Con chim sơn ca và âm nhạc
Lâu đài của Hoàng Đế Trung Hoa là tòa nhà rực rỡ nhất trên thế
gian bởi vì bên trong có trang hoàng rất nhiều đồ gốm quý giá. Trong vườn thượng
uyển của nhà vua có trồng nhiều loại hoa đẹp nhất và treo trên cành cây là các
chuông bằng bạc với tiếng rung leng keng, nhắc nhở mọi người tới ngắm hoa. Khu
vườn này thì quá rộng lớn đến nỗi người làm vườn không biết đâu là mức cuối
cùng và tiếp theo khu vườn là cánh rừng xanh lan rộng tới tận bờ biển.
Trong cánh rừng này có một con chim Sơn Ca nhỏ hót hay đến nỗi
anh chàng đánh cá nghèo khó phải dừng chân lại, lắng nghe tiếng chim hót vào
ban đêm. Anh ta thốt lên: “Tiếng chim hót thật là hay biết bao!” và qua đêm hôm
sau, anh chàng đánh cá quay lại khu rừng để nghe tiếng chim hót và vẫn phải cất
tiếng khen ngợi “Thật là hay biết bao!”.
Các du khách trong cả nước Trung Hoa đều tới kinh đô để ngắm
lâu đài và khu vườn thượng uyển, nhưng khi họ tới cánh rừng và được nghe tiếng
chim Sơn Ca hót, họ đều phải nói rằng “đây là thứ hiếm quý nhất”. Các học giả
Trung Hoa đã viết nhiều sách, nói về kinh đô, lâu đài và khu vườn thượng uyển,
họ cũng không quên nói tới con chim Sơn Ca và con chim này được khen ngợi nhiều
nhất. Vài cuốn sách nói về loại chim hiếm quý tới tay Hoàng Đế và nhà vua đã đọc
sách khi ngồi trên ngai vàng. Nhà vua sửng sốt khi con chim Sơn Ca được đánh
giá cao hơn tòa lâu đài vàng son, hơn khu vườn thượng uyển rực rỡ. Nhà vua đã
phải thốt lên: “Tại sao có chuyện lạ vậy? Ta chưa hề biết gì về con chim Sơn Ca
này”. Vị Tể Tướng được gọi đến. Hoàng Đế phán: “Mọi người nói về một thứ rực rỡ
nhất trong vương quốc của ta, đây là một con chim đặc biệt nhất, gọi là chim
Sơn Ca. Tại sao không ai nói cho ta biết điều này?”. Vị Tể Tướng đáp: “Tâu Bệ Hạ,
hạ thần cũng chưa hề được nghe ai nói tới con chim đó! Xin để hạ thần tìm hiểu
thêm”. Nhưng biết tìm con chim này ở đâu? Hỏi mọi người trong tòa lâu đài nhưng
không ai được nghe nói tới con chim Sơn Ca nên Vị Tể Tướng tâu lên nhà vua: “Bệ Hạ đừng
tin những gì viết ra trong sách”. Hoàng Đế bèn đáp lại: “Nhưng cuốn sách gửi tặng
ta là từ Hoàng Đế của nước Nhật Bản, vậy điều này không thể sai lầm được và ta
phải được nghe tiếng hót của con chim Sơn Ca. Con chim này phải ở đây vào buổi
tối nếu không, tất cả triều thần sẽ bị trị tội”.
Vị Tể Tướng cùng triều thần rất lo lắng. Họ đi hỏi thăm về
con chim Sơn Ca. Cuối cùng họ gặp một cô gái nhỏ làm việc trong nhà bếp và cô
bé cho biết: “Cháu biết rõ con chim Sơn Ca này. Có một lần cháu xin phép mang một
chút đồ ăn còn dư cho mẹ của cháu đang bị ốm nặng và trên đường về nhà vào ban
đêm, vừa mệt mỏi vừa buồn chán, cháu đã nghe thấy tiếng chim hót. Cháu quá sung
sướng đến nỗi phải rơi nước mắt, tưởng rằng đang được mẹ cháu ôm hôn”.
Vị Tể Tướng nói: “Này cô phụ bếp nhỏ bé, cháu sẽ được gặp nhà
vua nếu cháu dẫn ta đi tới chỗ có con chim Sơn Ca”. Rồi cả nhóm người đi vào
cánh rừng, nơi con chim Sơn Ca thường hay hót. Trên đường đi, họ nghe thấy tiếng
bò rống, tiếng ếch nhái kêu, nhưng cô gái phụ bếp cho biết những tiếng kêu này
đâu phải là tiếng chim hót. Rồi một lúc sau, con chim Sơn Ca bắt đầu cất tiếng.
Cô gái nhỏ kêu lên: “Con chim đó” và cô bé chỉ tay về hướng một con chim nhỏ
màu sám đậm đang đậu trên cành cây. Vị Tể Tướng nhìn thấy con chim, bèn nói:
“Có thể như vậy sao? Con chim trông tầm thường quá! Có thể nó bị rụng mất lông
đẹp khi gặp gỡ nhiều nhân vật cao sang?”. Cô bé phụ bếp nói với con chim: “Chim
Sơn Ca nhỏ bé ơi, Hoàng Đế muốn chim hót cho Ngài nghe!”. Con chim trả lời: “Sẵn
Sàng”, và nó hót thật hay. Vị Tể Tướng cho biết: “Tiếng chim giống như tiếng
chuông pha lê vậy. Con chim này sẽ thành công tại triều đình”.
Con chim Sơn Ca tưởng rằng nhà vua có mặt nơi đó, nên hỏi:
“Tôi có nên hót một lần nữa cho Hoàng Đế nghe không?”. Vị Tể Tướng trả lời:
“Chim Sơn Ca nhỏ bé thân mến ơi, ta rất hân hạnh được mời chim tới triều đình tối
nay và Hoàng Đế sẽ rất vui mừng khi nghe tiếng hót của chim”. Chim Sơn Ca đáp lại:
“Tiếng chim hót hay nhất khi trong cánh rừng xanh”, và rồi con chim cũng vui
lòng bay tới tòa lâu đài.
Tại hoàng cung, mọi nơi đều được trang hoàng rực rỡ, nào là
tường vách bằng sứ trắng và sàn nhà bóng loáng phản chiếu các ngọn đèn vàng.
Các hoa tươi được đặt trên hành lang. Tiếng chuông reo vang khắp nơi. Tất cả
triều thần đều có mặt và cô bé phụ bếp đứng bên cạnh cửa. Con chim Sơn Ca hót
vang, hay đến nỗi Hoàng Đế phải xúc động và rơi lệ trên má. Vị Hoàng Đế quá hân
hạnh về con chim, nên nói rằng chim đáng được đeo một chiếc vòng vàng quanh cổ.
Nhưng con chim trả lời rằng nó đã được tưởng thưởng đủ nhiều: “Chim đã nhìn thấy
các giọt nước trong mắt của Bệ Hạ, đây là một phần thưởng lớn cho chim này. Nước
mắt của Hoàng Đế có sức mạnh biết bao”. Rồi con chim lại hót với giọng trầm bổng
hay tuyệt vời. Các bà mệnh phụ đứng quanh đó đều phải nói: “Tiếng chim hót thật
là hấp dẫn”.
Kể từ nay, con chim Sơn Ca ở trong triều đình. Nó có một cái
lồng riêng và được phép ra khỏi lồng hai lần vào ban ngày và một lần vào ban
đêm. Nó được 12 người hầu chăm sóc, mỗi người cầm một sợi dây lụa buộc quanh
chân của chim. Thực ra bay lượn với dây buộc như thế này thì không thoải mái.
Một hôm, Hoàng Đế nhận được một hộp quà có ghi hàng chữ “Chim
Sơn Ca”. Nhà vua nói: “Đây phải là một cuốn sách mới viết về con chim danh tiếng
của ta”. Nhưng đây không phải là cuốn sách, mà là một món đồ chơi cơ khí nhỏ, một
con chim Sơn Ca máy trông giống như thật, nhưng chung quanh thân chim có gắn
các hột soàn, ngọc hồng và ngọc xanh. Khi lên dây thiều, con chim này có thể
hót giống như một con chim thực với đuôi vẫy lên, vẫy xuống, và thân hình chim
lóng lánh vàng và ngọc. Chung quanh cổ của con chim máy này có đeo một vòng bằng
nhung, ghi giòng chữ: “Con chim của Hoàng Đế Nhật Bản thì không thể so sánh với
con chim của Hoàng Đế Trung Hoa”. Mọi người khi nhìn thấy con chim máy này, đều
phải nói “Thật là rực rỡ”.
Sau đó, vị nhạc trưởng của triều đình đề nghị: “Bây giờ hãy để
hai con chim cùng hót, chúng ta sẽ được nghe một bản song ca”. Nhưng khi chúng
hót với nhau, giọng của chúng không hợp nhau, bởi vì con chim Sơn Ca thật hót
theo cách của nó, còn con chim Sơn Ca máy hót theo các điệu luân vũ! Rồi con
chim máy được phép hót một mình. Nó đã đem lại nhiều niềm vui như con chim thật,
nó lại đẹp đẽ hơn khi ngắm nhìn, nó lóng lánh như các vòng đeo tay và vòng đeo
cổ. Con chim máy hót cùng một bản nhạc 33 lần mà không mệt mỏi. Mọi người muốn
nghe nó hót nữa, nhưng Hoàng Đế tới lúc này nghĩ tới con chim thật, nhưng nó ở
đâu? Không ai để ý rằng nó đã bay ra khỏi lồng, về cánh rừng xanh của nó! Hoàng
Đế hỏi: “Chúng ta phải làm gì bây giờ?” Cả triều thần đều tức giận, cho rằng con
chim Sơn Ca thật bội bạc và rồi họ nói: “Chúng ta còn có con chim hạng nhất”.
Về sau, con chim nhân tạo phải hót và mọi người phải nghe
cùng một điệu hót 34 lần. Vị nhạc trưởng lên tiếng khen ngợi con chim máy hết lời,
ông ta quả quyết với mọi người rằng con chim máy này hót hay hơn con chim thật,
không những hơn về bộ lông đẹp và các hạt kim cương, mà cả về bên trong. “Xin Bệ
Hạ, các quý ngài và các quý bà, hãy nhìn kỹ con chim thật, rồi không ai có thể
nói trước được về con chim này, nhưng mọi người đều biết rõ con chim nhân tạo.
Quý vị có thể cắt nghĩa về nó, mở nó ra và cho mọi người thấy rõ các bản nhạc
luân vũ nằm ở đâu, chúng sẽ được trình bày như thế nào và tiếp theo nhau ra
sao”. Mọi người đồng ý: “Đây cũng là những gì chúng tôi nghĩ”. Nhà vua cũng ra
lệnh cho mọi người được nghe con chim máy hót, rồi viên nhạc trưởng được phép
biểu diễn con chim nhân tạo cho công chúng xem vào ngày Chủ Nhật sau đó. Nhưng
anh chàng đánh cá đã từng nghe con chim Sơn Ca thật hót, nói rằng: “con chim
nhân tạo hót khá hay, nhưng điệu hót sai và tôi biết có một thứ gì thiếu vắng”.
Kể từ nay, con chim Sơn Ca thật bị loại ra khỏi cung đình và
con chim nhân tạo được đặt trên chiếc gối lụa, đặt bên giường nằm của Hoàng Đế,
tất cả các quà tặng dành cho nó, từ vàng bạc tới ngọc quý, đều được bày chung
quanh và nó được tặng danh hiệu “con chim hót đêm của Hoàng Gia”. Và viên nhạc
trưởng viết một tác phẩm 25 tập về con chim nhân tạo.
Một năm trường trôi qua. Hoàng Đế, tất cả triều thần và mọi
thần dân đều thuộc lòng từng nốt nhạc của con chim nhân tạo. Họ cũng ưa thích
hơn vì có thể hát cùng với con chim này. Tuy nhiên vào một buổi chiều, khi con
chim máy đã hót bài hát hay nhất, một thứ gì đó trong mình nó bị gẫy, có tiếng
kêu rắc rắc. Mọi bánh xe bên trong mắc kẹt và âm nhạc cũng ngừng lại. Hoàng Đế
bật dậy, kêu gọi vị y sĩ tới. Nhưng ông này làm được gì? Rồi một người thợ đồng
hồ đến và sau một thời gian dài xem xét, anh ta đã xếp theo thứ tự máy móc bên
trong mình con chim và nói rằng mọi cơ phận đã bị mòn và không thể đặt vô các
cơ phận mới. Đây quả là một tai họa. Con chim nhân tạo chỉ có thể hót một năm một
lần và điều này cũng là quá sức rồi.
Năm năm trôi qua, rồi một tin buồn tới với quốc gia này. Người
Trung Hoa trông đợi mọi thứ vào vị Hoàng Đế mà giờ đây, nhà vua này đang đau bệnh,
có thể không sống nổi. Một vị vua mới được chọn ra. Người ta hỏi vị Tể Tướng về
nhà vua già và viên quan đầu triều chỉ lắc đầu, không nói. Vị vua già vừa xanh
xao, vừa run rẩy, nằm trong chiếc giường rực rỡ. Cả triều đình tin rằng ông đã
băng hà nên từng người xa cách ông để tôn kính vị Hoàng Đế mới. Trên các lối đi
tại mọi nơi trong hoàng cung, thảm quý được trải ra để không ai nghe thấy tiếng
bước chân. Tất cả là cảnh yên lặng. Vị Hoàng Đế già trông đợi một thứ gì mới xẩy
đến, để phá tan sự yên tĩnh giống như cảnh chết chóc này. Nếu có một người nào
đó tới nói chuyện cho nhà vua nghe nhỉ? Nhà vua nói lớn với con chim máy: “Âm
Nhạc! Âm Nhạc! Con chim nhỏ bé rực rỡ bằng vàng ơi, ta đã ban cho mi vàng bạc
và ngọc quý, chính tay ta đã treo vòng vàng chung quanh cổ của mi, hãy hót lên,
hót đi!”. Nhưng con chim máy vẫn im lặng. Không có ai lên dây thiều cho con
chim, vì thế nó không thể hót được. Tất cả là cảnh yên lặng, lặng thinh đến khủng
khiếp!
Nhưng ngay lập tức tại nơi cửa sổ vang lên tiếng chim hót tuyệt
vời nhất! Đậu trên cành cây bên ngoài, con chim Sơn Ca thật nhỏ bé đã nghe thấy
lời cầu mong của vị Hoàng Đế già nên đã tới để hót cho nhà vua được yên lòng và
hy vọng. Và càng nghe chim hót, giòng máu trong huyết quản của nhà vua càng chạy
nhanh hơn, cuộc sống bắt đầu trở lại. Vị vua già nói với con chim: “Cảm ơn, ồ,
cảm ơn con chim tuyệt vời. Ta biết mi. Ta đã đuổi mi ra khỏi vương quốc của ta
nhưng mi đã mang lại cho ta đời sống. Làm sao ta có thể tưởng thưởng mi được?”.
Con chim Sơn Ca trả lời: “Bệ Hạ đã tưởng thưởng cho chim rồi. Lần đầu tiên khi
tôi hót, các giọt nước mắt đã lăn trên má của Bệ Hạ. Đó là các viên ngọc quý
làm vui lòng trái tim của ca sĩ! Bây giờ Bệ Hạ nên ngủ đi để lấy lại sức khỏe”.
Và nhà vua chìm trong giấc ngủ sâu, yên lành, trong khi con chim Sơn Ca hót
vang.
Khi mặt trời chiếu sáng qua khung cửa sổ, vị Hoàng Đế già tỉnh
dậy, cảm thấy mạnh khỏe, phục hồi. Không một người hầu nào tới thăm nhà vua cả
bởi vì họ tưởng nhà vua đã chết. Nhưng con chim Sơn Ca đã đến và hót các giọng trầm
bổng cho nhà vua nghe. Vị Hoàng Đế già nói với con chim: “Mi phải luôn luôn sống
gần ta nhé! Mi hãy hót lên khi nào vui thích rồi ta sẽ đập vỡ con chim nhân tạo
ra làm trăm mảnh”. Con chim thật trả lời: “Xin Bệ Hạ đừng làm thế. Con chim đó
làm công việc của nó bao lâu tùy theo khả năng của nó. Tôi không thể xây tổ
trong cung điện và sống nơi hoàng cung, xin hãy cho phép tôi tới đây khi nào
tôi ưa thích. Vào mỗi buổi tối, tôi sẽ đậu trên cành cây bên ngoài cửa sổ và
tôi sẽ hót các bài ca làm cho Bệ Hạ cảm thấy Hạnh Phúc. Tôi sẽ hót các bản nhạc
vui và các bản nhạc buồn, tôi cũng hót lên những gì tốt và xấu mà Bệ Hạ không
biết tới. Con chim nhỏ này sẽ bay vòng quanh, tới túp lều của anh chàng đánh cá
nghèo nàn, tới căn nhà lá của người nông dân, tới những người sống xa Bệ Hạ và
triều đình. Tôi yêu thương Tấm Lòng của Bệ Hạ hơn là Ngai Vàng của Ngài. Bây giờ
tôi hót cho Bệ Hạ nghe một lần nữa nhưng Bệ Hạ phải hứa với tôi một điều – “.
Vị Hoàng Đế đứng dậy, mặc vào chiếc long bào và trả lời con
chim: “Bất cứ điều gì”. Con chim nói: “Tôi chỉ xin Bệ Hạ một điều. Xin đừng nói
với ai là Bệ Hạ đã có một con chim nhỏ bé kể lại cho Bệ Hạ nghe mọi sự việc. Tốt
hơn là không nói ra”. Rồi con chim Sơn Ca bay đi. Khi các người hầu cận tới
nơi, coi xem vị vua già đã băng hà chưa, thì nhà vua nói với họ: “Chào Buổi
Sáng”.
Hans Christian Andersen
(Truyện “The Nightingale” trong cuốn The Children’s Treasure,
biên tập do Alice Mills, nhà xuất bản Global Book Publishing Pty, Ltd.,
Australia).
2/ Nhà Văn Hans Christian Andersen
Loại truyện trẻ em bao gồm những chuyện thần tiên, chuyện
nhân gian, thường hàm chứa các đức tính tốt, các sự việc cao đẹp, mô tả các đời
sống đơn giản hơn thông thường, với các điều lành và điều dữ dễ dàng nhận rõ.
Loại truyện này cũng liên quan tới các con vật biết nói, với phần kết có những
người tốt, người thiện được tưởng thưởng và các kẻ xấu, kẻ gian bị trừng phạt.
Trong cốt truyện cũng kể tới các cuộc đi xa, các biến động, nhiều vấn đề rắc rối…
nhưng cuối cùng, đời sống tiếp tục tươi sáng với tương lai nhiều hứa hẹn.
Có nhiều truyện trẻ em danh tiếng được nhiều người biết tới,
chẳng hạn như chuyện Bạch Tuyết, Cô Bé Lọ Lem, Nàng Công Chúa Ngủ Trong Rừng…
Các nhà văn viết truyện trẻ em lừng danh như Charles Perrault người Pháp, anh
em Grimm người Đức, đã tạo nên những câu chuyện rất phổ thông, gây ảnh hưởng tới
nền văn chương của phương Tây. Một bậc thầy khác về nghệ thuật viết truyện thần
tiên hay truyện trẻ em là nhà văn Hans Christian Andersen. Các truyện của
Andersen có nguồn gốc từ các truyền thuyết nhân gian, lại hàm chứa bên trong thể
văn cá nhân và các yếu tố tự thuật hay tính châm biếm xã hội đương thời.
Hans Christian Andersen (1805-1875) là nhà văn danh tiếng nhất
của nước Đan Mạch. Các truyện của ông được phổ biến rộng rãi trong nền văn
chương thế giới bởi vì các tác phẩm này đã làm cho giới độc giả trẻ tuổi tin tưởng
và say mê qua nhiều thế hệ. Andersen sinh ra đời tại Odense, Đan Mạch, là con
trai của một người thợ đóng giầy nghèo khó, qua đời lúc cậu mới 11 tuổi. Vào
thuở thiếu thời, cậu bé này đã phải sống trong khu nhà tồi tàn, phải tranh đấu
để vươn lên trong một xã hội có nhiều giai cấp gò bó. Sau khi theo học tại một
ngôi trường dành cho các trẻ em nghèo, Andersen rời bỏ Odense vào tuổi 14 để
theo nghề nghệ sĩ tại thủ đô Copenhagen. Mặc dù cố gắng kiếm ăn bằng các công
việc như kịch sĩ, ca sĩ, diễn viên múa, Andersen vẫn nằm trong cảnh túng thiếu.
Tại Copenhagen, Andersen được ông Jonas Collin, một trong các giám đốc của Rạp
Hát Hoàng Gia giúp đỡ và ông này trở thành người bạn thâm niên.
Nhờ ông Jonas Collin, Andersen nhận được một học bổng để theo
đại học Copenhagen vào năm 1828. Năm sau, Andersen viết ra vở kịch đầu tiên, có
tên là “Tình Yêu trong Tháp của Nhà Thờ Thánh Nicolai” (Love in St. Nicolai Church
Tower). Andersen cũng viết các tiểu thuyết và các vở kịch nhưng các sáng tác
này ít khi được đọc bên ngoài miền đất Scandinavia. Cuốn tiểu thuyết danh tiếng
nhất của ông là “Ứng Tác” (Improvisation, 1835).
Hans Christian Andersen
Vào năm 1835, Hans Christian Andersen cho xuất bản tập truyện
thần tiên đầu tiên và ông tiếp tục viết tới tập thứ 156 trước khi qua đời. Tập
thứ nhất gồm các câu chuyện như “Chiếc Hộp dễ cháy” (The Tinder Box), “Claus nhỏ
và Claus lớn” (Little Claus and Big Claus), “Nàng Công Chúa và Hạt Đậu” (The
Princess and the Pea), “Các Bông Hoa của Bé Ida” (Little Ida’s Flowers)… Các
truyện của Andersen trở nên phổ biến vào đầu thập niên 1840.
Các tác phẩm của Hans Christian Andersen đã mở ra một đường
hướng mới về nội dung và thể văn bởi vì ông là một nhà cải cách thực sự trong
phương pháp kể chuyện. Các câu chuyện của ông hấp dẫn trẻ em lẫn người lớn do
tác giả đã đưa vào trong truyện các cảm xúc và ý tưởng ngoài tầm hiểu biết tức
thời của trẻ em, trong khi những yếu tố này vẫn còn nằm trong tầm nhìn của lớp
thiếu niên. Andersen đã khéo léo phối hợp khả năng kể chuyện tự nhiên và trí tưởng
tượng dồi dào, đã dùng các đặc tính phổ thông trong các truyền thuyết nhân gian
để sáng tạo ra những câu chuyện liên quan tới nhiều nền văn hóa.
Do là một nhà văn danh tiếng, Hans Christian Andersen đã quen
với nhiều nhân vật trong hoàng gia Đan Mạch, thân với các nghệ sĩ lừng danh như
nhạc sĩ Franz Liszt, nhà thơ Heinrich Heine, các tiểu thuyết gia như Victor
Hugo và Charles Dickens. Ông Andersen cũng từng du lịch khắp châu Âu và viết ra
nhiều cuốn sách liên quan đến các kinh nghiệm của ông, trong số này đáng kể nhất
là cuốn “Tạp Ghi của Nhà Thơ” (A Poet’s Bazaar, 1842) và “Tại Thụy Điển” (In
Sweden, 1851). Một cuốn sách tự thuật khác của ông là cuốn “Chuyện Thần Tiên của
Đời Tôi” (The Fairy Tale of My Life, 1855).
Hans Christian Andersen là một nhân vật thành công và danh tiếng
do các tác phẩm nhưng ông không lập gia đình. Ông đã từng yêu ba phụ nữ trong
đó có nữ ca sĩ người Thụy Điển Jenny Lind và cô ái nữ của ông Jonas Collin,
nhưng không người đẹp nào đáp lại tình yêu của ông.
3/ Tiếng chim hót trong bản nhạc của Vivaldi.
Trong truyện trẻ em kể trên của Hans Christian Anderson, nhân
vật quan trọng thứ hai là con chim Sơn Ca. Con chim này đã hót nhiều giọng vui,
buồn, trầm, bổng, với cung điệu rất hấp dẫn, truyền cảm, đã mang lại xúc động
cho nhiều người nghe, từ anh chàng đánh cá nghèo khó, cô gái nhỏ phụ bếp tới
Hoàng Đế Trung Hoa. Con chim Sơn Ca có khả năng mang lại sức khỏe cho nhà vua,
đã khiến cho vị vua già không còn cô đơn. Nhà vua đã vui lên, tin tưởng hơn nhờ
thứ âm nhạc của cánh rừng xanh mà con chim Sơn Ca là một ca sĩ trình diễn.
Như vậy Âm Nhạc là gì, có các công dụng nào và các thể loại
nào? Âm nhạc là các âm thanh được xếp đặt theo các mẫu (patterns) êm tai và hấp
dẫn. Mọi người dùng âm nhạc để diễn tả các cảm xúc và tư tưởng. Âm nhạc cũng được
dùng để giải trí và thư dãn tâm hồn, vì vậy âm nhạc là một phần quan trọng
trong đời sống hàng ngày, trong nhiều hoạt động xã hội và văn hóa.
Âm nhạc là một nghệ thuật trình diễn. Khác với vài bộ môn nghệ
thuật như Thơ Phú và Hội Họa trong đó người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm rồi phổ
biến hay trưng bày cho mọi người nghe hoặc thưởng lãm; trong bộ môn âm nhạc, nhạc
sĩ sáng tác cần tới nhiều ca sĩ trình diễn để diễn tả các bài ca, các nhạc phẩm,
giống như nhà soạn kịch cần tới các diễn viên trên sân khấu. Như vậy công việc
trình tấu âm nhạc là sự phối hợp giữa các nghệ sĩ sáng tác và các nghệ sĩ biểu
diễn.
Âm nhạc là một trong các nghệ thuật lâu đời nhất và có lẽ con
người bắt đầu biết ca hát khi ngôn ngữ mới phát triển. Các nhà khảo cổ đã tìm
thấy các khúc xương rỗng được dùng làm cây sáo (flute) vào khoảng 10,000 năm
trước Tây Lịch (TL) và bản nhạc đầu tiên được viết ra có lẽ từ 2,500 năm trước
TL. Các dân tộc với nền văn minh cổ như các người Ai Cập, Trung Hoa và Babylonians
đã biết dùng âm nhạc trong các lễ nghi cung đình và tôn giáo.
Âm nhạc giữ các vai trò quan trọng trong mọi nền văn hóa. Nhiều
người dùng âm nhạc trong các buổi lễ hội, trong công việc làm hay trong các
sinh hoạt cá nhân và tập thể. Ngày nay, âm nhạc có nhiều hình thức. Loại âm nhạc
của châu Âu và châu Mỹ được gọi chung là Âm Nhạc Tây Phương (Western music)
trong khi châu Phi và châu Á cũng có loại âm nhạc riêng. Trong nền âm nhạc Tây
Phương, có hai loại chính là “cổ điển” (classical) và “phổ thông” (popular). Nhạc
Cổ Điển gồm các bản giao hưởng (symphonies), nhạc kịch (operas) và nhạc vũ ba
lê (ballets). Nhạc Phổ Thông có các loại chính như nhạc đồng quê (country
music), nhạc nhân gian (folk music), nhạc jazz và nhạc rock…
Trong bộ môn nhạc cổ điển cũng có nhiều hình thức. Nhiều bản
nhạc cổ điển rất dài với nhạc phong và nhịp độ biến đổi. Cũng có các bản nhạc
ngắn với cùng nhịp độ và nhạc phong được giữ nguyên trong suốt thời gian trình
tấu. Vài bản nhạc cổ điển mang chủ đích trình bày một đề tài, diễn tả một ý tưởng,
mô tả một cảm xúc hay kể ra một câu chuyện.
Các nhà nghiên cứu âm nhạc cũng chia nhạc cổ điển ra làm hai
loại: nhạc dùng đàn (instrumental music) và thanh nhạc (vocal music). Nhạc dùng
đàn thường được trình tấu bằng một nhạc cụ, một nhóm nhỏ nhạc cụ hay một dàn nhạc
(orchestra), còn thanh nhạc được viết cho một ca sĩ hát, hay một nhóm ca sĩ, hoặc
một ban hợp ca đông người. Ngày nay các nhạc cụ được chia làm 5 loại chính: (1)
nhạc cụ dây (stringed), (2) nhạc cụ gió (wind), (3) nhạc cụ gõ (percussion),
(4) nhạc cụ phím (keyboard) và (5) nhạc cụ điện tử (electronic instruments).
Tùy theo số nhạc sĩ trình diễn mà bản nhạc được phân loại ra
làm:
(1) Nhạc độc tấu (solo music): được viết cho một thứ đàn như
dương cầm, vĩ cầm, sáo… Các bản sonata dương cầm danh tiếng nhất là của các nhạc
sĩ Ludwig van Beethoven người Đức, Wolfgang Amadeus Mozart người Áo… trong khi
Johann Sebastian Bach người Đức cũng sáng tác các sonata xuất sắc, dùng cho đàn
vĩ cầm (violin) và hồ cầm (cello).
(2) Nhạc thính phòng (chamber music): dùng cho từ 2 tới 5 nhạc
sĩ, với mỗi người trình bày mỗi phần khác nhau. Loại bản nhạc này gồm loại hòa
tấu 3 đàn dây (string trio), hòa tấu dương cầm 3 đàn (piano trio), hòa tấu 4
đàn (string quartet), hòa tấu 5 đàn (string quintet)…
(3) Nhạc đại hòa tấu (orchestra music): được trình diễn trước
khán giả đông người. Dàn nhạc của loại này gồm từ 15 tới trên 100 nhạc sĩ, được
chia làm 4 nhóm chính: a) loại dây, b) loại gió, c) loại kèn đồng và d) loại
gõ. Loại bản nhạc thường được các dàn nhạc đại hòa tấu trình diễn gồm các bản
giao hưởng (symphonies), các concerto và các tổ khúc (suites).
Bản nhạc giao hưởng thường diễn tả các cảm xúc, các ý tưởng.
Bản giao hưởng “Eroica” (1804) của Beethoven lúc đầu có chủ đích ca ngợi danh
tướng Napoleon với nhiều đoạn nhạc hùng tráng, và phần hai (2nd movement) là
hành khúc tang lễ (funeral march) dành cho bậc anh hùng quá vãng… Bản giao hưởng
“Mùa Xuân” (Spring, 1841) của Robert Schumann diễn tả niềm hạnh phúc khi lập
gia đình.
Các bản concerto được viết ra cho một thứ đàn riêng biệt, chẳng
hạn như đàn vĩ cầm hoặc đàn dương cầm. Nhà soạn nhạc danh tiếng người Ý Antonio
Vivaldi đã viết ra nhiều concerto xuất sắc, chủ yếu dùng cho các loại đàn dây.
Từ thế kỷ 18, các tổ khúc (suites) là loại nhạc dành cho vũ
điệu (dances), chẳng hạn như hai tổ khúc danh tiếng “Peer Gynt Suite” (1876) của
nhà soạn nhạc Edvard Grieg người Na Uy, và “Nutcracker Suite” (1892) của nhà soạn
nhạc Peter Ilich Tchaikovsky người Nga.
Âm nhạc là một loại ngôn ngữ quốc tế có sức mạnh truyền thông
lớn nhất, đã dùng tới các giai điệu trầm bổng để gợi lên trong tâm hồn người
nghe nhiều cảm xúc nội tâm đa dạng. Âm nhạc trực tiếp ảnh hưởng tới các giác
quan của thính giả và các nhạc sĩ sáng tác là những nghệ sĩ dùng âm thanh để mô
tả những gì không thể nói ra bằng lời, vui cũng như buồn, say mê cũng như hùng
tráng…
Trở về một thí dụ đơn giản là tập Concerto “Bốn Mùa” (The
Four Seasons) của Antonio Vivaldi, phổ biến vào năm 1725. Mở đầu trong concerto
thứ nhất “Mùa Xuân” là tiếng chim hót vui vẻ, chào đón một mùa nắng ấm, sau đó
là tiếng nước chảy róc rách của một giòng suối với gió nhẹ thổi qua, với các tiếng
sấm, và rồi lại nghe thấy tiếng chim hót diễn tả nhờ cây vĩ cầm độc tấu.
Mùa Xuân đang tới. Nhạc và Thơ là hai bộ môn nghệ thuật
chuyên chở rất nhiều tình cảm. Nếu Antonio Vivaldi sáng tác ra các giòng nhạc bắt
chước tiếng chim, giống như giọng hót của con chim Sơn Ca, thì Đại Thi Hào Nguyễn
Du cũng mô tả tiếng đàn lả lướt của nàng Thúy Kiều bằng bốn câu thơ sau:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời,
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa…
Phạm Văn Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét