Kể ra gần cả đời anh tôi chỉ hai lần nhập viện và phải xa bến
sông trước mặt nhà anh lâu nhất. Bất đắc dĩ gần như bị đám cháu trong nhà, gần
nhà, vừa ngọt lạt vừa trì kéo hả hơi anh mới chịu ngồi xuồng gắn máy ra tới Bệnh
viện tỉnh.
Lần thứ nhất, xa bến sông hơn nửa tháng, tuy chưa dứt hẳn cơn
bệnh hiểm nghèo nhưng anh được trở về nhà. Những ngày đau yếu ở nhà, anh thường
bước liêu xiêu tới trước mái hiên nhìn đau đáu xuống bến sông mà ở đó chỉ một
chiếc xuồng be mười kèm với cái mui kết bằng lá dừa nước khom khom, neo đậu. Lẻ
loi một cây nạng gỗ khẳng khiu với chiếc gàu lá tát nước xuồng.
Lực bất tòng tâm là như vầy sao? Anh nghĩ. Thường thì giữa
hai vụ lúa ngắn ngày trong năm, thôi lẽo đẽo sau vườn, ngoài ruộng, anh nhảy độp
xuống xuồng chở chuối đi đổi lấy muối Long Điền về bán kiếm lời. Loại chuối
Khánh Bình được ủ chút phân dớn U Minh ra trái no tròn, vỏ căng thâm thâm bán
chạy nhất vùng biển mặn, nên mỗi chuyến đi anh tôi mang về vài tấm lợp, vài bao
xi măng, mấy trăm viên gạch nhấp nhử từng hạng mục sửa sang ngôi nhà mái “tôn”
vách lá của anh. Anh cứ phải dạng đôi chân trên sạp xuồng, hai tay quạt hai mái
chèo theo dòng nước chảy xuôi để dành dụm phần xăng cho chiếc máy Kô le cũ kỹ
chạy ngược dòng...
Rồi lần thứ hai nhập viện, sức khỏe anh tụt giảm đến mức lo
ngại. Nhiều lúc trong cơn mê sảng anh gọi con giật giọng: “Thằng Bé, thằng
Toàn, con Tùng chết đâu mất hết rồi, ra đây phụ kéo chiếc xuồng xuống bến chút
coi. Mau lên!”. Từ chỗ nằm nghiêng, anh cố vặn mình ngửa người trên giường, hỏi
nhỏ: “Tới đâu rồi vậy? Chợ Tắc Vân? Không, a hây, chợ Hộ Phòng!...” Lại quát:
“Dẹp hết thứ nước lọc trong chai ấy đi, sao bằng nước mưa! Tốn kém lắm!. Chở tới
đây cho tao một lu nước mưa uống mới đã khát, thằng Bé có nghe chưa vậy?” Không
chờ ai đáp, anh nhìn mọi người chung quanh bằng ánh mắt vô cảm. Người anh gầy
guộc, khô quắc nằm thiêm thiếp như ngọn đèn leo lét sắp tắt lịm lúc nào không
biết...
Rồi cho đến sáng sớm hôm ấy tôi được chứng kiến toàn cảnh “lo
lui” của một gia đình nạn nhân đau đớn và thất vọng biết dường nào: Những
gương mặt ngơ ngác, thất thần của đám cháu tôi. Những túm ni-lông, giỏ xách,
thuốc men... trở nên vô dụng lăn lóc dưới nền gạch. Khuôn viên bệnh viện sau những
cơn mưa dầm buổi sớm im vắng lạ thường. Trên chiếc xe ba gác được một người đàn
bà đẩy đi hối hả, anh nằm ngửa mặt lên bầu trời ong ong đang rắc đầy bụi mờ. Lại
mưa. Tôi lặng lẽ bước theo sau chiếc xe ba gác dưới cơn mưa lất phất xuống tận
bến sông trước cổng Bệnh viện ở cuối đất cùng trời này.
Thêm một bến sông lạ lẫm đưa tiễn người về bến sông!
Đám tang anh tôi được nhen nhóm trên một sân phơi nối liền ra
bến sông trước mặt nhà anh, giữa vườn cây trái tối mờ, lặng lẽ. Mọi việc diễn
ra như có sự xếp đặt trước của gia đình theo lời trăn trối khiêm nhường của
anh: Đơn giản từ mái che tiếp khách, từ cây tre cây trúc trong vườn đến ông thầy
cúng là ông già Ba Khía tốt bụng, năng nổ với cái ca i nox thường được vắt sau
thắt lưng lính Mỹ chết trận làm mõ tụng kinh. Còn mươi mười người chấp sự lễ
tang toàn tốp cháu gọi tôi bằng chú Út, cậu Út: Một thằng Đoàn con chị Ba điều
khiển cánh độ tỳ. Em kế Đoàn - thằng Thể - khư khư giữ dùi trống. Còn “Thắng
Ngã Ba” thay mặt chính quyền ấp lăng xăng hỏi tôi về vài đặc điểm gia cảnh của
anh tôi để điền vào khoản chừa trống trong bài Điếu văn viết sẵn dành cho tất cả
người cao tuổi trong vùng từ trần. Việc đâu vào đấy.
Dưới mái che ngột ngạt, người đứng người ngồi bít hết khoảng
sân phơi, tràn ra con lộ trải bê tông chạy vòng vèo qua xóm. Nổi bật lên giữa
đám đông là chú Sáu tôi với mái tóc bạc trắng như đội trên đầu thúng bông, lồng
ngực ông già được cài vào chiếc máy trợ tim để từ Sài Gòn ngồi suốt chuyến xe
đêm về tới nơi tiễn biệt cháu. Cảm động, nhoi nhói đau trong lòng nhiều người ở
chốn quê, có cả tôi, về sự có mặt của chú Sáu người gần gũi, san sẻ với anh chị
tôi thời niên thiếu, nhiều nhất chính là anh Tư Trí mới vừa từ trần.
Là đứa cháu trai được sinh ra sau hai người chị gái ở làng Tường
Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long, anh Trí được sự chăm sóc, nuông chiều của ông
bà nội, của chú Sáu. Và mặc dù sau nầy có thêm hai đứa em trai - Năm Thức, Sáu
Thạch - anh Tư Trí vẫn được ông bà nội cưu mang cho đi học hết bậc Tiểu học,
nói được tiếng Tây vanh vách...
Đinh ninh thằng cháu trai cao bay xa chạy trên đường đời tại
làng Tường Lộc, hoặc an cư lạc nghiệp ở làng Bình Ninh, Thiện Mỹ, ông bà nội
tôi không ngờ cha tôi im ỉm làm nghề thợ sơn, làm cò tàu khách chạy đường Trà
Ôn - Tam Bình dám làm chuyện động trời động đất đành tạm cắt đứt con đường tiến
thân của anh tôi. Ông bà nội tôi bị một phen lo sợ cuống cuồng khi nghe tin cha
tôi cùng đồng sự với dao rựa, gậy gộc lấy đồn Mã Tà cắm trên bờ sông Trà Luộc
buộc cả nhà phải đi lánh nạn.
Trên chiếc ghe lườn chở khẳm người và đồ đạc lỉnh kỉnh, ba
tôi thường đứng đăm chiêu ngắm chân trời phía Tây vừa giục vừa khuyên anh chị
tôi thay phiên nhau chèo. Dọc đường, anh Trí thường vùng vằng đòi ăn cá hấp
trên lớp lá mía, món bà nội tôi thường làm. Chị Ba tôi hồn nhiên, liến thoắng
hay đứng cầm cán chèo lái đẩy tới nhịp nhàng, đôi chân nhún nhảy giả làm đồng
nhi dâng đèn cúng để mẹ tôi đỡ buồn. Nổi lên anh Thức, anh Thạch trên đường tản
cư khăng khăng giữ lấy cây chèo mũi, ít chịu thay chèo cho các chị. Riêng anh
Thạch gồng lưng dưới trời mưa nắng, trơ trơ, lầm lũi đứng mũi chịu sào suốt mấy
ngày liền.
Chiếc ghe chậm rãi đi vòng, đi tắt. Ghe theo sông, bám
sông... Cho đến một bến sông im vắng, ghe dừng.
Đó là một vàm rạch nhỏ - Rạch Rập - có miễu Ông Bổn nằm ở ngoại
ô khu chợ Cà Mau thưa thớt dân cư. Nhờ một ít vốn liếng của ông bà nội gởi cho,
cha tôi quyết định dựng lên tại đây một Trại mộc. Cha mẹ tôi vẫn chưa hết lo lắng
nhưng tạm yên vì gia đình coi như chấm dứt cảnh tản cư lênh đênh trên sông nước.
Tôi được sinh ra trên nền đất cạnh miễu Ông Bổn, được chào đời trong nhiều nỗi
truân chuyên, nghiệt ngã chen lẫn niềm vui, hạnh phúc của gia đình mới vừa nhen
nhóm sau sự cố tản cư. Nhưng rồi không lâu, lúc tôi chưa đầy tuổi thôi nôi, cha
và hai người anh trai - anh Trí, anh Thức - bị Tây bắt áp giải về Bạc Liêu giam
cầm. Mẹ và anh Thạch phải nhờ chiếc ghe lườn nhàn nhã neo đậu dứơi bến
để lên lên xuống xuống Bạc Liêu thăm nuôi cha và hai anh tôi. Một lần
đi như thế, sức khỏe đôi mươi mười tám của anh Thạch không vượt nổi cơn cảm lạnh
đột ngột và bị chết dọc đường!
Hơn một năm ngồi tù, cha và hai anh tôi được thả. Lập tức,
theo hướng sắp xếp của cha: Tháo dỡ Trại mộc và rời bỏ ngay vàm Rạch Rập đi miết
tới bến sông trước mặt nhà anh tôi bây giờ.
Được Cách mạng cấp cho phần đất thênh thang tới mấy mẫu nhưng
bước đầu mỗi hộ dân chỉ cần một lõm trống dựng nhà. Dựng nhà xong, anh chị em
tôi ngâm ngấm nhớ anh Thạch, tuy biết rằng anh Sáu Thạch không về với anh em
tôi nữa! Nỗi nhớ người anh em xấu số chưa nguôi, kế đến phải tạm chia xa vài
người thân quen vì chén cơm manh áo lúc bấy giờ. Chưa kể cha tôi tìm về cơ quan
Kinh tài tỉnh ở tận Kinh Năm, Cái Keo. Còn lại nhà có cả thảy năm anh chị em mà
người lớn nhất là anh Tư Trí của tôi.
Anh Trí gồng vai gánh vác công việc nhà càng tăng thêm tính
khí nóng nảy, vội vàng và thường hay cáu gắt với chị em tôi. Nhất là chị Tám hiền
như cục đất thường hay nhớn nhác, sợ hãi mỗi lần anh trai sai bảo. Ngược lại, chị
Bảy, chị Chín ngang ngạnh, bướng bỉnh không sợ anh nhưng vẫn thương anh vì thấy
ông anh làm ăn đầu tắt mặt tối, không rượu, không trà, không hút thuốc. Mà thật
vậy, thay vì theo mẹ tôi mua gánh bán bưng, đằng nầy anh Trí mày mò tập đóng
đàn, loại đàn thông dụng nhất thời chín năm kháng Pháp - đàn măng đô lin.
Không rõ anh móc nối từ đâu có gỗ thao lao về làm thùng đàn?
Còn bộ khung lẫn cần đàn chỉ dụng cây sung, cây gừa, mù u rải rác trong nhiều
khu vườn tạp. Chất keo dán gỗ là bong bóng cá đường ở vàm biển sông Ông Đốc
mang về nấu bã ra rồi đổ vào cối giã cho đến khi bong bóng thành chất keo kết
dính.
Chín năm kháng Pháp thiếu thốn, gian khổ nhưng vui. Phong
trào văn nghệ Cách mạng lan tỏa ra khắp vùng rộng lớn. Cánh chơi đàn
măng đô lin, ghi ta từ ngã ba xóm thả ra vàm rạch nhập với cánh anh Chín Lợi,
Út Đính con ông Hai Thưởng và chị Hai Màu đàn hát, nhảy múa, diễn kịch từ trong
nhà ra tới sân khấu ngoài trời.
Anh Trí nhút nhát không quen sáp vào chỗ đám đông, nhưng lạ
kia, nhiều lúc anh dẹp ngang công việc đóng đàn chạy đi nói tiếng Tây tiếng u
vanh vách với vài hàng binh người Pháp chính hiệu. Anh đối thoại trực tiếp, thậm
chí còn làm phiên dịch nhiều lần trôi chảy khi người ta cần tới anh. Cộng với
thời hoàng kim của loại đàn măng đô lin khiến nhiều người ngỡ ngàng và quan tâm
tới “Tư Đờn” - một cái tên mới do bà con trong vùng đặt cho anh - Trong số người
đặc biệt quan tâm anh Tư Đờn, đáng kể nhất là chị Hai Màu nhà ở giữa xóm.
So với Út Đính mặt sáng trưng như trăng rằm, vẻ đẹp phơi bày
rạng rỡ dễ nhận từ xa, ngược lại, chị Hai Màu không trội hơn Út Đính bề nổi, chị
Màu có nước da ngăm ngăm duyên dáng bề chìm, nhìn lâu thấy ngấm nhờ mọi đường
nét trên gương mặt chuẩn mực, hài hòa từ sóng mũi thẳng, mặt trái xoan tươi tắn,
đôi mắt hạt nhãn long lanh... Cùng tuổi với chị Bảy tôi - tuổi hai mươi - nhưng
chị Màu cao lớn phổng phao, đầy đặn, khiến anh tôi để tâm nhiều đến chị.
Là thợ đóng đàn măng đô lin nổi tiếng, anh tôi còn biết đánh
đàn, dạy đàn. Cách vài ba hôm có một lần chị Hai Màu tới nhà nhờ anh tập cho chị
đánh đàn hoặc anh ngồi đàn cho chị hát. Trước những đôi mắt tò mò, tinh nghịch
của ba bà chị tôi thường thì giữa giờ dạy đàn, hai người nhìn nhau đăm đắm. Chị
Màu dạn dĩnh, hồn nhiên, có lần nhìn anh, hỏi: “Anh Tư Đờn giỏi chữ nghĩa ghê,
lại còn biết làm tính nhân, chia, trừ, cộng, nhưng tại sao anh Tư không đi làm
Kinh tài cho dân nhờ?” Nghe hỏi, anh tôi nhún vai, lắc đầu: “Ai cũng đi làm cán
bộ hết lấy ai làm dân? Thà làm dân thường, sướng!...” Nghe vậy, chị Màu hỏi gạn: “Không đi làm cán bộ nhưng cô Bảy nhà nầy xuống Cái Keo chỗ bác trai ở học dệt
vải được không?” Nghe chị Màu hỏi, anh tôi chúm chím cười. Anh nở gan nở ruột
vì thời quần bô áo bố mà trong nhà có người đi học dệt vải. Gái quê học dệt vải
sang không thua gái Sài Thành! Anh nghĩ. Thay vì trả lời từng câu cụt ngủn, anh
tôi đáp thao thao: “Được thôi, là vì trước hết nhà bớt một miệng ăn, kế nữa cô
em có nghề. Làm dân thường biết thêm nghề, càng sướng cái thân. Nhất nghệ tinh,
nhất thân vinh mà!” Chị Màu nén cười, thôi hỏi anh điều gì nữa rồi tiếp tục ngồi
học đàn.
Qua vài lần gần gũi, thân tình với chị Màu, tính tình anh tôi
đổi khác. Khó đăm đăm, cau có, gắt gỏng là lẽ thường, nhưng nay đang nắn nót cần
đàn, vô trục đàn, anh thường dừng tay ngồi ngong ngóng nhìn sang bên kia
sông...
Vẫn trên nền đất của ông Hai Thưởng ngang mặt nhà tôi, ngoài
anh Chín Lợi, chị Út Đính nay có thêm vài đứa con ông Thưởng về đây mở lớp dạy
học. Vẫn cánh chơi đàn ở ngã ba kéo ra. Sân nhà ông Hai Thưởng biến thành một tụ
điểm vui chơi văn nghệ.
Chị Hai Màu vài lần từ chối không lên sân khấu ngoài trời
song ca với chị Út Đính, loáng cái, chị Màu lẩn vào đám đông rồi len lỏi xuống
bến sông bơi xuồng sang nhà tôi. Ai chứ chị Màu tới nhà tôi bằng đường sông đều
bị mấy chị tôi phát hiện ra từ dưới bến: Tiếng khua xuồng lụp cụp, chẫm rãi
nghe khác lạ. Nếu không nghe được tiếng khua xuồng cũng nhờ đêm trăng sáng, nhờ
cây bần ổi lập lòe ánh đom đóm, thêm nữa, do xuồng chị Màu khép sát sạt vào voi
lá dừa nước làm vài con chim vỗ cánh vụt bay lên. Biết mẹ tôi vắng nhà, tiếng
chân chị giẫm thình thịch, gọi tiếng lớn: “Bảy, Tám, Chín đâu? Còn ông già háp
Tư Đờn ngủ, thức? Dậy hết đi!...” Chưa nghe tiếng ai đáp nhưng nổi lên tiếng cười
khúc khích, khe khẽ của mấy người chị tôi nơi nghạch cửa. Không đợi anh tôi thắp
ngọn đèn mỡ cá soi đường như mọi khi, chị Bảy tôi tiến ra trước liền bá vai chị
Màu đưa vào nhà. Gian nhà im vắng lúc đầu hôm bỗng chốc vỡ ra tiếng cười tiếng
nói toàn giọng nữ y hệt tiếng vịt đàn tao tác lên đồng.
Anh tôi không dự vào chuyện của phái nữ nhưng ngồi chờ chực kề
bên cây đàn măng đô lin. Chị Màu giữ ý đợi cho đám đông ngang sông thưa dần,
tan hẳn, chị mới tự nhiên kéo mấy chị em tôi ngồi vào chỗ chị. “Ba cây văn nghệ
nghiệp dư” trong nhà tôi luôn nhường cho chị Màu. Giọng nói thơ Bạc Liêu là đà,
trầm bổng quen thuộc toát lên từ bài ca vọng cổ bị cấm kỵ lúc bấy giờ, chị Màu
dạo đầu, anh tôi nhanh nhảu lướt mấy ngón tay trên phím đàn đuổi kịp lời ca của
chị:
“Con ra, mà, mặt trận, giữ gìn biên cương
Thà rằng chết ở chiến trường
Còn hơn, mà, chết ở trên giường thê nhi
Phản công súng nổ đì đùng...”
Chị Màu thường lập lại đôi lần bài hát theo điệu nói thơ Bạc
Liêu rồi chuyển sang bài khác. Anh tôi chịu khó ngồi hằng giờ tập cho chị Màu
quen với tiếng đàn, nhịp đàn. Tiếng đàn măng đô lin của anh không được dòn tan,
réo rắt như anh Bá, anh Xiếu ở ngã ba xóm nhưng kết dính, nâng bổng tiếng hát
trong trẻo, miên man của chị Màu.
Càng gần tới ngày hai chị em đi học dệt vải, chị Màu thường
lui tới nhà tôi, chơi thân với chị Bảy tôi. Mỗi lần chị Màu lội xuống biền lá đốn
ráng bó chổi, chị Bảy lẽo đẽo theo sau tuốt lá ráng, gom ráng lên bờ. Chị Màu
càn lướt trên thảm cỏ bắt con cào cào làm mồi câu cá, chị Bảy lom khom vẹt vùng
trên thảm bèo cám, lục bình cho chị Màu thấy chỗ bỏ câu...
Rồi cho tới một hôm quá buổi trưa, hai người còn nấn ná dưới
lùm trâm bầu trên bờ đìa tận hậu đất vì một câu chuyện dính dáng tới anh tôi.
Chị Hai Màu chưa nói đã sụt sịt khóc: “Bảy coi, mới nói sơ sơ nhờ ảnh lấy xuồng
đưa tụi mình xuống Cái Keo, ảnh quạu...”. Chị Màu dừng. Khi đó, chị Bảy tôi bủn
rủn tay chân đánh rơi giỏ cá rô xuống đất. Chị Bảy giục: “Rồi sao nữa, bà nói
thiệt, nói mau nghe coi?” Vốn không giấu giếm chuyện lớn chuyện nhỏ với chị Bảy,
chị Màu đứng buồn buồn, kể lể một thôi dài: “Bảy coi, ảnh quạu ngang là một
chuyện, chuyện thứ hai ảnh còn than rát ruột nào là mất mấy ngày đi, ngày ở,
ngày về, thay vì ở nhà đóng hai cây đờn đổi lúa đủ ăn tháng giáp hạt...” Chị
Màu nói xong, cả hai người bạn gái đứng trơ ra, ngơ ngác...
Nhờ ngày mở lớp dệt vải lùi lại khá lâu khiến câu chuyện mới
vừa xảy ra giữa anh tôi và chị Hai Màu được dàn xếp êm thấm qua mấy người chị
tôi. Riêng chị Hai Màu giỏi chịu đựng, nhẫn nhịn trở lại một mực yêu quí anh
tôi như lúc ban đầu.
Tưởng vậy đã xuôi chèo mát mái, đã yên, nào ngờ lại xảy ra
chuyện khác, trầm trọng và tổn thương đáng tiếc. Đó là một lần chị Màu lỡ hẹn với
anh vì chèo chống lo công việc nhà, đường xa không về kịp, hôm sau mới trông thấy
chị Màu bơi xuồng tới bến sông, từ trên bờ anh tôi đã xỉa xói: “Dừng lại đi...
Tôi cứ tưởng cô đã chết rồi! Cám ơn cô”. Chị Màu nghe giật thót người, buông dầm,
một tay đỡ lấy vành nón lá hiện ra gương mặt ngơ ngác, đanh lại. Anh tôi vẫn
chưa chịu dừng, mặt nghệch ra, ngầu ngầu giận dữ. “Salut mademoiselle. Tu es
une jemme ignorante” (Chào cô! Cô là một người vô học). Lại thêm một câu tiếng
Tây khô khốc nghe chói tay. Chị Màu không hiểu được gì, và lần nầy chị Màu quày
quả bơi đi. Không rõ vì sợ hãi, bực dọc hay khinh khi anh tôi mà chị Màu cứ cắm
cúi bơi miết, không một lần nhìn ngoái lại bến sông, chỉ một lần thôi, vẫn
không.
Anh tôi ân hận nhưng không còn kịp nữa! Ngày chị Hai Màu và
chị Bảy tôi xuống Cái Keo học dệt vải, cả hai, lánh mặt anh lúc ra đi khiến anh
tự đánh mất một dịp tặng cho chị Màu khúc vải chăn đầm hồi còn ở làng Tường Lộc
được anh cất kỹ lâu nay. Thì ra con người ta thà cắn răng chịu đựng, vượt qua
cơn đau đớn tột cùng do những vết thương trên thân xác còn hơn buộc phải nghe
những lời phỉ báng cay độc làm băng hoại, tiêu tan tình cảm, tâm hồn con người!
Anh tôi ân hận và bị ám ảnh, đau day dứt suốt đời chỉ vì lỡ lời với
người thân yêu nhất.
Gần năm mươi năm rồi chứ ít gì. Sau khi mãn lớp học dệt vải,
do hoàn cảnh bức bách chén cơm manh áo lúc bấy giờ, gia đình chị Màu giã từ xứ
sở đi tìm nơi khác sinh sống. Xa lắm. Còn chị Ba, anh Thức, giờ đến lượt anh
Trí lần lượt theo anh Thạch về cõi vĩnh hằng. Ai cũng có mồ yên mả đẹp, còn anh
Sáu Thạch của tôi... một lần chính bến sông nầy chứng kiến cảnh bốc mộ trở về
tay không và nỗi thất vọng tột cùng của anh chị, của đám cháu tôi và bà con
láng giềng đứng ngồi chờ chực đón rước hài cốt anh Thạch về chôn cất sau vườn.
Ơi, một bến sông đã có trăm nghìn lần vơi đầy theo nước ròng,
nước lớn. Bến sông vẫn còn cái voi lá già nua, lụ khụ. Vực đất có cây bần ổi
đêm đêm lập lòe ánh đom đóm đã bị bom Mỹ bứng đi. Thay vào vạt lá mái dầm, bèo
cám, lục bình xanh rập rờn là một bến nước rộng dài với thảm rong đá nhuốm phèn
vàng ố đang lao xao sóng vỗ...
Tôi ngồi trên sạp ván lạnh lẽo trong mui xuồng của anh tôi dưới
bến sông, vừa ghi mấy dòng vắn tắt theo yêu cầu của Thắng vừa đảo mắt tìm vài
người quen năm nào thường xuất hiện trên nền đất ông Hai Thưởng ngang mặt nhà
tôi, nhất là chị Hai Màu ngồi đứng chỗ nào, chị Màu thay đổi ra sao lúc tiễn biệt
anh tôi?!...
Lễ an táng anh tôi bắt đầu cử hành.
Buổi chiều, sau những đám mưa tháng tám dầm dề, bầu trời
trong xanh, nắng chói chang khiến trên mái che như có ai thắp lửa. Trên nền sân
phơi, người đứng người ngồi chộn rộn dịch ra hai bên chừa lối đi cho cánh độ tỳ
gồm hai mươi trai trẻ rặt người trong xóm sầm sập tiến vào. Không đợi ông già
Ba Khía chấm dứt mấy hồi kinh dài thậm thượt cho người thân cúi lạy
lần cuối cùng trước khi linh cữu được rước ra phần mộ, “Thắng Ngã Ba” áo trắng
cộc tay bỏ vào thắt lưng gọn gàng, nhanh nhảu bước ra trước đám đông. Không khí
lễ tang lặng đi một lúc. Liền đó Thắng lấy giọng đọc hùng hồn và khá trôi chảy
bài Điếu văn bằng những câu chữ suông sẻ nhưng không thể giữ yên được đám đông.
Thắng đọc xong, đám đông liền bị cuốn vào người điều khiển dàn độ tỳ. Với hai
binh khí là hai cây roi lửa vung vẩy trên tay, mặt vẽ vằn vện, thằng Đoàn hiện
nguyên hình vai Vinh Quang mà người ta thường gặp trong nhiều đám tang ở quê.
Vinh Quang đi rảo giữa hai hàng độ tỳ, mắt nhìn nẩy lửa về hướng
vai ma quỷ mà người sắm vai ma quỷ lại là một anh chàng ăn chay trường quá
chén, cố uốn lượn một cách thành thục, điệu nghệ. Nhưng tiếc thay, giữa chừng,
vai ma quỷ khuỵu xuống. Chớp lấy thời cơ, Vinh quang vung vẩy hai
roi lửa tả xông hữu đột từ ngoài sân vào tới chỗ đặt linh cữu. Mới tập sự điều
khiển độ tỳ đầu hôm sớm mai, dư biết cậu mình thích đi sông nước, Vinh quang
chăm chút hai cây roi lửa; roi lửa kết dính vào hai cánh tay khuỳnh ra quạt hai
mái chèo đi trừ khữ loài tà ma sống trên sông nước. Lại áp sát chung quanh linh
cữu, Vinh Quang nhảy múa bằng đôi chân đôi tay cứng cáp, bằng linh thể bên
trong toát lên hết trên gương mặt hung tợn, áp đảo. Sau nốt, quỳ trước linh cữu,
với hai binh khí bốc lửa phừng phừng, Vinh Quang hô lớn: “Ta đây đã dẹp xong
ma quỷ cùng cô hồn các đản trên sông; xin được ngày giờ rước linh cữu lên đường.
Cẩn cáo!...”
Lập tức, hai hàng độ tỳ sầm sập bước tới... Thoáng chốc, đám
cháu tôi như ổ kiến vỡ, gào khóc lăn quay hai bên linh cữu. Trên đường ra phần
mộ, vài đứa cháu gái rời linh cữu, coi như đã mất cha, chạy sấn tới ôm ghì chú
Út.
Tôi bị rớt lại nơi đầu hiên nhà, kịp nén cơn xúc động và ngẩn
người vì vừa nhận ra một người khách đến muộn. Người đến trễ tràng, trời đất
ơi, đó chính là chị Hai Màu thuở nhỏ của tôi. Chị Màu hóa thành một bà già ngồi
đò dọc, cổ choàng khăn đen, đầu đội chiếc nón lá ngơ ngác nhìn bến sông nửa
quen nửa lạ. Nghiệt ngã làm sao cái số kiếp con người hẩm hiu, bé nhỏ: Anh tôi
sắp nằm yên nghỉ vĩnh viễn dưới lòng đất, còn chị Hai Màu rong ruổi mới vừa tới
bến sông!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét