Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Nhạc trữ tình vùng đô thị 1946 - 1954

Nhạc trữ tình vùng đô thị 1946 - 1954 
Trong hoàn cảnh chiến tranh, ở vùng đô thị do thực dân Pháp chiếm đóng, tâm lý người dân là chán ghét thực tại, tránh né thời cuộc, hướng về những gì cao đẹp, người nhạc sĩ cũng là người nói hộ tâm tình đó. NS - PGS.TS Thế Bảo trong cuốn Lịch sử âm nhạc Việt Nam (NXB Thanh Niên - 2017) cho rằng: “dòng chảy cơ bản của âm nhạc vùng tạm chiếm là trốn thực tại đau khổ vào tình yêu lứa đôi, vào giấc mơ, vào lịch sử xa xưa, hình thành dòng nhạc trữ  tình lãng mạn”. Ca khúc của họ là sự nối tiếp dòng nhạc lãng mạn thời tiền chiến và sau nầy được xếp chung vào dòng nhạc tiền chiến.        
Giới sáng tác ca khúc ở vùng tạm chiếm lúc nầy gồm hai nguồn: những nhạc sĩ ở lại thành, không vào chiến khu ngay từ đầu, như: Lê Thương, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước…, hoặc đang tuổi thiếu niên như Cung Tiến, Lam Phương…,  và những nhạc sĩ tham gia kháng chiến, rồi do thời cuộc, do hoàn cảnh riêng, do bị Pháp bắt hoặc không chịu được gian khổ kháng chiến đã bỏ về “tề” từ đầu thập niên năm 1950, như: Phạm Duy, Hùng Lân, Đoàn Chuẩn, Hoàng Thi Thơ,  Hoàng Giác, Võ Đức Thu,…
Lực lượng sáng tác tuy đông, nhưng số lượng tác phẩm không nhiều. Một số nhạc sĩ chựng lại, không viết nữa, một số đổi lại tựa đề ca khúc cũ hoặc sửa chữa lại lời cho hợp vời hoàn cảnh mới ở vùng tạm chiếm rồi mới phổ biến. Như Phạm Duy trong 4 năm chỉ viết được một ca khúc Đàn tôi lúc mới rời bỏ kháng chiến. Hoàng Giác viết Ngày về (1946 - sau nầy làm ông chịu nhiều hệ lụy vì trở thành nhạc hiệu cho chương trình chiêu hồi của VNCH) khi tham gia kháng chiến, sau “về thành” Hà Nội đã viết Lỗi cung đàn,  Quê hương, Hương lúa đồng quê, Bóng ngày qua…"  Một số khác viết nhiều hơn, như Hùng Lân viết một loạt ca khúc: Một Mùa Xuân Huyền Ảo, Vườn Xuân, Hận Trương Chi, Hè Về, Cô Gái Việt, Mùa Hợp Tấu, Ca Xuân Hẹn Ước, Luống Cầy Mạch Sống, Nhớ Rừng, Sầu Lữ Thứ, Tơ Vương, Xóm Nghèo…     
Đặc biệt, Đoàn Chuẩn trở thành một hiện tượng âm nhạc thời đó khi từ chiến khu về Hà Nội tung ra nhiều tình ca được viết trước đó và được công chúng thị thành nồng nhiệt đón nhận: Ánh trăng mùa thu (1947 - ca khúc đầu tay), Tình nghệ sĩ (1947), Đường về Việt Bắc (1948),  Lá thư (1949). Sau đó, ông viết tiếp: Thu quyến rũ (1950), Chuyển bến (1952), Gửi gió cho mây ngàn bay (1952),  Cánh hoa duyên kiếp (hay "Dạ lan hương" (1953), Lá đổ muôn chiều (1954). Cũng cần phải kể thêm những tình ca cùng một phong cách ấy, giai điệu ấy, có nét buồn, day dứt mà thanh cao, trang nhã, ông viết trong năm 1955:  Tà áo xanh (hay Dang dở), Chiếc lá cuối cùng, Để có những chiều tắt nắng, Một gói nho khô, một cánh pensée, Vàng phai mấy lá (hay Vĩnh biệt), Gửi người em gái miền Nam… Những tình khúc nầy được ký tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh như một “thương hiệu” uy tín và có ảnh hưởng sâu rộng đến dòng tình khúc miền Nam sau 1954.                            
Ở lại thành từ đầu, Thẩm Oánh tiếp tục viết những ca khúc theo 2 dòng nhạc cũ: tình ca và nhạc hùng như: “Việt Nam cùng tiến" đã được dùng làm nhạc hiệu cho đài Pháp - Á ở Hà Nội và Sài Gòn, "Nhà Việt Nam", "Trưng nữ vương", "Chu Văn An hành khúc”,  "Xuân về", “Cô lái đò"…       
 Cũng vậy, từ những năm  cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, Dương Thiệu Tước viết nhiều ca khúc lãng mạn: Đêm Tàn Bến Ngự (1946), Kiếp Hoa, Áng Mây Chiều, Nhạc Ngày Xanh, Dưới Nắng Hồng, Xuân Mới, Thiếu Niên Xuân Khúc Ca, Thuyền Mơ...  
Cung Tiến được xem như nhạc sĩ trẻ nhất có hai sáng tác đầu tay viết theo dòng nhạc tiền chiến được phổ biến rộng: Hoài cảm (1952) viết lúc mới 14 tuổi, Thu vàng (1953) lúc 15 tuổi, nhưng được coi là hai tình khúc bất hủ của tân nhạc Việt Nạm.
Còn Lê Thương, ngoài tình ca ra, nhạc sĩ tài hoa đa hệ nầy, “chuyển hệ” viết các bản nhạc hài hước, trào phúng Hòa bình 48, Liên hiệp quốc, Làng báo Sài Gòn, Đốt hay không đốt… Ông còn đặt lời cho những bản nhạc ngoại quốc ngắn như Nhớ Lào (nhạc Lào), Bông hoa dại tức Ô Đuồng Chăm Pá (nhạc Lào), Lòng trẻ trai (nhạc Hoa Kỳ), Hoa anh đào (tức Sakura - nhạc cổ Nhật), Màn Brúc đánh giặc (dân ca Pháp)... Lê Thương được xem như những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi với những bản: Tuổi thơ, Cô bán bánh, Con mèo trèo cây cau, Thằng bé tí non, Ông Nhang bà Nhang, Truyền kỳ Việt sử, Học sinh hành khúc... Nổi tiếng hơn cả là bài Thằng Cuội thường được trẻ em hát trong mỗi dịp tết Trung Thu, được nhiều người xem như đồng dao mà quên hẳn tên tác giả: Bóng trăng trắng ngà/Có cây đa to/ Có thằng Cuội già/ Ôm một mối mơ… Thời kỳ  nầy, ông có soạn một ca khúc rất nổi tiếng Lòng mẹ Việt Nam (Bà Tư bán hàng) nói về một bà mẹ thành phố có các con tham gia kháng chiến. Và bài hát đó là một trong những lý do Lê Thương bị Pháp bắt giam vào khám Catinat cùng Phạm Duy và Trần Văn Trạch năm 1951.      
Đáng lưu ý là năm 1949, Văn Phụng và Văn Khôi viết Trăng sơn cước, tác phẩm điệu Rumba đầu tiên và năm 1952, Lam Phương viết Chiều thu ấy lúc mới 15 tuổi, Lưu Trọng Nguyễn viết Nắng chiều, hai nhạc phẩm điệu bolero đầu tiên ra đời cùng năm. Giai điệu cả ba đều đơn giản, nhẹ nhàng được coi như là ba ca khúc khai mở cho dòng nhạc vàng sau này.       
Việc quảng bá, trình diễn ca khúc trữ tình được chính quyền thực dân khuyến khích, tạo điều kiện. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn…, chính quyền lập nhiều ban nhạc: mỗi nơi đó đều có các ban nhạc của đài phát thanh khu vực, đoàn quân nhạc của Bảo chính đoàn, của Tiểu đoàn danh dự. Riêng ở Sài Gòn có thêm ban nhạc của đài phát thanh Pháp Á với một dàn nhạc “hoành tráng” và một lực lượng biên tập, nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ hùng hậu. Các phòng trà, quán bar có nhóm nhạc nhẹ, nhạc khiêu vũ vô cùng nhộn nhịp với nam thanh nữ tú dập dìu trong những bản tình ca lãng mạn, lãng quên thời cuộc. Lúc nầy ở các thành phố lớn có những ca sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng: ở Sài Gòn, có Thu Hồ, Minh Diệu, Mạnh Phát, Châu Kỳ, Tôn Thất Sở..., ở Hà Nội cũng nhiều nhưng được mến mộ nhất là tài tử Ngọc Bảo.      
Ở giai đoạn nầy, Pháp cũng đẻ ra một loại nhạc tâm lý chiến chống Việt Minh, nhưng rất gầy guộc và èo uột, do chính nghĩa sáng ngời tỏa ra từ cuộc đấu tranh giải phóng, nhân dân ở thành lòng hướng về phía chính nghĩa, còn các nhạc sĩ tài năng hoặc đã đi theo chính nghĩa hoặc “trùm chăn” viết tình ca, né tránh chuyện chính trị, thế thời.
Nhạc tâm lý chiến 
Việt Nam Cộng hòa 1954 -1975 
Thời kháng chiến chống Pháp, ở vùng tạm chiếm, thực dân Pháp và tay sai đã đẻ ra một loại nhạc thường được gọi là nhạc tâm lý chiến, nhưng số người viết nhạc xu thời đi theo rất ít, mà chỉ toàn là bất tài, nên chỉ có vài bài hát tuyên truyền không có giá trị nghệ thuật mà công chúng cũng không hề quan tâm đến. Đến thời Mỹ vào miền Nam, bộ máy tuyên truyền, dân vận, chiêu hồi được tổ chức quy mô hơn, Bộ Thông tin - Dân vận - Chiêu hồi của VNCH có hẳn một nha chuyên trách về tuyên truyền văn nghệ, trong đó có ca nhạc. Ca khúc tâm lý chiến của Việt Nam cộng hòa có thể quy về 2 dạng: nhạc chống Cộng và nhạc lính.     
Nhạc chống Cộng là nhạc có nội dung trực tiếp ca ngợi chế độ và chiến công của người lính cộng hòa, phê phán chủ nghĩa xã hội và đả kích người cộng sản Việt Nam, quân ca, hành khúc của các quân, binh chủng, các đơn vị quân đội Sài Gòn, được viết theo đơn đặt hàng của chính quyền Sài Gòn và cơ quan International Voluntary Service - IVS (tiền thân của Peace Corps - Đội quân Hòa bình sau nầy), một tổ chức chính trị ngoại vi của USAID, Mỹ.  
Hùng Cường và Phạm Duy có nhiều sáng tác thuộc loại nhạc nầy. Hùng Cường nguyên là một diễn viên cải lương, sau 1960 chuyển sang hát kịch động nhạc, rồi viết bài hát chống Cộng, như: Hành khúc người trở lại, Tình trăng bến hảo, Tâm khúc người về…, nhưng cả giai điệu lẫn ca từ đều không có giá trị nghệ thuật nên không thu hút được công chúng. Còn“phù thủy âm thanh” Phạm Duy thì khác. Từ năm 1956, khi Ngô Đình Diệm chấp chính ở miền Nam, Phạm Duy đã có bài hát Chào mừng Việt Nam để đón chào chế độ mới, ca kịch Chim lồng so sánh 2 thể thế Cộng sản và Quốc gia. Rồi hàng loạt tác phẩm ra đời sau Mậu Thân 1968: Tôi không phải là gỗ đá, Nhân danh (thơ Tâm Hằng), Bi hài kịch (thơ Thái Luân), Đi vào quê hương (thơ Hoa Đất Nắng), Người lính trẻ, Bà mẹ phù sa…      
Trước đó, năm 1965, ông có bài hát Kẻ Thù Ta (Tâm ca số 7), mà có người không hiểu, xếp vào dòng nhạc phản chiến (công bằng mà nói, Phạm Duy có nhiều bài hát thuộc dòng nhạc phản chiến nhưng không phải bài nầy), nhưng những người hiểu, thì cho rằng ông đã đánh đồng chính nghĩa với phi nghĩa, chiến tranh giải phóng dân tộc với chiến tranh xâm lược, kẻ xâm lăng với người nghĩa sĩ. Ca từ bài hát có đoạn: “Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa/ Kẻ thù ta mang lá bài tự do/ Mang cái vỏ thật to/ Mang cái rổ danh từ/ Mang cái mầm chia rẽ chúng ta…”.     
Điều làm nhiều người ngạc nhiên hơn cả là ông còn viết cả một ca khúc động viên thanh niên đi lính cộng hòa, mà có thời trở thành nhạc hiệu, bài hát chính thức của đài phát thanh Quân đội VNCH: “Một, hai, ba, chúng ta đi lính Cộng Hòa/ Vì quê hương chúng ta thì rất hiền hòa/… Đi, đi nào cùng đi, đi giữ phố phường/ Đi, đi nào cùng đi, đi giữ ruộng nương…”.       
Nhà nghiên cứu văn nghệ và triết học Nguyễn Trọng Văn trong cuốn sách “Phạm Duy đã chết như thế nào?”(1971) gây tiếng vang rất lớn trong giới trí thức, văn nghệ sĩ và sinh viên học sinh miền Nam thuở ấy, nhận định rằng: sau ca khúc kháng chiến và tình khúc, khi làm bồi bút cho chính quyền, Phạm Duy coi như đã chết.           
Một điều không bình thường và chưa có tiền lệ trong một thể chế cộng hòa là bài hát “Suy Tôn Ngô Tổng Thống” với nhạc của Ngọc Bích, lời của Thanh Nam đã trở thành quốc ca 2 của nền đệ nhất cộng hòa, khi trở thành bài hát chính lễ  trong nghi thức chào cờ sau bài quốc ca 1 là bài ‘Tiếng Gọi Thanh Niên” của Lưu Hữu Phước được sửa lại lời ca. Sự bợ đỡ, chuyên quyền, phong kiến của một chế độ phô bày trắng trợn trong nội dung ca từ và nghi lễ tôn sùng cá nhân lảnh tụ. Bài hát mở đầu bằng 2 câu: “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người/ Cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do…”. Quốc ca 2 được dân chúng miền Nam chế thành mấy dị bản và hát nghêu ngao cùng nhau. Hoặc trở thành nhạc hài hước: “Tôi đi ngang tiệm hủ tiếu trong Đô Thành/ Thấy họ bán thịt phở tái thiệt là ngon…”. Hoặc trở thành một “chính ca” khác, nhưng  nói mé về hành tung lảnh tụ: “Ai bao năm từng chui rúc trong nhà dòng/ Trốn mất đất, chạy theo gót quân thực dân…”.        
Có thể đưa vào loại nhạc nầy ca khúc nói về một chiến trận cụ thể như Cờ bay trên Quảng Trị thân yêu (thơ Tô Kiều Ngân) của Trương Hoàng Xuân, Tiếng hát Bình Long về Trị Thiên anh dũng của tập thể Cục Chính huấn Quân lực VNCH…      
Cũng có thể đưa vào đây các bản quân ca, hành khúc của các quân, binh chủng, các đơn vị quân đội VNCH được viết theo đơn đặt hàng của quân đội Sài Gòn. Như : Lục quân (hoặc Không quân, Hải quân, Biệt động quân, Thiết giáp binh…) VNCH  hành khúc; Sư đoàn nhảy dù (hoặc Thủy quân lục chiến, Bộ binh số 1, 2. 3, 5, 18, 22…) hành khúc; Trường Võ bị Đà Lạt (hoặc Võ khoa Thủ Đức, Hải quân…) hành khúc. Trần Thiện Thanh (ca sĩ Nhật  Trường) cũng đóng góp vào đây bài Sư đoàn 1 Bộ binh hành khúc.          
Loại nhạc tâm lý chiến thừ hai là nhạc lính. Nhạc lính tâm lý chiến là loại nhạc ca ngợi “chính nghĩa quốc gia”, chống Cộng một cách gián tiếp, tế nhị, khéo léo hơn và được phổ biến sâu rộng hơn trong công chúng. Ca từ của nhạc lính thường là ngôn ngữ giản dị, bình dân, dễ hiểu, nội dung vẽ lên hình ảnh oai hùng, phong sương, hào hoa, có khi “chịu chơi”, ra trận chịu đựng gian khó bởi lý tưởng “vì yêu quê hương” của người lính cộng hòa. Phải xác định rõ rằng, trong dòng nhạc tâm lý chiến VNCH có nhạc lính, nhưng không phải tất cả nhạc lính đều là nhạc tâm lý chiến, như một số nhà nghiên cứu âm nhạc hiện nay đã không khách quan khi quy kết, đồng hóa, do định kiến chính trị và cũng do chưa từng thâm nhập vào sự đa dạng, phong phú của các dòng nhạc Miền Nam thời chiến. Do hoàn cảnh khách quan tác động trực tiếp vào khung nhìn, tầm nhìn, trước hết và cụ thể là ở đâu cũng thấy bóng dáng người lính trong thời ly loạn nên hầu hết các nhạc sĩ miền Nam thời đó đều có bài hát về lính, tuy số lượng ca khúc, giá trị tư tưởng - nghệ thuật, quan điểm chính trị, không gian nghệ thuật trong từng ca khúc, từng tác giả có khác nhau. Nhiều nhạc phẩm viết về người lính nhưng không phải ca ngợi họ mà qua đó nói lên tâm tư của con người trước cuộc chiến, thân phận con người trong chiến tranh. Hoặc do đề tài thời thượng của người lính, nên có nhạc sĩ viết về lính vô tình phục vụ cho chính sách dân vận của chế độ. Hoặc viết ra do mối ân tình riêng sâu đậm với một con người vừa khuất, mà người ấy là nhân vật có vai vế  trong quân lực VNCH.
Thậm chí, cả nhạc sĩ phản chiến hàng đầu là Trịnh Công Sơn cũng có bài hát về lính: Cho một người vừa nằm xuống viết về một người bạn của nhạc sĩ là đại tá không quân VNCH Lưu Kim Cương tử trận trong trận Mậu Thân đợt 2.        
Nhạc về lính  lại có 2 dạng: một là kích động nhạc, hai là tình ca. Kích động nhạc thường viết theo thể điệu rock và twist - một biến thể của rock có giai điệu mạnh, giậm giựt, “giật gân", sôi động, khi biểu diễn ca sĩ kết hợp hát với “nhảy twist”. Các nhạc sĩ viết về lính theo loại nhạc nầy có: Anh Thy, Hùng Cường…:  Anh là lính đa tình, Hờn anh giận em, Lính mà em, Đám cưới nhà binh, Thiên thần Mũ đỏ, Người yêu lý tưởng… Đặc biệt với tựa là Lính mà em có đến 2 bài hát khác nhau của Anh Thy và  Y Vân.  Lính mà em gốc là của nhạc sĩ Y Vân, phổ thơ Lý Thuỵ Ý, viết theo điệu slow rock, rồi năm 1968 Anh Thy đặt lời khác theo điệu chachacha kích động cho binh chủng hải quân VNCH.       
Loại nhạc lính thứ hai là tình ca về lính, được viết trên những giai điệu, đơn giản, chậm buồn, đều đều, mang âm hưởng dân ca, nhẹ nhàng của boléro, rumba, ballade…, phổ biến nhất là bolero được hát bằng giọng thứ quãng âm trung hoặc trầm chậm. Nói rõ hơn đó chính là nhạc vàng viết về đề tài người lính VNCH. Có rất nhiều nhạc sĩ với rất nhiều ca khúc thuộc loại nhạc nầy: Phạm Đình Chương với Lá thư người chiến sĩ, Anh đi chiến dịch…; Phạm Thế Mỹ với Những ngày xưa thân ái, Trăng tàn trên hè phố; Y Vân với Bức thư trên lô cốt, Đi bên lính, Lính du xuân, Người lính yêu em, Thăm lính; Trúc Phương với 24 giờ phép, Tình người chiến binh, Trên bốn vùng chiến thuật…; Lam Phương với Bức tâm thư, Tình anh lính chiến, Chiều hành quân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân; Thanh Sơn với Lính tâm sự, Ngày phép của lính, Tâm sự hai giờ gác;  Lê Dinh - Minh Kỳ với Mười ba tuổi lính, Cánh thiệp đầu xuân; Trầm Tử Thiêng với Quân trường vang tiếng gọi, Đêm di hành, Mưa trên poncho; Diên An với Đừng gọi anh bằng chú; Châu Kỳ - Hồ Đình Phương với Con đường xưa em đi; Lê Dinh với Sau ngày hành quân, Phó Quốc Lân với Anh tôi …             
Nổi bật hơn cả là Trần Thiện Thanh với phân nửa trong 100 tình ca của ông là ca khúc về lính, trong đó nhiều bài viết về các sĩ quan VNCH tử trận, được  ký dưới nhiều bút hiệu khác nhau: Trần Thiện Thanh, Trần Thiện Thanh Toàn, Trần Thiện Thanh Tâm, Thanh Trân Trần Thị, Anh Chương, Nhật Trường… như: Tâm sự người lính trẻ, Bay lên cao, Bắc Đẩu, Anh về với em (1964), Người yêu của lính (1965), Tuyết trắng (1966), Tạ từ trong đêm (1966), Tình thư của lính (1968), Chị Ba Hàng Xanh (1968): Rừng lá thấp (1968), Anh không chết đâu em(1971), Người ở lại Charlie (1972), Chuyện tình Mộng Thường (1972)…        
Đặc biệt, Anh Thy là nhạc sĩ chuyên viết về  chủ đề Hải quân Việt Nam Cộng hòa với khoảng 20 ca khúc. Ngay cả tựa đề bài hát cũng đã thể hiện rõ chủ đề rồi: Hải quân Việt Nam, Biển tuyết, Hải đăng (viết chung với Đài Phương Trang), Hoa biển, Một đêm hải hành (viết chung với Nguyễn Vũ), Tâm tình người lính thuỷ… Trong đó, bài Hoa biển có một xuất xứ rất lạ lùng khi có đến 3 đồng tác giả: đây là một bản nhạc chỉ có giai điệu, chưa viết lời của Trần Thiện Thanh được Anh Thy dựa vào ý thơ của Vũ Thất viết lời và xuất bản lần đầu vào năm 1965.       
Phạm Duy cũng đóng góp vào nhiều ca khúc về đề tài Không quân VNCH: Điệp khúc Trần Thế Vinh, Vùng trời mang tên ta, Lên trời, Trong bão cát mưa rừng, Huyền sử ca một người mang tên Quốc … và một tình khúc về lính được phổ biến rất rộng rãi: Kỷ vật cho em (thơ Linh Phương)…     
Dòng nhạc tâm lý chiến được quảng bá rộng rãi nhờ các phương tiện truyền thông của chế độ. Ngoài các đài truyền hình, phát thanh Sài Gòn và khu vực như Huế, Cần Thơ, chính phủ còn lập ra các đài phát thanh ở Trung ương: Quân đội, Tự do… Chính quyền Washington còn thông qua USAID tài trợ ngân sách cho International Voluntary Service - IVS, lập một loạt đài phát thanh chống Cộng: Mẹ Việt Nam, Gươm thiêng ái quốc, Cờ Đỏ, Sao Đỏ, Đài Tiếng nói Việt Nam "dỏm"… Các đài này có ban văn nghệ ưu tiên phát các chương trình văn nghệ chống Cộng.
Lê Thiên Minh Khoa
Nguồn: Trích "9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM"
nghiên cứu và nhận định của Lê Thiên Minh Khoa
Theo http://www.bongtram.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...