Trần Mộng Tú trong vườn hoa vàng
Năm thì mười họa, tôi vui vẻ nhận được một cuốn sách có chữ
ký của tác giả. Nhưng trong ít trăm cuốn đã nhận, chưa có người sáng tác nào
thuộc phái yếu. Năm 1991, tôi bất ngờ, sung sướng nhận được thi phẩm “Thơ
Trần Mộng Tú” do chính tác giả ký, gởi tặng. Thú thật, nhờ được giới thiệu trước,
nỗi vui sướng của tôi mới thật sự trọn vẹn, bởi quý danh của người có lòng, thiếu
đi một chữ duyên dáng, xác định cần thiết của những người đẹp. Căn cứ vào chữ
“Mộng’ đầy yểu điệu thì chưa đủ. Nam nhi đâu thiếu những người dùng
chữ xinh đẹp này. Việc tôi được tặng sách cũng không phải là sự tình cờ, và chắc
chắn cũng không phát xuất từ tự nguyện. Tôi nhận được quà, nhờ nhà văn Nguyễn
Đông Ngạc. Trong một lần đến nhà Ngạc chơi, theo thói quen, chúng tôi tán dóc về
chuyện sách, báo. Lần đó, chúng tôi nhắc về những cuốn sách mới xuất bản. Tập
“Thơ Trần Mộng Tú” được nhắc tới.
Đã
có đọc thơ của tác giả này qua một số tạp chí Làng Văn, Văn Học,
Văn, Thế Kỷ 21… tôi buột miệng khen:“bà này làm thơ tới lắm”. Nguyễn Đông
Ngạc cười bảo: “thơ hay, người đẹp nữa đấy, nếu Hoán thích, để tôi giới
thiệu cho, chỗ bà con mà!” Anh nói thêm, chắc như đinh đóng cột: “Tôi
sẽ nói cô ấy gởi cho Hoán một tập thơ”. Thân mẫu của Ngạc là một bạn đọc của
các nhà văn, nhà thơ Việt Nam từ thời còn trong nước kéo dài đến nay,
tủ sách của bà gần như không thiếu một tác giả danh giá nào. Hôm đó bà có mặt,
nói tiếp lời Ngạc “cô ấy là con của một người làm sui với tôi, hồi ở Bắc
hai gia đình còn là láng giềng nữa”.
Tiết
lộ của thân mẫu Ngạc làm mất ngay chút xíu hy vọng của tôi. Con của một người
sui gia thì sự thân tình hẳn xa vạn dặm. Tôi nghĩ, việc Ngạc bảo sẽ nói cô ấy
tặng sách chỉ là vui miệng, nói dóc chơi thôi. In sách, tặng sách,
có thể nói như phim Tàu là chuyện “thiên kinh địa nghĩa”, nhưng người tặng sách
ít ra phải biết đại khái về người sẽ nhận quà. Tôi thì chập chờn vài bài thơ
trên ít báo hải ngoại dễ gì được ai biết.
Nhưng
tập thơ với chữ ký tác giả đã đến với tôi vào ngày 10 tháng 6 năm 1991, trong
lưng bìa sau của tập thơ, tôi có ghi rõ ngày vui này. Tôi không còn
nhớ hết nỗi khoan khoái của mình khi cầm tập thơ xinh xinh trong tay. Nỗi xúc động
khi nhìn hàng chữ đề tặng và cả chữ ký vô cùng giản dị của chị Tú: Chữ “t”
không viết hoa dính liền với chữ “m”, chữ “m” dính liền với chữ
“tú”, cũng không viết hoa và có dấu sắc đàng hoàng, nhìn chung như một chữ viết
bình thường, ai cũng nhại tuồng chữ được. Chị Tú lại còn nâng tôi lên cấp “thi
sĩ” nữa thật là thú vị. Chắc chắn trăm phần trăm tôi đã viết thư cảm ơn chị. Việc
làm đương nhiên này, suốt đời tôi chưa quên thực hiện lần nào, khác với một số
ít bạn “ngon lành” ngày nay, nhận sách rồi im luôn, không một hồi âm cho người
gởi sách khỏi lo thất lạc, dù có đủ phương tiện thông tin không mất tiền như điện
thư. Tôi và nhà văn Song Thao, thỉnh thoảng cũng gặp những vị “ngon lành” quên
phép lịch sự này.
Tập
“Thơ Trần Mộng Tú”, nền bìa trắng bóng. Họa sĩ Khánh Trường trình bày với chính
bản vẽ của anh: Khuôn mặt thiếu nữ nhìn nghiêng, có tóc, có cổ nhưng thiếu vai,
màu sắc đậm đà. Người Việt đứng tên xuất bản. Bìa sau để lưng trần, không chữ,
không hình vẽ nào. Nhìn chung rất nghệ thuật, thanh thoát. Sách dày 120 trang,
được xếp trang theo thứ tự: trang 3, ghi hai dòng, sát nhau; dòng
trên chữ Thơ. Dòng dưới: chữ Trần Mộng Tú. Trang 5 là trang mặt của
cuốn sách, trình bày chữ Thơ nhỏ phía trên, chữ Trần Mộng Tú khá lớn
nằm cách xa dưới chữ thơ, gần cuối trang giấy tên nhà xuất bản Người Việt và
năm xuất bản được in dòng dưới, tất cả dùng font chữ Monotype
Corsiva. Ở trang 6, giới thiệu những sáng tác đã xuất bản của Trần Mộng Tú, kể
từ 1990 về trước, gồm:
Tuyển
Tập Thi Ca, in chung cùng nhiều người, thơ viết trong khoảng thời gian
1975-1977, do Bố Cái tại Hoa Kỳ xuất bản.
Thơ
Việt Nam, Chiến Tranh, Lưu Đày, in chung cùng nhiều người, do Gìn Vàng Giữ
Ngọc, Hoa Kỳ xuất bản năm 1976.
Trăng
Đất Khách, tuyển tập truyện ngắn của các cây bút nữ tại hải ngoại, do Làng Văn
tại Canada xuất bản năm 1987.
Ở
trang 7, giới thiệu những chi tiết thường lệ của một cuốn sách,
trong đó ghi:
“Bìa:
Khánh Trường, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp
Phụ
bản họa: Khánh Trường, Thái Tuấn, Nguyên Khai, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp
Phụ
bản nhạc: Hoàng Quốc Bảo, Vũ Thái Hòa, Tiến Dũng, Trần Trung Ngọc”
Trang
9: Lời tựa, do chính nhà thơ Trần Mộng Tú viết, nguyên văn:
“Những điều tôi muốn giữ kín cho riêng tôi thì tôi lại bồng bột đem viết cả vào
thơ. Tôi làm thơ nghĩa là tôi để tinh túy hồn tôi tuôn ra cùng mực. Tôi thu vào
lòng tôi những yêu thương hạnh phúc, những phiền muộn, ngang trái của cuộc đời,
để dành mãi trong một góc hồn, không chịu nổi phải viết ra thành thơ.
Tôi
là con tằm ăn hết lá dâu non, dâu già thì tự động phải nhả ra những sợi tơ.
Tôi
làm thơ nghĩa là tôi chuyện trò cùng cây cỏ, tôi tự tình cùng trăng sao, tôi
khóc than cùng sông nước.
Tôi
không thể bước thản nhiên lên một chiếc lá vàng mà không nghe hồn mình rúng động.
Tôi vỡ òa và tan thành trăm mảnh vào những đêm trăng sáng.
Sông
nước đã cuốn tôi theo không phải là để nhận chìm mà là để cho lòng tôi run rẩy.
Mùa xuân đến thì hồn tôi đâm lộc xanh, nở hoa vàng, thơ tôi
cười, thơ tôi hát. Nhưng vào thu thì hồn tôi rớm đỏ như những chiếc lá phong,
thơ tôi trôi vào một giòng sương đục.
Những
đám mây trắng mùa hạ cũng cám dỗ tôi và treo thơ tôi lơ lửng trên những cánh ve
sầu. Tôi úp mặt giữa hai bàn tay bé bỏng vào những buổi sáng mở cửa nhìn ra một
mảnh đất trời trắng xóa. Tôi gãy vụn như những cánh bướm tuyết rơi vào khuôn cửa
kính. Tôi và mùa đông tan thành thơ.
Tôi
làm thơ, nghĩa là tôi đọc 1000 trang sách rồi viết tiếp chương 1001. Tôi soạn một
bản nhạc mà không phải dùng đến âm giai.
Tôi
làm thơ nghĩa là tôi hát một bài hát mà không cần giọng kim giọng thổ. Tôi vẽ một
cây cầu vồng mà không cần đến những ống màu bảy sắc khác nhau.
Tôi
làm thơ nghĩa là tôi chúc tụng hạnh phúc mà không phải đi dự tiệc tân hôn, ai
điếu lòng người mà không cần phải đến nghĩa trang.
Tôi
dùng ngôn ngữ để cô đọng ngôn ngữ, và tôi rất hài lòng. Vì phải chăng thơ là
tinh hoa của ngôn ngữ?
Mời
bạn hãy bước vào cánh đồng thơ tôi, tuy chưa được mênh mông bát ngát, nhưng xin
bạn hãy cẩn thận vì cánh đồng thơ tôi không có hàng rào”.
(Trần
Mộng Tú 4/90)
Có
thể xem đây là một bản tuyên ngôn về sự việc làm thơ của tác giả một cách thú vị,
tinh tế. Tiếp sau văn bản này là 58 bài thơ, như 58 luống hoa của Trần
Mộng Tú. Khởi sự bừng nở với Người Đàn Bà Thi Sĩ Việt Nam. Một chút cái
tôi của chính nữ sĩ được giới thiệu, được tường trình bằng những hình ảnh thật
đặc biệt, phát sinh từ hoàn cảnh đất nước, trong một giai đoạn đáng
buồn của lịch sử.:
“Mẹ tôi
chuyển dạ trên một chiếc xe rơm
Có
hai con bò kéo
Hai
con bò nào hiểu
Đang
chở một thi sĩ trên lưng
Và
thi sĩ ra đời
Bài
thơ đầu tiên là tiếng hát…”
Dù chính
xác hay chỉ thi vị, hư cấu, những dòng thơ trên thật là đẹp. Hình ảnh người thi
sĩ này đến với cuộc sống có phần khác thường nhưng không bi thảm.
Tôi nghĩ, không chỉ đôi bò mà cả chiếc xe, cả những cọng rơm lót ổ trên xe, đều
linh cảm được sự có mặt của một nguồn sống tràn đầy văn hóa sau này. “Bài
thơ đầu tiên là tiếng khóc” quả thật như vậy. Bởi tiếng khóc ở thời điểm
nào, cho hoàn cảnh nào cũng rất gần với thơ, nếu ta lắng lòng cảm nhận. Những địa
danh, những con đường, những khoảnh khắc hít thở, đến một cuộc tình lần lượt được
sống lại, được gọi tên như từng mũi dao, có đủ đau thương, chua xót khắc sâu
vào tim, vào não của một người giàu chân tình. Suốt cả chiều dài bài thơ là những
gợi nhớ, gần như riêng tư với bao nhiêu vết tích đã và đang trở thành kỷ niệm.
Nhưng thật linh hiển, những nét riêng biệt bỗng trở thành hình ảnh chung của
nhiều phụ nữ hiền thục Việt Nam: biết tạo dựng và nuôi dưỡng hạnh
phúc gia đình:
“Buổi
sáng người bố đi làm
Các
con đi học
Mẹ
ở nhà nấu ăn, làm bánh, làm thơ
Bạn
bè đến nhìn vào
Khen
gia đình tôi hạnh phúc…”
Người
phụ nữ biết làm thơ có thật sự nhiều nước mắt hơn những người đàn bà
bình thường, dù nàng là những danh nhân, công chúa như Chiêu Quân, Hạnh Nguyên…? (… Hỡi nàng công chúa Huyền Trần/ khi nhớ quê đã khóc được bao lần/ chắc khóc
ít - vì không phải là thi sĩ. - Thơ Trần Mộng Tú). Tôi nghĩ rằng,
những người phái đẹp biết làm thơ, sẽ biết nhiều cách khóc tuyệt diệu. Làm thơ
nhiều khi cũng là một cách khóc.
Trần
Mộng Tú tiếp tục vẽ chân dung tâm hồn mình trong hầu hết những bài thơ của chị.
Chị sử dụng nhiều thể loại. Bảy chữ, năm chữ, tám chữ, lục bát, tự do với câu
ngắn tiếp câu dài… chỉ là những phương tiện để sắp đặt ngôn ngữ. Ngôn ngữ thi
ca lâu nay vẫn chỉ loanh quanh quen thuộc, và là của chung nhiều người. Gần đây
thêm được một số từ vốn không dùng cho thơ, nhưng chị Trần Mộng Tú không đụng đến.
Thơ cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác cần có sắc thái riêng. Cái căn cước của
mỗi người chỉ có điểm khác nhau ở nội dung. Cách xếp chữ, trình bày hình ảnh,
màu sắc xen lẫn việc biểu lộ chân tình cũng sẽ làm nên dáng vẻ riêng
biệt. Chị Trần Mộng Tú thành danh thi sĩ vì có khả năng này trước tiên. Trong một
điện thư cho phép tôi được Dựa Hơi, chị Tú căn dặn:
“… Anh
cần hỏi tôi điều gì cứ hỏi. Nhưng chỉ xin một điều là đừng có khen quá. Tôi dễ
bị ngượng khi nghe khen, vì bạn bè nhiều khi hay khen nhau một cách quá đáng,
làm độc giả bên ngoài khó chịu”
(Tue
14. Nov 2006)
Chị
Tú đã tế nhị và cẩn thận. Nhân đây, tôi xin thú thật,tôi có vài thói quen khi
phải trả lời những câu hỏi có tính cách nhận định, từ một số bạn có chút chút
quen biết hoặc chưa. Nếu đã đọc được một bài không ưng ý. Tôi thường trả lời: “có
thấy bài anh, xin lỗi chưa kịp đọc…”. Ngược lại, gặp một bài hay, tôi luôn
luôn ngắn gọn: “đọc rồi, thú vị lắm”. Ở câu trả lời đầu, tôi thiếu thật thà,
nhưng với câu trả lời sau, tôi rất thật tình. Cơ hội tôi khen bè bạn rất hiếm.
Một vài bạn văn in sách tìm không ra người giới thiệu cho tác phẩm mình đầy đủ
lệ bộ, mới áp dụng câu tục ngữ “không chó bắt mèo ăn c…”. Trong trường hợp bị
ép ăn này, tôi chỉ ba hoa, loanh quanh, với những câu đậm đà chất màu mè, nhưng
sạch sẽ bên trong là xong. Dĩ nhiên không thiếu điều đáng đề cao, khen ngợi
trong các tác phẩm của bằng hữu tôi. Ngay ở thơ, ở văn của chị Trần Mộng Tú
cũng vậy. Nét đẹp của thơ văn chị, tôi không nói lên được, không phải vì lời dặn
của chị mà vì tôi thiếu khả năng để diễn đạt sự cảm nhận, thưởng ngoạn của
mình. Cảm nhận cái tinh túy của một tác phẩm không khó, nhưng phân tích cái giá
trị đó thành bài bản, thuyết phục người khác đồng quan điểm với mình không phải
là chuyện dễ. Để có một vài cái nhìn về thơ chị Trần Mộng Tú, tôi xin trích một
số nhận xét:
“Có
thể nói Trần Mộng Tú là nhà thơ nữ được biết đến nhiều nhất ở hải ngoại. Ngôn
ngữ thơ Trần Mộng Tú chuẩn mực, nghiêm túc, giống như ngôn ngữ của một nhà
giáo, cân nhắc từng lời mình buông ra. Dù vậy, nhà thơ vẫn không giấu được một
khối tình cảm đầy ắp ở bên trong. Đầy mà không tràn. Tình yêu cũng chuẩn mực
như chính ngôn ngữ của cô; hay đúng hơn, ngôn ngữ đã được chuẩn mực hóa như
tình yêu của cô: vừa phải, chừng mực, nhưng không kém vẻ sâu sắc, ý vị.
Thơ
Trần Mộng Tú là thơ tình. Thứ tình rất keo sơn, thủy chung. Thứ tình bất tận.
Tình yêu quê hương. Tình yêu gia đình. Tình yêu đôi lứa và đặc biệt, tình yêu đối
với cuộc đời, dù với bao cay đắng, phũ phàng. Trần Mộng Tú luôn ca tụng lẽ thiện
và niềm hạnh phúc chung cho con người, nhưng không thù ghét cái ác, người ác.
Thơ cô là biểu tượng lòng bao dung tha thứ của một người mẹ, một người chị, một
người em gái, mở rộng vòng tay đối với những sai lầm, man trá, tàn ác...” (Vinhhao.net/Doctho/tranmongtu.htm)
“… Trần
Mộng Tú là nhà thơ tiếng tăm hải ngoại. Mọi thứ tình người tràn trề trong tâm
chị, trào ra ngọn bút ngọt ngào tươi tắn, chị không trau chuốt mài dũa từng chữ
nên thơ chị cực kỳ trong sáng gây xúc động. Bài thơ nào cũng có tình thương yêu
như hạt kim cương lấp lánh đã tạo cho Trần Mộng Tú một giọng thơ-văn riêng biệt.
Thơ chị là món quà quý hiếm còn sót lại giữa thời buổi thơ hậu hiện đại bắt đầu
mở màn cho kỷ nguyên mới khác”.
http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/
TranMongTu/GioithieuTMT.htm
Thơ
Trần Mộng Tú không chỉ được phổ biến, đón nhận tại nhiều quốc gia có người Việt
cư ngụ. Những người có lòng với văn học tại Việt Nam cũng sớm giới thiệu
thơ chị đến với bạn đọc trong nước. Có lẽ ngoài ba tuyển tập thơ: Vầng Trăng
Lưu Lạc do Hội Nhà Văn Hà Nội xuất bản năm 1994, Thơ Việt Nam Hiện Đại
do nhà xuất bản Hội Nhà Văn sưu tầm, xuất bản năm 1995 và Thơ Tình Việt Nam và
Thế Giới do ông Nguyễn Hùng Trương (Khai Trí) sưu tập, nhà xuất bản Thanh Niên ấn
hành, thơ Trần Mộng Tú còn được tuyển in trên nhiều tuyển tập khác tại
Việt Nam.
Định
cư tại Hoa Kỳ, nhưng nguồn cảm hứng của Trần Mộng Tú được lượm từ nhiều quốc
gia. Những con ngỗng bay từ nước láng giềng Canada, đã may mắn được
sống đời cùng thơ chị. Đây là bài thơ “Chàng Ngỗng Gia Nã Đại Trong Vườn Thú
Issaquah” ở hai trang 288, 289 của tuyển tập Thơ Việt Nam Hiện Đại, gồm đầy đủ
phần dẫn nhập và thơ:
“Hàng
năm cứ vào đầu mùa thu, từng đàn ngỗng Gia Nã Đại (Canada Goose) rủ
nhau kéo về Bắc Mỹ để tìm nắng ấm rồi từ đó lại xuôi dòng về Trung Mỹ để trốn
mùa đông. Ngỗng cứ đi, đi mãi và dừng lại ở bất cứ dòng sông, mặt hồ nào ấm áp.
Trên hồ Sammamish chảy qua thành phố Issaquah, nơi nàng cư ngụ có chàng ngỗng
ngơ ngác đi lạc vào vườn thu hoa cúc nhà nàng. Sau khi ăn hết những mẩu bánh hạnh
phúc trong tay nàng, chàng lại lững thững ra đi, tìm một dòng sông khác. Nàng đứng
nhìn theo, vài chiếc lông ngỗng bay bay trong gió, những vụn bánh rơi ở trong
vườn, vết sước giữa lòng tay nàng. Tất cả như một giấc mơ…
Mùa
thu vừa rẽ vào trong ngõ/ áo cúc vội khoe dẫy khuy vàng/ từng đám ngỗng
lạ theo nhau đến/ trên hồ đập cánh gọi vang vang.
Có
chàng mơ mộng như thi sĩ/ ngơ ngác lạc vào vườn hoa/ nàng ôm một vốc đầy vụn
bánh/ thấp tay mời đón khách phương xa.
Chàng
khẽ nghiêng đầu không lên tiếng/ cả hai lặng lẽ đứng nhìn nhau/ gió thu rạo rực
trên hoa cúc/ lông ngỗng bay bay trong mắt sầu.
Bên
ấy bên này bao nhiêu dặm./ dặm thời, dặm nước, dặm tương tư/ mỗi lần thu đến
chàng bỏ xé/ mảnh hồn lãng tử vẫy xa mù.
Khi
lá rừng phong thay sắc đỏ/ chàng sẽ theo đàn về chân mây/ mẩu bánh ân cần rồi
cũng hết/ chỉ còn vết sước giữa lòng tay.
Chàng
ngỗng nhâm nhi xong hạnh phúc/ lững thững quay lưng bỏ lại hồ/ nàng đứng giữa
vàng thu hoa cúc/ mối tình lông ngỗng xoá như mơ”
(Trần
Mộng Tú 9/92)
Trần
Mộng Tú là một thi sĩ khai thác trọn vẹn xúc cảm của mình. Những hình ảnh thường
ngày trong cuộc sống, những sinh vật, thực vật chị bắt gặp được thi vị hóa và
san sẻ hồn thơ của chị. Thú vị nhất là những sáng tác chị viết tặng những người
thân yêu trong gia đình và bằng hữu. Những bài viết này, có lẽ không chỉ gởi đến
những người được nhớ tưởng, mà được gởi đến, dành riêng cho chính cá nhân tác
giả. Bài “cho Cung đã mất” có tên Chuông Gọi Hồn Ai là một ví dụ:
“Mai em về người tình xưa còn đợi/ mắt nâu trong em xin mượn làm gương/ em sẽ kiếm
trong mảnh gương vỡ đó/ giải mây xanh thủa chưa mất Thiên Đường.
Mai
em về Người có lòng rộng mở/ tay bao dung ôm nhẹ chút dư hương/ em bé nhỏ đời
cuốn đi trong gió/ trái tim hồng sót lại một giọt sương.
Mai
em về hồi chuông xưa vẫn đổ/ Người có cùng em khóc cuối giáo đường/ ôi lạy Chúa
tình yêu lá trái đắng/ con cắn chia nhau từng múi đau thương.
Mai
em về tìm thăm ngôi nhà nhỏ/ bên thềm trăng Người có đón em vào/ em sẽ úp mặt
lên chăn gối cũ/ tìm hương xưa trong tóc rối ngọt ngào.
Khi
em về mắt nâu người khép kín/ gối chăn xưa bày bán giữa chợ đời/ trăng thơ mộng
vỡ tan trên thềm cũ/ chuông giáo đường rộn rã gọi hồn ai”
(Thơ
Trần Mộng Tú, trang 78, 79)
Xin
được ghi chú ngay ở đây: Nguồn gợi hứng, được nghĩ đến là Cung, nhưng
bài thơ vẫn chỉ vì Trần Mộng Tú mà có. Riêng nhân vật Cung tên thật là… Cung,
người chồng đầu đời của nhà thơ. Anh Cung là một nhà giáo, tốt nghiệp Đại học
Sư phạm ban Pháp văn. Sau một năm hành nghề, anh thi hành lệnh tổng động viên của
Việt Nam Cộng Hòa. Giấy gọi nhập ngũ đã tạo cơ hội lập sớm hôn thú giữa Cung và
Trần Mộng Tú, vào tháng 6 năm 1968. Hôn lễ của hai người chính thức thực hiện
vào sau lễ Phục sinh, tháng 4-1969. Việc lập hôn thú trước giống như trường hợp
của tôi và Lý, cốt yếu tránh những thủ tục xin phép, điều tra gia đình bên vợ,
theo hệ thống quân giai sau này. Chỉ chừng ba tháng sau ngày cho nhau hơi ấm da
thịt, anh Cung hy sinh tại mặt trận Rạch Giá tỉnh Kiên Giang vào ngày 30 tháng
7 năm 1969, trước thời hạn Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa có nghị định
cho phép giáo chức biệt phái về dạy tại nhiệm sở cũ, cũng chỉ chừng
ba tháng! Thảm kịch này không thiếu trong chiến tranh Việt Nam. Tôi mất một
ống chân khi trong túi đã có lệnh nhưng chưa kịp về một đơn vị an toàn hơn.
Chuyến
di cư sau cùng, ra đi khỏi cuộc đời của các nhà văn Mai Thảo, nhà báo Lê Đình
Điểu, nhà hoạt động xã hội Đỗ Ngọc Yến, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền… phải nói là thật
hoành tráng với những dòng người tiễn đưa, những nghi lễ nghiêm trang, những
chia buồn, tưởng niệm và càng ấm áp hơn với những dòng thơ chân tình của Trần Mộng
Tú. Mỗi bài thơ là một vòng hoa sống đời trên mộ người quá vãng. Vòng hoa của
chị dành cho cố chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21, Đỗ Ngọc Yến:
“Bạn
bè gọi nhau báo/ xuyên qua những ngôi nhà/ xuyên qua những thành phố/ xuyên qua
những vườn hoa.
Xuyên
qua nắng tháng tám/ ngưng lại giữa buổi chiều.
Anh
ấy đã đi rồi!/ Yến đã đi thật rồi!.
Anh
ấy đã đi rồi/ nghe như tiếng đá rơi/ tiếng rơi khô và gọn/ lăn về tận cuối trời.
Yến
đã đi thật rồi!/ nghe như chim bỏ tổ/ tiếng cánh đập trên cao/ thả cọng rơm
nào xuống.
bảy
năm ôm lấy bệnh/ dấu kim đầy hai tay/ Yến như chim rã cánh/ vẫn không mỏi đường
bay.
bảy
năm Yến thản nhiên/ nhìn thân mình hư hoại/ trí óc vẫn tinh khôi/ lửa đam mê cứ
cháy.
bảy
năm giữa tỉnh mê/ khi tỉnh làm chim Yến/ mang trái tim đại bàng/ khi mê làm đại
bàng/ vẫn mang hồn Yến nhỏ.
thôi Yến
ơi Yến ơi/ bình an bay đi nhé/ đừng tiếc chi củi lửa/ rồi cũng tàn tro bay” .
(Yến
Ơi! Yến Ơi - TMT, ngày 17 tháng 8 năm 2006)
Vòng
hoa dành cho nhà thơ Thanh Tâm Tuyền:
“Anh
Người
thi sĩ đó vừa chết hôm qua
Em
muốn gọi anh/ mà anh đã bỏ đi xa/ em hụt hẫng đứng nhìn buổi sáng/ trên mặt hồ
lặng thinh/ và dãy núi thì trắng toát đến rùng mình.
Chao
ôi lòng em buồn bã
những
câu thơ tự do/ rồi lấp vào trong đất/ nó mọc cùng cỏ xanh/ gió thổi đi xa tắp.
thời
gian rồi đi qua/ xóa mờ khuôn mặt/ những sợi tóc bỏ trần gian/ nằm trong đáy
huyệt/ và những ngón tay chàng/ sẽ mục thành phân bón.
mặt
trời đen/ mặt trời không mọc nữa/ và cả tên chàng/ chẳng còn ai bật lên thảng
thốt/ mặt trời không còn nữa.
chao
ôi lòng em buồn bã!
buổi
sáng kéo một vệt dài/ trên mặt hồ phẳng lặng/ câu thơ kéo dài/ một đường thẳng
nằm ngang nghĩa trang mùa xuân.
Thi
sĩ…
Cúi
xuống/ tình yêu và những cuộc biệt ly ở một nơi hư không.
Chao
ôi lòng em buồn bã!
Khi
anh trở về/ một thi sĩ đã đi qua biền biệt”
(Không
Đề, nghĩ tới TTT, tháng 3-2006 Trần Mộng Tú)
Vòng
hoa cho nhà văn Mai Thảo:
“Anh đi à?/ ừ đi/ anh đi thật à?/ ừ đi thật/ sao anh hay đi thế?/ đâu có hay
đi, từ năm 1982 đến nay anh vẫn ở đây/ không, em nói từ năm 1954 cơ, từ khi dọn
vào trong Nam/ anh dời đổi biết bao nhiêu chỗ khác nhau rồi/ lần này thì khác,
chỗ này là chỗ cuối/ có xa không anh?/ cũng chưa biết rõ nữa/ chưa biết rõ sao
lại đến?/ thì cũng phải đến chứ, chỗ cuối mà/ xa gần gì mình cũng đến được/ em
tiễn anh một quãng được không?/ được, nhưng khi nào anh rẽ ở khúc quành, thì
em chỉ nên đứng nhìn theo thôi đừng gọi với, để anh đi khỏi bận lòng/ anh có chắc
là về chỗ ở mới anh vui hơn ở đây không?/ anh không biết rõ, sẽ hỏi những người
bạn đã dọn đến trước anh/ thế liệu anh có nhớ những người bạn còn ở địa chỉ cũ
không?/ đến một lúc nào đó, có thể chúng ta quên hẳn nhau. Làm sao mà giữ mãi
được một liên hệ không còn hiện hữu nữa/ anh nói nghe buồn quá/ em biết rồi mà,
người ta chỉ giữ được những vật cổ ở trong Bảo tàng viện, chứ không giữ được
tình cảm ở trong một cái hộp kín rồi đem cất vào đó/ tình cảm. Tình cảm như hơi
nước, theo thời gian sẽ bốc hơi và bay đi/ thế người ta có cất văn
chương vào bảo tàng viện không?/ có, sau khi đã gạn đục khơi trong. Người ta chỉ
cất đi những viên ngọc, chứ không ai giữ những hòn sạn/ anh à, chỗ anh sắp đến ở
có rộng hơn căn phố một buồng của anh bây giờ không?/ tháng giêng thì bao giờ
cũng ở ngay trong tâm mình/ ở đó có chai rượu cho anh uống không?/ bạn bè chắc
thỉnh thoảng rưới lên anh/ anh à?/ và em không được gọi anh quay lại phải
không?/ khá lắm! thôi anh đi nghe/ vâng, anh đi em sẽ sẽ không gọi với,/ theo
anh.
Người
đàn ông quay lưng, đi về phía trước, dáng ông cao, thẳng, hai tay buông xuôi.
Ông đi thung dung về một địa chỉ mới”
(Trần
Mộng Tú, jan 10.98)
Và
vòng hoa cho nhà báo Lê Đình Điểu, một chủ nhiệm khác của tạp chí Thế Kỷ 21 (từ
1991-1996):
“Năm
ngoái anh về đây/ tháng chín không gian đầy nắng/ Dung ra ngoài vườn hái hoa/
mang vào một ôm cúc trắng/ bàn tay Dung đẫm hương thơm/ nụ cười buồn trong mắt.
Năm
ngoái anh về đây/ chiếc xe thoảng mùi thuốc bắc/ chúng mình đặt bao hy vọng/ sắc
trong nắm lá phơi khô/ hy vọng có bao nhiêu ngụm/ mình chia nhau mãi không đều/
có ngụm mặn như nước mắt/ Dung dành uống một mình
Năm
ngoái anh về đây/ bữa ăn buổi chiều thanh đạm/ tôi chan anh muỗng canh/ mà lòng
rưng rưng muốn khóc
Bây
giờ là cuối tháng năm/ hoa cúc trong vườn chưa nở/ không còn đón được anh về/
tôi đứng chơ vơ cùng nắng.
Sáng
nay lái xe đi qua/ con đường đón anh năm ngoái/ trong xe chiếc ghế bỏ không/ ngậm
ngùi với tay tìm bạn…”
(Ghi chú lặp lại: Những dấu:/ dùng trong các bài thơ, không
có trong các bản chính, dùng “/” ở đây để thay những dấu chấm và xuống dòng có
sẵn của bài thơ, với mục đích giảm bớt số trang mà thôi)
Đa
số thơ của Trần Mộng Tú có nội dung buồn bã, ngậm ngùi, nhưng một
đôi lúc người đọc bắt gặp được những hân hoan, lạc quan. Bài thơ Kiếp Sau của
chị được nhạc sĩ Nhật Ngân phổ nhạc, thật tươi vui. Những anh chàng làm thơ như
tôi, nghe xong mũi cứ như nở lớn mãi ra:
“Đêm
qua em nằm mơ/ Mẹ đem em gả chồng/ Cho một chàng thi sĩ/ Số chàng rất
long đong..
Hai
vợ chồng làm thơ/ Trong một gian lều nhỏ/ Mái dột, mái cứ dột/ Làm
thơ vẫn làm thơ.
Thơ chàng dán trên vách/ Thơ em che trời
mưa/ Một đàn con tám đứa/ Lớn lên chỉ mê thơ/ Ngoài vườn
đầy hoa nở
Trong
hồn ngập mộng mơ/ Cửa lều thường bỏ ngỏ/ Nên xuân đến bốn
mùa./ Thơ chàng làm em đọc/ Thơ em con đánh vần
Chàng
không biết trừ, cộng/ Em chẳng biết chia, nhân./ Mặc người đời mua
bán/ Mặc cuộc đời hơn thua/ Cả nhà làm thi sĩ
Nên
nghèo xác nghèo xơ./ Em cầu cùng thượng đế/ Kiếp sau có lấy chồng/ Xin
lấy chàng thi sĩ/ Dẫu biết chàng tay không”
Trần
Mộng Tú cũng là nhà thơ thành công trong việc hội nhập cùng dòng văn học xứ sở
mình cư ngụ. Sáng tác của chị được đăng trong sách giáo khoa Hoa Kỳ cho chương
trình trung học (American Literature Glencoe 1999), đã cùng những truyện ngắn
nhi đồng bằng Anh ngữ trên báo Los Angeles Times, giúp chị được bạn đọc người bản
xứ biết đến nhiều, có lẽ thành công này dẫn đến việc đoạt giải bình luận
(commentary) của The New California Media (NCM) “Etnic Pulitzers” vào năm 2003.
Thành công của chị được xem là nét “vẻ vang dân Việt” trên thế giới. Nhiều báo
chí Việt ngữ, nhiều trang điện toán đưa tin, tán thưởng.
Với
một thời gian chung sống cùng thi ca lâu dài, cũng như nhiều người làm thơ
khác, Trần Mộng Tú luôn luôn có ý niệm làm mới thơ của chính mình. Tuy nhiên sự
cách tân này, theo chị, phải luôn được đi kèm với những gì cần có để
có thể gọi được là thơ. Trần Mộng Tú không chấp nhận dùng những từ quá
đời thường cho thơ.
Cũng
tương tự như thời của nhóm Sáng Tạo tại Sài Gòn, phong trào làm mới thi ca tại
hải ngoại được phát động nghiêm túc và nhiệt tình. Chiêu thức làm lớn mạnh
phong trào cũng được lớp đàn em lặp lại của đàn anh bằng hai phương án: một, tấn
công, bôi nhọ, triệt hạ thơ được xem là cũ. Hai, sản xuất những bài thơ đồng phục
mới đối với thi ca Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ thành công nửa vời, chưa
đánh gục được thơ vần, vè cũ của Sáng Tạo, những người tự cho có trách nhiệm
làm mới thi ca Việt Nam có phần quyết liệt, cay cú và sắc bén hơn, điển
hình là nhà thơ Chân Phương dùng chính thể loại lục bát để triệt hạ thể thơ mà
nhiều người cho là rất dân tộc này. Trong tạp chí Thơ số mùa xuân 1995, anh
Chân Phương dùng thể 6/8 viết bài Mừng Thọ Lục Bát với 29 câu, những câu đầu:
“buồn
tình lấy giấy bút ra/ điệu quen lục bát ngâm nga giải sầu/sáo ngôn mai phục đầy
đầu/chẳng cần động não đã ào ào tuôn/ lối mòn sẵn trớn phóng luôn/ còn hơn nước
lũ trên nguồn chảy ra...” Có lẽ anh Chân Phương quên lửng bên cạnh thơ lục
bát còn có ca dao và thấp hơn một chút nữa là vè. Sự lãng trí này có thể xem
như là một đồng hóa cố ý. Thật tội cho lục bát. Anh Chân Phương dĩ nhiên còn viết
nhiều bài miệt thị khác, thâm thúy hơn nữa. Về mặt tạo ra cái mới, có phần
phong phú và đông đảo người góp tay hơn. Những gì bộ môn hội họa không chấp nhận,
bởi chưa đạt được tiêu chuẩn của nghệ thuật này, đều có thể chấp nhận là thơ
tân hình thức.Những sáng tác này được phổ biến khá nhiều trên tạp chí Thơ và một
ít ở Hợp Lưu.
Làm
phong phú chữ dùng cho thơ cũng là một việc quan trọng. Rất có thể những từ ngữ
quen thuộc đã cùn mòn vì “bị hiếp” quá nhiều nên nhu cầu dùng những chữ thực tế
của đời sống trong mọi sinh hoạt cuộc đời đều được anh chị em tân hình thức
trưng dụng. Một số từ vốn được dùng hạn chế nay xuất hiện một cách hiên ngang
trong bài Linda Mặt Ngang của nhà thơ Đỗ Kh, đăng trên Hợp Lưu số 31 (tháng 10
& 11-1996) đã gây bất mãn cho một số người làm và đọc thơ. Chị Trần Mộng
Tú, là một trong số này, dù chị là một nhà thơ tha thiết trong công việc làm mới
thi ca, từng có bài đăng ở tạp chí Thơ và Hợp Lưu. Trong mục Hợp Lưu Với Văn Hữu
Và Bạn Đọc, chị Tú có gần đầy hai trang phàn nàn. Cụ thể:
“... Tôi
cũng rất đồng ý với KT rằng: Thơ không có nghĩa là phải mông lung, mờ
ảo, kể lể than van, chữ nghĩa phải lấp lánh, cao cả, sang trọng
v.v... Nhưng ngược lại đổi mới thơ không có nghĩa là bôi bẩn vào văn chương. Nếu
danh từ nào mà khi chúng ta mở miệng ra nói chúng ta thấy ngượng miệng, thấy đó
là một tiếng thô tục thì nhất định cái tiếng đó không phải là “thơ” dù nó không
lấp lánh mờ ảo gì cả. Tôi e rằng các ông Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam, Khế Iêm, Ngu
Yên...đã nhầm lẫn giữa sáng tạo và văng tục...”
(Trần Mộng
Tú)
Những
phát biểu của chị Tú mở ra một cuộc sát phạt (chữ dùng của Kim Thi ) ngắn ngày
giữa hai phe. Trong những lời qua tiếng lại trên trang báo, tôi chỉ xin trích lại
đoạn thứ 5 trong lá thư có đánh số 7 đoạn của ông Phạm Trọng Luật viết vào
tháng 3 năm 1997:
“...
