Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Thi ca viết về gà trong văn học cổ điển Việt Nam

Thi ca viết về gà trong 
văn học cổ điển Việt Nam
Từ khỉ vượn (năm Thân) đến gà (năm Dậu) có thể xem đó là sự nối kết từ xa đến gần. Xa là chốn núi rừng với cây cối trùng điệp và đám khỉ vượn tha hồ leo trèo, nhảy nhót, để hái quả, bẻ lá… Còn gần tức là nhà cửa xóm làng với tre cau, vườn tược, đồng ruộng. Ở đây luôn vang vọng tiếng gà gáy gà kêu la gắn liền với đời sống của nông thôn Việt Nam.
Trong 12 con giáp thì gà xem như là đại diện của loài lông vũ, góp mặt cùng với 11 con vật kia tạo thành sự nối tiếp có hình tượng của vòng thời gian vô tận.
Nhân xuân năm 2017 là Tết con gà (Đinh Dậu), chúng tôi xin bước đầu tập hợp - giới thiệu mảng thi ca chữ Hán và chữ Nôm đã viết về gà, nói chung là khá phong phú, đa dạng.
* Thi ca chữ Hán
1- Chùm thơ sấm xung quanh việc lên ngôi (năm 1010) của Lý Công Uẩn 974-1028)
* Bài 1: Đại sơn (Núi lớn)
Núi lớn nổi đầu rồng
Đuôi rồng giấu đại công
Nhà Lý lập nên nghiệp
Cây gạo hiện hình long
Trong tháng thỏ gà chuột
Mặt trời mọc sáng trong.
(Ngô Thế Long dịch. Dẫn theo Thơ văn Lý Trần I, NXB.KHXH, tr.220).
Theo sách Thơ văn Lý Trần I (Sđd, tr.220) “thì bài thơ trên - vốn được chép trong sách Thiền uyển tập anh, đã ra đời thuộc một trong 2 khả năng: 1- Do Đinh La Quý sáng tác nhưng nhà sư này không phải sống vào cuối thời Bắc thuộc như sách Thiền uyển tập anh đã chép, mà sống trong khoảng cuối tiền Lê đầu Lý, giống như trường hợp các sư Vạn Hạnh, Đa Bảo. 2- Là một bài thơ khuyết danh, xuất hiện trong khoảng cuối Tiền Lê đầu Lý, nhưng để thêm phần linh thiêng người ta đã gán nó cho Đinh La Quý, là người đã sống hàng trăm năm trước…”.
Dùng các tháng thỏ gà chuột (thố, kê, thử) theo âm lịch để nói đến một sự đổi ngôi có thể xảy ra, cũng như sau này nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) trong tác phẩm Lục Vân Tiên, đã cho nhân vật sư phụ của Lục Vân Tiên nói với đệ tử của mình về con đường công danh:
Số con hai chữ khoa kỳ
Khôi tinh đã rạng tử vi thêm lòa
Hiềm vì ngựa chạy đường xa
Thỏ vừa lố bóng, gà đà gáy tan
Bao giờ cho đến bắc phang
Gặp chuột ra đàng con mới nên danh.
(Lục Vân Tiên. Câu 65-70.
Dẫn theo Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập I, NXB. Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1980, tr.95).
2- Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Tung (1230-1291)
Một gương mặt thiền học tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam đời Trần (1225-1400) cũng là một gương mặt thi ca nổi bật của văn học Việt Nam thế kỷ XIII, qua các tác phẩm thơ của mình đã 3 lần nói đến hình ảnh gà:
- Hoặc là hình ảnh gà để so sánh với hạc:
Tấm thân suy yếu kể chi mà
Hạc nội nào đâu lẩn tránh gà
Muôn tía nghìn xanh mờ đất nước
Chân trời góc biển dưỡng tình ta.
(Bài Dưỡng chân. Đỗ Văn Hỷ dịch, Thơ văn Lý Trần II, NXB.KHXH, 1989, tr.226).
Hạc nội nào đâu lẩn tránh gà (phi quan lão hạc tị kê quần):
Chim hạc lánh đàn gà: xuất xứ từ thành ngữ: Hạc lập kê quần, tức là chim hạc đứng giữa đàn gà. Ở đây tác giả muốn nói: vấn đề chính là dưỡng chân chứ không phải là chuyện đau ốm hay lẩn tránh nơi quần chúng.
- Hoặc là tiếng gà gáy lúc canh năm, chỉ cho thời gian, mà lúc nào người tu hành cũng luôn thâu giữ tâm niệm:
Niệm dấy tâm tâm dấy
Tâm tan niệm niệm tan
Muốn hay điều chân thực
Hổ đá cắn dê vàng.
Trời đất, ngón tay gảy
Non sông, tiếng dặng khan
Gió mưa lay thoáng chốc
Gà gáy lúc canh tàn.
(Bài Gợi bảo học trò; Huệ Chi dịch, Sđd, tr.245).
- Hoặc là, cũng như hàng năm hoa vẫn nở vào tháng Ba, sáng sớm, gà vẫn gáy vào canh năm:
Sống chết về đâu chớ hỏi quanh
Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành
Mây ngàn vốn tự bay ra núi
Nước suối thường khi đổ xuống ghềnh.
Độ độ hoa cười xuân tới tiết
Đêm đêm gà gáy lúc tàn canh
Khuôn trăng người mẹ (1) ai hay biết
Trời nọ người kia thảy giả danh.
(Bài Thời tiết yên đinh; Đỗ Văn Hỷ dịch, Sđd, tr.246).
3- Trần Quang Triều (1286-1325)
Là con của Trần Quốc Tảng (1252-1313), cháu nội của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1232-1300) cũng là một gương mặt thi ca đáng chú ý của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XIV.
Nơi bài thơ thất ngôn bát cú Tức cảnh xóm bên sông (Giang thôn tức sự) tác giả Trần Quang Kiều đã ghi nhận tóm tắt về một số cảnh vật nơi thôn xóm ven sông, trong ấy tất nhiên là có tiếng gà gáy chó sủa:
Thôn Tây xóm ngõ cách thôn Đông
Gà chó râm ran xế bến sông
Giỡn bóng, chiều hôm đàn én liệng
Mừng người, gió nhẹ bãi hoa rung.
Dâu non, ăn rỗi tằm theo lá
Mưa xuống, liền mây lúa rợp đồng
Cười ngất nhà thơ tham ngắm cảnh
Về kinh, thuyền trẩy chục hôm ròng.
(Huệ Chi dịch, Sđd, tr.517-618).
4- Nguyễn Sưởng (thế kỷ XIII-XIV)
Sống cùng thời với Trần Quang Triều (1286-1325), Nguyễn Trung Ngạn (1289-1368), có tham gia thi xã Bích động do Trần Quang Triều sáng lập. Bài thơ Ở làng (Thôn cư) của ông viết theo thể ngũ ngôn bát cú, cũng là những ghi nhận chấm phá về cảnh và người nơi thôn quê:
Hè đuổi xuân đi vội
Gốc cây chim ríu ran
Trăng rèm bóng hoa chuyển
Gió trúc, hơi mát lan.
Làng rượu mong say khướt
Đất cờ vui cuộc nhàn
Nước Hoa Tư (2) bừng mắt
Gà xóm cách tường vang.
(Nguyễn Đổng Chi dịch, Sđd, tr.767).
5- Trần Nguyên Đán (1325-1390)
Là nhạc phụ của Nguyễn Phi Khanh (1355-1428), tức  ông ngoại của thi hào Nguyễn Trãi (1380-1442). Họ Trần cũng là một gương mặt thơ tiêu biểu của Văn học Việt Nam thế kỷ XIV. Trong số 51 bài thơ của Trần Nguyên Đán được Lê Quý Đôn (1726-1784) chép trong sách Toàn Việt Thi lục còn lưu lại, có 2 bài tác giả đã nói đến hình ảnh gà:
- Hoặc là hình ảnh so với phượng để nhắn chư vị chấm thi nên dốc sức phát hiện nhân tài:
Hiên cao tấp nập gót chư công
Sĩ tử khó xem vách mấy trùng
Ngọc đá đáng đem phân biệt rõ
Phượng gà há để liệng bay chung…
(Bài: Dùng vần thơ… Đào Phương Bình dịch. Thơ văn Lý Trần tập III, NXB.KHXH, 1978, tr.175).
- Hoặc là Tiếng gà gáy làm thức giấc trong khi tác giả còn lận đận nơi xứ lạ:
Thân mang gươm bút bước phù vân
Bấm đốt xa nhà trọn chục tuần
Báo sáng gà xui kinh giấc mộng
Giục về quyên gọi tiễn tàn xuân.
Công danh chưa muộn chờ ngày khác
Bèo nước đâu còn gặp cố nhân
Biển rộng trời cao nhàn tản quá
Sông yên sóng lặng bạch âu (3) gần.
(Bài: Cảm xúc khi ở trong quân; Hoàng Lê, Trần Lê Sáng dịch, Sđd, tr.184).
6- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)
Là gương mặt thi ca tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XVI. Trong Bạch Vân Am thi tập (thơ chữ Hán) của ông có bài đường luật thất ngôn bát cú viết về Trứng gà (Kê noãn):
Cũng chẳng tròn mà cũng chẳng vuông
Khéo đem trời đất đóng vào khuôn
Ngoài đồng thái tố (4) hai lần trắng
Trong chứa đan biêm (5) một điểm vàng.
Thái cực (6) chưa chia còn hỗn độn
Lưỡng nghi (7) hợp lại mới khai trương
Mọc ra lông cánh liền bay bổng
Biến hóa kim kê (8) giúp thái dương.
(Ngô Lập Chi dịch. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, NXB.Văn Học 1976, tr.688-689).
7- Lê Hữu Trác (1720-1791)
Là một trong 2 vị danh y tiêu biểu nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam (vị kia là sư Tuệ Tĩnh), cũng là một gương mặt thơ văn nổi bật của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII. Ngoài tác phẩm Thượng Kinh Kỷ Sự nổi tiếng, thi ca chữ Hán của Hải Thượng Lãn Ông được chép trong phần Y lý thâu nhàn lý ngôn phụ chí (trong khi làm thuốc, nhân lúc rảnh, dùng lời quê mùa bày tỏ ý chí), đã được Bùi Hạnh Cẩn dịch (in nơi phần sau của bản dịch sách Thượng Kinh Kỷ Sự, NXB.Hà Nội, 1977).
Thi ca chữ Hán của Lê Hữu Trác phần lớn là ghi nhận về những cảnh vật và con người ở nông thôn nên tất nhiên là có cả tiếng gà gáy quen thuộc:
Xóm đông một ngó không xa mấy
Giông lớn mưa rào nổi Kiếm quan (9)
Xao xác gà thôn xui nỗi khách
Bâng quơ trống tối dấy thu hàn.
Tin nhau đạo đức rành không khó
Gặp mặt đàn, ly chả dễ dàng
Một tiếng chim kêu buồn khó nói
Dậy nhìn trăng xế bóng Tiêu san.
(Bài: Vào trọ an ấp… Bùi Hạnh Cẩn dịch, Sđd, tr.205).
Hoặc:
Đôi bờ non núi chìm sương nặng
Một ánh trăng trong chảy giữa dòng
Canh khuya eo óc gà thôn gáy
Bãi vắng đàn ngư lửa bập bùng
Hơi lạnh đìu hiu bên gối khách
Đưa tiễn thuyền nhau sóng trập trùng. (10)
(Bài: Đọc đường đi chữa bệnh; Bùi Hạnh Cẩn dịch, Sđd, tr.210).
8- Lê Quý Đôn (1726-1784)
Được xem là vị học giả bác học trong văn học cổ điển Việt Nam. Thơ chữ Hán của Lê Quý Đôn tuy không nhiều nhưng cũng rất đáng chú ý. Bài thơ Vịnh cảnh sông Đại Đăng gần với núi Dục Thúy (thuộc huyện Yên Khang, phủ Trường Yên - Thanh Hóa) đã được Phan Huy Chú (1782-1840) ghi lại trong phần Dư Địa Chí của sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, cũng là những ghi nhận tinh tế, hài hòa:
Tân cảnh lưu hồng thụ
Tà dương hạ thúy vi
Kê minh giang nguyệt thượng
Thiền táo (11) hải vân quy
Triều thủy hữu triêu tịch
Ngư ông vô thị phi.
(Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí; Bản dịch của Viện Sử học, tập I, NXB.KHXH, 1992, tr.61).
(Cây đỏ lưu cảnh mới
Triền núi giữ bóng chiều
Gà gáy, trăng trên sóng
Mây biển về, ve reo
Nước ròng rọt sớm tối
Ngư ông gác việc đời).
(Do sách LTHCLC chỉ dịch nghĩa, nên chúng tôi đã cố gắng để dịch thơ) (12).
9- Đoàn Nguyễn Tuấn (1751-?)
Anh vợ của thi hào Nguyễn Du (1765-1820), là gương mặt thi ca xuất sắc của văn học thời Tây Sơn (1771-1802). Thơ chữ Hán của Đoàn Nguyễn Tuấn nói nhiều về cảnh vật ở nông thôn, về những núi sông, đèo ải, rừng khe v.v… mà ông từng đi qua, nên thỉnh thoảng vẫn có tiếng gà gáy:
Trèo lên chót vót thượng tầng
So le theo đá, cây dần chếch lên
Ngửa nghe gà gáy tầng trên
Cúi nhìn bóng nhạn vẽ nên ráng chiều
Mấy nhà hang vượn leo teo
Đường trần như kiến dập dìu ngược xuôi
Mỏm non ngồi ngó xa vời
Nhà ta kia chốn mây trôi bồng bềnh.
(Bài: Lên núi kháo (13) Nguyễn Văn Bách dịch. Dẫn theo: Thơ Văn Đoàn Nguyễn Tuấn… NXB.KHXH, 1982, tr.51).
Hoặc nơi bài Qua núi Tam Điệp(14):
Tam Điệp hướng Bắc toàn mây trôi
Vọng Nam là muôn ngọn núi đồi
Nườm nượp dấu chân in chốn bụi
Mịt mờ đèo ải đám cây côi
Cảnh đẹp rốt cùng đều mộng ảo
Đường đời cất bước luống bồi hồi
Thẩn thờ người bóng cùng riêng hỏi
Gà gáy vang vang giục tỉnh thôi.
(Dẫn theo Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn… Sđd, tr.65. Phầndịch thơ là của chúng tôi).
10- Nguyễn Thông (1827-1884)
Nhà thơ, là gương mặt nho sĩ trí thức thuộc loại chân chính bậc nhất của học giới Việt Nam thế kỷ XIX. Thi ca chữ Hán của Nguyễn Thông khá dồi dào, viết nhiều về cảnh vật nơi thôn dã, sông rạch, ao hồ, ruộng đồng v.v… có 3 bài đã nói đến gà:
Sóng cương xuyên kẽ rừng
Rừng rậm dấu người vắng
Buôn bản hẳn đâu đây
Tiếng gà chó văng vẳng.
Rẽ bụi quanh bờ khe
Mây thu chiều nhạt nắng
Nhìn về nơi ra đi
Mù trời cây mấy rặng.
(Bài: Chập tối vào làng bà dần; Giản Chi dịch.
Dẫn theo Nguyễn Thông. Con người và tác phẩm, NXB.TP.HCM,1984, tr.154).
Hoặc:
Cành Nam nay thả mày về lại
Bạn cũ gà rừng mặc sức vui
Bên suối uống ăn nên cẩn thận
Chút thân dừng để lọt tay ai.
(Bài: Thả chim đa đa; Bảo Định Giang dịch, Sđd, tr.214).
Và:
Cỡi hạc giong loan đã lỗi thời
Ngõ lau về nghỉ cảnh già thôi
Vài gian nhà lá bên dòng nước
Chiếc ghế rừng thông dưới gió đồi
Câu nghĩ, thuyền về kề cửa đậu
Ngâm xong, chim liệng trước thềm chơi
Ổ này cảm thấy: gà yên chỗ
Thôi chớ ăn năn sự đã rồi!
(Bài: Thơ kết của bài Tiểu Tập Ngọa Du Sào (15)
 Lê Thước, Phạm Khắc Khoan dịch, Sđd, tr.224-225).
* Thi ca chữ Nôm
1- Thơ Nôm khuyết danh của Hội Tao Đàn:
* Hai bài thất ngôn bát cú (có xem vài câu chỉ có 6 chữ) thứ 3 và thứ 5 trong 5 bài viết về Năm canh, đã nói đến Canh gà, tiếng gà:
- Bài thứ 3:
Đêm chia nửa, khéo hay là
Giữa giáp canh ban trống ba
Đường quạnh phất phơ cây hớt gió
Trên không lác đác tuyết bay hoa
Bâng khuâng kẻ mệt hồn thần nữ
Phảng phất trời cao bóng tố nga
Nhớ chữa kìa ai nằm chẳng nhắp
Thâu đêm trằn trọc đợi canh gà.
(Hồng Đức quốc âm thi tập; Dẫn theo: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, Sđd, tr.509).
- Bài thứ 5:
Canh chầy đèn hạnh lâm dâm
Xao xác lầu canh trống điểm năm
Nguyệt đầu non treo chếch chếch
Sương mặt đất ướt đầm đầm
Rừng kia bố cốc (16) còn khua dóng
Làng nọ nông phu đã thức nằm
Bóng ác trời đông đã rạng
Tiếng gà thôi, trổi tiếng hàn châm (17).
(Hồng Đức quốc âm thi tập; Dẫn theo: Hợp tuyển, Sđd, tr.510).
* Sách Quốc âm thi ca tạp lục: Có chép bài Gà giải đàn (18) gồm 36 câu thơ lục bát cũng có thể xem là thơ Nôm vào đời Hồng Đức. Ở đây xin nêu dẫn 10 câu  đầu:
Gà nay gà ngũ đức kê
Canh nông Nghiêu Thuấn sớm khuya cày bừa.
Muôn dân dậy sớm thức khuya
Canh cửi năm nghề nghe gà gáy tan.
Thứ dân cho đến nhà quan
Lấy gà làm lễ thiên nhan thường dùng.
Xuân hè bốn vụ thu đông
Lấy gà tiến nộp lễ dùng mọi nơi.
Thần từ miếu mạo các ngôi
Dùng gà làm lễ cứu người dương gian…
(Dẫn theo: Văn học Việt Nam I của
Phạm Văn Diêu. NXB.Tân Việt, S, 1960, tr.549).
2- Đào Duy Từ (1572-1634):
Gương mặt thơ Nôm đáng chú ý của văn học Việt Nam thế kỷ XVII. Tác phẩm thơ Nôm có Ngọa Long Cương Vãn, Tư Dung Vãn. Đây là các câu 61-62 và 229-230 của Tư Dung Vãn đã ghi nhận về tiếng gà gáy quen thuộc:
“Thú vui mảng những lân la
Bỗng đâu xao xác tiếng gà gióng canh”.
“Lơ thơ bóng xế hải đường
Gà rừng eo óc, dế tường đảnh đa”.
(Dẫn theo Đào Duy Từ khảo biện của Đặng Quý Địch. NXB.Thanh Hóa, 1998, tr.436, 445).
3- Nguyễn Huy Lượng (?-1808):
Tác giả bài Phú Nôm Tụng Tây Hồ phú nổi tiếng, trong ấy có 2 lần, Nguyễn Huy Lượng đã ghi nhận về tiếng gà gáy thân quen trong mối tương quan sinh động:
* Trông mơ màng dường đỉnh Thứu nơi kia, vài tổ thước cuối làng kêu chích chích. Nghe phảng phất ngỡ động đào mái nọ, mấy tiếng gà trong trại gáy o o.
* Chốn chiểu đài (19) xem cá nhảy chim bay, thấu sĩ lộ nơi thông nơi trệ. Miền thôn ổ lắng muông kêu gà gáy, lượng dân gian đâu háo (thưa) đâu trù (đông).
(Dẫn theo: 101 bài thơ Phú Tây Hồ;
 Bùi Hạnh Cẩn Sưu tầm. Biên dịch, NXB.Văn Hóa TT, 1996, tr.188-195).
4- Phạm Thái (1777-1814):
Gương mặt thơ Nôm xuất sắc của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Trong tác phẩm Sơ Kính Tân Trang, họ Phạm ít nhất là 2 lần đã nói đến tiếng gà gáy, đều là một trong những âm thanh gắn liền với khung cảnh tươi đẹp nhiều màu sắc:
Có miền gọi Thúy hoa đường
Trời thêu thức ngọc, xuân trong màu hồng
Hải đường, thược dược, phù dung
Hạ sen, thu cúc, đông tùng, xuân lan
Thị thành sở thú dưỡng nhàn
Chim cành gióng nhạc gà ngàn gáy canh…
(câu 217-222)
Hoặc là khung cảnh chùa chiền:
Một sư một tiểu thảnh thơi
Cảnh thanh có chốn đợi người thanh tăng
Kim sơn thắng cảnh đâu bằng
Hoa đưa chén cúc, hương lừng án thung…
Chim gà gióng giỏi tiếng ca
Nước tuôn khe biếc khó pha lá vàng…
(Câu 857-860, 867-868)
(Dẫn theo: Phạm Thái Và Sơ Kính Tân Trang. Nguyễn Văn Xung biên soạn. NXB.Lửa Thiêng, S, 1972, tr.96-123).
5- Nguyễn Du (1765-1820):
* Tiếng gà gáy trong tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh của thi hào Nguyễn Du đã gắn với một chùm hình ảnh hết sức đặc biệt: Đó là đám cô hồn lạc loài đang dắt díu lang thang vô định. Và tác giả mong muốn họ nên tìm về cửa Phật để nghe kinh, ngõ hầu có thể được đầu thai làm người…:
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi ẵm trẻ dắt già
Có khôn thiêng hỡi lại mà nghe kinh. (20)
(Văn tế Thập loại chúng sinh, câu: 153-156). (Dẫn theo: Nguyễn Du [thơ Hán Nôm]
Bùi Thức Phước sưu tầm - biên soạn. NXB.Hội Nhà Văn, 2015, tr.75).
* Trong Truyện Kiều: Qua 3.254 câu thơ Nôm lục bát, thi hào Nguyễn Du đã có 5 lần nói về gà: 4 lần là tiếng gà gáy và 1 lần là gà với sự nối kết.
- Câu 865-866:
Những là đo đắn ngược xuôi
Tiếng gà nghe đã gáy sôi mé tường.
- Câu 1123-1124:
Tiếng gà xao xác gáy mau
Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng.
- Câu 2029-2030:
Mịt mù dặm cát đồi cây
Tiếng gà điếm nguyệt dẫu giấy cầu sương.
- Câu 3215-3216:
Chuyện trò chưa cạn tóc tơ
Gà đà gáy sáng trời vừa rạng đông.
Ba lần trước là tiếng gà gắn liền với quảng đời lưu lạc của Thúy Kiều. Lần thứ 4 là tiếng gà chứng kiến cho sự đoàn viên.
- Còn đây là lời mắng mang tính trịch thượng, hách dịch của mụ bà (Do mẹ của Hoạn Thư dàn cảnh để bắt Thúy Kiều làm thanh y, sau thì cho sang hầu hạ Hoạn Thư).
Con này chẳng phải thiện nhân
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng
Ra tuồng mèo mả gà đồng
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.
(Câu 1729-1732. Tất cả đều dẫn theo:
Truyện Kiều, Đào Duy Anh khảo chứng, hiệu đính, chú giải. NXB.Văn Học, 2015).
6- Nguyễn Huy Hổ (1783-1841):
Con của Nguyễn Huy Tự, (1743-1790, tác giả truyện Nôm Hoa Tiên). Tác phẩm Thơ nôm của Nguyễn Huy Hổ là Mai Đình Mộng Ký viết theo thể lục bát. Qua đấy ít nhất là 2 lần, tác giả đã ghi nhận về tiếng gà gáy, trong lộ trình ngồi thuyền ngược dòng sông Lam, trước khi nằm mộng:
Ngàn đông khói lẫn lạc hà (21)
Giọt mưa cổ thụ tiếng gà cô thôn…
Và:
Say sưa đòi thú lân la
Giang thành đã gióng canh gà sang tư…
(Dẫn theo VN thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm,1968, tr.251-252).
7- Cao Bá Nhạ (thế kỷ XIX):
Con của Cao Bá Đạt, gọi nhà thơ Cao Bá Quát (1809-1855) bằng chú. Bị liên lụy với vụ án của chú, tuy Cao Bá Nhạ đã trốn thoát được 8 năm, nhưng rồi cũng bị bắt trở lại. Tác phẩm Nôm tự tình khúc (gồm 608 câu song thất lục bát) được viết trong thời gian Cao Bá Nhạ bị giam nơi ngục.
Năm ba kẻ thước, người hèo
Ngõ nhan lôi cái đan biều đập tan (22).
Gà eo óc vừa tàn giấc mộng
Nhặng vo ve sực động hồn kinh
Tiểu đồng thổn thức chung quanh
Thê nhi lăn lóc bên mình khóc than.
(Câu 207-212) là những ghi nhận về người, cảnh vật lúc tác giả bị bắt (Dẫn theo VN thi văn hợp tuyển, Sđd, tr.170).
8- Nguyễn Khuyến (1835-1909):
Gương mặt thi ca tiêu biểu bậc nhất của văn học Việt Nam hậu bán thế kỷ XIX. Thơ nôm của Tam Nguyên Yên Đỗ viết nhiều về cảnh vật ở nông thôn, nên không hề vắng thiếu tiếng gà:
Tháng Tư đầu mùa hạ
Tiết trời thực oi ả
Tiếng dế kêu thiết tha
Đàn muỗi bay tơi tả
Nỗi ấy biết cùng ai
Cảnh này buồn cả dạ
Biếng nhắp năm canh chầy
Gà đà sớm giục giã.
(Bài: Đêm mùa hạ, dẫn theo VN thi văn hợp tuyển, Sđd,tr.172)
Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng chợ thời xa
Ao sâu sóng cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà…
(Bài: Bạn đến chơi nhà.
Dẫn theo thi hào Nguyễn Khuyến Đời và Thơ. NXB.Giáo Dục, 1994, tr.627).
9- Trần Tế Xương (1870-1907):
Gương mặt thơ Nôm xuất sắc của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thơ Nôm của Tú Xương phần nhiều mang sắc thái trào phúng và phản ánh xã hội. Như nơi bài thơ này, là nói về tình cảnh sa sút của Nho học thời bấy giờ:
Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
Mười người đi học chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi
Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ
Trình có quan Tiên, Thứ chỉ tôi.
(Bài: Cái học nhà nho. Dẫn theo VN văn học sử trích yếu của Nghiêm Toản, 1949, tr.95). Hoặc là những mỉa mai, chế giễu về sự kiện thiên hạ chúc nhau trong dịp Tết:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu
Phen này ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu.
(Bài: Chúc Tết. Dẫn theo Việt Nam VHS trích yếu, Sđd, tr.96).
10- Một vài truyện Nôm:
* Truyện Trinh Thử: Thuộc loại truyện Nôm khuyết danh (chưa tìm ra tác giả), viết theo thể lục bát gồm 850 câu và 2 bài thơ thất ngôn.
- Nơi đoạn I, nói về chuột bạch góa chồng đi kiếm mồi để nuôi con, gặp chó đuổi phải chạy vào ẩn nơi hang, vốn là chỗ ở của đôi vợ chồng chuột. Nhân chuột cái vắng nhà, chuột đực đã dùng lời ngọt ngào để ve vãn, nhưng chuột bạch cự tuyệt… Đây là một đoạn ghi nhận về lời biện của chuột bạch:
Mặc ai ong bướm xôn xao
Mười phần cũng chẳng chuyển, dao một phần
Hạ qua dám ước lại xuân
Dễ hầu gà luộc mấy lần hay sao?
- Ở đoạn III, tác giả đã nói đến cảnh vật nơi chỗ ngụ của một thầy đồ nghèo:
Gà về bới nát cỏ sân
Mèo buồn lại chạy kiếm ăn ngõ ngoài
Chó nằm hè gặm vỏ khoai
Lợn ngồi dũi đất ngậm hơi gầy gò.
(Dẫn theo: Văn học Việt Nam I, Sđd, tr.372-374).
* Truyện Lục súc tranh công:
Là truyện Nôm ngụ ngôn khuyết danh, gồm 453 câu, viết theo thể nói lối (văn tuồng) kể về sự việc tranh công của 6 con vật nuôi trong nhà là trâu, ngựa, chó, dê, gà và lợn.
- Đây là lời của dê, sau khi thuận hợp với ngựa thì lại chê trách gà:
Nuôi chúng tôi lợi nước lợi nhà
Nuôi giống gà thật vô ơn ngãi
Thấy chủ vãi đám ngò vạt cải
Túc nhau bươi chếch gốc trốc cây
Thấy người trồng đám đậu vồng khoai
Rủ nhau vầy nát bông nát lá…
(Lục súc tranh công. Dẫn theo: Truyện Lục súc tranh công Bùi Thức Phước sưu tầm biên soạn, NXB.Hội Nhà Văn 2015,tr.68).
- Sau đấy thì gà xuất hiện, biện bác với dê và đề cao công trạng của mình:
Gà nghe nói nóng gan nóng phổi
Liền nhảy ra chớp cánh dương đầu
Này này! Gà năm đức thẳm sâu
Nhân, dũng, tín, võ, văn gồm đủ
Trên đầu đội văn quan một mũ
Dưới chân đeo hai cựa thần thương
Đã ghe phen đến chốn chiến trường
Lập công trận vang tai lói óc
Thủa Tây Lũng tam canh trống thúc
Gà gáy đầu ba tiếng đêm khuya…
(Truyện Lục súc tranh công, Sđd, tr.69).
Chú thích:
(1) Khuôn trăng người mẹ: Dịch từ Nương sinh diện. Tương đương với thuật ngữ Bản lai diện mục.
(2) Nước Hoa Tư: Sách Liệt Tử chép: Hoàng đế ngủ ngày, mơ thấy mình đến nước Hoa Tư. Người ở nước ấy sống rất hồn nhiên, không có tham dục, yêu ghét riêng v.v…
(3) Bạch âu: chim âu trắng.
(4) Thái tố: là chất bắt đầu. Sách Liệt Tử: Sau khi có khí, có hình mới có chất.
(5) Đan biêm: Đan là màu đỏ. Biêm là một thứ đá dùng để châm chích chữa bệnh (ngày xưa). Hai chữ đan biêm ở đây chưa rõ nghĩa.
(6) Thái cực: Thuật ngữ của Kinh Dịch, chỉ cho thời kỳ trời đất chưa sinh. Thái cực sinh lưỡng nghi.
(7) Lưỡng nghi: Tức âm dương. Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Tứ tượng sinh bát quái. Bái quái sinh vạn vật.
(8) Kim kê: Là ngôi sao chủ về việc ân xá. Thái dương là mặt trời, chỉ cho vua.
(9) Kiếm quan: là một địa danh.
(10) Bài thơ thất ngôn này chỉ có 6 câu. Tác giả chỉ viết có 6 câu hay người dịch nêu dẫn chưa hết?
(11) Thiền táo: là ve kêu rộn rã (Thiền là con ve sầu).
(12) Bài thơ ngũ ngôn của Lê Quý Đôn ở đây cũng chỉ có 6 câu. Sách Lịch Triều HCLC chỉ nêu dẫn có 6 câu. Bài thơ chữ Hán Vịnh núi, Cánh diều của Lê Quý Đôn được nêu dẫn ở trang 60 cũng chỉ có 6 câu. Trong sách Đại cương VHS Trung Quốc, tập 2, học giả Nguyễn Hiến Lê đã nêu dẫn khá nhiều bài thơ Đường của các nhà thơ nổi danh, trong ấy có một số bài thất ngôn, ngũ ngôn chỉ có 6 câu (bài kim Lăng tửu tứ lưu biệt, bài Xuân tứ của Lý Bạch. Bài Tân phong chiết bích ông của Bạch Cư Dị. Bài Tống biệt của Vương Duy. Bài Phê bình thơ Lý, đỗ của Hàn Dũ. Bài Liệt nữ tháo của Mạnh Giao…Như vậy, thơ thất ngôn ngũ ngôn bát cú về số câu có trường hợp chỉ có 6 câu.
(13) Núi Kháo: Tên một rặng núi ở Lạng Sơn.
(14) Núi Tam Điệp: Dãy núi ở phía nam Ninh Bình, tiếp giáp với Thanh Hóa.
(15) Ngọa Du Sào: tên tác phẩm của Nguyễn Thông. Có nghĩa là “Ổ nằm chơi”.
(16) Bố cốc: Một loại chim thường kêu vào lúc nhà nông sắp sửa gieo hạt. Ta thường gọi là chim bồ cốc.
(17) Tiếng Hàn châm: Tiếng chày đập vải.
(18) Gà giải đàn: Gà dâng cúng để cầu an hoặc cầu siêu.
(19) Chiểu đài: Hồ và đài.
(20) Nghe kinh: Một hình tượng quy Phật đã được thi ca Việt Nam nói đến: Ca dao (Rủ nhau xuống biển xem đua, Lên nón ngắm nhạn vô chùa nghe kinh). Đến các nhà thơ như Thiền sư Huyền Quang: 1254-1334. Đào Duy Từ: 1572-1634. Nguyễn Du: 1765-1820. Chu Mạnh Trinh: 1862-1905. Cả đến nhà thơ nữ Anh Thơ trong tập Bức tranh quê cũng nói đến:
Quyến cô hồn nương gió lại nghe kinh.
Bài rằm tháng Bảy. Xem thêm: Đào Nguyên: Nghe kinh, một văn liệu Phật học sinh động. Đăng trên nguyệt san Giác Ngộ khoảng 1998.
(21) Lạc hà: Vầng ráng chiều.
(22) Đan biều: đan là chiếc giỏ. Biều là vỏ bầu khô để đựng nước. Nhắc tích Nhan Hồi, học trò của Đức Khổng Tử, nhà nghèo, ở ngỏ hẻm. Vật dụng chỉ có giỏ cơm và bầu nước. Cả câu: Ngõ nhan…: ý nói đám lính tráng đã vào nhà đập phá hết cả.
Đào Nguyên
Theo https://giacngo.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...