Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Còn nghe tiếng gà gáy

Còn nghe tiếng gà gáy 
Còn nhớ hồi đồng hồ còn là đồ vật quý hiếm, dân miền núi vẫn thường đón giao thừa bắt đầu bằng tiếng gà gáy. Thị trấn Cổ Lâu có một nhà rất ưa nuôi gà trống gáy. Ấy là nhà lão Lâm. Lão có một lũ con cũng rất mê nuôi gà. Chúng hãnh diện mỗi khi được giúp cha chăm sóc đàn gà trống lông đỏ, điểm vàng chanh, con nào con nấy chắc nịch, bước đi oai vệ, cựa nhọn hoắt, cong như mũi câu liêm, mào rực như giấy hồng điều, nhất là con trống có tiếng gáy đĩnh đạc, ngân vang. Đàn cả trăm con có khi chỉ chọn ra được một con có tiếng gáy như thế. Hồi đó nhà nhà nuôi gà, ai cũng ước nuôi được con trống gáy như gà Lâm lão gia. Tiếng gà gáy mang đến may mắn cho con người phải là gáy phút giao thừa. Lão Lâm quả quyết như thế. Lão còn bảo, nghe tiếng gáy có thể biết gia đình nào khá giả, nhà ai túng bấn nghèo hèn. Gà của kẻ khó, tiếng gáy nghe lép, đứt đoạn, kết thúc chuỗi âm thanh yếu ớt là tiếng ò ọ hệt trái rụng góc vườn, chầm chậm buồn bã. Tiếng gà gáy của nhà giàu nghe là biết ngay, nó ngân vang, kiêu dũng và đĩnh đạc vô cùng. Âm ò ó o cuối cùng được nhấn mạnh và cong vút như cầu vồng mùa hạ. Đó chính là tiếng gáy mang đến tài, lộc, may mắn cho con người.
Tận bây giờ dân Cổ Lâu vẫn chưa hiểu, cách nào lão Lâm đã luyện gà nhà mình bao giờ cũng cất tiếng gáy đầu tiên đúng phút giao thừa đến. Tiếng gáy hùng dũng như kèn lệnh làm họ hàng nhà gà tức nhau đập cánh râm ran. Họ còn bảo, con trống nhà Lâm là tư lệnh trưởng, khi đập cánh, vươn cổ tức thì quân tướng họ nhà kê đồng thanh gáy vang. Có lẽ do thế, năm nào lộc vào nhà lão cũng nhiều như nước. Điều này khiến bụng lão Nhì bức bối.
Mọi người thường gọi Nhì lão ta là bếp Nhì. Bếp Nhì từng có thời làm đầu bếp cho một gia đình người Hoa giàu có. Hồi Pháp thuộc tay nghề lão nức tiếng khắp vùng. Sau ngày hòa bình, thành lập khu Việt Bắc lão từng giật giải quán quân về món canh gà gừng hạt dổi. Lão Nhì biết tiếng gà gáy quan trọng, thiêng liêng thế nào giây phút tiễn biệt năm cũ, đón năm mới đến. Tiếng gáy sớm bao nhiêu, vang động bao nhiêu tài lộc năm ấy sẽ càng vượng. Mấy năm nay bỗng làm ăn khó. Tay nghề Lâm hơn gì lão chứ? Thế mà bao nhiêu hợp đồng đám cưới, hội nghị hay dân tình bày trò làm lễ phúc, thọ, khang, ninh cho ông bà, cha mẹ đều tìm đến bếp Lâm. Còn lão, rỗi chân, rỗi tay, rỗi cả miệng ăn. Vợ con lão càu nhàu:
- Đám cưới thì chẳng nói làm gì, nhưng khi huyện đặt cơm hội nghị, hoặc đón tiếp đoàn nào, lúc người ta nhờ pa viết cho cái hóa đơn rồi thêm vào cho vài số 0 nhưng pa không chịu. Mất ăn là phải thôi.
Nói mãi, lão tức, hét toáng:
- Mồm nhiều, mày tưởng tao biết nhiều chữ lắm à? Ờ, mà tao ít chữ nhưng vẫn biết đọc chữ “sạch” đấy, ăn mà bẩn thì nhất định không chơi. Mặc xác chúng, ăn bẩn thì lại làm bẩn thế thôi, rồi ngược lại thế thôi… Thế thôi.
Lão nhắc đi, nhắc lại những từ này, chợt thấy trong lòng nhẹ nhõm như thể vừa thải ra khỏi ruột một khối cặn bã. Lão lại băn khoăn, nhà nó làm ăn phát tài không lẽ là do có con gà trống. Con gà này lão Lâm nuôi dễ đã hơn ba năm. Giao thừa nó luôn thức dậy sớm nhất trong họ nhà gà ở Cổ Lâu như thu hết linh khí trời đất vào tiếng gáy oai phong lẫm liệt. Cái lý người ta nói là thế, nhưng thực hư ra sao lão chưa biết? Bao đời đã truyền lại, tất niên nhà ai có tiếng gà gáy vang nhất nhà đó gặp nhiều may mắn. Mấy năm nay nhà Lâm đều hưởng may mắn đó. Liệu có là tiếng gáy của con tổng tư lệnh? Chưa khi nào lão thấy mình thiếu tự tin như lúc này.

Dân Cổ Lâu vẫn quen gọi lão Lâm là bếp Lâm. Ngày xưa bếp Lâm từng nấu ăn cho quan Tây. Quan Tây dưới đồn Đàm Thủy có một cô vợ người Việt đẹp như tranh vẽ. Tóc chải bồng, kẹp lá trông nết na, thùy mị. Quan Tây bận việc, ngày ngày, tháng tháng hết tuần phòng, lên phủ, lên tỉnh, lúc lại trên lưng ngựa truy đuổi Việt Minh. Công việc đại sự cứ cuốn lấy chân kéo ngài đi. Được ngày ở nhà ngài lại mang rượu ra uống. Uống say đến đái cả ra quần. Trò đó cứ diễn đi, diễn lại ngày này qua tháng khác khiến cô vợ rạc người đi vì buồn. Thỉnh thoảng ngài cũng mưa gió nhưng chỉ lất phất như sương rơi xuống ruộng hạn. Nhà mình có anh bếp không đến nỗi nào. Anh này kém mình dễ đến vài ba tuổi, dáng mảnh mai thư sinh, mặt mũi sáng sủa, ít nói, hay cười. Khi cười chẳng nghe thấy tiếng. Cũng được. Những ngày một mình ở nhà, chị ta thường gọi anh sang cùng ngồi dùng bữa. Bên mâm chị ta luôn miệng khen ngon mà người nấu cũng khá. Món cô lết này cháy cạnh, tút xương thế này là vừa khéo, món bít tết chín mềm xung quanh mà giữa vẫn hơi lòng đào như thế mới ngọt… món gà quay… món sốt vang… món xa lát… anh bếp nở bung mũi, càng ngày càng trở nên gần gũi với chị ta hơn. Cuối cùng chị cũng có được người bạn giúp mình giải phóng cơn khát. Sức trẻ của bếp Lâm làm cho nhan sắc chị hồi sinh. Chị thấy mình trẻ trung, miệng ư ử hát suốt ngày. Nhưng trò mây mưa hai người diễn ra không đầy nửa năm. Một ngày ông Tây bất ngờ trở về nhà, thấy trên giường, vợ mình và thằng đầu bếp mũi tẹt đang cuốn nhau như rắn. Lão rút bên hông khẩu côn bát, nhằm vào cái mông gân guốc của thằng bếp. Vừa định vảy mấy phát cho xuyên táo trên dưới, ông quan hai bỗng há hốc mồm, mắt lồi hẳn ra ngoài mi khi thấy thằng bếp Lâm lật mình, tay cầm con dao chọc tiết lợn lao đến như một mũi tên. Lão chỉ kịp hộc lên một tiếng rồi ôm bụng gục xuống. Bếp Lâm bỏ trốn vào rừng. Cô vợ ông quan Tây sau rồi không biết đi đâu. Thời gian sau người ta thấy bếp Lâm có mặt trong đội du kích kháng chiến. Công lao giết Tây trả hận dân tộc được mọi người truyền miệng. Lâm được bồi dưỡng cất nhắc. Cho đến ngày Mục Mã giải phóng không ai còn nhắc đến cái tên bếp Lâm nữa. Bây giờ đã là đồng chí Lý Lâm Chủ tịch ủy ban kháng chiến huyện Thượng Lang. Hết quan hoàn dân, Lâm trở về với nghề cũ. Tài nghệ nấu ăn của lão cũng không kém gì bếp Nhì. Tên tuổi lão cũng lừng lẫy Việt Bắc. Có điều một lão chuyên về các món ăn Tây, một lão chuyên các món ăn Tàu. Lão Nhì luôn nghĩ mình hơn Lâm về mọi mặt, chỉ kém mỗi cái danh cán bộ lão thành, hẳn cả chiến công đâm chết một tên đế quốc. Lão Nhì thừa biết lý do Lâm giết thằng quan Tây đó là vì sao. Bây giờ thời thế đổi thay. Cái gì cũng mới. Lợi dụng mối quan hệ cũ, lão Lâm ngồi đó chỉ huy con cháu mở quán ăn, thầu các loại cỗ lớn nhỏ trong trong làng, ngoài phố. Công việc làm ăn phát đạt. Nuốt dần khách của lão Nhì. Lão Nhì cũng ngồi đó chỉ huy con cháu, nhưng cái danh của lão chưa đủ sức thuyết phục khách hàng. Bọn trẻ nhà lão Nhì bảo với cha chỉ thiếu mỗi cái ghi hóa đơn đểu cho cánh cán bộ nhà nước, thế mà pa không dám làm. Ai cũng thế thôi, chẳng xơ múi gì thì đến chó cũng chẳng thèm ỉa đái.
Không thể cứ thế mãi. Cơm nhà ngươi xơi tất, đến cháo cũng không thèm nhả ra một miếng gọi là són đái. Lão Nhì bỗng thấy hận. Hận lắm. Lão hận cái đồ cách mạng giả, hận dòng họ nhà Lý, hận những con chó béo quay quanh bếp nhà Lâm, lão hận cả con gà trống gáy nhà Lâm nữa. Cái con tổng tư lệnh ấy, sao năm nào nó cũng cất tiếng gáy trước tiên? Tiếng gáy mang đến tài lộc may mắn cho nhà họ Lý hết năm này qua năm khác? Thật không công bằng chút nào. Phải làm gì chứ?
Đêm ba mươi trời tối bưng. Thấy lão Nhì ra cửa, vợ lão hỏi:
- Vài tiếng nữa giao thừa không định ở nhà thắp hương hay sao?
- Về ngay thôi.
- Không cầm theo đèn pin?
- Cái thị trấn này có nhắm mắt tôi cũng vẫn tìm đến được nơi cần đến.
- Giỏi nhỉ, già bằng này mà vẫn khoác lác.
- Thật đấy.
Nói xong lão bước đi luôn. Mụ vợ bảo lão khoác lác? Không đời nào. Cổng nhà ai, ngõ nhà ai, có mô đá, cây xanh gì bên đường, có ổ gà ổ chó nào lão đều biết. Từ đây đến nhà Lâm, lão cũng rành như chỉ bàn tay. Chiều nay lão đã ngó qua rồi. Con trống quỷ kia lão Lâm nhốt riêng trong một chiếc chuồng bằng trúc có mái che. Lúc ghé mắt nhìn qua khe cửa, lão thấy con quỷ đó cao to lắm, có lẽ gấp đôi con trống bình thường. Cũng vừa hay lão phát hiện, then cổng sau nhà Lâm không cài. Đừng chờ khuya quá, liều một phen nào. Có lẽ giờ này nhà Lâm đang ngồi xem ti vi đợi đón giao thừa.
Lão nhón chân bước đến, ghé mắt nhìn qua khe cổng. Cửa nhà giữa đóng kín. Vậy là yên tâm. Lão khẽ đẩy, chỉ nghe tiếng kẹt nhẹ, cánh cổng từ từ mở. Lão dò dẫm bước qua sân sau nhà Lâm. Đây rồi, đồ quỷ đây rồi! Tay lão lần mò quanh chuồng. Cửa chuồng đây. Lão xoay chốt, thận trọng luồn tay vào. Tay lão chạm vào bộ lông mềm mại. Là nó đấy. Tim lão đập rộn. Lão chợt thấy từ gót chân lên đến đỉnh đầu lạnh toát. Cái đồ mày hóa tinh rồi hay sao mà toát ra khí lạnh thế? Hay do lão đang run? Có thể lắm! Đã hơn bảy mươi xuân nhưng đây là lần đầu lão làm trò đạo chích. Lão lõm bõm nhớ, bắt gà muốn nó im tiếng phải từ từ luồn tay dưới lườn. Lão nín thở, đưa nó ra khỏi chuồng. Quả nhiên đồ quỷ không kêu. Lão mở vạt áo bông, giấu nó vào rồi cuốn lại, bước nhanh ra cổng.
Đêm tất niên, phố xá nhà nào nhà nấy đang chăm chú bày mâm, xắp cỗ trông lên ban thờ chờ đợi. Đường phố vắng teo. Nhìn trước, nhìn sau không thấy ai, lão Nhì bước vội vào nhà. Thấy lão xăm xăm xuống bếp, vợ lão hỏi:
- Có gì đấy?
Lão im lặng, bước đi. Bụng thì thầm, đừng có hỏi gì, lúc này tim ta đang sắp rơi ra khỏi ngực đây. Thoát rồi, thoát thật rồi. Trong ánh sáng lờ mờ, lão đi thẳng ra sau nhà, mở cửa chuồng gà rồi thả đồ quỷ vào. Đồ quỷ đạp mạnh vào cánh tay lão, chân chạm mặt chuồng nghe “bịch” như có ai vung tay ném đến cục đất nặng. Chính là nó đây sao? Cái đồ hóa tinh này bao năm nay cất tiếng gáy đầu tiên báo giao thừa đã đến cho bàn dân thiên hạ đây sao? Chưa bao giờ lão tận mắt thấy một con gà trống gáy cao to như thế. Mào và hai yếm dưới mỏ đỏ chót, to gần bằng bàn tay. Bộ lông màu son mướt mượt, óng lên rực rỡ từ đầu đến đuôi. Hai chân nó mới thật cao, to lẫm liệt. Từ đôi chân mốc thếch như phủ bột những chiếc cựa nhọn hoắt, cong như lưỡi mác chĩa ra ngang tàng. Thế là mọi chuyện từ nay kết thúc. Nhà Lâm sẽ không còn dương dương tự đắc, không còn dám làm ăn bố láo. Tiếng gà gáy năm nay sẽ bắt đầu từ nhà khác rồi. Tài lộc cũng vì thế mà lẳng lặng ra khỏi nhà Lâm. Khoái quá! Năm nay, con trống gáy sẽ bắt đầu cất tiếng ngân vang như kèn đồng từ nhà lão, nhà của Voòng Văn Nhì, đầu bếp lừng danh Việt Bắc. Danh lão sẽ sống lại. mọi người sẽ cung kính bởi lối làm ăn nghiêm chỉnh của một đầu bếp chính hiệu. Nhưng liệu Lâm lão gia có phát hiện ra không? Có thể lắm! Con yêu tinh này cất tiếng gáy cả phố đều biết. Không ai có thể nhầm lẫn tiếng gáy của nó với những con khác. Vậy sau đó sẽ ra sao? Lão mường tượng giây phút mọi người nhìn mình như một gã trộm chuyên nghiệp. Còn lâu nhá! Gà nào chẳng giống gà nào. Giống nào có chân mà chẳng biết đi. Nó đã xổng ra và tự tìm đến nhà lão. Chẳng việc gì đáng lo ngại cả. Lão vỗ hai bàn tay vào nhau vẻ thỏa mãn.
Giao thừa sắp bắt đầu. Lão lên nhà, mở rương, lấy ra bộ quần áo mới, mặc lên người. Vừa bước ra cửa buồng, lão thấy mụ vợ nhìn chằm chằm.
- Ông vừa làm bậy?
- Năm mới đến phải biết tìm lời hoa lời nụ mà nói đấy nhá.
- Tôi không sợ gì ông, chỉ lo người ta lấy vôi rắc xung quanh nhà mình.
Lão trợn mắt:
- Im mồm, chết không đến đồ mày.
Ngoài nhà lũ trẻ đang cắt dán giấy đỏ lên cột nhà. Lão bảo với chúng, phải nhớ dán ở cửa ra vào, lên cày cuốc, các gốc cây sau vườn nữa, những thứ đó đều có hồn cả đấy. Bọn chúng nói, dán hết rồi. Pa chuẩn bị đi, sắp giao thừa rồi… Lão ngẩn người:
- Thế à.
Rồi hồi hộp ra đứng tựa cửa bếp chờ.
Đâu đó có tiếng trống thùng thùng báo hiệu giao thừa sắp đến. Lão nín thở đếm một, hai, ba. Bụng thầm khấn. Cất tiếng gáy lên đi đồ quỷ! Tao chỉ cần mày lúc này thôi. Sao chẳng nghe thấy gì? Hay nó sổng ra rồi? Lão bước đến chuồng gà. Chốt vẫn nguyên vẹn. Chắc là chưa đến giờ thôi. Lão thở phào, nhắc mình đừng sốt ruột.
Vừa lúc đó phía nhà lão Lâm bỗng nổi lên tiếng đập cánh phập phập, theo sau là tiếng gà gáy vang lừng. Âm thanh hệt kèn lệnh thúc đồng bọn có tới vài trăm con trong thị trấn, đua nhau vươn cổ gáy ò ó o o... Ôi, sao vẫn là nó? Đúng là nó rồi! Vẫn con quỷ ấy đấy. Mày thì sao? Đồ vô dụng. Lão nhăn nhó nhìn cái chuồng gà im ỉm. Lão nhầm hay bị người ta lừa? Có thể âm mưu của lão đã bị phát hiện. Không có lý? Việc này chỉ mình lão biết. Vậy là sao? Tai vách, mạch rừng, phố xá nhỏ như chiếc chiếu nan… Hay cũng có nhiều kẻ trong phố có ý định như lão? Cũng muốn nẫng lấy cái đồ quỷ đó về cho riêng mình, và cắt đi dây đỏ của nhà Lâm lão gia, vì thế Lâm đã cảnh giác và lên kế hoạch đề bị? Có thể lắm. Có lẽ con trống hóa tinh kia đã được lão Lâm bí mật nhốt đâu đó. Lão bỗng bệt đít xuống đất.
Có tiếng lịch xịch trong chuồng, lão Nhì bước đến. Chẳng nên giữ lại làm gì nữa, lão tháo cửa chuồng, thò tay vào tóm chân con vô dụng lôi ra. Lão mở cổng hậu, thả nó xuống đất, rồi nhổ theo bãi nước bọt:
- Phí… cút đi.
Vừa hay có bóng người bước đến. Lão thụt vào bóng tối. Lão Lâm đứng sừng sững phía cổng sau nhà lão từ lúc nào. Làm như không có chuyện gì xảy ra, lão thò tay tóm cổ con gà, ấn vào nải. Miệng khẽ nói:
- Lại thấy mày rồi. Còn gì nữa mà bỏ đi tìm mái thế. Đồ quỷ, nửa chén chưa say, về nhà tao sẽ cho mày hẳn chén nữa, xem có còn trốn đi được nữa hay không.
Nói rồi lão hất túi nải lên vai, bước đi loạng choạng.
Lão Nhì vội vàng đóng cổng. Sau lưng tiếng bước chân lão Lâm xa dần. Ngoài kia tiếng gà vẫn râm ran ò ó o báo hiệu một năm mới nữa đến.
Cao Duy Sơn
Theo http://vannghethainguyen.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...