5) Tôi không hề muốn xâm phạm vào quyền tự do sáng tác của bất cứ ai. Tôi cũng
không than phiền khi nhìn thấy Linda Mặt Ngang hoặc Bốn Sợi Lông của Cùng Một
Người Đàn Bà trong Hợp Lưu. Song tôi thấy bất mãn trước câu trả lời trịch thượng
(?) của tác giả: «Tôi hoàn toàn ghi nhận hình ảnh tục tĩu của bài Linda Mặt
Ngang trong tấm gương Trần Mộng Tú, cám ơn bà đã cất công soi nó»... Có cái gì
không ổn. Nếu Đỗ Kh. có thể tự biện bạch rằng đầu óc anh không thô tục khi dùng
những từ mà xã hội cho là «tục» để nói chuyện khác, thì có lẽ cũng nên chấp nhận
rằng nghệ thuật hàm ý của anh chưa thành thục. Và nếu người đọc vẫn nhận định
các từ ấy là tục tĩu, thì điều này cũng không nhất thiết có nghĩa là đầu óc của
họ dơ bẩn mà chỉ đơn giản là họ hiểu tiếng Việt.
Cuối
cùng, tôi cho là Hợp Lưu đã trốn tránh trách nhiệm khi chỉ nhường quyền đối đáp
cho anh Đỗ Kh., mà không trả lời câu «Hợp Lưu một phần nào chịu trách nhiệm về
sự coi thường độc giả đó» trong thư chị Trần Mộng Tú. Hay đây lại là một vế
khác của «political correctness»? Nhà báo không trả lời vì nghĩ rằng mình chẳng
nên chọn lựa bài vở để đăng: sự chọn lọc này thường vẫn bị đồng hoá với một
hình thức kiểm duyệt ngầm”
(Phạm
Trọng Luật)
Giữ
mục Nhật Ký Ngày... Tháng... trên Hợp Lưu, Khánh Trường dưới bút hiệu
Kim Thi, ở số 34 (tháng 4 75-1997), kín đáo bày tỏ:
“... Chính
con người bằng khả năng ‘quỷ biện’ của mình, đã khai sinh ra trò chơi văn
chương thơ phú, lý luận... Trong đó có cả trò ‘tục mà thanh’, hoặc ngược lại,
‘thanh mà tục’. Đọc những câu thơ: ‘Phành ra ba góc da còn thiếu/ khép lại đôi
bên thịt vẫn thừa’/ ‘mát mặt anh hùng khi nắng cực../’quân tử có thương xin
đóng cọc, xin đừng mân mó nhựa ra tay’ Ai cũng biết bà Hồ Xuân Hương muốn ám chỉ
cái gì, dù, xét, trên mặt ngữ vựng, rõ ràng bà Hồ Xuân Hương chỉ mô tả một cách
rất thật thà những vật dụng hoa trái quen thuộc “cái quạt’ ‘trái mít’. Cách nào
đó, độc giả đã ‘toa rập’ với tác giả, để ‘qua mặt’ đạo đức, hầu yên tâm tha hồ
để trí tưởng tượng xa hơn vào những lãnh địa thần tiên của tính dục. Hơn thế,
còn cho rằng ‘kín đáo’;, ‘tế nhị’, ‘mờ ảo’ như thế mới là cao nhã, mới là... thơ!
Nằm
trong khuynh hưóng này, nhưng nhẹ nhàng hơn, liều lượng được ‘cân đo đong đếm’
cẩn thận hơn, là những bài thơ, những đoạn văn sử dụng ‘tài tình’ (và ‘tài
hoa’) những ẩn dụ rất xa xôi, bóng bẩy. Ví dụ vài đoạn thơ dưới đây của chị Trần
Mộng Tú trong bài Giữa Bình Minh (thi tập Để Em Làm Gió, trang 48, nhà xuất bản
Thế Kỷ 21, California, Hoa Kỳ 1996):
‘Em
uốn cong hơi thở
... Duỗi
thẳng rồi xoay ngang/ chân buông tay nới lỏng/.... Đầu gối co trong mình/ hai
tay nâng sức nặng/ nghe âm dương tỏ tình/... thân bóng chập chờn nhau/ tưởng hai
mà hóa một...’
Chị
Tú đang tự thuật việc tập thể dục buổi sáng đấy. Tế nhị, cao nhã, tài hoa và
lành mạnh quá. Nhưng mà... nhưng mà... quái lạ, nó gợi hình làm sao, mời mọc trí
tưởng của người đọc làm sao!”
Không
rõ có bao nhiêu người đẩy sự tượng tượng đi xa? Có một điều có thể tin nếu
không có chuyện loanh quanh bên cô Linda Mặt Ngang, thì Kim Thi không bỏ công
ghi những dòng trên.
Khánh
Trường, Ngu Yên, Chân Phương từng ghé nhà tôi chơi. Đỗ Kh, Khế Iêm cũng là bạn
văn của tôi dù chỉ liên lạc với nhau qua điện thư. Tôi quí trọng và thưởng thức
sự nhiệt tình đổi mới thi ca do các bạn có số tuổi đời ít hơn tôi này chủ
trương. Nhưng như đã trình bày trong mục Văn Nghệ Sĩ Việt Nam (tiểu sử,
tác phẩm, chân dung tự họa) được Hợp Lưu thực hiện, Tôi cho rằng Thơ cũng như
Tình Yêu, tự nó cứ mới hoài trong cái hình thức cũ: “Mở lòng định quét nước
vôi/ ngặt tình yêu vẫn đời đời mới nguyên”(LH). Có thể vì quá mê
thơ, tôi sai lầm khi đồng hóa thơ cùng tình yêu. Nhưng tôi vẫn giữ sự nhầm lẫn
này cho riêng cá nhân tôi. Tình yêu luôn luôn mới không phải vì sự tiến bộ về
quan niệm quan hệ nam nữ. Cũng không vì những cách tân trong các phong cách thực
thi tình dục. Cái mới của tình yêu còn khó giải thích hơn nghệ thuật hội họa,
thi ca. “nhịp móng sắt từ ngàn xưa lóc cóc/ lối đi quen không phải lối đi
buồn/ vẫn đường cũ mà mỗi lần qua lại/ hương trong lòng vẫn đổi mới luôn luôn” (Cỡi
Ngựa - LH). Xem ra có phần nào “ngựa tìm ngựa, trâu tìm trâu”. Do đó cái nghĩ về
thơ của tôi khá gần với chị Tú, khi chị trình bày quan niệm về thơ của mình
trong phần góp ý về Thơ Vần được tạp chí Thơ thực hiện trong số mùa Xuân 1997:
“Người làm thơ nào đặt bút viết bài thơ đầu tiên chắc cũng phải là một bài thơ
có vần (không nói đến chuyện hay dở vội). Thơ vần tạo ra âm nhạc, dễ nhớ, dễ
làm người đọc, người nghe rung động. Thơ vần nó đưa được tư tưởng liên tiếp
nhau như tiếng sóng dội kéo theo cái âm. Thơ vần còn nói lên được cái trang trọng
của chữ nghĩa, nó ép người làm thơ phải hiểu thấu luật bằng luật trắc. đọc một
câu thơ có bằng, có trắc nghe đã êm tai mà cái âm của nó còn dội vào trong hồn
mình. Người ta phải thật là nhuần nhuyễn về làm thơ vần rồi thì mới có thể làm
một bài thơ không vần hay được. Vì theo tôi những bài thơ tự do mà mình cảm nhận
được nó hay, mình nhớ được nó thì bài thơ đó khi đọc lên nó vẫn có bằng, có trắc
và có nhạc trong thơ.
‘Em
đi mỗi nhánh một lần/ nhánh xa đi trước, nhánh gần đi sau/ gió làm
nhánh tóc bay mau/ nhánh thơm em nhớ, nhánh sầu em thương /ngàn đêm ngàn nhánh
keo sơn/ mai về nhớ hỏi anh còn giữ đây’
Âm
nhạc tràn đầy trong bài thơ. Trong khi đó , tôi trích ra đây một đoạn thơ trong
bài thơ tự do Hoa Tuyết của Đỗ Qúy Toàn :
‘Khi
em rơi đọng trên cành tùng nặng trĩu/ em hiền hậu em nép mình nũng nịu/ anh sẽ
gọi em là mi mắt trẻ thơ/ mi mắt êm đềm/ mi mắt khép trên mặt đất
muôn đời/ phủ những cơn mơ’
Đoạn
thơ này có thể đọc đến 2 hoặc 3 lần mới nhớ vì nó không theo cái vần ép buộc của
lục bát nhưng nó cũng tràn đầy nhạc tính và ta thấy rất rõ bằng, trắc ở mỗi câu
xuống giòng.
Có
những người chưa hiểu gì về thơ vần cả mà hạ bút xuống làm một bài thơ tự do (bài
thơ không có vần) đọc lên ta biết ngay. Đó chỉ là văn xuôi viết xuống hàng, cho
chấm, phẩy tùy thích mà thôi., khác nào đứa bé chưa biết bò, chưa biết đi mà
trèo lên xe đạp phóng xuống dốc.
Nhưng
nếu chỉ vì chữ vần mà người làm thơ phải "ghép" chữ, "sắp"
chữ để đọc lên cho xuôi tai thì cái đó sẽ biến thành vè, mất hết ý nghĩa của
"Thơ Vần" đi.
Ở
bất cứ thời đại nào chúng ta cũng có thể làm mới được thơ - nếu chúng ta có cái
khả năng đó - nếu không có khả năng mà cứ nhắm mắt khen nhau thì chẳng bao giờ
đi đến đâu cả. Mẫu tự Việt Nam từ A đến Y ai cũng biết cả (nếu được
đi học hết tiểu học) nhưng sắp nhặt để thăng hoa nó thành thơ không phải là ai
cũng làm được. Niêm luật thì học từ Trung học đệ nhất cấp, nhưng không phải ai
cũng thuộc bằng bằng, trắc trắc để đem áp dụng khi làm thơ.
Một
bài thơ hay không bắt buộc phải là một bài thơ vần, cũng không nhất thiết phải
là một bài thơ phá luật, phá cách. Bài thơ hay là một bài thơ khi đọc lên người
nghe thấy bàng hoàng, xúc động, có khi nhìn rõ thấy cái hay của nó, có khi chỉ
nghe thấy cái âm hay của nó, có khi chỉ cảm được cái tứ hay của nó. Tựu trung
nó phải mang cái chất thơ ở trong câu, trong bài. Đổi mới thơ - đừng nói đến kỹ
thuật vội, hãy nói đến cách xử dụng ngôn ngữ. Có những ngôn ngữ rất hay, rất chải
chuốt, rất bóng bẩy, rất thơ mà chúng ta không dùng nữa vì thấy nó không còn
thích hợp ở thời buổi này:
‘Niềm
khát vọng ta ghi vào huyết sử/ Dưới chân em, thơ lạc mất linh hồn /Ta đau xót
trong mỗi giờ tình tự/ Ta khóc nhiều cả những lúc trao hôn’ (Đinh
Hùng)
Cũng
nụ hôn, cũng là thơ vần, nhưng chữ nghĩa mới mẻ hơn, giản dị hơn vẫn mang đầy
chất thơ:
‘Em
ngồi thơ thẩn nhìn đàn kiến/ Cụng đầu nhau giữa vách tường xanh/ Chúng hôn nhau
mãi mà không chán/ Như những hôm nào em với anh’ (Luân Hoán)
Du
Tử Lê có tài làm mới thơ trong chữ không phải trong kỹ thuật, ông ta đang tìm
tòi trong lãnh vực này:
‘Nhớ
em kim chỉ khíu tình/ Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre’
Chữ
"khíu" vừa quê mùa, vừa tầm thường chỉ có những người nhà quê mới
dùng khi nói về việc vá quần, vá áo. Khi thi sĩ đem nó vào thơ để vá tình, chữ
khíu bỗng trở thành một viên ngọc.
Thơ
vần hay không vần, mỗi thể thơ có một cái hay riêng của nó. Tuy nhiên nếu chưa
làm được một bài thơ vần gọi là hay thì khó mà thành công trong thơ không vần.
Khi nói đến thơ ta nói đến - chữ , đến ý, đến từ - Thú thực với vốn liếng hạn
hẹp tôi vẫn chưa hiểu được những bài thơ Bàn Cờ Tướng, Budweiser nó thơ chỗ
nào. Tôi vẫn còn đang suy nghĩ vì cái đầu óc thường thường bậc trung của tôi
thì thơ không có chữ, không có tứ không có ý thì tôi không gọi được cái tam
không đó là thơ. Chắc tôi còn phải học hỏi nhiều nữa trong lãnh vực này”.
Trên tạp
chí Văn Học số 114, tháng 10 năm 1995, chị Tú cho biết rõ hơn về chuyện sáng
tác:
“... Chẳng
có gì là quá vĩ đại cũng chẳng có gì là nhỏ bé trong văn chương cả. Cái lá
phong cũng có một đời sống riêng của nó, cánh cửa của một ngôi chùa đổ cũng có
linh hồn. Tôi ao ước viết được thật trung thực, thật hay những sự vật, những cảnh
trí, những mảnh đời, những rung động ở chung quanh đời sống bình thường của
tôi.
Viết
truyện ngắn thì phải nghĩ đi nghĩ lại cái cốt truyện trong đầu, rồi mới ngồi xuống
viết. Có khi viết xong lại đổi đoạn giữa, hoặc thêm vào hoặc bớt ra. Có khi
thay cả cái đoạn kết. Tôi thường mất từ hai đến ba tuần cho một cái truyện ngắn.
Làm
thơ thì dễ hơn và nhanh hơn. Đứng nấu ăn, rửa bát, làm vườn hay đi bộ, và ngay
cả trong khi lái xe (một mình), tôi làm thơ ở trong đầu, đọc lên thành tiếng,
rồi tối đi ngủ vào giường mới lấy giấy bút ra hí hoáy viết lại. Kẹt trên xa lộ
là lúc thích nhất để làm thơ.
Thơ
làm ra theo hứng. Không có hứng không ra thơ. Thơ mà phải suy nghĩ để tìm đề
tài thì tôi không bao giờ làm. Có thể là khi làm xong mới suy nghĩ tìm cách
thay một hai chữ cho đắc ý mà thôi.
Có
lẽ tác giả nào cũng viết cho mình trước tiên. Thế cho nên khi độc giả đọc mới
có thể nhận ra ngay là: văn phong dóng một, không có chủ từ này là của ông Mai
Thảo, cách chẻ sợi tóc ra làm tám là của ông Võ Phiến... Tác giả nào cũng dùng
thơ văn để nói lên cách suy nghĩ, diễn tả các xúc động riêng tư, biểu lộ cá
tính của chính mình. Khi đã được một số độc giả quí mến và hợp với cách diễn tả
của mình rồi thì lúc đó, độc giả với tác giả là một. Viết cho mình và viết cho
người. Tôi không ra ngoài cái thông lệ đó.”
Những
nhận xét cùng quan niệm về sáng tác này, nhà thơ Trần Mộng Tú một lần nữa xác định
trên đài tiếng nói Á Châu Tự Do (RFA) qua chương trình phỏng vấn của phóng viên
Mặc Lâm. Nhân đây chị cũng cho biết thêm:
“…
Tôi thích làm thơ tình, trước đây là vậy, bây giờ cũng vậy. Mà thơ tình thì nội
dung muôn đời giống nhau, nghĩa là phải là…tình. Mà tình thì không thể thô tháp
được. Tôi luôn luôn muốn đổi mới trong thơ, trong cách dùng ngôn ngữ. Có lẽ anh
nói đúng, thơ tôi bây giờ có vẻ cứng cỏi, không mấy chau chuốt, có mới hơn,
khác hơn. Mà không khác sao được, một chục, mười lăm năm trôi qua rồi.
…
Tôi thích đổi mới, luôn luôn đổi mới, và theo tôi đổi mới có nghĩa là chữ phải
lạ, ý phải lạ, gây ngạc nhiên, NHƯNG VẪN PHẢI THƠ. Tôi không thích dùng những
chữ thô tháp trong thơ rồi gọi là MỚI.
…
Tôi không có ý dùng ẩn dụ này nọ đâu. Những hình ảnh mà anh nêu ra đó là những
hình ảnh rất thân mật, rất gần gũi của đời sống hàng ngày. Tôi nhìn ngắm chúng
hàng ngày. Tôi yêu mến chúng. Tôi thích dùng những hình ảnh rất thân mật của đời
thường trong thơ.
Sẵn
trước mắt tại sao mình không dùng lại đi tìm đâu xa, phải không anh? Chân tay,
giầy dép, khăn áo, thân thể là những thứ mình chạm vào thường ngày, mình cho nó
là thơ thì nó thành thơ. Năm 2002 hay 2006 hay năm 2050 chăng nữa thì giầy hay
áo vẫn thơ như thường.
…
Tôi làm thơ như tôi thở, anh à. Nếu viết là một gánh nặng thì chắc chẳng bao giờ
tôi muốn mang vác cả. Văn chương là một phần của đời tôi, giúp tôi sống nhẹ hẫng.
Mỗi ngày tôi không viết, thì đọc. Theo tôi, nếu sống mà chỉ thuần nhất lo sinh
kế, lo miếng cơm manh áo, lo công danh sự nghiệp không thôi thì chắc đời sống sẽ
nặng hơn nhiều…”
(đăng
lại trên trang web: http://www.rfa.org/vietnammese)
Đến
với cuộc đời từ ngày 19 tháng 12 năm 1943 tại Hà Đông, nhưng gần mười năm ấu
thơ, Trần Mộng Tú được thành phố Hà Nội nuôi dưỡng. Theo dòng tản cư 1954, chị
vào sống tại thủ đô miền Nam, làm thư ký cho hãng thông tấn Associated
Press tại Sài Gòn. Suốt 7 năm (1968-1975) chị “lo tất cả những việc
linh tinh cho hãng: từ phát lương cho nhân viên, giữ sổ chi thu, mua bán hình ảnh,
thư ký cho ông chánh văn phòng, đi nghe họp báo bỏ túi, v.v...” (Bình Thủy,
1969, Hợp Lưu) Và cuối cùng được di tản sang định cư tại thành phố Seattle,
Washington vào cuối tháng 4 năm 1975. Hơn một năm sau chị thành hôn cùng
anh… Frank và có con đầu lòng sau hai năm sống trên xứ người. Những đứa con tiếp
theo làm giàu thêm hạnh phúc của chị. Trong đoản văn viết cho núm ruột đầu tiên
của mình có nhiều dòng hân hoan nhưng cũng óng ánh chút ngậm ngùi:
“… Con đầu lòng, một mơ ước
khôn nguôi trong tất cả mọi người đàn bà, một hạnh phúc tinh khôi nhưng thực muộn
màng cho mẹ. Mẹ hơn ba mươi tuổi, hết nửa đời người mới có được con. Hết nửa đời
người trên quê nhà mẹ chẳng làm được điều gì hữu ích cho quê hương đất nước. Mẹ
chẳng gom góp được tài sản riêng tư nào cho chính mình ngoài mấy bài thơ dấu
trong kệ sách và một mối tình chết tức tưởi trong bom đạn. Mới hai năm trên đất
lạ mẹ đã tạo cho mình một tài sản riêng tư, mẹ đã trồng cho mình được cây hạnh
phúc, mẹ ươm trong nắng gió quê người, mẹ có con.
…
Mẹ không biết nói sao bây giờ. Con là niềm hạnh phúc nhưng cũng thật là nỗi
hoang mang. Mẹ tự nói liệu mình có đủ khả năng để dạy dỗ con trong cái hay, cái
tốt, trong sự hòa hợp văn hoá giữa hai dân tộc mà không làm cho chính con bị ngỡ
ngàng vì những tư tưởng trái ngược của hai nước cách nhau hai đầu thế giới…
…
Hãy lớn, sống đơn giản và lương thiện. Con yêu dấu đó là tất cả niềm mơ ước của
mẹ nơi con, hạnh phúc tinh khôi muộn màng của mẹ.”
(Thơ
Trần Mộng Tú, trang 104, 106)
Không
rõ Trần Mộng Tú khởi sự viết truyện ngắn từ bao giờ. Có thể đoạn văn viết cho
con vừa trích đã giúp chị bắt đầu chuyển sang một thể loại thông dụng hơn, được
đón nhận nhiều hơn chăng?. Lần đầu tiên tôi đọc được truyện của chị trên tạp
chí Thế Kỷ 21, không nhớ rõ năm nào, nhưng những năm gần đây cả thơ lẫn truyện
của chị xuất hiện đều đặn trên cùng một số, liên tục từ số này qua số khác của
Thế Kỷ 21. Trên Hợp Lưu, Văn Học, Văn, Gió Văn, Phố Văn…đều có sáng tác của Trần
Mộng Tú. Ngoài việc góp bài cho các tạp chí, nguyệt san… Trần Mộng Tú còn giữ
chức chủ bút cho Nguyệt san Phụ Nữ Gia Đình Người Việt từ tháng 10-2002 đến
tháng 10 năm 2005. Gia tài thơ, văn của chị tính đến hôm nay, cuối tháng giêng
2007, đã rất phong phú trong tủ sách của nhiều gia đình Việt Nam tại
hải ngoại với các tác phẩm:
Thơ
Trần Mộng Tú, do Người Việt xuất bản năm 1990.
Câu
Chuyện Của Lá Phong, truyện ngắn, Người Việt xuất bản năm 1994.
Để
Em Làm Gió, thơ, Thế Kỷ xuất bản năm 1996.
Cô
Rơm Và Những Truyện Ngắn Khác, Văn Nghệ xuất bản năm 1999.
Ngọn
Nến Muộn Màng, thơ, Thư Hương xuất bản năm 2005.
Tìm
hiểu giá trị văn xuôi của Trần Mộng Tú, có thể đọc nhận xét của nhà phê bình
Bùi Vĩnh Phúc:
“Văn
chương của Trần Mộng Tú phản ánh thật sáng và rõ một tâm hồn rất nhạy cảm trước
những nét đẹp đẽ, tha thiết cũng như xót xa, đau khổ của cuộc sống. Đặc biệt là
khi những nét đời ấy được đặt trong khung cảnh của Việt Nam, trong mắt nhìn và
trong tâm hồn sóng sánh đầy những thiết tha và nhân ái của người nhìn ngắm
chúng. Có sự trộn lẫn của thực tại với hồi ức, của cuộc đời hằn xé với những mộng
tưởng thanh xuân. Có nắng mưa, gió sóng, cùng những bụi bặm, náo động của cuộc
đời. Nhưng cũng có, trong những dòng văn chân thật ấy, những khoảnh lặng thinh
cần thiết và ấm áp của tình người”
(Bùi
Vĩnh Phúc)
Nhà
thơ Nguyễn Mạnh Trinh, một người từng thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn, tìm
hiểu về những người cầm bút, gần đây anh viết đều đặn những bài giới
thiệu về tác phẩm lẫn tác giả. Với sự cảm nhận tinh tế và một lối hành văn giàu
thi vị của một nhà thơ, Nguyễn Mạnh Trịnh giới thiệu tác phẩm mới của bạn văn với
một cung cách riêng, rất thu hút người đọc. Anh luôn luôn trở thành một tác giả
phụ của tác phẩm, để giải thích, trình bày nó tường tận và thân tình. Với Mưa
Sài Gòn Mưa Seattle của Trần Thị Mộng Tú, Nguyễn Mạnh Trinh viết:
“Buổi sáng cuối tuần, mưa. Đọc “Mưa Sài Gòn, Mưa Seatle“ hình như cũng thấy
những hạt mưa rơi rơi trong lòng. Cái mơ mộng, cái bềnh bồng dường cũng hay
lây. Nghe mưa điểm giọt bên ngoài, tưởng âm vang trong tiềm thức những bước
chân đi về.
Sài
Gòn, thành phố của quá khứ. Seatle, nơi chốn của hiện tại. Đọc những trang
sách, để thấy ngày đã qua và ngày đang tới như trộn lẫn vào nhau, để thời khắc
là cuộn chỉ khi tới khi lui, để liên tưởng là những nhịp cầu nối liền những bước
chân đi , về của đời người…
…
Trần mộng Tú là một thi sĩ. Cho nên , khi viết những đoạn tạp văn, cái không
khí thơ đã quyện vào từng câu từng chữ và nét lãng mạn thơ mộng đã thành một
nét đặc thù cho tác phẩm của bà. Cuộc sống được nhìn ngắm và cảm nhận từ tâm hồn
đôn hậu, cho nên dù ở quê nhà hay ở xứ người, hay phác họa bất cứ một khuôn
dáng nhân vật nào cũng đều có nét trong sáng, hồn hậu…
Viết
về đời sống bây giờ hay kể lại những ngày xưa cũ, hương kỷ niệm lúc nào bàng bạc
và thành men ủ cho chữ nghĩa. Khi tả tình hay lúc tả cảnh, cũng là dịp để tâm
tư chuyên chở theo những nỗi niềm. Một chút ngoái lại quê hương, một chút nhìn
vào cuộc đời hiện tại , là người tị nạn , hình như cũng chia sẻ chung những tâm
tư, những cảm xúc.
Trong
“Mưa Sài Gòn, Mưa Seattle”, những đoản văn nhẹ nhàng có âm điệu của những vần
thơ đã dẫn người đọc vào một không gian bềnh bồng của những suy tưởng. Đôi khi,
là cảm giác phân vân vô định giữa không gian hiện hữu bây giờ hay cuối trời tưởng
nhớ đã xa. Người và cảnh , man mác chung nỗi niềm. Thời gian, không gian xóa
nhòa lẫn nhau, và thành những sương mù làm cho đôi mắt nhìn đời mơ màng hơn…
…
Đọc “Mưa Sài Gòn, Mưa Seattle” để những hạt mưa làm lạnh thêm cảm xúc. Đọc,
để làm riêng cho mình những câu thơ đang tròn vận. Đọc, để thấy một cơn mơ của
một người vừa về lại quê xa. Đọc, để thấy còn một chút hơi ẩm quê nhà, của những
buổi chiều lướt thướt, của những buổi tối đèn đường vừa bật để vàng những giọt
mưa… Đọc, có phải tôi đi tìm lại kỷ niệm chính mình.”
(Nguyễn
Mạnh Trinh)
Nhà
thơ Đỗ Qúy Toàn, tìm thấy ở tác phẩm Trần Mộng Tú,:
“Đọc
những mẩu chuyện đời do Trần Mộng Tú kể, tôi nhớ hồi nhỏ đọc cuốn Tâm Hồn Cao
Thượng, dịch từ tiếng Ý, mỗi lần đọc lại đều thấy mình phấn khởi cũng muốn trở
thành một con người cao thượng. Trần Mộng Tú chỉ kể ra những chuyện
thật đã gặp trong đời. Đọc xong mỗi đoạn chúng ta lại khám phá ra một nhân loại
thật dễ thương, những đức tốt, những tính xấu sống chung với nhau ở trong mỗi
người như anh em một gia đình. Nghe xong một chuyện, ta lại cảm thấy mình đáng
lẽ phải tử tế với người chung quanh hơn, cho xứng đáng với tình yêu thương.
Lòng tử tế chứa sẵn ở trong loài người, lúc nào cũng chỉ chờ gặp cơ duyên là thức
dậy”
(Đỗ
Quý Toàn)
Cùng
trong những trang giới thiệu tập tạp văn Mưa Sài Gòn Mưa Seattle,
như Đỗ Quý Toàn, như Bùi Vĩnh Phúc, người đọc còn gặp được những lời viết vô tư
và chân tình của các nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Bùi Bích Hà, Trần Doãn Nho, Phạm
Xuân Đài. Những dòng của nhà văn Trần Doãn Nho có chút ít thiên về kỷ thuật ,
xin được trích:
“Nếu
thơ Trần Mộng Tú đưa ta vào không khí mộng ảo mênh mông của tình yêu, thì văn
Trần Mộng Tú kéo ta xuống với cái ngổn ngang, bề bộn của đời thường. Nhưng dù
thơ hay văn, cách viết của chị luôn luôn giản dị, trong sáng và lắm lúc hồn
nhiên đến bất ngờ ! Tôi có cảm tưởng chị viết dễ dàng như thở. Có lẽ vì thế,
khi đọc chị, dù chuyện buồn hay vui, tôi thường cảm thấy tâm hồn nhẹ hẫng, tưởng
như mình đã từng được đi dạo quanh hồ Sammamish thơ mộng, nơi tạo cảm hứng cho
nhiều bài thơ và tùy bút rất hay của chị”
(Trần
Doãn Nho)
Tôi
không dám đưa ra những nhận định của mình về văn xuôi của nhà thơ Trần Mộng Tú.
Bởi sẽ là sự lập lại những gì các nhà thơ, nhà văn khác đã nêu ra. Những dòng
ba hoa của tôi, nếu có, cũng chỉ mang một nội dung tán thưởng, đề cao. Điều này
chỉ làm cho tác giả mắc cở thôi, như chị đã dặn. Nhiều người nghi ngờ, từ nhiều
năm nay, văn chương hải ngoại thiếu những nhà phê bình văn học thật tình. Tôi
không rõ sai, đúng thế nào. Với tôi, có nhiều người đọc cùng cảm nhận và đồng
thuận với người viết về một đề tài, một nội dung là tác
giả đã thành công. Chị Trần Mộng Tú hình như chưa bao giờ thất bại với những đứa
con tinh thần của mình.
Sau
lá thư cảm ơn nhận được tác phẩm Thơ Trần Mộng Tú, tôi không còn dịp nào liên lạc
với tác giả, cho mãi đến năm chị Tú sang thăm thân mẫu nhà văn Nguyễn
Đông Ngạc. Lúc này anh Ngạc đã ra người thiên cổ, chị Nguyên Ngọc, vợ của Ngạc
cũng đã rời gia đình mẹ chồng. Không nhớ vì cơ duyên nào có cuộc gặp mặt bất ngờ
và chớp nhoáng này. Buổi hội ngộ giữa chị Trần Mộng Tú và các bạn cầm bút tại
Montréal được thực hiện vào một buổi tối mùa hè. Địa điểm gặp mặt, phòng ở cũ của
Nguyễn Đông Ngạc, trong căn nhà của thân mẫu anh, trên đường Basile Routhier,
số 9635, thành phố Montréal. Bạn văn đến trình diện chị Tú gồm có nhà thơ Đỗ
Qúy Toàn, nhà văn Song Thao, nhà thơ Lưu Nguyễn và tôi. Vào thời điểm này, anh
Toàn đi đi về về giữa Wesminster, Hoa Kỳ
và Montréal, Canada. Anh có mặt hôm ấy nhân chuyến về thăm nhà cũ và
làng Cây Phong. Lưu Nguyễn lúc này đã thật sự lạc thiên thai, anh uống rượu
thay làm thơ, nhưng chưa bao giờ đủ say để theo chân Lý Bạch. Tôi thì đã thất
nghiệp lâu năm, làm thơ thay uống trà, nhờ vợ cưng, sống thanh nhàn trong khu
Do Thái, cuối đường Barclay. Chỗ cư ngụ của tôi khá gần nhà anh Đỗ Qúy Toàn
cũng như Lưu Nguyễn. Trái lại, nhà văn Song Thao ở khá xa. Giữa nhà tôi và anh
cách nhau chừng hai mươi cây số đường siêu tốc. Vì sự cách xa này, chúng tôi
chia làm hai cánh để đi diện kiến người xin phép “Để Em Làm
Gió”. Anh Đỗ Qúy Toàn không còn giữ lại xe để chạy ở Montréal. Lưu
Nguyễn thì treo bằng lái đã nhiều năm, tài xế ăn lương chính phủ anh cho nghỉ
phép. Tôi bắt buộc phải giữ tay lái đưa anh Toàn và Nguyễn lên đường. Nhà của
thân mẫu Nguyễn Đông Ngạc, hay điểm chúng tôi đến nằm gần khoảng giữa. Thật chẳng
lạ gì cái chỗ quen thuộc, tôi đã lui tới hằng trăm lần này. Nhưng thay vì chạy
những lối quen. Lưu Nguyễn chỉ chạy một lối khác. Bỏ lái xe lâu năm anh hướng dẫn
tôi chạy… lạc. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng gặp nhau.
Chị
Tú là người thanh nhã, với giọng Bắc dịu dàng và đôi mắt có ít nhiều tinh nghịch.
Những tấm ảnh tôi thấy đâu đó trên báo, trên bìa sách, không làm tròn chức năng
của chúng. Chúng đã ăn gian một phần nhan sắc của chị. Người đẹp hơn ảnh rất
nhiều. Có thể đêm hè ở Montréal làm chị tươi sáng thêm. Chắc không phải vậy.
Tóc ngắn ôm gọn hai má và âu yếm đôi vai. Môi mắt cùng cười. Nét đoan trang của
người phụ nữ Việt Namthật rạng rỡ, tự tin. Chúng tôi ngồi nói chuyện loanh
quanh. Bây giờ, thật sự không còn nhớ được những gì đã nói, đã nghe. Trong mọi
cuộc gặp gỡ bè bạn, theo thói quen, thực thi đúng chính sách tự đề ra lâu nay:
tôi nghe nhiều hơn nói chừng 80 phần trăm. Lời nói chính của tôi vẫn là nụ cười,
rất ư là mỉm chi. Đôi mắt của tôi cũng nói nữa, dù có thể người đối diện chẳng
nghe gì. Không biết hôm đó chị Tú có nghe tôi nói gì không ? Hú hồn không có
bài thơ vẩn vơ nào, sau đó. Buổi gặp mặt này cũng là buổi cuối cùng tôi được
tác giả Ngọn Nến Muộn Màng…cho diện kiến. Đã không gặp mặt, chúng tôi cũng
không hề thăm viếng nhau bằng thư từ hay điện thoại. Rất may, qua báo chí, tôi
mục kích thường xuyên sự hoạt động năng nổ trong lãnh vực văn học, báo chí của
chị Tú. Được chị trích vài câu thơ trong một bài viết ngắn của chị, tôi thấy
vui. Được biết quan điểm về thi ca của chị có phần giống như mình (chắc cùng
thành phần có tuổi cao!), tôi cảm thấy có sự thân mật. Chính những cảm nhận
này, tôi có được mươi dòng chị viết về thơ tôi trong một cuốn sách, chỉ có mục
đích kỷ niệm, một loại “lưu bút ngày xanh” mới. Năm, bảy điện thư ngăn ngắn đã
qua lại, trong vụ “Luân Hoán, Một Đời Thơ” giúp cho tôi thêm một cơ hội, dựa
hơi một người danh giá, đặc biệt người này là phái đẹp, thật là quý.
Trong
những bài viết về bè bạn đã thực hiện, bài nào tôi cũng gặp nhiều khó khăn, muốn
bỏ ngang nửa chừng. Nguyên nhân chính vẫn là sự kém cỏi trong cách trình bày,
hành văn. Bên cạnh đó là sự trung trực cần thiết phải tuyệt đối tuân theo. Kỷ
niệm không thể hư cấu. Tôi làm thơ mãi mãi lẹt đẹt ở phía sau lưng mọi người vì
thiếu cái ngón nghề này. Đành vậy thôi. Chị Trần Mộng Tú là một nhà thơ, nhà
văn, nhà báo, một nhà yêu cỏ cây, muông thú… Tôi chợt ao ước có ngày mình hoá
thân thành một con Canadian Goose để lang thang trên đường trốn tuyết,
ghé qua khu vườn vàng hoa cúc, bên cạnh hồ Sammamish, thong thả lượm hết những
vụn bánh trong lòng hai bàn tay, biết trân quý thiên nhiên, vạn vật. Những vết
sước chín hồng sẽ biến vào từng đường vân tay, như những đường máu chìm dưới
da, vĩnh viễn về cùng tâm thất. Tôi quờ quạng muốn thắp sáng ngọn nến muộn
màng, để ngồi đọc thật kỹ câu chuyện của lá phong, tìm cho ra những cội nguồn từng
dòng tâm sự của người đàn bà thi sĩ Việt Nam. Để làm gì? Không
biết. Thơ văn vốn là cái ổ tình, dù bất cứ ai lót, tôi cũng muốn nằm quanh năm.
“Nằm,
rồi bắt chước làm thơ/ đâu cần phải biết làm thơ làm gì/ đôi khi có một đôi
khi/ ngồi không không biết làm gì làm thơ/ từ ngu ngơ tới dật dờ/ từ vu vơ tới
vẩn vơ tối ngày/ nhớ người làm ngọn gió bay/ nhớ giọt mưa ướt ngón
tay thình lình/ chưa yêu đã mộng thất tình/ chưa mơ đã thấy ảnh hình giai nhân/
tôi từ một gã cù lần/ học người làm một văn nhân không chừng/ dẫu không được
phép dựa lưng/ dựa hơi cũng đủ vui mừng cả năm/ cảm ơn trời đất, cái tâm của
người”
Sự học
đòi của tôi, rõ ràng có đến tám mươi phần trăm thất bại. Nhưng tôi không buồn
khi nhớ ra ở thành phố Issaquah, không xa chỗ cư ngụ của tôi lắm, có một khu vườn
đầy hoa vàng. Ở đó có một người biết làm thơ, viết văn, biết thương nhớ những
con ngỗng trời bốn phương ghé qua cùng những loại chim khác. Ở đó còn có những
vụn bánh ấm hương tay, thơm nồng chất thơ. Tôi chẳng thể nào không là một con
chim trời, dù thiếu đôi cánh. Thơ hay như mồi ngon, như nắng ấm, như những giọng
gọi tình, tôi tìm về vườn hoa vàng là một lẽ đương nhiên. Về xem cho biết
lá phong/ còn bao nhiêu chuyện trong lòng cần phơi/ về xem cho biết chỗ ngồi/ của
dòng nắng lạc cuối trời nhớ ai/ về xem cho biết gót hài/ dạo quanh
vườn có thở dài hay không/ về xem để học thuộc lòng/ những yêu thương tự nhánh
bông trong vườn/ ngắt bớt một chút sắc hương/ làm thuốc để trị nỗi buồn vu vơ…
Mùa
đông năm nay, cho đến giờ này, 31-1-2007, ở Montréal, ít tuyết, nhưng cái lạnh
vẫn đầy. Nói thì nói vậy, chứ tôi có biết chính xác đâu. Tôi đang ở trong vườn
hoa để trốn mùa đông.
Luân Hoán
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét