Hàng Đào - Phố tơ lụa
nổi tiếng một thời ở đất Kinh Kỳ
“Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây, Hàng Đào tơ lụa làm say
lòng người”. Câu ca dao cổ từ lâu đã khắc sâu vào tâm trí biết bao thế hệ những
người con yêu mến đất Thăng Long về hình ảnh một con phố buôn bán nổi tiếng của
Hà Nội - phố Hàng Đào.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
hướng ra Hàng Đào. (Ảnh:
vivuhanoi)
Nằm ngay phía bắc Hồ Gươm, dài khoảng 260m, chạy dài theo hướng
bắc - nam, phố Hàng Đào được coi là đường trục chính của 36 phố phường. Phía
Nam của phố là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, sát bờ hồ Hoàn Kiếm. Đầu phía
bắc là phố Hàng Ngang. Cũng như mọi con phố khác ở Hà Nội, tên gọi của phố Hàng
Đào cũng có một ý nghĩa lịch sử riêng của nó.
Phố Hàng Đào xưa. (Ảnh: baotanglichsu)
Thời Pháp thuộc, phố Hàng Đào có tên là "Rue de la
Soie" nghĩa là "phố lụa". Xưa kia, nơi đây có nghề nhuộm màu và
theo nhiều nhà nghiên cứu, từ "đào” (hay "điều”) với nghĩa "màu
đỏ” là xuất phát từ cái nghề nhuộm màu này. Còn tên phố Hàng Đào ngày nay
là bởi do màu sắc nhuộm vải. Không giống như phố Thợ Nhuộm nhuộm
vải nhiều màu sắc, phố Hàng Đào chỉ nhuộm những màu sắc tươi sáng
chủ yếu là hồng và đỏ.
Biển tên phố Hàng Đào xưa. (Ảnh: vivuhanoi)
Từ thế kỷ thứ 15, 16, người dân từ nhiều nơi khác nhau, đặc
biệt là từ Hải Dương, đã đến đây lập nên phường Đại Lợi chuyên làm nghề nhuộm
tơ lụa, khiến cho Hàng Đào trở thành một trung tâm nhuộm tơ lụa và sầm uất nhất
Hà Nội thời bấy giờ. Những phiên chợ vải của phố thu hút mọi làng dệt tứ xứ đến
mua bán như: the từ La Cả, La Khê; lĩnh từ làng Bưởi ven Hồ Tây; gấm, vóc của Vạn
Phúc…
Một góc phố Hàng Đào những năm 1920.
(Ảnh: Charles Peyrin)
(Ảnh: Charles Peyrin)
Hiện nay vẫn còn tấm bia có từ năm 1706 ghi rõ tên cụ tổ sư
nghề nhuộm là người của phường và là thành hoàng làng tại số nhà 90A. Sau này
khi nghề nhuộm màu chuyển sang phố Cầu Gỗ thì phố Hàng Đào lại chuyển thành phố
bán các hàng tấm: the, lụa, lượt, là, cấp, đũi, băng, sa, xuyến, chồi…
Số nhà 90 Hàng Đào xưa.
Năm 1986, khi có chính sách đổi mới của Nhà nước, mở cửa nền
kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới thì phố Hàng Đào bừng dậy với sự
xuất hiện của hàng loạt những cửa hàng tạp hóa, đồng hồ, quần áo may sẵn, nhiều
nhà cao tầng, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo con phố cổ Hàng Đào. Hàng Đào trở
thành phố du lịch chuyên bán đồ cho du khách nước ngoài.
Nhà số 10 phố Hàng Đào. (Ảnh: kienthuc)
Đình Đồng Lạc tọa lạc
ở số 38 Hàng Đào. Ngôi đình có
lịch sử hình thành từ thế kỷ 17, được xây lại
năm 1941, là một
di sản kiến trúc được bảo tồn đặc biệt của phố cổ Hà Nội.
Người Hàng Đào từ lâu vẫn nổi tiếng là người thanh lịch, con
người của “Kinh Kỳ” kiểu cách đến thành cầu kỳ, hào nhoáng. Mặc dù là phố buôn
bán nhưng Hàng Đào lại được coi là cái nôi của văn hóa và phong trào yêu nước
kháng Pháp năm 1907. Chính tại ngôi nhà số 10 và 63 ngày nay, cụ Lương Văn Can
cùng các sĩ phu yêu nước đã lập nên phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, nhằm thực
hiện cải cách xã hội Việt Nam dưới thời thuộc Pháp.
Phố Hàng Đào ngày nay là điểm du lịch, mua sắm
yêu thích của
khách tham quan phố cổ. (Ảnh: hanoimoi)
Hiện nay, diện mạo của phố cổ Hàng Đào đã hoàn toàn thay đổi.
Vẫn đóng vai trò là phố buôn bán chính, sầm uất, đông đúc nhất Hà Nội, nhưng phố
Hàng Đào chuyên bán quần áo phục vụ khách du lịch và người dân Hà thành. Từ năm
2006, UBND quận Hoàn Kiếm cho phép thành lập tuyến phố đi bộ Chợ Đêm Hàng Đào -
Đồng Xuân vào các tối thứ sáu, thứ bẩy, chủ nhật. Chợ chủ yếu bán các mặt hàng
thủ công mỹ nghệ, tơ lụa truyền thống, đồ lưu niệm, và cả hàng quán giới thiệu
văn hóa ẩm thực Hà Nội, thu hút rất nhiều khách du lịch đến thăm quan. Tuyến phố
đi bộ trên Chợ Đêm Hàng Đào - Đồng Xuân thực sự đã tạo nên một nét văn hóa hoàn
toàn mới của Thủ đô, một nếp sinh hoạt thương mại mang đậm chất văn hóa.
Hàng Đào nay lúc nào cũng tấp nập kẻ bán người mua.
Diện mạo
Hàng Đào có thể đã thay đổi nhiều, nhưng những
nét đẹp văn hóa nơi đây sẽ trường
tồn mãi với thời gian.
Mọi du khách khi đến thăm Hà Nội đều có những cảm nhận rất
riêng về phố Hàng Đào, nhưng chắc chắn đều có chung một cảm nhận rằng: Phố Hàng
Đào rất cổ kính nhưng cũng rất hiện đại. Cổ kính bởi nơi đây vẫn còn ghi dấu những
di tích cổ của một thời vang bóng như di tích trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại số
nhà 10; Miếu Đồng Lạc tại số nhà 31; Đình Hoa Lộc Thị ở số nhà 90A (là đình của
người làng Đan Loan, thờ vọng thành hoàng làng Đan Loan là Triệu Xương và phu
nhân Phương Dung và ông tổ nhuộm vải xưa); Đình Đồng Lạc ở số nhà 38 thờ thần Bạch
Mã, Linh Lang, Cao Sơn. Hiện đại bởi đây là con phố du lịch và là trung tâm
buôn bán lớn của phố cổ Hà Nội.
Mai Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét