Thơ Huy Cận đầy những dự phóng vô thức từ ấu thời. Một
vì sao xuất hiện trong vũ trụ Thơ mới tuy muộn, nhưng Huy Cận lại sớm đạt tới đỉnh
cao tân tinh ở tập Lửa thiêng (1940), khi mới ở độ tuổi hai mốt.
Hẳn, nhà thơ đã kết đọng Lửa thiêng từ khối lượng cảm nghiệm
phong phú và sâu lắng đầu đời. Xuất phát từ một định đề của Sigmund Freud về
sáng tạo thơ: “Có nên tìm ngay ở trẻ em những dấu tích đầu tiên của hoạt động
thơ?”, chúng tôi thám mã ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh của Huy Cận từ lối tiếp cận
phân tâm học, đặt giữa một bối cảnh không gian văn hóa để hy vọng có thể đi đến
một cái nhìn mới, không-thời gian mới trong thơ.
Trong một nền học thuật với đòi hỏi ngày càng cao về những dữ liệu định lượng khách quan, việc áp dụng phân tâm học của Freud, đặc biệt là của Gaston Bachelard trong nghiên cứu văn học, nhắc nhở chúng ta rằng một cách tiếp cận khách quan tuy quan trọng nhưng đồng thời cũng có hạn chế trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh. Không giống như các nhà khoa học tự nhiên, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nên mạo hiểm vận dụng sự tưởng tượng chủ quan của mình (hay cái tư biện) như một chất xúc tác trong quá trình nghiên cứu. Các nhà thơ quan tâm đến cái cá nhân, tính chủ quan và cái dị biệt về phong cách (idiosyncratic). Họ đi tìm ngữ nghĩa và ngữ cảnh trong trải nghiệm cá nhân, sau đó cấp nghĩa cho ngôn từ. Từ đó, thơ của họ khiến cho người đọc có một nhận thức mới, khác với cách thức truyền thống của các triết gia đi tìm chân lý. Do đó, cách tiếp cận phân tâm học đối với chất liệu thơ ca cho thấy những kết quả mới mẻ và đột phá, bởi những nhà phê bình phân tâm học tìm cách đồng dạng với nhà thơ.
Ấu thời là mảnh đất canh tác màu mỡ đối với các nhà phân tâm học. Sự phát triển của một cá nhân được định hình bởi những sự kiện thuở ấu thời, nên hiển nhiên, những ấn tượng, sang chấn hay mặc cảm xảy ra đối với đứa trẻ có ảnh hưởng rõ rệt, sẽ càng được biểu kiến ở tuổi trưởng thành. Một trong những biểu hiện cực đoan nhất là bệnh loạn thần/ nhiễu tâm. Trong nghiên cứu lâm sàng - trị liệu, sử dụng biện pháp liên tưởng tự do nhằm khai thác trần trụi các trải nghiệm bị dồn nén từ tuổi ấu thơ, nhà phân tâm học đưa ra một phác đồ hợp lý đối với các ca bệnh tâm thần. Còn đối với các nhà phê bình phân tâm học, đặc biệt theo lối phân tâm học tiểu sử, những ký ức hay biến cố thời thơ ấu là một dẫn liệu có tầm quan trọng bậc nhất nhằm minh định những ẩn ngữ trong thi phẩm. Qua lăng kính phân tâm học, việc xem xét quá trình sáng tạo của nhà thơ ví như đào lại những hóa thạch thời thơ ấu đã thoái triển.
Những mạng lưới hình ảnh là biểu hiện của các tập hợp vô thức bên trong tâm lý của tác giả, sự trùng hợp ngẫu nhiên được gợi lên dưới nhiều lớp văn bản chồng xếp. Các nhà phê bình phân tâm học phương Tây đầu thế kỷ XX như René Laforgue, Marie Bonaparte, Charles Mauron thường chọn những nhà thơ trữ tình lãng mạn làm chủ điểm nghiên cứu chính, bởi thi phẩm của họ hé lộ mạng lưới giàu có các hình ảnh biểu tượng. Chủ nghĩa lãng mạn phương Tây bấy giờ cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến khuynh hướng chung của Thơ mới Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945, điển hình là cảm thức về cái tôi cá nhân cũng như cám cảnh thân phận giữa thời cuộc bi đát.
Những tiếp xúc ban đầu của con người với thế giới vật chất luôn có vai trò quan trọng và để lại dấu vết ẩn tàng lâu dài trong thế giới vô thức của họ. Nó nằm sâu trong vô thức cũng như trong quá trình sáng tạo của nhà thơ và được biểu kiến bằng sự sáng tạo. Bachelard phát hiện ra rằng thi ca hoàn toàn tuân theo sự quyến rũ của một hình ảnh ưa thích. Đồng thời, tiềm thức luôn “bình thường” bất cứ khi nào nó có nơi chốn neo đậu hạnh phúc và yên ổn. Trong lời giới thiệu cuốn Thi pháp không gian (The Poetics of Space, 1958), Bachelard ngụ ý sự cư trú hạnh phúc này chính là cảm giác tự tại như ở nhà. Phân tâm học đưa tiềm thức vào hữu thức giúp những người “vô gia cư” tìm thấy cảm giác cư trú neo đậu. Phương pháp phân tích địa thể (topoanalysis) của Bachelard trong phân tâm học khai phá những miền không gian, trong đó con người thoát khỏi nơi trú ngụ tiềm thức và đi vào hữu thức của sự tưởng tượng.
Quay trở về trường hợp thơ Huy Cận, đã có ít nhiều nghiên cứu về không gian nghệ thuật thơ Huy Cận, chỉ ra những định ngữ phổ quát dành cho thơ của ông như không gian mênh mông và vô tận. Nhưng để tìm thấy cơ sở nguồn gốc cho cảm quan đặc trưng này, cần phải nhìn nhận sáng tạo thơ ông như một quá trình khuếch đại, phóng rộng về mặt không gian. Thơ Huy Cận tuân theo cơ chế đồng vọng của tiềm thức, ký ức phân mảnh thơ ấu được gợi lại, khuếch đại tạo nên những không gian hùng vĩ hơn, với một cường độ sử thi hơn. Ký ức thơ ấu này gắn liền với nơi khai sinh của Huy Cận, tức quê nhà, một phạm trù mở rộng không gian nhà của Bachelard. Cảm nghe cái mênh mông của vũ trụ, hay cảm quan cô liêu bơ vơ, thực chất, là những động cơ thúc đẩy Huy Cận truy tìm sự neo đậu ở nơi chốn quê nhà tưởng tượng, tìm bến giữa dòng. Thơ Huy Cận, trước hết, phản chiếu không gian tự nhiên - không gian vùng văn hóa. Không gian đó gắn liền với quê hương ông - Hương Sơn, Hà Tĩnh, một phần của vùng văn hóa Lam Hồng. Nhà thơ thừa nhận, cảnh quan quê hương nên thơ đã hun đúc nên thi hứng của mình: “Sông núi đất đai ấy như đã làm ra xương thịt của tôi và tâm hồn tôi nữa” (Hồi ký song đôi), với chủ đạo là nỗi buồn man mác, mang màu sắc lãng mạn đặc trưng. Thực chất, trong các bài thơ xuất sắc của Huy Cận như Tràng giang, Nói chuyện với Kim Tự Tháp… luôn tồn tại đồng thời hiếu kỳ và hoài niệm, choáng ngợp trước không gian mới - không gian hiện tại, và vô thức liên hệ với không gian cũ - không gian ấu thời.
Hình ảnh sông trong thơ ca trữ tình Việt Nam luôn ngụ chỉ quê hương. Có lẽ bởi phần lớn các nhà thơ sinh ra trước 1986 đều có xuất thân gắn bó với thôn quê. Làng, đơn vị nông thôn đặc trưng của Việt Nam, thường phân bố trên các triền sông. Mục đích thứ nhất và quan trọng hơn cả, nhằm đáp ứng nhu cầu thủy lợi tưới tiêu của hình thức canh tác nông nghiệp lúa nước. Mục đích thứ hai, khi các làng tập hợp thành một mạng lưới dọc theo sông, thì đường thủy trở thành con đường thuận lợi nhất để phục vụ giao thông và thương mại. Do đó, sông là một phần thiết yếu trong đời sống nông thôn và của con người chốn đây. Không gian nghệ thuật của thơ Huy Cận luôn tồn tại những dòng sông mênh mang nước. Những trải nghiệm ấu thời của nhà thơ diễn ra trên bãi cát dài ven sông, tả ngạn sông Ngàn Sâu uốn quanh chân núi Mồng Gà. Con sông mang đủ đầy hai sắc thái, dữ dội và êm ả. Đoạn sông nằm ở thượng nguồn sông La, vào mùa lũ nước lên cao. Khi trời yên, gió sông thổi mát, bờ sông lại trở về là chốn lý tưởng cho những trò chơi dân gian của lũ trẻ. Thơ Huy Cận in hằn con sông miền niên thiếu. Nó đã luôn là một dòng nghịch lưu chảy ngầm trong mạch nguồn hữu thức của thi nhân.
Tràng giang, bài thơ nổi tiếng nhất của Huy Cận, phát lộ được gốc tích sáng tác vào lúc nhà thơ đứng ở bến Chèm, phóng tầm mắt ngắm nhìn con sông Hồng. Lối bình giảng truyền thống quy nạp bài thơ với tâm trạng lẻ loi, chơ vơ của Huy Cận trước không gian bao la rộng lớn và tình yêu quê hương, đất nước. Song, Tràng giang giống như một bức tranh khổ lớn, tuân theo quy luật viễn cận, mở rộng biên độ vút về phía xa. Ở đó, tác giả vẽ lại hình ảnh cậu bé Huy Cận tuổi nhi đồng, đứng trước con sông Ngàn Sâu với tâm thế đầy hiếu kì, tò mò và rợn ngợp. Mối liên hệ vô thức được ảnh xạ rõ nét hơn bao giờ hết: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót”. Cách tác giả sử dụng từ “chót vót” ở đây, thoạt tiên đối với người đọc như một nghịch lí. Bởi chót vót là tính từ mô tả sự tột độ về chiều cao, chứ hiếm ai đi dùng nó để đặc tả chiều sâu. Nhưng nghịch đảo này lại hóa tài tình: sâu chót vót - Ngàn Sâu; Ngàn Sâu - sâu chót vót. Huy Cận kết thúc bài thơ bằng hoài niệm cố hương hướng tâm thân thuộc (Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà), nhưng tự thân tràng giang đã chảy ngược về khúc thượng nguồn sông La tự lúc nào.
Khi niềm ưa thích mạnh nhất của một đứa trẻ là chơi, thì hành động chơi của trẻ con là ứng xử của một nhà thơ, nhằm kiến tạo ra cho mình một thế giới tưởng tượng, một trật tự mới phù hợp với mình. Tuổi thơ Huy Cận đặc sắc những trò chơi dân gian, từ truyền thống phổ biến như thả diều, mang tính địa phương Hà Tĩnh như làm trống đất, cho tới sáng tạo trẻ thơ như trò đắp cối xay cát. Riêng trò chơi thứ ba này, khuấy động trong nhà thơ một ám ảnh đặc biệt đối với cát. Cát là ẩn dụ của sự luân hồi của thời gian, như đồng hồ cát, đặc biệt liên hệ đến sự diệt vong cuối cùng, như núi và kim tự tháp theo thời gian sẽ trở về cát bụi. Ẩn dụ này ngụ ý sự băng qua của thời gian, kéo dài hàng nghìn năm.
Cát còn là biểu tượng của sự hiện tồn thoáng chốc, như chữ viết trên cát, hay lâu đài cát sẽ bị cơn sóng đánh dạt cuốn trôi. Trò chơi cối xay cát, được Huy Cận ví như làm ra một chiếc “đồng hồ cát cổ đại”, thoạt đầu, chỉ là một trò chơi tuổi thơ vô tư. Ấn tượng được gắn với thứ cát thơ bé này là sự êm ả, gần gũi và rong ruổi theo đuổi Huy Cận trên những miền Tổ quốc, theo những con sông bồi tụ cát phù sa. Nhưng rồi, khi đến với xứ sở sa mạc, nơi vương quốc của cát, Ai Cập, để Nói chuyện với Kim Tự Tháp thì quan niệm chất phác về cát của nhà thơ bị nhận chìm. Trước chứng tích lịch sử của một nền văn minh từng huy hoàng rồi chợt tắt, tồn tại hàng thiên niên kỷ, Huy Cận mới thấu được cái thoáng chốc của cõi tạm. Cát bấy giờ trở thành hung thần cuồng nộ, hiện thân của thời gian xói mòn mọi thứ. Con người lãng mạn, đứng trước sự phong hóa tàn khốc của tự nhiên, nảy sinh sự lưỡng phân trong tâm trí, một mặt choáng ngợp sợ hãi (rúng lạnh, chết sững), một mặt hiếu kỳ và khởi đi niềm hi vọng (hoài vọng, phơi phới). Một lần nữa, mô thức hoài niệm quy giản về hình ảnh thơ ấu được minh chứng ở câu kết (Bóng Kim tự tháp trải lên bờ sông mát). Kim tự tháp là đỉnh cao của sự hiếu kỳ trong thơ Huy Cận, tựa khát vọng giải đáp câu đố của nhân sư, tìm được chìa khóa mở ra sự vô tận và rồi khuất phục sự hữu hạn của tồn tại.
Chùa là một không gian thiêng mang lại những ấn tượng đặc biệt, một trải nghiệm thần bí đối với Huy Cận lúc nhỏ. Trong không gian thiêng, thời gian là thời gian thiêng tách bạch với thời gian của đời thường, thế tục. Huy Cận từ nhỏ trong lúc nô đùa với bạn bè, đã có tiếp xúc đầu tiên với không gian này. Đó là ngôi chùa Bồn tọa trên rú Trùa đằng sau núi Mồng Gà. Đám trẻ rủ nhau lên chùa hái trái sơn trà, rồi tiện thể tò mò vào xem cảnh địa ngục và thiên đường được xây ở trong chùa: “Thiên đường thì ở trên cao, nhưng địa ngục thì ở tận mặt đất thấy rõ ràng từng cảnh đày đọa, người bị quăng vào vạc dầu, người bị chó ngao cắn, người bị xẻ dọc làm đôi… Bọn tôi sợ, nhưng cũng sợ vừa vừa thôi, chỉ có tò mò xem thử các tội ác được trừng phạt như thế nào” (Hồi ký song đôi). Cho tới giai đoạn theo học tại trường Quốc học Huế, nhà thơ luôn ấn tượng và bị ám ảnh bởi tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Thay vì mang đến một cái nhìn thiền tuệ Phật giáo, cảnh chùa cấp cho nhà thơ một nhân sinh quan diệu vợi, khắc khoải. Cái nhìn này, được phóng chiếu trong Các vị La Hán chùa Tây Phương, cuội kết trở thành những cật vấn (Tôi đến thăm về lòng vấn vương/ Há chẳng phải đây là xứ Phật/ Mà sao ai nấy mặt đau thương?). Từ hình dung những pho tượng Phật, nhà thơ suy tư về nỗi yếm thế, bế tắc của chúng sinh giữa nghịch cảnh hiện thực cuộc sống. Song để tìm câu trả lời cho câu hỏi cuộc đời, hiếu kỳ nay đã chuyển thành thất vọng (Một câu hỏi lớn. Không lời đáp). Dấu ấn của những hiếu kỳ thuở nhỏ đã hiện hình trong những câu hỏi lớn và sự khắc khoải trước im lặng “không lời đáp”. Bởi thế, những tội ác bị trừng phạt, những đọa đày hay khổ nạn của chúng sinh thực chất đã được phóng đại, được tỏa rộng từ những chờn vờn trong sương khói ấu thời. Muốn chắp cánh cho phong cách lãng mạn vút phóng lên đỉnh cao tận cùng, nhưng Huy Cận không thể đứng ngoài vô thức tập thể. Thơ Huy Cận giai đoạn sau 1945 chuyển từ cảm nghiệm nỗi buồn cá nhân sang truyền đạt không khí thời cuộc, để tiếp lửa. Lúc này nhà thơ đã hòa chung vào tâm thế yêu nước của dân tộc (Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa - Hai bờ suy tưởng). Bên cạnh yếu tố ngoại cảnh mang tính bước ngoặt là Cách mạng tháng Tám, bên trong con người Huy Cận vốn đã hình thành những cơ sở nội tâm để thực hiện sự chuyển biến phong cách này. Vùng đất quê ông, Hà Tĩnh, đã nổi tiếng với truyền thống yêu nước và đánh giặc. Đây là cái nôi sản sinh ra những vị anh hùng như Mai Thúc Loan, Đặng Dung, Nguyễn Biểu, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng. Thời niên thiếu ở quê hương, Huy Cận đã tiếp xúc và thấm nhuần tinh thần yêu nước thông qua thơ văn của Phan Bội Châu, Trần Tuấn Khải cùng nhiều nhà yêu nước khác. Thơ văn của họ, tề tựu đủ ý chí “văn dĩ tải đạo” từ các tác giả trung đại đi trước, đăng đối giữa văn chương và truyền tải đạo lý. Cách mạng tháng Tám là một sự kiện bước ngoặt đưa cảm thức yêu nước trở thành dòng chủ lưu trong sáng tác của Huy Cận, đưa các tác phẩm thơ của ông về với chủ đề ngợi ca tinh thần quật khởi của con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Nhờ dấn thân vào chính luận, Huy Cận đi vào quần chúng và trở thành nhà thơ của quần chúng. Nhưng, như đã nói, ký ức vùng miền, những trải nghiệm ấu thời vẫn tỏa bóng trong sáng tác của ông.
Cái làm nên đặc sắc thơ Huy Cận là lực trường sáng tạo của ông. Nó đến từ những chi tiết ký ức tuổi thơ, được nhà thơ sắp xếp vào một trật tự hệ thống mới. Sức huyền diệu của kỷ niệm, vô thức khởi đi lòng tò mò muốn khám phá không-thời gian mới với dự phóng tiềm tàng từ những ấn tượng thơ dại. Khi nhà thơ gặp gỡ một địa điểm cảnh quan tương ứng có quy mô rộng lớn bao trùm, quá khứ và hiện tại đồng nhất với nhau và khuếch đại mang tới một cảm quan mới giàu tính biểu tượng. Phân tâm học với ưu thế và cũng là đặc trưng của mình mở ra cơ hội cho việc soi chiếu những vùng không gian bị khuất lấp, bị kìm nén, nằm xa vùng ý thức. Bởi vậy, một hình dung nhỏ về Huy Cận trong cái nhìn phân tâm học, nơi những ký ức ấu thời âm thầm lan tỏa lên vùng không-thời gian hiện tại, có thể sẽ mang lại cho chúng ta những dư vị mới mẻ, nuôi dưỡng những dự phóng.
Trong một nền học thuật với đòi hỏi ngày càng cao về những dữ liệu định lượng khách quan, việc áp dụng phân tâm học của Freud, đặc biệt là của Gaston Bachelard trong nghiên cứu văn học, nhắc nhở chúng ta rằng một cách tiếp cận khách quan tuy quan trọng nhưng đồng thời cũng có hạn chế trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh. Không giống như các nhà khoa học tự nhiên, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nên mạo hiểm vận dụng sự tưởng tượng chủ quan của mình (hay cái tư biện) như một chất xúc tác trong quá trình nghiên cứu. Các nhà thơ quan tâm đến cái cá nhân, tính chủ quan và cái dị biệt về phong cách (idiosyncratic). Họ đi tìm ngữ nghĩa và ngữ cảnh trong trải nghiệm cá nhân, sau đó cấp nghĩa cho ngôn từ. Từ đó, thơ của họ khiến cho người đọc có một nhận thức mới, khác với cách thức truyền thống của các triết gia đi tìm chân lý. Do đó, cách tiếp cận phân tâm học đối với chất liệu thơ ca cho thấy những kết quả mới mẻ và đột phá, bởi những nhà phê bình phân tâm học tìm cách đồng dạng với nhà thơ.
Ấu thời là mảnh đất canh tác màu mỡ đối với các nhà phân tâm học. Sự phát triển của một cá nhân được định hình bởi những sự kiện thuở ấu thời, nên hiển nhiên, những ấn tượng, sang chấn hay mặc cảm xảy ra đối với đứa trẻ có ảnh hưởng rõ rệt, sẽ càng được biểu kiến ở tuổi trưởng thành. Một trong những biểu hiện cực đoan nhất là bệnh loạn thần/ nhiễu tâm. Trong nghiên cứu lâm sàng - trị liệu, sử dụng biện pháp liên tưởng tự do nhằm khai thác trần trụi các trải nghiệm bị dồn nén từ tuổi ấu thơ, nhà phân tâm học đưa ra một phác đồ hợp lý đối với các ca bệnh tâm thần. Còn đối với các nhà phê bình phân tâm học, đặc biệt theo lối phân tâm học tiểu sử, những ký ức hay biến cố thời thơ ấu là một dẫn liệu có tầm quan trọng bậc nhất nhằm minh định những ẩn ngữ trong thi phẩm. Qua lăng kính phân tâm học, việc xem xét quá trình sáng tạo của nhà thơ ví như đào lại những hóa thạch thời thơ ấu đã thoái triển.
Những mạng lưới hình ảnh là biểu hiện của các tập hợp vô thức bên trong tâm lý của tác giả, sự trùng hợp ngẫu nhiên được gợi lên dưới nhiều lớp văn bản chồng xếp. Các nhà phê bình phân tâm học phương Tây đầu thế kỷ XX như René Laforgue, Marie Bonaparte, Charles Mauron thường chọn những nhà thơ trữ tình lãng mạn làm chủ điểm nghiên cứu chính, bởi thi phẩm của họ hé lộ mạng lưới giàu có các hình ảnh biểu tượng. Chủ nghĩa lãng mạn phương Tây bấy giờ cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến khuynh hướng chung của Thơ mới Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945, điển hình là cảm thức về cái tôi cá nhân cũng như cám cảnh thân phận giữa thời cuộc bi đát.
Những tiếp xúc ban đầu của con người với thế giới vật chất luôn có vai trò quan trọng và để lại dấu vết ẩn tàng lâu dài trong thế giới vô thức của họ. Nó nằm sâu trong vô thức cũng như trong quá trình sáng tạo của nhà thơ và được biểu kiến bằng sự sáng tạo. Bachelard phát hiện ra rằng thi ca hoàn toàn tuân theo sự quyến rũ của một hình ảnh ưa thích. Đồng thời, tiềm thức luôn “bình thường” bất cứ khi nào nó có nơi chốn neo đậu hạnh phúc và yên ổn. Trong lời giới thiệu cuốn Thi pháp không gian (The Poetics of Space, 1958), Bachelard ngụ ý sự cư trú hạnh phúc này chính là cảm giác tự tại như ở nhà. Phân tâm học đưa tiềm thức vào hữu thức giúp những người “vô gia cư” tìm thấy cảm giác cư trú neo đậu. Phương pháp phân tích địa thể (topoanalysis) của Bachelard trong phân tâm học khai phá những miền không gian, trong đó con người thoát khỏi nơi trú ngụ tiềm thức và đi vào hữu thức của sự tưởng tượng.
Quay trở về trường hợp thơ Huy Cận, đã có ít nhiều nghiên cứu về không gian nghệ thuật thơ Huy Cận, chỉ ra những định ngữ phổ quát dành cho thơ của ông như không gian mênh mông và vô tận. Nhưng để tìm thấy cơ sở nguồn gốc cho cảm quan đặc trưng này, cần phải nhìn nhận sáng tạo thơ ông như một quá trình khuếch đại, phóng rộng về mặt không gian. Thơ Huy Cận tuân theo cơ chế đồng vọng của tiềm thức, ký ức phân mảnh thơ ấu được gợi lại, khuếch đại tạo nên những không gian hùng vĩ hơn, với một cường độ sử thi hơn. Ký ức thơ ấu này gắn liền với nơi khai sinh của Huy Cận, tức quê nhà, một phạm trù mở rộng không gian nhà của Bachelard. Cảm nghe cái mênh mông của vũ trụ, hay cảm quan cô liêu bơ vơ, thực chất, là những động cơ thúc đẩy Huy Cận truy tìm sự neo đậu ở nơi chốn quê nhà tưởng tượng, tìm bến giữa dòng. Thơ Huy Cận, trước hết, phản chiếu không gian tự nhiên - không gian vùng văn hóa. Không gian đó gắn liền với quê hương ông - Hương Sơn, Hà Tĩnh, một phần của vùng văn hóa Lam Hồng. Nhà thơ thừa nhận, cảnh quan quê hương nên thơ đã hun đúc nên thi hứng của mình: “Sông núi đất đai ấy như đã làm ra xương thịt của tôi và tâm hồn tôi nữa” (Hồi ký song đôi), với chủ đạo là nỗi buồn man mác, mang màu sắc lãng mạn đặc trưng. Thực chất, trong các bài thơ xuất sắc của Huy Cận như Tràng giang, Nói chuyện với Kim Tự Tháp… luôn tồn tại đồng thời hiếu kỳ và hoài niệm, choáng ngợp trước không gian mới - không gian hiện tại, và vô thức liên hệ với không gian cũ - không gian ấu thời.
Hình ảnh sông trong thơ ca trữ tình Việt Nam luôn ngụ chỉ quê hương. Có lẽ bởi phần lớn các nhà thơ sinh ra trước 1986 đều có xuất thân gắn bó với thôn quê. Làng, đơn vị nông thôn đặc trưng của Việt Nam, thường phân bố trên các triền sông. Mục đích thứ nhất và quan trọng hơn cả, nhằm đáp ứng nhu cầu thủy lợi tưới tiêu của hình thức canh tác nông nghiệp lúa nước. Mục đích thứ hai, khi các làng tập hợp thành một mạng lưới dọc theo sông, thì đường thủy trở thành con đường thuận lợi nhất để phục vụ giao thông và thương mại. Do đó, sông là một phần thiết yếu trong đời sống nông thôn và của con người chốn đây. Không gian nghệ thuật của thơ Huy Cận luôn tồn tại những dòng sông mênh mang nước. Những trải nghiệm ấu thời của nhà thơ diễn ra trên bãi cát dài ven sông, tả ngạn sông Ngàn Sâu uốn quanh chân núi Mồng Gà. Con sông mang đủ đầy hai sắc thái, dữ dội và êm ả. Đoạn sông nằm ở thượng nguồn sông La, vào mùa lũ nước lên cao. Khi trời yên, gió sông thổi mát, bờ sông lại trở về là chốn lý tưởng cho những trò chơi dân gian của lũ trẻ. Thơ Huy Cận in hằn con sông miền niên thiếu. Nó đã luôn là một dòng nghịch lưu chảy ngầm trong mạch nguồn hữu thức của thi nhân.
Tràng giang, bài thơ nổi tiếng nhất của Huy Cận, phát lộ được gốc tích sáng tác vào lúc nhà thơ đứng ở bến Chèm, phóng tầm mắt ngắm nhìn con sông Hồng. Lối bình giảng truyền thống quy nạp bài thơ với tâm trạng lẻ loi, chơ vơ của Huy Cận trước không gian bao la rộng lớn và tình yêu quê hương, đất nước. Song, Tràng giang giống như một bức tranh khổ lớn, tuân theo quy luật viễn cận, mở rộng biên độ vút về phía xa. Ở đó, tác giả vẽ lại hình ảnh cậu bé Huy Cận tuổi nhi đồng, đứng trước con sông Ngàn Sâu với tâm thế đầy hiếu kì, tò mò và rợn ngợp. Mối liên hệ vô thức được ảnh xạ rõ nét hơn bao giờ hết: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót”. Cách tác giả sử dụng từ “chót vót” ở đây, thoạt tiên đối với người đọc như một nghịch lí. Bởi chót vót là tính từ mô tả sự tột độ về chiều cao, chứ hiếm ai đi dùng nó để đặc tả chiều sâu. Nhưng nghịch đảo này lại hóa tài tình: sâu chót vót - Ngàn Sâu; Ngàn Sâu - sâu chót vót. Huy Cận kết thúc bài thơ bằng hoài niệm cố hương hướng tâm thân thuộc (Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà), nhưng tự thân tràng giang đã chảy ngược về khúc thượng nguồn sông La tự lúc nào.
Khi niềm ưa thích mạnh nhất của một đứa trẻ là chơi, thì hành động chơi của trẻ con là ứng xử của một nhà thơ, nhằm kiến tạo ra cho mình một thế giới tưởng tượng, một trật tự mới phù hợp với mình. Tuổi thơ Huy Cận đặc sắc những trò chơi dân gian, từ truyền thống phổ biến như thả diều, mang tính địa phương Hà Tĩnh như làm trống đất, cho tới sáng tạo trẻ thơ như trò đắp cối xay cát. Riêng trò chơi thứ ba này, khuấy động trong nhà thơ một ám ảnh đặc biệt đối với cát. Cát là ẩn dụ của sự luân hồi của thời gian, như đồng hồ cát, đặc biệt liên hệ đến sự diệt vong cuối cùng, như núi và kim tự tháp theo thời gian sẽ trở về cát bụi. Ẩn dụ này ngụ ý sự băng qua của thời gian, kéo dài hàng nghìn năm.
Cát còn là biểu tượng của sự hiện tồn thoáng chốc, như chữ viết trên cát, hay lâu đài cát sẽ bị cơn sóng đánh dạt cuốn trôi. Trò chơi cối xay cát, được Huy Cận ví như làm ra một chiếc “đồng hồ cát cổ đại”, thoạt đầu, chỉ là một trò chơi tuổi thơ vô tư. Ấn tượng được gắn với thứ cát thơ bé này là sự êm ả, gần gũi và rong ruổi theo đuổi Huy Cận trên những miền Tổ quốc, theo những con sông bồi tụ cát phù sa. Nhưng rồi, khi đến với xứ sở sa mạc, nơi vương quốc của cát, Ai Cập, để Nói chuyện với Kim Tự Tháp thì quan niệm chất phác về cát của nhà thơ bị nhận chìm. Trước chứng tích lịch sử của một nền văn minh từng huy hoàng rồi chợt tắt, tồn tại hàng thiên niên kỷ, Huy Cận mới thấu được cái thoáng chốc của cõi tạm. Cát bấy giờ trở thành hung thần cuồng nộ, hiện thân của thời gian xói mòn mọi thứ. Con người lãng mạn, đứng trước sự phong hóa tàn khốc của tự nhiên, nảy sinh sự lưỡng phân trong tâm trí, một mặt choáng ngợp sợ hãi (rúng lạnh, chết sững), một mặt hiếu kỳ và khởi đi niềm hi vọng (hoài vọng, phơi phới). Một lần nữa, mô thức hoài niệm quy giản về hình ảnh thơ ấu được minh chứng ở câu kết (Bóng Kim tự tháp trải lên bờ sông mát). Kim tự tháp là đỉnh cao của sự hiếu kỳ trong thơ Huy Cận, tựa khát vọng giải đáp câu đố của nhân sư, tìm được chìa khóa mở ra sự vô tận và rồi khuất phục sự hữu hạn của tồn tại.
Chùa là một không gian thiêng mang lại những ấn tượng đặc biệt, một trải nghiệm thần bí đối với Huy Cận lúc nhỏ. Trong không gian thiêng, thời gian là thời gian thiêng tách bạch với thời gian của đời thường, thế tục. Huy Cận từ nhỏ trong lúc nô đùa với bạn bè, đã có tiếp xúc đầu tiên với không gian này. Đó là ngôi chùa Bồn tọa trên rú Trùa đằng sau núi Mồng Gà. Đám trẻ rủ nhau lên chùa hái trái sơn trà, rồi tiện thể tò mò vào xem cảnh địa ngục và thiên đường được xây ở trong chùa: “Thiên đường thì ở trên cao, nhưng địa ngục thì ở tận mặt đất thấy rõ ràng từng cảnh đày đọa, người bị quăng vào vạc dầu, người bị chó ngao cắn, người bị xẻ dọc làm đôi… Bọn tôi sợ, nhưng cũng sợ vừa vừa thôi, chỉ có tò mò xem thử các tội ác được trừng phạt như thế nào” (Hồi ký song đôi). Cho tới giai đoạn theo học tại trường Quốc học Huế, nhà thơ luôn ấn tượng và bị ám ảnh bởi tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Thay vì mang đến một cái nhìn thiền tuệ Phật giáo, cảnh chùa cấp cho nhà thơ một nhân sinh quan diệu vợi, khắc khoải. Cái nhìn này, được phóng chiếu trong Các vị La Hán chùa Tây Phương, cuội kết trở thành những cật vấn (Tôi đến thăm về lòng vấn vương/ Há chẳng phải đây là xứ Phật/ Mà sao ai nấy mặt đau thương?). Từ hình dung những pho tượng Phật, nhà thơ suy tư về nỗi yếm thế, bế tắc của chúng sinh giữa nghịch cảnh hiện thực cuộc sống. Song để tìm câu trả lời cho câu hỏi cuộc đời, hiếu kỳ nay đã chuyển thành thất vọng (Một câu hỏi lớn. Không lời đáp). Dấu ấn của những hiếu kỳ thuở nhỏ đã hiện hình trong những câu hỏi lớn và sự khắc khoải trước im lặng “không lời đáp”. Bởi thế, những tội ác bị trừng phạt, những đọa đày hay khổ nạn của chúng sinh thực chất đã được phóng đại, được tỏa rộng từ những chờn vờn trong sương khói ấu thời. Muốn chắp cánh cho phong cách lãng mạn vút phóng lên đỉnh cao tận cùng, nhưng Huy Cận không thể đứng ngoài vô thức tập thể. Thơ Huy Cận giai đoạn sau 1945 chuyển từ cảm nghiệm nỗi buồn cá nhân sang truyền đạt không khí thời cuộc, để tiếp lửa. Lúc này nhà thơ đã hòa chung vào tâm thế yêu nước của dân tộc (Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa - Hai bờ suy tưởng). Bên cạnh yếu tố ngoại cảnh mang tính bước ngoặt là Cách mạng tháng Tám, bên trong con người Huy Cận vốn đã hình thành những cơ sở nội tâm để thực hiện sự chuyển biến phong cách này. Vùng đất quê ông, Hà Tĩnh, đã nổi tiếng với truyền thống yêu nước và đánh giặc. Đây là cái nôi sản sinh ra những vị anh hùng như Mai Thúc Loan, Đặng Dung, Nguyễn Biểu, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng. Thời niên thiếu ở quê hương, Huy Cận đã tiếp xúc và thấm nhuần tinh thần yêu nước thông qua thơ văn của Phan Bội Châu, Trần Tuấn Khải cùng nhiều nhà yêu nước khác. Thơ văn của họ, tề tựu đủ ý chí “văn dĩ tải đạo” từ các tác giả trung đại đi trước, đăng đối giữa văn chương và truyền tải đạo lý. Cách mạng tháng Tám là một sự kiện bước ngoặt đưa cảm thức yêu nước trở thành dòng chủ lưu trong sáng tác của Huy Cận, đưa các tác phẩm thơ của ông về với chủ đề ngợi ca tinh thần quật khởi của con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Nhờ dấn thân vào chính luận, Huy Cận đi vào quần chúng và trở thành nhà thơ của quần chúng. Nhưng, như đã nói, ký ức vùng miền, những trải nghiệm ấu thời vẫn tỏa bóng trong sáng tác của ông.
Cái làm nên đặc sắc thơ Huy Cận là lực trường sáng tạo của ông. Nó đến từ những chi tiết ký ức tuổi thơ, được nhà thơ sắp xếp vào một trật tự hệ thống mới. Sức huyền diệu của kỷ niệm, vô thức khởi đi lòng tò mò muốn khám phá không-thời gian mới với dự phóng tiềm tàng từ những ấn tượng thơ dại. Khi nhà thơ gặp gỡ một địa điểm cảnh quan tương ứng có quy mô rộng lớn bao trùm, quá khứ và hiện tại đồng nhất với nhau và khuếch đại mang tới một cảm quan mới giàu tính biểu tượng. Phân tâm học với ưu thế và cũng là đặc trưng của mình mở ra cơ hội cho việc soi chiếu những vùng không gian bị khuất lấp, bị kìm nén, nằm xa vùng ý thức. Bởi vậy, một hình dung nhỏ về Huy Cận trong cái nhìn phân tâm học, nơi những ký ức ấu thời âm thầm lan tỏa lên vùng không-thời gian hiện tại, có thể sẽ mang lại cho chúng ta những dư vị mới mẻ, nuôi dưỡng những dự phóng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét