh một
lượt, rồi cũng cất bát cơm lên:
- Mời bà phó…
Nhưng bà vừa mới há mồm ra thì bà phó đã cau mặt quát:
- Thôi, bà ăn đi! Đừng mời!
Bà lão vội vàng ăn ngay. Nhưng họ ăn nhanh quá. Mọi người đều
lặng lẽ, cắm cúi, mải mốt. Đôi đũa này lên lại có đôi khác xuống. Liên tiếp
luôn như vậy. Cứ tăm tắp tăm tắp. Tay bà lão lờ rờ, không biết lợi dụng lúc nào
để gắp rau vào bát mắm. Lập cập quá, bà đánh rơi cả mắm ra ngoài bát. Bà phó lại
cau mặt, gắt:
- Sẻ riêng cho bà ấy một bát mắm, để ra cạnh mâm cho bà ấy!
Một cô vội làm ngay. Từ đấy, bà lão dễ xoay xở hơn một chút.
Nhưng bà mới ăn chưa hết hai lượt cơm thì bà phó đã quăng bát đũa xuống đất. Chỉ
một thoáng sau, mọi nguời khác cũng thôi. Họ thôi gần đều một lượt. In như bà mẹ
ra hiệu cho họ vậy. Thật ra thì lệ mỗi người chỉ được ăn có ba vực cơm thôi. Mà
phải ăn nhanh để còn làm. Nhưng bà lão nhà nghèo, đã quen sống vô tổ chức, làm
gì hiểu trong những nhà thừa thóc, thừa tiền, lại có sự hạn chế miệng ăn như vậy?
Bà đoán rằng họ khảnh ăn. No dồn, đói góp. Người đói mãi, vớ được một bữa, tất
bằng nào cũng chưa thấm tháp. Nhưng người no mãi, người ta có cần ăn nhiều lắm
đâu. Vậy thì bà cứ ăn. Ăn đến kỳ no. Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào
cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói? Bà ăn nữa thật. Cái đĩ ngượng quá,
duỗi cổ ra, trợn mắt, nuốt vội mấy miếng cơm còn lại như một con gà con nuốt
nhái. Rồi nó buông bát đũa. Bà bảo cháu:
- Ăn nữa đi, con ạ. Nồi còn cơm đấy. Đưa bát bà xới cho.
Nó chưa kịp trả lời thì bà phó đã mắng át đi:
- Mặc nó! Nó không ăn nữa! Bà ăn bằng nào cho đủ thì cứ ăn!
À! Bây giờ thì bà lão hiểu. Người ta đứng lên tất cả rồi. Chỉ
còn mình bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt. Nhưng bà lão
còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì khí tiếc. Vả đã đi ăn chực thì còn danh
giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì. Đến khi bà đã tạm no, thì cơm
vừa hết. Chỉ còn một ít bám dưới đáy và chung quanh nồi. Bà vẫn tiếc. Bà kéo
cái nồi vào lòng, nhìn, và bảo con bé cháu:
- Còn có mấy hột để nó khô đi mất. Tao vét cho mày ăn nốt đi
kẻo hoài, đĩ nhé?
- Khô mặc kệ nó! Bà có ăn được hết thì ăn đi, đừng bảo nó. Nó
không ăn vào đâu được nữa. Ăn cho nó nứt bụng ra thì ăn làm gì?
Bà phó vội gắt gỏng bảo thế. Ừ, thì bà ăn nốt vậy! Bà cạo cái
nồi sồn sột. Bà trộn mắm. Bà rấm nốt. Ái chà! Bây giờ thì bà no. Bà bỗng nhận
ra rằng bà no quá. Bụng bà tưng tức. Bà nới thắt lưng ra một chút cho dễ thở.
Bà tựa lưng vào vách để thở cho thỏa thích. Mồ hôi bà toát ra đầm đìa. Bà nhọc
lắm. Ruột gan bà xộn xạo. Bà muốn lăn kềnh ra nghỉ, nhưng sợ người ta cười, cố
gượng. Ôi chao! Già yếu thì khổ thật. Đói cũng khổ mà no cũng khổ. Chưa ăn thì
người rời rã. Ăn rồi thì có phần còn nhọc hơn chưa ăn. Ôi chao!…
Xế chiều hôm ấy, bà lão mới ra về được. Bà bảo: về muộn cho đỡ
nắng. Thật ra thì bà tức bụng, không đi nổi. Mà bà uống nhiều nước quá. Uống bằng
nào cũng không đã khát. Bà chỉ càng thêm tức bụng. Đêm hôm ấy, bà lăn lóc rất
lâu không ngủ được. Bà vần cái bụng, bà quay vào lại quay ra. Bụng bà kêu ong
óc như một cái lọ nước. Nó thẳng căng. Bà thở ì ạch. Vào khoảng nửa đêm, bà thấy
hơi đau bụng. Cơn đau cứ rõ thêm, cứ tăng dần. Chỉ một lúc sau, bà đã thấy đau
quắn quéo, đau cuống cuồng. Rồi bà thổ. Rồi bà tả. Ôi chao! Ăn thật thì không
bõ mửa. Bà tối tăm mặt mũi. Đến khi bệnh tả dứt thì bà lại sinh chứng đi lị. Ruột
bà đau quằn quặn. Ăn một tí gì cũng đau không chịu được. Luôn nửa tháng trời
như vậy. Rồi bà chết. Bà phó Thụ, nghe tin ấy, bảo: “Bà chết no”. Và bà dùng
ngay cái chết ấy làm một bài học dạy lũ con gái, con nuôi:
- Chúng mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết
nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn tộ vào!…
Tiểu thuyết Thứ bảy - 1943
Hàn là chàng trai 18 tuổi, sống bằng những cuốn tiểu thuyết
lãng mạn và ao ước một tình yêu mơ mộng. Rồi hắn ấp ủ những dự định táo bạo để
được sống với người yêu. Chỉ đến khi nhìn thấy cảnh háu đói của những cô thôn nữ
thiếu ăn và được biết người mình yêu đã bán cả chiếc khăn kỷ niệm có lẽ cũng chỉ
để ăn quà, Hàn mới vỡ mộng.
Những quân cướp, bao giờ muốn ăn cướp một nhà nào, bao giờ
cũng phải thăm đất trước. Hàn cũng vậy, hắn sắp làm một việc tương tự như ăn cướp.
Vậy phải đi xem kỹ tình hình đã.
Thoạt tiên, hắn hãy dắt cái xe đạp, vòng qua chỗ cửa đình.
Ðây là chỗ quan viên. Họ trải chiếu ngồi ngay xuống đất, vào một góc sân. Ông bố
đẻ Tơ có đây rồi. Ông bố chồng cũng ngồi kia. Cả người anh chồng nữa. Ðược rồi!
Hàn không thèm nhìn những ông kia. Hắn vờ xem thuyền giấy, voi, ngựa giấy bầy ở
giữa sân. Rồi hắn dắt cái xe đạp, thủng thỉnh đi ra phía ruộng. Ðây là chỗ thả
diều. Bọn trai làng thường tụ tập ở đây. Những người cầm đầu, những người cầm
dây, những người cuộn dây đang rối rít cả lên. áo cánh, quần ống thấp ống cao,
đầu không khăn hay là cái khăn xổ ra trật xuống vai, mặt đỏ bừng, mồ hôi đổ ướt
đầm, họ chạy ngược, chạy xuôi, múa chân tay, gân cổ lên gọi nhau, mắng nhau,
văng tục với nhau, giẫm cả lên chân người ta để chạy diều, làm ầm ĩ, chẳng kém
gì bọn phu trên một quãng đê vừa sạt. Những người xem chỉnh tề hơn. Họ khăn áo
hẳn hoi, tay quạt, tay ô, đứng nấp vào những bóng tre nhìn lên trời, bàn tán với
nhau. Trời xanh ngắt, nắng chang chang. Họ phải che quạt hoặc bàn tay lên mắt
cho đỡ chói. Những chiếc diều toàn trắng hoặc có một vệt đỏ to ở giữa, lên cao
tít đến nỗi phải cố nhìn mới thấy. Những cái diều đứng không động đậy, như chiếc
lá nằm trên mặt hồ vào lúc gió yên. Những cái khác lượn lờ ít chút thôi. Nhưng
cũng có một vài cái nghịch, chao bên nọ bên kia một cách rất hăng, và chốc chốc
lại toan bổ xuống. Những cái ấy không đời nào ăn giải được. Ðấy là diều của mấy
kẻ xấu chơi. Chúng tức vì năm ngoái các cụ định giải bất công, nên năm nay cố ý
buộc lèo cho diều của chúng đảo đồng để troàn vào dây diều khác. Thỉnh thoảng một
chiếc diều đứt dây. Người ta hò nhau đuổi như đuổi trộm... Sao lại có những kẻ
làm tội cái xác mình quá vậy? Hàn nghĩ thế - Những kẻ đi thi diều cũng như những
người đi xem thi diều đều dại như vích cả. Thằng thì chạy gần hộc máu mồm ra để
tranh một cái giải chẳng thấm tháp vào đâu với số tiền bỏ ra để làm diều, để
mua dây. Thằng thì phơi ra nắng những cái mặt nhăn nhó như mặt khỉ để xem những
cái diều chẳng ai còn lạ. Ðể mà làm gì vậy? Giá mà hắn, thì nắng nôi thế này, hắn
nằm khểnh ở nhà cho mát. Phải nợ gì mà xem với xét cho nhọc xác! Sở dĩ hắn chịu
nhọc xác thế này chẳng phải để xem gì cả, ấy là vì Tơ.
Tơ là người yêu cũ của Hàn. Vào kỳ nghỉ hè năm ngoái có một
hôm Tơ đến nhà Hàn để mua dâu. Sự ấy thường: Tơ vẫn mua dâu của nhà Hàn. Và sự
này cũng lại thường: hôm ấy cả nhà Hàn đi vắng, người đi chợ, người đi làm đồng,
chỉ có mình Hàn nằm gác chân lên cuốn xem tiểu thuyết. Những tiểu thuyết hồi ấy
đua nhau tả những cuộc tình duyên của trai thành thị với gái đồng quê. Vai chủ
động đàn bà trong các chuyện ấy đều là những cô thôn nữ rất đẹp, rất hiền, rất
ngây thơ. Họ khiến Hàn ước ao như ước ao một mớ rau tươi. Bởi vậy, khi Hàn ra
đánh chó cho Tơ, hắn đã nhìn Tơ rất kỹ. Tình cờ thế nào Tơ là một cô gái xinh
xinh. Thị có đôi mắt bồ câu, cái miệng rất tươi, và đôi má hây hây. Thị bẽn lẽn
chào Hàn với một vẻ e lệ đáng yêu. Hàn có cảm giác như hắn đột nhiên đổi khác
đi. Hắn tự bảo: “Cuốn tiểu thuyết của đời ta đã bắt đầu...”. Và hắn cố tìm một
câu rất văn hoa để nói, nhưng đã quên mất cả. Hắn chỉ lắp bắp miệng ra dáng
chào Tơ. Thành ra, lại chính Tơ là người khơi chuyện trước:
- Thưa cậu, bà Cửu có nhà không ạ?
- Thưa cô... Vâng! Mẹ tôi có nhà. Mời cô vào chơi.
Hàn nói dối rất trơn tru sau một thoáng ngập ngừng. Bởi vì hắn
tính lại rồi. Khi cái lưỡi cứng đờ của ta đã bật ra được một câu không đến nỗi
ngẩn ngơ thì nó trở nên dẻo dang. Hàn nhớ ra rằng: hắn là con nhà danh giá ở
làng này; hắn đi học, ở tỉnh về; quần áo hắn giặt là và chân hắn dận giày tây;
đầu hắn đẫm chất nhờn ở phía ngoài và văn chương ở phía trong... Nói tóm lại, hắn
có đủ điều kiện để tất cả các cô gái làng này phải ước mơ. Hắn không có lý do
gì để mà rụt rè quá thế. Bây giờ thì hắn nói hoạt bát lắm, tuy có hơi to quá sự
thường một chút, như một anh chàng chếnh choáng say...
- Mời cô cứ vào, tôi đánh chó... Mời cô đi trước, kẻo chó cắn.
- Cháu vô phép cậu...
- Vâng ạ, mời cô cứ đi.
Tơ vén áo, khép nép đi lên trước. Hàn mỉm cười nhìn cái cử chỉ
hay hay ấy. Rồi hắn đi sau cô gái, vuốt ve bằng mắt cái cổ nây nây của thị. Vào
đến sân, Tơ đứng lại đằng hắng. Những mành mành cửa buồng kín mít: thị làm thế
để bà Cửu trong nhà lên tiếng trước. Hàn hiểu ý. Hàn vờ nói vọng vào nhà:
- Thưa mẹ, có khách.
Cố nhiên là chẳng có mẹ nào đáp lại. Hàn bảo Tơ:
- Chắc mẹ tôi ra ao. Cô vào ngồi chơi một lát. Tôi đi gọi.
Tơ vội bảo:
- Thôi ạ, chả dám phiền cậu... Bà còn ở ngoài ao, vậy cháu cứ
đi hái dâu trước đã. Lúc nào bà về, cháu hãy thưa chuyện với bà.
Hàn mừng quá...
- Vâng! Thế thì cũng được... Vậy ra cô mua dâu?
- Vâng ạ.
- Thế thì mời cô ra vườn hái. Tôi đánh chó.
- Dạ... thôi ạ. Ðã vào nhà rồi chắc chó không cắn nữa.
- Ðược, cô cứ đi... để tôi trông chó. Phải một con hư lắm, nó
hay cắn trộm.
- Thế ạ. Thưa cậu, cô Hán đi đâu ạ.
Hàn hiểu ý Tơ ngỏ ý một cách kín đáo, muốn để em gái hắn ra
đánh chó. Hàn vội bảo:
- Thưa cô, em nó ra ruộng ạ.
- À vâng! Hèn nào mà không nghe thấy tiếng.
- Vâng! Nó ở nhà thì liến láu, mồm năm miệng mười luôn. Tôi mắng
nó luôn về cái tội lắm điều mà cũng không chừa.
Hai người đến rặng dâu. Tơ đặt cái thúng không xuống đất,
nhìn chung quanh rồi bảo:
- Chó không có đây, mời cậu về nhà cho mát.
- Cô cứ để mặc tôi. Tôi đứng xem cô hái dâu để học hái. Cô dạy
tôi hái nhé.
- Cháu không dám ạ. Cháu hái chậm lắm, có thành thạo gì đâu?
Vả lại hái dâu thì ai chả hái được, có cần gì phải học?
- Cô nói vậy, chứ thực ra thì cần học lắm. Ðã đành cứ rứt liều
thì ai mà không rứt được? Nhưng có biết hái thì trông mới đẹp. Cô hái đẹp lắm.
Tơ đưa chít dâu lên che miệng, cười tít mắt. Má thị càng đỏ
thêm, giọng thị càng thân mật hơn một chút:
- Rõ cậu chỉ khéo vẽ!
Hàn cũng cười và bảo:
- Thật! Cô hái dâu tay mềm mại lắm. Trông cô hái tôi chỉ muốn
làm cây dâu để...
Hàn ngừng lại; Hàn thấy Tơ đột nhiên nghiêm mặt. Thị giả tảng
muốn như không nghe thấy, và nói lảng:
- Lứa dâu này để quá có mấy ngày mà rậm quá.
Hàn im lặng. Sự ngượng nghịu hiện ra trên nét mặt. Có lẽ Tơ
nhận thấy và thương hại. Thị lại gợi cho Hàn nói:
- Cậu không hái dùm cho cháu đi, cho nó chóng. Mình cháu hái
thì đến trưa chửa hết.
Hàn mừng rỡ:
- À, quên đấy nhỉ! Nhưng tôi hái cho cô thì cô cũng phải nghĩ
thế nào chứ... nhỉ?
- Cháu trả công.
- Không. Tôi chả lấy công đâu. Nhưng cô không được xưng bằng
cháu với tôi thế, tôi thẹn chết! Tôi với cô chỉ bằng tuổi nhau thôi. Năm nay cô
bao nhiêu tuổi nhỉ?
- Cháu...
- Không có lệ xưng cháu.
Tơ gục mặt xuống cánh tay để giấu miệng đi, cười, nũng nịu.
- Thế xưng bằng gì được?
- Bằng tôi, hay là em thì càng... thú.
Hàn nói buông miệng, cười khanh khách để khỏi thẹn. Tơ đỏ mặt,
nhưng cũng cười, không cự lại. Hắn biết là cáu lắm. Hắn can đảm thêm chút nữa.
- Cô bao nhiêu tuổi nhỉ?
- Cậu đoán độ bao nhiêu?
- Mười tám phải không?
- Mười bảy.
- Thế thì tốt quá. Tôi mười tám. Gái hơn hai, trai hơn một,
cô nhỉ!
Hàn lại cười khanh khách. Tơ lườm:
- Rõ cậu!
Nhưng thị không nghiêm trang được. Thị bật cười. ấy thế là
câu chuyện cứ dần dần đi đến sát nách, chẳng còn cần bóng gió, xa xôi nữa. Nó
đã tận cùng bằng một câu thế này của Tơ:
- Cái ấy còn phải tùy thầy mẹ em. Em biết đâu mà trả lời cậu?
Thế nghĩa là: em bằng lòng mê đi rồi. Hàn chẳng ngu ngốc gì
mà không hiểu. Và giá Hàn bảo phắt mẹ hỏi Tơ cho mình, thì có lẽ họ đã thành chồng,
thành vợ. Nhưng Hàn thẹn. Vả lại Hàn chưa đọc một cuốn tiểu thuyết nào kết thúc
một cách giản dị theo kiểu ấy. Cần gì phải nghĩ đến hôn nhân? Hàn chỉ xin mẹ
cho tiền mua một cái ống xì đồng. Hàn lấy đất sét viên những viên đạn con con, rồi
phơi, rồi nung, rồi nhét đầy túi, vác ống xì đồng đi suốt ngày để thổi chim.
Hàn hay đến thổi chim ở sau chùa. Chẳng ai ngờ, bởi vì sau chùa rất lắm chim.
Nhưng cạnh chùa lại có một ruộng dâu rất tốt mà cứ bốn năm ngày Tơ đến hái.
Thành thử cuốn tiểu thuyết của Hàn cứ thêm trang mãi. Và khi những tháng hè đã
hết, nó đã đến chỗ Hàn xuvơnia cho Tơ một cái mùi xoa thơm lựng bằng lụa nõn,
viền tím và thêu cành hoa con bướm với hai chữ HT gài với nhau. ấy là một cái
khăn tay Hàn đã đặt làm ngoài tỉnh, rưới vào mấy giọt nước hoa rồi gói vào một
mảnh giấy bóng, đem về tặng Tơ...
Ở nhà quê, người ta tin rằng: những cặp trai gái chưa chi đã
thề bồi với nhau, chẳng bao giờ lấy được nhau. Ðiều ấy đúng chăng? Tháng hai vừa
rồi, Hàn được tin người yêu đi lấy chồng. Tơ lấy con trai ông nhì Gia, đỗ nhị
trường. Nhà ông nhì Gia nghèo rớt mùng tơi! Thằng con ông mười lăm, nhưng chỉ bằng
mười ba; nó cọc người. Mặt nó nhăn nhăn! Mặt dơi chẳng ra mặt dơi, mặt chuột chẳng
ra mặt chuột. Nói tóm lại, chẳng có mẽ gì. Nó lấy Tơ, thật đúng là con cú đậu
cành mai. Hàn tức lắm. Và chẳng cần phải hỏi Tơ, Hàn cũng biết Tơ bị cha mẹ ép.
Quả nhiên, ít lâu sau Hàn được tin Tơ chê chồng bỏ nhà đi. Người ta bắt được
Tơ. Ông bố đẻ xoắn tóc Tơ vào gốc cau đánh giập mấy cái roi mây, rồi cạo trọc đầu
Tơ, lấy vôi bôi, dọa sai mõ dong đi khắp làng cho dơ mặt, nếu Tơ nhất định
không về nhà chồng. Cái kế này diệu thật. Nhưng Tơ khóc gớm lắm. Hàn thương
quá. Hàn mong cho có dịp gì được nghỉ về quê bàn với mẹ trả của cho Tơ để lấy
Tơ. Nhưng mẹ Hàn nghe Hàn nói thì trố mắt lên, sợ hãi. Con gái làng này đã đến
đâu mà phải lấy tranh vợ người ta thế? Hàn năn nỉ. Hàn dọa sẽ đem Tơ đi trốn.
Bà trả lời lại bằng cách cưới vợ luôn cho Hàn.
Bài thuốc ấy có thể công hiệu, nếu người vợ cưới về đẹp và
ngoan ngoãn. Một người đàn bà rất dễ làm ta quên một người đàn bà khác. Nhưng vợ
Hàn rộng miệng và hôi nách. Bởi thế cho nên Hàn uất ức. Hàn không thèm nói nữa.
Hàn lẳng lặng ra tỉnh, như yên phận. Nhưng từ đấy, Hàn nghiền ngẫm một cái
chương trình rất hăng...
Hàn đã trông thấy cái thằng chồng của Tơ rồi. Nó đứng kia, loắt
choắt như con chuột lắt. Nó đứng xem hàng kẹo kéo. Mặt nó hếch lên, nhìn mồm
anh kẹo kéo hát những vần vèo mà cười bằng cả một cái mồm há hốc. Hàn nhìn nó,
một cái nhìn khinh bỉ. Mẹ kiếp! Thằng nào chứ thằng này, hắn chỉ đá một cái là
chết nghéo. Hắn dắt cái xe đạp, đi lên đường. Hắn dắt vòng lên chỗ gốc đa. Hắn
tựa cái xe đạp vào gốc đa, rồi đứng nghỉ, lấy vạt áo trắng dài làm quạt, quạt.
Người ta tưởng hắn đứng đấy cho mát. Thật ra thì hắn nhìn những đàn bà, con gái
đương ăn quà.
Họ khá đông. Những bà mẹ xồ xề với đứa con đầu mới cạo, nhẵn
thín như quả bưởi. Những bà già mặc áo mớ, to sù người. Những cô con gái lẫng cẫng
và gọn ghẽ. Tất cả đứng tụm năm tụm ba, chuyện trò ríu rít, hoặc ngồi xổm trước
những hàng bún, hàng bánh đúc gục đầu xuống ăn. Trông họ ăn mà ái ngại. Bởi họ
ăn ngon lành quá, hăm hở quá, mắt hùm hụp nhìn xuống bát, nhìn xuống chỗ bánh của
mình, nhìn chỗ bánh của người khác, của nhà hàng... Hình như họ tính thầm rằng
mình ăn hết chỗ này cũng chưa no... người kia ăn sung sướng hơn mình... giá
không tiếc tiền thì mình phải ăn thêm cái tấm kia, tấm kia... của bà hàng nữa...
Chỗ bánh vơi dần. Họ ăn chậm chạp hơn, như kiểu ăn dè. Và đến lúc chỉ còn trơ
cái lá không, họ đã buông đũa xuống rồi, còn nghĩ tiếc rẻ thế nào, bê bát nước
riêu thừa lên húp một vài húp nữa, rồi mới chống tay vào đầu gối để đứng lên,
sau khi đã nhìn cái mẹt của bà hàng với vẻ luyến tiếc... Hàn đứng nhìn họ ăn
hàng giờ như thế. Hắn quên cả cái mục đích của hắn khi đến đúng chỗ này. Bởi vì
hắn đến chỗ này có phải để nhìn thiên hạ ăn đâu? Hắn có ý tìm Tơ, hắn sẽ theo
Tơ đến một quãng đường vắng nào. Hắn sẽ nói điều dự định của mình ra. Và nếu Tơ
vẫn còn yêu mến, Tơ vẫn còn can đảm để yêu, hắn sẽ rước Tơ đi. Chúng tự do lập gia
đình, sống với nhau rồi mặc kệ! Cái dự định ấy, Hàn nghiền ngẫm đã ba tháng trời
nay. Hàn quả quyết thêm. Và tới lúc trông thấy cái mặt nghiêm trang của cha
mình và cái mặt đáng ghét của cha Tơ, hắn quả quyết thêm. Và đến lúc trông thấy
cái mặt khá bỉ của chồng Tơ, Hàn lại càng quả quyết. Hàn tưởng sự quả quyết của
hắn không còn thể nào lay chuyển được. Nhưng bây giờ...
Ôi chao! Nếu Tơ của Hàn có đi xem, tất thị cũng ngồi sụp xuống
trước một hàng bánh đúc kia. Thị sẽ bảo bà hàng thái cho ba xu bánh đúc và múc
một xu riêu. Thị sẽ và, sẽ húp kêu soàn soạt. Và đôi môi thị, đôi môi tròn và đỏ
tựa san hô sẽ sườn sượt, nước riêu cá diếc nó chảy xuống cả cái cằm xinh xinh của
thị, khiến thị phải lấy ống tay áo quệt... Hỡi ôi! Có cái gì là đẹp quá như Hàn
vẫn tưởng đâu? Hắn tự nhiên thấy mỏi mệt vô cùng. Hắn ngồi phệt xuống gốc đa. Hắn
buồn nôn. Lúc bấy giờ tâm trạng hắn ra sao, hắn không biết nữa. Ðó là một cảm
giác hỗn độn, nó sửa đường cho một cuộc đổi thay. Rất nhiều mộng mơ tan. Một
chút thẹn thùng. Một chút lòng thương. Nhưng tình yêu thì nhất định không còn nữa.
Mong manh thay tình yêu bồng bột của tuổi hai mươi! Người ta tưởng có thể chết
vì một người, rồi đột nhiên người ta thấy chẳng có nghĩa lý gì đối với lòng
mình nữa. Hắn uể oải đứng lên, toan về.
Bỗng Hàn để ý đến mấy cô gái đứng gần Hàn vừa nghe nói đến
tên Tơ. Hắn nhìn xem. Một cô đang giơ ra một cái khăn tay. Họ vừa xem vừa bàn
tán với nhau:
- Cái Tơ cũng nhặt được ở đâu đấy, chứ về nhà ấy làm gì dám
mua những của này?
- Chắc thế.
- Mấy hào đấy?
- Có hai hào.
- Rẻ đấy.
- Rẻ thì rẻ thật, nhưng giá tôi thì tôi cũng chả mua đâu. Hạng
chúng mình mua khăn tay thêu làm khỉ gì chứ?...
- Thì đã hẳn... Nhưng thấy rẻ, tôi tiếc nên máy tay mua đấy.
Tôi chả sợ. Thế nào tôi cũng gạ cô Luyến, bán cho cô ấy, để cô ấy hầu bóng. Cứ
gọi là ba hào là rẻ. Mình được lãi một hào ăn bánh đúc.
Ăn bánh đúc! Lại ăn bánh đúc!... Chao ôi! Thì ra những cô gái
quê rất đẹp, rất hiền, rất ngây thơ kia phần nhiều chỉ nghĩ đến ăn. Họ là những
kẻ không mấy ngày được thỏa cơm. Ðối với họ, cái ăn có lẽ còn cần hơn cả tình
yêu. Tơ đã bán cái xuvơnia của Hàn đi để ăn bánh đúc chăng?... Hàn đỏ mặt lên,
hắn thấy hắn đã làm một việc quá buồn cười. Nhưng mà hắn chẳng giận Tơ đâu. Hắn
cũng không khinh. Hắn chỉ sáng mắt ra thôi. Ðiên rồ thay là cái dự định dắt Tơ
đi! Bọn trẻ con tưởng rằng, người ta có thể sống bằng tình yêu mà chẳng cần ăn.
Hỡi những cô gái quê rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm kia! Các cô đã dạy
khôn Hàn. Bây giờ Hàn mới biết rằng, trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên
cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã. Cái ý
nghĩ có lẽ chẳng được thơ cho lắm, nhưng cuộc sống vốn không tha thứ những cái
gì quá thơ.
Dần thức dậy thì trong nhà còn tối om om. Ðêm tháng chạp, trời
lâu sáng. Thật ra thì gà gáy đã lâu. Tiếng gà gáy xôn xao. Và óc Dần còn lưởng
vưởng một ý nhớ mơ hồ, giống như khi người ta nhớ lại những chốn mình đã qua
trong một giấc chiêm bao: Dần chưa tỉnh hẳn ra, Dần đã thấy những tiếng gà gáy
rất mong manh, rất xa xôi vẩn lên trong giấc ngủ nửa mê nửa tỉnh. Rồi thì Dần tỉnh
hẳn. Có lẽ do một tiếng gáy cộc lốc của anh gà trụi trong chuồng gà nhà bên cạnh.
Con gà đang ở thời kỳ tập gáy, tiếng gáy ngắn nhưng đã vang động lắm. ấy là một
con gà có sức. Dần phác lại trong tưởng tượng cái hình dung lộc ngộc của nó, lấc
cấc và vụng dại như một anh con trai mười sáu tuổi, đôi chân cao, cái cổ trần
ngất nghểu, cái mào đỏ khè mới hơi nhu nhú, cái đuôi cụt ngủn. Anh chàng rất
hay sang nhà nó tãi gio, tãi rác, khiến nó bực mình đã mấy lần toan vụt chết.
Dần nhỏm dậy. Nó sờ soạng ra khỏi cái ổ rơm rồi đi thẳng ra
ngoài. Bên ngoài mịt mù sương. Khí lạnh sắc như dao. Dần rùng mình và hắt hơi mấy
cái luôn. Nó thấy cần phải động đậy ngay, cần phải làm ngay một việc gì cho
nóng người: đã rét mà lại còn đứng co ro thì chỉ càng tổ rét. Nó mải mốt vơ lấy
cái chổi để quét sân, quét ngõ. Việc quét tước ấy chẳng sáng nào nó quên làm,
dù sân nhà có bẩn hay không. ấy là một thói quen cũng như cái thói quen dậy từ
lúc hãy còn đêm. Nết chăm chỉ ấy, nó học được mấy năm đi ở.
Dần đi ở từ năm chửa mười hai. Khi ấy, đầu nó còn để hai cái
trái đào. Nó mới biết cầm vững cái chổi để quét nhà và thổi một niêu cơm con
con không sống, không khê. Mẹ nó vốn nghèo từ trong trứng nghèo ra, nên hay liệu,
hay lo. Thị nghĩ rằng: Con mình đã lớn rồi, phải uốn nắn ngay đi nhà mình vườn
ít, ruộng không, cửi vải cũng không, nghĩa là công việc chẳng có gì; nó ở nhà
cũng chỉ chơi; để mặc nó lêu lổng chạy ra ngoài đường, đánh chắt, đánh ô, rồi
nó hư thân; chi bằng cho nó đi ăn đi ở với người ta, để người ta bắt nó cất nhắc
việc nọ, việc kia cho nó quen tay; có việc làm rồi mới biết việc mà làm, chỉ
nhông nhổng chơi quen, đến lúc phải làm tất gờ guộng chân tay, chẳng đánh đổ
cái này cũng đánh vỡ cái kia, cái thứ con gái mà cầm đến cái gầu không biết tát
làm sao, đưa cho đám mạ không biết cấy thế nào, bảo ngồi lên khung cửi nhắc lấy
cái thoi thì lúng ta lúng túng, là thứ con gái đáng cho hùm ăn thịt. Thị nhất định
cho Dần đi ở để học cho quen công việc cửi vải, ruộng vườn, sau này độ cái
thân: ấy là cái lợi xa xôi. Nhưng lại còn cái lợi nhãn tiền: nhà đỡ một miệng
ăn. Nếu bớt được mỗi ngày vài lẻ gạo, thì ít ra các em Dần cũng được no hơn. Rồi
có được đồng công nào cũng là hay. Mà chẳng được thì mỗi năm người ta cũng thí
bỏ cho cái quần, cái áo. Bố mẹ, nếu chẳng được nhờ con thì cũng chẳng còn phải
lo lắng gì vào thân nó.
Dần đi ở. Nó ở cho nhà bà chánh Liễu. Nhà bà chánh dệt chín
mười khung cửi. Bà thuê Dần, với hai con bé nữa, để chúng dọn vặt và trông nom ống
suốt: Năm đầu, công cả năm có một đồng, với một cái áo cánh vải to, một cái quần
sồng, một cái thắt lưng. Nhưng nếu chịu khó và ngoan thì bà sẽ cho hơn. Còn cái
sự ăn (bà giao hẹn cả với người ta vì tính bà rất phân minh) thì bà cũng không
dám nói chắc rằng đói hay no; bởi vì tiếng rằng giàu, nhưng nhà bà cũng cơm
chia: sáng, mỗi người một lùm; trưa, ba lượt thật đầy; tối, củ khoai, củ ráy, bụng
trẻ con, như vậy, thì có lẽ cũng không phải đói. Mẹ Dần cho như thế đã là hậu
quá. Bởi vì thật ra, ở nhà Dần, Dần có được ăn ba bữa thế đâu? Mỗi ngày, chỉ bữa
trưa. Mà hiếm họa lắm mới có bữa được mỗi người ba vực chặt. Thường thường là
hai vực, hơn hai vực. Có khi một. Cũng có khi chẳng vực nào, phải ăn ráy, ăn
khoai trừ bữa. Thế mà Dần chịu được, thì vào nhà bà chánh, cố nhiên là Dần chịu
được, Dần sung sướng là khác nữa. Con người ta, có cơm vào là có da, có thịt
ngay. Chẳng lâu đâu. Người mẹ nghĩ và mừng. Thị chắc chỉ vài, ba tháng sau, nếu
Dần được một ngày rỗi rãi về chơi với các em, cả nhà sẽ ngạc nhiên thấy nó béo
như con cun cút. Mà trắng, mà đẹp, mà lành lặn, ra phết cô con gái lắm!...
Mơ ước hão! Bởi vì ít lâu nay, Dần có về thật, nhưng nó vẫn gầy
như một cái que. Nó khóc hu hu. Nó đòi ở nhà với các em, muốn cho ăn thế nào
thì cho, muốn bắt làm gì thì bắt, chỉ đừng bắt nó ở cho nhà bà chánh nữa. Cơm
nhà giàu khó nuốt. ăn của họ mà không làm lợi cho họ được thì họ làm cho đến phải
mửa ra mà giả họ. Dần chân yếu tay mềm lắm. Nó thà nhịn đói mà ở cửa, ở nhà còn
hơn. Mẹ Dần nhất định không nghe. Thương con thì để bụng. Nuông con thà giết
con đi. Trẻ con đứa nào chả thích ở nhà với bố, với mẹ để chẳng người nào động
đến thân? Ði ở cho nhà người ta, ăn cơm của người ta, lấy công của người ta,
thì cố nhiên là phải làm cho đáng cơm, đáng công của người ta. Làm không được
người ta thiệt thì người ta xót. Người ta xót thì người ta phải nói. Nói, mình
nghe thì chớ, không nghe thì người ta phải chửi, phải đánh. Người ta đánh chửi
cho là phúc nhà mình đấy, không đánh, không chửi, sao có nên thân người được?
Thị bảo Dần: "Mày có hư thì người ta mới đánh; đánh thế chứ đánh nữa tao
cũng không thương chút nào; mày muốn sống, thì về nhà bà chánh mà ở, không về
thì đi đâu mặc kệ! Tao không chứa, tao không lấy gì nuôi được mày...".
Hỡi ôi! Người mẹ rất đáng thương của Dần chết đến hôm nay đã
quá một năm rồi. Nghĩ đến mẹ lúc nào, Dần cũng ngậm ngùi. Bởi vì bà nói thế,
nhưng bà chẳng nghĩ thế đâu. Khi đã cố làm ra mặt hắt hủi để cho Dần chịu đi rồi,
bà ôm mặt khóc hu hu. Bà bảo chồng rằng: "Nghĩ đến con lúc nào thì thương
con đứt ruột. Nhưng biết làm sao? Trời bắt tội mình nghèo. Nó ở nhà mình thì ăn
cũng chẳng bao giờ được bữa no. Ðã đành ăn không no, nó cũng còn sướng hơn ở
nhà bà chánh, được ăn no. Nhưng mình liệu có nuôi được nó suốt đời không? Rồi
chỉ vài ba tuổi nữa, có ai thương đến nó, xin nó cho con nhà người ta, mình đừng
gả hay sao? Về nhà chồng mà thổi cơm không chín, quét nhà chẳng nên thì liệu
người ta có khỏi đào ông, bới cha không? Vả lại cái đời nó còn dài. Không bắt
nó ép mình, ép xác cho quen, rồi khổ ngay vào chính cái thân của nó. Mình nghĩ
đến nó nhiều chứ có phải bắt nó đi ở để hòng được lợi mỗi năm một vài đồng bạc
công đâu?".
Bố Dần chẳng nói sao. Ông chỉ thở dài. Nhưng ông cũng ngơ ngẩn
hàng ngày, hàng buổi như nhớ con lắm. Về sau, các em Dần lại kể với Dần như thế,
nên Dần mới biết. Dần không muốn làm khổ cha mẹ nữa, nên khổ đến chết cũng đành
cắn răng mà chịu, không dám khóc lóc đòi về. Lâu dần rồi nó cũng quen đi. Cái sự
khổ thì bao giờ cũng thế thôi. Nhưng khi người ta đã nhất định chịu, thì khổ thế
nào mà không chịu được.
Dần ở cho nhà bà chánh Liễu đúng hai năm. Nó mới về nhà từ dạo
đầu giêng. Vụ mùa năm ngoái, mẹ Dần đi tả mấy cơn, rồi lại không chịu kiêng
khem, cứ đi làm; mưa nắng nhiễm vào người - mà sức một người vừa mới ốm xong
còn được bao nhiêu? - Thị phải lại một trận kịch liệt rồi thì chết. Thành thử
nhà chỉ còn một bố, là đàn ông, với hai đứa trẻ con, vắt gỉ mũi chưa được sạch:
chúng nó chưa biết làm gì cả. (Hai đứa áp với Dần, giá trời để cho chúng nên
người thì bây giờ đã đứa thổi được nồi cơm, đứa quét được cái nhà; nhưng một
năm xưa, hai đứa lên đậu cách nhau có vài ngày, rồi chết, cũng cách nhau có vài
ngày). Bố Dần, cố đợi hết năm, đến nói với bà chánh Liễu xin cho con gái mình về.
Dần ở nhà coi sóc các em, chăm mấy sào vườn bòn bán, nhặt nhạnh để cho bố đi
làm. Bốn bố con lịu nhịu nuôi nhau. Con nhà nghèo thường sớm biết, sớm khôn. Dần
mới mười lăm mà đã quán xuyến được mọi việc trong nhà, biết suy tính, biết liệu
lo, chẳng kém gì một người nội trợ đã sành sỏi lắm.
Nhưng ông trời hình như không muốn cho bố con Dần ngóc đầu
lên. Cuộc sống mỗi ngày một khó thêm. Gạo kém, thóc cao. Ngô, khoai cũng khó
chuốc được mà ăn. Thậm chí đến hạt muối cũng sinh ra hiếm nốt: mua một vài xu
chẳng hàng nào chịu bán. Ðồng tiền thành ra rẻ quá. Công làm tuy có cao hơn,
nhưng chẳng thấm vào đâu. Trước kia, mỗi người làm mỗi ngày hào rưỡi thì đã gần
đủ cả nhà ăn; bây giờ mỗi ngày được ba hào, tiền gấp hai, nhưng nếu đem đong gạo
thì chưa bằng một góc ngày xưa, thành thử một người ăn cũng hết. Ngày làm đã vậy,
còn ngày nghỉ: có phải ngày nào cũng có người thuê đâu? Ðã thế lại còn bão, lại
còn lụt, rồi lụt chán, đến vụ chiêm lại giở trò đại hạn. Rồi những nhà giàu,
chúng không thể chôn bạc giấy, nhất định để thóc mọc mầm trong nhà chứ không chịu
bán. Gạo cứ mỗi ngày một giá. Không biết rồi làm gì ra tiền mà đong?
Một đêm, sau khi đã than thở với con hết quá một trống canh rồi,
bố Dần thở dài bảo con rằng:
- Cơ cực này, nếu còn ở nhà, rồi đến chết đói cả lũ mà thôi.
Bây giờ mà còn thế, đến tháng hai, tháng ba này còn khổ đến đâu? Bố con mình có
thân thì phải liệu dần đi. C ũng chẳng còn mấy ngày nữa mà đã Tết, thôi thì ta
cũng cố mà chịu vậy qua giêng rồi sẽ tính.
- Thầy bảo: con tính thế nào? Nhà mình thì chỉ có cấp làm
thuê. Thời vụ lại hết rồi. Qua giêng, con chắc mười ngày nghỉ, chưa chắc có một
ngày có việc.
- Ấy thế mình mới lại càng cần phải tính. Nếu có việc thì còn
phải lo gì nữa? Chẳng được cơm thì cũng được cháo, miễn là không chết lả...
Nhưng không có việc!... Cho nên tao định lên rừng một chuyến.
- Eo ôi!
- Việc gì mà "eo ôi?". Bây giờ người ta đi như đi
chợ. Nghe nói trên ấy làm ăn còn dễ. Làng ta, về cánh nhà ông trương Huấn đấy,
họ đi tất cả bằng ấy anh em, mà anh nào về cũng có tiền.
- Tiền rừng, bạc bể chả dễ nuốt được đâu. Vô phúc mà ngã nước
một chuyến thì lại được!...
- Thì chỉ đến chết là cùng, chứ gì? Còn hơn ngồi nhà mà chết
đói. Thế mày bảo không liều thân đi như thế, thì còn xoay xấp gì để kiếm ra tiền
được nữa, nào?
ồ mà đúng như vậy thật. Dần chẳng còn biết đáp sao được nữa.
Nó đành lẳng lặng. Câu chuyện ngắt ra vài phút. Trong khi ấy, cả hai đều nghĩ
ngợi. Dần bỗng hỏi:
- Cả chúng con cũng đi à?
- Không. Tao hãy đi một mình trước, xem sao.
Dần vội kêu lên:
- Chịu thôi! Chúng con chả dám ở nhà đâu. Ðêm hôm có ba đứa
trẻ ranh!...
Nó sợ có nắm gạo hay củ ráy, củ khoai cũng không giữ được mà
ăn. Nhưng thầy nó bảo:
- Tao đã liệu chỗ ấy rồi. Vườn đất với các em, tao sẽ nhờ chú
Lữ trông nom. Bòn bán thế nào chả đủ cho hai đứa chúng nó ăn. Mà không đủ thì
tao đến...
Còn nó? Chắc thầy nó lại định cho nó đi ở cho nhà bà chánh Liễu
hay nhà nào khác đấy. "Thì cũng được!...". Dần nghĩ vậy. Cái thân nó,
nào nó có cần gì? Nhưng nghĩ đến cảnh nhà tan tác mà buồn. Rồi đây bố một nơi,
con một nẻo, chị em mỗi đứa nhờ vả một người... Nó đã sắp nói một lời gì để can
cha, thì cha đã bảo:
- Còn mày thì tao cho người ta cưới.
Chuyện cưới xin khiến Dần thèn thẹn. Thành thử nó lại không
tìm được câu gì để nói. Vẫn người bố nói:
- Thôi thì trước sau cũng một lần. Có rùi gắng cũng chẳng rùi
gắng được bao nhiêu. Mắc cái người ta xin cưới mấy lần rồi. Tao khất mãi để cho
hết tang bu mày đã; nhưng người ta nhất định xin lo trước. Chết cái con gái người
ta cũng sắp cưới rồi: nhà người ta cũng neo người; không cưới mày về thì ngay đứa
sai vặt cũng không có nữa. Vả lại chỗ người ta với mình, không lẽ thế nào? Người
ta ăn ở phải thì mình cũng phải ăn ở phải, thấy người ta nói mãi, tao cũng nể.
Dần tức tối:
- Nể! Nể cái gì! Thầy cứ bảo rằng: mẹ con chết đi rồi, hai em
thì còn dại, chỉ có con hơi lớn một tí phải ở nhà để thổi cơm, nấu nước.
- Thì tao vẫn bảo người ta thế. Nhưng người ta không chịu.
- Thì vẫn là quyền còn ở mình? Cho nên người ta có dám bắt
mình đâu? Người ta chỉ cố nài. Người ta nói khó với mình. Tao thề với mày: hai
ba lần bà ấy không khóc với tao, tao chết! Rồi bà ấy lạy. Bà ấy bảo: Thế này
này, ông ạ: ông cũng khổ, nhưng tôi còn khổ hơn ông, thầy cháu chết đi, tôi chỉ
được có mình cháu là con trai, ông cố thương tôi...". Như thế thì tao còn
biết từ chối người ta thế nào cho tiện?
Rồi thầy Dần nói nhỏ:
- Mắc cái lúc mẹ mày nằm xuống, nhà không còn một đồng xu
nào, không còn vớ víu vào đâu được, tao đã nhận của người ta hai mươi đồng bạc
cưới. ý người ta định đưa tiền trước thế, rồi xin cưới ngay cuối năm, năm
ngoái. Tao phải khất. Nhưng không lẽ khất lần người ta mãi? Người ta lại tưởng
mình có ý lừa lọc gì người ta chăng. Hôm nọ người ta lại đến xin lần nữa. Họ
xin đến tháng giêng... Nhưng từ giờ đến tháng giêng có là bao? Ðằng nào mày
cũng phải đi, mà mày đi thì tao không làm thế nào vừa trông coi các em mày vừa
đi làm được. Cho nên tao nhất định mang gửi chúng nó, rồi lên rừng một chuyến.
Kiếm ăn được, tao sẽ đem chúng nó đi. Ðịnh thế, nên tao bảo người ta: "Nếu
bà nhất định lo, thì tôi cho lo ngay dạo trong năm". Người ta có hỏi tao:
"Ông đã thương... trước nữa là thương cháu, sau nữa là thương tôi, mà rộng
cho như thế, thật cũng là phúc nhà chúng tôi lắm lắm. Tình cảnh nhà tôi, chắc
ông cũng chẳng còn lạ gì. Chúng ta cùng là cái chỗ nghèo hèn, thì con cái chúng
ta lại làm bạn với nhau. Vậy ông định may vá cho cháu thế nào, ăn tiêu thế nào,
thì ông cho chúng tôi biết để chúng tôi lo. Tao nghĩ nát ruột cũng không biết
trả lời thế nào cho tiện. Vải giấy như vải giấy năm nay?... Xin ít thì không biết
may gì. Chỉ một bộ quần áo cánh vải to cũng phải non ba chục. Mà xin nhiều thì
mang tiếng; với lại người ta lấy gì mà đưa cho mình được? Vay công vay nợ lắm
vào thì về sau lại chỉ khổ chúng mày. Tao phải bảo người ta: muốn may cho mày
thế nào thì may lấy, tao không dám nhận. Bà ta bảo: "Ta với ta, chẳng nói
gì ông cũng rõ: cái lúc khó khăn thế này, mười nhà họa mới có một nhà có tiền
mà may mặc, còn thì chỉ quần manh, áo vá, đeo dây, quấn rợ; chắc ở nhà ông thì
cũng thế, mà nhà tôi thì cũng vậy. May quần chùng áo dài cho cháu, bất quá chỉ
mặc một ngày cưới mà thôi, rồi cũng bằng để đấy, cảnh nhà chúng ta thì còn hội
hè đình đám gì mà phải sắm quần chùng áo dài kia chứ?... Vậy ông đã dạy thế,
thì tôi xin may cho cháu một bộ quần áo vải, quần áo cánh thôi, để cháu nó mặc
đi làm ấy; còn hôm cưới, nếu cháu nó chưa có áo chùng, thì tôi xin đưa cái áo
chùng của tôi cho nó mặc, cho nó qua cái ngày ấy, kẻo cháu nó là trẻ con nó lại
tủi thân chăng. Rồi từ hôm sau mà đi lại cứ quần áo đụp, đem ra mà mặc. Cái áo
dài lại cất đi. ấy, nhà có một mẹ, một con, chỉ một cái áo dài là đủ chán! Mẹ
đi đâu mẹ mặc; con đi đâu con mặc. Việc may mặc cho cháu thế cũng là tàm tạm được.
Còn ý ông định ăn uống thế nào, xin cho biết". Người ta nói thế là có ý hỏi
mình có cần cau rượu, tiền nong gì nữa hay không? Tao nghĩ cũng chẳng còn nên
xin thêm nữa. Mình cất lấy hai chục đồng bạc của người ta, hơn một năm, có đến
năm rưỡi trời rồi. Vả lại còn đang có trở bu mày, cũng nên làm vụng làm trộm,
miễn là xong việc thì thôi. Vậy họ đương, anh em, tao nhất định chẳng bảo ai. Ðằng
nhà trai cũng vậy. Bà ấy đã thú thật rằng: phải biện năm, ba cỗ thế nào, về đằng
họ nhà gái, thì xin biện; chứ đằng họ nhà bà ấy tịnh không mời người nào cả. Bởi
việc phải lo thì lo, chứ thật ra một tí gì cũng vào công nợ cả. Công nợ lắm thì
về sau chỉ chết chúng mày, chứ chết ai? Vì thế, nên tao bảo: Bà ạ, dẫu rằng
"Vui thì vui cả triều đình, chẳng vui, vui thể một mình vui chi?". Ðằng
nhà trai, bà còn không muốn bảo ai, thì đằng nhà gái bây giờ đang còn tang mẹ
cháu, tôi cũng chẳng bảo ai sất cả. Vậy bà định ngày nào cứ một mình bà với chồng
nó đến, tôi cũng chỉ cho hai em nó đưa nó về. Thế cũng xong. Ai cười đến hạng
nhà chúng ta? Còn như sự tiền nong... đáng lẽ tôi chẳng nên xin thêm đồng nào nữa
mới phải (hồi mẹ cháu mất, tôi cất lấy hai chục đồng bạc của bà, là tôi phải
nghĩ), nhưng phương ngôn dạy rằng: giàu bán chó, khó bán con; tôi cũng còn đồng
công, đồng nợ, tất cả độ mười đồng, kể cái sự bắt bà trả cả thì cũng không dám
bắt, nhưng tôi xin thêm dăm đồng nữa để trang trải những chỗ tôi vay mượn để lo
cho bu cháu, hồi bu cháu mất. Như thế cũng như là tiền của cháu, cháu bỏ ra để
trả nghĩa cho bu cháu. Tôi không dám tơ hào gì vào đấy. ấy là tao cũng nói dối
bà ấy thế, chứ công nợ tao cũng chưa trả vội; tao nắm lấy dăm đồng ấy, để ra
giêng đi lên rừng...
Câu chuyện đêm hôm ấy Dần đang thầm nhắc lại, trong khi đưa đẩy
cái chổi cùn trên mặt cái sân con. Bởi vì hôm nay chính là ngày bà mẹ chồng sẽ
đến rước Dần đi. Ðêm hôm qua, đợi hai đứa bé ngủ rồi, hai cha con lại thở dài,
thở ngắn với nhau. Dần khóc đến quá nửa đêm, rồi thiếp đi lúc nào chẳng biết.
Sáng dậy, Dần có cảm tưởng như nó mới chợp mắt đi một tý. Nó thấy người mỏi mệt.
Dù vậy, nó cũng chạy ra ngoài quét thóc...
Dần quét xong thì ở đằng đông, mặt trời đã nhô lên. Những tia
sáng đầu tiên chọc thủng tấm màn sương, rồi xé toạc mãi ra. ánh sáng tràn đi.
Trong khoảnh khắc, trở nên quang hẳn... Dần ra ao, rửa mặt. Lúc trở về nhà, nó
thấy bố và hai em đã dậy rồi. Hai đứa con, mỗi đứa ôm một đùi cha.
Người cha ngồi lử thử, lừ thừ. Ðôi mi mắt trông có vẻ hơi
sưng. Dần cúi mặt, bởi nó đoán rằng đêm hôm qua, cha cũng khóc. Nó vờ tìm cái
chổi, tuy nó biết nhà không còn cái chổi nào nữa, ngoài cái nó vừa quét và để
ngoài đầu chái...
Thầy nó bảo:
- Hôm nay mày phải xuống chợ một tý đi, con ạ.
- Mua bán gì mà đi chợ?
- Mua mấy xu chè tươi, với mấy quả cau. Người ta đến, cũng phải
có bát nước, miếng trầu tươm tất chứ?
- Chào!... Vẽ chuyện!
- Sao lại vẽ chuyện? Không có, không coi được.
Dần cười tủm tỉm. Thằng em lớn, tỳ một tay lên đùi cha, múa
may tay kia và nhún nhảy người, giễu chị:
- Lêu lêu! Lêu lêu? Có người sắp được đi lấy chồng... Lêu
lêu.
Dần khoặm mặt, lườm em. Người cha sợ con gái nhìn xấu hổ, củng
vào đầu con trai một cái và mắng nó:
- Im thằng này!... Ðể cho người ta dặn nó. Mua độ hai xu
chè...
- Rầy hai xu, hàng chè nó chả bán thì sao... Dần kêu lên thế
và cố cười to để cho khỏi thẹn. Người cha cũng cười và hỏi:
- Hai xu không bán, thì mấy xu mới bán?
- ít nhất là năm xu. Mua ít nó không có tiền trả lại.
- Thì mua cả năm xu vậy. Năm xu thì nấu được mấy ấm?
- Một ngàn ấm... Ông lão cả đời không đi chợ, cứ tưởng chè rẻ
lắm. Quen với ngày xưa, độ một xu một ấm bây giờ năm xu, nấu đặc chỉ được một ấm
là hết xoắn.
Thầy Dần lè lưỡi ra:
- Èo! Mẹ ơi!
- Thật... Không có thế, cứ cổ con mà chặt? Muốn mua thì mua,
chẳng mua thì đừng, chứ cái sự đắt thì ngang ngang với nhân sâm.
- Ðắt thì cũng phải mua. Năm xu chè, với hai quả cau ngon
ngon một tý.
- Cau ngon phải tám, chín xu một quả.
- Vị chi đi ba xu một miếng trầu?
- Ðúng thế, không kém ba xu một miếng.
- Trời đất ạ!... Có đời nào như vậy? Cái thổ tả gì cũng đắt!...
cho nên tao vẫn bảo: Cái lúc này chẳng nên giở giang ra làm gì. Mọi đồng mọi tốn.
Giá làm độ mươi lăm cỗ, chắc mất đến năm chục bạc. Miếng bùi chui qua cổ; mình
ăn một bữa có no được bằng đời đâu, mà người ta phải chạy cỗ cho họ đương nhà
mình thì khổ. Thà bất nhược là ta chước hết?...
- Ấy thầy thì chỉ thế... Cái gì cũng chước! Thành thử ra con
mình chỉ theo không.
- Theo không cũng được. Mẹ mày ngày xưa cũng chỉ theo không
tao đấy. Thế mà cũng ăn ở với nhau được mãi, sinh con đẻ cái, mà lại còn thương
yêu nhau bằng tám những cặp vợ chồng cưới linh đình. Mẹ kiếp! Lắm đám cưới linh
đình, mà rồi lại chả bỏ nhau ùn ùn ra đấy à?
Dần lại cười tủm tỉm. Bởi nhắc đến vợ, thầy nó bỗng nhớ ra một
điều...
- Tý nữa quên! Con nhớ mua mấy nén hương... Hôm nay là ngày
cưới con, cỗ bàn đã chả có thì thôi, mấy nén hương cũng không có nốt thì phải tội...
Cái ý ấy - sự nhớ tưởng đến người đã khuất - khiến cả hai bố
con cùng buồn bã. Mắt rơm rớm nước, thầy nó thở dài rồi bùi ngùi bảo:
- Biết vậy, tao cũng bảo bà ấy biện một mâm để cúng bu mày.
Người sống, chẳng có thì thôi, nhưng người chết...
Dần thổn thức. Nó sợ còn đứng đấy thì nó sẽ khóc òa lên mất.
Nó cố bảo:
- "Thôi! Con đi chợ..." rồi chạy ra. Ra đến sân nó
mới nghe thấy thầy nó bảo:
- Ừ con đi.
Xế chiều hôm ấy, bà mẹ chồng và chồng Dần mới đến. Cả hai
cùng mặc quần áo cánh. Bà mẹ khoác một cái áo nâu dài đã bạc ở trên vai. Chú rể
xách một chẽ cau, chừng một chục quả. Vào đến nhà, y lúng túng không biết đặt
đâu. Bà mẹ trông thấy bảo Dần:
- Cho bu mượn cái đĩa đi, con!
Mặt Dần đã đỏ bừng. Hai đứa em nó, trông thấy, cười rúc rích.
Nó lợi dụng câu sai của mẹ chồng, để chạy tót ra chái đứng. Một lúc lâu nó cũng
không vào. Thầy nó phải đỡ lấy chỗ cau ở tay bà mẹ chồng, đặt lên giường thờ mẹ
nó. Rồi thầy nó nói thật to:
- Ði nấu nước đi con!
Không thấy con gái thưa, ông phải bảo thằng con trai lớn:
- Chạy ra bảo chị đun ấm nước.
Rồi ông thân hành đi lấy chìa vôi ra để têm trầu. Bà mẹ chồng
có lời ngay:
- Thưa ông, ông đã có lòng thương đến cháu, mà xét ra, như thế
này thì thật ông thương quá, thương mọi nhẽ, cái gì ông cũng châm chước đi cho
cả, khiến chúng tôi cảm tạ cái bụng ông mà lại lấy làm xấu hổ về cái cách chúng
tôi xử lắm. Chúng tôi xử thế này thật quả là không phải. Nhưng lạy Trời, lạy Ðất!...
Chúng tôi cũng muốn nghĩ thế nào kia nhưng ông trời ông ấy chỉ cho nghĩ đến thế
thôi, thì cũng phải rầu lòng mà chín bỏ làm mười, chứ như ông thì thật một bỏ
làm mười, mà không được một cũng bỏ làm mười. Có vậy thì công việc của cháu mới
xong xuôi được. Giá phải bố vợ như bố vợ nhà khác, nhất nhất cái gì cũng bắt đủ
lề lối, thì nhà như nhà chúng tôi lấy gì mà lo được? ít là cháu suốt đời không
có vợ. Nhưng phúc làm sao, lại gặp được ông bố vợ thương con rể như ông, thì có
phải ông trời ông ấy cũng còn thương nhà chúng tôi lắm lắm không?
Thôi thì bây giờ mọi sự ông đã thương cho cháu cả rồi, hôm
nay tiện được ngày, tôi cũng biện cơi trầu đến kêu với ông để ông cho cháu được
lễ các cụ - trước là lễ gia tiên, sau là lễ bác nhà ta, sau nữa ông lại cho
cháu lễ sống ông, (chẳng có tiền bạc gạo lợn, hay mâm cao cỗ đầy thì cũng phải
lấy đầu làm lễ gọi là chút lòng thành của con, cháu các cụ) - rồi xin phép ông
để chúng tôi đưa cháu về nhà làm ăn.
Ðáp lại bao nhiêu lời bóng bẩy, xa xôi ấy, ông bố vợ chỉ trả
lời gọn thon lỏn một câu:
- Vâng! Mời bà cứ ngồi chơi thư thả xơi nước, xơi trầu đã.
Rồi ông lại cất cao giọng, bảo con:
- Hễ được nước thì bắc lên đây, con nhé!
Rồi ông ngồi lử thử. Bởi vì ông buồn lắm. Chỉ lát nữa là người
ta rước Dần đi. Ðêm hôm nay, chỉ còn mình ông với hai đứa trẻ con. Nhà sẽ vắng
ngắt vắng ngơ, chẳng khác gì ngày vợ ông mới chết đi. Rồi chỉ mươi bữa, nửa
tháng là ông đã phải bỏ nốt hai đứa con trai để ngược... Chao ôi! Buồn biết mấy?...
Ông đờ đẫn cả người. Ông nghĩ bụng rằng: giá Dần không phải về nhà người ta,
thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; ông cứ ở nhà với ba con, bố con đùm
bọc lấy nhau, bây giờ bỏ lại hai đứa bé mà đi, ông thương chúng nó quá... A thì
ra ông phải đi nơi khác làm ăn, chẳng phải vì cớ gì khác mà chỉ vì Dần phải đi
lấy chồng, Dần đi lấy chồng, không ai trông coi vườn đất, nhà cửa, con cái cho
ông nữa... Ông buồn quá. Ông đáp lại những câu rất dài dòng của bà thông gia bằng
những câu ngắn ngủn. Bà thông gia, trái lại nhiều lời lắm. Bà vui vẻ. Bà nói
luôn. Bởi tài ăn nói của người ta, một đời mới có dịp dùng đến độ vài lần. Bà
thì chỉ một lần thôi, bởi vì bà có mỗi một mống con trai. Lấy một con vợ cho
con, có dễ đâu? Nhất là mình lại không có nhiều tiền. Công việc phải qua mấy
mươi nấc, mấy mươi cầu. Chưa cưới được vợ về cho con, thì còn là đi lại mỏi
chân, van ông lạy bà sái hàm răng... Công việc của bà, mười phần xong đến chín
phần rồi. Còn một tý chút nữa mà thôi. Tội gì không ngọt ngào với người ta cho
yên ổn cả. Người ta gả con gái, đã chẳng được gì thì cũng phải được lời nói mát
lòng, mát ruột cho hả dạ...
Ðến tối, đám cưới mới ra đi. Vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái
nhà trai. Ông bố vợ đã tưởng không đi. Nhưng bà mẹ chồng cố mời. Vả lại nếu ông
không đi, thì hai đứa bé cũng không thể đi mà Dần thì đang khóc lóc. Nếu chỉ có
mình nó ra đi thì có lẽ nó cũng không chịu nốt. Ông đành kéo mấy cành rào lấp
ngõ rồi đi vậy.
Dần không chịu mặc cái áo dài của bà mẹ chồng đưa, thành thử
lại chính bà khoác cái áo ấy trên vai. Dần mặc những áo vải ngày thường nghĩa
là một cái quần cồng cộc xẫng và đụp những miếng vá thật to, một cái áo cánh
nâu bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá, đã xé cụt gần đến
nách. Nó sụt sịt khóc, đi bên cạnh mẹ chồng. Chú rể dắt đứa em lớn của Dần. Còn
thằng bé thì ông bố cõng. Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như một
gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ...
Ðến nhà trai, bà mẹ chồng mời bố Dần uống nước ăn trầu. Rồi
bà giết một con gà, dọn cho ba bố con ông một mâm cơm. (Dần vừa thẹn vừa buồn
không chịu ngồi ăn). Ba bố con lặng lẽ ăn. Người cha ăn có vài lượt cơm, rồi
buông bát đĩa, ngồi xỉa răng đợi cho hai đứa con ăn. Ông thúc chúng ăn nhanh
lên, rồi còn về kẻo khuya. Thằng lớn và cơm phùng mồm ra, bị nghẹn mấy lần. Khi
cả hai con đã thôi cơm, ông cho chúng nó uống nước rồi đứng lên, chào bà mẹ chồng
Dần để ra về. Ông dắt thằng lớn và cõng thằng bé trên lưng. Dần đứng đợi cha ở
ngoài sân. Nó vẫn còn dụi mắt. Người cha ái ngại, đứng lại nhìn con một thoáng
rồi âu yếm bảo:
- Thôi! Thầy cho em về nhé.
Dần khóc nấc lên. Hai đứa em không còn chế nhạo nữa. Thằng lớn
chực khóc. Thằng bé ngây mặt ra vì không hiểu sao cả. Người cha mắng yêu con:
- Mẹ chúng mày!...
Bà mẹ chồng thấy Dần khóc quá, chạy ra. Bố Dần vội bước đi. Dần
chạy theo cha, nức nở:
- Thầy!... Thầy...
- Mẹ mày!... nín đi cho thầy về.
- Thầy đừng... đi... lên rừng!
Người cha thấy lòng thổn thức và đáp liều:
- Ừ, thì thôi... Mẹ mày!
1942
- Bu ơi con đói.... Lần này có lẽ là lần thứ mười, thằng cu
bé chạy về đòi ăn, chị đĩ Chuột đang quấy một nồi gì trong bếp, cáu tiết chạy
ra mắng át nó đi: - Đã bảo hết cơm rồi, tí nữa chè chín thì ăn chè mà!... Thấy
mẹ gắt, thằng cu không dám đòi ăn nữa, nhưng mặt nhăn nhó bịu xịu như muốn
khóc. Chị đĩ Chuột thương hại, dịu dàng bảo: - Con chạy ra vườn xem chị Gái làm
cỏ, lúc nào chè chín bu gọi về mà ăn... chóng ngoan rồi bu thương. Nhưng nó
không nhúc nhích, mà nó còn nhúc nhích làm sao được: một nắm cơm nhỏ ăn từ sáng
đã bị cái dạ dày chăm chỉ của con nhà nghèo tiêu hết đánh phèo một cái rồi, còn
chi. Nó ngồi phịch xuống đất, gục đầu vào ngưỡng cửa, ngáp... - Sắp chín chưa,
bu? Quay ra vẫn thấy con nằm phục đấy, mắt lờ đờ như chết lả, chị Chuột chép miệng:
- Thôi đây! Chín chả chín thì đừng, bắc mẹ nó ra cho chúng mày ăn không có
chúng mày làm tội cũng chết. Chốc lại nheo nhéo, chốc lại nheo nhéo... Chị vừa
lẩm bẩm, vừa dập lửa rồi bắc cái nồi ở trên bếp xuống, lấy một cái vỏ trai múc
vào mấy cái bát sành sứt mẻ tứ tung, đặt ngay trên mặt đất. Thằng cu Bé vội
vàng lê xích lại gần, hai mắt lóng lánh đổ dồn cả vào mấy bát “chè” màu nâu đục,
khói bốc lên nghi ngút. Mồm nó nuốt nước bọt ừng ực, mũi nó nở hẳn ra như để
hít lấy hương vị của khói chè ngon ngọt. Chị đĩ Chuột phải đưa tay cản nó lại,
sợ nó sà vào mà bị bỏng. Chị bảo nó: - Còn nóng lắm, chưa ăn được. Con ra vườn
gọi chị về cho chị ăn với không có phải tội chết, nó làm quần quật từ sáng tới
giờ mà chưa được tí gì vào bụng. Không đợi dến hai tiếng, chị Gái hớn hở chạy về,
lôi thôi lếch thếch trong mấy mảnh giẻ rách tả tơi, vừa đến bếp nó đã reo lên:
- Sướng quá! Lại được ăn chè kia chứ! Có ngọt không bu? Bu lấy đâu được mật mà
lại nấu chè thế? Chị Chuột mắng yêu con: - Úi chà! Tíu tít như con mẹ dại ấy!
Tha hồ ăn đến chán chê, chỉ sợ không sao nuốt được thôi, con ạ. Rồi chị bảo thằng
cu Bé: - Bé lại đây, bu cho ăn.
Thằng cu ngồi xổm bên mẹ, hấc mặt lên, há hốc mồm ra như con chim non đợi mẹ mớm mồi. Một miếng vào mồm, nó đã vội nuốt thỏm đi, khen “ngon quá”. Nhưng chưa kịp ăn miếng nữa, nó đã oẹ một cái, mũi đỏ lên, nước mắt ứa ra giàn giụa. - Sao thế? Nó chỉ hụ hị nhìn mẹ mà không nói, cũng không chịu há mồm ăn nữa. Cái Gái nhìn mẹ, xêu một miếng chè nữa ăn thử lại: - Nhạt quá, bu ạ. Chị Chuột mắng con: - Làm gì có nhiều mật mà ngọt. Có mà ăn cho no bụng là phúc rồi. Thằng cu chừng đói quá không chịu được, lại há mồm ra. Mẹ nó đút cho nó một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại oẹ ra, và khóc oà lên. Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bùng như người ngã nước. Cái Gái lấy ngón tay di một cục “chè”. Rồi bỗng nói to lên: - À! Con biết rồi! Không phải chè, cám mà! Cám nâu mà bu bảo chè! Nhưng mẹ nó đưa mắt nhìn nó, lấy ngón tay chỉ ra phía nhà ngoài nói khẽ, nhưng hơi gắt: - Khe khẽ cái mồm một tí! Réo mãi lên, thằng bố mày nó nghe thì nó chết. Nó đã ốm nằm đấy, thuốc không có, mà còn bực mình thì nó chết. Rồi hai mẹ con lẳng lặng ăn, cố nuốt những bát cám đặc khè cho đỡ đói. Thằng cu nhất định không chịu ăn, ngồi khóc ti tỉ đòi cơm. Chị đĩ Chuột đành dỗ nó: - Thôi nín ngay, bu ăn xong bu xin thầy cho một miếng mà ăn. Chị bế con rón rén bước vào chỗ chõng nằm. Thằng bé vẫn sụt sịt. Anh đĩ Chuột giở mình, hơi nghiêng mặt quay ra. Một làn ánh sáng mờ lướt qua làm cho cái mặt hốc hác và màu da đã xanh lại càng xanh thêm. Mái tóc dài quá xoà xuống tai và cổ, hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ, những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra để cho dễ thở khiến anh có cái vẻ dễ sợ của con ma đói. Thấy vợ con, anh cố gượng nhếch miệng cố gượng một cái cười méo xệch và vừa thở phều phào vừa hỏi bằng một thứ tiếng yếu ớt như từ thế giới bên kia đưa lại: - Nó làm sao thế? Chị đĩ Chuột xốc con lên một cái: - Nó vòi đấy chứ có làm sao? Cơm gạo đỏ không chịu ăn, đòi ăn cơm trắng của thầy cơ. - Thì lấy cho nó ăn, tôi ăn làm sao hết? Chị đĩ Chuột lấy liễn cơm chực moi cho con một ít. Nhưng anh bảo: - Mang cả ra cho nó ăn, tôi không ăn nữa đâu. Còn bao nhiêu vét cho cái Gái với bu em ăn hết đi, để nó thiu ra đấy. Chị đĩ Chuột cười, bảo chồng: - Thằng cu nó dở người, chứ mẹ con tôi ăn cơm đỏ đã no rồi, ăn vào đâu được nữa? Anh biết vợ nói dối, chực nói, nhưng lại thôi, buồn rầu buông một tiếng thở dài. Vợ lo ngại hỏi: - Bây giờ người thế nào, để tôi kể với ông thầy lang lấy thuốc. - Tiền đâu mà thuốc thang mãi? - Tôi vừa bán con chó mực với hai buồng chuối non được bốn hào. Chồng nhìn vợ, ngẫm nghĩ một chút rồi bảo: - Đừng lấy thuốc nữa, tôi sắp khoẻ rồi, chỉ ăn cho nó khoẻ lên chắc bệnh phải hết. Bu em đong cho tôi cả bốn hào gạo đỏ, đừng đong gạo trắng ăn nhạt lắm. Vợ gật đầu: - Cũng được, nhưng đã thật khỏi chưa? Tôi trông thầy em còn mệt lắm. - Ốm luôn sáu tháng trời làm mà không mệt sao được? Đi đi… - Đi ngay giờ à? - Ừ, đi xuống nhà bà phó Cửu ấy, xa một tí nhưng được rẻ. Vợ gật đầu bảo thằng cu: - Con ngồi đây với thầy cho bu đi đong gạo nhé? Nó không chịu, sợ sệt nhìn cha. Chị mắng: - Con nhà vô phúc, lại sợ bố!... Khốn nạn, tại đi về không có tiền mua bánh cho nó nên nó giận đấy mà, phải tội chết, con ạ. Nhưng anh đĩ Chuột bảo: - Cho cả nó đi, kẻo nó khóc. Bảo cái Gái về tôi bảo.
Thằng cu ngồi xổm bên mẹ, hấc mặt lên, há hốc mồm ra như con chim non đợi mẹ mớm mồi. Một miếng vào mồm, nó đã vội nuốt thỏm đi, khen “ngon quá”. Nhưng chưa kịp ăn miếng nữa, nó đã oẹ một cái, mũi đỏ lên, nước mắt ứa ra giàn giụa. - Sao thế? Nó chỉ hụ hị nhìn mẹ mà không nói, cũng không chịu há mồm ăn nữa. Cái Gái nhìn mẹ, xêu một miếng chè nữa ăn thử lại: - Nhạt quá, bu ạ. Chị Chuột mắng con: - Làm gì có nhiều mật mà ngọt. Có mà ăn cho no bụng là phúc rồi. Thằng cu chừng đói quá không chịu được, lại há mồm ra. Mẹ nó đút cho nó một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi. Nhưng cũng như lần trước, nó lại oẹ ra, và khóc oà lên. Chị đĩ Chuột lấy tay áo lau nước mắt không cầm nổi đã trào ra hai má hõm xanh bùng như người ngã nước. Cái Gái lấy ngón tay di một cục “chè”. Rồi bỗng nói to lên: - À! Con biết rồi! Không phải chè, cám mà! Cám nâu mà bu bảo chè! Nhưng mẹ nó đưa mắt nhìn nó, lấy ngón tay chỉ ra phía nhà ngoài nói khẽ, nhưng hơi gắt: - Khe khẽ cái mồm một tí! Réo mãi lên, thằng bố mày nó nghe thì nó chết. Nó đã ốm nằm đấy, thuốc không có, mà còn bực mình thì nó chết. Rồi hai mẹ con lẳng lặng ăn, cố nuốt những bát cám đặc khè cho đỡ đói. Thằng cu nhất định không chịu ăn, ngồi khóc ti tỉ đòi cơm. Chị đĩ Chuột đành dỗ nó: - Thôi nín ngay, bu ăn xong bu xin thầy cho một miếng mà ăn. Chị bế con rón rén bước vào chỗ chõng nằm. Thằng bé vẫn sụt sịt. Anh đĩ Chuột giở mình, hơi nghiêng mặt quay ra. Một làn ánh sáng mờ lướt qua làm cho cái mặt hốc hác và màu da đã xanh lại càng xanh thêm. Mái tóc dài quá xoà xuống tai và cổ, hai con mắt ngơ ngác và lờ đờ, những chiếc răng dài và thưa ở cái mồm hé ra để cho dễ thở khiến anh có cái vẻ dễ sợ của con ma đói. Thấy vợ con, anh cố gượng nhếch miệng cố gượng một cái cười méo xệch và vừa thở phều phào vừa hỏi bằng một thứ tiếng yếu ớt như từ thế giới bên kia đưa lại: - Nó làm sao thế? Chị đĩ Chuột xốc con lên một cái: - Nó vòi đấy chứ có làm sao? Cơm gạo đỏ không chịu ăn, đòi ăn cơm trắng của thầy cơ. - Thì lấy cho nó ăn, tôi ăn làm sao hết? Chị đĩ Chuột lấy liễn cơm chực moi cho con một ít. Nhưng anh bảo: - Mang cả ra cho nó ăn, tôi không ăn nữa đâu. Còn bao nhiêu vét cho cái Gái với bu em ăn hết đi, để nó thiu ra đấy. Chị đĩ Chuột cười, bảo chồng: - Thằng cu nó dở người, chứ mẹ con tôi ăn cơm đỏ đã no rồi, ăn vào đâu được nữa? Anh biết vợ nói dối, chực nói, nhưng lại thôi, buồn rầu buông một tiếng thở dài. Vợ lo ngại hỏi: - Bây giờ người thế nào, để tôi kể với ông thầy lang lấy thuốc. - Tiền đâu mà thuốc thang mãi? - Tôi vừa bán con chó mực với hai buồng chuối non được bốn hào. Chồng nhìn vợ, ngẫm nghĩ một chút rồi bảo: - Đừng lấy thuốc nữa, tôi sắp khoẻ rồi, chỉ ăn cho nó khoẻ lên chắc bệnh phải hết. Bu em đong cho tôi cả bốn hào gạo đỏ, đừng đong gạo trắng ăn nhạt lắm. Vợ gật đầu: - Cũng được, nhưng đã thật khỏi chưa? Tôi trông thầy em còn mệt lắm. - Ốm luôn sáu tháng trời làm mà không mệt sao được? Đi đi… - Đi ngay giờ à? - Ừ, đi xuống nhà bà phó Cửu ấy, xa một tí nhưng được rẻ. Vợ gật đầu bảo thằng cu: - Con ngồi đây với thầy cho bu đi đong gạo nhé? Nó không chịu, sợ sệt nhìn cha. Chị mắng: - Con nhà vô phúc, lại sợ bố!... Khốn nạn, tại đi về không có tiền mua bánh cho nó nên nó giận đấy mà, phải tội chết, con ạ. Nhưng anh đĩ Chuột bảo: - Cho cả nó đi, kẻo nó khóc. Bảo cái Gái về tôi bảo.
Người cha khốn nạn nhìn đứa con chòng chọc, thở dài. Một giọt
lệ từ từ lăn xuống chiếu. - Thầy bảo gì con ạ? - Lúc nãy mẹ con mày ăn cám phải
không? Gái gượng cười cãi: - Ăn chè đấy chứ. Bố nó chép miệng: - Khốn nạn, chè
đâu mà ăn, cơm còn không có nữa là chè! Rõ mày khổ từ trong bụng mẹ... Cái Gái
cúi đầu xuống không nói. Anh đĩ Chuột thở dài: - Con đi lấy cho thầy cái ghế buộc
giậu, với sợi thừng ở gác bếp để thầy mắc lại cái võng, thế này cao quá. Cái
Gái lấy ghế và thừng vào. Anh đĩ bảo: - Để đấy cho thầy rồi ra vườn làm cỏ đi.
Nó ra vườn, anh gượng ngồi dậy, xuống khỏi giường, mon men ra đóng chặt cửa buồng
lại. Anh lấy cái thừng, làm một cái tròng chắc chắn, dùng hết sức tàn còn lại,
trèo lên ghế, hai chân khẳng khiu run lẩy bẩy. Anh buộc cẩn thận một đầu dây
lên xà nhà, buộc xong, mệt quá, anh đu vào cái thừng, gục đầu xuống thở. Anh thấy
lòng chua xót, nước mắt giàn ra hai má lõm. Rồi anh quả quyết, anh đứng thẳng
người lên, chui đầu vào tròng, cái thừng cứng cáp cọ vào cổ làm anh rùng mình,
khóc nấc lên một tiếng. Cả cái thân hình mảnh dẻ bắt đầu rung chuyển như một
tàu lá run trước gió. Bỗng anh ngừng bặt, ngây người ra nghe ngóng. Tiếng ai vừa
gọi ngoài ngõ, tiếp đến cái Gái thưa và chạy ra, tiếng người kia the thé: - Bu
mày đâu? Tiếng cái Gái rụt rè đáp lại: - Bẩm bà, bu con đi vắng. - Đi vắng! Đi
vắng mãi! Mày về bảo con mẹ mày nội ngày mai không trả tiền tao thì tao đào mả
lên đấy. Cái giống chỉ biết ăn không. Anh đĩ Chuột rít hai hàm răng lại. Hai
chân giận dữ đạp phắt cái ghế đổ văng xuống đất. Cái tròng rút mạnh lại. Cái bộ
xương bọc da giãy giụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn gật từng cái
chậm dưới sợi dây thừng lủng lẳng. Ở ngoài ngõ, mẹ con chị đĩ Chuột vừa kêu
khóc vừa van lạy. Bà Huyện nhất định bắt mẻ gạo mới đong để trừ sáu hào chị Chuột
vay từ hai tháng trước cho chồng uống thuốc.
Ðiền có bốn cái ghế mây. Tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ có bốn
cái ghế mây này là có giá. Không phải Ðiền mua. Tính Ðiền rất ghét mua. Từ ngày
ra ở riêng đến giờ, Ðiền mới mua có một lần. ấy là một cái giường bằng gỗ bưởi
của một người cô nghèo khó. Người cô cần tiền để lấy thuốc ngã nước cho chồng.
Còn Ðiền thấy cũng cần một cái giường. Tháng ba vừa rồi vợ Ðiền mới sinh một
con trai. Nghĩa là bây giờ Ðiền có những hai con. Cả nhà đúng bốn người, bốn
người chất cả vào một cái giường! Giá mùa rét thì cũng được, chen chúc nhau một
tý càng ấm áp. Nhưng mùa nực, còn gì là vệ sinh?
Năm chừng mười họa, Ðiền cũng còn nghĩ rằng: nên theo phép vệ
sinh. Bởi Ðiền là người có học hẳn hoi. Ðiền đã có lần làm một ông giáo trường
tư trong ngót ba năm, mà Ðiền có bốn cái ghế mây vừa mới nói. Năm ngoái đây,
cái trường vẫn thuê Ðiền dạy lớp nhất, lấy hai chục bạc lương một tháng, đột
nhiên phải dẹp. Dẹp để nhường lại mấy căn nhà cho người ta dùng vào việc khác,
cần cho lúc này hơn. Ông hiệu trưởng còn chịu của Ðiền nửa tháng lương. Tiền học
tháng cuối cùng thì chưa thu được. Chỗ anh em biết tính thế nào cho tiện? Giá
ông xoay được, thì ông trả phắt Ðiền chục bạc, cho đẹp mặt cả đôi bên. Nhưng
ông không xoay được. Mà chẳng lẽ Ðiền phải thiệt? Thôi thì... thôi thì... - biết
nói ra sao bây giờ? - Ông cười một cách ngượng nghịu bảo Ðiền:
- Thôi! Thế này này, ông Ðiền ạ! Giá ông không ngại, thì ông
đem bộ ghế mây về quê mà dùng. Lão hàng phở nó trả có bảy hào một cái. Hôm nọ,
chỉ căng mây lại cho hai cái cũng đã mất một đồng. Bán cho lão thì phí đi. Mà ở
nhà ông chưa có ghế...
Lúc ấy, Ðiền phải cố giữ, cái mặt mới không xị xuống. Thật ra
thì Ðiền chán lắm. Ðiền chẳng muốn lấy bốn cái ghế tý nào. Chao ôi! Cũng mang tiếng
là ghế mây!... Cái thì xộc xệch, cái thì bốn chân rúm lại, và chẳng cái nào là
nước sơn không róc cả ra như là da thằng hủi. Trông đủ thảm. Ðiền phải bỏ ra bảy
hào chịu lấy một cái vé tàu hỏa để tải mình về quê đã đủ xót ruột lắm rồi, còn
phải nợ mà bỏ tiền ra tải bốn cái ghế già nua ấy nữa. Nhưng từ chối thì không
tiện. Ra sự rằng mình dỗi. Có lẽ tủi lòng ông hiệu trưởng. ấy là một điều mà Ðiền
chẳng muốn, bởi ông với Ðiền là chỗ bạn nghèo với nhau. Họ bị tủi vì người
ngoài đã lắm. Chẳng nên để người nọ bị tủi vì người kia... Ðiền đang nghĩ một cớ
gì để thoái thác. Thì ông lại bảo:
- Ông nên đi tàu thủy. Có đắt mới đến năm hào. Năm hào với
năm xu màn là năm hào rưỡi. Vậy cho rằng có phải trả tiền cước bốn cái ghế, thì
cũng chỉ bằng tiền tàu hỏa thôi. Mà rộng rãi. Ông để hai cái ghế ra, một cái để
ngồi, một cái gác chân, ung dung như ngồi nhà ông vậy. Tội gì đi tàu hỏa mà
chen chúc.
Kể thì cũng là một ý hay. Như thế tránh được cả cái nạn huých
khuỷu tay vào ngực nhau để tranh một cái vé đi xe lửa. Tránh được cả cái nạn ngồi
lên đùi người khác và để người khác ngồi lên đùi mình. Và ngửi mùi mồ hôi với
mùi phân lợn của những toa tàu hạng tư ... Nhưng...Ông hiệu trưởng không đợi Ðiền
phải nói ra. Ông đã đoán mà hiểu trước. Nên ông bảo:
- Còn cái sự chuyển những cái ghế thì không ngại. Tôi sẽ bảo
thằng nhỏ buộc hai cái làm một, dùng cái đòn gánh nước, gánh ra tàu cho ông.
Còn từ bến màn về nhà ông, sẽ thuê một thằng bé nào độ năm xu, hay một hào.
Ðiền nhẩm tính. Như vậy, tất cả có già giặn lắm mới tốn chừng
đồng bạc. Nghĩa là tiêu quá đằng kia hai hào. Hai hào bốn cái ghế mây! Cho có xộc
xệch nữa cũng còn rẻ chán... Ðiền ưng thuận. Thế là bốn cái ghế mây của ông hiệu
trưởng mà lão hàng phở trả có bảy hào một chiếc, được đi tàu thủy về quê của Ðiền.
Và thế là Ðiền có bốn cái ghế mây. Ðiền không biết giá. Nhưng
Ðiền đoán chừng mua mới thì cũng đắt. Bây giờ, mỗi chiếc có khi tới ba bốn đồng.
Ba bốn đồng một chiếc! Thế nghĩa là cả bộ đáng giá ngót hai chục bạc. Xóm Ðiền
cũng chả nhà nào có những đồ đạc đắt tiền như thế. Vợ Ðiền quý lắm. Thị rất xót
xa khi thấy những ông khách cục súc, sau khi đã nắc nỏm khen bộ ghế vừa đẹp vừa
thanh, liền đặt cái mông đít to bành bạnh như cái vại lên mặt ghế, khiến mấy sợi
mây lún xuống, rồi co cả hai chân bẩn thỉu lên, ngả cái lưng to như lưng trâu tựa
vào vành ghế, khiến cái vành ghế phai oải hẳn về đằng sau. Như thế phỏng còn gì
là ghế? Có mà ghế sắt cũng phải hỏng, đừng nói gì ghế mây!... Một hôm thị bàn với
chồng rằng:
- Này, cậu ạ! Người nhà quê họ vô ý lắm. Mình có của thì mình
phải giữ gìn. Hay là ta đem cất những cái ghế mây đi, kẻo để ai vào cũng leo
lên ngồi chồm chỗm, mấy chốc mà vứt đi?
Thoạt nghe, Ðiền phải bật cười. Ðiền nghĩ đến tính bủn xỉn của
đàn bà. Họ may áo để cất đi. Và mua ghế để chẳng cho ai ngồi sốt. Ðiền đã toan
phản đối. Nhưng nghĩ ngợi một giây, Ðiền lại bằng lòng. Vợ Ðiền thế nào chả hơn
Ðiền trong cái môn lo liệu việc nhà? Vả bây giờ Ðiền chỉ là một kẻ ăn nhờ. Vợ
Ðiền phải lo cho chồng từ năm xu húi cái đầu. Thị đã phải gánh lấy tất cả cái
ách gia đình, thì cũng nên để cho thị có quyền trong gia đình một tý. Kẻo thị lại
bảo: dẫu có hỏng cái gì, Ðiền cũng không phải bỏ tiền thay, nên điền không xót
ruột... Từ hôm ấy, bốn cái ghế mây được treo lên bốn cái mỏ móc buộc ngoài đầu
chái. Chỉ những khi có khách khứa nào sang trọng, Ðiền mới ra bê vào.
Nhưng những buổi tối có trăng thì dù chẳng có ai, Ðiền cũng
khuân đủ bốn cái ghế ra sân. Rồi Ðiền gọi vợ, con ra. Vợ bế con nhỏ ngồi một
chiếc. Con lớn một chiếc. Còn một chiếc Ðiền dùng mà gác chân. Họ ngồi ghế, đợi
trăng lên. Nếu con nhỏ không khóc, con lớn không bắt gãi thì hạnh phúc thật
hoàn toàn. Gió thổi tan những lo lắng, chua cay chất ở lòng. ánh trăng êm xoa
nước mát lên da. Da mềm dịu. Những nét cau có chìm đi tất cả. Trán vợ Ðiền hóa
phẳng phiu, mặt thị tươi hẳn. Thị trẻ ra mười tuổi. Những phút thảnh thơi ấy,
sao mà thị hiền dịu thế! Ðáng yêu đến thế! Ðiền không nhận ra một chút gì ở thị
nó có dính dáng đến người đàn bà cau có vẫn ngoác mồm ra mắng con, mắng con ở,
mắng mèo, mắng chó khiến nhà cứ om lên suốt ngày. Thị cúi xuống đứa con nhỏ, đồng
thời ngước đôi mắt âu yếm nhìn con lớn. Ðứa con lớn cười với thị. Thị cười với
nó. Thị cười với chồng. Ðiền nhìn vợ, nhìn con, lòng sung sướng. Ðiền mỉm cười
với giăng.
Ðiền rất yêu giăng. Cái ấy cũng là thường, bởi óc Ðiền đẫm
văn thơ. Có đọc văn thơ, mới biết giăng là một cái đẹp và quý lắm. Giăng là cái
liềm vàng giữa đống sao. Giăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời.
Giăng tỏa mộng xuống trần gian. Giăng tuôn suối mát để những hồn khát khao ngụp
lặn. Trăng, ơi trăng! Cái vú mộng tròn đầy mà thi sĩ của muôn đời mon man! Ðiền
không ân hận chút nào. Hai thân Ðiền bán cả ruộng, vườn đi để cho Ðiền đi học
chẳng phí đâu. Ðã đành các người chỉ có cái mục đích con làm nên ông phán, ông
tham để ấm thân; các người hoàn toàn thất vọng khi thấy con leo cau đến tận buồng
mà lại hỏng ăn. Ðiền tạng yếu quá, không được nhận vào công sở; và các người đã
vội cho là tiền con đi học thật là tiền vất xuống sông. Nhưng Ðiền tin rằng:
cái học thức của Ðiền tuy chẳng giúp Ðiền kiếm nổi miếng ăn, nhưng cũng có ích
cho Ðiền nhiều lắm. Chỉ nói một cái nhờ nó mà Ðiền đọc nổi văn thơ, và nhờ văn
thơ mà hiểu được cái đẹp của gió, của giăng. Và Ðiền rất phàn nàn cho những tâm
hồn cằn cỗi như tâm hồn của vợ Ðiền. Ðối với thị, giăng chỉ là ... đỡ tốn hai
xu dầu! Dầu lạc lúc này mỗi chai lít hai đồng. Mới biết các nước đánh nhau cũng
có thiệt cho con nhà nghèo thật. Mỗi tối, thị đốt đèn một lát. Nhưng một lát
cũng đủ tốn hai xu rồi. Những tối có trăng đỡ tốn hai xu. Hai xu chẳng là bao
nhưng mười cái hai xu đã được hai hào; mười cái hai hào đã được hai đồng bạc;
và mười cái hai đồng bạc... chao ơi! Nếu cứ tính toán mãi thế, thì biết đến bao
giờ cũng được? Sao thị lại cứ phải luôn luôn tính toán? Những kẻ chỉ suốt đời
tính toán là những kẻ tự làm khổ thân suốt đời... Ðiền vẫn trách vợ Ðiền như thế
đấy. Ðiền có ngờ đâu chính Ðiền cũng một tật. Và ngay lúc này đây, lúc ngồi ngắm
trăng để tạm quên những cái lo nhỏ nhen của kiếp người, Ðiền cũng còn tính vẩn
vơ. Ðiền thấy giời rộng quá và sao nhiều quá. Ðiền nhớ đến câu thơ của một thi
sĩ Tây phương ví khoảng trời sao như một cánh đồng. Nếu trời là một cánh đồng
thì cánh đồng ấy thật bao la. Và Ðiền chỉ cần được một mảnh bằng cái mảng ở sau
nóc nhà Ðiền kia, cũng đủ cho Ðiền không còn phải lo sinh kế nữa. Ðiền sẽ trao
cho vợ Ðiền cai quản. Còn Ðiền lúc ấy có thể rảnh rang theo đuổi cái mộng của
Ðiền...
Ðó là một cái mộng văn chương. Ðã có một thời, Ðiền chăm chỉ
đọc sách, viết văn. Ðiền nao nức muốn trở nên một văn sĩ. Ðiền sẽ nguyện cam chịu
tất cả những thiếu thốn, đọa đày mà văn nhân nước mình phải chịu. Ðiền vẫn thường
bảo với một người bạn cùng chí hướng: Ðiền sẵn lòng từ chối một chỗ làm kiếm mỗi
tháng hàng trăm bạc, nếu có thể kiếm được năm đồng bạc về nghề văn... Nhưng viết
luôn mấy năm trời, Ðiền chẳng kiếm được đồng nào. Trong khi ấy Ðiền vẫn phải
ăn. Nhà Ðiền kiết xác xơ. Các em Ðiền không được đi học. Mà cũng không được ăn
no nữa. Sự túng thiếu đưa đến bao nhiêu là lục đục. Bố Ðiền bỏ nhà đi. Mẹ Ðiền
gồng thuê, gánh mướn kiếm tiền nuôi hai đứa con thơ. Những đứa con lớn, đứa đi ở
bế em, đứa đi ở chăn trâu, đứa đi xin những cái hoa chuối, những nắm khoai đội
đi chợ xa bán để kiếm vài xu ăn cho khỏi chết. Ðiền thấy mình ích kỷ. Sự nghiệp
mà làm gì nữa? Bổn phận Ðiền phải nghĩ đến gia đình. Ðiền phải gây dựng lại gia
đình! Ðiền phải tạm quên cái mộng văn chương để kiếm tiền. Ðiền đi dạy học.
Chao ôi! Dạy học lấy mỗi tháng có hai mươi đồng. Bà mẹ Ðiền tưởng thế đã là
phong lưu lắm. Bà bắt Ðiền cưới vợ. Vợ Ðiền là một con nhà khá giả, lấy Ðiền vì
Ðiền là người có học. Rồi Ðiền có con. Cái gia đình lớn của Ðiền đã chẳng được
nhờ Ðiền, bây giờ lại thêm một gia đình con con nữa. Không một phút nào Ðiền
không phải nghĩ đến tiền. óc Ðiền đầy những lo lắng nhỏ nhen. Một đôi khi chợt
nhớ lại cái mộng xưa, Ðiền lại thở dài. Ðiền tự an ủi: Có tiền rồi sẽ viết.
Nhưng Ðiền biết: chẳng bao giờ Ðiền viết nữa, bởi chắc chắn là suốt đời Ðiền
cũng không có tiền...
Tối nay lại có giăng. Nhưng Ðiền chỉ đem có hai cái ghế ra
sân. Vợ Ðiền hôm nay luật quật suốt cả ngày. Con ở xin đi ăn giỗ một hôm. Thị lại
phải dệt vải lấy tấm vải để mai đi bán về đưa lãi nợ. Dệt xong thị vội vàng đi
đòi món tiền. Về đến nhà, con bé khóc hết hơi. Con lớn thì lem luốc, mũi dãi
nguếch ngoác bôi đầy mặt. Nhà cửa còn bề bộn. Con ở vẫn chưa về. Mình thị biết
xoay sở làm sao kịp? Thị thấy lòng sôi lên sùngõ sục, thị giậm chân bành bạch
kêu trời. Thị đánh con lớn, chửi con nhỏ, quăng cái chổi, đá cái thúng, và càu
nhàu trống không. Rồi thị bế con đi nằm sớm. Ðứa con lớn thút thít khóc chán
cũng lăn ra ngủ.õ Mình Ðiền ngồi ngoài sân. Ðiền cố thản nhiên. Nhưng da mặt cứ
rồm rộm; nó có vẻ dày lên và tê tê. Ðiền thấy gần như tủi cực. Vợ Ðiền có lẽ rất
yêu Ðiền. Nhưng thị chỉ biết rằng người ta cần ăn cơm, mặc áo và uống thuốc khi
đau ốm. Thị chỉ cố lo cho chồng ba thức ấy. Thị nhịn ăn để chồng ăn.õ Thị nhịn
mặc cho chồng mặc. Thị bán đến cả yếm, áo để lo thuốc thang cho chồng. Thị tưởng
thế là chồng sung sướng lắm. Nhưng không phải, Ðiền đã quen với những tình cảm
nồng nàn và những lời nói vuốt ve. Nét mặt cau có, ngân ngữ cục cằn, và nhất là
cái lối yêu quá đơn sơ - có thể nói thô sơ - của vợ Ðiền làm cho Ðiền khổ. Ðiền
thấy cái đời tình cảm của Ðiền thiếu thốn. Ðiền không được yêu ai. Còn sống
trong cái gia đình này mãi, giữa những lo lắng nhỏ nhen này mãi, lòng Ðiền sẽ cạn.
Cạn luôn cả nguồn thơ quý báu, mà Ðiền vẫn ao ước có ngày lại khơi... Trên kia,
giăng nhởn nhơ như một cô gái non vừa mới có nhân tình. Gió nhẹ nhàng đặt trên
lá những bước chân vũ nữ. Những tàu lá chuối láng trăng đưa đẩy... Ðiền nghĩ đến
những người đàn bà nhàn hạ, vừa tắm bằng một thứ nước thơm tho, mặc áo lụa
xanh, ngả tấm thân mềm trên chiếc ghế xích đu và đưa đẩy đôi chân thưỡn thẹo...
Tại sao Ðiền lại vụt nghĩ đến những hình ảnh lả lơi ấy? Chính
Ðiền cũng không thể hiểu. Có lẽ Ðiền ước ao một cái mái tóc thơm tho, một làn
da mát mịn, một bàn tay ve vuốt. Có những người đàn bà đẹp, yêu rất khéo, bởi họ
được ăn ngon, mặc đẹp, chăm sóc thịt da và chẳng làm gì cả. Phải rồi, vợ Ðiền
chỉ là một kẻ tục tằn. Thị chẳng đáng cho Ðiền yêu quý. Cũng chẳng đáng cho Ðiền
thương hại. Ðiền phải đi. Ði để giữ cho lòng mình tươi lâu. Ðiền sẽ làm bất cứ
cái gì đó để có ăn. Rồi Ðiền bình tĩnh viết. Có như vậy Ðiền viết mới ra hồn được.
Lời phải đẹp. ý phải thanh cao. Ngọn bút của Ðiền mới khơi nguồn cho những tình
cảm đầy thơ mộng. Nghệ thuật chính là cái ánh trăng xanh huyền ảo nó làm đẹp đến
cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa...
Ðiền lại thấy hiện ra cái bóng dáng yêu kiều của những người
đàn bà nhàn nhã ngả mình trên những cái ghế xích-đu nhún nhảy... Những người ấy
sẽ đọc văn Ðiền. Lòng họ đẹp thêm lên. Họ sẽ yêu Ðiền. Họ sẽ gửi cho Ðiền những
bức thư xinh xinh ướp nước hoa. Tưởng tượng của Ðiền tỏa rộng ra như một ánh
trăng. Ðiền nghĩ đến những cuộc tình duyên lãng mạn với những người đàn bà đẹp
chỉ biết trang điểm và yêu đương. Những tiếng gắt gỏng ở trong nhà lại đưa ra.
Vụt cái, trăng mất đẹp. Ðiền cúi mặt, bẽn lẽn như bị bắt gặp làm việc xấu. Ðiền
lắng tai nghe. Tiếng vợ Ðiền gay gắt hỏi:
- Làm sao thế?
Ðứa con gái vừa mếu máo vừa đáp lại.
- Con đau bụng.
- Giời ơi là giời!
ấy là tiếng vợ Ðiền rên lên. Rồi thị mắng con:
- Ăn bậy lắm! Chết là phải, còn kêu ai?
Ðứa con không dám khóc to. Nó chỉ oằn oại và rít nho nhỏ
trong cổ họng. Thỉnh thoảng nó không còn sức nén, tiếng khóc bật ra Ðiền nghe một
vài tiếng nức nở như tiếng người nôn oẹ, Ðiền vẫn ngồi cúi mặt. Một nỗi chua
xót gần như là thuộc về thể chất, ứ lên trong lòng Ðiền. Nó dâng lên đến cổ,
xông lên óc. Nước mắt Ðiền ứa ra.
Vợ Ðiền gượng nhẹ đặt đứa con đang ngủ mệt xuống võng. Thị cầm
một con dao ra vườn moi mấy nhánh gừng về rửa sạch, giã ra. Thị vắt thêm vào đấy
nửaõ quả chanh. Thứ thuốc bách bệnh của con nhà nghèo chỉ gồm có thế. Thị gạn lấy
nước đem lại cho con. Con bé mới ngửi thấy hơi gừng đã sợ. Nó mím chặt môi. Dỗ
thế nào nó cũng không chịu uống. Thị phải bế nó, đặt nằm ngửa trên đùi, một tay
thị đỡ đầu, một tay thị kề chén nước gừng vào tận môi con. Con bé mím môi thật
chặt. Bực mình thị quát:
- Há mồm ra!
Con bé khóc. Thế là cốc nước gừng đã dốc tuột vào mồm nó. Nó
giãy lên như đỉa phải vôi. Nó phun phè phè. Nó gào lên. Bao nhiêu nước gừng bắn
ra áo mẹ. Thằng cu con giật mình, khóc thét lên. Vợ Ðiền tức quá, phát đen đét
vào lưng con bé ốm và quăng nó xuống giường như quăng một con mèo:
- Kệ cha mày! Cho mày chết đi!
Con bé vừa gào vừa van lạy:
- Con lạy bu; Con cay lắm! Con lạy bu! Cay mồm...
- Mày câm ngay không tao tát cho vỡ mặt.
Nó vẫn không chịu lặng. Thị sừng sộ, chực vồ lấy nó:
- Mày có câm không nào?
Nó sợ quá đành phải nín. Nhưng những tiếng rên nho nhỏ vẫn còn
thoát ra... Ðiền thương con lắm. Vút cái, Ðiền thấy Ðiền không thể nào đi được.
Ðiền không thể sung sướng khi con Ðiền còn khổ. Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu
dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong trong những căn lều nát mà trăng
làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó
với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết
bao cực khổ và lầm than?... Không, không, Ðiền không thể nào mơ mộng được. Cái
sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn
gieo trong đầu óc Ðiền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Ðiền muốn tránh
sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền
khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền! Cái
khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ
vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối,
nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than,
vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần
trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động
của đời...
... Sáng hôm sau, Ðiền ngồi viết. Giữa tiếng con khóc, tiếng
vợ gắt gỏng, tiếng léo xéo đòi nợ ngoài đầu xóm. Và cả tiếng chửi bới của một
người láng giềng ban đêm mất gà.
Hôm nay mưa rét. Mỗi khi trời mưa rét Ninh lại nhớ đến bu. Hồi
bu còn sống, những ngày mưa rét, không ra vườn hái trầu, bóc mía hay làm cỏ được,
bu hay mang cái bị giẻ và một ôm quần áo rách vào ổ rơm ngồi vá. Bu Ninh khéo
vá lắm. Những miếng vá đặt rất phẳng phiu, không răn rúm. Những mũi kim nhỏ, đều
đặn và thẳng tắp. Người vô ý trông không biết là áo vá. Mà bu Ninh vá thật
không biết gì là sốt ruột. Ai đâu mà ngồi đến tê cả mông, mờ cả mắt cũng không
thôi. Những lúc đau lưng quá, bu Ninh chỉ ngừng kim một lát, vươn vai hoặc bẻ
lưng vào cái cạnh giường kêu răng rắc, rồi lại cúi đầu xuống vá, vá hết cái này
sang cái khác. Bao nhiêu là quần áo rách! Những cái quần trắng, áo cánh trắng của
thầy, đầy nhựa chuối. Những cái váy bạc phếch của bu. Những cái váy ba (`ng vải
to nhuộm sồng với nhuộm bùn, dày cồm cộp. Trông cái váy, người ta tưởng như nó
bền đến thiên niên vạn đạị ấy thế mà cũng rách. Tội nghiệp, thì ra nó đẫm nhiều
nước tiểu của thằng Đật quá. Về mùa rét, cậu Đật ta đêm nằm cứ tuồn hai chân
vào lòng mẹ. Chả thế thì nó ấm mà! Nhưng tính cậu ta lại đái dầm, càng rét càng
khỏe đáị ấy thế là cứ mỗi đêm ba bốn lần, cậu rót tồ tồ vào váy mẹ. Chẳng sáng
nào, mẹ không phải thay váy đem ra ao giặt. Còn gì mà chẳng mục? Không mục có họa
là bằng gỗ lim!... Nhưng nhiều nhất là những quần áo của Ninh, của Đật. Cái nhuộm
son, cái giãi nâu, cái để trắng. Nhưng chẳng cái nào còn giữ trọn vẹn được cái
mầu của nó. Bởi vì cái thì mốc xanh, cái thì mốc vàng, cái thì lấm tấm hoa bèo,
cái thì trạt những nhựa chuối, những tương, những ma ('m, mũi dãi cùng đất cát.
Vò đến sái tay cũng không còn sạch được. Mà cái thì mất cúc, cái thì xoạc nách,
cái thì xoạc túi, cái thì rách lưng, cái thì rách vai, cái thì rách ống tay. Chỉ
tại nó nghịch quá. Không thể chưa đến nỗi. Nhiều cái vải còn dai lắm, xé kêu
xoàn xoạt. Chúng nó mặc hại quần áo lắm. Cứ gọi là vừa mặc vừa xé áo. Bu Ninh
tay vá, miệng chửi cho không còn tai nào mà nghẹ..
Đật và Ninh chiếm mỗi đứa một bên cạnh mẹ. Chúng nó nằm phục
vị, đều chúi vào đít mẹ, Ninh kêu bên Ninh ấm, Đật cãi bên Đật ấm, hai đứa cãi
nhau chí chóe. Mẹ đùa con, bảo:
- Có im, không thì tao đánh cho một cái... tha hồ ấm.
Chị em cười khành khạch rồi cãi nhau bô bô. Ninh mồm mép quá,
Đật không nói kịp. Đật òa khóc. Mẹ ngừng kim, cốc vào đầu con gái. Ninh rụt cổ
lại, ôm đầu cười hí hí. Mẹ Ninh cật cườị ấy thế là Ninh sằng sặc cười thật to,
khiến Đật đang khóc cũng khanh khách cười... Chao ôi! những ngày mưa rét hồi ấy
vui quá nhỉ?
Bu chết đã ngót ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài
lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu Ninh chết đã lâu lắm. Nhưng trách gì!... Xưa kia, những
ngày bu đi chợ tỉnh, độ gần tối chưa về Ninh đã thấy mong. ấy là mới vắng bu có
một ngày. Mà nào đã hết cả ngày. Bây giờ vắng bu bằn bặt những ba năm. Bao
nhiêu ngày tháng! Ninh thấy lâu là phải. Biết bao giờ mẹ lại về với con? Ninh
bâng khuâng cả người. Y như là nằm mợ ấy là Ninh đã nguôi nguôi đấy. Hồi me.
Ninh mới chết, cứ nghĩ đến mẹ là Ninh khóc. Ninh khóc ằng ặc như người nuốt phải
ngụm gì đắng quá, nó quánh vào cổ họng. Khóc đến lặng hẳn người đi, không còn
ra tiếng nữa. Chẳng ngày nào không thế. Mỗi ngày hai, ba lần.
Bây giờ thì Ninh không khóc nữa. Nhưng Ninh vẫn còn buồn lắm.
Buồn rũ rĩ. Ninh ngơ ngẩn như mất vía. Có lúc Ninh làm gì mà cũng không biết nữa.
Ninh vừa cất con dao hay cái chổi, giá thầy Ninh có hỏi, Ninh đã lại chẳng biết
đâu mà lấy. Thầy Ninh cũng hiểu Ninh nhớ mẹ, nên không nỡ mắng. Thầy rân rấn nước
mắt. Bố nhìn con, con nhìn bố. Hai bố con cùng cúi đầu la (?ng lặng. Bố thở dài
và con thở dàị..
Mẹ Ninh chết sau ngày giỗ ông nội Ninh có hai ngày. Ninh nhớ
rõ thế, bởi vì ngày giỗ ông năm ấy, hai mẹ con đã khóc lóc với nhau từ non trưa
cho đến tối. Sáng dậy thầy Ninh hâm thuốc cho bu Ninh uống rồi thầy quét nhà,
quét sân, giặt quần áo cho bu. Rồi lại còn phải lấy gạo thổi một niêu cơm để đấy
cho Ninh nữa. Xong đâu đấy thầy cõng Đật đi ăn giỗ. Ninh phải ở nhà coi mẹ. Thầy
Ninh bảo: "Con chịu khó ở nhà với bu kẻo bu buồn, thầy cho em đi một lát,
lúc về thầy lấy phần cho một nắm xôi, vài miếng thịt, tính con thịt mỡ chỉ ba
miếng là chán ứ. Đi, con cũng chả ăn được mấy, mà ở nhà thì thầy cũng đem về
cho con. Đằng nào con cũng được ăn, nhưng bu con ốm thế, để bu ở nhà một mình
thì thầy lo lắm". "Con ở nhà với bụ..". Việc gì mà thầy phải nói
nhiều đến thế? Ninh có đòi đi đâu? Thịt mỡ thì Ninh không thích thật. Nhưng dù
có thích, Ninh cũng không đi cơ mà! Đi cũng khó mà nuốt được. Ninh thương bu lắm.
Ninh thích ở nhà với bu. Thầy Ninh còn phải cúng ông, thì thầy Ninh phải đi. Thằng
Đật còn bé, dở người, không cho nó đi thì nó khóc. Chẳng lẽ Ninh to đầu rồi mà
cũng bắt chước em? Có mà đồ hư? Không, Ninh không đi đâu, thầy ạ. Ninh không muốn
đi đâu, thầy ạ! Thầy cứ cõng thằng Đật đi kẻo muộn. Ninh ở nhà thích lắm. Thầy
đừng thương Ninh...
Nhưng thấy Ninh cứ nhìn theo thầy cõng thằng Đật đi ra ngõ,
bu Ninh lại tưởng Ninh muốn đi ăn giỗ lắm, nhưng sợ bố mà không dám đòi đi. Bu
Ninh thương hại. Bu gọi Ninh vào mà bảo:
- Con muốn đi thì cứ đi cũng được. Hôm nay bu dễ chịu.
Ôi! Không!... không!... Ninh không muốn... Ninh lắc đầu ha
(ng hái:
- Không! Con ở nhà.
- Sao thế?
- Chẳng sao cả, nhưng con không thích...
- Nhưng ngộ bà không thấy con, bà lại hỏị..
Hỏi gì! Bà biết thừa là bu ốm nặng. Ninh phải ở nhà để bu sai
vặt chứ!... Ninh nghĩ thầm như vậy, nhưng không nói. Ninh chỉ hơi lắc đầu.
Nhưng có lẽ bu cũng hiểu. Bu nhìn Ninh âu yếu. Mắt bu ầng ậc nước. Bu chửi yêu
Ninh:
- Bố mày!
Rồi bu lại bảo Ninh:
- Không đi thì ngồi xuống đây... Bóp tay cho bu một lúc. Tay
bu buồn lắm.
Ninh nắm lấy cái bàn tay bu, chỉ còn rặt những xương, mà lạnh
giá. Nó lỏng la, lỏng lẻo. Những ngón trông rõ từng đốt, từng đốt một. Những đường
gân xanh nổi thày lày lên. Ninh bóp tay bu nhẹ nhẹ. ý hẳn bu thích lắm. Ma ('t
bu lim dim và đôi môi nhợt nhạt của bu hé mở như chực cười. Rồi tay bu nắm lấy
tay Ninh chứ không phải Ninh bóp tay cho bu nữa. Bu vừa bóp vừa hỏi:
- Sao lớp này con gầy thế?
- Chết thôi, con ạ! Tay mày đầy những mụn. Không khéo ghẻ...
Ninh cúi mặt. Bu căng từng kẽ tay Ninh ra xem, rồi kêu lên:
- Bỏ bố mày! Đích thị mày ghẻ rồi, con ơi! Yên, tao xem nào.
Bu ngồi hẳn lên. Mắt bu tỏ ra vẻ sợ hãi. Bu vén ống tay áo
Ninh lên. Cổ tay Ninh sây sứt. Bu lắc đầu:
- Bố con! Con bẩn quá! Cái cổ tay gồ lên những ghét... Hèn
nào mà chả ghẻ?
Bu bắt Ninh đi múc nước. Bu rửa cho Ninh lâu lắm. Vừa rửa bu
vừa bảo:
- Sẩy mẹ ra một cái là khổ ngay, con ạ. ấy là mới rời tao ra
hơn một tháng... Chúng mày đã gầy giơ xương, mình mẩy, chân tay thì ghẻ gún. Ngộ
tao chết thì có lẽ chúng mày rã xương ra được. Này, cái cổ tay... có khác gì
cái cẳng gà hay không?
Ngừng một lát, bu lại thở dài mà bảo:
- Mẹ mà chết thì các con đi ăn mày mất! Đàn ông chả mấy người
biết thương con cái. Cha chết thì ăn cơm với cá, mẹ chết liếm lá dọc đàng. Mẹ
mà chết đi thì... con ơi!...
Ấy thế là nước mắt bu chảy ra ròng ròng. Ninh cũng khóc. Hai
mẹ con cứ ngồi trông nhau mà khóc đến tận lúc thầy Ninh với Đật đi ăn giỗ về.
Thầy đem về một nắm xôi đỗ con với một cái đùi gà toàn những thịt. Bà thương
Ninh nên bảo chặt để lại cho Ninh đấy. Nhưng Ninh thương bu quá, ăn cũng chả
còn biết gì là ngon...
Ồ! Ninh cứ bảo: bây giờ nghĩ đến bu, Ninh không khóc nữa...
Không khóc mà lại có nước mắt, nước mũi Ninh đang chảy ra đây này... Đật! Đật
ơi! Ô hay! cái thằng Đật chạy đi đâu rồi?
Đàn ông chả mấy người biết thương con cái... Thật thế ư?
Không có lẽ. Thầy Ninh thương chị em Ninh lắm chứ!... Hồi bu mới chết, thằng Đật
khóc suốt ngày. Nó gào bu. Nó đã hiểu là thế nào đâu. Nó cứ đòi gọi bu về với
nó. Thầy phải cõng nó ra chợ mua bánh. Thầy mua cho nó nhiều bánh lắm. Thầy mua
cả cho Ninh nữa. Thầy với Ninh bày cỗ chơi với Đật. Thầy làm cho Đật những con
quay bằng những quả bưởi con, những cái giường, những cái ghế tràng kỷ bằng cây
chót. Trông thích lắm. Nhờ vậy Đật mới không khóc nữa.
Đêm, Đật và Ninh ngủ với thầy. Ninh nằm trong cùng. Đật nằm
giữa. Thầy nằm ngoài. Thầy bảo Đật luồn chân vào lòng thầy cho thầy ủ. Khi nó
đã ngủ mệt rồi, thầy vươn tay qua người nó để sờ Ninh. Thầy kéo Ninh na (nằm sát
vào với Đật. Thầy co chăn, co chiếu về phía Ninh thật nhiều, sơ. Ninh giãy, trật
ra ngoài, bị rét. Mùa bức thì thầy đặt hai đứa nằm cách nhau xa cho mát. Thầy
ngồi quạt. Quạt cho đến tận lúc nào con ngủ mệt, thầy mới chịu ngả lưng xuống
giường. Nhưng nằm thì nằm, thầy có ngủ đâu. Ninh thấy thầy quạt rất khuya. Có
đêm, ngủ được một giấc dài, tỉnh dậy, Ninh vẫn còn nghe phành phạch. Thầy thở
dài luôn ấy. Có khi sụt sịt. Thì ra đêm đêm thầy vẫn khóc. Thầy nhớ bụ..
Ấy, cái hồi bu mới chết thì thế đấy. Nhưng ít lâu nay, hình
như thầy đổi tính. Thầy vẫn thương Ninh và Đật. Thỉnh thoảng thầy vẫn cho mỗi đứa
vài xu ăn quà. Nhưng thầy vắng nhà luôn. Thầy phải gửi gạo bên nhà bác Vụ để thổi
cơm cho Ninh và Đật. Bởi thầy đi từ sáng cho đến tối. Có khi tối cũng không về.
Có khi đi luôn hai, ba ngày. Chị em Ninh phải ăn nhờ, ngủ nhờ nhà bác Vụ. Đi
đâu vậy? Nào ai biết! Bác Vụ bảo thầy đến nhà cô Miện, thầy phải lòng cô ấy.
Nhưng chắc là chả phải. Nếu phải, sao cô Miện lại đi lấy lẽ ông ký Bản? Đám cưới
vừa đi qua đây hôm nọ. Ninh cõng Đật ra tận đường, đứng xem. Từ hôm ấy thầy lại
càng khỏe đi. Đi suốt ngày suốt đêm. Mưa rét thế này, chả biết thầy đi làm gì
cho khổ? Chả biết có được ăn gì hay không? Hay là nhịn đói luôn ba, bốn ngàỷ...
Lại còn cái ông Đật nữa! Đi đâu mà mãi thế nàỷ ý dáng lại lẩn
sang nhà bác Vụ. Còn sang làm gì? Gạo của thầy gửi đã hết từ đời nào. Bác ấy phải
cho ăn lận nhà bác ấy năm, sáu bữa. Nhà bác ấy cũng túng. Chồng chết đi, để lại
đẫy bốn con. Bốn đứa cũng lúc nhúc như Ninh và Đật. Bác ấy nuôi được chúng nó
cũng đến điều vất vả. Còn lấy gì mà nuôi ca? Ninh và Đật nữa? Bác ấy đã phải bảo
Ninh: "Cháu về mà đi tìm thầy, nhà bác cũng hết gạo rồi, nếu thầy không
đưa thêm cho bác thì bác lấy gì thổi cho chúng mày? Các anh cũng đóị..".
Thế là Ninh đủ hiểu. Bác ấy muốn bảo: "Chúng mày liệu sao thì liệu, đừng
ăn rình nhà tao mãi!". Ninh đưa em về. Tìm thầy, thì biết đâu mà tìm được?
Ninh chẳng tìm. Không có ăn thì nhịn! Ninh nhịn từ bữa chiều hôm qua. Đật khóc,
Ninh đi moi được một củ dong về nướng. Đật một nửa. Ninh một nửa. Ninh bảo Đật
ăn cho đỡ đói thôi, còn cố nhịn, đợi thầy về, ăn nữa. Nhưng Đật không nhịn được.
Đật chạy sang nhà bác Vụ. Bác ấy phải lấy trộm nắm cơm tối của thằng cu Chúc
nhà bác ấy, đưa cho Đật, Đật mới ăn được một miếng thì Chúc biết. Chúc chạy vào
nhà tìm nắm cơm của nó. Thấy mất, nó biết là nắm cơm của nó đương ở trong tay Đật.
Nó chạy theo, giằng lại. Đật mất ăn, mếu xệch mồm đi, chạy về. Ninh đứng ở hè
bên này, trông rõ cả. Ninh tức lắm. Chẳng biết tức Chúc hay tức Đật. Chỉ biết
Ninh nghẹn ngào cả cổ. Vừa thấy Đật, Ninh nhảy xổ lại, tát đen đét vào má Đật.
Đật òa lên khóc. Ninh òa khóc theo.
Một lát sau, Ninh nghĩ thương em quá, Ninh lại đi tìm dong,
nhưng hết. Ninh moi luôn một củ ráy. Ráy nước, ăn ngứa lắm. Nhưng đói còn biết
gì là ngứa? Ninh đem về nướng. Ninh gọi Đật về, lau nước mắt cho nó, rồi chị em
ăn ráy nước. Đật ăn tợn lắm, chẳng thấy kêu ca gì cả. Ninh rơi nước mắt. Ninh dặn
em: "Từ giờ đừng ăn cơm nhà thằng Chúc nữa". Đật gật đầu. Thế mà hôm
nay nó lại lần sang nhà bác Vụ. Có bực mình hay không?
Ninh reo lên:
- A bà! Đấy là bà ngoại Ninh. Bà ở xa xôi lắm. Hôm nay, tiện
ra mạn này lấy thuốc, bà tạt vào chơi với cháu.
Bà đưa cho cháu một đùm xôi lạc.
- Bố mày đi đâu?
- Con không biết.
- Đi từ bao giờ mà mày không biết?
- Đi lâu lâu là rồi.
Bà ngồi xuống ngưỡng cửa, mặt hầm hầm như giận dữ. Ninh hơi
ngượng. Bà chíp chíp mồm luôn ba, bốn cái rồi bảo cháu:
- Có phải bố mày bán nhà rồi không?
- Con không biết.
- Bán rồi! Thua xóc đĩa... Thua đâu những ngót ba trăm bạc...
Đật chạy về. Nó vồ lấy bà, nhưng trông thấy đùm xôi ở tay
Ninh, lại bỏ bà ra để vồ lấy đùm xôi. Ninh hất tay nó ra, mắng:
- Làm gì thế?
Nhưng bà bảo:
- Cởi ra, chị em ăn với nhau. Để làm gì?
Đật giằng lấy đưa cho bà cởi. Bà chia cho mỗi đứa một nửa.
Hai cháu ăn. Đật ngồm ngoàm. Ninh thong thả. Bà nhìn cháu mà ái ngại. Bà chép
miệng:
- Đến chết đói thôi, các cháu ạ! Bố chúng mày không ra giống
ngườị..
Một tiếng thở dài tiếp theọ..
... Buổi sáng hôm ấy trời ấm áp. Có nắng hanh. Nắng luôn mấy
hôm rồi, nên vườn khô ráo... Đật và Ninh đã chạy tung tăng được...
Bỗng một bọn năm, sáu người, kẻ cầm lạt, kẻ cầm dùi đục, tuốn
vào đầy sân. Mồm họ nhai trầu. Họ nói chuyện toang toang như một bọn đồ tể đi bắt
lợn. Mấy người trèo lên nóc nhà nhà Ninh. Họ dỡ tranh quẳng xuống sân rào rào.
Ninh chạy về...
- Ô hay! Sao các ông phá nhà tôi?
Một người chít khăn mỏ rìu, nhe những cái răng cải mả ra cười
mà bảo:
- A! Thầy mày thuê chúng tao phá đi để làm nhà tây đấy mà.
Một người nữa cười ìn ịt như con lợn, bảo:
- Chả cái này bé quá!...
Và người nữa:
- Thầy mày thích làm nhà tây kia... Làm nhà bên Tây - Trúc ấy
mà, mày biết không?
Cả bọn cười ầm lên. Trông người nào cũng dữ. Họ nói như quát
vậy. Ninh sợ hãị Ninh chạy bình bịch sang nhà bác Vụ. Ninh định cầu cứu bác. Vừa
bước vào nhà bác. Ninh sửng sốt. Thầy Ninh ở đấy. Thầy Ninh nằm thườn thượt
trên một cái giường, hai tay chít lại bên dưới gáy. Ninh mếu máo:
- Thầy ơi! Thầỵ..
Rồi Ninh nghẹn ngào, không nói được nữa. Nước mắt ứa ra. Thầy
Ninh ngồi dậy, bảo:
- Việc gì mà khóc? Thầy bán cho người ta đấy. Bán lấy tiền
mua vài phiến lim về xẻ. Chuyến sau, ta làm một cái nhà toàn lim!
Thầy nhếch mép ra cười. Cái cười vạch hai nét nhăn trên đôi
má hõm. Thầy cười thế, trông già sọm. Có lý nào thầy chóng già đi quá thế? Ninh
trố mắt lên nhìn thầỵ..
Bỗng từ bên nhà đưa sang những tiếng dùi đục kêu chan chát.
Nghe ghê rợn lắm. Ninh đã được nghe những tiếng dùi đục ấy một lần rồi, vào cái
ngày mẹ chết: người ta đóng cả chiếc săng của mẹ... Vết nhăn trên má thầy Ninh
sâu thêm, rộng thêm ra. Trông như thầy Ninh mếu. Ninh òa lên khóc...
- Bu ơi là bu ơi!...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét