Về trong phố xưa
Trong cuộc sống mỗi người đều để lại dấu vết, vết thương yêu
là đậm nhất. Một ngày ở Virginia, chợt bắt gặp lại hình ảnh một họa sĩ vóc dáng
mảnh khảnh, khuôn mặt trầm tư, gầy, đôi mắt sâu, sáng, dăm sợi râu bạc, với hai
bàn tay dài tài hoa, đang chậm rãi đi những đường viền đen đậm trên bức tranh
đang vẽ, phố Hà Nội; một cảnh thoáng qua trong băng video “Hà Nội Trong Mắt Ai”
của Trần Văn Thủy, quay cách đây nhiều năm cùng.
Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái của phố cũ Hà Nội đó. Hà Nội của lần đầu
tiên tôi xuống ga Hàng Cỏ những năm 80, lang thang đây đó theo dấu vết của Tự Lực
Văn Đoàn, của Thạch Lam, Nhà Mẹ Lê. Nghèo, nhưng mang đầy âm sắc, nếu nhìn qua
con mắt của văn chương, nghệ thuật… Nhớ vô cùng, nhìn lại gương mặt trầm buồn của
anh. Bây giờ thì anh đã nằm sâu dưới mộ, mới đó mà đã 22 năm.
Nhớ buổi sáng cùng bạn bè ngồi uống cà phê lề đường ở Đa Kao,
nghe tin anh mất, tôi ngậm ngùi, trở về nhà ngồi im bên chiếc giá vẽ với bức
tranh đang dở dang: “Chim én bay đầy đàn trên trời chiều Sài Gòn.” Sao màu trời
Sài Gòn chợt có lúc xám buồn quá vậy? Lúc đó là tháng Sáu, 1988, anh được mời
đi Paris triển lãm tranh, cùng với hoạ sĩ Bửu Chỉ ở Huế. Vậy mà anh đành bỏ cuộc…
Nghe Dương Tường ở Hà Nội vào kể, anh bị viêm thanh quản không nói ra tiếng,
khi bác sĩ đến nhà khám bệnh, anh chỉ bút đàm, và gạch dưới câu viết: “Con người
không thoát khỏi số phận”, gạch nhiều lần dưới chữ “số phận”. Số phận. Định mệnh.
Buồn vô cùng… Nhớ đến anh, nhớ đến một hoạ sĩ tài ba, bình dị, mang đầy âm sắc
của Hà Nội. Và không hiểu sao, họa sĩ Văn Đen ở Sài Gòn cũng trùng chứng bệnh
như vậy, viêm thanh quản, anh chỉ bút đàm những ngày cuối đời, một họa sĩ vẽ
sơn dầu chắc nịch, vững vàng, những nhân vật trong quán nước, quán rượu bình
dân, những chiếc siêu đất, vùng thôn quê bình dị miền Nam. Anh có nhiều môn đệ,
rất được bạn bè quý mến, cũng qua đời thời gian sau đó…
Tranh Bùi Xuân Phái được nhiều người sưu tập, nhất là những
tranh nhỏ vẽ trên carton, trên giấy. Viết về anh cũng đã nhiều, từ bạn anh,
Nguyễn Tuân với “Phố Phái”, “Một Bảng Màu Hà Nội” của Thái Bá Vân. Từ một nỗi
xót xa, ngậm ngùi, cay đắng trong “Thương Khóc Hoạ Sĩ Bùi Xuân Phái” của Đèn
Xanh (Đinh Trọng Hiếu), đến Ngô Văn Tạo với “Bùi Xuân Phái” bài viết như một bài
thơ xuôi dài tặng cho một đạo sĩ chưa hết cuộc hành trình… Rất nhiều nữa, trên
các tạp chí nghệ thuật trong nước. Trần Hậu Tuấn, một người sưu tập tranh trẻ
tuổi (lại là một võ sĩ, một huấn luyện viên bóng đá) từ Hà Nội vào sống ở Sài
Gòn, đã bỏ tiền ra in sách tranh của Bùi Xuân Phái, gồm nhiều tranh quý trong bộ
sưu tập của anh, kèm với bài viết của những nhà phê bình nghệ thuật: Thái Bá
Vân, Nguyễn Quân, Dương Tường, Jeffrey Hantover (Mỹ) và Francois Thierry
(Pháp). Một việc làm rất tốt.
Làm sao quên được căn phòng nhỏ treo đầy tranh, với chiếc ghế
nệm dài màu đỏ sậm, gần như duy nhất, đặt cạnh cửa sổ không đủ ánh sáng, nơi
anh ngồi vẽ, đọc sách, uống rượu, trò chuyện cùng bạn bè - cũng như chiếc divan
duy nhất, nơi ngồi, nằm, rít thuốc lào, uống rượu sảng khoái cùng bạn bè của anh
Văn Cao ở phố Yết Kiêu, anh Phái thì ở ngõ 87 phố Thuốc Bắc. Những lần ra Hà Nội,
đi với Thái Bá Vân đến thăm, uống ly rượu cùng anh, hay cùng nhau ra ngồi uống
bia hơi bên chân cầu, góc phố nào tôi không nhớ tên, từ Ô Quan Chưởng đi thẳng
đến… Ô Quan Chưởng cũng là cảnh anh thường vẽ.
Tôi đặc biệt yêu thích tranh phố của anh. Như yêu đôi vầng nhật
nguyệt… rọi xuống trăm năm một cõi đi về… Lời nhạc và bước chân của chúng tôi
thời tuổi trẻ, giang hồ đây đó, sáng ở đầu sông nhớ núi, đêm nằm trong núi nhớ
sông. Buổi chiều lang thang trên đồi Montmartre lần đầu tiên cùng Thanh Tuệ,
nay Thanh Tuệ cũng không còn nữa, mới thấy cái màu trắng loang lổ trên nền trời,
góc phố của Utrillo thật là dữ dội. Cũng như Bùi Xuân Phái, hai hoạ sĩ vẽ phố
cùng có những mảng màu trắng luôn ám ảnh tôi, màu trắng kỳ quái của một số phận
tài hoa, hình như để chịu đọa đầy cho nghệ thuật.
Ở Bùi Xuân Phái còn gần gũi hơn với màu gạch tường kinh niên,
màu ngói già trăm năm mưa nắng bên góc phố quê hương với màu xám nâu rất trầm,
rất buồn… Như anh đã cất dấu nhiều kỷ niệm trong những vệt sơn dầu rạo rực như
Vlaminck sau từng ô cửa ngẩn ngơ của phố Hàng Mắm, Hàng Bè, Hàng Bạc, Hàng Muối,
sau ngõ Phất Lộc, Ô Quan Chưởng…. Trong chúng ta, ai lại không có những góc phố
mang nhiều kỷ niệm, mong một lần về. Những tâm hồn phiêu bạt, lãng đãng mà lớn
lao, thơ mộng biết bao, như Bùi Giáng:
Núi vai phố rộng xin về
Với cây gió trút với hè nắng rưng
Với cây gió trút với hè nắng rưng
Như Trịnh Công Sơn:
Về trong phố xưa tôi nằm
Có lần nghe tiếng ru bên vườn
Chợt nghe xác thân không còn
Và cạnh tôi là đồng vắng
Về trên phố cao nguyên ngồi
Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi
Chợt như phố kia không người
Còn lại tôi bước hoài…
Có lần nghe tiếng ru bên vườn
Chợt nghe xác thân không còn
Và cạnh tôi là đồng vắng
Về trên phố cao nguyên ngồi
Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi
Chợt như phố kia không người
Còn lại tôi bước hoài…
Như còn nghe rõ “ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì” của
chúng tôi trên phố Blao, Dran, Đà Lạt… hay một góc phố Hội An rất hẹp, cũ kỷ mà
Bùi Xuân Phái cũng đã có dịp đến đó và ghi lại, trong những nét xiêu đổ, run rẩy
trên từng mảng màu như nói lên được cái viễn kính tuyệt vời của sự im lặng. Như
Ngô Văn Tạo đã nhận xét: “Anh vẽ sự im lặng, sự tự tại trầm luân. Ở những bức
tranh của anh là những cánh cửa không muốn mở… Nhưng rồi, anh đã vẽ người đàn
bà với nét xương hông lõa lồ như đắm đuối, đam mê như tình dục, mong manh trời
ơi một giấc mộng. Nhưng rồi, anh đã vẽ những tấm áo the xanh, những bộ mặt đặc
chịt phấn hồng của một phường chèo, đến giờ đóng bộ, đến giờ trình diễn, trình
diễn một vở kịch trần lụy, những hời hợt, những tang thương…”
Anh đã vẽ hàng ngàn bức tranh lớn nhỏ, kể cả tranh trừu tượng,
chưa kể những minh họa trên sách báo. Nhưng đọng lại nhiều nhất trong người yêu
tranh anh có lẽ vẫn là “Phố Phái” (Chữ dùng của nhà văn Nguyễn Tuân, tựa một
bài viết trên tập san Du Lịch Hà Nội, mùa hè 1992).
Gần gũi với thế giới tranh của anh, hiểu anh, phải kể đến
Thái Bá Vân: “… Làm sao ta hiểu hết được một con người, đừng nói là nghệ sĩ.
Trong nhiều năm được làm bạn với anh, cái may mắn của riêng tôi là biết quý mến
và chăm chú vào những bâng quơ ngắn ngủi, vào những chi tiết rất nhỏ trong một
ngày thường của anh. Tôi tiếc gì những định nghĩa lớn lao mà thật ra tìm đâu
cũng thấy. Tôi phải biết ơn anh, những người như anh đã thức tỉnh ở tôi một
hình thức nghệ thuật dai dẳng, nhẹ nhàng khó tả, như cái thế giới buồn buồn đậm
đặc trong từng nét vẽ của anh… Bức sơn dầu cuối cùng của anh, vẽ một ngày tháng
4, 1988 treo ở bàn thờ anh, là ngõ Huyện, tạt qua mấy căn nhà lặng lẽ là nóc
nhà thờ lớn Hà Nội…”
Bùi Xuân Phái, khi nằm xuống, ở đám tang có một vòng hoa lớn
ký tên “Những người yêu nghệ thuật”, thật là đẹp. Không Đảng, không tuyên ngôn,
không trường phái, mà chỉ thấy anh vẽ, và vẽ. “Anh Phái mắc bệnh vẽ. Ngồi đâu vẽ
đấy, bạ gì vẽ nấy. Nhìn theo mà vẽ, thuộc lòng mà vẽ. Vẽ thực, vẽ bịa. Vẽ cho đến
chết. Mảnh giấy cuối cùng không để lại cho anh (anh đã vò xé đi) là hình vẽ mấy
người bạn nằm chung phòng ở nhà thương. Sự vẽ của anh chỉ có thể gọi bằng câu
nói của chính anh, với tôi một lần, vẽ để mà không vẽ là đúng hơn cả.” (Thái Bá
Vân, lời ghi dưới góc hình vẽ cuối cùng của BXP, trên brochure triển lãm tranh
tại gia đình cố họa sĩ năm 1988, Hà Nội).
Lần cuối ra Hà Nội, tháng 11 năm 1987, đến thăm anh, không ngờ
là không bao giờ còn gặp lại anh nữa. Mẫu giấy emballage gói chai rượu Ararat
đem biếu anh lần ấy, anh đã trải ra, dù nhàu, lấy bút dạ đen vẽ vài nét chân
dung tôi với vầng trăng mảnh dẽ trên những mái nhà Hà Nội. Tôi rất quý cái kỷ
niệm với tình cảm chân thật đó, cũng như những bức vẽ khỏa thân nhỏ xíu trên
bao thuốc lá mà anh đã tặng…
Thuộc lớp cuối cùng của trường Mỹ Thuật Đông Dương, cùng thời
với Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Sĩ Ngọc, Nguyễn Siên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm,
Dương Bích Liên,… Bùi Xuân Phái mất tại Hà Nội ngày 24.6.1988, thọ 67 tuổi.
Trong nhiều năm, anh đã miệt mài theo đuổi một đề tài lớn nhất trong đời: Hà Nội.
Những phố cổ Hà Nội. Hình ảnh Hà Nội ngàn năm trôi chảy trong tâm tưởng anh như
dòng nước không bờ, đâu cũng là chuyển động, cũng đẹp, cũng khác, cũng là ảo
giác, mà đâu cũng là chính nó. Có lẽ bản chất của hội họa là đủ thuần khiết để
nghiệm chứng cái gì đơn nhất, mãi mãi như thế trên đời, như tình yêu chẳng hạn.
Tình yêu của anh dành cho phố, cho người, với một đời say mê
làm việc, đã để lại một dấu vết tuyệt đẹp cho hội họa Việt Nam.
TIỂU SỬ BÙI XUÂN PHÁI
Người Hà Nội./ Quê làng Kim Hoàng, tỉnh Hà Đông./ Sinh ngày
1.9.1921./ Năm 1941 vào trường Mỹ Thuật Đông Dương. Bắt đầu vẽ phố./ Tham dự
triển lãm Tokyo./ 1946: Tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Việt Nam/ Giải thưởng triển
lãm mỹ thuật toàn quốc; minh hoạ báo Cứu Quốc./ 1956-1957: Dạy trường Mỹ Thuật
Việt Nam./ Từ 1960: Minh hoạ báo Văn Nghệ. Vẽ và trang trí sân khấu./
1966-1970: Giai đoạn vẽ nhiều tranh bột màu trên báo cũ./ Vẽ nhiều chân dung và
chân dung tự họa./ 1980: Giải thưởng triển lãm toàn quốc (“Sông Đà”, sơn dầu)./
1981: Giải thưởng triển lãm Thủ đô (“Phố Cổ Hội An”, sơn dầu)./ 1982: Giải thưởng
triển lãm Thủ đô (“Ô Quan Chưởng”, sơn dầu)./ 1984: Giải thưởng Triển lãm Thủ
đô (“Văn Miếu”, sơn dầu)./ 1988: Được mời qua Paris triển lãm, nhưng ngã bệnh nặng
và mất ngày 24.6.1988 tại Hà Nội.
28/10/2013
Đinh Cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét