Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Tiếng gà gáy trong truyện dân gian các dân tộc Việt Nam

Tiếng gà gáy trong truyện dân gian 
các dân tộc Việt Nam
Trong truyện thần thoại của các dân tộc Việt Nam kể về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài, ta thấy tiếng gà gáy sáng được nhiều dân tộc trong nước sáng tạo nên thành tiếng gà gọi mặt trời. Cuốn sách "Từ điển Type truyện dân gian Việt Nam" do Nguyễn Thị Huế chủ biên (N.X.B Lao động, 2012) có liệt kê được 20 truyện thuộc đề tài này của các dân tộc khắp miền Nam, miền Trung, miền Bắc, ít nhiều thấy được vai trò quan trọng của tiếng gà gáy, tiêu biểu như: Gà gọi mặt trời, Sự tích chín ông mặt trời- tám bà mặt trăng, Chặt cây và cây háy (Thái); Mười hai ông mặt trời (Cơ Lao); Tại sao chỉ có một mặt trời, một mặt trăng, Tạo lập vũ trụ, Chín mặt trời - tám mặt trăng, Mặt trăng và mặt trời, Sự tích mào gà (Mông); Truyện gà gọi mặt trời, Tại sao ngày nay vịt lại không ấp trứng, nuôi con? (Tày); Sự tích gà gáy sáng, Nữ thần Pônagar (Chăm); Gà trống cất tiếng gáy (Pu péo); Mặt trời và mặt trăng (Lô Lô); Mười hai ông mặt trời (Mảng)… Các truyện mở đầu đều nói về sự xuất hiện của nhiều mặt trời (hoặc nhiều mặt trời và nhiều mặt trăng), liên tục chiếu sáng khiến cho mặt đất nóng như lửa, muôn loài bị mệt mỏi, cỏ cây bị thiêu trụi. Thế là xuất hiện chuyện bắn mặt trời (và mặt trăng). Việc bắn mặt tròi và mặt trăng có khi do một chàng thợ săn thiện nghệ bắn, có khi do anh em Giàng Dự, Giàng Dua (con vua Chử Lầu), hoặc Thánh Nơmaisơbaica dùng nỏ bắn… Các mặt trời hoặc mặt trăng bị trúng tên rụng xuống, chỉ còn lại một mặt trời và một mặt trăng sợ hãi trốn biệt. Mặt đất trở nên tối tăm mù mịt. Vậy là phải nghĩ cách gọi mặt trời lên chiếu sáng cho thiên hạ. Gà được giao sứ mệnh đi gọi mặt trời. Có truyện kể vịt chở gà ra giữa biển gáy ba tiếng, mặt trời mới nhô lên, từ đó thế gian chỉ có một mặt trời chiếu sáng cho muôn loài. Cũng từ đó chỉ có gà mới gọi được mặt trời, còn vịt không phải ấp trứng. Có truyện kể: Các con vật hổ, gấu, sóc, cáo… được cử đi gọi mặt trời song thất bại. Gà hát hay lại kiên nhẫn nên gọi được mặt trời và mặt trăng trở về. Chiếc mào đỏ của gà là chiếc lược trời ban cho gà. Cũng có chuyện kể: Gà, lợn, trâu, bò… cùng đi gọi nhưng mặt trời không lên. Phải dùng thịt chúng cúng mới gọi được hồn mặt trời và mặt trăng dưới hố lên. Qua đó, ta thấy công lao của con gà với con người và muôn loài quả là không nhỏ chút nào. Tiếng gà gáy không chỉ như tiếng đồng hồ báo thức trời sáng mà có ý nghĩa cao quý, gọi được mặt trời lên một cách thần kỳ. Bác Hồ cũng vận dụng tiếng gà gáy sáng trong "Nhật ký trong tù" để nói về sự thức tỉnh của nhân dân ta theo cách mạng: "Một tiếng toàn dân bừng tỉnh mộng".
Truyện "Núi biết bay" của người Giáy kể: Ngày xưa, loài vật đều biết nói, núi đều biết bay. Nhưng một hôm có bà mẹ người Giáy sàng sảy gạo nấu cơm, vỗ vào cạp rá làm gà trống thức giấc cất tiếng gáy "Ò, ó, o…". Núi giật mình, nghe tiếng gà gáy vui tai, núi bay lên mãi mạn ngược ngày càng nhiều. Truyện lý giải vì sao ở miền xuôi chỉ còn lại đồng bằng, còn mạn ngược nhiều núi. Cũng mô típ núi biết bay, trong chuyện "Dãy núi Yên Ngựa" (của dân tộc Giáy) lại kể về việc vua muốn dùng dãy núi Yên Ngựa để chắn ngang con sông Hồng, lấy nước tưới cho cánh đồng ở Lai Châu, Sơn La nên sai núi phải di chuyển theo lệnh của mình. Nhưng đúng lúc đó, hoàng hậu chán cảnh sống trong bóng tối nên mang chiếc sảy ra đập "bồm bộp" liên hồi, khiến gà ở các bản cất tiếng gáy gọi trời sáng. Núi liền đứng lại không đi nữa. Truyện này lý giải vì sao lại có dãy núi Yên Ngựa nằm chắn ngang cạnh con đường đi Bát Xát đến Mường Then. Nhìn chung cả hai truyện thần thoại trên đều mượn tiếng gà gáy sáng để giải thích các hiện tượng thiên nhiên: Vì gà gáy mà núi bay hết lên miền ngược, vì gà gáy mà núi Yên Ngựa đứng dừng lại trên đường di chuyển.
Truyện "Pú Thén đuổi gà" của dân tộc Thái kể về một vị thần khổng lồ, đêm ngày không ngừng làm việc tạo ra các bản mường, khai phá đất đai thành đồng ruộng… Nhưng công việc của thần bị bỏ dở vì phải đuổi con gà to tới cất tiếng gáy phá đám, do đó mặt đất ngày nay bị gồ ghề, lồi lõm.
Truyện "Thần Đất" của người Kinh lại kể về Thiên Thần bị Thần Đất đánh lừa vì bắt chước tiếng gà gáy sáng, Thiên Thần đành phải bỏ dở công việc xây thành để trở về thiên đình, sợ Ngọc Hoàng trị tội bỏ đi chơi. Do đó, dấu vết xây thành dở dang của Thiên Thần vẫn còn lưu lại ở Lạng Sơn cho đến tận ngày nay.
Điểm lại các truyện thần thoại trên, ta thấy tiếng gà gáy sáng được tác giả dân gian sáng tạo như một yếu tố thần kỳ, một thành tố âm thanh linh thiêng diệu kỳ có sức điều vận vũ trụ, vạn vật tự nhiên. Các truyện thần thoại này đều đề cao tiếng gà gáy sáng, coi đó là một yếu tố mầu nhiệm để biến đổi thế giới tự nhiên, góp phần giải thích nguồn gốc vũ trụ và muôn loài, giải thích các hiện tượng tự nhiên, qua đó ta thấy vai trò của con gà trong đời sống con người và vạn vật hết sức quan trọng.
Ở các truyện truyền thuyết, tiếng gà gáy sáng cũng ít nhiều mang yếu tố huyền thoại. Trong nhiều truyện kể về An Dương Vương xây thành ốc, thành cứ xây lên lại đổ, sau nhờ thần Kim Quy giúp, An Dương Vương trừ được tinh con gà trắng mới xây được thành, gọi tên là Loa thành.
Người ta còn lưu truyền về "Chú gà trống và huyền thoại về lễ hội đền Hùng" (do Tấn Tuấn sưu tầm, Báo Yên Bái xuân 2015) như sau: Tương truyền hơn 4.000 năm trước đây, Hùng Vương thứ nhất dựng nước Văn Lang đã đi khắp nơi tìm nơi đóng đô. Đến một vùng đất rộng rãi, bằng phẳng, nhiều khe suối, vua sai đại bàng khuân đất đá đắp thành 100 quả gò, hẹn phải xong trước khi trời sáng. Đắp được 99 quả gò chợt có chú gà trống ngủ mơ, cất tiếng gáy, đại bàng giật mình bay đi mất. Vua không ưng bụng bèn tìm đến một vùng đất khác. Đến một quả núi cao sừng sững, có hàng trăm ngọn đồi bao quanh, non sông tươi đẹp, vua rất vừa ý, nhưng khi xuống núi, vó ngựa dẫm mạnh làm sạt một góc đồi. Vua cho rằng thế đất nơi đây không vững, lại tiếp tục đi. Tương truyền rằng vua đã xem xét 99 nơi nhưng chưa vừa ý. Một hôm, khi đến một vùng trung du, ngựa bỗng ghì cương, hý vang, vua thấy lạ bèn lên đỉnh núi cao nhất ngắm nhìn bốn phương. Trước mặt là ba sông hội tụ (sông Đà, sông Thao, sông Lô), hai bên là Tản Viên, Tam Đảo chầu về. Đất này có nơi như long chầu, hổ phục, có nơi lại như phượng bay, ngựa chạy, bãi rộng phù sa, cây lá xanh tươi, đủ hiểm để giữ, đủ thế để mở, có thể tụ hội muôn dân, dựng nước muôn đời. Từ đó, núi Nghĩa Lĩnh (hay núi Cả, núi Hy Cương, núi Cổ tích, núi Hùng) cao 175 mét được chọn làm kinh đô nước Văn Lang, nơi có 18 đời vua Hùng thay nhau trị vì dân Lạc Việt. Khu vực đến nay vẫn còn là cái nôi của vùng cổ tích, truyền thuyết. Nhưng đến ngày lễ hội đền Hùng, người ta vẫn nhớ đến công ơn con gà trống trong huyền thoại xửa xưa ngủ mơ đã cất tiếng gáy báo điềm gở đầu tiên, sau đó đến con ngựa giúp vua chuyển địa điểm đến đây dựng nước Văn Lang hùng mạnh.
Tiếng gà gáy trong đời sống con người và trong truyện thần thoại, truyền thuyết có nhiều ý nghĩa. Trước hết, tiếng gà gáy báo sáng đánh thức con người  thức dậy ra đồng làm việc, mọi loài theo nhịp sống tự nhiên mà hoạt động; cây cỏ dưới ánh sáng mặt trời trở nên tươi tốt, nảy nở, ra hoa kết trái, loài vật đi tìm thức ăn nuôi sống mình. Từ sáng tinh mơ lúc gà gáy sáng đến trưa, mọi người ra đồng lo làm ăn, làm mặc. Từ trưa đến giờ Dậu, gà lên chuồng, người nghỉ việc đồng áng trở về với mái ấm gia đình. Bầu không khí thanh bình ở làng quê không thể vắng tiếng gà. Tiếng gà ở làng quê tượng trưng cho sự trù phú. Ở nông thôn, nhà nào mà chẳng nuôi gà. Tiếng gà gáy sáng, tiếng gà cục tác trên ổ, tiếng gà đầy sân, đầy vườn, gà quấn quýt bên chân người như đôi bạn hiền thân thiết. Người nông dân có kinh nghiệm quý đi tìm nơi đất tốt, cò đậu gà gáy để định cư lâu dài bằng câu tục ngữ: "Ngày trông tre, đêm nghe tiếng gà gáy". Tiếng gà gáy đi vào truyện thần thoại, truyền thuyết mang nhiều yếu tố huyền bí, linh thiêng: tiếng gà gáy có thể giúp con người và muôn loài gọi được mặt trời lên, tiếng gà gáy có thể phá đổ các công trình kiến trúc xây dựng, đền, thành quách; tiếng gà còn báo điềm gở cho vua đi tìm nơi khác lập kinh thành, là tiếng gà hóa tinh (kê tinh) không thể coi thường… Tiếng gà gáy như một thứ âm thanh vật tổ linh thiêng, thật khó có tiếng của loài vật nào so bì và thay thế được. Đó là nguồn tài sản văn hóa, là đời sống tinh thần của người xưa luôn được lưu truyền qua các thế hệ và sống mãi với thời gian.
24/1/2017 
Hoàng Việt Quân
Theo http://vanhocnghethuatyenbai.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...