Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Mùa xuân trong thi ca

Mùa xuân trong thi ca
Không có gì mênh mông như thi ca viết về mùa Xuân. Mùa Xuân cũng mênh mông với tất cả sự lộng lẫy, vẻ đẹp rực rỡ như thiên thần, tràn đầy, xao động và sức sống trào dâng của nó, đã quyến rũ và làm đắm say biết bao tâm hồn trái tim thi nhân, mặc khách và người đọc trên khắp thế gian này.
Làm sao viết cho cạn về mùa Xuân. Trước những tháng ngày mê hoặc ngất ngây, mỗi năm một lần đến, tôi thử làm một lãng tử lang thang qua những trang thơ của thiên hạ đông tây kim cổ. Tôi như ngập ngụa hụt hơi trong hương, trong sắc, trong lời, trong nhạc của thế giới thi ca mùa Xuân.
1.
* Có lẽ vì thế mà thi sĩ Tản Đà vừa ôm giữ chúa Xuân vừa sợ mất rồi mềm lòng chung thủy với Xuân:
Gặp Xuân ta giữ Xuân chơi
Câu thơ chén rượu là nơi đi về
Hết Xuân, cạn ché Xuân về
Nghìn thu nét mực thơ đề vẫn Xuân!
* Tôi có cảm giác người bị mùa Xuân hút hồn quẫy đạp từ nhiều phía là thi sĩ Nguyễn Bính. Ông có Thơ Xuân, Mùa Xuân xanh, Xuân về, Mùa Xuân, Nhạc Xuân… Trong ông tràn ngập những lời chân quê quấn quít, mơ mộng đến nao lòng:
Từng đàn thục nữ dậy thì Xuân
Đường hương thao thức lòng quân tử
Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân
Từng gã thư sinh biếng chải đầu
Một mình mơ ước chuyện mai sau
Lên kinh thi đỗ làm quan trạng
Công chúa cài trâm thả tú cầu.
(Thơ Xuân)
Cũng với cảm xúc đó, trong Mùa Xuân xanh, tình yêu của Nguyễn Bính thật non tơ vụng dại và khao khát đáng yêu:
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.
Nhà thơ như nhìn suốt được tâm sự nỗi niềm bơ vơ của những cô gái xuân thì:
Đã thấy Xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.
(Xuân về)
Trong số các thi phẩm Xuân của Nguyễn Bính, tôi như bị mê hoặc chỉ hai câu, có thể là “tuyệt bút” trong một bài thơ dài của ông có tên Mùa Xuân:
Chiều Xuân lưu luyến không đành hết
Lơ lửng mùi sương phảng phất mưa.
Ai biết được cái mùi của sương là mùi gì trong mưa đang phảng phất. Cũng như làm sao hiểu được cái buổi chiều không đành hết, nó lưu luyến ra sao.
Tôi đọc đi đọc lại mãi “Hôm nay là Xuân, mai còn Xuân/ Xuân đã sang đò nhớ cố nhân” được Nguyễn Bính nhắc đến 5 lần. Ấy là ông dành cho thiên tình sử Huyền Trân công chúa với dũng tướng Trần Khắc Chung đẫm lệ có những câu sâu nặng:
Đường về Chiêm quốc nhé Huyền Trân
Ta viết thơ này gởi cố nhân
Năm mới tháng Giêng Mồng Một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân!
2.
* “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm”, người thơ “tự thú” cũng có nhiều bài thơ Xuân mượt mà, hình ảnh:
Sông là người đẹp khỏa thân
Áo đêm Xuân khéo mượt mà dải tơ.
(Trăng Xuân)
Thi sĩ để tâm hồn lơ đãng như không kịp rào đón bởi tiếng giao mùa đã vẫy gọi đi tìm người đẹp cùng hái lộc Xuân đầu:
Khách qua đường ơi! Em tôi đây
Chân em cỏ mượt, mắt hồ đầy
Lòng em hóa cảnh chờ Anh gặp
Man mác hồn Xuân ngọn gió hây.
(Hồn Xuân)
* Có một nhà thơ, không làm thơ mà họa cảnh “tả chân tả thực” đến nỗi không sót một chi tiết nào của thiên nhiên, con người trong khung cảnh Xuân đến. Đó là Đoàn Văn Cừ, những:
Chiều mạ vàng dãy núi dưới chân mây
Trăng sao bạc thêu màn trời gấm đỏ.
(Nắng Xuân)
Người cô dâu hôm nay coi choáng lộn
Vành khuyên vàng, áo mới, nón quai thao
Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim Xuân
Ca ánh ỏi trên cành Xuân tắm nắng.
(Đám cưới mùa Xuân)
* Nhắc đến Hồ Dzếnh là nhớ đến “Chân trời cũ” văn xuôi. Thơ ông không nhiều, nhưng mấy bài về Xuân của ông lại ăm ắp thi tứ lạ như trong thi phẩm Xuân Ý, Chiều Xuân ở Trung kỳ:
Xuân vừa chớm tuổi
Bướm đến quen hoa
Em nhỏ hơn ta
Tình như áo mới.
Hai mùa gặp gỡ
Chim nhỏ trên cây
Tôi chắp hai tay
Xin trời thắm mãi…
(Xuân ở quê em)
* “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu, với Xuân đắm đuối ngất ngây trong ánh sáng, trong sắc màu của đất trời, cỏ cây, hoa lá, chim muông, sương khói và tình yêu chín ửng trong Nụ cười Xuân, cho nên:
Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng.
(Xuân không mùa)
Với thi nhân, Xuân có “Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa/ Tình không tuổi và Xuân không năm tháng”. Vì thế Xuân Diệu đã viết tặng thi sĩ Vũ Đình Liên, tác giả thi phẩm “Ông đồ” nổi tiếng bài thơ dài. Có lẽ đây là những dòng “thoát tục” của ông, nó quấn quít vồ vập:
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ với hoài Xuân
Xuân đang tới, nghĩa là
Xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là Xuân sẽ già
Mà Xuân hết nghĩa là tôi cũng mất!
(Vội vàng)
Và không còn gì để nói, Xuân Diệu reo lên, đắm say chếnh choáng:
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Vội vàng)
* Bùi Giáng «trung niên thi sĩ», cha đẻ của những ngôn ngữ phát tiết trong thơ. Mùa Xuân đối với ông đâu có xa lạ, nhưng ông vẫn một hai thưa chào. Chắc là ông sợ thời gian như giấc chiêm bao sương khói, mặc dù «Mùa Xuân đương đợi bước ai đi vào»:
Thưa rằng - ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân!
Cho nên:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.
(Chào nguyên Xuân)
* Nhà thơ của «thú đau thương» bởi dày vò trong số phận đa sầu mệnh yểu, Hàn Mặc Tử đã đến với mùa Xuân giữa cõi đời đầy bỡ ngỡ của người thơ phong vận:
Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối vàng
Có người trai mới in như nguyệt
Gió căng hơi và nhạc lên ngàn.
(Xuân đầu tiên)
Hàn Mặc Tử viết Nắng tươi tràn đầy khao khát «Đưa má hồng đào cho nắng nhuộm/ Tình thay! Một vẻ ngọt và ngon» của cặp môi tươi thiếu nữ:
Lá Xuân sột soạt trong làn nắng
Ta ngỡ, em ơi, vạt áo hường
Thử áo ngày Xuân em mới mặc
Lòng ta rộn rã nỗi yêu thương…
Nhưng có lẽ với 4 khổ thơ trong thi khúc «Mùa Xuân chín» của ông mới dồn nén trọn vẹn thi tứ sang trọng nhất dành cho những người con gái vườn quê xuân xanh ấy đã «có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi» để cho:
Khách xa gặp lúc mùa Xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi Xuân đến gợi thêm sầu?
* Xuân đối với Chế Lan Viên (thi sĩ của một thời sẻ chia với non nước Hời - Chiêm Thành) đồng nghĩa với khổ đau, vô nghĩa bởi thi hứng trong ông là muôn cánh rã, của hoa của lá, của tiếng khóc trẻ thơ như chim lạc cánh ngàn từ đâu mùa thu trước, thi nhân chia sẻ:
Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cảm tình Xuân
Có một người nghèo không biết Tết
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!
(Xuân)
Nhưng rồi mùa Xuân cũng vang động trong ông. Làm sao thi sĩ lặng im hững hờ, từ chối trước non nước mây trời như cuộn lên chất ngất, phả thứ ánh sáng và mùi hương rạo rạc tràn trề, Chế Lan Viên rối rít vồ vập rồi như trôi trong ngất ngây tĩnh lặng của chúa Xuân:
Đây, tà áo chuối non bay phất phới
Phơi màu xanh lấp loáng dưới sương mai
Đây, pháo đỏ lập lòe trong nắng chói
Đây, hoa đào mỉm miệng đón Xuân tươi!
(Xuân về)
3.
* Bích Khê “Buồn hiu cây đào xin hơi Xuân/ Buồn sang cây tùng thăm đông quân” lại và vẽ lên trong “Xuân tượng trưng” - bài thơ Xuân duy nhất của ông:
Hỡi lời ca man dại
Điệu nhạc thở hơi rừng
Đêm nay Xuân đã lại…
Nhà thơ như cảm được cái tận cùng đến rùng mình:
Ý Xuân mát đến xương
Ngậm tuyết phun lã chã.
* Còn nhà thơ “con nai vàng ngơ ngác” Lưu Trọng Lư trong lúc “Xuân về”, ông thong thả kể lại mối tình của người con gái quay tơ bên khung cửa:
Dừng tay tôi kêu chàng
Này, này, bạn! Xuân sang…
Rồi ngày lại ngày
Sắc màu: phai
Lá cành: rụng
Ba gian: trống
Xuân đi
Chàng cũng đi…
* Mỗi độ Xuân về, trái tim, tâm hồn chúng ta như tràn ngập cái giai điệu huyền hoặc “Anh cho em mùa Xuân / Mùa Xuân này tất cả / Lộc non vừa trẩy lá / Thơ còn thương cõi đời”, có một cái gì dịu dàng trong đó, thiết tha và bàng bạc trong đó của nhà thơ Kim Tuấn trong thi phẩm “Nụ hoa vàng mùa Xuân”. Mà đâu có phải cho “riêng em” mà từ “tình yêu non nước này” mãi còn xao xuyến trong ông:
Anh cho em mùa Xuân
Bàn tay thơm sữa ngọt
Dải đất liền chim hót
Người yêu nhau trọn đời.
* Trong ký ức người yêu thơ, Xuân tới lại nhớ đến Vũ Đình Liên với thi phẩm Ông đồ đã làm ngậm ngùi biết bao trái tim đa cảm, bởi Giấy đỏ buồn không thắm / Mực đọng trong nghiên sầu:
Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
* Mùa Xuân đồng nghĩa với tình yêu thi ca và cái đẹp! Vui buồn với mùa Xuân là chuyện muôn đời của nhân gian và thi nhân vốn đa mang xúc cảm và nặng nợ với thi ca. Chỉ có thi ca là cả một trời ngôn ngữ yêu thương, sầu mộng, mong ước đợi chờ, khổ đau hạnh phúc, khát khao bay bổng để thi nhân “phun châu nhả ngọc” tận hiến cho cuộc đời những “thang âm điệu thức” bất tuyệt nhất.
Với chừng ấy nhà thơ trong hàng trăm nhà thơ viết về mùa Xuân, tôi như vừa chếnh choáng chút men rượu cảm xúc và muốn chia sẻ với các bạn. Từ ý niệm còn xao xuyến vấn vương ấy chúng ta đọc nốt mấy dòng này của Phan Bội Châu “Chơi Xuân” để gật gù cùng “Ông già Bến Ngự”:
Đạp toang hai cánh càn khôn
Đêm Xuân vẽ lại trong non nước nhà!
Hai vai gánh vác sơn hà
Đã chơi, chơi nốt, ố chà chà Xuân!
Mùa Xuân trong thi ca không có chỗ dừng và không hết.
19/1/2018
Hoàng Hương Việt

Nguồn: Báo Văn Nghệ TP.HCM số 484

Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đọc lại “Xem đêm” của Phùng Cung Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem đêm thật tài tình. Có thể nhận định một cách ngắn gọn nhất,...