Người đo thời gian bằng tóc
Phải
xin nói ngay rằng, với thơ Hoàng Vũ Thuật, giải mã “ẩn ngữ” một câu, một đoạn,
một bài đã là chuyện khó. Giải mã một tập thơ để tìm “vệt đi đồng sáng tạo” lại
càng khó hơn. Và tất nhiên, giải mã một đời thơ anh để tìm thi pháp tác giả
cũng không hề là chuyện dễ dàng. Nhà thơ Thanh Thảo từng nói: Thơ “mãi mãi là
bí mật”. Cái khó khăn khi đọc thơ Hoàng Vũ Thuật chính là ở đó! Cái hấp dẫn của
thơ anh cũng chính là ở đó! Nó mãi mãi “vẫy gọi” người đọc hướng về phía mông
lung của chữ nghĩa, nhiều lúc dễ làm người ta “quáng gà”, bất lực trước ma lực.
Hơn cả những “khối vuông ru bic”, tôi hình dung mỗi bài thơ anh như một cấu
trúc đèn led hiện đại, nó tỏa ra muôn màu huyền ảo, đan xen sáng tối, đan xen sắc
màu, trùng trùng những vùng tưởng tượng… Cứ như một con kỳ nhông biến sắc, lúc
gặp sắc nghĩa này, hốt nhiên lại hiện trước mắt một sắc nghĩa kia, nghĩa thực -
nghĩa ảo, nghĩa cụ thể - nghĩa mông lung, nghĩa phái sinh nghĩa, hình ảnh đan
xen, nối tiếp hình ảnh...
“Một mai gió chở tôi về” của Hoàng Vũ Thuật đa dạng về nội
dung, mỗi nội dung lại đa nghĩa, đa tầng, luôn gọi mời người đọc. Đó chính là sức
gợi của lý thuyết liên văn bản (intertextuality) mà mỗi bài thơ tự mở ra. Từ
dòng sữa của ca dao - dân ca: dòng sữa ngọt vành môi sinh nở/ cánh cò
vẽ khung trời bình yên/ từ tay chị bước ra (Dòng phấn trắng) đến truyền
thống cha ông “Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên”, cọc gỗ Bạch Đằng, sang
hoang đường cổ tích: tôi đã gặp chú gấu thò ra trong cổ tích/ chùm
chìa khóa rơi vào chốn hoang đường (Cơn ghen của bầu trời)..., rồi mênh
mông buồn tràn qua tiền chiến với Lưu Trọng Lư ngơ ngác nai vàng và nhạc hậu
chiến một thời bế tắc của Trịnh Công Sơn: rừng xưa đã khép lá xưa đã úa/ tiếng
nai hay/ tiếng người/ lửa muốn bén vào thu (Nai vàng)… Không dừng lại
ở đó, thơ anh còn như con sóng lan tỏa sang cả những liên văn bản của văn học
thế giới như Quách Mạt Nhược, Victo Huygo, Sêch xpia, Drunvalo Melchizedek,
Eptusenko, Pautopxki và đến cả bức ảnh bác sĩ trẻ Piter, người Cu Ba, lấy đầu bịt
họng súng…
Trong thơ Hoàng Vũ Thuật
có cả Phật từ bi - hỷ xả - trọng tình, u u tiếng kệ lời kinh vang xen trong tán
lá bồ đề thâm mật: ta muốn quay ngược đài hoa/ tìm mùi thiền/ cửa từ bi rộng
mở/ những cánh thơm ứa mật (Ý nghĩ ngược), có cả Chúa nhân từ - đầy quyền
lực với thánh đường vút nhọn tháp chuông, với những khung cửa mơ màng: trái
tim vắng thánh đường sau hồi chuông vỡ/ vết mực loang trên tà áo trắng/ có gì vẹn
nguyên/ có gì dừng lại (Nghịch lý); trong hoàng hôn cuộc đời gãy cánh/ hai
tay đóng đinh trên thập giá của mình (Người hành khất)… Nhưng dẫu là Chúa
hay Phật thì thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn quy về một cõi Thiện, cõi Thiền với triết
lý và tư tưởng nhân văn cao rộng: tôi thức giấc sau niềm hạnh phúc/ câu
kinh hay câu thơ/ thanh/ trong/ hoa có thì/ nở trên trang sách bàn tay (Những
ghi chép cần thiết). Dù sinh trưởng trên vùng đất Quảng Bình, thơ Hoàng Vũ Thuật
vẫn ngợp một sắc “cỏ xanh” chống chọi cùng gió cát: tôi ôm hoa/ hướng về
những mũi tên tẩm thuốc/ của linh hồn mục rửa/ kẻ ganh tị bắn vào
tình yêu/ tôi nghe lá rụng rơi/ trên thảm cỏ/ hàng cây rung sau
lần tróc vỏ (Rừng sao không tắt), theo nhịp ca của tiếng dế giun: ý
nghĩ đứng bên nhau thánh thiện/ ngân khúc ca của loài giun dế (Ý nghĩ ngược)
cùng những “sợi chỉ khâu” vá víu cuộc đời: câu thơ dài như sợi chỉ khâu
áng mây vỡ/ sau vòm cao chiều muộn (Biến tấu)…
Có những “chiếc mỏ neo” neo thơ vào cuộc sống: câu thơ dở dang neo trên giấy trắng/ áng mây hay cánh buồm trôi/ mắt em ngấn sóng (Ngấn sóng), có anh… như một “mặt trời cô độc” đợi bên sông: những buổi chiều những buổi chiều buồn/ mình anh qua đây/ nhịp cầu nối nhau dằng dặc/ bóng trôi/ lạc/ lỏng/ giữa dòng/ mặt trời cô độc đứng đợi bên sông (Mặt trời cô độc)… Có những “hoài nghi thân phận”, đôi khi dù anh là nhà thơ hay tên trộm/ không thoát khỏi tiềm ẩn các nguy cơ/ muốn mình là mình/ cũng không được (Mặc định). Nhiều lúc thấy con người cứ lạc lỏng, bơ vơ trước dòng trôi thời gian, dù mình là hiện hữu của tiền thân “bốn nghìn năm trước” hay trở thành hậu thân là “kẻ khác” của “bốn nghìn năm sau”: nhiều khi ngỡ mình đã biến khỏi bốn nghìn năm trước/ thành kẻ khác bốn nghìn năm sau (Thượng đế). Và thân phận của kiếp người đang “cuống cuồng”, “thảng thốt” bất an giữa “cuộc đời cứ mong manh trôi nổi”: rồi em cuống cuồng chợt nhớ chợt quên/ thảng thốt như căn nhà bốc cháy/ ngày ấy giờ ấy năm ấy/ cuồn cuộn sôi từng đợt sóng chẳng dừng/ sao cuộc đời cứ mong manh trôi nổi/ em hay là lá cuối thu đây (Cuộc đời cứ mong manh trôi nổi). Môi trường sinh thái tự nhiên đang ngày càng bị con người tàn phá một cách chẳng tiếc thương:
Có những “chiếc mỏ neo” neo thơ vào cuộc sống: câu thơ dở dang neo trên giấy trắng/ áng mây hay cánh buồm trôi/ mắt em ngấn sóng (Ngấn sóng), có anh… như một “mặt trời cô độc” đợi bên sông: những buổi chiều những buổi chiều buồn/ mình anh qua đây/ nhịp cầu nối nhau dằng dặc/ bóng trôi/ lạc/ lỏng/ giữa dòng/ mặt trời cô độc đứng đợi bên sông (Mặt trời cô độc)… Có những “hoài nghi thân phận”, đôi khi dù anh là nhà thơ hay tên trộm/ không thoát khỏi tiềm ẩn các nguy cơ/ muốn mình là mình/ cũng không được (Mặc định). Nhiều lúc thấy con người cứ lạc lỏng, bơ vơ trước dòng trôi thời gian, dù mình là hiện hữu của tiền thân “bốn nghìn năm trước” hay trở thành hậu thân là “kẻ khác” của “bốn nghìn năm sau”: nhiều khi ngỡ mình đã biến khỏi bốn nghìn năm trước/ thành kẻ khác bốn nghìn năm sau (Thượng đế). Và thân phận của kiếp người đang “cuống cuồng”, “thảng thốt” bất an giữa “cuộc đời cứ mong manh trôi nổi”: rồi em cuống cuồng chợt nhớ chợt quên/ thảng thốt như căn nhà bốc cháy/ ngày ấy giờ ấy năm ấy/ cuồn cuộn sôi từng đợt sóng chẳng dừng/ sao cuộc đời cứ mong manh trôi nổi/ em hay là lá cuối thu đây (Cuộc đời cứ mong manh trôi nổi). Môi trường sinh thái tự nhiên đang ngày càng bị con người tàn phá một cách chẳng tiếc thương:
Liệu mùa thu có phẫn nộ và cho rằng: con người sao ngớ ngẩn
dám đem mình để sánh với thiên nhiên, với cả vũ trụ sinh thành, cô kết.
Đã rất lâu, rất lâu tôi muốn ngỏ với thiên nhiên huyền diệu ấy.
Tôi tin sự huyền diệu của thiên nhiên sẽ hiểu tôi một cách lặng lẽ, tường tận,
mà giác quan người đời không tài nào cảm nổi
(Mùa thu ơi)
Chính vì thế,
không gian nghệ thuật thơ Hoàng Vũ Thuật thường từ cụ thể với gió cát hằng ngày
rồi theo gió bay về phía mênh mông, vô cùng của vũ trụ. Thời gian nghệ thuật
cũng mở ra đến vô hạn lượng; từ hiện tại, ngược về quá khứ, hướng thẳng đến
tương lai những mấy nghìn năm: một buổi sáng cuối năm 3017 ông được hồi
sinh/ khi tạo hóa muốn cho ông làm người (Hồi sinh)...
68 bài thơ trong tập “Một
mai gió chở tôi về” hiển hiện phận số mong manh, tuyệt cùng của kiếp người
trước dòng trôi bất tận, bàng bạc thi ảnh những sợi tóc bay theo con gió vô thường.
Cơ hồ như Hoàng Vũ Thuật đang đo không gian, đếm thời gian bằng tóc. Vì thời
gian và không gian luôn là một cặp song trùng.
Đó là thời gian tràn đầy
“sự sống” với những “nụ biếc” bật dậy vào “mỗi ban mai”. Nhưng “sự sống” thực tại
không chỉ của thực tại mà còn được thi sĩ nối về tận thế kỷ xa xưa, lúc “thằng
gù nhà thờ Đức Bà Pari” “nặng nhọc hồi chuông nhà thờ nguyện”. Ban mai của nụ
biếc hôm nay bật lên “sự sống” hay chính hồi chuông của thế kỷ xa xưa làm “run
rẩy sợi tóc” thời gian!
anh tin em mỗi ban mai bật thêm nụ biếc
run rẩy sợi tóc
hồi chuông nhà thờ nguyện
Quasimodo
nặng nhọc
kéo
thế kỷ trước
Nhà thơ như đang đếm bước
mình trong một không gian hẹp quanh khu phố, con đường dẫn đến “nhà em”. Nhưng
không! Đâu chỉ có không gian dãy phố mà Hoàng Vũ Thuật còn mở rộng các chiều
kích của không gian và xen kết không gian thực với không gian ảo:
hết dãy phố này là nhà em
hết mặt trời này là vòng xoay của trí tưởng tượng
hết mái tóc này là ngọn đồi bạch dương
trong rừng có loài linh điểu
(Trí tưởng tượng)
Trong
không gian tóc em có một con chim cụ thể đang hót hay chính là con chim thời gian
mãi hót! Có lẽ là cả hai, vì tiếng chim hót ấy “sẽ khôi phục ánh sáng ngày rút
từ đêm xõa trắng” để rồi cả Đại vũ trụ (mặt trời) thu về trong Tiểu vũ trụ (mắt
em). Và cái Dasien thời gian “nhận ra tôi” hiện lên đầy bí ẩn trong sát na chỉ
“một búng tay”, chỉ trên không gian hẹp của “chiếc gai nhọn” cũng đủ mở ra cả một
cuộc hành trình:
có một con chim trên tóc em vẫn hót
mặt trời khôi phục ánh sáng ngày
rút từ đêm xõa trắng
mặt trời trong mắt em bừng thức
bấy giờ mới nhận ra tôi cùng cái bí ẩn từ một búng tay
em nói cuộc chạy trốn trên những chiếc gai nhọn
đã kết thúc
(Sự nhầm lẫn của người đãng trí)
“Tóc
em” hẳn còn xanh trong “ánh sáng ngày”, nhưng “ánh sáng ngày” lại là kết quả
“rút từ đêm xõa trắng”. Hoàng Vũ Thuật đã đem cái cụ thể đang hiện tồn để đo đếm
những dự phóng trùng trùng vô lượng, vô biên. Âm âm trong ta ý tưởng của
M.Heidegger: “Con người không sống trong không gian và cũng không sinh hoạt
trong không gian mà chính đời sống sinh hoạt của Dasein (cái đang hiện hữu/ hiện
thể) đã phát sinh ra không gian và thời gian. Nó phát sinh ra không gian, bởi
những ý niệm căn bản nhất của không gian, như trước - sau, trong - ngoài, v.v... đều xuất phát từ con người và nếu không có con người là trung tâm với những ý
niệm thì tất cả những khái niệm không gian và thời gian đều mơ hồ, nếu không muốn
nói là vô nghĩa” (Trích theo Nguyễn Lê Thạch, Tồn tại và thời gian,
doc.edu.vn). Theo triết lý Âm Dương Ngũ Hành của phương Đông, con người là một
Tiểu vũ trụ (trung tâm vũ trụ), cho nên con người thường lấy Tiểu vũ trụ (mình)
để đo không gian (lấy thốn ngón tay mà đo) và đếm thời gian (lấy đốt ngón tay
mà đếm) Đại vũ trụ. Sự gặp gỡ Đông - Tây trong thơ Hoàng Vũ Thuật chính là như
thế! Đơn vị nhỏ nhất người xưa dùng để đo đếm không gian, thời gian chính là đốt
ngón tay (thốn), đến thời hiện đại, Hoàng Vũ Thuật đã rút về chỉ còn là sợi
tóc.
Đọc thơ Hoàng Vũ Thuật, ta luôn bắt gặp những ngọn gió không
gian bay qua, những cánh chim thời gian chao trên mái tóc giữa Dasein đang hiện
hữu (em đã đến) để nối “nghìn kiếp trước cho nghìn kiếp sau”:
em đã đến
rất có thể em sẽ vuốt tóc anh như gió vuốt nhọn những cánh
chim
về miền cô tịch
ta lại chuyền hơi ấm của nghìn kiếp trước
cho nghìn kiếp sau
nói lời tiễn biệt
bây giờ mọi thứ không còn ý nghĩa
Chỉ ba câu thơ dưới đây thôi,
đã cho ta cái cảm giác ngẩn ngơ giữa một không gian Hà Nội bao la và cả thời
gian hơn một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, một không gian đầy hoa sữa đang hiện
hữu và tỏa hương qua cái sát na cụ thể “vốc ngụm hương thả vào mái tóc” của
phút yêu đương “ngày ấy”:
vốc ngụm hương thả vào mái tóc ngày ấy
Hà Nội chờ ai
sao hoa cứ thơm nồng
(Hoa sữa đầu mùa)
Đọc đến câu thơ: “những con thằn lằn chui vào tóc”, nhiều người
sẽ không khỏi buột miệng cười hoặc thốt lên “thơ với thẩn”. Vì “con thằn lằn”
chui vào tóc chỉ khiến con người ta giật mình hoảng sợ, vì nhà thơ đã đem cái
thô thiển, quái dị “chui vào” cái đẹp biểu trưng. Đúng là đáng giật mình. Nhưng
ta đang giật mình vì chợt ngộ ra rằng, cái tiếng Thạch sùng (Thằn lằn) chắc lưỡi
trong không gian đêm trên mái nhà ta đang ngủ chính là chiếc đồng hồ đo đếm thời gian
cả một kiếp người. “Khoảnh khắc mặt trời tô son lên môi” (người đẹp đang trang
điểm!), “từng sợi tóc ướt” mỏng manh, bé nhỏ kia đã mở ra cả không gian thế giới
mênh mông “đổ về cánh rừng nước Ý” làm “tan chảy” lòng người, “cứu rỗi” đời người
trước những cái đẹp của thời gian cổ xưa:
những con thằn lằn chui vào tóc
trong khoảnh khắc mặt trời tô son lên môi
từng sợi tóc ướt
đổ về cánh rừng nước Ý
mọi thứ khởi đầu nhẹ nhàng của hơi thở
sự lặng im cứu rỗi
tan chảy
(Nơi bức tường cổ xưa)
Sợi
tóc là một hình ảnh cụ thể, mỏng manh. Người ta thường nói: ranh giới giữa những
cái tưởng chừng đối lập chỉ cách nhau một sợi tóc. Dừng lại là thiện, vượt qua
là ác. Hoàng Vũ Thuật lại đo thời gian vô lượng kia bằng sợi tóc mong manh thì
quả là thơ anh cứ phơ phất, mong manh như gió, vẩn vơ như mây bay, bất định giữa
trời: không ai theo hết/ những áng mây đang bay/ những con đường chưa
tới/ lặn tận đáy hố đen sâu thẳm/ nhưng anh tin chẳng hố đen nào hút
được/ khi anh từ đó bơi ra (Phục hưng). Anh hiểu cụ thể từng bước đi
của thời gian khi “đồng hành với nó”. Nhưng khi “anh đã vượt lên bỏ lại phía
sau những sợi rụng”, anh vẫn biết “thời gian không chết”, vẫn “trẻ trung như
gió” và nhận thấy gương mặt nó rất hiền:
đang đo thời gian bằng tóc
anh hiểu bước chân thời gian
khi anh đồng hành với nó
khi anh vượt lên bỏ lại phía sau những sợi rụng…
… nhưng thời gian không chết
trẻ trung như gió như ánh sáng dịu dàng
thời gian mải miết một chiều
anh nhận ra thời gian với gương mặt rất hiền
chẳng khác gì đàn bướm trắng
Nghĩa là cái Dasien hiện có của thời gian luôn được nhà thơ nắm
bắt, để từ đó nghiệm ra ý nghĩa thời gian. Xưa nay có mấy ai nhìn được gương mặt
thời gian, nhưng với Hoàng Vũ Thuật, gương mặt ấy hiện hiện rất rõ ràng như “một
đàn bướm trắng” đang bay giữa không gian vườn xuân - vườn của cuộc đời. Thời
gian nghệ thuật của thơ Hoàng Vũ Thuật luôn luôn gắn chặt với không gian. Khi
anh nói “giết thời gian bằng tóc” đưa ta đến cảm giác nhận diện của màu (từ
xanh sang bạc), nhưng khi anh ném sợi tóc kia vào “khoảng không ngu ngốc” thì
“không gian ngu ngốc” lại hòa trộn với “thời gian đương thì” (cái hiện hữu) và
nối cả với “thời gian thao thức” (cái khả hữu):
họ cho anh ác độc giết thời gian bằng tóc
ném vào khoảng không ngu ngốc
ném vào thời gian đương thì
hay lúc thời gian thao thức
đếm từng ngọn đèn vàng trong khuya
(Thời gian)
M. Heidegger quan niệm: Để đạt được cái khả hữu, con người phải
tự vượt qua hiện hữu của chính mình; tự bỏ lại cái hiện nay của mình để vươn tới
một hiện hữu ẩn hiện trước mắt - khả hữu (sein koennen, pouvoir être). Hoàng Vũ
Thuật đã “dự phóng” (project) về sự hiện sinh đích thực phía trước, nên khi “thảng
thốt” nhận ra “thêm một sợi tóc cuối chiều” rơi xuống, anh không bế tắc, chán
chường mà “kiêu hãnh nhặt lên như một chiến tích” của chính mình:
thêm sợi tóc cuối chiều thảng thốt rơi
tôi kiêu hãnh
nhặt lên
như chiến tích
(Chiến tích)
Viết về người thân (cha, mẹ…), thơ ca Việt thông thường miêu
tả họ là những người nông dân chân thật, cần cù, chịu thương chịu khó một cách
giản dị, đơn nghĩa. Nhưng với Hoàng Vũ Thuật thì không. Cái Dasien “cha vội vã
ra đi rời khỏi ngôi nhà nước mắt khi con mới lên hai” đã ám ảnh nhà thơ suốt mấy
chục năm trời, vì thế anh cảm nhận về cha một cách khái quát hơn bằng những biểu
trưng để ai cũng nhận ra rằng, dù đã rời xa trần thế bấy nhiêu năm, cha vẫn
đang hằng ngày dìu từng bước anh đi, nâng cánh cho anh bay vượt qua muôn trùng
“núi đồi”, “mây bạc”, vươn đến những “vì sao lấp lánh” và nhận ra những chân lý
trên đời cho dù anh “không thể hình dung ra gương mặt” người cha ấy:
không thể hình dung ra gương mặt cha
người mang tình yêu vĩnh hằng giáng thế
con có thể ngắm cha qua dải ngân hà
qua tinh thể cát
nâng đôi bàn chân
lớn khôn
(Phụ bản cát)
Và chính cha chứ không phải đấng tối cao nào khác đã “lấy hai
cánh tay” trần thế của mình “cắm xuống bão giông” “cho con đứng thẳng” làm người.
Chính cha là Thiên Chúa Trần Gian đóng đinh trên “cây thập giá” nâng đỡ cả cuộc
đời con:
cây thập giá mọc từ hai cánh tay
như ngọn sào cắm xuống bão giông
cát cho con đứng thẳng
trong ánh sáng thiên thần thiêng liêng
(Phụ bản cát)
Rồi cái phút giây “những bức ảnh lưu trong trí nhớ”, trong
không gian “bầu trời dày sương”, qua thời gian đã “phủ lớp bụi mờ” giữa dòng đời
“tứ phía xoay tròn” đầy biến động lại là cái vĩnh viễn hiện tồn: “bức ảnh vẫn đứng
yên, lóe sáng từng tia chớp dán trên tường xanh bầu trời” cho dù những bức ảnh ấy
không biết “bây giờ đang ở đâu” trước “mùa đã chuyển, ngày đã mới”:
những bức ảnh biết nói
bây giờ đang ở đâu
ở đâu
mùa đã chuyển
ngày đã mới
anh vẫn hình dung bức ảnh đứng yên
anh vẫn thấy bức ảnh lóe sáng từng tia chớp
dán lên tường xanh bầu trời
(Những bức ảnh lưu trong trí nhớ)
Vì vậy, trong sáng tạo thơ ca, anh luôn xuất phát từ “một cái
cây ra đi” chẳng biết “phương trời nào đón nhận” (Hoài nghi: tồn tại hay không
tồn tại?) cho đến lúc “ánh nắng làm thước kẻ dòng… trên tấm ván cùng những
trang phác thảo” hình thành. Anh đi từ sơ khai “thứ ngôn ngữ nằm im mang dáng
bào thai” đến “âm tiết đầu tiên là tiếng khóc chào đời” giữa “cuồng phong hoang
dã”, đến “dấu chấm hết” rồi “dấu chấm nữa” (…) để hình thành bài thơ “ký thác
cuộc đời”:
một cái cây ra đi
phương trời nào đón nhận
làm sao biết được số phận mình
tồn tại và không tồn tại
đứa con tưởng tượng tôi ơi
thứ ngôn ngữ nằm im trong bào thai của mẹ
âm tiết đầu tiên
là tiếng khóc chào đời
đã ngập chìm cơn cuồng phong hoang dã
dấu chấm hết rồi tiếp dấu chấm nữa
ánh nắng làm thước kẻ dòng
tôi ký thác cuộc đời
trên tấm ván cùng những trang phác thảo
(Chiến tích)
Anh đã đi từ hiện sinh không đích thực (“tồn tại và không
tồn tại”) đến cái hiện sinh đích thực phía trước khi sáng tạo những bài thơ “ký
thác cuộc đời”. Nhưng “chiến tích” đâu chỉ dừng ở “tấm ván những trang
phác thảo” ấy? Khi thấy “một cái cây ra đi” để hình thành nên “tấm ván cùng những
trang phác thảo”, những tưởng nhà thơ đã đặt “dấu chấm hết” ở đó rồi. Nhưng
không, anh lại thêm dấu “chấm nữa” (…) trên “những phác thảo trên tấm ván” kia
để “một mai tôi sẽ là cây” với những rễ cây như “mười ngón chân đi xuyên lòng đất”,
như “chú dế mèn” hát ca nhiều cung bậc, như “kỳ nhông” đổi sắc và tạo nghĩa mới
cho “loài sâu đêm cùng mở hội phong cầm”:
một mai tôi sẽ là cây
mười ngón chân đi xuyên lòng đất
hệt chú dế mèn
đám kỳ nhông mùa nắng đổ
loài sâu đêm đêm mở hội phong cầm
(Chiến tích)
Hiện hữu của anh là “em”, nhưng “cuối con đường” hiện hữu của
hai ta thì “dòng sông” là khả hữu, khả hữu của “dòng sông” là “cánh rừng”, khả
hữu của “cánh rừng” lại là “chập chùng núi biếc”, khả hữu của “cuối con đường
trước anh và em có hai người thao thức - hai dãy ngân hà loáng thoáng vừa lên”:
nhưng với anh em là hiện hữu
như cuối con đường sẽ gặp dòng sông
như qua sông sẽ gặp cánh rừng
như hết cánh rừng chập chùng núi biếc
như cuối con đường trước anh và em có hai người thao thức
hai dải ngân hà loáng thoáng vừa lên
(Cuối con đường)
Và cuối cùng, cái khả hữu chính là sự bất tử của một tình yêu
vĩnh cửu:
em phủ lên người anh mái tóc thơm mượt óng
hóa thành đất ấm
đắp cao nấm mồ tình yêu
(Cuối con đường)
Ta có cảm giác, thơ Hoàng Vũ Thuật cứ sau “dấu chấm hết” là
“dấu chấm nữa” (…). Đây chính là những đường bay nghệ thuật độc đáo của thi
pháp Hoàng Vũ Thuật khiến cho bài thơ mọc cánh (dự phóng) cùng “bay như lũ bướm
ven hồ” về một hiện sinh đích thực phía-trước:
nơi em vẫn ngồi cùng câu thơ mọc cánh
chúng bay như lũ bướm quanh hồ
em đã đọc lúc vắng anh
giữa bầu trời lạnh buốt
(Giả sử)
Cũng như các tập thơ khá nổi tiếng trước đó của anh, còn rất
nhiều chuyện để nói về “Một mai gió chở tôi về”, nhưng thôi, sức người
có hạn, tôi thành thực thưa rằng: những cảm nhận của tôi trong lời giới thiệu
này cũng chỉ là một sat-na biến sắc của con kỳ nhông thơ đa dạng Hoàng Vũ Thuật
mà thôi. Không biết trong những người “bạn” mà Hoàng Vũ Thuật “biết… đã tìm ra
chân trời” là “cái đường viền cô đơn níu lòng người ở lại” ấy, có sự hiện diện
của người viết bài này hay không? Nhưng không sao! Vì theo anh: Có những điều
ta “không thể viết ra bằng chữ”:
Không thể viết ra bằng chữ
ý tưởng trong những áng mây khi thấy khi không
chập chờn giấc ngủ muộn
những hòn sỏi trắng
nhặt lên
và
ném
nhưng tôi biết bạn đã tìm ra chân trời
cái đường viền cô đơn
níu lòng mình ở lại
(Có thể là một bài thơ)
Thơ là
sản phẩm của sự tột cùng đơn độc của nhà thơ, nhưng cũng chính thơ đã giúp con
người “tìm ra chân trời” và “níu lòng người ở lại”. Xin cảm ơn thơ, cảm ơn
Hoàng Vũ Thuật. Và vui mừng giới thiệu tập thơ “Một mai gió chở tôi về” cùng
bạn đọc gần xa...
Làng Yên Phú, Quảng Ngãi, Hạ 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét