Con bướm chết trong sách
và tâm sự của đại thi hào Nguyễn Du
Bài thơ chữ Hán Điệp tử thư trung (Con bướm chết trong
sách) được xếp ở sát cuối phần Làm quan ở Bắc hà (1802-1804),
trong Thanh Hiên thi tập. (1) Có thể nói đây là một trong những bài
thơ hay nhất, và kỳ lạ bậc nhất của Tố Như, khi ông chưa tới tuổi “tam thập nhi
lập.” Hay và kỳ lạ, song xưa nay nó mới chỉ được điểm qua, chưa hề được phân
tích bình giải một cách thấu đáo. (Trong khi, bài Độc Tiểu Thanh ký xếp
liền sau đó lại được khai thác khá kỹ trong hàng chục bài viết - ở các bậc phổ
thông, đại học và nhiều diễn đàn văn chương). Có lẽ, bởi tính chất kỳ lạ và trừu
tượng đến khó hiểu của nó?
Hình ảnh con bướm chết khô trong trang sách vẫn được coi là
biểu tượng của tình yêu sách vở, lòng đam mê văn chương của Nguyễn Du. Hiểu thế
không có gì sai. Nhưng vì sao lại là con bướm chết khô? Con mọt sách và lửa đom
đóm có liên can gì ở đây? Có điều gì khiến hồn phải tàn, rồi phải không lệ khóc
cho văn chương? Cái duyên lưu lại với sách thực ra là gì?... Hàng loạt ký hiệu
nghệ thuật quanh hình ảnh con bướm chết khô, trong hệ thống cảm xúc - tư tưởng của
Nguyễn Du ở những bài thơ cùng loại, đã giúp chúng ta hiểu thêm được điều gì
trong chiều sâu tâm hồn người nghệ sĩ lớn, cùng tuyên ngôn của ông về giá trị
cuộc đời, về văn chương nghệ thuật...?. Xem ra, tất cả những điều đó vẫn còn nhập
nhoạng như ta nhìn sự thật bằng lửa đom đóm.
Điệp tử thư trung
Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương,
Tạ khước phong lưu vị thị cuồng.
Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch,
Tàn hồn vô lệ khốc văn chương.
Đố ngư dị tỉnh phồn hoa mộng,
Huỳnh hỏa nan hôi cẩm tú trường.
Văn đạo dã ưng cam nhất tử,
Dâm thư do thắng vị hoa mang.
蝶死書中
芸窗曾幾染書香,
謝卻風流未是狂。
薄命有緣留簡籍,
殘魂無淚哭文章。
蠹魚易醒繁華夢,
螢火難灰錦繡腸。
聞道也應甘一死,
淫書猶勝為花忙。
Dịch nghĩa:
Con bướm chết trong sách
Thư phòng bao lâu nay nhiễm hương thơm của sách,
Từ bỏ vị phong lưu không thể cho là dại.
Mệnh tuy bạc, nhưng cũng có duyên lưu lại với sách,
Hồn tàn không có nước mắt khóc văn chương.
Con mọt sách dễ tỉnh giấc mộng phồn hoa,
Lửa đom đóm khó đốt cháy được tấm lòng gấm vóc.
Được nghe đạo lý rồi chết cũng cam,
Ham mê sách còn hơn mải miết đắm đuối vì hoa.
Vương Trọng dịch thơ:
Lâu rồi được sách ướp hương
Phong lưu từ bỏ chẳng cuồng dại đâu
Còn duyên, với sách lưu sau
Hồn tàn, không lệ khóc sầu văn chương
Mọt kêu dễ tỉnh giấc vàng
Lòng vàng, lửa đóm đố làm sao thiêu?
Được nghe đạo, chết cũng liều
Ham mê sách vở hơn nhiều mê hoa.
Chữ nghĩa thì đã bày ra cả đó rồi, dường không có chỗ nào uẩn
khúc để từ Hán tự sang giải nghĩa tiếng Việt làm người đọc phải băn khoăn tranh
luận nhiều, như bài Độc Tiểu Thanh ký. Vấn đề tưởng như chỉ là giải mã các
hình ảnh vừa có thực, lại vừa mang ý nghĩa tượng trưng, có tính biểu tượng. Có
nhiều con đường để khám phá bài thơ về các mặt Nội dung - Tư tưởng - Hình thức,
và có một cách khá mới mẻ là phương pháp phê bình tâm lý (psychocritique) của
Charles Mauron, cùng các khái niệm của phân tâm học như: “ám ảnh”, “mạng lưới”,
nhất là “huyễn tưởng dai dẳng” - hay là HUYỀN THOẠI CÁ NHÂN, “là một ám ảnh luôn
luôn ở phía sau tư duy của người sáng tạo” (2). Phân tích bài thơ
này, liên kết với một số bài thơ, câu thơ khác và chồng văn bản giữa chúng sẽ
giúp cho việc học tập nghiên cứu thơ văn Nguyễn Du trong nhà trường thêm thuận
lợi, và sau đó góp phần làm sáng tỏ “Huyền thoại cá nhân” của Nguyễn Du trên
hành trình sáng tạo nghệ thuật.
Trong bài thơ có hai hình ảnh trung tâm: Bướm và Sách; các
hình ảnh khác sẽ là vệ tinh xoay quanh thi đề chính: Con bướm chết giữa trang
sách.
Văn thơ cổ có nhiều điển tích giấc mơ dùng làm thi liệu,
trong đó có liên quan tới điển tích Trang Chu hóa bướm: Hồ điệp, Giấc bướm, Giấc
hồ (Khúc đâu đầm ấm dương hòa/ Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh. Truyện Kiều; Giấc
hồ nửa gối mơ màng/ Chiền đâu đã lọt tiếng chuông mái tường.Hoa tiên). Trang
Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm bay nhởn nhơ, khi chợt tỉnh dậy lại thấy mình
là Trang Chu. “Không biết là có phải Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm hay
là bướm nằm mộng thấy mình biến thành Trang Chu” (Nam hoa kinh). Sau này một
nhà văn của Tự lực văn đoàn đã lấy cảm hứng “Hồn bướm mơ tiên” để viết
thành cả một cuốn tiểu thuyết. Hình ảnh Giấc bướm có “từ trường” giàu khả năng
liên kết với các hình ảnh như trướng huỳnh (màn có ánh sáng đom đóm), song huỳnh
(cửa sổ có ánh sáng đom đóm) dùng chỉ phòng học, rộng hơn là việc học tập (Nhặt
thưa trăng rọi đầu cành/ Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu. Kiều; Lưu
liên khi lại huỳnh song/ Gương nga đã gác non sông nửa vùng. Hoa tiên). Nằm
trong hệ thống này còn có Vân song (thư phòng), Thư trai (phòng văn), Song hồ (cửa
sổ dán giấy), Song sa (cửa sổ treo rèm bằng sa), v.v....Theo các nhà khoa học Pháp
làm Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, đối với phần đông nhân loại, Bướm tượng
trưng cho sự hồi sinh, riêng trong tâm thức phương Đông nó còn mang ý nghĩa mùa
thu, sự trường thọ, còn trong hệ biểu tượng Kitô giáo nó tượng trưng cho linh hồn
đã trút bỏ được cái vỏ xác thịt của mình; phân tâm học hiện đại cũng nhìn thấy ở
con bướm một biểu tượng về sự tái sinh. (3)
Còn về Sách, trong ba tập thơ chữ Hán, Nguyễn Du đã có hàng chục
lần nói tới Sách và đọc sách, lần nào cũng đầy cảm xúc, như nguồn nuôi dưỡng chủ
yếu của tâm hồn ông, như người bạn thân thiết, nguồn an ủi lúc cô đơn bần hàn,
thậm chí như một thứ định mệnh gắn với đời mình. Sách, với Nguyễn Du, có sự giao
cảm giữa “người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời
xưa.” (Mộng Liên đường, Bài tựa Đoạn trường tân thanh) (4). Sách, vốn là biểu
tượng của tri thức và sự minh triết, còn là biểu tượng của vũ trụ, với cuốn
Sách Đời, Cây Đời trong sách Khải huyền (của Kinh thánh) mang những
thông điệp của Chúa Trời.(5) Trong sách Khải huyền, Thiên sứ tay cầm
cuốn sách nhỏ đưa cho người đời ăn, ngọt như mật nhưng rồi bụng lại đắng, bởi
vì đọc sách rồi cần phải “nói lời tiên tri về nhiều dân tộc, nhiều nước, nhiều
thứ tiếng nữa…” (6) - những lời “tiên tri” trĩu nặng lo âu và tình thương xót,
khiến ta chợt nhớ đến hình ảnh Nhà Tiên tri của thi hào Nga A.
Puskin; và Nguyễn Du của chúng ta, ở cùng thời đại “bạo tàn” ấy, khi lo mãi
chuyện nhân thế nghìn năm trước khi chết (Thiên tuế trường ưu vị tử tiền. Mộ
xuân mạn hứng), phải chăng cũng xuất phát từ sự gặp gỡ vô tình giữa hai trái
tim nghệ sĩ vĩ đại: Đi khắp năm châu bốn bể gần xa/ Đem lời nói đốt cháy lòng
thiên hạ (Nhà Tiên tri - Thúy Toàn dịch). (7)
Đây là bài thơ mượn hình ảnh con bướm đã chết để nói về mình,
về đời, không phải là thơ vịnh con bướm (mà truyền thống thơ cổ Việt Nam thì
hay ngâm vịnh, cái gì cũng có thể vịnh được: vịnh cái chổi, vịnh cái gương, cái
lược…); đúng hơn là nhân có con bướm chết khô tìm thấy trong trang sách cũ mà
chợt nảy sinh cảm hứng, rồi suy ngẫm. Nhưng nói với mình, nói về mình, thông
qua sự quan sát con bướm chết mà tựa như đối thoại trực tiếp với nó… Bài thơ đậm
màu siêu thực, kỳ ảo, Liêu trai, thực mộng lẫn lộn, song có lẽ chỉ bằng cách thức
này nhà thơ mới bộc bạch được đến tận cùng điều muốn gửi gắm. Có thể nói, bài
thơ Điệp tử thư trung là minh chứng hùng hồn cho một quy luật quan trọng
của Mỹ học: “Sự cho vay, sự du nhập, sự nhập cảm của tâm hồn vào các
hình thức không hồn chính là điều chủ yếu được bàn đến trong mỹ học” (8). Và nếu
theo Hêghen: “Từ lâu, nhiệm vụ quan trọng nhất của nghệ thuật vẫn là tìm những
tình huống thú vị. Tức là những tình huống nào cho phép ta bộc lộ những hứng
thú quan trọng và sâu sắc, cũng như cái nội dung chân thực của tâm hồn” (9) thì
quả là Nguyễn Du đã tìm được một “tình huống thú vị”, và độc đáo nữa: con bướm
chết trong trang sách. (Có nhà nghiên cứucho rằng: chữ điệp với nghĩa
con bướm có thể là một dị bản; nội dung bài thơ cho thấy chữ điệp ở
đây rất có thể là điệp trong trùng điệp, tức nhan đề bài thơ nên
được hiểu là chết nhiều lần trong sách (10).
Theo tôi, đó là một suy diễn khá chủ quan, và nếu quả thực như thế, bài thơ sẽ nghèo đi rất nhiều về hình tượng và cảm xúc, còn bài thơ có thể là lẫn của một tác giả nào đó chứ không phải là Nguyễn Du!).
Theo tôi, đó là một suy diễn khá chủ quan, và nếu quả thực như thế, bài thơ sẽ nghèo đi rất nhiều về hình tượng và cảm xúc, còn bài thơ có thể là lẫn của một tác giả nào đó chứ không phải là Nguyễn Du!).
Chúng ta hãy đi vào câu chữ cụ thể.
Câu thừa đề:
Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương - Thư phòng bao lâu nay
nhiễm hương thơm của sách.
Căn phòng của Nguyễn Du, như không ít lần ông miêu tả trong thơ
trữ tình, rõ ràng là không sang trọng gì: Trước cửa nhà ẩn dật toàn là núi
xanh. Cạnh gối, có chồng sách đỡ tấm thân bệnh tật… Suốt ngày, bếp không đỏ lửa (Xử
sĩ môn tiền thanh giả san/ Chẩm bạn thúc thư phù bệnh cốt/ Táo đầu chung nhật
vô yên hỏa. Tạp ngâm 2), nhưng lại là nơi trong sạch bụi bặm không thể lẫn
vào (Bất dung trần cấu tạp thanh hư), và cũng là nơi lưu giữ “hương thơm” của
Sách, được “nhiễm thư hương”. Không phải là hương thơm được tẩm ướp vào sách,
đó là hương thơm toát ra từ một thứ văn chương mà “Tình là gốc, lời là cảnh, thanh
là hoa, nghĩa là quả: cảm động lòng người trước hết không gì bằng tình, đầu
tiên không gì bằng lời, tha thiết không gì bằng thanh, sâu xa không gì bằng
nghĩa” (Bạch Cư Dị) (11). Vẻ đẹp của Đạo lý thông qua ngôn từ đó đem lại ý nghĩa
lớn lao cho cuộc sống nhiều đau thương buồn khổ của Nguyễn Du. Cả đời ông đi
tìm thứ văn chương ấy, chắt chiu, mài bút, khổ luyện, và đã trở thành một trong
“An Nam ngũ tuyệt” của văn đàn một thời.
Câu phá đề:
Tạ khước phong lưu vị thị cuồng - Từ bỏ vị phong lưu
không thể cho là dại.
Hai chữ Phong lưu (風流), theo từ điển Hán Việt Đào Duy Anh,
trong văn cảnh này là: thói riêng, tinh thần riêng (của con bướm) giống như ngọn
gió hay lang thang đây đó, như nước chảy trôi dạt không phương hướng (lưu phong
dư vận). Phong lưu trong văn cảnh này còn có ngụ ý là cuộc sống giàu có, địa vị
xã hội cao. Khác với các danh từ: thần thái, phong vận, phong tư, phong thái...
(Còn chữ Phong 豐, tức dáng sắc đẹp tốt - theo ĐDA, nếu
kết hợp với Nhã 雅 trong Kinh Thi gọi là Phong nhã - người
ta gọi những việc văn chương là Phong nhã; còn kết hợp Phong 豐với Nhân 人 tức là Thi nhân).
Như vậy, câu thứ hai, kết hợp với câu mở đầu cần hiểu: Việc
buộc phải từ bỏ thói hay đi rong chơi nhởn nhơ (như con bướm) để sống trong cái
không gian đẫm “thư hương” cao quý kia đâu phải là dại, theo cách luận Dại -
Khôn của người đời, tựa như Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ -
Người khôn người kiếm chỗ lao xao!. Hơn nữa, sau nhiều năm tháng phiêu bạt giang
hồ đầu sông cuối bãi, thi nhân cũng cần có lúc dừng lại, không chỉ để nghỉ ngơi
tĩnh dưỡng, mà để lắng lại, để sàng lọc lại biết bao tích lũy của tâm hồn -
trong đó có không ít những câu hát thôn dã giúp ta hiểu được tiếng nói của kẻ trồng
gai trồng dâu và thỉnh thoảng nghe tiếng người khóc như buổi chiến
tranh ngoài đồng nội (Thôn ca sơ học tang ma ngữ/ Dã khốc thời văn chiến phạt
thanh. Thanh minh ngẫu hứng). Đó cũng là lúc, hết nghiệp chướng mới thấy tấm lòng
xưa nhẹ nhõm: Tâm sự anh hùng đã nguội lạnh, không còn nghĩ đến chuyện rong ruổi,
Đường danh lợi làm lụy đến sự khóc cười. Người thì tiều tụy, nhưng xuân vẫn cứ
đẹp (Anh hùng tâm sự hoang trì sính/ Danh lợi doanh trường lụy tiếu tần/
Nhân tự tiêu điều xuân tự hảo. Xuân tiêu lữ thứ)…
Hai câu thực:
Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch - Tàn hồn vô lệ khốc văn
chương - Mệnh tuy bạc, nhưng cũng có duyên lưu lại với sách. Hồn tàn không
có nước mắt mà khóc văn chương, hồn tàn khóc văn chương không nước mắt.
Câu đầu thì cũng khá dễ hiểu: Con bướm tuy yểu mệnh, bạc mệnh
nhưng lại được lưu lại như một tiêu bản giữa các trang sách, đúng là cái “hữu
duyên” - như chính nhà thơ đối với văn chương lâu nay mà ông coi là Văn Đạo. Mỗi
khi Giật mình mình lại thương mình xót xa (Kiều), Biết cùng ai bày tỏ
niềm cảm xúc từ trong đáy lòng (Trung tình vô hạn bằng thùy tố. Hoàng
Hạc lâu), ông đã có văn chương làm bầu bạn, làm nơi giải thoát. Bởi lẽ chưa từng
có chuyện văn chương gây nghiệp chướng, miễn là không để cho bụi bặm lẫn vào nơi
trong sạch (Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng/ Bất dung trần cấu tạp
thanh hư. Ngọa bệnh). Cái hữu duyên này đối nghịch với mọi điều sinh nghiệt chướng
cho ông mà ông gặp không ít trên đường đời. Con bướm thực may mắn khi được lưu
cùng sách - cũng có nghĩa lưu cùng những giá trị bất hủ nằm trong sách.
Nhưng câu thứ hai của Thực mới là “hóc”, có thể nói “hóc” vào bậc nhất trong thơ chữ Hán Nguyễn Du: Hồn tàn vì lẽ gì? Tại sao lại không có nước mắt để mà khóc văn chương nữa? Nước mắt của ai?. Cái gì tạo ra sự khác biệt trong cái Khốc (khóc thương thống thiết thành tiếng) ở đây với cái Khấp (khóc chỉ có nước mắt mà không ra tiếng) ở Độc Tiểu Thanh ký? Và ở đây có thể có hai cách hiểu:
Nhưng câu thứ hai của Thực mới là “hóc”, có thể nói “hóc” vào bậc nhất trong thơ chữ Hán Nguyễn Du: Hồn tàn vì lẽ gì? Tại sao lại không có nước mắt để mà khóc văn chương nữa? Nước mắt của ai?. Cái gì tạo ra sự khác biệt trong cái Khốc (khóc thương thống thiết thành tiếng) ở đây với cái Khấp (khóc chỉ có nước mắt mà không ra tiếng) ở Độc Tiểu Thanh ký? Và ở đây có thể có hai cách hiểu:
a. Theo truyền thống, phụ thuộc vào những người đã dịch nghĩa và dịch thơ:
Không có nước mắt để khóc văn chương (Hồn tàn không lệ khóc văn chương),
b.
Khóc cho văn chương mà không có nước mắt.
Chúng tôi mạn phép phân tích theo cả hai cách hiểu, từ hai
cách dịch nghĩa.
a. Chúng ta hãy bình tĩnh len vào tâm sự của nhà thơ để dần
hiểu ra ý tứ của ông. Trước hết, ta cần nhớ lại quan niệm của Mauron đã nói ở
trên: sự “ám ảnh luôn luôn ở phía sau tư duy của người sáng tạo”. Tạm thời “nhập
thân” vào con bướm chết, Nguyễn Du rút ra một điều giản dị: khi cái hồn của nó
tàn phai, rời thể xác bay đi, mọi vẻ đẹp cuộc sống sẽ trở nên trống rỗng vô
nghĩa đối với nó. Mà hồn đã tàn, thì không còn nước mắt nữa là điều hiển nhiên,
nhất là nước mắt để khóc cho một thứ chông chênh khó nắm bắt, khó định giá dưới
sự thẩm định của đời thường, như là văn chương! Điều ám ảnh lớn của Nguyễn Du bất
chợt trở lại trước cái chết của con bướm vô tư lự, khiến ông phải một lần nữa tự
vấn về ý nghĩa đời mình, về con đường văn nghiệp khổ ải mà ông đã lựa chọn, như
chúng đã bao lần dày vò ông: Trăm nỗi u buồn chưa một lần được giải
thoát (Bách chủng u hoài vị nhất sư. Bát muộn) - Tóc bạc làm tiêu ma
chí khí của kẻ sĩ nghèo (Bạch phát tiêu ma bần sĩ khí. Tặng Thực Đình) - Sống
chưa nên danh vọng gì người đã suy yếu (Sinh vị thành danh thân dĩ suy. Tự thán
II) - Qua nhiều năm biết cái già đã đến với mình (Niên thâm cánh giác lão tùy
thân. U cư II) - Một đời chuyên về từ phú, biết là vô ích, Sách đàn đầy giá, chỉ
mình làm ngu mình (Nhất sinh từ phú tri vô ích, Mãn giá cầm thư đồ tự
ngu. Mạn hứng) - Văn chương nào đã dùng được việc gì cho ta? Đâu ngờ phải
đói rét để người thương (Văn tự hà tằng vi ngã dụng/ Cơ hàn bất giác thụ
nhân liên. Khất thực) - Người có tài thường bị văn chương ghét ghen (Cao
tài mỗi bị văn chương đố. Ninh Minh giang chu hành). Dễ hiểu vì sao có lần Nguyễn
Du thoáng mơ ước được như Ông già thôn quê ngồi trong nhà trông thanh thản
an nhàn quá. Được như thế, chắc chỉ vì bình sinh không đọc sách (Toạ gia
thôn tẩu đa nhàn sự/ Chỉ vị bình sinh bất độc thư. Lạng Sơn đạo trung)… Những
bức tranh nhuốm màu u ám bi quan lướt qua tâm trí ông trước một sinh mệnh bé nhỏ
đã rời xa dương thế. Nỗi buồn về cuộc đời vô cảm thực dụng đang tràn lan ngoài
kia làm ông có lúc trách oan con bướm! Nếu tất cả mọi người sống nhởn nhơ vô tư
lự như con bướm kia, thì chẳng đợi khi hồn tàn, cũng đâu có giọt lệ nào khóc
cho văn chương, cho những khổ đau bất hạnh mà đời trông mong sự đồng cảm, cứu
giúp! Điều ấy chỉ có ở người nghệ sĩ thực sự mà thôi!. Nhưng tâm hồn nhân hậu của
người nghệ sĩ đã dành cho con bướm một đặc ân mà nó không ngờ:mi mệnh bạc, chỉ
còn cái xác khô thôi, nhưng lại có duyên lưu lại với sách vở!.
b. Nhưng, hiểu theo cách thứ hai, theo chúng tôi sẽ phù hợp
hơn, với ngữ pháp Hán văn cổ và cách tiểu đối của các vế trong hai câu Thực: Bạc
mệnh và Tàn hồn, Hữu duyên lưu giản tịch và Vô lệ khốc văn chương. Khóc
(khốc) mà lại không thể ra nước mắt, đó mới là cái khóc đau đớn, cái khóc bi kịch.
Hồn tàn rồi, dù con bướm may mắn vẫn còn lưu thể xác với sách, nó khóc cho văn
chương trong tình thế bất lực, khóc vô lệ, bởi cái tinh khí của đời đã thoát khỏi
nó kia mới chính là thứ nó cần để giao lưu hòa nhập với tinh anh của văn chương!
Cái khốc này chính là của Nguyễn Du dành cho văn chương, đúng hơn là
cho những khát vọng ông chưa thực hiện được cho văn chương cho đến giây phút ấy!
Đó cũng là một điều ám ảnh dai dẳng đối với một người thấy mình đầu bạc từ khi
còn trẻ tuổi!
Từ đó, nhà thơ đi tới hai câu luận:
Đố ngư dị tỉnh phồn hoa mộng/ Huỳnh hỏa nan hôi cẩm tú trường
-Con mọt sách dễ tỉnh giấc mộng phồn hoa, Lửa đom đóm khó đốt cháy được tấm
lòng gấm vóc.
Giấc mộng phồn hoa của Cuộc đời trăm năm thương thay chỉ
là chớp mắt (Bách tuế vi nhân bi thuấn tức. Mạn hứng), vì thế con mọt
gặm gỗ nhân may mắn được gặm sách cũng có thể dễ tỉnh phồn hoa mộng, cái phồn
hoa của lợi lộc danh vọng tạo ra những ông phỗng đá hay phải dẫm đạp lên nhau
trong Cõi người ta, của những Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm (Kiều),
khiến nhà thơ không chỉ một lần tự nhủ: Sao bằng cứ tỉnh để xem việc đời,
như cánh bèo trôi giạt rất đáng thương (Hà tự thanh tinh khan thế sự/ Phù bình
nhiễu nhiễu cánh kham ai. Lưu Linh mộ). Bởi Xưa nay ai là người có thể
phá bỏ cuộc mê này (Kim cổ thùy năng phá thử mê. Phản chiêu hồn), nếu
không phải là người nghệ sĩ ưu thời mẫn thế?
Người dám sống kiểu Ma đưa lối quỷ dẫn đường, lại tìm những
lối đoạn trường mà đi (Kiều), cũng là người lúccùng đường vẫn được
trăng đến thăm (Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến). Nói Tấm lòng gấm
vóc (cẩm tú trường) tức là nói tới tài văn chương (tú khẩu cẩm tâm), và là
một cách kiêu hãnh tự xác định giá trị bản thân của người hiểu hơn ai hết làm
thế nào để đạt tới “Nhất thế tài hoa” (Nguyễn Hành) của người sống trong môi trường
nhiễm hương thơm của Sách từ nhỏ không lúc nào rời chí hướng của mình - kể cả
khi thân phận tựa Ngọn cỏ bồng lìa gốc trước luồng gió tây thổi mạnh,
không biết cuối cùng sẽ bay đến nơi đâu (Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp/
Tất cánh phiêu lưu hà xứ quy). Tự xác định được cái lẽ sống để “dĩ bất biến ứng
vạn biến” đó trong mọi cảnh ngộ dù não lòng đến đâu, nhà thơ nghệ sĩ của chúng
ta đã có được tấm lòng gấm vóc (cẩm tú trường) mà lửa đom đóm khó đốt cháy được!
Lửa đom đóm ở đây có thể liên tưởng tới sự phù vân của danh lợi và những ước vọng
tầm thường đôi khi cũng lụy tới nhà thơ.
Từ việc Luận về Thời và Giá trị của cá nhân, tác giả đi tới
Kết:
Văn đạo dã ưng cam nhất tử, Dâm thư do thắng vị hoa mang - Được
nghe đạo lý rồi chết cũng cam, Ham mê sách còn hơn mải miết đắm đuối vì hoa.
Mượn chữ “Văn đạo” trong sách Luận ngữ của Khổng tử
(Sáng được nghe giảng đạo lý, chiều tối chết cũng hả), phù hợp với vòng đời ngắn
ngủi của con bướm trong văn cảnh này, nhà thơ khẳng định cái giá trị của văn
chương mà ông theo đuổi: văn chương Nghìn thuở nơi chín suối vẫn có mùi
hương (Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương. Âu Dương Văn Trung Công
mộ), trong cái cuộc vui buồn trăm năm bao giờ mới hết? Sách vở đầy bốn vách, bao
nhiêu cũng vừa (Bách niên ai lạc hà thời liễu/ Tứ bích đồ thư bất yếm
đa. Tạp ngâm 1). Và ông trầm ngâm triết lý thông qua con bướm chết: giờ
đây, mi đã nằm trong Sách, đã được hưởng cái Đẹp trong Sách, vì vậy chết cũng
cam; và việc ham mê sách của mi còn đáng giá hơn nhiều lần chuyện đắm đuối vì
hoa khi sống - đó là một cách diễn đạt cực tả nhằm nêu bật và khắc vào lòng người
đọc ấn tượng sâu sắc cái ý nghĩa của sự sống với Giá trị văn chương mà Nguyễn
Du tôn thờ.
Chúng ta thử thao tác chồng văn bản bài thơ này với bài
thơ Độc Tiểu Thanh ký: Nàng Tiểu Thanh được Nguyễn Du “liên tài” trước hết
chính bởi tài hoa của nàng tạo nên thần thái riêng biệt đáng kính trọng. Nhưng
điều trớ trêu đáng đau lònglà vẻ đẹp son phấn thì được người chồng nâng niu,
quý mến cho đến cả sau khi chết; còn văn chương - biểu hiện của phẩm chất cao
quý là tài năng, trí tuệ, tình cảm thì lại chịu phận hẩm hiu, bị rẻ rúng, phải nhờ
vào tờ giấy dùng để gói quà may còn sót lại mà đến được với đời, xét ra còn
thua cả con bướm chết khô ép trong sách: Trước cửa sổ, ta chỉ viếng một tờ giấy
thôi… Nhan sắc có thần thái nên được thương tiếc cả sau khi chết. Văn chương mệnh
hẩm nên phải nhờ vào phần còn sót lại (Độc điếu song tiền nhất chỉ thư/ Chi phấn
hữu thần liên tử hậu/ Văn chương vô mệnh lụy phần dư). Nguyễn Du liên hệ điều
này với nghịch cảnh trớ trêu của mình và thốt lời than thở: Cổ kim hận sự thiên
nan vấn/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư/ Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà
nhân khấp Tố Như?. Cái án phong lưu khách tự mang (phong vận kỳ oan
ngã tự cư) suốt đời ấy cũng đồng nghĩa với có duyên lưu lại với sách, với
lòng ham mê sách, không bị u mê đắm đuối vì hoa - biểu trưng cho sự phù du của
danh lợi, để có thể miệt mài đắm đuối với thứ văn chương có giá trị thiên cổ như
thi bá Đỗ Phủ (Thiên cổ văn chương thiên cổ sư. Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ 1).
Toàn bộ bài thơ Điệp tử thư trung với hệ thống thi liệu
và câu chữ đối lập, đã tạo nên sự tương phản giữa sự lạnh lẽo, bụi bậm, cô quạnh,
đơn độc (có tiếng mọt kêu đục gỗ) với sự nồng ấm của tư tưởng, của khát vọng ẩn
giấu trong sự lựa chọn và sắp xếp thi liệu, sự tương phản đối lập giữa Cái
chết và Sự sống, Sự trường tồn vĩnh cửu và cái Hữu hạn mong manh… Và điều đó “tạo
ra hai cảm xúc đối lập”, “các mâu thuẫn xúc động” tác động sâu sắc tới nhiều thế
hệ độc giả, theo quy luật của tâm lý học nghệ thuật, như nhà khoa học nghiên cứu
về nghệ thuật người Nga L.X. Vưgôtxki đã viết: “Bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật
nào - dù một bài thơ ngụ ngôn, một truyện ngắn hay vở bi kịch - đều chứa đựng
trong mình một mâu thuẫn xúc động, đều dấy lên những cảm xúc đối lập nhau… và với
điều này chúng ta đang tiến sát tới cái khái niệm Catacxit mà Arixtốt
đã dùng làm cơ sở để giải thích bi kịch và đã nhiều lần nhắc tới khi nói về các
loại hình nghệ thuật khác… nó thực hiện, “thông qua sự thương cảm và sợ hãi, việc
thanh lọc những xúc động tương tự” (12). Sự “thanh lọc” cảm xúc này cũng là một sức
mạnh nghệ thuật lớn lao trong toàn bộ tác phẩm văn chương của Nguyễn Du nói
chung, và của bài thơ Điệp tử thư trung nói riêng.
Chú thích:
1. Thơ trích trong bài lấy từ: Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Lê
Thước Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch. NXB Văn học 2012
2. Charles Mauron: “Huyền thoại cá nhân thể hiện những quá
trình tâm lý sâu xa, nó tiết lộ một chức năng tưởng tượng có liên quan tới thời
gian mà người sáng tạo đã sống qua.”- Dẫn theo: Liễu Trương. Phân tâm học
và Phê bình văn học, Nxb Phụ nữ 2011, tr.149
3. Jean Chevalier và Alain Gheerbrant. Từ điển biểu tượng
văn hóa thế giới.Nhiều người dịch, Nxb Đà Nẵng, in lần thứ ba, 2015, tr.113
4. Nguyễn Du. Về tác giả và tác phẩm. Trịnh Bá Đĩnh
và Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh tuyển chọn, giới thiệu. NXB Giáo dục 1999,
tr.169
5. Jean Chevalier và Alain Gheerbrant. Từ điển biểu tượng
văn hóa thế giới, Sđd,tr.791
6. Kinh Thánh, Bản truyền thống hiệu đính, Liên hiệp
Thánh Kinh Hội ấn hành, Nxb Tôn giáo 2011 (Sách Khải huyền 10:10, 11)
7. Alexandr Puskin. Tuyển tập tác phẩm. Thơ, Trường ca.
Nxb Văn học và TT văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây HN 1999
8. L.X. Vưgôtxki.Tâm lý học nghệ thuật. Nxb KHXH và Trường
viết văn Nguyễn Du, HN 1995, tr.385
9. Hêghen. Mỹ học. Phan ngọc giới thiệu và dịch. (Tập I)
Nxb Văn học HN1999, tr.18
10. Lê Quế. So sánh dị bản Truyện Kiều, Nxb Hội nhà văn,
2006. Tr.29.
11. Dẫn theo: Khâu Chấn Thanh. Lý luận văn học nghệ thuật
cổ điển Trung Quốc, Mai Xuân Hải dịch, Nxb Văn học 2001, tr. (412)
12. L.X. Vưgôtxki. Tâm lý học nghệ thuật. Sđd,
tr.339.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét